1. Bảo Trâm

    Bảo Trâm New Member

    Tham gia ngày:
    20 Tháng mười 2007
    Bài viết:
    274
    Điểm thành tích:
    0
    17 TUỔI VỚI CĂN BỆNH GỌI LÀ “TÂM THẦN“

    Trần Quốc Việt, sinh năm 1989, con trai lớn của anh chị Trần Văn Vĩnh (1959) và Trần Thị Hồng (1963). Quê quán Nga điền, Nga sơn, Thanh hóa. Địa chỉ tại Ấp Thanh Thọ 3, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

    Sau nhiều năm lao động chắt chiu, và dành dụm, tháng 08/2006 anh chị đã thực hiện ước mơ thay thế nhà gỗ trước đây, xây dựng ngôi nhà mới ngay trên phần đất cũ, rộng rãi, thoáng mát. Tuy chưa hoàn thiện nền nhà nhưng đã có phân gian cho từng thành viên trong gia đình. Hy vọng trong tương lai các con khôn lớn chăm chỉ lao động và tiết kiệm sẽ có ngôi nhà tốt hơn.

    Niềm vui gia đình trong ngôi nhà mới được 20 ngày, thì Quốc Việt có biểu hiện bệnh tâm thần. Đang độ tuổi thanh niên trai tráng sung sức của tuổi 17, nhưng Việt rất ủ rũ, lầm lì, ít nói, thích nằm quay mặt vào tường. Cặp mắt khờ dại và đỏ ngầu. Những người chung quanh quan tâm, thăm hỏi nhưng Việt cũng ngại không lên tiếng trả lời.

    Gia đình đưa Trần Quốc Việt vào Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Kết quả chẩn đoán Việt bị rối loạn tâm thần giao cảm, được chỉ định uống thuốc trong 3 tháng. Chi phí khoảng 1 triệu tiền thuốc mỗi tháng. Điều trị ngoại trú.

    GIA ĐÌNH GÕ CỬA CẦU CỨU KHẮP NƠI

    Anh Vĩnh và chị Hồng vẫn cố gắng tìm thầy chữa trị cho Việt, với hy vọng còn nước còn tát, mong giành lại cuộc sống bình thường cho đứa con trai yêu qúy, là niềm thương yêu và hy vọng rất lớn của gia đình. Việt cũng là cháu trai cả của một chi họ Trần ở Nga điền, Nga sơn, Thanh hóa.

    Trong suốt thời gian Việt bị bệnh, anh Vĩnh đã đến rất nhiều phòng khám tư nhân chuyên khoa, đã khám tổng quát tại Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Hòa Hảo, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Quân đội. Bất kỳ ai chỉ đâu cũng đi, xa mấy, tốn kếm mấy cũng không tiếc. Xin kể sau đây một số nơi đã qua:

    1. Cha Hoàng

    Sau khi được các Kitô hữu giới thiệu đến gặp Cha Hoàng ở Lâm Đồng, Cha có khả năng ngoại cảm và chữa bệnh tâm linh, theo yêu cầu của Cha cho xem bản vẽ sơ đồ nhà, và Cha nói trong ngôi nhà đang ở tại phòng khách có một bộ hài cốt.

    Sau khi gặp Cha Hoàng trở về nhà, Việt có biểu hiện tỉnh táo, nhanh nhẹn hơn, tích cực làm việc giúp mẹ nấu cơm, xào rau, tự tắm rửa gần như bình thường. Việt bàn bạc cùng với gia đình đào tìm hài cốt dưới nền nhà theo chỉ dẫn của Cha Hoàng.

    Sáng hôm sau, gia đình và bạn bè, thực hiện đào trong 2 giờ, theo sơ đồ Cha Hoàng vẽ, có điều chỉnh trực tiếp qua điện thoại. Trong khi mọi người đào thì chính Việt lại hướng dẫn chỗ đào cách vị trí Cha Hoàng khoảng 40cm. Không ai nghe theo sự chỉ dẫn của Việt. Sau khi đào không thấy, mọi người mới thử đào chỗ Việt chỉ, thì quả nhiên có dấu hiệu mộ. Đào sâu một chút là thấy phần mộ. Kết quả đã xuất hiện một bộ áo quan trẻ em đã mục, có đất đen, ngang 30cm, dài 60cm.

    Gia đình đã thực hiện khấn liệm và xây cất mộ đúng thủ tục cho bộ hài cốt trẻ em vừa tìm thấy tại nghĩa trang Bác Ái tại địa phương.

    Sau đó Việt rất tỉnh táo được khoảng 10 ngày, rồi bị bệnh trở lại.

    Có thể nhận định rằng vong cậu bé đã theo Việt, làm cho Việt có khả năng chỉ đúng mộ mình. Việc đưa vong về nơi mới cũng chưa giải quyết hết vấn đề, nên Việt bị bệnh trở lại do còn nguyên nhân khác.

    Đến tháng thứ 4, Việt chưa có biểu hiện thuyên giảm mà ngược lại bệnh càng nặng hơn, cảm giác lạnh từ chân đến hông, xuất hiện thêm chứng đau bụng từng cơn, phải nhập viện điều trị nội trú. Trao đổi riêng với gia đình, bác sĩ khuyên nên cho Việt được về nhà dưỡng bệnh, và vợ bác sĩ khuyên gia đình nên đi cầu nguyện cho Việt. Cô nói: ‘”Như bên tôi thì tôi cho cháu đi chùa, còn bên anh thì khấn ở nhà thờ“. Đây là dấu hiệu cho thấy các bác sĩ đã không có khả năng tiếp tục chữa trị cho Việt bằng thuốc tây (thuốc trần) mà phải cần đến phương pháp tâm linh. Có lẽ bác sĩ không tiện nói mà thông qua vợ.

    2. Thầy Ru (Vũng Tàu)

    Sau khi vợ bác sĩ nói như vậy, anh Vĩnh và Việt ra quán cơm gần bệnh viện chờ gặp lại bác sĩ để xin cho Việt nhập viện, điều trị nội trú. Thực sự sau khi nghe vợ bác sĩ nói, anh Vĩnh chưa tin.

    Khi vừa bước vào quán cơm đã tình cờ gặp một người bán vé số ngồi ngay cửa, bà nhìn thấy Việt liền nói rằng: “Chú ơi con chú bị tà theo”, lúc đó anh Vĩnh như chợt tỉnh và hỏi dồn: “Sao bác biết?”, bà nói: “Con tôi cũng bị như vậy!”. Anh Vĩnh hỏi: “Vậy bác chữa ở đâu?”, bà nói: ”Tôi chữa ở nhà ông Ru ở Vũng Tàu, ông ấy là người đạo Công giáo“. Anh Vĩnh xin địa chỉ và thuê xe ôm đi ngay Vũng Tàu.

    Anh Vĩnh đã điện thoại liên hệ xin hẹn gặp thầy Ru ở Vũng Tàu. Thầy chữa bệnh theo phương pháp của Kitô hữu. Khi được dẫn vào phòng thờ, Việt tự động quỳ xuống và cầu nguyện “Xin Đức Mẹ cứu giúp khoẻ mạnh, mau lấy lại sức khoẻ để phụ giúp bố mẹ”. Thầy Ru vẩy nước phép vào đầu, lấy 3 ly nước cho uống. Việt uống nước, tay run, nói đau bụng, thầy Ru nói: “Có ai ở trong đó không?” và Việt tự trả lời: “Có một người trong bụng”. Thầy hỏi: “Người đó là ai?”, Việt nói: “Quỷ satăng“. Thầy bảo: “Uống nước đi rồi ra, kẻo Đức Mẹ dẫm bẹp đầu”. Việt than mệt, được thầy Ru cho đi nằm nghỉ. Nghỉ lại một đêm tại nhà thầy, hôm sau về nhà Việt vẫn còn mệt, không biết gì. Qua sáng hôm sau nữa thì Việt tỉnh táo hoàn toàn, có thể đi được xe gắn máy, đi thăm bà con họ hàng.

    Sức khoẻ của Việt ổn định được một năm, Việt đi làm thợ phụ xây dựng tại tp Hồ Chí Minh cùng với cha mình.

    Bỗng nhiên hai ngày trước Trung Thu năm 2007 Việt đòi về nhà ở Đồng Nai, đến đúng ngày Rằm Trung Thu thì Việt bị bệnh trở lại như cũ, biểu hiện ủ rũ, hỏi không nói, thường bị đau bụng và hay chảy nước dãi nhiều hơn lần trước.

    Theo nhà ngoại cảm nhận định, Việt đòi về nhà, như chờ đón trước ngày bị bệnh. Theo cách tính tuổi thì Việt tuổi Tỵ, tháng 8 âm lịch là tháng Dậu, là tam hợp Tỵ - Dậu - Sửu rất tốt, nhưng tại sao lại là tháng bị bệnh?

    Lúc này anh Vĩnh lại bắt đầu chạy chữa cho con mình. Anh Vĩnh không tới bệnh viện nữa và bắt đầu tin vào việc chạy chữa bằng tâm linh. Lần này anh Vĩnh không trở lại những nơi đã chữa cho Việt trước đây.

    3. Tượng Đức Mẹ Tà Pao (Bình Thuận)

    Nghe nói rằng tượng Đức Mẹ Tà Pao ở Bình Thuận linh thiêng, hai cha con anh Vĩnh và Việt tìm tới để cầu nguyện. Từ Đồng Nai đi Bình Thuận bằng xe gắn máy, trên đường đi viếng Đức Mẹ Tà Pao, không biết tại sao chiếc xe thường xuyên bị trục trặc, khi thì bánh xe cán đinh, lúc thì chết máy, hỏng bugi,… sửa hoài dọc đường, cuối cùng rồi cũng tới. Tại Tượng Đức Mẹ, hai cha con cùng cầu nguyện, đọc kinh một lúc Việt bị tái xanh, nhợt nhạt, sau 15 phút Việt mới hồng hào lại. Hai cha con tạ ơn Đức Mẹ. Trên đường trở về không còn gặp trục trặc nữa.

    Hiện tượng gặp trở ngại dọc đường đi đưa Việt đi chữa bệnh thường xuyên xảy ra trước đây. Lần nào đi chữa bệnh, hai cha con cũng bị trục trặc như: không đón được xe buýt, xe hư dọc đường kể cả khi đi xe đò, xe gặp tai nạn v.v…

    4. Nhà dòng Thủ Đức

    Do Việt vẫn chưa khỏi bệnh, hai cha con lại tới Nhà dòng Thủ Đức. Thầy bảo cháu bị ma tà, đợi 4 giờ chiều mới gặp được Cha có khả năng chữa bệnh tâm linh. Cha nói trong nhà có 5 vong, Cha dẫn Việt vào phòng riêng của Cha, Cha bảo đưa tấm hình của Việt cho Cha xem. Khi Cha cầm tấm hình xem thì đồng thời Việt bị run, và ói. Khoảng 15 phút sau Cha bảo: “Tốt rồi, Cha đưa đi hết rồi!”. Cha cất tấm hình, thì chừng 5 phút sau Việt bị lại. Cha nói: “Lại vào rồi!”. Cha cầm tấm hình của Việt lên thì Việt bị ói tiếp. Được 10 phút Việt hồng hào trở lại, và Cha bảo: “Xong rồi, bố con về nhà và để tấm hình lại, có gì điện thoại xuống cho Cha”.

    Trở về nhà Việt vẫn bị lại, anh Vĩnh điện thoại cho Cha nhưng thường bị mất sóng, không liên lạc được.

    5. Thầy Bình (Long Khánh, Đồng Nai)

    Được người quen giới thiệu, gia đình tiếp tục đưa Trần Quốc Việt đến gặp thầy Bình (Long Khánh), thầy cũng chữa bệnh tâm linh theo phương pháp cúng lễ. Thầy đốt nhang, khấn, phun rượu, vẫn không đỡ. Khi thầy làm lễ thì Việt nhìn bàn thờ tỏ vẻ nghênh ngang bất kính. Thầy Bình hẹn ba ngày sau đến chữa tiếp. Đúng hẹn ba ngày sau, anh Vĩnh mua lễ mặn, vàng mã đến cúng tại nhà thầy Bình. Việt vẫn biểu hiện nghênh ngang trước bàn thờ. Đợi thầy Bình cúng xong, Việt lịch sự xin phép hỏi thầy ba câu hỏi, trong đó anh Vĩnh chỉ nhớ được một câu là ”Xin lỗi thầy, thầy theo đạo nào?”. Thầy Bình trả lời: “Thầy theo đạo làm người”. Hình như cả ba câu trả lời của thầy đều làm cho Việt hài lòng.

    Trên đường về nhà thì Việt rất tỉnh táo, nhưng về nhà chỉ được 20 phút, Việt nhìn cha mình thì khóc, lấy tay tự bóp cổ, làm liên tục như vậy trong hai giờ. Mọi người trong nhà thắp nến, đọc kinh cầu nguyện. Việt ngủ được qua một đêm đến sáng ăn cơm xong chỉ nằm một mình, ai hỏi cũng không nói. Gia đình điện thoại cho thầy Bình bằng 6 máy điện thoại khác nhau đều không liên lạc được. Cuối cùng, mọi người chuẩn bị chở Việt đi gặp thầy Bình thì điện thoại được. Thầy Bình dặn “Cứ từ từ cháu Việt sẽ khỏi, không phải lên”.

    Sau đó Việt ăn ngủ được. Anh Vĩnh điện thoại liên lạc với thầy Bình, thầy khuyên phải cứng rắn với Việt, và chuẩn bị ngày 16 thầy Bình sẽ đến nhà.

    Anh Vĩnh theo lời dặn của thầy Bình, tỏ ra kiên quyết thì Việt định đánh anh Vĩnh, anh Vĩnh nói: “Việt định đánh bố phải không?”. Việt không nói, lên giường nằm thì mẹ tới, Việt vùng vằng, dứt dây màn, và đánh vào trán mẹ rất mạnh còn để vết sẹo.

    Đúng ngày hẹn, gia đình chuẩn bị lễ mặn để thày Bình đến cúng. Khi người nhà nói qua điện thoại, biết thầy Bình sắp đến, lúc đó Việt đang đánh răng nghe được và nói: “Thằng thày này xuống ông vác dao chém chết”. Trong gia đình, ông nội cũng không đồng ý cách chữa bệnh của thầy Bình. Mọi người phải tìm cách khuyên ông nội và thuyết phục Việt tham gia nghi lễ.

    Khi đến nhà, thầy Bình xem xét ngôi nhà và chỗ ở, thầy phát hiện một cây đòn dông phải tháo dỡ. A Vĩnh đã thực hiện. Khi chứng kiến thầy Bình chuẩn bị lễ vật làm lễ, Việt nhìn bàn thờ và bụm miệng cười chế giễu.

    Tự nhiên Việt có khả năng tư duy và trao đổi về giáo lý với thầy Bình, biết nhận xét đánh giá về lý luận do thầy đưa ra. Theo nhận định, thực ra phần vô hình mượn Việt để nói chuyện với thầy Bình và có biểu hiện thái độ như vậy.

    Đêm hôm đó, Việt có biểu hiện rối loạn tâm thần nặng hơn, khóc vật vã suốt đêm. Tiếp tục đêm thứ hai cũng vậy, Việt quậy phá suốt đêm, nước dãi chảy nhiều, và Việt thường xuyên nhào lộn, hai tay múa trong tư thế như bắt chộp. Việt nói là đi bắt hổ trong rừng.

    Mặc dù gia đình tích cực chạy chữa bằng mọi khả năng có thể, không ngại đường xa, chi phí chữa trị tốn kém 35 triệu, nhưng chưa có dấu hiệu nào khả quan, sức khoẻ giảm sút, giảm 5 kílô cân nặng.
    (lovetamlinh-thegioivohinh.com)
     

Chia sẻ trang này