Chánh nhân Tịnh nghiệp của tam thế chư Phật

Thảo luận trong 'CẢI MỆNH NHIỆM MẦU: Tu là sửa chính Mình - Không yêu cầu người khác sửa đổi theo mình' bắt đầu bởi ammay_ngu, 12 Tháng ba 2010.

  1. ammay_ngu

    ammay_ngu Guest

    538. Thư trả lời cư sĩ Quán Tâm



    Mấy hôm trước, qua lá thư từ núi [Phổ Đà] chuyển đến, biết tâm ông mộ đạo tha thiết, tu trì một niềm cẩn trọng, khôn ngăn vui mừng, hâm mộ, nhưng do quá bận bịu chẳng thể trả lời ngay. Ngày hôm qua do có chuyện phải sang đất Hàng, được rảnh rang đôi chút, bèn viết đại khái. “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện nghiệp” chính là chánh nhân Tịnh nghiệp của tam thế chư Phật. Ông hiếu thảo với cha mẹ, biết tiết kiệm, sống chất phác, ắt sẽ chẳng đến nỗi nhận tiền tài phi nghĩa, tâm hạnh ấy khá hợp với Phật. Nếu lại còn thêm lòng tín nguyện cầu sanh Tây Phương, ắt sẽ được như nguyện. Nhưng đã làm con người khác, làm cha của kẻ khác thì hãy nên nghĩ đến cách làm sao cho cha mẹ ta, con cái ta đều được rốt ráo an ổn. Há chẳng tận lực khuyên cha mẹ ta và con cái ta cùng tu Tịnh nghiệp ư? Đấy là ước theo phía người thân mà luận, chứ hết thảy chúng sanh đều là con Phật, ta đã biết như vậy, nỡ lòng nào chẳng làm cho anh em trai, chị em gái, thân thích, làng nước của ta, hết thảy những người gần gũi mỗi mỗi đều được biết tới [pháp môn Tịnh Độ] hay sao? Ông muốn quy y để mong vãng sanh, chẳng nên phát hoằng thệ để thực hiện sẵn đạo “tùy phần, tùy sức độ người” hay sao?

    Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Hoành (Hoằng); nghĩa là dùng trí huệ lớn lao để hành đạo tự lợi, lợi người, tức là vì hết thảy chúng sanh mà nói “giữ vẹn luân thường, nghiêm túc trọn hết bổn phận của chính mình, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đánh đổ ham muốn xằng bậy để khôi phục lễ nghĩa, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương”. Trong Văn Sao đã nói đến [chuyện này] nhiều lượt, nay nhắc lại với ông vì sợ có lẽ ông không chú ý đến nỗi bỏ qua. Vì thế, chẳng ngại gì nhắc lại! Hơn nữa, thế đạo loạn lạc như hiện thời đều là vì không có người khơi gợi, chỉ dẫn [những điều ấy]. Xét đến cội nguồn đều do trong gia đình chẳng khéo dạy dỗ, cũng như chẳng nói đến nhân quả báo ứng mà ra. Thiên hạ chẳng yên, thất phu thất phụ có trách nhiệm! Chú trọng giáo dục gia đình và nhân quả báo ứng thì tự nhiên hiền tài sẽ đông đảo dấy lên, thiên hạ sẽ dần dần được thái bình. Đối với mọi người, xin hãy đều đem lời này khẩn thiết bảo ban. Đấy cũng là một đại sự quan trọng “sống trong cõi trần học đạo, chính mình chưa đắc độ mà đã làm chuyện độ người”. Xin hãy sáng suốt suy xét thì may mắn lắm. Những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao, ở đây không viết cặn kẽ!



    539 . Thư trả lời cư sĩ Lý Cát Nhân



    Nhận được thư hôm Rằm, do bận bịu không rảnh rỗi nên lần khân đến nay. Nếu có thể đích thân tận mặt đến quy y thì cố nhiên là đúng lý, nhưng nếu chẳng đích thân đến được, chỉ dùng lòng chí thành khẩn thiết giống như đích thân lãnh nhận thì cố nhiên cũng chẳng khác gì! Dẫu tận mặt quy y nhưng chẳng coi trọng chuyện quy y, suy nghĩ, cư xử vẫn giống như cũ thì tuy mang tiếng là quy y Tam Bảo, nhưng thật ra là quyến thuộc của ma vương. Lợi ích trong Phật pháp há có thể dùng hư danh để đạt được ư?

    Niệm Phật cần phải nhiếp tâm khiến cho tạp niệm không do đâu khởi lên được. Nếu muốn nhiếp tâm thì hãy nên lắng nghe. Nếu nghe từng câu từng chữ cho rõ ràng thì tự nhiên tâm sẽ chẳng đến nỗi tán loạn quá mức, dẫu không quán tưởng mà cũng giống như đang nhập quán. Nếu chẳng thể nhiếp tâm được thì quán cảnh chẳng rõ ràng, lý tánh chẳnh rành rẽ, lầm lạc muốn được sanh trong Thượng Phẩm, mặc theo ý mình quán tưởng sẽ bị ma dựa phát cuồng nhiều lắm!

    Há cứ phải quán tưởng thì mới có thể vãng sanh Thượng Phẩm được ư? Niệm [Phật] đến mức nhất tâm kèm thêm đại Bồ Đề tâm, lại còn tự hành, dạy người, hành rộng rãi Lục Độ, ai mà chẳng lên được Thượng Phẩm? Nhưng lấy quán tưởng làm nhân cho Thượng Phẩm thì cũng là một cách nói từ xưa đến giờ [dành riêng cho một hạng căn tánh nào đó], chứ nhiếp tâm niệm Phật là đạo để [căn cơ] thượng - trung - hạ cùng tu, lợi ích đạt được sẽ tùy theo [căn tánh và sự tu tập của] từng người mà chia ra lớn - nhỏ. Nếu quán tưởng mà chẳng hiểu biết nguyên do thì quyết chớ nên mù quáng tu tập vì có thể bị ma dựa! Nếu ông có thể nhất tâm niệm Phật, há ông chẳng được sanh trong Thượng Phẩm ư?

    Chú Đại Bi chỉ nên y theo lời thầy đã dạy trong hiện thời mà niệm ắt sẽ có vô biên lợi ích. Cố nhiên hằng ngày nên thường niệm, cần gì phải trong ngày Thập Trai [mới niệm]. Hơn nữa, chuyện ăn thịt họa hại vô cùng. Vợ chồng ông đã phát tâm vãng sanh Thượng Phẩm, sao chẳng ăn chay trường mà chỉ ăn Thập Trai vậy? Chẳng riêng gì chính mình ăn chay mà còn nên khuyên con cái và người trong nhà đều cùng ăn chay. Đọc kỹ Văn Sao sẽ tự biết (bài sớ kêu gọi [tu bổ] ao phóng sanh ở Nam Tầm đã giảng giải khá tường tận) mối họa do ăn thịt và điều lợi do không ăn thịt. Cố nhiên nên nỗ lực nơi chuyện này, đừng để tập tục trói buộc, chỉ ăn Thập Trai mà thôi!

    Thuốc lá của Tây Dương gây hại thật sâu. Trong Văn Sao có in kèm thêm bài thuốc thần diệu để cai nghiện á phiện, linh nghiệm tột bậc. Có rất nhiều người đều cai thành công. Kẻ nào chẳng dứt nghiện được đều là vì thân thể đã mang sẵn bệnh tật khác. Ông hãy nên dựa theo đó, định kỳ hạn cai nghiện thong thả lâu gấp đôi thì sẽ đoạn được cái gốc họa này. Chuyện vãng sanh cố nhiên chẳng vì cai nghiện hay không [mà bị ảnh hưởng], dẫu có tật ấy nhưng hễ sanh lòng tin chân thật, phát nguyện thiết tha, nhất tâm niệm Phật thì không một ai chẳng được vãng sanh.

    Thế đạo nhân tâm hiện thời bại hoại đến cực điểm. Muốn cho quốc gia dần dần được khôi phục nguyên khí mà chẳng vun bồi cho gia đình sẽ không thể được. Những kẻ hoại loạn thế đạo nhân tâm đều do sẵn có tánh tình khác lạ, gia đình lại không dạy dỗ, khiến cho những kẻ sẵn có tánh nết khác lạ ấy sanh khởi hành vi cuồng vọng, ra sức phóng túng, tà vạy. Nếu những kẻ ấy được dạy dỗ đàng hoàng thì nếu cùng quẫn sẽ riêng mình thiện, khi hiển đạt sẽ làm cho kẻ khác đều cùng thiện. Vì thế, Quang cực lực đề xướng dạy dỗ con cái để mong thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui. Điều quan trọng là dạy cho [con cái] biết rõ sanh tử, luân hồi, nhân quả, báo ứng, giáo pháp ấy tuy thông thường nhưng lợi ích hiển nhiên đến tột bậc! Đừng làm các điều ác, vâng giữ những điều lành, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, đấy chính là một đại pháp môn để ngàn đức Phật, vạn đức Phật phổ độ chúng sanh khiến cho gần là thoát sanh tử, xa là thành Phật đạo. Đọc kỹ Văn Sao sẽ tự biết trọn vẹn!

    http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien14.htm
     

Chia sẻ trang này