13-18% các cặp vợ chồng Việt Nam bị vô sinh

Thảo luận trong 'Phát ngôn - Tiên tri - Dự báo - Cảm ứng' bắt đầu bởi cabachlong, 29 Tháng sáu 2007.

  1. cabachlong

    cabachlong New Member

    Tham gia ngày:
    20 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    1,152
    Điểm thành tích:
    0
    Ngày 28/6, ông Nguyễn Huy Bạo, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội, cho biết sau 1 năm thành lập, Khoa Hỗ trợ Sinh sản đã có 10 em bé của 8 cặp vợ chồng hiếm muộn chào đời khỏe mạnh.

    Chi phí điều trị cho mỗi cặp vợ chồng áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm khoảng 30-35 triệu đồng. Hiện tại, nhu cầu điều trị vô sinh tại BV Phụ sản Hà Nội đã tăng hơn gấp đôi so với các năm trước. Tới đây, Khoa Hỗ trợ Sinh sản sẽ tiếp tục triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại và cố gắng điều trị cho khoảng 100 cặp vợ chồng/năm.
    Theo TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, đơn vị trực tiếp chuyển giao công nghệ cho BV Phụ sản Hà Nội, từ khi áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, đến nay đã có hơn 1.000 em bé của các cặp vợ chồng hiếm muộn chào đời.

    Em bé lớn nhất đã 6 tuổi và khỏe mạnh. Đặc biệt, có khoảng 100 cặp vợ chồng hiếm muộn đến từ các nước có nền y học hiện đại như Mỹ, Anh, Úc, Đức, Canada... cũng được BV Phụ sản Trung ương điều trị thành công. Điểm thu hút các cặp vợ chồng này đến điều trị là chi phí rẻ và đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm điều trị vô sinh. Theo TS Tiến, số lượng các cặp vợ chồng được xác định là vô sinh ở VN chiếm từ 13% - 18% trong cộng đồng

    ( Vnmedia)
     
  2. Ðề: 13-18% các cặp vợ chồng Việt Nam bị vô sinh

    Kết hôn 4-5 tháng, nhưng “để tự nhiên” mãi vẫn “chưa thấy gì”, trong khi bạn bè đứa cưới trước cưới sau đã rậm rịch khoe lên chức, Trâm Anh bắt đầu sốt ruột.


    Thông tin về các cặp vợ chồng trẻ ngày càng có tỉ lệ hiếm muộn cao cộng với cái lắc đầu của người lớn “bọn trẻ bây giờ ăn uống, sinh hoạt thế nào…”, rồi đi đến đâu cũng nghe bàn tán thực phẩm, nước uống nhiễm chất có hại này, độc tố kia gây ung thư, vô sinh làm cô dâu mới không khỏi lo lắng. “Nói dại, nhỡ mình có làm sao thật thì…”.



    Tư tưởng đã không thật thoải mái, lại thêm gia đình, bố mẹ bên chồng người này người nọ hỏi thăm, chẳng hiểu từ lúc nào, Trâm Anh bỗng thấy mình nhăn mặt khó chịu trước những lời thăm hỏi đầy “ác ý” ấy. Từ bày tỏ nỗi lo với chồng, cô quay sang phụng phịu, giận dỗi anh mỗi khi mẹ chồng cứ “nói gần nói xa” chuyện sinh em bé. Nào phải cô không muốn...



    Vậy là, mới cưới nhau có 4 tháng, Trâm Anh nằng nặc thuyết phục chồng: “Vợ chồng mình đi khám, anh nhé. Chắc cũng không ai bị sao đâu, nhưng để cho yên tâm…”. Chồng Trâm Anh lúc đầu còn bảo vợ lo nghĩ vớ vẩn, sau thấy cô mất ăn mất ngủ, cũng chiều ý gật đầu.



    Cái hành trình “khám vô sinh” ấy cũng gian nan lắm. Ngay cái thuật ngữ kia thôi cũng khiến người ta nổi da gà, mặc định như là mình đã “làm sao” rồi ấy.



    Các xét nghiệm cần thiết bao gồm siêu âm, xét nghiệm máu, nội tiết (vợ) và tinh dịch đồ (chồng). Phải căn đúng ngày thứ nhất hoặc muộn nhất là ngày thứ hai của kỳ kinh đầu tiên, người vợ đi làm xét nghiệm máu và nội tiết. “Kiểm tra chất lượng con giống” của người chồng thì lúc nào cũng được, nhưng để “vợ chồng có nhau” Trâm Anh đợi “đến tháng” mới rủ chồng đi xét nghiệm cùng.



    Kết quả xét nghiệm cả hai vợ chồng đều “không vấn đề gì” khiến Trâm Anh thở phào nhẹ nhõm. Nhưng bác sĩ khuyên cô nên kiểm tra bước tiếp theo là chụp tử cung. “Cháu chưa sinh nở, nạo hút bao giờ cũng chẳng đáng lo đâu, nhưng để cho chắc chắn…”.



    Đã kiểm tra thì kiểm tra đến cùng, Trâm Anh chẳng ngại gì mà không đi chụp, dù rằng cái lần chụp tử cung ấy sau này còn ám ảnh cô nhiều. Tiếng kẹp mỏ vịt, tiếng dụng cụ lanh canh, người ta banh ra rồi bơm thuốc vào tràn căng tử cung, rồi chụp. Cái thứ thuốc ấy khiến Trâm Anh lúc ngồi phòng chờ bắt đầu tức bụng, mỏi lưng y như đến “ngày đèn đỏ”. Một lúc sau thì mồ hôi túa ra, người lạnh toát, tay co quắp, bụng vẫn đau càng lúc càng quằn quại… Đó là hiện tượng bình thường ở một số ít người có cơ địa phản ứng với thuốc.



    Sau một mũi tiêm “cấp cứu” của bác sĩ, Trâm Anh hết co quắp tay, cơ thể cũng bắt đầu ấm lại. Kết quả chụp phim có sau đó ít phút an ủi cô phần nào. “Vòi trứng thông tốt, tử cung hơi đổ lệch một phía, nội tiết hơi kém, chịu khó vận động và uống vitamin D thế nào cũng có bé…” - bác sĩ nói.



    Ấy thế mà, lại thêm 1 tháng, rồi 2 tháng vẫn chưa thấy “2 vạch” đâu. Dạo qua các forum trên Internet thấy cảnh ối cặp vợ chồng chẳng làm sao mà vẫn cứ hiếm muộn, họ thuộc hàng vô sinh không rõ nguyên nhân, Trâm Anh lại bắt đầu lo lắng.



    7 tháng rồi “chưa gì”, nhìn gia đình sốt ruột, những ánh mắt nghi ngại kín đáo, Trâm Anh quyết đi “điều trị”. Bác sĩ đã giải thích cho cô rồi, họ sẽ tiêm thuốc nội tiết kích thích trứng chín, canh ngày để bơm tinh trùng, thế nào ước mong làm mẹ của cô cũng thành hiện thực…



    Không thuộc hàng sốt ruột sục sôi như Trâm Anh, Kim Xuân kết hôn 1 năm chưa có con mới bắt đầu đi khám. Kết quả kiểm tra không tốt cho thấy cô có bệnh phụ khoa. Ròng rã chữa dứt bệnh, rồi hai lần thụ tinh trong ống nghiệm không thành tiêu tốn của đôi vợ chồng trẻ khá nhiều tiền và khoảng thời gian tổng cộng 3 năm.



    Đến giờ Kim Xuân đang tạm dừng chữa Tây y chuyển qua uống thuốc Bắc để cải thiện nội tiết, nhưng tình hình có vẻ vẫn u ám. “Qua bao nhọc nhằn đau đớn rồi mà ông trời vẫn chưa thương. Đường cùng, vợ chồng mình sẽ xin con nuôi. Nhưng anh nhà mình vẫn không muốn, có lẽ còn nước còn tát…”.



    Cùng cảnh 6 năm kết hôn chưa có được mụn con, vợ chồng Quân cũng chạy đôn chạy đáo đông tây y cắt thuốc. “Lỗi” lại chẳng phải tại Thu - vợ Quân - mà do chất lượng tinh trùng Quân không tốt. Lắm lúc nghĩ thương vợ, Quân cũng muốn ly hôn để cô ấy được thỏa ước mong làm mẹ. Ngặt nỗi Thu nhất quyết không đồng ý. Lần này hai vợ chồng lại đi cắt thuốc uống, không biết có kết quả gì không…”.



    Gặp lại Trâm Anh tại một nhà hàng vào buổi tối đẹp trời, cô tươi cười cho biết đã có baby được 3 tháng: “May lắm chị ạ. Sau đợt ấy em đã quyết là đi tiêm thuốc rồi, nhưng nghĩ thế nào lại muốn “dứt điểm cú cuối cùng” tự nhiên. Thế rồi đợi mãi chẳng thấy “đèn đỏ” để đi tiêm, thử que thì 2 vạch, vợ chồng mừng hết biết…”.



    Giờ nhìn lại cũng thấy Trâm Anh sốt ruột hơi… vội. Người ta nói vợ chồng dưới 35 tuổi thì sau 1 năm mới cần đi khám, trên 35 tuổi thì 6 tháng “thả tự nhiên” mà chưa có bé mới nên lo. Nhưng khám sớm thì có hướng sớm, lại giải tỏa tâm lý. Nghe đâu vợ chồng cô thành công lần này cũng nhờ kết quả chụp phim cho thấy cấu tạo tử cung cộng với lời khuyên của bác sĩ về “tư thế”, chế độ ăn uống, vận động.



    Số may mắn như Trâm Anh không nhiều, nhưng các cặp vợ chồng hiếm muộn ngày càng có thêm hy vọng khi tỉ lệ thành công của hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam đã khá cao. Tỷ lệ thành công của 1 lần thực hiện bơm tinh trùng khoảng 10-15%, 1 lần thụ tinh ống nghiệm (TTON) khoảng 30-35% (số liệu từ bệnh viện Phụ sản Từ Dũ - TPHCM), tất nhiên cũng còn tùy độ tuổi (tuổi càng cao cơ hội thành công càng giảm). Công bố thành công 10 ca TTON đầu tiên tại viện phụ sản Hà Nội (do bệnh viện phụ sản Trung ương chuyển giao công nghệ) cho thấy một bước tiến mới của y học Việt Nam trong chữa trị vô sinh.



    Nếu bạn cũng đang mỏi mắt mong chờ hạnh phúc làm cha mẹ, đừng ngại đi kiểm tra tổng thể sức khỏe sinh sản cả hai vợ chồng để có hướng điều trị. Bên cạnh đó, thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh cũng có vai trò đáng kể trong việc thụ thai và sinh em bé. Hãy ăn uống đúng cách, đủ dinh dưỡng, vận động thể dục thể thao thường xuyên, cần nhất là tâm lý thật thoải mái.



    Huyền
    ( Dân Trí)
     

Chia sẻ trang này