Chi tiết quan trọng và khám phá từ các bức tượng Phật

Thảo luận trong 'CẢI MỆNH NHIỆM MẦU: Tu là sửa chính Mình - Không yêu cầu người khác sửa đổi theo mình' bắt đầu bởi Tử Vi, 23 Tháng tư 2007.

  1. Tử Vi

    Tử Vi New Member

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    427
    Điểm thành tích:
    0
    Tượng cổ Việt Nam còn lại cơ bản là tượng ở trong các chùa, được chú ý nhiều là tượng Phật và các Bồ tát. Nghệ nhân xưa tạc tượng dù theo trực quan và kinh nghiệm làm nghề là chính, song càng về sau - nhất là ở thời Nguyễn, khi kinh sách về quy cách tạc tượng và những quy chuẩn về tượng Phật được nhập vào Việt Nam và được in ấn để phổ biến rộng, thì nếu có điều kiện vẫn là những sách tham khảo rất tốt cho các nghệ nhân tạc tượng. ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến quy cách tạo tượng theo sách và đặc điểm của tượng Phật.

    I. Một số quy định tạo tượng trong sách Phật học

    Thư viện Viện Hán Nôm còn giữ được một số sách liên quan đến việc làm tượng Phật. Bộ sách "Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu" có giới thiệu mang tính chỉ dẫn ba cuốn sách:

    1. Diên quang tam muội tạo tượng (ký hiệu A.3134)

    Do Tổ sư chùa Bích Động soạn, chép lại năm Quý Mùi niêm hiệu Bảo Đại tức năm 1943, dày 244 trang viết khổ 28x16, gồm 5 phần:

    - Tân biên Tam muội tạo tượng nghi quỹ: nói về cách dựng tượng và hủy tượng.

    - Diên Quang tập: nói về cách điểm nhãn.

    - An tâm phù thức: nói về cách thức làm bùa an thần.

    - Thỉnh Phật an tâm khoa: nói về các nghi thức trong thỉnh Phật an tâm

    - Thỉnh Phật an tọa khai quang khánh tán nghi: nói về các nghi thức tụng niệm Phật.

    2. Tạo tượng lượng đạc đồ dạng (ký hiệu 3104/ g), dày 51 trang in khổ 31x23. Nói về chân dung các Phật, Đế, Quân...dùng làm mẫu để tô (nặn), đúc tượng. Phân tích tượng theo đồ họa để hướng dẫn cách làm.

    3. Tạo tượng lượng đạc kinh (ký hiệu AC. 123), dày 138 trang khổ 31x22, có cả bản Nôm. Nói về cách thức làm tượng Phật, có bản vẽ mẫu và chú thích, trích yếu kinh và diễn Nôm. Sách của Trung Quốc bài Tựa và bài Tiểu dẫn đều ghi làm năm Nhâm Tuất niên hiệu Càn Long 7 tức năm 1742. Trong sách có cả phần TạO tượng lượng đạc tục bổ in tại chùa Xiển Pháp thôn An Trạch bên hữu Văn Miếu tỉnh Hà Nội.

    Dưới yêu cầu tìm hiểu công thức tạc tượng Phật, chúng tôi hoàn chỉnh bản Nôm (do Lê Quốc Việt đọc) để giữ đúng cách diễn tả của người xưa. Nguyên văn:

    Tạo tượng lượng đạc kinh trích yếu phật tượng diễn âm. Hễ phàm phép tô Phật tượng, thời chẳng cứ tượng lớn tượng nhỏ, cũng phải kể từ đỉnh đầu xuống đến bàn chân, chia làm 120 phần. Mỗi 1 phần gọi là một ngón. Trên đỉnh nhục kế 4 ngón. Từ chân tóc đến ấn đường 4 ngón. Từ ấn đường đến đầu mũi 4 ngón rưỡi. Từ mũi đến cằm 4 ngón. Từ cằm đến vai 4 ngón. Từ vai đến vú 12 ngón. Từ vú đến rốn 12 ngón. Từ rốn đến âm nang 12 ngón. Từ âm nang đến bẹn 4 ngón. Từ bẹn đến bánh chè đầu gối 24 ngón. Bánh chè 4 ngón. Từ bánh chè đến mắt cá 24 ngón. Từ mắt cá đến bàn chân 4 ngón. ấy là kể từ đỉnh nhục kế đến bàn chân 120 ngón.

    Từ đầu vai đến khuỷu cánh tay 20 ngón. Từ khuỷu đến cổ tay 16 ngón. Từ cổ tay đến đầu ngón tay giữa 12 ngón. Kể từ vai đến đầu ngón tay giữa, cả thảy 48 ngón. ấy là chiều dựng đứng đo đủ.

    Lại nói các phép đo trên đỉnh kế vòng tròn 15 ngón, đen kịt má bóng mà có cát, tóc xanh đen vòng về bên tay phải, không có cái nào rối với cái nào. Tai chiều ngang rộng 2 ngón. Tai rủ xuống 4 ngón rưỡi, thùy châu 5 ngón, đầu tai ngang bằng lông mi. Cửa lỗ tai dài một ngón, ở trong sâu nửa ngón, lá nhĩ ngoài che lỗ tai cao nửa ngón, rộng 1 ngón, mỏng chia tư một phần ngón. Lỗ tai kể vòng ngoài sâu 2 ngón rưỡi. Trong tai trên dưới chia tư một phần ngón. Lông mi dài 4 ngón, như mặt trăng mới mọc. Hai đầu lông mi ở trong có bạch hào tròn 1 ngón rưỡi, có lông trắng nhỏ thưa. Mí mắt to 3 ngón, dạng như cánh hoa sen. Mắt dài 4 ngón, lòng đen 1 ngón, lòng trắng mỗi bên 1 ngón, trong lòng mâu tử (con ngươi) nửa ngón. Mắt mở chia tư một phần ngón. Đầu mắt bên này qua mũi đến đầu mắt bên kia 2 ngón. Mũi rộng hơn 2 ngón. Từ nhân trung cao đến đầu mũi 1 ngón rưỡi. Trong cốt mũi nửa ngón. Hai lỗ mũi mỗi bên nửa ngón, vào trong rộng hơn. Nhân trung chia ba một phần ngón. Từ mũi đến môi trên 1 ngón rưỡi. Hai môi dày 1 ngón. Hai góc môi 1 ngón. Miệng rộng 4 ngón. Từ môi dưới đến cằm 1 ngón rưỡi, cằm rộng 4 ngón. Từ cằm đến cổ sâu 4 ngón. Mặt vòng quanh qua mũi qua gáy 36 ngón. Từ tai bên này qua mũi sang tai bên kia 18 ngón. Từ sau tai bên này qua gáy đến tai bên kia 14 ngón. Từ chân lá nhĩ trước đến chân tai sau 2 ngón. Cổ to 8 ngón, quanh tròn 24 ngón. Cổ từ giáp cằm xuống chia ba một phần ngón, là một ngấn, dưới hơn 1 ngón là 1 ngấn nữa, lại dưới 2 ngón là 1 ngấn nữa. Từ cổ ra vai mỗi bên 12 ngón. Cánh tay gần nách tròn quanh 16 ngón, đoạn dưới gần chậu tròn quanh 12 ngón. Lòng bàn tay duỗi 7 ngón, ngang 5 ngón. Ngón giữa dài 5 ngón, ngón chỏ kém nửa ngón, ngón vô danh cũng thế, ngón út 4 ngón, ngón cái 4 ngón. Các móng tay dài nửa ngón. Gốc ngón cái đến gốc ngón chỏ xa 3 ngón. Từ gốc



    H.45 - Tượng Phật ngồi thiền (cao 68/70 ngón, ngang 50 ngón)



    H. 46 - Tượng Phật đứng (cao 120, ngang 50 ngón)



    H.47 - Mặt Phật tròn trăng đầy. Mặt Bồ tát thon trứng gà.



    H.48 - Mặt Phật Mẫu hình hạt vừng. Mặt Minh Vương vuông vức.

    ngón út đến ngấn cổ tay 4 ngón rưỡi. Lòng bàn tay cái mài bằng phẳng. Ngón cái 2 đốt, các ngón đều ba đốt. Chít khăn tròn 56 ngón, rốn sâu rộng 1 ngón, quanh rốn 48 ngón. Đùi trên gần bẹn quanh tròn 32 ngón, gần bánh chè 28 ngón. Đùi dưới rộng giữa 21 ngón, quanh trên mắt cá 14 ngón, bên cạnh rộng 2 ngón. Gót tròn dài 3 ngón. Dưới bàn chân 12 ngón. Bên ngón cái bè ngang dày 2 ngón. Bên ngón út bè ngang dày 1 ngón. Dưới bàn chân có ngàn vòng, nhỏ nông như ngấn bàn tay. Bốn ngón đều 3 quặp. Móng chân già nửa ngón. Ngón cái vòng quanh 5 ngón, dài 3 ngón. Ngón chỏ 3 ngón. Ngón giữa, ngón út, ngón bên thấp hơn, cũng dày 1 ngón. ấy là trong kinh Lượng độ phép tô Phật tượng là thế. Dầu như tranh vẽ cũng theo phép thế mà làm, thì người ở chùa cùng dân làng với chủ hưng công đến con cháu cũng được hưởng phúc lâu dài. Nhân quả rồi nên đến vô thượng Bồ đề. Hễ làm sai rối chẳng cứ phép Kinh thì mang tội khổ lâu dài, con cháu sau nhiều tai họa, như Kinh Vọng Tạo đã nói rõ ràng, nên xem cho kỹ.

    Phép thước đo: Tượng đứng chia làm 120 ngón, tượng ngồi chia làm 68 ngón, không kể từ bẹn xuống đến bàn chân". Những chuẩn mực trên là ở phương diện lý thuyết. Tượng Phật có nhục kháo, còn nói chung các nhân vật khác không có nhục kháo. Như vậy đầu (không nhục kháo) là 16 ngón, còn mặt là 12 ngón. So với công thức khái quát mà các nghệ nhân truyền nhau thì Phật đứng cao 7 đầu rưỡi (120/16), Phật ngồi cao 4,25 đầu (68/16). Nếu chuyển sang các nhân vật không phải là Phật tức không có nhục kế, thì người đứng là 7,25 đầu (116/16), người ngồi đúng 4 đầu. Và khi lấy mặt làm đơn vị thì chiều dài của mặt đúng bằng một nửa khoảng cách giữa hai vai (12/24). Khi chia mặt làm ba khoảng từ chân tóc đến ấn đường, đến đầu mũi, đến cằm thì bằng nhau (đều 4 ngón).

    So với giải phẫu cơ thể người châu á và châu Âu được đề cập trong các sách khoa học thì người cỡ trung bình đẹp là 7 đầu rưỡi, khi tượng Phật dang hai tay thì chiều ngang đúng bằng chiều cao (120 ngón), chiều dài bàn tay cũng bằng chiều dài mặt (12 ngón), đường cắt ngang âm nang chia đôi thân (60 ngón). Tuy nhiên, về chi tiết cũng có chỗ khác, chẳng hạn theo khoa học giải phẫu thì từ cằm xuống vú cũng bằng từ vú xuống rốn và đều bằng 1 đầu, thì ở đây từ cằm xuống vú bằng 1 đầu (16 ngón), nhưng từ vú xuống rốn lại bằng 1 mặt (12 ngón). Các chi tiết trên mặt cũng không được chuẩn, chẳng hạn mắt dài 4 ngón bằng các khoảng của khuôn mặt chia ba thì quá dài, trong khi khoảng cách giữa hai mắt chỉ có 2 ngón thì lại quá ngắn. Riêng tai quá dài, kể cả thùy châu là 9 ngón thì đó là đặc điểm của tai Phật.

    Nói chung các tỷ lệ cơ thể trong sách về tạo tượng Phật được quy định khá tỉ mỉ, và cũng khá phù hợp với công thức trên, nó còn phụ thuộc vào tương quan với các đồ thờ và khoảng cách người chiêm bái, cốt sao khi nhìn thuận mắt. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung khi cảm nhận vẻ đẹp của tượng Hậu ở chùa Mật đã giải thích rất rõ rằng ngày nay dù "mặt phấn của tượng đã bị tô lại một cách tai hại, nhưng nó vẫn cho ta thấy một cách rõ ràng tại sao các cụ lại trau chuốt nó ở những nơi nhất định, tại sao đầu tượng lại to như vậy, chân lại ngắn, lưng lại sơ sài và thẳng sừng sững như vậy. Nếu không trông thấy những đồ thờ bày la liệt che lấp nó một phần thì sẽ có thể là không hiểu nó và tiếc rẻ cho nó là thiếu mất tỷ lệ cân đối về con người". (Nguyễn Đỗ Cung: Bàn về mỹ thuật Việt Nam - Viện Mỹ thuật, Hà Nội, 1993, trang 90). Trên thực tế, một pho tượng đẹp thuộc loại cân đối nhất, được xem là cổ điển với tính mẫu mực về tỷ lệ và mảng khối, là tượng Đức Phật Thế Tôn chùa Phật Tích Bắc Ninh) ở thế ngồi cao 186cm, đầu tượng cả nhục kế cao 55cm, trong đó nhục kế cao 11cm, chân nhục kế đến chân tóc 13cm, chân tóc đến ấn đường 10cm, ấn đường đến đầu mũi 11cm, mũi xuống cằm 10cm, cổ cao 19cm, hai vai cách nhau 71cm. Như vậy đầu tượng không kể nhục kế là 44cm, toàn tượng cao 4,25 đầu (186/44), tượng không kể nhục kế cao 4 đầu (175/44), các khoảng trên đầu kể cả nhục kế không chia 5 phần bằng nhau (11/13/10/11/10), cổ dài gần gấp đôi đoạn từ mũi đến cằm (19/10). ở đây mắt và miệng dài bằng nhau (đều 11cm) và gần gấp đôi khoảng cách giữa hai mắt (11/6), vai tượng dài hơn hẳn hai lần mặt tượng (71/31). Không theo đúng sách nhưng tượng lại rất thuận mắt.

    Các giai đoạn muộn hơn, tượng còn bị lùn đi hẳn. Và do đó chúng ta có phong cách khác nhau của các thời. Đấy là một thực tế nghệ nhân dù có học sách cũng không theo sách, khi hành nghề họ đã quên sách của tiền nhân, cứ làm theo kinh nghiệm cho đến khi thuận mắt nhất thì thôi.

    II. Các quý tướng của đức Phật.

    Theo các sách Từ điển về Phật giáo, đức Phật là thuộc hạng người siêu nhân, điều đó được biểu hiện bằng những quý tướng: 32 tướng tốt và và 80 vẻ đẹp. Các tượng Phật thể hiện đức Phật bằng hình khối để mọi người chiêm bái tượng có thể nhận ra nhân vật mà mình sùng kính, do đó nghệ nhân cần nắm bắt để biểu hiện lên tượng.

    a. Ba mươi hai tướng tốt (Tam thập nhị tướng).

    Gọi đầy đủ là "Tam thập nhị đại nhân tướng" tức 32 tướng của bậc đại nhân, như vậy 32 tướng này không riêng gì đức Phật mới có, mà là tướng chung của bậc đại nhân. Người có tướng này nếu tại gia thì là bậc Luân Vương, nếu xuất gia thì khai Vô Lượng Giác. Đức Phật vẫn căn dặn các Phật tử điều đó. Ba mươi hai tướng đó là:

    1. Bàn chân bằng bặn vững chãi

    2. Chỉ dưới bàn chân có xoáy tròn như hình bánh xe có ngăn nan hoa.

    3. Ngón tay thon dài, trước đầu ngón tay nhỏ và nhọn

    4. Tay chân đều dịu mềm

    5. Trong kẽ tay, kẽ chân có da mỏng như giăng lưới

    6. Gót chân đầy đặn

    7. Mu bàn chân nổi cao đầy đặn

    8. Bắp chân tròn như bắp chuối

    9. Khi đứng hai tay dài quá đầu gối

    10. Nam căn ẩn kín (Đó là các căn tính nam giới như hình dáng, âm thanh, hành vi, ý chí, lạc thú v.v... Đặc biệt là sinh thực khí của Phật giống như của ngựa giấu kín trong bụng gọi là mã âm tàng)

    11. Thân hình cao lớn và cân đối

    12. Những lỗ chân lông thường ánh ra sắc xanh

    13. Những lông trên mình uốn cong lên về bên phải

    14. Thân thể sáng chói như vàng thắm

    Quanh mình có hào quang chiếu ra một trượng

    16. Da mỏng và mịn

    17. Bảy chỗ là các lòng bàn tay, lòng bàn chân, hai vai và đỉnh đầu đều đầy đặn

    18. Hai nách đầy đặn

    19. Thân thể oai nghiêm như sư tử

    20. Thân thể chuông chắn ngay ngắn

    21. Hai vai tròn trịa cân phân

    22. Có bốn mươi cái răng

    23. Răng trắng, trong, đều nhau và khít

    24. Bốn cái răng cửa trắng trong và lớn nhất

    25. Hai gò má nổi cao đầy đặn như hai mép sư tử

    26. Nước bọt thơm ngon

    27. Lưỡi rộng, dài và mềm mỏng

    28. Giọng nói thanh nhã, vang xa như giọng nói của đức Phạm Thiên

    29. Mắt xanh biếc

    30. Lông mi dài đẹp

    31. Có chòm lông trắng thường chiếu sáng ở giữa hai lông mày (gọi là bạch hào)

    32. Trên đỉnh đầu có cục thịt nổi cao như hình búi tóc (gọi là nhục kế)

    Ba mươi hai tướng tốt ấy là do quả báo của lòng đại bi của đức Phật mà có được. Chuyển Luân Thánh Vương cũng có 32 tướng ấy, song không được rõ ràng như của đức Phật. Rất nhiều chúng sinh chỉ vừa thấy 32 tướng thắng diệu của Phật mà phát tâm tu hành theo Phật, thọ giới xuất gia hoặc tại gia.

    Ngoài 32 tướng chính, đức Phật còn có 80 vẻ đẹp phụ theo, phân tích tỉ mỉ thêm 32 tướng ấy, tất cả làm trang nghiêm cái thân thể ứng hóa của Phật, khiến cho chúng sinh thấy đem lòng tôn kính và hoan lạc.

    b. Tám mươi vẻ đẹp (Bát thập tùy / chủng hảo)

    Tám mươi vẻ đẹp này dựa theo ba hai tính tốt mà hiện ra, nên gọi là chủng hảo hoặc tùy hảo. Tuy nhiên mỗi Từ điển đều nêu đủ 80 nét tốt đẹp của đức Phật, nhưng sắp xếp không theo thứ tự và không trùng nhau, ngay trong một Từ điển lại có nét trùng nhau, bên cạnh đó giữa các Từ điển lại có nhiều nét khác nhau, vì thế nếu tổng hợp đầy đủ thì sẽ vượt số 80 khá nhiều. ở đây chúng tôi hệ thống lại dựa theo Phật học từ điển (Đoàn Trung Còn, Sài Gòn, 1966) và Từ điển Phật học Hán Việt (Phân viện nghiên cứu Phật học, Hà Nội, 1992) đi từ cái chung đến cái riêng với số 80:

    1. Tướng quý nhất của đức Phật là chữ Vạn ( ) ở ngực

    2. Thân mình tỏa hào quang dài 1 trượng

    3. Khi đi có hào quang chiếu trên thân

    4. Dáng điệu, dung mạo, cử chỉ như sư tử

    5. Đi đứng đằm thắm, oai nghiêm như voi chúa

    6. Tướng đi như ngỗng chúa

    7. Dung mạo ngay chính không lệch lạc

    8. Hình thể tốt đẹp đủ đều

    9. Khi trở mình, xoay người như voi chúa

    10. Thân không vật gì làm lu mờ hoặc lem luốc được

    11. Mọi thành phần cơ thể đều đầy đủ và hoàn thiện

    12. Thân trì trọng, không khuynh động

    13. Thân mình cao lớn, rắn chắc

    14. Coi chúng sinh bình đẳng như nhau

    15. Tuần tự ứng với nhân duyên mà thuyết pháp

    16. Thuyết pháp chẳng chấp trước

    17. Tùy theo ngôn ngữ của chúng sinh mà thuyết pháp

    18. Âm thanh tùy theo chúng sinh chẳng tăng chẳng giảm

    19. Pháp âm ứng với thanh của chúng sinh

    20. Tiếng nói vang trầm

    21. Thân trong sạch, mềm mại, không cong vẹo

    22. Thân bóng bẩy mượt mà, không uốn éo

    23. Trụ xứ yên không động

    24. Oai chấn hết thảy

    25. Mọi chúng sinh thấy đều vui mừng

    26. Chẳng khinh chúng sinh

    27. Chúng sinh có ác tâm khi thấy Ngài cũng đều hòa nhã, vui vẻ

    28. Chúng sinh ngắm thân tướng Phật mà chẳng thể ngắm hết

    29. Chúng sinh ngắm mãi không chán

    30. Nói năng hòa nhã vui vẻ với chúng sinh đúng theo ý thích họ

    31. Khi đi chân cách mặt đất 4 tấc và hiện ấn văn

    32. Khối xương chắc như móc khóa

    33. Lỗ chân lông tỏa ra mùi thơm

    34. Miệng tỏa ra mùi thơm tuyệt vời

    35. Lông mềm mại, sạch sẽ

    36. Lông xoắn theo chiều bên phải

    37. Lông màu hồng

    38. Mạch máu sâu ẩn kín

    39. Không thấy đỉnh tướng. Chỏm đỉnh đầu Phật ngẩng nhìn càng nhìn càng cao, nên không thấy đỉnh

    40. Đầu rất nở nang

    41. Tóc xoăn đẹp, có hình những chữ Thánh như chữ Vạn, chữ Kiết / Cát, chữ Đức

    42. Tóc màu ngọc xanh đen

    43. Tóc có hàng ngũ vén khéo, rất đều, không rối

    44. Tóc có mùi thơm, sợi không cứng

    45. Mặt và trán đối với nhau rất cân phân

    46. Mắt rộng dài, như cánh hoa sen xanh

    47. Mắt sáng, trong, vui

    48. Lông mày như trăng non

    49. Lông mày màu đen

    50. Cặp lông mày đều nhau, cân phân đều đặn

    51. Cặp lông mày châu vào nhau

    52. Mặt mũi thanh tịnh đầy đặn như vầng trăng tròn

    53. Mũi cao, lỗ mũi không lộ

    54. Dái tai rủ xuống

    55. Hai gò má đầy đặn

    56. Môi đỏ như quả tần bà

    57. Mấy răng cửa thì bầu tròn

    58. Mấy cái răng cửa trắng và sắc nhọn đằng đầu

    59. Mấy cái răng cửa đều với nhau hết

    60. Lưỡi màu đỏ hồng

    61. Lưỡi mềm

    62. Bụng thon

    63. Bụng chẳng lộ

    64. Bụng hình cây cung

    65. Rốn đều

    66. Rốn sâu tròn đẹp

    67. Tay chân trắng đỏ như màu hoa sen

    68. Tay chân tròn trịa

    69. Tay chân sáng bóng

    70. Tay chân mịn màng

    71. Tay chân rất cân phân với nhau

    72. Tay chân mềm mại, sạch sẽ

    73. Cánh tay dài

    74. Ngón tay tròn thon nhỏ

    75. Móng như màu đồng đỏ, mỏng và láng bóng

    76. Vân tay sáng thẳng

    77. Vân tay dài không dứt

    78. Xương đầu gối rắn chắc tròn đẹp

    79. Mắt cá ẩn sâu

    80. Gót chân rộng rãi

    Ba mươi tướng tốt và tám mươi nét đẹp của đức Phật là những gợi ý cho việc tạc tượng Phật. Nhưng thực tế sách Phật giáo xưa hiếm, phần lớn nghệ nhân chỉ nắm và thể hiện những nét lớn, và thật ra cũng có nhiều chi tiết không thể hiện trên tượng được, ở đây cũng chỉ là những tài liệu tham khảo để có cái nhìn đầy đủ.

    III. Nhận dạng tượng Phật

    Từ những nguyên tắc của lý thuyết về cách tạo tượng được các nghệ nhân xưa truyền miệng một cách khái quát và được kinh sách ghi lại tỉ mỉ, chúng ta có thể khảo sát và nhận ra thế chung của tượng Phật Việt Nam.

    Phật cũng như mọi người, trong cuộc sống luôn ở trong các tư thế: Đi - đứng - nằm - ngồi, và các nghệ sĩ điêu khắc xưa khi tạc tượng Phật cũng theo bốn tư thế này gọi là tứ oai nghi (hành - trụ - ngọa - tọa). Tuy vậy trong thực tế ít gặp các tượng Phật đi - đứng - nằm. Tượng Thích Ca sơ sinh về lý thuyết thì diễn tả khi Ngài mới sinh ra đã đi 7 bước trên 7 bông hoa sen, nhưng khi tạc tượng thì hầu hết ở thế đứng yên chụm chân. Phật A Di Đà đôi khi cũng có tượng Di Đà tiếp dẫn đứng (như ở chùa Tây Phương - Hà Tây), nhưng hầu hết ở thế ngồi. Tượng Phật nằm chỉ ở đề tài Phật nhập Niết Bàn, chỉ có ở một số chùa. Trong khi đó tượng Phật ngồi lại hết sức phổ biến, vì thế chúng tôi tập trung vào tư thế này. Khác các tượng không phải Phật có thể ngồi thoải mái, tượng Phật phải ngồi theo quy định chặt chẽ. Riêng Phật Di Lặc là Phật của tương lai, hiện tại chưa ra đời, do đó tượng Ngài có thể ở thế ngồi thoải mái để gợi ra một thế giới tương lai đủ đầy hấp dẫn mọi người. Các tượng Phật khác đều phải ngồi theo thế Kết Già Phu Tọa. Sách Luận Trí độ xác nhận: "Trong các phép ngồi, Kết Già Phu Tọa là cách ngồi yên ổn, không mỏi mệt. Đó là phép ngồi của người ngồi thiền (...). Cách ngồi của phép thủ pháp, ma vương thấy nó thì lòng sợ hãi (...). Thấy bức vẽ phép ngồi Kết Già, ma vương cũng sợ hãi. Phương chi con người đã đi vào đạo ngồi yên không lay động".

    Từ điển Phật học dẫn các sách Phật giáo, cho biết: Kết Già Phu Tọa có hai loại: Một là Cát Tường, hai là Hàng Ma.

    - Cách ngồi Hàng Ma: Dùng bàn chân phải đè lên bắp đùi trái, sau đem bàn chân trái đè lên bắp đùi phải, còn bàn tay thì cũng lấy tay trái đặt ngửa trên bàn tay phải.

    - Cách ngồi Cát Tường: Trước tiên đem bàn chân trái đè lên vế đùi phải, sau đem bàn chân phải đè lên vế đùi trái, khiến hai lòng bàn chân ngửa trên hai vế đùi. Bàn tay cũng tay phải đè tay trái, đặt trên nơi ngồi xếp bằng. Cách ngồi Cát Tường này còn được gọi là cách ngồi Hoa Sen (Liên Hoa tọa) như sách Bất tư nghị sở, còn cách ngồi Cát Tường chỉ cần đặt bàn chân phải trên đùi trái thì gọi là cách ngồi Bán (Kết) Già.

    Theo sách Trì minh tạng giáo Du - già pháp môn thì các thiền gia chủ yếu truyền cho nhau cách ngồi Cát Tường, tuy nhiên cách ngồi Hàng Ma cũng có lúc dùng. Trong cách ngồi Cát Tường có hai kiểu: Cát tường toàn phần gọi là cách ngồi Hoa Sen, trong thực tế không phổ biến lắm. Cát Tường cải biên gọi là cách ngồi Bán (Kết / Kiết / Cát) Già thì rất phổ biến. Tượng Phật Thế Tôn chùa Phật Tích - Bắc Ninh có vạt áo che kín lòng đùi nên không rõ chân nào ở trên chân nào, cũng không rõ dưới vạt áo hở cả hai bàn chân hay chỉ một bàn chân, nhưng quan sát cách để tay thì rõ ràng bàn tay trái đè lên lòng bàn tay phải, vậy hẳn là tọa thiền theo cách Hàng Ma. Và loại ngồi này quả hiếm.

    Dù ngồi theo cách nào thì gọi chung vẫn là Kết Già Phu Tọa, không chỉ ở thế chân tay mà còn phải ngồi ngay ngắn, dướn thẳng để lưng vuông góc với mặt sàn, mắt khép hờ nhìn xuống chóp mũi để vẫn gắn với ngoại cảnh nhưng tập trung soi rọi nội tâm, làm cho tinh thần minh mẫn để trở nên sáng suốt tốt lành. Sở dĩ được như thế là nhờ hệ thống các huyệt ở dọc xương sống lên đến đỉnh đầu được khai mở nhờ con thần xà lửa Kundalini đi dần từ dưới lên theo quá trình tu luyện của người ngồi thiền.

    Tổng hợp một số tư liệu đã công bố rải rác, nhất là cuốn Tọa thiền của Thích Tâm Giác (nhà in Việt Liên, Sài Gòn, 1963), chúng tôi (PGS - TS Trần Lâm Biền và tôi) nghĩ rằng người xưa đã gắn sự giác ngộ với thứ tự khai mở luân xa trong các trung tâm lực:

    1. ở đốt xương sống cuối cùng là trung tâm lực đầu tiên có một huyệt được tượng trưng bằng bông hoa sen 4 cánh màu đỏ, ở đó hội tụ tinh khí âm dương, cũng tiềm ẩn con thần xà. Khi con thần xà hoạt động, luân xa Muladhara khai mở thì tạo điều kiện để tu luyện tiếp sẽ vươn lên khai mở các luân xa phía trên.

    2. Ngang nơi bộ phận sinh dục là trung tâm lực thứ hai, được tượng trưng bằng bông hoa sen 6 cánh màu đỏ thắm. Tại đây, khi luân xa Savadis-chtana được con thần xà bò tới khai mở thì người đó cảm thấy thể phách và thể vía di chuyển lạ lùng, có được phép thần thông.

    3. Ngang nơi rốn là trung tâm lực thứ ba, được tượng trưng bằng bông hoa sen 10 cánh màu tím. Tại đây khi luân xa Manipura được con thần xà bò tới khai mở thì người đó biết được kiếp trước của mình cùng chúng sinh, biết cả quá khứ và vị lai cá nhân.

    4. Ngang với tim là trung tâm lực thứ tư, được tượng trưng bằng bông hoa sen 12 cánh màu hồng vàng. Tại đây khi luân xa Anahata được con thần xà bò tới khai mở thì người đó đoạt được phép thần Tha tâm thông, không cần hành động vẫn có thể hiểu được tâm niệm và tư tưởng chúng sinh. 5. Ngang nơi cổ là trung tâm lực thứ năm, được tượng trưng bằng bông hoa sen 16 cánh màu xám. Tại đây, khi con thần xà bò tới khai mở luân xa Vischuda thì người đó nắm được phép thần Thiên nhĩ thông, có thể nghe được những tiếng ở xa ngàn dậm, dù là tiếng động rất nhỏ của côn trùng.

    6. Ngang nơi sơn căn giữa hai lông mày là trung tâm lực thứ sáu, được tượng trưng bằng bông hoa sen 2 cánh màu trắng. Tại đây khi con thần xà bò tới khai mở luân xa Ajna, thì người đó đoạt được phép thần Thiên nhãn thông, có thể thấy vật ở xa ngàn dậm, dù là vật rất nhỏ.

    Về bông sen trắng hai cánh này, có người cho là con mắt thứ ba, nếu ai tập trung tư tưởng vào đây thì sẽ cảm nhận được sự tự chủ và sáng suốt. Có nhà nghiên cứu cho rằng khi bông sen nở là người ta có ý thức Yoga, hiểu được nội tâm của người và vật, có ý chí mạnh để gây ảnh hưởng tới nội tâm của người và vật.

    7. Cuối cùng hội vào đỉnh đầu là trung tâm lực thứ bảy, được tượng trưng bằng bông hoa sen 1.000 cánh màu xanh ở giữa ánh vàng bao bọc. Con thần xà bò tới tận đây sẽ khai mở luân xa Sahasrâra thì người đó đạt tới phép thần Lậu tận thông tức trí tuệ Phật: Sáng suốt cùng tận, hiểu lẽ huyền vi vũ trụ, nắm bắt đầy đủ quá khứ - hiện tại - vị lai với mọi vận động trong vũ trụ. Bông sen nghìn cánh này được xem là cái tướng tuyệt hảo ở đỉnh đầu Phật càng ngẩng cao không thể nhìn thấy được (Vô kiến đỉnh tướng), nó cũng đồng nhất với âm AUM mênh mang là câu thần chú ngắn gọn nhất mang ý nghĩa thiêng liêng trong việc giao tiếp với những lực lượng siêu hình có sức mạnh lớn lao.

    Cùng với những cách ngồi Kết Già Phu Tọa khác nhau, tượng Phật bao giờ cũng phải có tóc xoăn như con ốc (thông thường từ chân tóc uốn về bên phải ngược chiều quay kim đồng hồ), đỉnh đầu có nhục kế nổi lên như chiếc bát úp, đầu tóc xanh đen nhưng trên nhục kế lại có một mặt tròn nhỏ thếp vàng là biểu hiện của Vô kiến đỉnh tướng. Tai tượng dài gần chấm vai. Cổ cao ba ngấn. Tay tượng phần lớn kết ấn Tam muội hoặc ở các thế thuyết pháp và cứu độ, cổ tay đeo vòng. Ngực tượng thường có chữ Vạn (đúng ra phải quay ngược chiều kim đồng hồ, nhưng đôi khi cũng làm ngược lại). Hầu hết tượng Phật khoác áo cà sa che kín người hai nửa cân nhau , gọi là Tăng-già-lê gồm áo mặc trong, áo mặc giữa và áo mặc ngoài, nhưng đôi khi (như ở chùa Bà Tề - Hà Tây, chùa Côn Sơn - Hải Dương) lại mặc áo Tăng-kỳ-chi từ dưới nách phải vắt vòng qua vai trái (như vậy cánh tay phải để trần). Tương truyền áo Tăng-kỳ-chi do đức Phật sáng chế ra, nhưng khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, việc để lộ vai phải không phù hợp phong tục người Hán nên thay bằng áo cà sa. Tượng Phật thì cả da thịt và y phục đều thếp vàng ròng và bao giờ cũng ở trên đài sen. Nhờ những đặc điểm trên, trong chùa tượng Phật không thể lẫn với tượng Bồ tát và các nhân vật khác, nhưng cũng vì thế mà không được phong phú bằng các loại tượng khác. Nhưng nét trên mới chỉ thể hiện một phần nhỏ những quý tướng của Phật.
    ( cinet.gov.vn)
     
    Last edited by a moderator: 23 Tháng tư 2007

Chia sẻ trang này