Điếu Kim Ngao- Khảo luận về tướng mệnh và phong thuỷ

Thảo luận trong 'Kiến thức Nhân Tướng Học-Âm Dương, Ngũ Hành' bắt đầu bởi Phong -Thuỷ, 14 Tháng tám 2007.

  1. Khảo luận về tướng mệnh và phong thủy


    Phần 1

    Số mệnh vẫn là câu hỏi của kiếp người cho dù khoa học tiến bộ đến mức nào chăng nữa. Biết bao câu chuyện thực sự xảy ra chung quanh ta, khiến nhiều người suy nghĩ về số mệnh và sửa đổi số mệnh.
    Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông là hai lãnh tụ Trung hoa cận đại nhưng họ Tưởng một đời hạnh phúc, kế nghiệp xây dựng sẵn của Tôn Trung Sơn, đánh Nhật đã có Đồng minh giúp, chống Cộng đã có Mỹ viện trợ và khi thua chạy ra Đài Loan cũng an hưởng hàng chục năm thanh bình ở Đài đảo thịnh vượng và quyền hành làm chủ một cõi sơn hà truyền đến đời con cái.

    Về đường vợ con, Tưởng Giới Thạch cũng sung sướng hơn Mao nhiều, bà thứ hai của họ Tưởng là Tống Mỹ Linh thuộc một gia đình giàu có nhất Trung hoa đầu thế kỷ 20 và cũng là một phụ nữ vượng phu ích tử và được nhiều người nể trọng, hưởng thọ tới 105 tuổi. Trong khi ấy Mao Trạch Đông cả đời lao tâm lao lực, tuy chiếm được cả lục địa nhưng chẳng lúc nào an nhàn. Về nội bộ Mao phải tranh giành quyền lực với đồng chí như Lưu Thiếu Kỳ, Đào Chú, Lâm Bưu... Đối ngoại, Mao vừa phải đối kháng với Mỹ, vừa phải quyết đấu với Khruschev của Nga. Mặt vợ con của Mao rất bi thảm. Ba đời vợ thì Hạ Tử Chân, Dương Khai Tuệ và Giang Thanh, kẻ thì bị giết, kẻ tự sát và khi nhà độc tài hấp hối cũng chẳng có ai bên cạnh vì Giang Thanh còn mải giành quyền kế vị. Con cái của Mao cũng không ra gì. Con trai duy nhất là Mao Ngạn Anh thì chết ở Triều tiên. Mấy cô con gái đường chồng con quá bạc bẽo. Nguyên nhân nào gây ra sự khác biệt về số mệnh như thế? Các nhà nghiên cứu phong thủy và số mệnh cho rằng tại mồ mả tổ tiên của hai lãnh tụ này đắc thất khác nhau. Tưởng Giới Thạch đặt phần mộ của thân mẫu tại Phụng Hóa, Triết Giang, được nơi đất phát. Mao Trạch Đông có phần mộ của thân phụ ở Thiều sơn, Hồ Nam tuy đất tốt nhưng bị kẻ thù hủy "long mạch" nên chẳng được hưởng toàn cái may... Quay sang Tây phương, rất nhiều người chú ý tới số phận gia đình Kennedy ở Mỹ và gia đình Aristotle Onassis ở Hy lạp. Đây là những gia tộc quyền uy và phú quý nổi danh nhưng nhiều đời gặp bất hạnh. Có người cho rằng họ thuộc vào loại gia đình bị thần linh nguyền rủa (family curse) nên đã nhận bao tai họa và thảm kịch. Có lẽ đó là lý do người tin vào mệnh vận khá nhiều. Ngay cả những kẻ không tin thần thánh cũng nhìn nhận là có số mệnh. Một học giả và là nhà văn nổi tiếng Trung hoa hiện đại là Bá Dương đã có ý kiến sau đây về vận mệnh xem ra khá xác đáng: "Không tin vào thần thánh nhưng tin vào số mệnh. Số mệnh và thần thánh không có quan hệ gì với nhau. Số mệnh thể hiện bằng những gì xảy ra ở ngoài vòng khống chế của cá nhân trong một giai đoạn nào đó của kiếp người. Cho nên vấn đề không phải ở chỗ tin hay không tin. Nếu quả thực không có nó thì tin hay không tin là phạm vi tôn giáo. Nếu quả thực có nó, nó không còn là vấn đề của tôn giáo nữa mà là vấn đề của con người."
    Nếu nhìn nhận có số mệnh thì con người phải làm sao để đối phó? Cứ "nhắm mắt đưa chân" đành để số mệnh "mặc cho con tạo xoay vần"? Hay cầu khẩn thần thánh để hy vọng thoát số kiếp bất hạnh và hưởng hạnh phúc? Hay chống lại số mệnh như Lương Khải Siêu từng viết: Bách niên lực dữ mệnh tương trì (Trăm năm trong cuộc đời lấy sức của mình mà chống lại số mạng.)

    Tuy nhiên, con người có chống được số mệnh hay không? Biết trước số mệnh, có thể cải được số mệnh hay xu cát tị hung hay không? Nhà phong thủy muốn dùng khoa dương trạch hay âm trạch để cải số mệïnh, nhà tính danh học cũng muốn sửa đổi số mệnh bằng đổi tên, trong khi ấy nhà đạo đức hy vọng tướng tùy tâm sinh (tướng do tâm mà ra) giữ thiện tâm thì số mệnh sẽ được cải thiện và hoàn thiện.
    Trong phần mạn đàm về mệnh tướng, phong thủy sau đây, chúng tôi đã dựa vào nhiều thiên hồi ký cuả các nhà tướng số nổi danh Trung Hoa như Lư Nghệ An, Từ Lạc Ngô, Viên Thu San, Vi Thiên Lý, Kiến Nông Cư Sĩ, Vương Đình Chi và Tề Đông Dã...để giúp quý độc giả có thêm tài liệu suy nghĩ về một vấn đề nhân sinh và đánh giá lại giá trị của một ngành học thuật cổ, gồm tướng mệnh và phong thủy. Những câu chuyện của các tướng mệnh gia kể lại thường là những gì họ đã chứng kiến nên có thể giúp chúng ta giải trí và có nhiều cơ hội suy nghĩ về ý nghĩa của kiếp nhân sinh.


    Nhà tướng mệnh học Vi Thiên Lý trong tác phẩm Mệnh Tướng Cố Sự kể lại kinh nghiệm về xem tướng người và mức cao thâm của những nhà xem tướng nổi danh. Hai nhân vật được mang ra phẩm bình tướng mạo là là hai nhân vật tăm tiếng của văn đàn và chính trường Trung Hoa hồi đầu thế kỷ 20: Hồ Thích và Trần Độc Tú.
    Hồ Thích là một học giả lỗi lạc, không những vang danh ở Trung Hoa mà còn ở cả quốc tế, ông cũng là một chính khách danh vọng bậc nhất của Trung Hoa đầu thế kỷ trước. Ở VN chẳng mấy người nghiên cứu văn học không biết tới Hồ Thích và không ít học giả đã tán dương ông hoặc chỉ trích ông trong nhiều bài khảo luận trước và sau 1945 (chỉ trích Hồ Thích cay độc nhất và thành kiến nhất là Đặng Thai Mai.)
    Trần Độc Tú ở Trung Hoa có uy tín hơn cả Hồ Thích. Họ Trần không những là một khuôn mặt uy tín của cải cách văn hóa ở Trung hoa đầu thế kỷ 20 mà còn là người sáng lập ra đảng Cộng sản Trung hoa và là đàn anh của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Hai người trong những năm đầu đời Dân quốc đều dạy tại Đại học Bắc kinh và đều là nhân vật sáng chói trong giới thanh niên và văn học (Hồ Thích sinh năm 1891 chết 1962) còn Trần Độc Tú (sinh 1879 chết 1942) nên được các nhà tướng số của Bắc Kinh ngày ấy dự đoán vận mệnh. Các nhà mệnh tướng đã căn cứ vào hai tiêu chuẩn thanh trọc để bình phẩm số mạng của họ.
    Trước hết cũng nên giải thích rõ hơn hai chữ "thanh" và "trọc" trong số mệnh và tướng pháp. Thanh nghĩa đen là "trong", là tốt đẹp, là hữu dụng. Trọc nghĩa là "đục" là xấu và vô dụng. Kẻ bình thường chúng ta chỉ thấy bề ngoài của một người nghĩa là chỉ thấy cái đẹp hay cái xấu ở tướng mạo hay cử chỉ người ấy nhưng các nhà tướng học có cái nhìn bản chất sự vật và tìm ra được cái nét siêu việt, ưu tú có thể ẩn tàng ở tướng mạo cũng như những biểu hiện hạn chế ở một cá nhân mà họ quan sát.
    Tướng mạo con người có thể toàn thanh hay toàn trọc và trường hợp này xấu tốt đã rõ khỏi bàn. Nhưng có trường hợp "Thanh trung đới trọc" hay trong tốt có xấu và "trọc trung đới thanh" hay trong xấu có tốt khó mà phán đoán và đánh giá. Các nhà tướng mệnh cho rằng đẹp mà trộn cái xấu là phá cách và giảm cái tốt. Còn xấu mà hàm chứa cái tốt không những giảm xấu mà còn mang lại nhiều hanh thông và thành tựu. Sách tướng có dạy: "nhất quý để cửu tiện, nhất tiện phá cửu quý" Nghĩa là "một cách quý của tướng mạo có thể chống lại được chín cái xấu của tướng mạo. Còn một cái xấu của tướng mạo có thể làm hư cả chín cái quý của một người."
    Nhưng quý (hay tiện) ở vị trí nào mới có thể có khả năng cứu giải, bổ túc cái tốt (hay phá hoại ưu điểm)? Các mệnh tướng gia cho rằng chúng phải nằm ở những bộ vị quan trọng trong tướng mạo hay trong cử chỉ của một người.

    Vi Thiên Lý kể lại, vào năm dân quốc thứ sáu (1917) ở Bắc kinh có hai nhà tướng thuật nổi danh là Điếu Kim Ngao và Tần Tứ Gia đã công khai trên báo chí đoán số mạng hai nhân vật thời đại Hồ Thích và Trần Độc Tú.
    Điếu Kim Ngao cho rằng Hồ Thích có quý cách "trọc trung đới thanh", còn Trần Độc Tú lại có khuyết điểm là "thanh trung đới trọc" và kết luận số phận Hồ Thích sẽ hanh thông hơn Trần Độc Tú nhiều.
    Bề ngoài rõ ràng Hồ Thích không thể anh tuấn bằng Trần Độc Tú vì đã cận thị lại thêm lông mi quá rậm nên khuôn mặt tối sầm, người lại nhỏ bé và yếu đuối. Về sự nghiệp và uy vọng họ Trần khi ấy hơn họ Hồ. Hồ Thích mới về dạy đại học, còn Trần Độc Tú đã là khoa trưởng khoa văn, chủ nghiệm tờ Tân Thanh Niên lừng lẫy và là lãnh tụ Đệ tứ Quốc tế. Tuy nhiên, Điếu Kim Ngao phát giác ra hai điểm quý của Hồ Thích. Trước hết là trong cách ăn nói và tiếng cười của ông ta, tất cả bộc lộ nguồn lạc quan, sảng khoái, hòa nhã và thanh tao. Ưu điểm thứ hai là khi đi đứng hay ngồi, hình tướng của họ Hồ gợi hình con tiên hạc và với cốt cách này thì Trần Độc Tú chẳng có thể sánh bằng Hồ. Điếu Kim Ngao kết luận có lúc Hồ Thích sẽ bỏ chức giáo sư đại học và xuất chính và sẽ giữ những vai trò quan trọng trong chính phủ Tưởng Giới Thạch. Điều này khi ấy khó ai tin vì họ Hồ là nhà văn hóa, tỏ ra không thích chính trị như họ Trần. Điều khó thuyết phục hơn nữa, căn cứ vào đâu mà dám nói họ Trần sau này thất bại và chết trong nghèo túng, còn họ Hồ hiển hách trên thang danh vọng? Nên nhớ cả hai ông nay đều con nhà hào phú và danh vọng đương thời.
    Bấy giờ dân Bắc Kinh thấy Điếu Kim Ngao luận về tướng mạo hai nhân tài mà họ kính phục thì đều chú ý, nhất là lời luận đoán được đăng trên báo. Kẻ không tin nhiềâu hơn người tin và chính Hồ Thích cũng tỏ ra không tin Điếu Kim Ngao. Nghe nói Hồ Thích đọc trên báo thấy Điếu Kim Ngư đoán số mạng mình như thế thì bảo người bạn họ Chu rằng: "Số mệnh tôi và Trần tiên sinh tương lai như thế nào tôi không thể biết nhưng bảo tôi bước sang chính trị thì sai hoàn toàn. Nếu bạn có hứng thú thì tới tìm Điếu Kim Ngao đánh cuộc, được thua 5 ngàn hay 10 ngàn 'nguyên' tôi gánh cho."
    Người bạn họ Chu này tìm tới Điếu Kim Ngao để thách đố. Nhà tướng số nhận lời ngay với tiền cuộc là là 10 ngàn nguyên và mang việc này đăng lên báo chí. Cả hai cũng đồng ý "ký quỹ ở giao thông ngân hàng Bắc kinh một khoản tiền để làm bằng. Báo chí ngày ấy đều loan tin sốt dẻo này.


    Hoàng Minh Hùng

    ( VietLove)
     
  2. Ðề: Điếu Kim Ngao- Khảo luận về tướng mệnh và phong thuỷ

    Phần 2

    Kỳ trước quý độc giả đã nghe giới thiệu về cuộc thách đố giữa một người họ Chu bạn của học giả Hồ Thích và vị được coi là Thái sơn Bắc đẩu của ngành tướng mệnh Trung hoa tiền bán thế kỷ 20 là Điếu Kim Ngao. Điếu Kim Ngao và một nhà tướng diện khác, Tần Tứ Gia, vào năm 1917, cho rằng Hồ Thích tương lai sẽ thành công và hạnh phúc hơn Trần Độc Tú mặc dù lúc đó uy thế họ Trần gấp bội họ Hồ. Hơn nữa, hai nhà tướng thuật còn cả quyết họ Hồ sẽ bỏ lãnh vực văn hóa sang hoạt động chính trị. Bản thân Hồ Thích không tin nên mới xui người bạn họ Chu đánh cá với Điếu Kim Ngao và món tiền cá độ lên tới 10.000 nguyên, một món tiền khá lớn ở Trung hoa trước Thế chiến II.






    Cũng cần nhắc lại, trái với đa số người đồng thời cho rằng tướng mạo họ Hồ và họ Trần đều là ưu việt hay thượng cách nghĩa là tốt nhất, Điếu Kim Ngao và Tần Tứ Gia luận đoán tướng mạo của hai ngôi sao thanh niên này chủ trương, họ đều có khuyết điểm không thể gọi là cách "thượng-thượng" được mà chỉ thuộc loại "trung-thượng" mà thôi. Nói cách khác cả hai đều bị xếp vào loại "danh cao ư thực" (danh vọng cao nhưng thực quyền thấp) hay "quý nhi vô quyền" (có quý cách nhưng không có quyền) và "khởi lạc vô định" (lên xuống khó lường.) Không những thế gia đình của họ cũng không mấy hạnh phúc. Tại sao các tướng mệnh gia lại vừa khen vừa chê hai họ Trần và họ Hồ. Theo họ, Trần Độc Tú có cách "thanh trung đới trọc" và cái xấu (trọc) đã làm giảm cái tốt (thanh.) Còn họ Hồ thì "trọc trung đới thanh" và cái tốt (thanh) đã bù được cái xấu (trọc.)

    Hồ Thích, sinh năm 1891 ở An Huy, sau khi có học vị tiến sĩ của đại học Columbia ở Mỹ về vào năm 1917 đã trở thành một trong những cây bút tiền phong cải cách văn hóa ở Trung quốc và được coi như một trong những cột trụ của phong trào Ngũ Tứ Vận Động (trong đó còn có Lỗ Tấn, Lâm Ngữ Đường và Trần Độc Tú.) Ông cũng là nhà thơ mới, nhà nghiên cứu triết học và văn học với hàng trăm tác phẩm xuất sắc và giảng dạy tại Đại học Bắc kinh khá lâu. Hồ Thích viết báo có hàng triệu độc giả, Hồ Thích diễn thuyết có hàng triệu người nghe. Danh vọng lên cao nhưng cuộc sống Hồ Thích trước khi xảy ra cuộc chiến Trung-Nhật thuần túy là văn hóa. Ông hăng say viết sách, viết báo hô hào cải cách văn tự, văn hóa và tư tưởng trên các báo như Tân Thanh Niên và Tân Nguyệt, và chẳng màng tới hoạn lộ.

    Con ngươi họ Hồ mảnh khảnh, cận thị lông mày rậm, kém hoạt bát, trông có vẻ một học giả, tướng mạo không có gì xuất sắc, lại không thích chính trị nhưng Điếu Kim Ngao dám đoan chắc hai điều:
    - Hồ Thích sẽ bỏ môi trường tân văn hóa mà ông là khai quốc công thần để bước sang lãnh vực chính trị vào tuổi 50.
    -Tướng mạo họ Hồ tuy bình thường nhưng ẩn tàng một số ưu điểm bù lại, và báo hiệu ông sẽ thành tựu rực rỡ và hưởng phước hơn Trần Độc Tú.
    Không mấy ai tin khi lời luận đoán, được đăng tải trên báo chí ở Bắc kinh vào khoảng 1917.
    Tại sao? Trần Độc Tú là một nhân vật có lý tưởng và có cả một quá trình hoạt động cải cách tân văn hóa và cách mạng ở Trung hoa. Họ Trần, sinh năm 1879 cũng gốc An Huy, ngày nhỏ nổi tiếng là thần đồng, từng dự kỳ thi hương. Tuy không có học vị bác sĩ như họ Hồ nhưng Trần đã sang Nga và sang Nhật du học và viết báo nên kiến thức rất rộng và tư tưởng khá sâu sắc. Năm 1911 họ Trần từng tham gia cuộc khởi nghĩa Vũ Xương và sau đó viết báo hô hào cải cách văn hóa và chính trị. Ông là một trong những người đi tiền phong về báo chí mới của TQ, từng chủ trương báo như Tân thanh niên (sau đổi là Tân thanh) và Giáp dần tạp chí.
    Năm 1917, Trần được mời làm giảng sư Đại học Bắc kinh về môn văn chương và sau đó làm khoa trưởng Khoa Nghệ thuật tại đại học này. Trần khuynh tả nhưng theo trường phái Trotsky hay Đệ Tứ Quốc Tế (như Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu và Bích Khê ở VN.) và là một sáng lập viên của Đảng Cộng sản Trung quốc và từng được bầu làm chủ tịch đảng và tổng bí thư vào 1921 (sau này bị lật vì phe Đệ Tam do Mao, một em út của Trần, giành được quyền lãnh đạo.) Ông ta được thanh niên coi như lãnh tụ thần kỳ, có khả năng thu hút quần chúng, nói giỏi, văn hay chữ tốt. Nhân chứng cho biết không mấy người gặp họ Trần lần đầu mà không tín phục và không có cảm tình với ông ta. Chính cái dáng anh tuấn, mi thanh mục tú của họ Trần và giọng nói, âm thanh phát ra đã lôi cuốn người đối diện. Thêm vào đó họ Trần đầy tham vọng chính trị và triển vọng tương lai chính trị xán lạn, trong khi Hồ Thích không thích chính trị, uy tín không cao bằng Trần, sức thu hút quần chùng kém Trần, lại được đoán là sẽ bỏ văn theo chính và thành tựu cao. Thực là kỳ lạ.
    Nên biết Hồ Thích và Trần Độc Tú từng là bạn thân và cùng viết cho tờ Tân Thanh Niên nhưng họ đã trở nên xung đột vì Hồ Thích cho rằng tờ Tân Thanh Niên không nên quá thiên về chính trị mà cần chú ý tới tư tưởng và văn hóa trong khi Trần Độc Tú muốn biến tạp chí thành phương tiện tuyên truyền chính tri. Ngày ấy ai cũng tin rằng với hậu thuẫn chính trị như thế, tài năng và uy tín như thế thì họ Trần sẽ trở thành lãnh tụ của Trung Hoa trong tương lai (chứ không đến lần Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình) và Hồ Thích có lẽ cũng mãi mãi sẽ là Thái sơn Bắc đẩu trên văn đàn như Lâm Ngữ Đường hay Lỗ Tấn mà thôi.

    Vào khoảng 1937 Hồ Thích cùng Từ Chí Ma, Lương Thực Thu chủ trương tờ Tân Nguyệt ở Thượng hải và viết nhiều bài về cải cách giáo dục và được chính quyền Nam Kinh để ý và có tin Hồ Thích sắp tòng chính. Điếu Kim Ngao có hy vọng thắng và lãnh tiền đánh cuộc do họ Chu chi trả. Có người biết tin đến báo tin mừng này cho nhà tướng số thì ông này lắc đầu và nói:
    - Thắng bại chưa phân sao đã nói đến được thua. Theo tôi Hồ Thích phải sau tuổi năm mươi mới rời văn đàn tham gia chính trường còn bây giờ thì chưa đâu, chỉ là tin đồân mà thôi. Hơn nữa, cho dù có vào chính trường chăng nữa và tôi có thắng chăng nữa, cũng chẳng nhận được tiền và bạn họ Chu có thua cũng không mất tiền." Nhiều người nghe câu này ngạc nhiên không hiểu vì sao, vì tại sao được cuộc mà không được tiền, chẳng lẽ kẻ thua không chịu trả? Không phải thế. Điếu Kim Ngư lắc đầu và cho biết bản thân mình cũng không biết lý do nhưng cam kết cuộc thách đố được đặt trên sự tín nhiệm tuyệt đối, nhất là hai phía đánh cuộc đã bỏ tiền cọc vào ngân hàng.
    Thế rồi thời cuộc biến chuyển. Nhất là nhân vụ Lư Cấu Kiều (không phải Lư Cầu Kiều như nhiều sách sử VN phiên âm sai), năm 1937 Nhật gấy hấn với Trung Hoa và chiến tranh bùng nổ, Bắc Kinh di tản, Điếu Kim Ngư đi một đàng và ông họ Chu đi một nẻo, ngân hàng cũng di tản. cuộc thách đố vô tình bị bãi bỏ. Khi ấy mới biết lời dự đoán của Điếu Kim Ngao vô cùng chính xác. Trong giai đoạn Nhật Hoa chiến tranh, chính phủ Tưởng Giới Thạch cần một người có năng lực và có tín nhiệm, và cũng được Mỹ tin. Không ai bằng Hồ Thích nên Hồ Thích trở thành đại sứ kiêm đặc sứ Trung hoa tại Mỹ, một vai trò quan trọng hơn ngoại trưởng vì có thể toàn quyền thay chính quyền QDĐ bàn với Đồng Minh Mỹ trong việc đánh Nhật.
    Hòa bình trở lại, Hồ Thích lại quay về văn hóa-giáo dục, 1948 trởû thành khoa trưởng Đại học Bắc kinh và sau khi quốc quân sang Đài Loan vào 1949, Hồ Thích trở thành viện trưởng viện nghiên cứu trung ương. Năm 1960 ông có ra tranh cử tổng thống Đài Loan nhưng thất bại và sang Mỹ. Hai năm sau ông qua đời. Rõ ràng số của Hồ Thích tuy tốt nhưng cũng chỉ ở mức thượng trung mà thôi.
    Điếu Kim Ngao dự tri rất xác đáng nhưng ông không giải thích được vì sao dù thắng cuộc ông vẫn không nhận được tiền cuộc mà chỉ cho rằng tại số ông không có ngoại tài và số ông Chu, kẻ cùng ông đánh cá, không có dấu hiệu hao tài khi Hồ Thích xuất chính.
    Thời cuộc biến chuyển, một yếu tố bên ngoài khoa tướng mạo và khoa số mạng.

    ( VietLove)
     

Chia sẻ trang này