Cải táng - sự kiện cuối năm

Thảo luận trong 'Kiến thức Phong Thủy: Sơn quản Nhân đinh, Thủy quản Tài' bắt đầu bởi dcba, 8 Tháng ba 2007.

  1. dcba

    dcba New Member

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    449
    Điểm thành tích:
    0
    Cuối năm, khi những cơn gió lạnh mùa đông đến, theo tập quán của người Việt, những gia đình có người chết quá 3 năm thì tiến hành bốc mộ. Đây là công việc gây nhiều lo lắng, hoang mang cho mỗi gia đình. Những người con cháu quan niệm rằng, đây là cơ hội cuối cũng lo lắng cho người đã quá cố. Ngoài việc giữ trọn đạo hiếu với người đã khuất, đây còn là dịp để quan tâm đến Phong Thuỷ âm phần, theo truyền thống tâm linh người Việt, ngoài việc giúp cho vong linh được an lành, còn góp phần thúc đẩy sự thành công và may mắn cho các thành viên trong gia đình sau khi cải táng. Để giúp bạn đọc có những kinh nghiệm cần thiết trước khi tiến hành việc này, tôi sẽ hệ thống lại các công việc cần thiết theo Phong Thuỷ, cho mỗi gia đình tham khảo trước khí tiến hành việc đại sự …



    1. Chọn lựa thời điểm :



    Chọn lựa thời điểm để cải táng là một việc vô cùng quan trọng. Theo phong tục của người Việt Nam, người mất sau 3 năm thì cải táng, cũng là lúc con cháu mãn tang, tức là hoàn toàn hết để tang vong linh. Vì thế, việc cải tháng thường được tiến hành sau 3 năm chôn hung táng. Tuy nhiên, hiện nay thực tế môi trường địa lý và khí hậu có nhiều thay đổi, các hoá chất được sử dụng nhiều trong đất để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hiện tượng sau 3 năm xác người chết chưa phân huỷ diễn ra khá phổ biến, nên nhiều gia đình lựa chọn giải pháp là để thời gian cải tháng lâu từ 4 đến 5 năm để tránh hiện tượng trên.

    Năm để tiến hành cải táng phải lựa chọn theo tuổi của vong, tránh những năm xung sát. Ngoài ra còn phải căn cứ theo tuổi của trưởng nam trong nhà, vì khi vong đã mất thì mọi sự may rủi đều gánh trên vai của người trưởng nam. Năm để tiến hành cải táng cũng phải được phù hợp với tuổi của người trưởng nam.

    Một vấn đề được quan tâm nhiều nhất, đó là trường hợp mộ kết. Theo quan niệm của Phong Thuỷ, khi được chôn vào huyệt tốt thì sau một thời gian mộ sẽ kết phát. Nếu mộ kết phát thì con cháu sẽ thuận lợi, nhiều thành tựu, may mắn. Nếu mộ kết mà tiến hành cải táng thì không những mộ bị mất kết mà còn gặp nhiều điều rủi ro cho gia đình. Vì thế cần thẩm định kỹ mộ trước khi cải táng xem mộ có phải là mộ kết hay không. Nhìn mộ có thể đoán định được bằng các đặc điểm sau :

    - Huyệt đất trước khi tiến hành hung táng là một huyệt đất mới chưa được đào xới

    - Mộ có đất vững chắc, nếu lấy một cây gậy cắm vào mộ thì đất rất chắc, khó có thể cắm được. Mộ không có nứt lún hoặc các hang hốc do các loài vật làm tổ.

    - Khí của mộ tươi tốt, cỏ cây trên và xung quanh mộ được xanh tươi

    - Đất của mộ nổi cao lên rõ rệt, xung quanh và trên mộ đất đùn lên trông thấy kích thước phát triển quá mức ban đầu.

    Các bạn lưu ý rằng, nên nhờ một thầy chuyên gia có kinh nghiệm Phong Thuỷ chính tông tiến hành xem xét cẩn thận trước khi cải táng, nếu không biết mà tự ý tiến hành thì sẽ dẫn đến những hậu qủa khó lường. Nếu là một kế thì không nên cải táng, xây dựng, mà chỉ cần trong coi mộ cho cẩn thận, hoặc chỉ xây hàng rào thấp bao xung quang mộ.



    2. Chọn lựa huyệt đất mới :
    Khi đã chọn lựa được thời điểm tiến hành thì người trong gia đình sẽ phải chọn lựa một huyệt đất mới để chuyển hài cốt sang. Ngày xưa, điều kiện đất đai còn rộng lớn thì việc này tương đối dễ dàng. Ngày nay, đất chật người đông, diện tích đất dành cho người chết cũng rất hạn chế. Thường ở địa phương sẽ tiến hành bố trí cho gia đình một huyệt đất mới ở cùng nghĩa trang nơi hung táng. Nếu các gia đình có nhu cầu chọn lựa phải mua đất ở nơi khác rồi chuyển hài cốt về. Việc chọn lưạ huyệt đất là tương đối khó khăn, để tìm được vị trí mới tốt lành, cần lưu ý các điểm sau đây :

    - Huyệt mộ là nơi đất mới chưa từng bị chôn lấp, đào xới. Khí đất của huyệt tươi tốt, đất rắn chắc tươi tắn. Nếu là vùng đồng bằng thì đất tươi mịn, có mùi thơm, đào lên phía dưới độ 6,70cm đất đặc quánh, có màu vàng nhạt hoặc màu nâu đậm. Nếu là miền sơn cước thì đất mịn màng, tuy khô nhưng có màu vàng nhạt.

    - Kỵ nhất là huyệt là nơi đất tơi xốp, có chứa nhiều rác rưởi, hoặc có nguồn nước thải bị ô nhiễm. Đào lên ở đáy huyệt phải có mạch nước ngầm chảy dưới huyệt. Màu sắc của nước trong xanh, mùi thơm, tránh nước bị ô nhiễm hoặc nước có mùi hôi. Những huyệt ở đồng bằng thì kỵ không có nước ở dưới huyệt.

    - Ở các vùng nghĩa trang nơi quy tập nhiều mộ, thường bị tình trạng quá tải về diện tích, các mộ chen lấn nhau. Tránh huyệt bị các mộ xung quanh lấn chiểm, hoặc nằm án ngữ ngay trước phần mộ, hoặc đâm xuyên vào 2 bên cạnh mộ. Nếu chọn được huyệt phía trước rộng thoáng, lại nhìn ra ao hồ hay sông suối là đắc cách. Trường hợp đất đai quá hiếm không chọn được huyệt có phía trước thoáng rộng thì tối thiểu cũng phải có một khoảng đất trống nằm ngay phía trước huyệt mộ.

    - Quan sát cẩn thận hệ thống đường đi xung quanh huyệt. Nếu huyệt có đường đi đâm thẳng vào giữa hoặc đâm xuyên sang hai bên thì chủ về phá bại không thể dùng. Đường đi sát ngay phía sau huyệt cũng tối kỵ chủ tổn hại nhân đinh. Tốt nhất chọn huyệt nơi yên tĩnh xa cách với đường đi lối lại quanh khu vực mộ.

    - Ở vùng núi non thì cần thẩm định huyệt theo những tiêu chí của địa lý chính tông. Huyệt cần được bao bọc có long hổ hai bên ôm lấy huyệt, phía sau có cao sơn che chắn, phía trước có minh đường thuỷ tụ…



    Các bạn lưu ý rằng, nên nhờ một thầy chuyên gia có kinh nghiệm Phong Thuỷ chính tông tiến hành xem xét cẩn thận trước khi cải táng, nếu không biết mà tự ý tiến hành thì sẽ dẫn đến những hậu qủa khó lường.



    3. Các bước tiến hành :
    Bước 1 : Chọn ngày giờ Hoàng đạo :

    Cần tiến hành chọn lựa thời điểm phù hợp, tháng được chọn nên tránh tháng xung khắc với tuổi trưởng nam, tuổi của vong linh. Trong tháng chọn ra 2 ngày tốt gần nhau để tiến hành việc đào huyệt, xây mộ mới và ngày giờ tiến hành đưa hài cốt sang huyệt mộ mới. Ngày giờ tiến hành xây huyệt mộ mới thường chọn trước ngày bốc mộ khoảng 1 tuần. Những giờ tiến hành bốc thường là các giờ về đêm, theo quan niệm âm dương, hài cốt thuộc âm thì nên tiến hành vào các giờ âm để tránh xung hại. Các giờ này là các giờ Hợi, Tí, Sửu, Dần (11h đêm đến 5h sáng)

    Bước 2 : Nghi thức tiến hành :

    Vào ngày tiến hành động thổ xây huyệt mộ mới. Trước giờ khởi công, trưởng nam cùng gia đình sắm sửa lễ để cúng quan thần linh, vì theo quan niệm của tín ngưỡng Việt nam, trước khi làm việc gì cũng phải xin phép Thần Linh bản cảnh chứng giám để gia đình tiến hành công việc được thuận lợi. Lễ vật gồm hoa quả, tiền vàng, lễ mặn, gạo muối,…. Sau khi khấn Thần Linh thì tiến hành động thổ xây dựng. Huyệt thường được đào và xây vuông xung quanh huyệt, phía dưới không xây chỉ để lớp đất bằng để hạ quách dựng hài cốt xuống. Lưu ý : Kích thước xây chỉ vừa đủ rộng hơn quách mỗi chiều khoảng 10-20cm. Phía dưới không được láng xi măng để tránh bị âm dương ngăn cách. Nếu đất rắn chắc thì không cần xây tường xung quanh huyệt.

    Độ nông sâu của huyệt cũng cần được xem xét rất cẩn thận, phải đào hết lớp đất mặt, thường đào đến lớp đất thịt khoảng 50-60 cm. Tuy nhiên, cần phải nhờ một thầy có kinh nghiệm thẩm định độ nông sâu của huyệt.

    Công việc chính và quan trọng nhất là tiến hành đưa hài cốt sang huyệt mộ mới. Hài cốt sau khi được bốc, xếp gon gàng vào tiểu sành sẽ được đưa sang huyệt mới để hạ xuống và lấp đất lên. Sau đó gia đình sẽ tiến hành hoàn thiện phần xây dựng mộ. Mộ xây dựng bao giờ cũng phải có phần thông thiên, tức khoảng đất trên mặt mộ để dương khí giáng xuống.



    Bước 3 : Hoàn tất

    Sau khi mọi việc xây dựng đã hoàn tất, bước cuối cùng là nghi lễ tiến hành lễ tạ phần mộ và cúng cho vong linh được yên ổn, siêu thoát. Theo phong tục truyền thống, lễ vật chuẩn bị bao gồm lễ mặn và lễ chay, ngoài ra còn có đồ mã như ngựa, quần áo, vàng mã. Sau đó gia đình tiến hành lễ tạ quan Thần Linh, lễ điền hoàn long mạch. Những gia đình có truyền thống Phật giáo thì tổ chức nghi lễ cầu siêu cho vong linh được siêu thoát.

    Trên đây là những cách thức cơ bản về Phong Thuỷ và tâm linh cho việc cải táng, một việc làm cuối cùng để yên tâm cho người sống và người đã khuất. Ngoài những yếu tố vô hình về Phong Thuỷ và tâm linh, đây còn là dịp để mọi người có cơ hội thể hiện lòng hiếu thảo với cha ông của mình, sum họp với gia đình và dòng họ, một việc làm rất có ý nghĩa trong trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

    (nguồn: http://www.tuankiet.com.vn/)
     

Chia sẻ trang này