ăn chín uống sôi kẻo bị sán- Kinh lắm!

Thảo luận trong 'Cải mệnh = Hatha Yoga và Dưỡng Sinh Thuận Theo Tự Nhiên' bắt đầu bởi cabachlong, 18/4/07.

  1. cabachlong

    cabachlong New Member

    Tham gia ngày:
    20/7/06
    Bài viết:
    1,152
    Điểm thành tích:
    0
    Kinh hoàng chuyện sán


    Ông Bình đang điều trị ở Viện Sốt rét và Ký sinh trùng TW.
    Anh Tiệp vào viện trong tình trạng lác mắt. Qua rất nhiều bệnh viện nhưng không phát hiện được nguyên nhân. Chỉ đến khi chụp cắt lớp ở BV Bạch Mai, anh mới giật mình kinh hãi khi biết "kẻ" gây bệnh cho mình chính là con sán to như chiếc chén con trong đầu.

    Khảo sát ký sinh trùng trên rau sống bán tại các chợ ở TP HCM mới đây cho thấy: hơn 97% mẫu rau sống có bán ở các chợ đều nhiễm ký sinh trùng: trứng giun đũa, giun móc, trứng giun đũa chó mèo... Còn tại Viện Ký sinh trùng Trung Ương, 3 tháng đầu năm 2007, bệnh nhân đến điều trị bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn, sán dây bò tăng cao.

    Bị liệt, mù, động kinh vì ăn thịt lợn bệnh

    Nước da sạm đen, khuôn mặt nhăn nheo ngơ ngác của ông Hoàng Công Bình (ở Bắc Ninh) nhìn chúng tôi một cách lạ lẫm.

    Vợ và con gái đi theo chăm ông ở Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương (SR&KST TW) cho biết: "Ông ấy được như thế là khá lắm rồi đấy". Con gái ông Bình lấy khăn lau mặt và dỗ dành ông như một đứa trẻ.

    Vì đâu mà người đàn ông 53 tuổi này lại bị ngớ ngẩn, chân tay co quắp? Nếu biết nguyên nhân đẩy ông vào bi kịch buồn này, có lẽ mọi người cũng chỉ biết kêu trời.

    Sáu năm về trước, thỉnh thoảng ông Bình cùng đám bạn trong làng tổ chức buổi tiệc rượu nhỏ. Thức ăn chẳng có gì ngoài nem thính (thịt lợn sống trộn thính) cuốn lá sung, rau sống. Và đại gia đình ông chẳng thể ngờ thói quen ăn uống này lại là nguyên nhân gây bệnh chết người.

    Càng ngày những cơn đau đầu dữ dội càng khiến ông Bình thêm ngớ ngẩn. Ông lên cơn động kinh, chân tay co quắp không duỗi được thẳng. Lên Trung tâm Y tế huyện, lên bệnh viện tỉnh, bác sĩ đều chẩn đoán ông bị động kinh.

    Chạy chữa bệnh động kinh đến 4 năm vẫn không thuyên giảm, may thay trong lúc quẫn bách có người mách đưa ông vào Viện SR&KST TW. Chụp cắt lớp, bác sĩ phát hiện ông Bình bị nhiễm ấu trùng sán lợn và nang sán đã chạy lên não, ký sinh 5 năm trong đầu ông. Ông Bình được tẩy sán và sức khỏe đang dần hồi phục.

    Cũng nhiễm ấu trùng sán lợn, nhưng anh Trần Văn Tiệp, ở Thường Tín, Hà Tây vào viện trong tình trạng lác mắt. Anh Tiệp kể, năm 1995 mắt anh đã có biểu hiện bị lác. Càng ngày càng nặng, không chỉ lác mà mắt có biểu hiện mờ đi.

    Điều trị dài ngày ở Bệnh viện Mắt Trung ương, Viện Y học cổ truyền với chẩn đoán "trúng gió" nhưng đều không khỏi. Anh được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, do quá tải nên bác sĩ cho anh đi chụp cắt lớp. Bấy giờ anh mới giật mình kinh hãi khi biết kẻ gây bệnh hàng chục năm cho mình chính là con sán to như chiếc chén con đang nằm chình ình ở trong đầu.

    Theo bác sĩ Đoàn Hạnh Nguyên, Trưởng khoa Khám bệnh thì khi nhiễm ấu trùng sán lợn, nếu bị mù mắt, dù có chữa khỏi nhưng mắt cũng không thể hồi phục được như cũ.

    Ăn phở bò tái - bị nhiễm sán dây bò

    Bệnh nhân bị nhiễm sán dây bò điều trị ở Viện SR&KST TW, hầu hết đều ăn phở bò tái, bò bít-tết.

    Một bệnh nhân nam là nhân viên của một nhà hàng ở Hà Nội hoảng hốt tìm đến bác sĩ chỉ vì mấy ngày nay anh thấy cái gì lành lạnh ở chân. bác sĩ yêu cầu anh về nhà bắt cái lành lạnh để họ làm xét nghiệm. Anh này tá hỏa khi bác sĩ cho biết, anh bị nhiễm sán dây bò. Nguyên nhân gây bệnh nhanh chóng được làm sáng tỏ: do thói quen hay ăn bò tái, bò bít-tết.

    Bác sĩ Hạnh Nguyên cho biết, ấu trùng của sán dây bò ký sinh vào ruột và phát triển thành sán trưởng thành, khi già thì những đốt sán tự rụng và bò ra ở hậu môn, đi xuống chân thấy lành lạnh. Đốt sán này ra ngoài co lại bằng hạt bưởi con. Nhưng đừng tưởng thế là đã khỏi mà đoạn sán non vẫn còn sống trong cơ thể người, muốn hết phải tẩy sán.

    Theo bác sĩ Hạnh Nguyên, có nhiều người đã ngất khi thấy đốt sán tự chui ra. Có con sán ký sinh rất lâu trong người bệnh nhân, độ dài của nó đến 7 - 8m, cá biệt có con dài 10m, gây suy dinh dưỡng cho người mắc phải.

    Những di chứng suốt đời từ ăn sống, uống không sôi

    Nếu như năm 2006, người ta đổ xô đi xét nghiệm sán, thì từ đầu năm 2007 đến nay, phần lớn người ta tìm đến Viện SR&KST TW chỉ vì nghi ngờ có bệnh chứ không phải lo sợ bị bệnh.

    Nhiễm sán lá gan lớn bắt đầu rộ lên từ năm 2003 do thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh như ăn rau sống rửa không sạch hoặc do nguồn nước bị nhiễm bẩn. Ở Hà Nội, bệnh nhân đến điều trị bệnh sán lá gan lớn nhiều nhất là vùng Đông Anh, Sóc Sơn.

    Theo bác sĩ Hạnh Nguyên, so với 3 tháng đầu 2007, bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng đến khám và điều trị gia tăng so với cùng kỳ năm 2006. Trong đó, nhiều nhất là bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn (tháng 3/2007 có 46 bệnh nhân nhập viện, tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2006) và nhiễm sán dây bò.

    Các tỉnh miền Bắc mắc ấu trùng sán lợn nhiều nhất là Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Cao Bằng…

    Theo thống kê của Viện thì 95% bệnh nhân mắc ấu trùng sán lợn có ăn nem thính. Năm 2006, Nghệ An là tỉnh có người nhiễm sán lá gan lớn nhất nước: 75/308 trường hợp mắc bệnh. Đứng thứ 2 là Hà Nội với 14 ca.

    Điều đó cho thấy, không phải chỉ nông thôn, miền núi nơi có điều kiện sống thấp mới có tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng cao.

    Điều trị bệnh ấu trùng sán lợn hiện nay là khó nhất, tốn kém nhất và dài ngày nhất. Nếu như điều trị sán lá gan nhỏ hoặc lớn mất 10-15 ngày thì bệnh ấu trùng sán lợn phải mất 20 ngày/đợt, có người phải 6 đợt mới khỏi.

    Biểu hiện của bệnh này là nổi nang ở dưới da, có người bệnh vào viện khi nang sán dưới da dày đặc, ấu trùng xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống (nem thính - thịt lợn bệnh sống trộn thính - ăn phải trứng sán ở trong rau sống, nước nhiễm bẩn), ấu trùng phát triển thành con sán trưởng thành, xuyên qua niêm màng ruột vào máu và ký sinh lên não gây tổn thương: nhức đầu, buồn nôn, động kinh, co giật, liệt mù, ngọng, lác…

    Theo bác sĩ Hạnh Nguyên, nếu bệnh nhân bị liệt có thể hồi phục được 90-100% tùy vào đến viện muộn hay sớm. Nhiễm ký sinh trùng nhưng chẩn đoán nhầm từ tuyến dưới đã khiến không ít bệnh nhân trở nên sống dở, chết dở và có người để lại di chứng ngớ ngẩn hoặc mù loà suốt đời.

    Bác sĩ Hạnh Nguyên cũng khuyến cáo người dân không nên ăn thịt sống, tái, rau sống phải rửa thật sạch dưới vòi nước chảy, ngâm bằng nước muối kỹ.(Theo Công An Nhân Dân)
    ( Ngôi Sao)
     

Chia sẻ trang này