TỈNH GIÁC VỀ CÁI CHẾT - ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA & THÍCH NGUYÊN TẠNG

Thảo luận trong 'CẢI MỆNH NHIỆM MẦU: Tu là sửa chính Mình - Không yêu cầu người khác sửa đổi theo mình' bắt đầu bởi tutru, 12 Tháng bảy 2017.

  1. tutru

    tutru Ban Quản Trị

    Tham gia ngày:
    14 Tháng mười một 2009
    Bài viết:
    513
    Điểm thành tích:
    18
    Giới tính:
    Nam
    TỈNH GIÁC VỀ CÁI CHẾT - ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA & THÍCH NGUYÊN TẠNG

    LE VUI·12 THÁNG 7 2017[​IMG]

    Mọi người cần phải tỉnh giác về cái chết, đó là việc suy ngẫm rằng mình sẽ không sống lâu trên cõi đời này. Nếu không có ý thức về sự chết, người ta sẽ không biết lợi dụng kiếp người đặc biệt này mà mình đang có được. “Nhất thất nhơn thân, vạn kiếp bất phục”, có nghĩa là một khi thân này mất rồi thì vạn kiếp khó mà có lại được. Nên kiếp làm người này là có ý nghĩa vì do sống trong đời này con người có thể thành tựu được kết quả quan trọng mà mình mong muốn.

    Phân tích sự chết không có nghĩa là để mình sợ chết, mà là để biết giá trị của đời người quý báu này, trong khi sống người ta có thể thực hành nhiều pháp môn quan trọng. Thay vì sợ chết, bạn cần phải suy ngẫm rằng khi cái chết đến gần, mình sẽ mất cơ hội tốt để tu tập. Như vậy suy ngẫm về sự chết sẽ mang lại thêm năng lực cho việc tu tập của bạn. Bạn cần phải chấp nhận rằng sự chết là điều tất yếu trong cuộc đời này. Đức Phật đã khẳng định rằng “một nơi không có sự chết, là nơi không có thật, không có trên hư không, không có trong biển cả, cũng không có cả trong núi rừng”. Nếu chấp nhận rằng sự chết là một phần của đời sống thì khi cái chết đến gần, bạn sẽ có thể đối diện nó dễ dàng hơn.

    Khi mọi người biết một cách sâu xa ngay trong tâm mình rằng sự chết sẽ đến nhưng tránh suy nghĩ đến nó, rõ ràng là không hiểu biết và không có lợi ích. Điều này cũng đúng khi mọi người chấp nhận rằng tuổi già là một phần của cuộc đời, không muốn có tuổi già và tránh nghĩ về nó. Thái độ như vậy đưa đến sự không chuẩn bị về tâm trí và khi tuổi già đến, mọi thứ sẽ rất khó khăn.

    Nhiều người đã già rồi nhưng vẫn làm như là mình còn trẻ lắm. Nhiều lần khi gặp lại những người bạn lâu năm, thí dụ như một số nghị sĩ ở những nước như Hoa Kỳ, tôi nói “chào ông bạn già”. Ý của tôi là chúng ta đã biết nhau từ lâu chứ tôi không nói tới chuyện ‘già nua’. Nhưng khi tôi chào như vậy, một số người đã chỉnh lại tôi một cách mạnh mẽ: “chúng ta không có già, chúng ta là bạn lâu năm”. Thực sự họ đã già, với những sợi lông đang mọc ra ở hai lỗ tai, một dấu hiệu của tuổi già, nhưng họ khó chịu với tuổi già. Như vậy là thiếu suy nghĩ về sự đời.

    Tôi thường nghĩ về cuộc đời tối đa là một trăm năm của một đời người, mà so với tuổi thọ của trái đất này thì đời sống của con người có là bao. Trong một đời ngắn ngủi này, con người nên cố gắng sống cẩn thận không gây ra khổ đau cho mình và người khác. Đời sống này rất quý báu không nên tạo ra sự hủy diệt mà nên được dành cho những hoạt động có tính cách xây dựng, hay ít nhất cũng không làm tổn hại đến người khác hoặc gây khổ đau rắc rối cho họ. Như vậy những tháng năm ngắn ngủi của chúng ta như một du khách trên hành tinh này sẽ có ý nghĩa.

    Nếu một du khách đến thăm một nơi nào đó trong một thời gian ngắn mà gây ra nhiều rắc rối, như vậy là sai lầm. Nhưng nếu như một du khách, bạn làm cho người khác hạnh phúc trong khoảng thời gian hạn hẹp này, như vậy là khôn ngoan, và bạn rời khỏi nơi này để đến nơi khác bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc. Nếu bạn quậy phá, dù chính bạn không gặp khó khăn nào trong thời gian ở nơi này, nhưng bạn sẽ tự hỏi chính mình trong thời gian ở nơi đây mình đã làm được cái gì.

    Cuộc đời một trăm năm, phần đầu là trẻ thơ, phần cuối là tuổi già, thường giống như một con vật, chỉ có ăn và lăn ra ngủ. Khoảng giữa kéo dài vài chục năm có thể sống một cách có ý nghĩa. Đức Phật nói: “ Nửa cuộc đời người ta ngủ. Mười năm sống trong tuổi thơ. Hai mươi năm sống trong tuổi già. Trong mươi năm còn lại, đau buồn, than thở và lo nghĩ, chiếm nhiều thời gian, và hàng trăm thứ bệnh tật lấy đi nhiều thời gian hơn nữa”. Để làm cho cuộc đời có ý nghĩa, hãy vui vẻ chấp nhận tuổi già và cái chết như một phần của cuộc đời mình. Mọi người gặp khó khăn nghĩ đến cái chết nhưng lại dễ dàng trong tham lam, gây thêm rắc rối, và có ý làm tổn hại người khác. Chúng ta thấy những con người được xem là những nhân vật lớn, như các bậc vua chúa, xây những lâu đài và những tòa nhà cao ốc, chúng ta thấy rõ ràng trong tâm trí của họ cho rằng họ sẽ sống mãi trong cuộc đời này. Hậu quả của sự tự lừa dối này là có thêm đau khổ và thêm rắc rối cho nhiều người khác.

    Đối với những người không tin có đời sống tương lai, việc suy ngẫm về thực tại cũng có ích lợi và có tính khoa học. Vì con người, tâm trí cũng như tất cả những hiện tượng đều có nhân duyên khác cùng thay đổi trong từng phút giây, điều suy ngẫm này dẫn đến khả năng phát triển bản thân theo hướng tốt. Nếu đời sống này không bao giờ đổi thay thì chúng ta sẽ mãi mãi chịu sự khổ đau. Khi ta biết rằng vạn vật luôn biến đổi thì dù ta đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn, ta vẫn có thể tìm thấy niềm an ủi trong sự hiểu biết rằng tình trạng đó sẽ không như vậy mãi mãi. Vì vậy không có việc gì phải tuyệt vọng.

    Vận mạng tốt cũng không trường cửu, và như vậy khi sự việc tốt đẹp đến với mình, mình không nên tham muốn quá nhiều. Ý tưởng cho rằng mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi là một sai lầm tai hại. Thí dụ, dù ta chấp nhận là có những kiếp sau, ta chỉ nghĩ đến hiện tại và xem tương lai ít quan trọng hơn. Như vậy ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội tốt khi cuộc sống của ta đang có thời giờ rảnh rỗi và những điều kiện thuận lợi để tu tập những pháp môn lợi ích. Sự hiểu biết rõ ràng về giáo lý vô thường luôn là điều tốt cho chúng ta.

    Do nhận thức được đời sống là vô thường, con người có ý thức về kỷ luật và có sự nhiếp phục tâm trí của mình. Kỷ luật hay tu luyện không có nghĩa là cấm kỵ, mà có nghĩa là có sự giằng co giữa lợi ích dài hạn và lợi ích ngắn hạn, bạn hy sinh ích lợi ngắn hạn và chọn lợi ích dài lâu về sau. Đây là sự tự kỷ luật phát xuất từ sự có ý thức về luật nhân quả nghiệp báo. Thí dụ để cho bao tử của tôi hồi phục sau cơn bạo bệnh mới đây, tôi tránh dùng những thức ăn có chất chua và đồ uống lạnh dù những món này có vẻ ngon miệng và hấp dẫn. Loại kỷ luật này có mục đích phòng vệ. Cũng như giống như vậy, việc suy ngẫm về sự chết đưa đến sự tự kỷ luật hay tự kiềm chế, tự phòng vệ, chứ không phải là sự trừng phạt.

    Loài người có đủ tiềm năng để tạo ra những điều tốt, nhưng để có thể sử dụng trọn vẹn tiềm năng này, cần phải có sự tự do. Chủ nghĩa độc tài là chướng ngại cho sự phát triển này. Để bổ túc, tự do cá nhâncó nghĩa là bạn không trông cậy vào một cái gì từ bên ngoài và không đợi chờ hiệu lệnh của người khác, mà bạn tự có sáng kiến. Vì vậy Đức Phật thường nói đến “giải thoát cá nhân”, có nghĩa là tự giải thoát, không qua một tổ chức nào. Mỗi cá nhân phải tạo dựng tương lai tốt đẹp cho chính mình. Tự do và chủ nghĩa cá nhân đòi hỏi phải có sự tự kỷ luật. Nếu những điều này bị lợi dụng cho những cảm xúc phiền não thì sẽ có những hậu quả tai hại. Tự do và sự tự kỷ luật phải đi đôi với nhau.

    Mở rộng tầm mắt

    Theo Phật Giáo thì mục tiêu cao nhất của mọi hành giả là đắc thành Phật quả để có năng lực cứu độ chúng sanh. Tuy nhiên, một mức thành tựu trung bình có thể giải thoát hành giả khỏi chu trình sinh, lão, bệnh và tử, đầy đau khổ, một mức thành tựu thấp hơn nhưng vẫn có giá trị ở chỗ làm cho các kiếp sống tương lai của hành giả thuận lợi hơn. Từ việc làm thay đổi các kiếp sống của mình cho tốt hơn, hành giả có thể đạt được giải thoát để rồi cuối cùng sẽ chứng thành Phật quả. Trước hết tầm mắt của bạn mở rộng bao gồm các kiếp tương lai, và rồi, do hiểu biết vận mạng của mình, tầm mắt của bạn mở rộng thêm, để bao gồm thêm các kiếp luân hồi. Sau cùng sự hiểu biết này có thể mở rộng đến những người khác, qua ý nguyện từ bi mong cho chúng sanh thoát khổ và loại trừ nguyên nhân đưa đến khổ đau. Lòng từ bi này là nền tảng thúc đẩy bạn phát nguyện tu tập để thành Phật.

    Bạn phải có sự quan tâm đến những phương diện sâu hơn của đời sống để có ảnh hưởng đến các kiếp tương lai, hầu có thể hiểu trọn vẹn tính chất của khổ đau và kiếp luân hồi. Tiếp theo sự hiểu biết về luân hồi đau khổ này là điều kiện cần phải có để phát triển trọn vẹn lòng từ bi. Cũng có thứ tự giống như vậy, người Tây Tạng chúng tôi đang tìm cách đạt được một mức độ tự trị ở Tây Tạng để có thể phục vụ tốt cho người dân tốt hơn, nhưng chúng tôi cũng đang cố gắng để có đời sống ổn định trong tình trạng sống lưu vong ở Ấn Độ. Sự thành tựu mục tiêu lớn tự trị tùy thuộc vào sự thành tựu tạm thời có đời sống lưu vong ổn định nói trên.

    Những bất lợi của sự không có ý thức về sự chết

    Biết rằng mình sẽ chết, đó là điều lợi ích. Tại sao? Nếu không có ý thức về sự chết, bạn sẽ không để ý đến việc tu tập mà chỉ sống một cách vô nghĩa, không tìm hiểu những thái độ và hành vi nào gây ra đau khổ và những loại nào đưa đến phúc lạc. Nếu không nghĩ rằng mình có thể chết sớm, bạn sẽ rơi vào ảo tưởng thường tồn rằng “còn lâu mình mới chết” (I’ll die later on, later on). Khi đến lúc cuối cùng, dù có cố gắng thành tựu một điều giá trị nào đó, bạn sẽ không còn sức lực nữa. Nhiều người Tây Tạng gia nhập tu viện khi còn trẻ để học kinh điển, nhưng khi đến lúc tu tập thực sự thì khả năng của họ có phần thiếu hụt. Đó là vì họ không hiểu đúng giáo lý vô thường.

    Nếu sau khi suy nghĩ về phương pháp tu tập, bạn quyết định áp dụng pháp tu nhập thất mấy tháng hay mấy năm, như vậy bạn đã ứng dụng được nhận thức về lý vô thường của mình. Nhưng nếu quyết định mau chóng đó không được duy trì bởi việc quán niệm tính chất hủy diệt của vô thường thì việc tu tập của bạn sẽ nhạt phai đi. Đó là lý do có những người nhập thất nhiều năm nhưng việc tu tập không có ảnh hưởng gì đến đời sống của họ sau đó. Quán niệm vô thường không những thúc đẩy việc tu tập của bạn mà còn tiếp thêm năng lượng cho bạn nữa. Nếu có ý thức mạnh về tính tất yếu và tính bất ngờ của cái chết thì bạn vận động được từ bên trong, giống như có một người bạn cảnh cáo mình vậy, “hãy cẩn thận, hãy thành tâm, một ngày nữa đã trôi qua” (Be careful, be earnest, another day is passing).

    Có thể bạn xuất gia sống trong tu viện. Như vậy bạn đã có pháp danh và y phục của người tu sĩ. Bạn sẽ có những hoạt động bận rộn ít hơn. Bạn sẽ thay đổi thái độ với đời sống, hướng sự chú tâm của mình đến những mục tiêu xa hơn. Còn bằng ngược lại bạn tiếp tục bận tâm đến những chuyện phù phiếm của thế gian như ăn ngon, mặc đẹp, ở chỗ sang trọng, nói chuyện nhảm nhí, có nhiều bè bạn và người thân quen, kể cả tạo ra nhiều kẻ thù nếu có ai đó làm điều gì mà bạn không thích và đưa đến xung đột, và rồi tranh chấp với nhau. Như vậy bạn không có gì tốt hơn trước đây, lúc chưa xuất gia, và có lẽ còn tệ hơn trước đó nữa. Nên nhớ, nếu chỉ tránh những sinh hoạt phù phiếm vì sợ các bạn đồng tu đánh giá thấp mình thì cũng chưa đủ, mà phải có sự chuyển hóa từ bên trong. Điều này đáng cho chư vị tăng ni cũng như người cư sĩ tại gia ghi nhớ và áp dụng vào việc tu tập.

    Có lẽ bạn đã quen có ý tưởng thường tồn, nghĩ rằng mình còn lâu mới chết và khi còn sống, cần phải có những thú vui thông thường như người khác. Do muốn hưởng thụ trong đời sống hiện tại, dù ít có ý nghĩa lâu dài, bạn sẵn sàng dùng những phương tiện thiếu đạo đức để có được những gì mình muốn, như cho vay lấy lãi cắt cổ, lợi dụng bạn bè, kiện tụng… để có nhiều hơn những nhu cầu lợi dưỡng cho đời sống. Vì bạn đã chọn lối sống như vậy nên tiền bạc trở nên hấp dẫn hơn là học đạo lý, và ngay cả khi bạn muốn tu tập, bạn cũng không chú ý nhiều đến việc ấy.

    Nếu một trang sách rơi xuống đất, có thể bạn ngần ngại lượm nó lên, những nếu một tờ giấy bạc rơi xuống đường thì sự việc lại khác đi. Nếu gặp những người đã cống hiến cuộc đời mình cho những mục tiêu sâu xa, có thể bạn nghĩ tốt về sự cống hiến đó, nhưng chỉ có thế thôi. Còn nếu bạn gặp một người mặc quần áo sang trọng, phô bày sự giàu có, có thể bạn sẽ khởi tâm thèm muốn, bạn cầu mong mình cũng sẽ được như vậy, và rốt cuộc bạn sẽ làm bất cứ điều gì để đạt được mục đích tham muốn ấy.

    Một khi bị lôi cuốn vào dòng chảy phù hoa của đời sống trần tục, những cảm xúc phiền não tham lam, sân hận, si mê, ganh tỵ, kiêu ngạo của bạn sẽ gia tăng, và đưa đường dẫn lối cho bạn tạo thêm ác nghiệp. Những cảm xúc phiền não này chỉ gây rắc rối, làm cho bản thân và những người xung quanh rơi vào tình trạng khó chịu. Dù có thể bạn đã biết chút ít về việc tu tập, nhưng bạn vẫn tích lũy thêm của cải vật chất và liên can với nhiều người hơn, rốt cuộc có thể nói bạn đang thực hành những chuyện phù phiếm của thếgian này, khởi tâm tham ái đối với những người mà bạn có cảm tình, và khởi tâm sân hận đối với những người mà bạn không ưa, và bạn tìm cách để theo đuổi những cảm xúc não phiền này. Khi đã đến chỗ này, dù có nghe nói về những pháp tu chân chánh, bạn cũng sẽ lưỡng lự và bỏ qua.

    Suốt kiếp luân hồi từ vô thỉ cho đến ngày nay, bạn đã quen có những xúc cảm phiền não, nhưng bây giờ bạn có thêm pháp phù phiếm. Như vậy tình trạng trở nên tệ hại hơn, làm cho bạn xa cách với những gì thực sự ích lợi hơn. Bị lôi kéo bởi sự tham muốn, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy sự hài lòng. Bạn không làm cho người khác hạnh phúc, và chắc chắn không làm cho chính mình hạnh phúc. Khi trở nên vị kỷ hơn với những cái “của mình” thì bất cứ người nào can thiệp vào cũng tức khắc trở nên mục tiêu giận dữ của bạn. Dù bạn xem trọng những người bạn thân của mình và những người thân của mình, nhưng họ không thể giúp gì cho bạn lúc sinh ra và lúc mình qua đời.

    Bạn ra đời một mình và rồi sẽ ra đi một mình. Nếu vào ngày bạn qua đời, một người bạn có thể đi cùng thì sự bám giữ vào bạn bè có giá trị, nhưng không thể có chuyện đó. Khi bạn tái sanh trong một hoàn cảnh hoàn toàn xa lạ, nếu những người bạn trong kiếp trước có thể giúp đỡ một điều gì đó thì cũng là một sự liên hệ có giá trị, nhưng sự kiện này không thể xảy ra. Vậy mà trong khoảng thời gian giữa lúc ra đời và lúc chết, kéo dài mấy chục năm, những người bạn đó là “bạn của mình”, “anh chị em của mình”. Sự chấp thủ không đúng chỗ này đã không đưa đến lợi ích gì cả, mà chỉ tạo thêm tham sân si mà thôi.

    Khi quá tham ái với những người mình ưa thích và cũng quá sân hận với những người mình ghét. Khi sinh ra đời, bạn không biết ai là ai hết. Dù tất cả chúng ta đều muốn có hạnh phúc và không muốn đau khổ, nhưng bạn vẫn thích một số người và nghĩ “họ là bạn của mình” và ghét một số người “những người này là kẻ địch của mình”. Bạn gắn nhãn hiệu và biệt danh cho họ rồi khởi tâm tham ái hoặc sân hận. Như vậy thì có giá trị gì? Không có giá trị gì cả. Vấn đề ở đây là mình dành quá nhiều năng lực cho những chuyện phù phiếm của cuộc đời này. Những giá trị tâm linh lớn lao lại bị bỏ quên trước những điều nhỏ nhen như thế. Nếu bạn không tu tập, và khi sắp qua đời bạn được vây quanh với những người bạn và những người đã làm việc cùng với bạn, thay vì có một người nào đó nhắc nhở bạn về việc tu tập tâm linh, đạo đức, rõ ràng chính bạn đã mang lại sự rắc rối cho mình. Sự sai lầm này của bạn là bạn không có ý thức về vô thường.

    Lợi ích của tỉnh giác về giáo lý vô thường

    Tuy nhiên, nếu bạn phải đợi đến giờ phút cuối mới thấm thía sự thật rằng mình sẽ chết, và bạn nhận định một cách thực tế tình trạng của mình ngay bây giờ, bạn sẽ không bị chi phối bằng những mục tiêu phù phiếm nữa. Bạn sẽ không lơ đễnh với những mục tiêu quan trọng lâu dài. Bạn nên quyết định ngay từ đầu là mình sẽ chết, và hãy tìm hiểu những điều giá trị thực sự. Nếu ghi nhớ là đời sống trôi qua rất nhanh, bạn sẽ trân quý thời gian và sẽ làm những gì có giá trị. Với ý thức mạnh mẽ về sự chết tất yếu sẽ đến với mình, bạn sẽ thấy mình cần phải tu tập, chuyến hóa tâm trí, và không lãng phí thời giờ với những thú vui từ ăn uống đến chuyện phiếm về chiến tranh, những cuộc tình lãng mạn và về đời tư của người khác.

    Hết thảy chúng sanh đều muốn mình hạnh phúc và không muốn khổ đau. Chúng ta dùng nhiều kỹ thuật khác nhau để giải trừ những đau khổ lớn cũng như nhỏ. Loài người chúng ta biết thực hành những phương pháp tu tập sớm trong đời của mình để tránh đau khổ về sau. Trong cuộc đời, những người có tu và những người không tu đều tìm cách giảm bớt một số nỗi khổ và giải trừ những nỗi khổ khác, có khi còn dùng sự đau đớn nhỏ làm phương tiện vượt qua đau khổ lớn và đạt được một loại hạnh phúc nào đó. Mọi người đều cố gắng loại trừ đau đớn bên ngoài, nhưng có một phương pháp khác để giải trừ đau khổ ở mức sâu xa hơn, nhắm tới việc giảm thiểu hay diệt trừ đau khổ trong những kiếp tương lai, và hơn nữa, giải trừ tất cả mọi hình thức đau khổ cho chính mình cũng như cho chúng sinh. Phương pháp này gọi là tu tập tâm linh.
    Những phương pháp này bao gồm sự điều chỉnh thái độ. Như vậy, về căn bản, tu tập có nghĩa là điều chỉnh tốt ý nghĩ của mình. Trong tiếng Sanskrit, tu tập tâm linh được gọi là “Dharma”, nghĩa là “cái nắm giữ”. Điều này có nghĩa là do điều chỉnh những thái độ xấu, bạn thoát khỏi một mức khổ đau và như vậy được “giữ lại” khỏi sự đau khổ đó. Việc tu tập tâm linh này có công năng bảo vệ bản thân mình và người khác, khỏi rơi vào hố sâu của sinh tử khổ đau.

    Từ việc đầu tiên hiểu tình trạng của mình trong vòng luân hồi và tìm cách giữ mình lại khỏi đau khổ, bạn truyền đạt sự chứng ngộ của mình cho người khác và phát khởi lòng từ bi, tức là nguyện cứu giúp chúng sinh thoát khổ. Dù chỉ là một sinh linh, bạn có lý do chính đáng để chọn con đường giúp đỡ nhiều sinh linh khác, nhưng cũng có một điều khác, đó là do chú tâm đến lợi ích của người khác, chính bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Có lòng từ bi, bạn sẽ bớt sự đau khổ của chính mình và gia tăng sức mạnh nội tâm.

    Để tôi kể cho bạn nghe về một thí dụ nhỏ, mới đây tôi ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya), tôi bị bệnh nhiễm trùng đường ruột mãn tính. Trên đường đến bệnh viện tôi cảm thấy rất đau, và đổ nhiều mồ hôi. Xe của chúng tôi đi qua khu vực núi Kên kên (tức là Linh Thứu Sơn) và ở vùng này dân làng rất nghèo. Nói chung thì Bihar là một tiểu bang nghèo, nhưng nghèo nhất là vùng này. Tôi không trông thấy một trẻ em đi học. Chỉ có sự nghèo khổ và bệnh tật. Tôi nhớ rất rõ một bé trai bị bại liệt, đeo những thanh kẹp kim loại rỉ sét ở hai chân và hai tay chống nạng. Rõ ràng là không có ai trông em bé. Tôi rất xúc động. Một chỗ khác, tôi thấy có một ông già ở một quán trà bên đường, chỉ mặc một mảnh vải bẩn, té xuống đất, và nằm luôn ở đó chứ không có ai giúp đỡ đứng dậy. Sau đó tôi được đưa vào bệnh viện, tôi cứ nghĩ ngợi về những gì mình vừa trông thấy, suy ngẫm rằng thật đáng buồn khi ở đây tôi được nhiều người săn sóc, còn những người khốn khổ ngoài kia thì không có ai. Tôi nghĩ đến điều đó và quên đi nỗi đau của mình. Dù mồ hôi đang đổ ra, tôi chỉ nghĩ đến những người khác.

    Như vậy dù thể xác của tôi chịu nhiều đau đớn (có một lỗ thủng ở đường ruột) và tôi không thể ngủ được, tâm trí của tôi đã không lo sợ. Nếu tôi đã chú tâm vào bệnh tật của mình thì chỉ làm cho tình trạng tệ hại hơn mà thôi. Đây là một ví dụ từ kinh nghiệm nhỏ của bản thân tôi về thái độ từ bi có ích lợi cho cả bản thân, làm quên đi phần nào sự đau đớn thể xác của mình, làm bớt lo sợ, dù người khác không nhận được sự lợi ích trực tiếp. Lòng từ bi giúp cho chúng ta có thêm sức mạnh, và với sự can đảm đó, chúng ta sẽ an tĩnh nhẹ nhàng hơn. Khi tầm mắt rộng mở của chúng ta bao gồm cả sự thống khổ của vô số chúng sanh, thì sự đau khổ của bản thân mình có vẻ quá bé nhỏ.

    Source: His Holiness Dalai Lama, Jeffrey Hopkins (2002) Advice on Dying and living a Better life, Atria Book, New York, USA.
    6 AWARENESS OF DEATH By Dalai LamaJust as when weaving One reaches the end With fine threads woven throughout, So is the life of humans. -BUDDHA

    Nguồn: https://www.facebook.com/notes/le-v...ai-lạt-ma-thích-nguyên-tạng/1419021481516322/
     

Chia sẻ trang này