Phóng sự gọi hồn thời hiện đại

Thảo luận trong 'Ngoại cảm' bắt đầu bởi Bảo Trâm, 27 Tháng tư 2008.

  1. Bảo Trâm

    Bảo Trâm New Member

    Tham gia ngày:
    20 Tháng mười 2007
    Bài viết:
    274
    Điểm thành tích:
    0
    Tôi vừa tham dự một buổi gọi hồn về, tường thuật lại để mọi người tham khảo. Nguyên do là sếp của tôi mới qua đời, vì có một số vấn đề uẩn khúc chưa được rõ ràng mà gia đình đã đăng ký với “Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người” hòng tìm ra nguyên nhân. Như vậy là không phải gọi hồn theo kiểu “truyền thống” do các thầy cúng thực hiện mà là của “trung tâm nhà nước” được phép hoạt động hẳn hoi”.
    Bài viết sưu tầm)

    Tôi vừa tham dự một buổi gọi hồn về, tường thuật lại để mọi người tham khảo. Nguyên do là sếp của tôi mới qua đời, vì có một số vấn đề uẩn khúc chưa được rõ ràng mà gia đình đã đăng ký với “Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người” hòng tìm ra nguyên nhân. Như vậy là không phải gọi hồn theo kiểu “truyền thống” do các thầy cúng thực hiện mà là của “trung tâm nhà nước” được phép hoạt động hẳn hoi”.

    [​IMG]

    Theo đăng ký, gia đình được phân về chi nhánh số 1- Đông Tác (Kim Liên – HN). Phải nói là sau khi Báo ANTG đăng loạt bài về “Bí ẩn hiện tượng tìm mộ bằng ngoại cảm” thì mấy trung tâm này danh sách đăng ký cứ dài mãi ra hàng cây số.

    Nguyên nhân tôi được có mặt trong buổi quan trọng này cũng rất rõ ràng. Gia đình cần ghi âm lại quá trình “trò chuyện với sếp tôi” nên nhờ tôi làm việc đó (hé hé, đúng nghiệp vụ mà). Đầu tiên cũng ngại vì tưởng phải ghi trộm, ai dè mọi chuyện chả có gì mờ ám, nó cũng na ná như đi hội nghị vậy.

    Chúng tôi có mặt tại số 1 – Đông Tác, ngay góc giao với Lương Đình Của, lúc 7h30 sáng theo giấy hẹn. Toà nhà 4 tầng có treo biển “Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng” Ba tầng dưới dành cho tin học. Tầng 4 dành cho “khai thác tiềm năng con người”. Những người làm còn chưa đến nên tôi tranh thủ ngó nghiêng, tìm hiểu cơ ngơi của trung tâm. Hai căn phòng lớn chừng trên trăm mét vuông hai bên, một được dùng làm văn phòng, một dùng cho việc tiếp khách và “chuyên môn sâu”. Ở giữa là gian thờ phật, bài trí ná ná mấy nhà chùa, có tượng quan âm, phật bà nghìn mắt nghìn tay… và hương hoà đèn nến. Văn phòng thì không có gì khác so văn phòng của các Công ty hay cơ quan hành chính. Cũng có bảng lịch công tác, nhắc việc… Phòng bên kia mới là tâm điểm của khách.

    Đúng 7h30, một người đàn ông xuất hiện với bộ véc và đi vào văn phòng. Sau đó là một người đàn bà quãng ngoài 50 mặc quần trắng chít ống bé tí, áo len, ngoài áo gile bò. Các nhân vật này đều đã được “Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người” xác nhận có khả năng đặc biệt, có tên trên báo ANTG. Sau đây xin tạm gọi là Thầy và Cô cho đúng với việc gọi hồn chứ thực ra nhìn họ cũng không khác gì công chức.

    Qua 7h30, các gia đình lục tục kéo đến. Cô thông báo hơn 8 giờ mới bắt đầu vì còn chờ các gia đình ở xa. Tất cả kéo vào căn phòng trống rộng thênh thang. Góc phòng có một chồng ghế nhựa. Một vài người lấy ghế ngồi và hỏi nhau xem có được ngồi ghế không thì Cô bảo không ngồi ghế, ngồi ghế là không “được việc”. Một ông anh chừng trên 30 mặc bộ đồ gió, đi giầy thể thao, đeo kính đen, đội mũ le dắt một bà già vào. Chả thèm bỏ giầy như người khác anh cứ phăm phăm bước vào rút một cái ghế rồi ấn bà già cùng chiếc túi vào đó và bảo:

    - Mẹ ngồi đây để con về chở cô.

    Anh ta quay ra rồi lại ngoái lại dặn với:

    - Cẩn thận tiền nong đấy nhé! Kìa, kéo khoá túi vào.

    Bà già khật khù ngồi. Anh này biến đi một lúc và quay lại cùng một người phụ nữ khác. Các gia đình cũng đến khá đông đủ. Mọi người ngồi choán gần kín căn phòng hơn trăm mét vuông.

    Khoảng 8 giờ, Cô “ổn định tổ chức”, thông báo một số quy định, điểm danh các gia đình theo giấy hẹn. Nói chung không khác một hội nghị là mấy. Cô lưu ý các gia đình ai có bùa trong người thì bỏ xuống cốp xe nếu không sẽ không hiệu quả. Mọi người lục tục lục túi, lục ví tìm bùa để cất. Vợ sếp tôi cũng lục sắc lấy ra một túi bùa nhỏ màu đỏ đưa cho tôi. Tôi mang xuống bãi để xe cất vào cốp rồi quay lên.
    Toàn bộ căn phòng có khoảng hơn 10 gia đình chia thành các nhóm, mỗi nhóm từ 4 đến 7 người ngồi quây quần như trà đá hay tán chuyện trên sàn nhà. Cô tiếp tục quán triệt các điều cần thiết trong quá trình “ốp Vong”: về việc chào hỏi Vong, mời Vong, xin Vong, hỏi Vong…vv…vv… một cách rất kỹ càng. Tên người được gọi hồn ghi vào một tờ giấy để trước mặt. Cô nhắc nhở mọi người tư thế ngồi khoanh chân, thật thoải mái, gần như ngồi thiền. Mắt nhắm, để đầu óc thư thái chờ đợi “ốp Vong”; nói về những điều cần tránh trong quá trình “ốp Vong”… Trong khi Cô nói thì khách chờ “ốp” vẫn nói chuyện rôm rả, đúng kiểu Việt Nam tại các hội nghị hay nơi đông người. Cô phải nhắc mấy lần. Bên cạnh tôi là một gia đình có hai nàng dáng công chức, ăn mặc, trang điểm đẹp và có gu, mỗi tội buôn dưa như chảo chớp. Những tiếng rì rầm bàn tán, chuyện qua chuyện lại xoay quanh chủ đề gọi hồn nổi lên khắp gian phòng. Cô phải điều hành chỗ ngồi một số gia đình cho hợp lý, đi lại, nhắc nhở…

    Mãi rồi mọi người cũng bắt đầu vào tư thế, liếc mắt nhìn quanh thấy ai nấy đều nhắm mắt lờ đờ, ngồi nghiêm ngắn chờ đợi. Người nào cũng có vẻ sẵn sàng chờ Vong nhập. Tôi vội kiểm tra máy ghi âm, sẵn sàng để khi “sếp về” là bấm “Rec” ghi liền tay, không bỏ lỡ cơ hội. Nhìn quanh thấy mấy nhà khác cũng có ghi âm kỹ thuật số lăm lăm ở tay chả cần che đậy gì. Quả là khôn ngoan, quả là thời đại số, đến gọi hồn cũng bị số hoá, thích thật.

    Bà cô quần trắng nhìn bao quát quanh phòng một lượt. Khi đã có vẻ ưng ý, Cô bất ngờ rảo bước đi thẳng về phía một gia đình. Buổi gọi hồn chính thức bắt đầu...

    [​IMG]
    Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng trong một lần tìm mộ liệt sĩ.

    Cô đi tới, đứng bên gia đình đã chọn đặt tay lên đầu một khách nữ chừng hơn 30 tuổi, mắt đang khép, tư thế có vẻ rất thiền. Tay cô sờ, miệng cô khấn:

    - Con xin Vong, con lạy vong. Vong đã về đây thì gặp con gặp cháu…

    Cô nhìn vào tờ giấy gọi tên Vong, lặp đi lặp lại. Khoảng 3 lần, chưa có kết quả gì. Cô rời gia đình này tiến sang một gia đình khác. Tôi ngồi cùng với gia đình sếp ở hàng trên cùng. Bên phải là gia đình có hai nữ công chức xinh đẹp buôn dưa giỏi. Bên trái là một gia đình khai ở 193 ngõ chợ Khâm Thiên. Cô lại tiến sang khu vực của những gia đình khác. Miệng vẫn nhắc mọi người thư thái, thiền tịnh. Bỗng nhiên người phụ nữ mặc áo thể thao, quần bò của gia đình ngõ chợ Khâm Thiên bên tay trái tôi bỗng khật khù nức nở. Tôi thì giật cả mình nhưng mọi người thì hiểu ngay là vong đã nhập. Thế là những người trong gia đình như chỉ chờ có thế xúm lại hỏi han:

    -Mẹ! Có phải mẹ về không? Có phải mẹ đấy không?

    Người phụ nữ mà vong vừa ốp vào vẫn gật gù đều và liên tục xoay tròn, khóc nức nở. Cô gái trẻ của gia đình này tay lăm lăm chiếc máy ghi âm đèn đỏ nổi lên chứng tỏ đang được hoạt động. Người nhà thi nhau hỏi chuyện nhà cửa, dưới ấy mẹ có thiếu thốn gì không, đau ốm gì không, có gì không bằng lòng không. Người phụ nữ này chỉ gật, lắc, và nức nở nghẹn ngào chứ không nói thành lời. Hỏi hết mọi thứ rồi họ quay sang xin phù hộ cho con cháu, phù hộ cho cái A sắp thi đại học, con B sắp làm nhà…

    Nhà Khâm Thiên nhập được một lúc thì đến nhà bên tay phải tôi. Hai nàng công chức xinh đẹp lúc trước buôn không ngớt mồm, vừa lim dim nhắm mắt được một lúc thì nàng mặc áo véc xám đổ vật ra lảm nhảm. Người nhà lại xúm vào, mẹ, mẹ về phải không. Ngược lại với gia đình Khâm Thiên, chị này thì nói thôi rồi. Với ngữ điệu chậm rãi, riết róng của người có tuổi đang bức xúc về tâm lý chị buông từng câu, nhả từng chữ:

    -Chúng mày có thương gì tao đâu… Không có đứa nào thương tao hết… Tao chết chúng mày có thèm về đâu… Chỉ có thằng Hiệp thôi… Vợ chồng thằng Hiệp nó tốt lắm… Lần nào về quê nó cũng mua quà cho tao… Chúng mày đừng tị với nó… Chúng mày khốn nạn lắm… Tại sao chúng mày cứ cãi chửi nhau thế…

    Vong nhà công chức ngồi dựa vào người nhà nói chậm rãi, liên tục, có vẻ mệt. Mấy người định ngả ra cho nằm xuống sàn thì người khác vội ngăn lại:

    -Đừng cho nằm, cho nằm là nhanh đi lắm.

    Thế là cô nàng công chức lại được dựng lên và người nhà cho uống nước. Nàng tiếp tục phán đủ chuyện. Người nhà tha hồi hỏi. Hỏi đến đoạn sang cát thì Vong phán năm nay sang được, rồi Vong nói thêm:

    -Tao không cần chúng mày… Để tao bảo thằng Hiệp nó sang cho tao. Thằng Hiệp nó quý tao lắm.

    -Thế để con gọi anh Hiệp đến nhé - Một người phụ nữ nhanh nhảu. Vong gật gật.

    Thế là người đàn ông tên Hiệp lập tức được gọi đến. Chừng nửa tiếng sau thì anh này có mặt. May mà Vong vẫn chưa đi.

    Trong thời gian đó thì Cô vẫn đi lại, chăm sóc từng gia đình. Tay đặt lên đầu người nào có vẻ có căn nhất, miệng khấn nhẹ nhàng, người này không hiệu quả thì cô chuyển sang người khác trong nhóm gia đình ấy. Nhìn cô đi đi lại lại “chăn dắt” từng gia đình tôi thấy chả khác gì một người chăn vịt nhàn hạ. Hành động cũng phổ thông chứ không có gì bí hiểm. Lần lượt có thêm những gia đình khác có Vong về nhập. Căn phòng lớn xôn xao hẳn lên. Góc nào cũng có người khóc lóc, nói cười. Gia đình phía sau lưng chúng tôi cũng nhập khá sớm. Đó là người phụ nữ chừng ngoài bốn mươi, mặc quần Jin hoa văn loang lổ, áo khoác đen. Cô này vung tay cười khanh khách, miệng nói:

    -Cháu gọi bà hôm nay bà về đây…

    Vong này tuy về chỉ chừng 15 phút nhưng rất vui vẻ, hoạt tính, nói cười liên mồm. Người nhà hỏi được một lúc thì thăng. Sau đó Vong còn nhập người đàn bà này thêm một lần nữa. Thấy dễ, gia đình bên cạnh liền nhờ sang. Và quả nhiên, “Vong hàng xóm” cũng nhập luôn, nói rất dài.

    Tôi để ý thấy Vong toàn nhập vào đàn bà con gái, trong lòng đang thắc mắc thì cuối phòng, ở nhóm sát cửa ra vào bỗng một giọng khóc ồ ồ cất lên khá to. Thì ra Vong vừa nhập vào một người đàn ông. Thế là đủ cả, già trẻ, nam nữ. Tuy nhiên âm thanh ấy cũng chỉ làm cho một vài người ngoái lại bởi ai cũng còn tập trung cho Vong nhà mình. Người đàn ông này cũng lại được “đưa vào khai thác” ngay. Rồi thì ở giữa phòng, Vong nhập vào một bà già nhỏ bé đội mũ len.

    Cô vẫn đi lại trong phòng hỏi tên từng Vong xem là ai vì có gia đình kê tên người cần gọi gần kín cả trang giấy. Hỏi đáp như kiểu đối thoại ngầm với Vong, hết có phải bà Bẩy không ạ, có phải ông Tám không ạ, có phải cậu Năm không ạ. Hết danh sách mà vẫn chưa có lời đáp thừa nhận thì cô lại chuyển sang, có phải Tại Gia không ạ? Cô giải thích, Tại Gia là bào thai bị sảy nhưng vẫn là Vong trong nhà. Việc xưng hô với Vong dù Vong là vai gì trong nhà thì cũng phải xưng con và thưa Vong chứ không được xưng theo vai vế như trên trần. Nếu Tại Gia cũng không phải thì Cô lại hỏi, thế là ai thế ạ? Nhiều nhà hỏi mãi mà chưa ra là ai.

    Lần lượt các góc đều có Vong. Vong nói, Vong cười, Vong khóc, Vong hút thuốc, Vong uống nước. Đủ cả. Góc trong cùng tôi nhận thấy cô gái trẻ tầm trên hai mươi lúc sáng đến cùng mẹ rất sớm đang lắc lư phán. Còn gia đình có anh mặc bộ gió, giày thể thao, kính đen thì vẫn án binh bất động. Người nhà ngồi dưới sàn, còn anh này thì thủ một quả ghế nhựa ngồi vắt vẻo trên đó, sát tường… hút thuốc. Cô đi lại trong phòng nhìn thấy liền quát:

    -Nào anh kia! Đến làm hay đến xem đấy mà ngồi thế. Đã nói ngồi ghế không được việc cơ mà.

    Anh này phớt lờ như không nghe thấy, vẫn bình an ngồi hút thuốc, chăn vắt lên nhau rất hoành tráng. Nhìn anh rất giống đang làm nhiệm vụ “bảo kê” cho các linh hồn.

    Trong khi đó thì gia đình sếp tôi vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Mọi người sốt ruột ra mặt. Cô vẫn chưa chăm sóc đến gia đình chúng tôi. Thật khổ, thế mà chúng tôi là người đến sớm nhất nhì cơ đấy. Ngồi mãi tư thế sếp bằng tôi thấy hơi khó chịu bởi cũng đã có tí bụng. Tôi lại chợt nghĩ ra, ngày còn sống, mấy lần đi nhậu chọn kiểu ngồi sàn sếp tôi đã không chịu nổi phải lên ghế, bởi vì bụng sếp tôi khá to. Thế là tôi nghĩ, cái kiểu nghĩ của người trần mặt thịt rằng, ngồi kiểu này sếp không nhập được vào là phải. Chiếc máy ghi âm trong tay tôi nóng lên. Lúc trước tôi đã bấm nút “Rec” ghi trộm lời của Vong gia đình bên cạnh. giờ bấm “Pause” chờ đợi. Nhưng mãi chưa thấy nên tôi chán ngán để xuống sàn nhà. Ngồi mãi chả thấy gì, vợ sếp mở mắt ngoái nhìn tìm Cô. Nghe ngóng các gia đình. Rút bút viết bổ sung danh sách một vài người nữa để tiện cho việc “ốp” Vong, chắc là phòng trừ “ốp” người này không được thì “ốp” người khác, Vong này “ốp” không được thì Vong khác “ốp”. Tôi cũng cố giữ tư thế thoải mái, buông lỏng cơ thể, mắt nhắm. Trong lòng rất muốn sếp nhập vào mình. Thứ nhất để xem cái cảm giác Vong nhập nó như thế nào. Thứ hai để thử xem cảm giác làm sếp sẽ như thế nào. Đúng lúc đó Cô đi lại khoảng giữa căn phòng. Vợ sếp tôi gọi khẽ:

    -Cô ơi…

    Cô đổi hướng đi, tiến về phía chúng tôi. Tôi nín thở chờ đợi…

    Cô đến bên gia đình chúng tôi, vẫn với thao tác như đối với các gia đình khác, cô đặt nhẹ tay lên đầu người em dâu sếp tôi và xin Vong về nhập. Chưa được. Cô cầm tờ giấy viết tên Vong dưới sàn lên nhìn vào đó gọi hết tên sếp tôi (được ghi đầu tiên) rồi đến tên ông thân sinh ra sếp, tên những người thân đã mất. Chưa có dấu hiệu gì. Cô chuyển sang người chị gái sếp. Cũng không ăn thua. Thế là cô chuyển sang tôi.

    [​IMG]

    Lúc này tôi ngồi trong tư thế mà tôi nghĩ là tốt nhất cho việc “ốp” Vong, thuận lợi nhất để Vong nhập. Mọi người dường như đã quên hẳn vụ ghi âm, chỉ tập trung làm sao cho Vong về nhập được mà thôi cho nên chả cần để ý đến vai trò của tôi là gì nữa. Cô đặt tay lên đầu tôi và tiếp tục những lời mời Vong. Trong khi đó thì tôi cũng cố gắng để cộng hưởng, mắt nhắm, đầu óc thả lỏng, cố gắng không nghĩ đến điều gì, không tập trung vào việc gì. Và quả thật, cũng đã có khoảnh khắc tôi thấy mình hơi phiêu diêu. Tôi nghe vợ sếp gọi:

    -Anh… đấy phải không! Anh về đấy phải không?

    Nghe tiếng gọi đầy thảng thốt, sầu não thế lòng tôi cũng nhũn ra như bún, càng tập trung cao độ để sếp về, để mọi người không thất vọng. Nhưng rồi đúng lúc đó thì cảm giác phiêu du bị tụt đi bởi tôi bị phân tán. Cô đưa tay gỡ đôi kính trên mắt tôi ra. Rồi tôi thấy một bàn tay lần lần, cởi cúc áo ngực mình… Tôi giật mình thảng thốt, trong đầu nghĩ, Cô có chiêu gì mà lạ thế, nhỡ đâu Cô lại chả cho tôi… khoả thân ra cho Vong dễ nhập thì quả là…khó xử. Tôi khẽ hé mắt. Nhưng không. Không có chuyện gì nghiêm trọng cả. Đơn giản là cô tháo khuy cúc túi áo ngực tôi để nhét đôi kính vừa gỡ từ mắt tôi vào trong đó. Tôi yên tâm tiếp tục thả lỏng tinh thần, nhưng không sao lấy lại được cảm giác cũ. Cô bảo, Vong rất muốn nhập mà không nhập được. Nói rồi Cô lại chuyển sang các gia đình khác. Tôi đọc thấy sự thất vọng tràn trề nơi mọi người và tự cảm thấy mình có lỗi.

    Lúc này hầu hết các gia đình đều có Vong nhập. Các nhóm chăm chú vào phần việc của mình. Cảm giác rất giống một lớp mầm non, các con ngoan ngoãn vui chơi, còn cô giáo thì quán xuyến chung. Dường như chỉ còn gia đình sếp tôi và gia đình anh “bảo kê linh hồn” là chưa hiệu quả. Chị gái, anh rể, em dâu sếp vẫn nhắm nghiền mắt thành kính. Tôi thì chán quá sau vụ “nhập hụt” nên mở to mắt ra nghỉ ngơi và quan sát. Rồi tôi lại nghĩ, hay mình không phải là người trong gia đình nên không nhập được, nhưng rồi lại nhớ ra, ban nãy gia đình đằng sau cũng nhờ người ngoài được cơ mà. Chị gái sếp nghi ngại bảo:

    -Hay là cậu ấy kỵ với ai ở đây.

    Tôi nghe và thấy hơi ngại. Biết đâu sếp lại kỵ… chính tôi thì sao, mặc dầu ngày còn sống sếp rất quý mình nhưng tôi vẫn nghĩ xa thế, cái việc âm đâu giống việc trần. Nghĩ thế và tôi giả vờ đi ra ngoài có việc để kiếm cớ rời khỏi căn phòng. Tôi ra ngoài cầu thang ngồi. Nhưng vẫn không quên, chốc chốc tôi lại ngó vào cửa xem tình hình diễn biến thế nào. Vẫn không có gì tốt đẹp hơn. Một lát sau thì thấy ông anh rể sếp cũng mò ra. Chả hiểu vì không chịu nổi nữa hay cũng vì ngại kỵ với Vong như tôi. Ông anh rể đi lòng vòng mãi, chán chê lại quay vào ngồi thiền. Tôi cũng quay vào vì nghĩ chắc không phải sếp kỵ với mình (bằng chứng là tôi ra khỏi phòng mãi mà sếp có về đâu). Chúng tôi tiếp tục ngồi thiền, lúc này đã hơn 10 giờ. Nhưng riêng tôi thì mất tập trung hơn lúc đầu, chỉ quan sát mọi người là chính. Bỗng nhiên tôi thấy ông anh rể sếp chúi mạnh về phía trước. Tôi giật nảy mình tưởng Vong đã nhập. Ba người còn lại cũng mở choàng mắt trong tư thế sẵn sàng “bắt Vong”. Nhưng không. Thì ra ông chú ngồi nhắm mắt khật khù mãi, thành ra ngủ gật lúc nào không hay. Tôi suýt bật cười thành tiếng nhưng kìm lại được. Vợ sếp tôi cũng hết chịu nổi, chả thèm nhắm mắt nhắm meo gì nữa, mở thao láo ra giao nhiệm vụ cho bà chị và cô em:

    -Lần này chị… với thím…. cố gắng tập trung cao nhất để em lại nhờ Cô xem sao.

    Vợ sếp cất tiếng gọi Cô. Lại một lần nữa Cô nhiệt tình khấn vái đủ các Vong mà vẫn không có tín hiệu gì. Thế là tắt ngấm hi vọng. Không ai còn đủ kiên trì để tiếp tục. Mọi người lại nghĩ sang hướng có thể thủ tục có gì đó chưa đúng, chưa chuẩn. Chứ chẳng có lý gì mà Vong nhà người ta về ầm ầm mà Vong nhà mình lại không về. Với lại sếp tôi có phải là người ít mồm ít miệng đâu.

    Đến lúc này thì tôi ngồi xem rất thoải mái. Gia đình hai nàng công chức bên phải, Vong vẫn nửa nằm nửa ngồi nói, gật, lắc. Gia đình Khâm Thiên bên trái Vong vẫn rung bần bật. Còn gia đình phía sau lưng đã xong việc thu dọn chiến trường đi đâu từ bao giờ. Một vài gia đình xong việc cũng lục tục đứng lên sang văn phòng làm thủ tục để ra về. Đúng lúc này thì xảy ra một chuyện gây chú ý. Một gia đình ra về mà không được. Người đàn ông trung tuổi mặc áo sơ mi màu bã trầu đến khấn vái chán trước ban thờ rồi “báo cáo” Cô rằng, cậu con trai trong gia đình không làm sao về được, cứ xuống cầu thang lại tự động quay lên. Tôi nhìn sang thì thấy một cậu trai chừng hai mươi tuổi mặt mũi sáng sủa, mặc áo khoác kẻ ô vuông màu trắng, quần Jin đang ngồi, mặt đằng đằng sát khí. Thì ra Vong đã nhập vào cậu ta từ sáng sớm mà chẳng nói năng gì, mặt mũi đầy vẻ tức giận, rồi cứ như thế từ sáng đến trưa, người nhà hỏi gì cũng không nói. Gia đình sốt ruột ra về, nhưng ra về cũng không xong. Thấy hấp dẫn quá tôi di chuyển lại hẳn phía gia đình này để mục sở thị cho rõ. Cậu trai thi thoảng lại quắc mắt lên, miệng giật giật méo xệch ra có vẻ rất phẫn uất về một điều gì đó. Gia đình cho biết, đó là Vong của một cậu bé 10 tuổi trong nhà trước đây học võ và mất. Mọi người nhắc đến một Vong khác nào đó tên Hải, thế là cậu trai bỗng quát lên:

    -Đừng nhắc đến Hải nữa. Nhắc đến Hải làm đau hết đầu đây này.

    Và cậu lại tiếp tục gườm gườm như thế. Mọi người đành án binh bất động, bảo nhau ngồi im theo dõi và chờ đợi. Khoảng 15 phút sau, cậu trai bất ngờ rùng mình và hét lên một tiếng không rõ âm tiết là gì. Xong. Vong đã thoát. Cậu trai trở lại trạng thái bình thường đưa nắm tay đấm đấm lên trán, có vẻ cậu bị đau đầu. Gia đình sếp tôi quyết định dừng lại. Một gia đình phía ngoài cửa cũng chưa được việc, đúng lúc cô “Vong nói cười vui vẻ” trên bốn mươi vừa giúp một gia đình xong đi ra, một người trong gia đình này bèn kéo tay nhờ giúp đỡ tiếp nhưng cô này nói:

    -Cháu mệt lắm rồi! Từ nãy giúp 2 nhà mệt lắm rồi.

    Thế là đành chịu.

    Đó cũng là lúc người đàn bà quần trắng chủ trì cuộc gọi hồn của Trung tâm xem đồng hồ rồi nói to:

    -Bây giờ đã hết giờ buổi sáng, còn gia đình nào chưa được việc cũng là bình thường. Các bác sang văn phòng đăng ký làm tiếp vào buổi khác ạ.

    Các gia đình chưa được việc đều không bỏ cuộc mà sang văn phòng đăng ký làm tiếp vào một buổi khác. Gia đình sếp tôi cũng vậy. Vong của gia đình hai nàng công chức bên trái cũng vừa đi. Nàng công chức buôn dưa lúc sáng bị Vong nhập giờ mở mắt bàng hoàng. Sau khi định thần lại, lập tức nàng lại buôn liến thoắng hỏi nàng bên cạnh về việc lúc Vong nhập vào mình thế nào, Vong nói gì, làm gì… Còn lại dăm ba gia đình vì Vong chưa đi nên vẫn tiếp tục ngồi lại. Tôi ra cầu thang đứng chờ. Các gia đình trước khi ra về xúm xít lễ bái, xin lộc phía trên cầu thang và gian giữa. Tôi gặp gia đình chị Khâm Thiên cùng chị mặc áo thể thao mà Vong vừa nhập suốt từ sáng bèn hỏi nhỏ:

    -Lúc đó chị có biết gì không?

    Chị này mắt đỏ hoe, có vẻ chưa “hoàn tục” hẳn chỉ lắc lắc đầu.

    Một người phụ nữ khác trong gia đình có vẻ thân thiện:

    -Mẹ chị mới mất được hai tháng. Hỏi ra mới biết đã nhập được “tịch” ở dưới đó đâu.

    Một lát sau chị Vong nhập quay sang hỏi người nhà:

    -Mẹ cháu về có nói gì nhiều không bác?

    Bà bác này trả lời vùng vằng:

    -Có nói gì đâu! Hỏi mãi chả thèm nói, toàn khóc lóc, gật gật, lắc lắc.

    Anh “bảo kê linh hồn” từ văn phòng đi ra, tay vứt đót thuốc hút dở đánh vèo xuống cầu thang rồi đá đá vào mấy đôi giầy trong hàng trăm đôi nằm ngổn ngang ngoài cửa bảo, giầy này ngon nhỉ. Nhân cơ hội tôi liền hỏi:

    -Được việc không anh?

    Ông anh này niềm nở ngoài sức tưởng tượng, cười hỉ hả bảo:

    -Vong nhà anh hôm nay chưa lên.

    Anh nói với một vẻ như thể điều đó là hiển nhiên và rất bình thường rồi chào tôi và lễ mễ ôm túi cam bước xuống cầu thang.

    Chúng tôi lấy giấy hẹn vào sáng thứ bảy tuần đó rồi xuống sân lấy xe ra về. Vợ sếp tôi bảo, hôm ấy mà cháu không bận thì đi tiếp giúp cô. Tôi vâng dạ. Nhìn sang thấy cậu trai bị “Vong lầm lì” nhập lúc nãy giờ cũng đang ra về, miệng phì phèo hút thuốc. Thế là kết thúc một buổi sáng gọi hồn.

    Hết.

    Hà Nội tháng 12 năm 2007
    Nguyễn Xuân Thủy.


    TB: Trên đây là những gì tôi được chứng kiến và cố gắng kể lại một cách khách quan nhất theo cảm nhận và cách nhìn của tôi. Các bạn có thể tin hay không tin tuỳ theo mỗi người. Ai quan tâm có thể đến xem tại một trong các cơ sở của “Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người” mà số 1- Đông Tác là một ví dụ. Hoạt động này diễn ra công khai, bạn có thể xem mà không có sự cản trở nào
    ( Tinvietonline)
     

Chia sẻ trang này