“Khử một phần tập khí nhơ bẩn, được một phần lợi ích”

Thảo luận trong 'CẢI MỆNH NHIỆM MẦU: Tu là sửa chính Mình - Không yêu cầu người khác sửa đổi theo mình' bắt đầu bởi ammay_ngu, 6 Tháng ba 2010.

  1. ammay_ngu

    ammay_ngu Guest

    501. Thư trả lời cư sĩ Ôn Quang Hy (thư thứ ba)



    Lá thư ông tự thố lộ mình đã khởi dâm niệm ở Trùng Khánh Điện Ảnh Viện tôi đã nhận được rồi. Tình niệm của con người như nước, lễ pháp như đê. “Nam nữ thọ thọ bất thân”[31], chính là thánh nhân đã ngừa trước chuyện “do trao - nhận đồ vật mà đụng chạm, chắc sẽ khởi lên ý niệm không trong sạch”. Muốn nắm tay thì khi chưa nắm đã có chín phần dâm niệm rồi. Những nữ nhân khiêu vũ ấy mặc áo mỏng như the, như lượt, nam nữ ôm nhau mười mấy phút, tới lần thứ ba thì đèn vặn mờ đi gần như chẳng thấy được ai. Tình hình ấy hoàn toàn là hành vi cầm thú, nhưng khắp các ấp lớn đều ồ ạt dựng cờ gióng trống mở trường dạy khiêu vũ. Chánh phủ và các nhà giáo dục đều chẳng hỏi tới. Thế đạo nhân tâm còn mong chi tốt lành được nữa? Hãy nên nỗ lực đoạn trừ những thứ tình niệm chẳng đúng pháp ấy, như [người xưa] đã nói: “Khử một phần tập khí nhơ bẩn, được một phần lợi ích”.

    Niệm Phật mà thấy các cảnh tượng thì đối với cảnh ác chớ nên sợ hãi, chỉ nhiếp tâm chánh niệm, cảnh ấy liền tiêu. Với thiện cảnh chớ nên hoan hỷ, chỉ nhiếp tâm chánh niệm, ắt sẽ có sở đắc, tức là nghiệp tiêu, trí rạng. Nhưng [sở đắc] có cạn, có sâu, chớ nên sanh ý tưởng thỏa mãn, cho là đã đầy đủ rồi, [không tu tập nữa]. Nhiếp tâm chánh niệm thì thiện cảnh càng rõ rệt hơn hoặc liền biến mất, đừng quan tâm đến nó. Chỉ cốt sao niệm chẳng lìa Phật, Phật chẳng lìa niệm là được rồi. Thấy thiện cảnh tâm địa thanh lương, trọn chẳng có tâm vọng động, bộp chộp, chấp trước, cũng chẳng đoan chắc là đã nhập định. Biết rõ đấy chỉ là duy tâm sở hiện, chẳng phải là đối cảnh vô tâm.

    “Chẳng nhờ đến phương tiện mà tâm tự được mở mang” nghĩa là niệm như con nhớ mẹ, đấy chính là phương tiện tối thượng, chẳng phải nhờ cậy vào các phương tiện khác! Ông hiểu lầm “không chấp trước” là “quét sạch” nên mới có [nhận định] tương phản với pháp được tạo lập ấy. “Như con nhớ mẹ” sao lại bảo là “quét sạch”? Nếu thánh cảnh hiện, biết cảnh ấy chỉ là duy tâm; hễ chấp trước thì không phải là duy tâm. Do kẻ sơ tâm hễ thấy thánh cảnh, phần nhiều chẳng biết là duy tâm, nên sanh lòng chấp trước. Hễ chấp trước thì nếu không phải là hạng “được chút ít đã cho là đủ” thì cũng là “bị ma dựa phát cuồng!” Do đó, kinh dạy: “Nếu tâm chẳng cho đó là thánh cảnh, bảo là mình đã chứng thì gọi là cảnh giới tốt lành. Nếu tưởng là thánh cảnh, liền bị vướng trong lũ ma, bị ma dựa phát cuồng”.

    Ông là một gã si dại chẳng hiểu chuyện, há nên đem chuyện dụng công lúc thường ngày để sánh ví với sự đau xót, khẩn thiết dốc sức khi lâm chung lúc tướng địa ngục hiện! Như đứa con hiếu lúc bình thường nghĩ đến cha mẹ, tuy cực khẩn thiết, trọn chẳng thể buồn rầu, đau đớn bằng khi cha mẹ đã chết, chẳng màng đến thân mạng [của chính mình] nữa! Ông hãy nên dựa theo sự tướng, chí thành khẩn thiết để tu. Nếu nói lý mà tâm thật sự chẳng thông thì đã vừa vô ích mà còn tự bị tổn hại! Hễ cảnh hiện bèn khám nghiệm, ông bảo đấy là phân biệt; nhưng ông đã thấy được cảnh thì khám nghiệm nó đâu có trở ngại gì? Người khám nghiệm chẳng khởi lên một phương pháp nào khác, vẫn là nhiếp tâm nơi Phật, chẳng để niệm thứ hai khởi lên.

    Do ông chẳng biết cách khám nghiệm, tưởng rằng có cách khám nghiệm khác nên ngược ngạo biến thành phân biệt. Người niệm Phật trọn chẳng phải là kẻ lơ mơ, không phân biệt hiểu biết! Như gương soi vật, vật đến liền hiện bóng; vật đi sẽ không còn [hình bóng] nữa! Lời ông nói đều là chưa bị ma dựa lại muốn bị ma dựa, chứ đâu phải là nói về cách ngăn ngừa cho khỏi bị ma dựa! Do ông dùng cái tâm bộp chộp, vọng động gấp gáp muốn đạt được cảnh ấy nên đâm ra trở thành chướng ngại. Đang trong đại kiếp này, há nên chẳng chí tâm niệm Phật mà cứ vọng tưởng tơi bời, luận nói những lời xuông rỗng ư? Sự nguy hiểm trong Mật tông quả thật chẳng có bút mực nào có thể diễn tả được! Xin hãy giữ chết cứng Tịnh Độ để tu trì, nhường cho kẻ khác [tu các pháp khác] đều thành Phật. Xin hãy sáng suốt suy xét!

    http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien13.htm
     

Chia sẻ trang này