Đe dọa sức khỏe- đồ chơi Trung Quốc

Thảo luận trong 'Cải mệnh = Hatha Yoga và Dưỡng Sinh Thuận Theo Tự Nhiên' bắt đầu bởi cabachlong, 5 Tháng sáu 2007.

  1. cabachlong

    cabachlong New Member

    Tham gia ngày:
    20 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    1,152
    Điểm thành tích:
    0
    Đồ chơi Trung Quốc: Cực... độc!
    Hầu hết trẻ em VN đang chơi đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc (TQ) nhưng chẳng ai biết được những món đồ chơi đó được sản xuất bằng chất liệu gì. Còn các chuyên gia thì cảnh báo nhiều đồ chơi TQ không an toàn cho trẻ em.
    Độc hại đồ chơi nhựa
    [​IMG]
    Một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em trong nước cho biết điều cấm kỵ nhất là không được dùng nhựa PVC để sản xuất đồ chơi cho trẻ em, nhưng hàng TQ lại “ưa” sử dụng loại nhựa này. Nhựa PVC làm cho sản phẩm mềm, dẻo, độ sáng bắt mắt, màu sắc rực rỡ nhưng nếu trẻ em cầm nắm, thậm chí đưa vào miệng ngậm sẽ rất nguy hiểm - doanh nghiệp này nói.

    Không chỉ thế, nhà sản xuất đồ chơi TQ còn sử dụng cả màu công nghiệp, vốn có thành phần kim loại nặng rất cao. Khi trẻ cho đồ chơi vào miệng, chất độc này sẽ dễ dàng xâm nhập cơ thể. Công bố mới đây của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy gần 50% mặt hàng tiêu dùng nguy hiểm được EU liệt kê trong báo cáo hàng năm là do Trung Quốc sản xuất. Trong đó, đồ chơi trẻ em đứng đầu danh sách nguy hiểm với 85% các loại sản phẩm. Mối nguy hiểm từ các món đồ chơi Trung Quốc đã được cảnh báo là có thể gây tình trạng nghẽn mạch máu và tổn thương não, gan, thận do ngộ độc chì từ hàm lượng chì có trong các món đồ chơi này.

    Theo BS Võ Công Đồng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2: Ở trẻ em khả năng hấp thu chì tới 40% - 55%. Những trẻ bị suy dinh dưỡng, khả năng hấp thu chì cũng như độc tính của chì khi nhiễm sẽ tăng cao hơn những trẻ bình thường. Trẻ em có thể bị ngộ độc chì qua 3 đường: tiêu hóa, hô hấp và da. Ngộ độc chì thường diễn ra từ từ, sau nhiều tháng.

    Thú nhồi bông có chứa vi rút gây bệnh

    Mới đây, ngày 28/5, trên trang China Daily điện tử cũng đã dẫn lời của cơ quan an toàn người tiêu dùng Trung Quốc đưa ra một thông tin gây sốc: “Có đến hơn 20% đồ chơi Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn cho phép, thậm chí một số đồ chơi do các nhà máy địa phương sản xuất còn tiềm ẩn khả năng gây nguy hiểm cho trẻ khi sử dụng”.

    Một cuộc điều tra toàn quốc đã cho kết quả: các chất thải công nghiệp gồm sợi thảm bẩn, giấy và vỏ gói mì ăn liền được tìm thấy trong đồ chơi do các nhà máy ở tỉnh Hà Bắc sản xuất! Đồ chơi nhồi bông thì chứa vi khuẩn, thậm chí vi rút gây bệnh, làm trẻ bị mẩn ngứa và mang bệnh nếu tiếp xúc lâu dài. Một số đồ chơi dễ bị rách và gây chấn thương.
    Không chỉ thế, có những món khá nguy hiểm cho trẻ nhỏ, đó là bộ đồ câu cá. Ở đầu các con cá, cua, ốc đều được gắn nam châm để có thể dính vào cần câu khi trẻ chơi. Nhưng các bác sĩ cảnh báo sẽ rất nguy hiểm nếu em bé cắn phải miếng nam châm và chẳng may nuốt vào. Theo TS Đào Minh Tuấn - phó trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi TƯ, hậu quả của loại tai nạn bất ngờ này rất khó lường. Không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong ngay do bị ngạt khí. Trường hợp may mắn thoát khỏi tình trạng chết ngạt thì để lại di chứng nặng nề. Trẻ bị ngừng thở kéo dài sẽ gây tình trạng thiếu oxy não dẫn đến di chứng não, sống đời sống thực vật.


    Cũng theo TS Đào Minh Tuấn, hơn 100 mẫu dị vật đường thở đang được bảo lưu trong khoa thì có đến gần một nửa là sản phẩm của đồ chơi trẻ em. Phổ biến nhất là chuyện trẻ nhỏ cho vào miệng ngậm rồi nuốt luôn những miếng ghép đồ chơi lắp ráp, một số loại tiền giả hình tròn nhỏ bằng nhựa màu... Lục lạc có hai viên bi tròn hai bên, trống lắc ra âm được làm bằng những thanh nhôm có độ cứng và bén, dễ gây tai nạn cho trẻ em vì nếu kéo mạnh có thể làm sướt tay đến chảy máu...

    Với một số loại đồ chơi khác như xe đạp ba bánh, ôtô điện thì các mối hàn ở khung xe thường rất sơ sài, phần lớn hàn chiếu lệ cho có. Đã có không ít trường hợp một số cháu bé ngồi lên quá mạnh, hoặc nhảy phóc vào xe thì xe “sụm” lăn quay! Chưa kể các loại xe này đa số không được gọt “ba vớ” (nhựa thừa) có thể gây tổn thương cho trẻ từ các cạnh sắc, nhọn. Riêng một số loại xe mô hình, có nhiều trẻ lúc chơi đã nuốt phải những mẩu lắp ghép nhỏ do mối nối không chắc. Một số loại đồ chơi phát ra tiếng như súng điện tử, xe tăng, máy bay..., các nghiên cứu khoa học về âm thanh cũng cho thấy nếu được phát ra với cường độ và mật độ cao thì khả năng tổn thương cho thính giác của trẻ hoàn toàn khó tránh khỏi.

    Hiểm họa từ... những con búp bê

    Trong khi đó, những con búp bê TQ thân mềm xinh xắn có giá chỉ 15.000-30.000 đồng đang được tiêu thụ khá mạnh cũng ẩn chứa những nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Một số nhà khoa học cảnh báo những người bạn thân thiết này có thể ẩn chứa mối nguy hiểm gây ung thư từ áo quần, vải của búp bê.

    Riêng bộ nail (móng tay) giả dành cho bé gái cũng đang được các chuyên gia khuyến cáo về mức độ nguy hiểm. Bộ nail này được làm bằng nhựa, nhưng kèm theo đó là keo để dính nó vào móng tay, lại được làm từ một loại hóa chất sền sệt mà ngay cả giới chuyên môn cũng “không biết nó là chất gì!”. Loại keo này có đủ các màu rất bắt mắt, không mùi, nhưng theo khuyến cáo của các chuyên gia ngành hóa phẩm, nếu dùng lâu sẽ dẫn đến móng bị vàng úa, thậm chí có thể bị thối móng!

    Không chỉ thế, những “đồ nghề” của trẻ sơ sinh như bình sữa, núm ti, chuông lắc bằng nhựa... có nguồn gốc từ TQ đang được bày bán dưới dạng rời, không nhãn mác, không tên tuổi cũng ẩn chứa nguy cơ gây độc hại vì không rõ được làm bằng chất liệu gì. Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em, đừng vì rẻ hơn một vài nghìn mà mua các sản phẩm không tên tuổi cho bé sử dụng, đặc biệt là núm ti và bình sữa.

    Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, phẫu thuật viên chuyên Khoa Mắt của Đại học Y Dược TPHCM, khi để mắt tiếp xúc với những loại ánh sáng có cường độ lớn như tia laser sẽ dễ dẫn đến tình trạng bị bỏng võng mạc, thị lực giảm nghiêm trọng và có thể dẫn đến mù lòa. Được biết, gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều loại đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc mang đậm chất bạo lực như: Súng “bắn máu”, các loại súng bắn bằng tia laser, đạn nhựa.

    Theo Tuổi trẻ & Người lao động
    ( Dân Trí)
     
    Last edited by a moderator: 5 Tháng sáu 2007

Chia sẻ trang này