BÀI KINH VỀ PHÉP CHÚ TÂM DỰA VÀO HƠI THỞ ĐỨC PHẬT DẠY, Có nhiều nội dung tổng hợp hay

Thảo luận trong 'Thực hành Thiền hàng ngày - Pháp biến cải tâm thức và nghiệp chướng vi diệu' bắt đầu bởi tutru, 20 Tháng bảy 2017.

  1. tutru

    tutru Ban Quản Trị

    Tham gia ngày:
    14 Tháng mười một 2009
    Bài viết:
    513
    Điểm thành tích:
    18
    Giới tính:
    Nam
    BÀI KINH VỀ PHÉP CHÚ TÂM DỰA VÀO HƠI THỞ Anapanasati Sutta (MN 118, PTS M iii 78)và những biến đồi trong Giáo Huấn của Đức Phật qua dòng Lịch Sử Hoang Phong chuyển ngữ

    Lời giới thiệu của người chuyển ngữ

    Trong cuộc sống thường nhật chúng ta luôn bị bủa vây bởi những sự biến động của thế giới hiện tượng, nói một cách khác là bị thu hút và chi phối bởi bản chất vô thường của chính sự sống. Trong thế giới đó - gồm chung tâm thức và cả thân xác của chính mình - các hiện tượng liên tục hiện lên và biến mất. Những gì liên quan đến thân xác và ngoại cảnh thì nào là ốm đau, khỏe mạnh, người thân, kẻ thù, bạn hữu, lợi lộc, được thua, danh vọng, mất mát, công ăn việc làm, sinh hoạt xã hội, giải trí, tiệc tùng, đình đám, súng đạn, cướp bóc, khủng bố, tai ương, thảm họa, sát nhân, tín ngưỡng, chính trị, lễ lạc, cầu xin, ma chay, cưới hỏi, sinh đẻ, v.v... Bên trong tâm thức thì nào là lo buồn, sợ hãi, hy vọng, tiếc nuối, si mê, thương yêu, thất vọng, hạnh phúc, ghen tuông, khổ đau, hận thù, giận dữ, mưu mô, tính toán, v.v... Tất cả những thứ ấy thay phiên nhau diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, không buông tha chúng ta một giây phút nào cả.
    ...............................................................................................................................................................................
    [Đến đây bài kinh bắt đầu nêu lên phần chủ yếu là phép luyện tập về sự chú tâm tỉnh giác dựa vào hơi thở]

    Sự chú tâm tỉnh giác dựa vào hơi thở vào và ra

    "Trong Tăng Đoàn này có các tỳ-kheo chuyên cần luyện tập về sự chú tâm tỉnh giác(mindfulness/"chánh niệm") dựa vào hơi thở vào và ra.

    "Sự chú tâm tỉnh giác dựa vào hơi thở vào và ra nếu được phát huy và duy trì thường xuyên sẽ mang lại các kết quả to lớn và nhiều lợi ích. Sự chú tâm tỉnh giác dựa vào hơi thở vào và ra nếu được phát huy và duy trì thường xuyên sẽ giúp thực hiện được "Bốn lãnh vực chú tâm" (còn gọi là "Tứ niệm xứ" trong các kinh sách Hán ngữ, gồm: chú tâm vào thân xác, cảm giác, tâm thức và các hiện tượng tâm thần. Khái niệm này được nêu lên trong bài kinh về "Sự chú tâm tỉnh giác"/Satipatthana Sutta, Trung Bộ Kinh MN.10) ở cấp bậc tột đỉnh. "Bốn lãnh vực chú tâm" nếu được phát huy và duy trì thường xuyên sẽ mang lại "Bảy yếu tố của sự Giác Ngộ" (Thất giác chi/Bojjhanga) ở cấp bậc tột đỉnh. "Bảy yếu tố của sự Giác Ngộ" nếu được phát huy và duy trì thường xuyên sẽ mang lại "Sự hiểu biết minh bạch" (Trí tuệ) và sự "Giải Thoát" ở cấp bậc tột đỉnh.

    "Vậy phải làm thế nào để phát huy và duy trì sự chú tâm dựa vào hơi thở vào và ra, hầu mang lại "Bốn lãnh vực chú tâm" ở cấp bậc tột đỉnh?

    "Đấy là trường hợp người tỳ-kheo tìm một nơi vắng vẻ, dưới bóng cây hay trong một túp lều hoang phế, tréo chân ngồi xuống, giữ thân người thật thẳng, tập trung sự chú tâm vào phía trước mặt(tại sao lại phải tìm nơi yên tĩnh, tréo chân và ngồi yên? Chẳng qua là vì ngoại cảnh, thân xác và tâm thức luôn liên hệ với nhau, bối cảnh tĩnh mịch, thân xác bất động sẽ giúp cho tâm thức bớt xao lãng và tập trung dễ dàng hơn). Phát huy sự tỉnh giác mỗi khi hít vào, phát huy sự tỉnh giác mỗi khi thở ra.

    1- Khi hít vào dài thì người tỳ-kheo ý thức được: 'Tôi hít vào dài', khi thở ra dài thì cũng ý thức: 'Tôi thở ra dài'.

    2- Khi hít vào ngắn thì người tỳ-kheo ý thức được: 'Tôi hít vào ngắn', khi thở ra ngắn thì cũng ý thức được: 'Tôi thở ra ngắn'.

    3- Người tỳ-kheo hít vào và tập nhận biết được hơi thở vào ấy trên toàn thân thể, và khi thở ra thì cũng tập nhận biết được hơi thở ra ấy trên toàn thân thể (hô hấp cũng được xem như là một hình thứccảm giác/feeling hay một "sự tạo tác của thân thể"/body fabrication, cảm giác hay sự tạo tác đó tạo ra một sự nhận biết hay cảm nhận trên thân thể).

    4- Người tỳ-kheo tập hít vào và ý thức: 'Tôi hít vào hầu làm lắng xuống các sự tạo tác trên thân thể' (chẳng hạn như ngứa ngáy, khó chịu v.v. là các sự tạo tác trên thân thể, chú tâm thật tỉnh giác vào hơi thở sẽ làm giảm bớt các sự tạo tác đó), khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu làm lắng xuống các sự tạo tác trên thân thể'.

    5- Người tỳ-kheo tập hít vào và ý thức: 'Tôi hít vào hầu cảm nhận được sự hân hoan' (rapture, phấn khởi, sung sướng), khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu cảm nhận được sự hân hoan' (chẳng hạn như nhận thấy là mình đang "sống", đang trao đổi sự sống đó của mình với sự chuyển động của thiên nhiên và vũ trụ. Sự ý thức đó nói lên sự kính trọng và yêu quý sự sống của mình và của tất cả chúng sinh, phản ảnh sự tương giao và tương kết giữa mình và vũ trụ, sự ý thức đó sẽ mang lại cho mình một niềm vui sướng, thanh thản và thoải mái: hãy liên tưởng đến phẩm tính thứ hai trong số bốn phẩm tính của tâm thức - còn gọi là "Tứ vô lượng tâm" - là "sự hân hoan").

    6- Người tỳ-kheo tập hít vào và ý thức: 'Tôi hít vào hầu cảm nhận được sự thích thú' (pleasure/vui thích), khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu cảm nhận được sự thích thú' (chẳng hạn như cảm nhận được sự êm ái và dễ chịu - mang lại một sự sảng khoái và sức sống qua sự trao đổigiữa các thứ ô nhiễm bên trong thân xác mình với không khí trong lành của vũ trụ chẳng hạn)

    7- Người tỳ-kheo tập hít vào và ý thức: 'Tôi hít vào hầu cảm nhận được các sự tạo tác tâm thần' (tức là các tư duy, xúc cảm, tác ý hiện lên trong tâm thức), khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu cảm nhận được các sự tạo tác tâm thần'.

    8- Người tỳ-kheo tập hít vào và ý thức: 'Tôi hít vào hầu làm lắng xuống các sự tạo tác tâm thần', khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu làm lắng xuống các sự tạo tác tâm thần' (chú tâm tỉnh giácvào hơi thở - "chánh niệm" - sẽ làm lắng xuống các tác động gây ra bởi các sự tạo tác tâm thần, tức là các tư duy, xúc cảm và tác ý đang khuấy động trong tâm thức mình)

    9- Người tỳ-kheo tập hít vào và ý thức: 'Tôi hít vào hầu cảm nhận được tâm thức' (tức nhận biếtđược tâm thức mình đang hiện hữu và vận hành), khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu cảm nhận được tâm thức'.

    10- Người tỳ-kheo hít vào và tập ý thức: 'Tôi hít vào hầu mang lại sự hài hòa (an bình) cho tâm thức', khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu mang lại sự hài hòa cho tâm thức'.

    11- Người tỳ-kheo hít vào và tập ý thức: 'Tôi hít vào hầu mang lại sự vững vàng (bình thản, thăng bằng, không xao động và hoang mang) cho tâm thức', khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu mang lại sự vững vàng cho tâm thức'.

    12- Người tỳ-kheo hít vào và tập ý thức: 'Tôi hít vào hầu buông xả tâm thức', khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu buông xả tâm thức' (buông xả ở đây có nghĩa là không bám víu vào bất cứ tư duy, xúc cảm hay tác ý nào dấy lên bên trong tâm thức)

    13- Nguời tỳ-kheo hít vào và tập ý thức: 'Tôi hít vào hầu chú tâm vào vô thường', khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu chú tâm vào vô thường' (chữ "vô thường" là dịch từ chữ "anicca" trong bản kinh gốc tiếng Pa-li, nhà sư Thanissaro Bhikkhu dịch chữ này là "bất định"/inconstance, trong trường hợp này có thể hiểu là tính cách phù du và nhất thời của các tư duy, xúc cảm và tác ý; chúng hiện lên, hiện hữu và biến mất bên trong tâm thức. Trong trường hợp nếu dịch chữ anicca là "vô thường" thì chữ này sẽ mang ý nghĩa bao quát hơn, tức là tính cách "bất định" không những chỉ liên hệ đến các tư duy, xúc cảm và tác ý bên trong tâm thức mà còn nêu lên tính cách phù du của tất cả các hiện tượng/dhamma bên ngoài tâm thức, tức môi trường chung quanh, trong đó kể cả thân xác, các cảm giácgây ra bởi sự tiếp xúc giữa các giác quan và các đối tượng cảm nhận của chúng).

    14- Người tỳ-kheo hít vào và tập ý thức: 'Tôi hít vào hầu chú tâm vào sự tỉnh ngộ', khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu chú tâm vào sự tỉnh ngộ' (tỉnh ngộ ở đây có nghĩa là thức tỉnh hay bừng tỉnh, tức là không còn thèm khát hay bám víu vào bất cứ gì nữa, bởi vì tất cả đều là vô thường; chữ tỉnh ngộ được dịch từ chữ "viraja" trong bản kinh gốc tiếng Pa-li, chữ này có nghĩa từ chương là "không dính bẩn". Nhà sư Thanissaro Bhikkhu dịch là dispassion/không thèm muốn hay thèm khát, tuy nhiên ông cũng có ghi chú thêm trong hai dấu ngoặc cho biết chữ này có nghĩa từ chương là fading/phai mờ, phai nhạt. Theo một vài tự điển Pa-li khác được tra cứu thêm thì chữ này cũng có nghĩa là "không bị ô nhiễmhay vướng mắc bởi các sự thèm khát"/free from defilement or passion. Sở dĩ dài dòng là để nhắc nhở người hành thiền sau khi quán thấy được các đặc tính vô thường và bất định của mọi hiện tượng bên trong tâm thức, trên thân xác cũng như bên ngoài thế giới thì không nên chỉ dừng lại ở sự cảm nhận đó mà phải "tỉnh ngộ" hay "thức tỉnh" hầu buông bỏ chúng. Do đó không phải chỉ biết "chánh niệm" là đủ mà còn phải "tỉnh ngộ" và "buông bỏ").

    15- Người tỳ-kheo hít vào và tập ý thức: 'Tôi hít vào hầu chú tâm vào sự đình chỉ ("nirodha"/cessation/sự chấm dứt hay dừng lại. Kinh sách Hán ngữ còn gọi là đoạn diệt), khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu chú tâm vào sự đình chỉ'.

    16- Người tỳ-kheo hít vào và tập ý thức: 'Tôi hít vào hầu chú tâm vào sự buông bỏ (tức là buông ra, không nắm bắt bất cứ gì nữa cả, hoàn toàn buông bỏ), khi thở ra thì cũng tập ý thức: 'Tôi thở ra hầu chú tâm vào sự buông bỏ' (tóm lại: sau khi "chánh niệm" thì phải "giác ngộ" hay "bừng tỉnh", sau khi "giác ngộ" hay "bừng tỉnh" thì phải "buông bỏ", nếu không "buông bỏ" thì sẽ tiếp tục "luân hồi").

    "Đấy là cách phát huy và duy trì thường xuyên sự chú tâm tỉnh giác dựa vào hơi thở vào và ra, hầu mang lại các kết quả thật to lớn và nhiều lợi ích.

    [Đến đây bài kinh bắt đầu trình bày chi tiết hơn về các đối tượng của sự chú tâm tỉnh giác trên đây]

    Bốn lãnh vực của sự chú tâm

    Vậy phải làm thế nào để phát huy và duy trì thường xuyên sự chú tâm tỉnh giác dựa vào hơi thởvào và ra (anapanassati) hầu thực hiện "Bốn lãnh vực của sự chú tâm" (Satipatthana/"Tứ niệm xứ") ở cấp bậc tột đỉnh?
    ........................................................................................................................................................................

    Kết luận

    Không riêng gì Giáo Huấn của Đức Phật bước vào một cuộc phiêu lưu mà bất cứ một trào lưu tư tưởng, tín ngưỡng, kể cả các thể chế xã hội hay nền văn minh nào cũng đều phiêu lưu như nhau trong thế giới hiện tượng. Nếu nhìn ngược vào bên trong tâm thức và trên thân thể mình thì từng tư duy, xúc cảm, ngôn từ hay hành động, tất cả đều đưa đẩy mình vào những cuộc phiêu lưu bất tận mà mình không hề định hướng hay ý thức được. Khi nhìn vào một người có vẻ rất bình thường, ngôn từ và hành động không có gì khác lạ, thì chúng ta có thể nghĩ rằng cuộc phiêu lưu của tư duy, xúc cảm và tác ý bên trong nội tâm của người ấy bình thường và êm ả, nhưng thật ra những gì hiện ra bên ngoài đó cũng có thể che dấu một tâm thức xao động, đầy hoang mang, lo âu và sợ hãi. Đối với một người điên loạn thì thật hết sức rõ ràng, cuộc phiêu lưu bên trong nội tâm của người này là cả một cơn ác mộng. "Bài kinh về phép chú tâm dựa vào hơi thở" trên đây là một phương pháp giúp biến cải và chủ động cuộc phiêu lưu đó bên trong tâm thức của mỗi người trong chúng ta.

    Một con tinh trùng của cha, một cái noãn cầu của mẹ hội ngộ trong một cuộc phiêu lưu đưa chúng ta vào một cuộc hành trình kéo dài một trăm năm hay cũng có thể ngắn hơn. Thuở ấu thơ cha mẹtập chúng ta từng bước nhỏ, lớn khôn chúng ta biết chạy nhảy và ra đi, trở thành những con người xinh đẹp hay xấu xí, khỏe mạnh hay ốm yếu, khẳng khiu hay to béo, thông minh hay đần độn, hăng hái hay rụt rè, và dù như thế nào thì chúng ta cũng ra đi. Mặc dù ý thức được rằng mình đang ra đi và sẽ gặp không biết bao nhiêu khúc quanh và trở ngại đang chờ đợi mình, nhưng mình không thể nào dừng lại được.

    Trong suốt một trăm năm đó, nghiệp và cơ duyên kín đáo xui khiến, thúc dục và đưa đẩy mình từng bước một trong thế giới hiện tượng này. Trong cuộc du hành đó dù đôi khi chúng ta cũng cảm nhận được ít nhiều lý thú, thương yêu và rung động, thế nhưng dường như lúc nào cũng bàng bạc đau buồn và mất mát. Chúng ta thường nghĩ rằng rồi đây khi nhắm mắt thì cuộc phiêu lưu đang lôi cuốnmình trong lúc này cũng sẽ chấm dứt, thế nhưng thế giới hiện tượng, trong đó có cả mình, vẫn cứ tiếp tục chuyển động và xoay vần, nhắm mắt cũng chỉ là một cách tạo điều kiện cần thiết để đưa mình vào một cuộc phiêu lưu khác, tương tự như thức giấc sau một đêm dài ngủ say.

    Kiếp nhân sinh cuối cùng của Đức Phật cũng vậy, cũng là một cuộc du hành, một cuộc phiêu lưu thật dài, thế nhưng có một sự khác biệt thật căn bản so với chúng ta: Ngài là một kẻ "lữ hành trong Đạo Đức và Sự Thật" mang nặng lòng từ bi và một sự quyết tâm sắt đá, trong khi đó thì cuộc phiêu lưu của chúng ta chỉ loanh quanh trong khổ đau, hoang mang và thèm khát. Trước khi hòa nhập vào Đại-bát Niết-bàn Ngài đã nhắc lại cuộc hành trình đó với người đệ tử sau cùng mà Ngài vừa thụ phong là Subhadda (Tu-bạt Đà-la) như sau:

    "Này Subhadda, thuở ấy mới vừa hai-mươi-chín tuổi,

    Ta đã rời bỏ thế giới hầu mong cầu sự Tốt Đẹp;

    Này Subhadda, thế rồi năm-mươi-mốt năm trôi qua.

    Trong suốt thời gian ấy ta từng là một kẻ lữ hành,

    ngao du trong thế giới của Đạo Đức và Sự Thật,

    Chỉ trừ một điều là trong cái thế giới đó, Ta chưa trông thấy một thánh nhân nào [ở cấp bậc thứ nhất], cũng chẳng có một thánh nhân nào ở cấp bậc thứ hai, thứ ba hay thứ tư.

    Chẳng thấy có một người [tu hành] khổ hạnh đích thật nào trong các hệ thống [giảng dạy] của các vị thầy khác.

    Thế nhưng, này Subhadda, nếu các tỳ-kheo [của Ta] biết sống một cách đúng đắn thì thế giới nào có thiếu gì những vị A-la-hán đâu".

    (Kinh Maha-parinibbana Sutta/Đại-bát Niết-bàn Kinh, Trường Bộ Kinh DN 15, phân đoạn V, tiết mục 62, theo bản dịch từ tiếng Pa-li sang tiếng Anh của ni cô Vajira và Francis Story: Maha-parinibbana Sutta: Last days of the Buddha, Buddhist Publication Society, Kandy, Sri Lanka, 1998)

    Qua những lời di huấn trên đây Đức Phật đã nhắc lại quãng đời mà mình đã trải qua trong Đạo ĐứcSự Thật như là một tấm gương, nhằm mục đích khuyến khích các đệ tử của mình hãy noi theo để biết sống một cách đúng đắn. Vậy sống đúng đắn trong thế giới hiện tượng là phải như thế nào? Đó là cách phải dừng lại, tương tự như Đức Phật đã từng dừng lại, dừng lại trước sự thúc dục của bản năng, trước những thứ mê hoặc của sự sống, trước mọi chuyển động của thế giới, bởi vì tất cả những thứ ấy luôn sẵn sàng lôi cuốn mình vào những cuộc phiêu lưu bất tận. Sự dừng lại đó cũng là một điều kiện cần thiết giúp mình "trở về" với chính mình, với sự Trống KhôngYên Lặng của thân xác, cảm giác, tâm thức và các hiện tượng hiện lên bên trong tâm thức của chính mình.

    "Bài kinh về phép chú tâm dựa vào hơi thở" trên đây chính là phương pháp giúp mình thực hiệnsự dừng lại đó. Đức Phật cho biết là mình "rất hài lòng về phép luyện tập này, mãn nguyện từ trong thâm tâm về phép luyện tập này". Trong dịp an cư tại Savatthi Ngài cho biết là mình sẽ lưu lại thêm một tháng để chờ các tỳ kheo khắp nơi tề tựu về khu vườn phía đông trong trang viên của bà mẹ vị Migara trước khi Ngài thuyết giảng bài kinh này cho họ.

    Bài kinh gồm hai phần: trước hết Đức Phật giảng về phép mượn hơi thở để tập trung sự chú tâmhướng vào thân xác, cảm giác, tâm thức và các hiện tượng tâm thần, sau đó Ngài nhắc lại tất cả các yếu tố căn bản góp phần mang lại Đạo Đức và Trí Tuệ. Điều này cho thấy người tu tập phải hội đủ tất cả các phẩm tính mang lại cho mình một thân xác tinh khiết và lành mạnh, một tâm thức trong sáng và thăng bằng, hầu giúp mình có thể luyện tập thiền định một cách hữu hiệu. Như vậy nếu cho rằng chỉ cần " kiến tánh là thành Phật" hay "niệm Phật thành Phật" thì đấy chỉ là các hình thức đơn giản hóa quá đáng Giáo Huấn của Đức Phật mà thôi. Sau đây là những lời cuối cùng mà Ngài đã lưu lại hầu nhắc nhở chúng ta về những chặng đường mà Ngài đã nêu lên trong cuộc hành trình cuối cùng đưa chúng tađến "bên kia" của "bên kia" bờ Giác Ngộ:

    "Này các tỳ-kheo, vậy Giáo Huấn trên đây [của Ta] gồm những gì? Đấy là Bốn lãnh vực của sự chú tâm tỉnh giác (Satipatthana/Tứ niệm xứ), Bốn sự cố gắng đúng đắn (Sammappadhana/Tứ chánh cần), Bốn sức mạnh kỳ diệu (Iddhi-pada/Tứ thần túc), Năm khả năng (Indriya/ngũ căn), Năm sức mạnh (Bala/Ngũ lực), Bảy yếu tố giác ngộ (Bojjhanga/Thất giác chi), Con đường gồm tám sự đúng đắn(Aryastangica-marga/Bát chánh đạo). Này các tỳ-kheo đấy là những gì mà Ta đã trực tiếp chứng nghiệmđược cho chính mình và mang ra giảng dạy cho các tỳ-kheo, vậy các tỳ-kheo phải ra sức học hỏi, trau dồi, phát huy và thường xuyên luyện tập, và nhờ đó các tỳ kheo sẽ thực hiện được một cuộc sống tinh khiết và lâu bền, hầu mang lại niềm an vui và hạnh phúc cho muôn loài, và đấy cũng chính là vì lòng từbi đối với thế giới, và vì sự lợi ích cũng như sự an lành và niềm hạnh phúc cho thiên nhân và cả con người".

    (id, phân đoạn III, tiết mục 62. Ngoài ra cũng xin lưu ý là các thuật ngữ tiếng Hán ghép thêm trong các dấu ngoặc là chỉ nhằm mục đích duy nhất giúp các độc giả đã quen thuộc với Phật giáo Hán ngữ dễ theo dõi mà thôi).

    Những gì trên đây cho thấy việc tạo ra một mảnh đất thuận lợi hầu tìm một sự giải thoát cho mình là công trình và sự cố gắng của cả một đời người, Thế nhưng chúng ta thường thấy phần đông những người tu tập chỉ loanh quanh trong việc chuẩn bị mảnh đất nhưng không hề nghĩ rằng là mình phải trồng hoa mầu để tạo ra một nơi an trú cho mình. "Bài kinh về phép chú tâm dựa vào hơi thở" sẽ giúp mình dừng lại trước cuộc phiêu lưu đang đưa đẩy đời mình để có thể gieo những hạt giống ấy.

    Vậy chúng ta hãy mang ra thực hành những lời hướng dẫn thật rõ ràng trong bài kinh trên đây, hầu phát huy một sự chú tâm thật tỉnh giác giúp mình trở về với chính mình, với thân xác, cảm giác, tâm thức mình và các hiện tượng tâm thần hiện lên bên trong tâm thức đó. Dưới đây là tóm lược và lập lại thật ngắn gọn phép luyện tập về sự chú tâm đó.

    Trước hết chúng ta tìm một nơi yên tĩnh, chọn một chiếc gối ngồi (tọa cụ) thích hợp với tầm vóc của mình, tréo chân ngồi xuống, giữ lưng thật thẳng, quên đi cuộc phiêu lưu đang mê hoặc và thúc đẩymình và "đặt sang một bên mọi sự bám víu và lo buồn liên quan đến thế giới", sau đó tập trung sự chú tâm vào phía trước mặt, mượn con đường của hơi thở để mang sự chú tâm ấy vào bên trong chính mình. Sự chú tâm đó gồm có bốn giai đoạn hay cấp bậc:

    1- Chú tâm vào thân xác

    Giai đoạn đầu tiên và cũng dễ thực hiện hơn hết là tập trung sự chú tâm hướng vào thân xác bên trong thân xác, có nghĩa là không còn quan tâm đến béo lùn, to lớn, thơm tho, hôi hám, trẻ trung, xinh đẹp, già nua, xấu xí, v.v, bởi vì những thứ ấy tuy thuộc vào thân xác nhưng không phải là thân xác; đồng thời cũng không nghĩ đến ruột gan, phèo, phổi, gan thận, máu huyết, các thứ bệnh tật bên trong cơ thể.., bởi vì những thứ ấy tuy thuộc vào thân xác, là thành phần của thân xác, nhưng không phải là thân xác. Chỉ cần duy nhất chú tâm vào hơi thở, đến một lúc nào đó thì mình sẽ chỉ còn cảm nhận được hơi thở vào và ra, thân xác qua các thể dạng hỗn tạp trên đây sẽ hóa thành một sự "trống không thậtyên lặng và mênh mông". "Này các tỳ-kheo, Ta khuyên các tỳ-kheo hãy xem hơi thở vào và ra là một thểdạng thân xác, tương tự như các thể dạng thân xác khác". Dù cảm nhận được là mình to béo, xinh đẹphay xấu xí, hoặc cảm nhận được đầu, mình, tứ chi, phèo phổi, máu huyết, các thứ bệnh tật của mình, v.v. thì chúng cũng chỉ là các thành phần hay thể dạng thân xác, mỗi thứ đều tương tự như nhau. Phía sau những thứ ấy chỉ là một sự trống không to lớn mà thôi.

    Hãy tập luyện như thế cho quen dần, sau đó mỗi khi ngồi xuống thì mượn ngay hơi thở để chú tâm vào thân xác, một lúc sau thì sẽ chỉ còn cảm nhận được hơi thở, thân xác trở thành một sự "trống không thật sâu xa". Sau khi thực hiện thuần thục được giai đoạn này thì sẽ tập hướng sự chú tâm vào các cảm giác.

    2- Chú tâm vào cảm giác

    Sau khi ngồi xuống và biến thân xác trở thành hơi thở vào và ra thì tiếp tục mượn các làn hơi thở ấy để hướng sự chú tâm vào các cảm giác bên trong các cảm giác, tức có nghĩa là ý thức được các sự cảm nhận như nóng, lạnh, các sự đụng chạm của da thịt, mùi, vị, âm thanh, tiếng động, tất cả chỉ đơn giản là các sự nhận biết của các giác quan. Tuy chúng liên hệ với cảm giác nhưng không phải là cảm giác mà chỉ là những sự tiếp xúc giữa các cơ quan giác cảm và môi trường chung quanh. Đồng thời các sự nhận biết như thích thú, khó chịu hay trung hòa, dù tùy thuộc vào cảm giác nhưng không phải là cảm giác mà chỉ là những sự diễn đạt của tâm thức về những sự tiếp xúc giữa các cơ quan giác cảm và môi trường. Do đó chỉ cần tập trung sự chú tâm vào hơi thở, đến một lúc nào đó thì chỉ còn cảm nhận được hơi thở vào và ra, các cảm giác chỉ là nhưng sự tiếp xúc giữa các giác quan và môi trường, những thứ ấy đều như nhau, không có một sự khác biệt nào giữa các cảm giác với nhau. "Này các tỳ-kheo, Ta khuyên các tỳ-kheo hãy xem sự hít vào và thở ra ấy là một hình thức cảm giác tương tự như các cảm giác khác". Dù cảm nhận được là nóng, lạnh, đau đớn, khó chịu, thích thú hay trung hòa thì tất cả cũng tương tự như nhau: mỗi cảm giác cũng chỉ là một sự cảm nhận. Từ bên trong của bên trong chúng mọi cảm giác đều là một sự "trống không thật sâu xa"..

    3- Chú tâm vào tâm thức

    Sau khi thực hiện được giai đoạn thứ nhất là hòa nhập thân xác với hơi thở, và giai đoạn thứ hai là hòa nhập các cảm giác với hơi thở, thì tiếp tục mượn các làn hơi thở ấy để chuyển sự chú tâm hướng vào tâm thức bên trong tâm thức, hầu nhận biết thật minh bạch các hiện tượng hiện lên bên trong tâm thức mình dưới hình thức tư duy, xúc cảm và tác ý - tức là các sự tạo tác tâm thần - và ý thức được rằng tuy chúng thuộc vào tâm thức, hiện lên bên trong tâm thức, nhưng không phải là tâm thức. Chúng chỉ đơn giản là những gì phát sinh từ sự vận hành của tâm thức dưới sự chi phối của nghiệp tồn lưu trong tâm thức mỗi khi chúng tiếp xúc với các tín hiệu phát sinh từ các giác quan và được đưa vào bên trong tâm thức. Do đó dù các hiện tượng tâm thần hiện lên trong tâm thức, tùy thuộc vào tâm thức, nhưng chúng không phải là tâm thức. Vì thế chỉ cần tập trung sự chú tâm vào hơi thở, đến một lúc nào đó thì chỉ còn cảm nhận được hơi thở vào và ra, các sự chuyển động của tâm thức - dù là dưới hình thức nào - thì cũng chỉ là các "thể dạng" hay "quá trình vận hành" của tâm thức mà thôi, mỗi thể dạng hay quá trình là một sự chuyển động phát sinh từ các nguyên nhân và điều kiện liên hệ với nó. Do đó tất cả các sự chuyển động của tâm thức dù là dưới thể dạng hay quá trình nào thì cũng chỉ là một hình thức vận hành của tâm thức tương tự như tất cả các hình thức vận hành khác: "Này các tỳ-kheo, Ta khuyên các tỳ-kheo hãy xem sự hít vào và thở ra ấy là một thể dạng tâm thức tương tự như các thể dạng tâm thức khác". Dù vẫn tiếp tục cảm nhận được sự vận hành của tâm thức thế nhưng bên trong của bên trong sự vận hành đó chỉ là một sự "trống không thật sâu xa".

    4- Chú tâm vào các hiện tượng tâm thần

    Sau khi ngồi xuống biến thân xác, cảm giác và tâm thức trở thành những làn hơi thở vào và ra, giúp tâm thức trở nên yên lặng, thăng bằng và trong sáng thì tiếp tục mượn các làn hơi thở ấy để hướng sự chú tâm vào các hiện tượng tâm thần bên trong các hiện tượng tâm thần, hầu ý thức được bản chất, các phẩm tính cũng như các hình thức bấn loạn của chúng. Vậy các hiện tượng tâm thần là gì? Đó là tất cả những gì hiện lên bên trong tâm thức mình như tư duy, xúc cảm và tác ý, nói một cách khác thì đấy là các sự "tạo tác thâm thần":chẳng hạn như vui buồn, hạnh phúc, giận dữ, tham lam, bám víu, hy vọng, từ bi, hiểu biết, sáng suốt, khổ đau, si mê, trí tuệ v.v., chúng là kết quả phát sinh từ sự tương tác giữa nghiệp tồn lưu trên dòng tri thức và các đối tượng cảm nhận của ngũ giác và tâm thức. Dầu sao cũng cần phân biệt thật rõ ràng giữa tâm thức là một "khả năng" hay "chức năng" tâm thần, phát sinh từ nghiệp và là thành phần "cấu hợp" thứ năm trong số "năm cấu hợp"/"ngũ uẩn" tạo ra một cá thể, và các "hiện tượng tâm thần" hay các sự "tạo tác tâm thần" là những gì phát sinh từ sự "vận hành" của tâm thức liên quan đến nghiệp tồn lưu bên trong nó và các đối tượng cảm nhận của chính nó.

    Các hiện tượng hay các sự tạo tạc tâm thần ấy - tư duy, xúc cảm, tác ý - cũng là các hiện tượngcấu hợp, do đó bản chất của chúng cũng là vô thường, khổ đau và vô thực thể. Thế nhưng chúng ta thì lại bám víu vào cái mớ hỗn tạp đó để nhận diện chúng là "tôi", "cái tôi", "cái ngã" hay cái "linh hồn" của mình. và sau cùng xem chúng chính thật là "mình". Thế nhưng các hiện tượng tâm thần luôn biến độngvà đổi thay, tư duy, xúc cảm, tác ý tiếp nối nhau hiển hiện và biến mất thật nhanh chóng. Đức Phật bảo rằng nếu muốn nhận diện "cái tôi" ("cái ngã") của mình thì tốt hơn nên căn cứ vào thân xác bởi vì thân xác ít biến đổi hơn. Thật vậy mỗi sáng nhìn vào gương chúng ta nhận diện ngay được là chính mình, không có gì thay đổi nhiều so với ngày hôm qua trước khi lên giường, thế nhưng các sự suy nghĩ của ngày hôm qua thì có thể là mình đã quên mất. Đó là tính cách vô thường và vô thực thể của các hiện tượng hay các sự tạo tác tâm thần.

    Vậy chúng ta hãy mượn những làn hơi thở để hướng sự chú tâm vào bên trong của bên trong các hiện tượng tâm thần ấy hầu nhận thấy bản chất và các đặc tính của chúng để hiểu rằng chúng chỉ là vô thường, không hề hàm chứa một "cái tôi" hay cái "linh hồn" nào cả. Do đó chỉ cần tập trung sự chú tâm hướng vào hơi thở, đến một lúc nào đó thì chỉ còn cảm nhận được hơi thở vào và ra, không còn bất cứ một hình thức nào của "cái tôi" hiện lên với mình nữa. "Này các tỳ-kheo, ta khuyên các tỳ-kheo hãy xem sự hít vào và thở ra ấy là một hiện tượng tâm thần tương tự như các hiện tượng tâm thần khác". Dù vẫn tiếp tục cảm nhận được các hiện tượng tâm thần thế nhưng bên trong của bên trong các hiện tượngtâm thần ấy không có một "cái tôi" nào cả, mà chỉ là một sự "trống không thật sâu xa".

    Khi nào cảm nhận được thân xác (1), cảm giác (2), tâm thức (3), các hiện tượng tâm thần (4) và "cái tôi" hay "cái ngã" của mình (5) - tức là năm thành phần cấu hợp/ngũ uẩn tạo ra một cá thể - từ bên trong của bên trong những thứ ấy thì một sự "trống không thật sâu xa" sẽ hiện ra với mình và đấy chính là sự "dừng lại" (nirodha) mà mình vừa thực hiện được. Đó cũng là cách mà mình tách ra khỏi cuộc phiêu lưu triền miên của sự hiện hữu trói buộc trong thế giới hiện tượng, giúp mình trở về với con người đích thật của mình, hầu tìm thấy một sự Tự Do Tuyệt Đối cho chính mình.

    Phụ Lục 1
    Bốn cấp bậc luyện tập về sự chú tâm dựa vào hơi thở


    Cốt lõi của bài kinh trên đây là 16 giai đoạn luyện tập về sự chú tâm tỉnh giác mang lại cho mình sự giải thoát cuối cùng, do đó cũng xin mạn phép nhắc lại về 16 giai đoạn luyện tập này như dưới đây:

    Cấp Bậc thứ I: tương đương với lãnh vực chú tâm thứ nhất hướng vào "thân xác" nêu lên trong Bài kinh về sự chú tâm tỉnh giác (Satipatthana Sutta/Tứ niệm xứ), đó là cách chú tâm vào hơi thở hầu làm lắng xuống các sự tạo tác trên thân thể:

    1- khi hít vào dài và thở ra dài thì ý thức được là mình hít vào dài và thở ra dài.

    2- khi hít vào ngắn và thở ra ngắn thì ý thức được là mình hít vào ngắn và thở ra ngắn.

    3- tập nhận biết và theo dõi hơi thở qua các tác động của nó trên toàn thân thể: đầu mũi, ngực, phổi, bụng, v.v.

    4- tập cảm nhận sự luân lưu của từng hơi thở vào và ra hầu làm lắng xuống các sự tạo tác trên thân thể(các sự cảm nhận liên quan đến thân xác).

    Cấp Bậc thứ II: tương đương với lãnh vực chú tâm thứ hai hướng vào các "cảm giác" nêu lên trong Bài Kinh về sự chú tâm Tỉnh Giác (Satipatthana Sutta/Tứ niệm xứ), đó là cách chú tâm vào hơi thở hầu làm lắng xuống các sự tạo tác tâm thần dưới hình thức các cảm giác (thích thú, đau đớn, khó chịu, v.v.):

    5- tập cảm nhận được sự hân hoan qua từng hơi thở vào và ra.

    6- tập cảm nhận được sự thích thú qua từng hơi thở vào và ra.

    7- tập cảm nhận được các sự tạo tác tâm thần (các cảm giác hiện lên trong tâm thức) qua từng hơi thởvào và ra.

    8- tập cảm nhận sự luân lưu của từng hơi thở vào và ra nhằm làm lắng xuống các sự tạo tác tâm thầndưới hình thức các cảm giác.

    Cấp Bậc thứ III: tương đương với lãnh vực chú tâm thứ ba hướng vào "tâm thức" nêu lên trong Bài kinh về sự Chú Tâm Tỉnh Giác (Satipatthana Sutta/Tứ niệm xứ), đó là cách chú tâm vào hơi thở hầu mang lại sự vững vàng và thăng bằng cho tâm thức (có nghĩa là làm cho sự vận hành của tâm thứclắng xuống hay giảm bớt, tâm thức không còn bị khuấy động, xao lãng hay bấn loạn):

    9- cảm nhận được sự hiện hữu của tâm thức qua sự vận hành của nó, tức là sự hiển hiện của tư duy, xúc cảm và tác ý.

    10- mượn sự luân lưu của hơi thở để mang lại sự hài hòa cho tâm thức.

    11- mượn sự luân lưu của hơi thở để mang lại sự vững vàng (thăng bằng) cho tâm thức.

    12- mượn sự luân lưu của hơi thở để buông xả tâm thức (giúp tâm thức không bám víu hầu mang lại cho nó một sự bình lặng và thăng bằng ).

    Cấp Bậc thứ IV: tương đương với lãnh vực chú tâm thứ tư hướng vào các "hiện tượng tâm thần" nêu lên trong Bài Kinh về sự Chú Tâm Tỉnh Giác (Satipatthana Sutta/Tứ niệm xứ), đó là cách chú tâm vào hơi thở hầu giúp mình cảm nhận và quán thấy được vô thường của mọi hiện tượng nhằm mang lại cho mình sự thức tỉnh và buông bỏ:

    13- qua từng hơi thở tập quán thấy bản chất vô thường (của thân xác, cảm giác, sự vận hành của tâm thức, các hiện tượng tâm thần).

    14- qua từng hơi thở tập cảm nhận thật sâu xa về vô thường nhằm mang lại cho mình sự "tỉnh ngộ" (không còn chìm đắm trong đam mê và dục vọng).

    15- qua từng hơi thở tập dồn tất cả sự chú tâm hướng vào sự đình chỉ (dừng lại, không đuổi bắt và bám víu vào các hiện tượng nữa).

    16- qua từng hơi thở tập dồn mọi nỗ lực vào sự buông bỏ hay xả bỏ. Sự buông bỏ hay xả bỏ đó sẽ giúp mình kịp thởi dừng lại trước vô thường và khổ đau. Sự buông bỏ và dừng lại đó chính là Niết-bàn.

    Xin lưu ý bốn cấp bậc luyện tập trên đây mang tính cách tuần tự, mỗi cấp bậc đòi hỏi một thời gian luyện tập dài hay ngắn tùy theo khả năng của mỗi người. Khi nào đã thực hiện được cả bốn cấp bậc thì khi đó mỗi khi hành thiền thì mới có thể lướt qua tất cả bốn cấp bậc cùng một lúc. Ngoài ra cũng xin nhắc lại một điều thật quan trọng khác là hơi thở không phải là đối tượng của sự chú tâm mà chỉ là một phương tiện chuyển tải sự chú tâm. Đối tượng trực tiếp của sự chú tâm là thân xác, cảm giác, tâm thức và những gì hiện lên bên trong tâm thức.

    Satipatthana Sutta

    Anapanasati Sutta

    Bốn cấp bậc

    1. Chiêm nghiệm về thân xác
    1. Hơi thở dài

    Cấp bậc I

    2. Hơi thở ngắn
    3. Cảm nhận toàn thân thể
    4. Làm lắng xuống các sự tạo tác trên thân thể
    2. Chiêm nghiệm về giác cảm
    5. Cảm nhận sự hân hoan

    Cấp bậc II

    6. Cảm nhận niềm phúc hạnh
    7. Cảm nhận các sự tạo tác tâm thần
    8. Làm lắng xuống các sự tạo tác tâm thần
    3. Chiêm nghiệm về tâm thức
    9. Cảm nhận sự vận hành của tâm thức

    Cấp bậc III

    10. Mang lại sự hài hòa cho tâm thức
    11. Tạo ra sự vững vàng cho tâm thức
    12. Buông xả tâm thức
    4. Chiêm nghiệm về các hiện tượng (tâm thần và thế giới)
    13. Suy nghiệm về vô thường

    Cấp bậc IV

    14. Suy nghiệm về sự tỉnh ngộ
    15. Suy nghiệm về sự chấm dứt
    16. Suy nghiệm về sự buông bỏ

    Bảng tóm lược 16 giai đoạn luyện tập về sự chú tâm tỉnh giác

    Bures-Sur-Yvette, 19.07.17

    Hoang Phong chuyển ngữ

    Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a28200/bai-kinh-ve-phep-chu-tam-dua-vao-hoi-tho
     

Chia sẻ trang này