Con chó trong các nền văn hoá

Thảo luận trong 'Phát ngôn - Tiên tri - Dự báo - Cảm ứng' bắt đầu bởi Nguyệt, 2 Tháng mười hai 2007.

  1. Nguyệt

    Nguyệt New Member

    Tham gia ngày:
    12 Tháng ba 2007
    Bài viết:
    336
    Điểm thành tích:
    0
    Tuổi Tuất cầm tinh con Chó, còn có những tên gọi khác nhau, như : Khuyển, Cẩu và Cầy.
    Theo Tự Điển Larousse, trên thế giới có độ 340 loại chó. Chó thuộc loại có vú, và 4 chân. Trong 12 con Giáp, chó được xếp vào loại thứ 11. Giờ Tuất bắt đầu từ 19g đến 21g. Ba danh từ quen thuộc mà người VN chúng ta thường dùng để gọi những giống chó, như : Chó Tây, Chó Nhật Bản, Chó Ta (tức chó VN). Thông thường ở VN có những loại chó, như : chó Bông (nhỏ, có lông trắng và xù) thường nuôi để làm kiểng, chó Mực (lông đen); chó cò (lông trắng), chó chóc (chó nhỏ con); chó lài (chó ở miền bắc VN), chó vện (chó vá có vằn trên lưng), chó cộc (cụt đuôi).
    - Ở rừng, có chó rừng (chacal), chó sói (loup), và linh cẩu (hyène). Các loại này rất nguy hiểm và rất hung dữ.
    - Dưới biển, thi có chó biển (loại cá mập), hải cẩu (phoque)
    - Cây súng lục tiếng lóng là ‘‘chó lửa’’
    - Miếng sắt thật nhỏ, nằm trong cái ru-lip (roue-libre) xe đạp cũng có tên là ‘‘con chó’’
    - Ngoài Bắc, có giống cây tên là ‘‘cây máu chó’’. Trong Nam có giống rau gọi là ‘‘rau húng chó’’, để xơi thịt cầy.
    Một nhà văn đã mô tả đức tính của chó như sau : hào hiệp, can đảm, thanh cao, trung thành, tận tụy, chăm chỉ, vô tư, khiêm tốn, vị tha, quân tử và kín đáo, dễ bảo, thông minh, khôn ngoan, dè dặt...
    Người ta nuôi chó để dùng vào việc : giữ nhà, đi săn, hướng dẫn người mù đi đường, tìm nạn nhân mất tích trong những trận động đất, hay bị chôn vùi dưới tuyết, làm xiếc, tham gia chiến trận, đánh hơi khám phá ra chất nổ hoặc xì ke ma túy... Gần đây, chó còn được huấn luyện đóng phim, làm quảng cáo cho các dịch vụ thương mại. Tại miền Nam nước Pháp ở tỉnh Provence, chó còn được tập luyện tìm nấm ‘‘Truffe’’, một loại nấm qúi và rất đắt tiền.
    Ngoài ra, chó cũng đã góp phần hữu hiệu giúp các văn nhân thi sỹ lão thành hay hiện đại nguồn cảm hứng để lưu lại cho hậu thế những chuyện cực kỳ thú vị cũng như những dòng thơ bất hủ.
    Danh từ Chó qua Tục ngữ, Ca dao, Thành ngữ và văn thơ :
    Tục ngữ :
    - Chó cậy nhà, gà cậy vườn (giang sơn nào anh hùng nấy)
    - Chó cắn áo rách (đã khó mà lại còn bị chó cắn thêm)
    - Loại trâu sinh chó đẻ (lời chửi rủa thậm tệ)
    - Loại chó chết (lời miệt thị kẻ không ra gì)
    - Chó gầy hổ mặt người nuôi (chỉ cần nhìn con vật, là đoán được người chủ như thế nào)
    - Lầm lầm như chó ăn vụng bột (đi rón rén, mặt lấm la lấm lém y như kẻ rình kẻ trộm)
    - Chó sủa chó không cắn (chê người nói phét, nhưng hễ đụng chuyện thì nhát như cáy)
    - Rậm rật như chó tháng bảy (loại chó chỉ giao hợp về tình dục mỗi năm vào tháng 7, nhiều khi tranh giành chó cái nên chúng cắn lộn nhau và sủa ầm ỹ)
    - Chửi chó mắng mèo (chửi đổng, chửi bâng quơ)
    - Đánh chó phải kiêng chủ nhà (đó là điều dĩ nhiên nhất đói với con chó nhà quan)
    - Chó hùa (ỷ chúng hiếp cô, ỷ đông người hiếp đáp kẻ cô thế)
    - Chó đá vẫy đuôi (chỉ là chuyện bịa đặt)
    - Chó dữ cùm to (chó dữ thường bị chủ nuôi xiềng xích)
    - Chó dắt (chỉ người may mắn, như cờ bạc đánh đâu trúng đó, hay những người có sô đào hoa, làm nghề bán than mà vớ được con gái của quan)
    -Chơi với chó, chó liếm mặt (thân quá, quá lờn) ‘‘La familiarité engendre le mépris’’
    - Chó dữ thường hay bị cụp tai (Chien hargneux a toujours l’oreille déchirée)
    -Chó sủa mặc chó, đoàn lữ hành cứ đi (khi đi đường nghe tiếng chó sủa mà dừng lại thì biết đến bao giờ cho đến đích)
    - Lạc đàn nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu
    - Chó treo mèo đậy (ở thôn quê VN thức ăn cần treo thật cao và đậy thật kỹ)
    - Có tiền chó hóa kỳ lân, khiông tiền kỳ lân hóa chó (đời nào cũng thế : ‘‘Toàn lai thế sự kim năng ngã)
    - Loanh quanh như chó nằm chổi (con chó trước khi nằm lên cây chổi thường đi loanh quanh mấy vòng).
    - Lai rai như chó nhai giẻ rách.
    - Nai vạc móng thì chó cũng le lưỡi (dĩ hòa vi qúy) cãi vã kiện tụng rồi đưa nhau ra đến tụng đình không có lợi bằng giàn xếp, nên nhớ : ‘‘Thắng kiện mười bốn quan năm, thua kiện mười lăm quan chẵn’’.
    - Nắng tháng ba chó giàa le lưỡi
    - Bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa
    - Mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa (nhìn cây trên trời mà đoán được thời tiết.
    - Hàm chó vó ngựa (Lời khuyên không nên trêu chọc chó).
    - Lòng lang dạ sói (chê những kẻ phản bội không chung thủy.
    - Thắt cổ mèo treo cổ chó (chê người hà tiện)
    - Treo đầu dê bán thịt chó (chê hạng người lừa đảo)
    - Sống dương gian ăn miếng dồi chó, thác xuống âm phủ biết có mà ăn ?
    - Thông gia là bà con tiên, ăn ở chẳng hiền là bà con chó!
    - Lên voi xuống chó (khi vinh quang tột đỉnh, ăn trên ngồi trốc, rồi sau cuộc đổi đời không đáng là ‘‘phó thường dân Nam bộ’’, để rồi oán Trời trách đất : Trời làm một trận lăng nhăng, Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra Ông.
    CA DAO :
    - Chó đâu chó sủa chỗ không, chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày.
    - Chó nằm hè gặm vỏ khoai, lợn nằm ủi đất ngâm hơi gầy gò.
    - Nào ai buôn bán trăm bề, chẳng bằng nuôi chó huyền đề 4 phân.
    - Nhà em thách cưới một tràng khoai lang, củ to thì để mời làng, còn như củ nhỏ họ hàng cùng xơi, bao nhiêu củ mẻ chàng ơi ! để cho con chó ăn chơi giữ nhà.
    - Con mèo trèo lên cây vông, con chó đứng dưới ngó mông con mèo, mèo rằng sao chó chẳng theo, lên đây tao dạy leo cho mày.
    - Con chó chê khỉ lắm lông, khỉ lại chê con chó ăn dông nằm dài.
    - Chuột chê xó bếp chẳng ăn, chó chê nhà chật ra nằm bụi tre.
    - Con chó khóc đứng khóc ngồi, má ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.
    - Nhà bà có con chó đen, người lạ nó cắn, người quen nó mừng.
    - Hát cho chó cắn bò lông, hát cho con gái bỏ chồng mà theo.
    - Cơm đâu nuôi chó nuôi mèo, để nuôi em vợ mà rèo mà.. . (chê người anh rể muốn sàm sở với cô em gái của vợ, nghĩ rằng chị cũng xinh, mà em cũng xinh, muốn hoa thơm đánh cả cụm.
    - Hôm qua anh đến nhà chơi thấy mẹ vét chảo, thấy cha vét nồi, thấy em dựa cột niếm môi, anh tưởng con chó anh lùi chân ra.
    - Sống được miếng dồi chó, thác được bó vàng tâm (chê người quá tham lam).
    THÀNH NGỮ
    Nhằm giúp trí nhớ các em cháu hậu duệ, xin được trích đăng một vài thành ngữ Pháp để nghe và sử dụng ngoại ngữ khi tiếp xúc với người Pháp.
    - Ăn ở bừa bãi (vivre comme le chien).
    - Bệnh nặng (malade comme un chien).
    - Búi tóc xỏa xuống trán (coiffé à la chien).
    - Cách đứt câu chuyện một cách đột ngột (rompre les chiens).
    - Cuộc đời chó má (chienne de vie)
    - Chịu thua không đoán được (jeter) Donner la langue aux chiens.
    - Thân nhau như hình với bóng (C’est St Roch et son chien).
    - Duyên dáng hấp dẫn (avoir du chien)
    - Trời nhá nhem, tranh sáng tranh tối (entre chien et loup).
    - Gió thổi lạnh (coup de chien)
    - Bị bệnh di truyền bởi tật tốt hay xấu của cha mẹ (bon chien chasse de race)
    - Tới không đúng lúc (arriver comme un chien dans un jeu de quilles)
    - Mất tự do (être comme un chien à l’attache).
    DANH NGÔN : U Mặc (Humour)
    - Hai con chó con nhà kia đang vui chơi hòa thuận đùa giỡn nhau thân thiện, nhưng nếu ai đó liệng cho chúng một miếng xương, thì chúng sẽ cấu xé với nhau ngay chỉ vì miếng mồi.
    - Đại văn hào Pháp ông Voltaire (1694-1778) tên thật là François Marie Arouet sau khi thành công với vở
    kịch Oedipe, ông chọn bút hiệu Voltaire đã lưu lại một câu nói bất hủ : ‘‘Phần đông con người giống như đoàn chó tru, khi nghe ở xa các đoàn chó khác tru’’.
    Sau đây xin sơ lược một vài vần thơ của các thi sỹ tiền nhân đã lưu lại.
    THƠ :
    - ‘‘Lò cừ nung nấu sự đời, bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương’’. (Nguyễn Gia Thiều)
    - ‘‘ Chiếc ngựa trắng đi về bốn bể, đàn chó xanh lẻ tẻ bên trời’’. (Cao Bá Nh ạ)
    - ‘‘Đem lòng khuyển mã đền nghì bể sông’’. (Nhị Độ Mai)
    - ‘‘Dẫu dày kiếp phong trần dám sá, giải được lòng khuyển mã là hơn’’. (Tự tình khúc Cao Bá Nhạ)
    - ‘‘Ngọn đèn giữ trộm khêu còn bé, tiếng chó nghi người sủa vẫn to’’. (Trần Tế Xương)
    - ‘‘Sông sâu bóng ngả, thuyền câu dập, đồng rộng hùm sa, lũ chó vây’’. (Cảm hoài Phan Văn Trị)
    - Điếu Phan Văn Tòng (văn tế của nguyễn Đình Chiểu)
    ‘‘Vườn luống trông Xuân huê ủ dột’’
    ‘‘Ruộng riêng buồn chủ hóa khô khan’’
    ‘‘Bầy ma bất hạnh duồng ‘‘lâm nghiệp’’
    ‘‘Lũ chó vô cô cũng mắc nàn’’
    (duồng) ám chỉ giặc Pháp tàn bạo.
    - Nghìn năm Văn Vật :
    ‘‘Nghìn năm văn vật đất Thăng Long’’
    ‘Tham biện, tham buôn, tham cán sự’’
    ‘‘Đốc người đốc chó, đốc canh nông’’.
    - Vịnh Ông Cò (Quận Trưởng Cảnh Sát) Trần Tế Xương.
    ‘‘Hà Nam danh giá nhất ông cò’’
    ‘‘Trông thấy, ai ai chẳng dám ho’’
    ‘‘Hai mái trống tung đành chịu dột’’
    ‘‘Tám giờ chuông đánh phải ngồi co’’
    ‘‘Người quên mất thẻ, ôi Trời cải’’
    ‘‘Chó chạy ra đường có chủ lo’’
    ‘‘Ngơ ngẩn đi xin may vớ được’’
    ‘‘Chuyến này ắt hẳn kiếm ăn to’’.
    CHUYỆN CHÓ QUA NHỮNG ÁNG VĂN XUÔI
    Người đi đường với con chó :
    Quốc Văn Giáo Khoa Thư
    Một người đi đường gặp phải con chó hoang cứ chạy theo sủa hoài, anh ta rất tức giận bèn nghĩ ra một kế là mượn tay kẻ khác giết con chó mất dạy kia. Khi đến một làng đông dân cư anh ta bèn la lớn lên : ‘‘Chó dại, cho dại’’. Thế là dân chúng đã xô ra đập con chó đến chết. Rõ giết nhau chẳng cái lưu cầu, một lời nói một giọt máu.
    Con chó và miếng thịt :
    Quốc Văn Giáo Khoa Thư
    Một con chó vào quán ăn kia trộm được miếng thịt và chạy đến một chiếc cầu, trông thấy miếng thịt dưới nước to hơn miếng mồi của nó, liền nhả miếng thịt và nhảy ùm xuống sông toan vớt miếng thịt kia, nhưng hoài công vì đó là ‘‘thả mồi bắt bóng’’.
    Con chó trung thành :
    Một người chủ muốn giết con chó để ăn thịt, bèn bắt chó thồn vào bao bố, rồi đem con vật đi nhận nước, chẳng may gặp phải dòng sông sâu và nước xoáy nên suýt chết đuối. Con chó vùng vẫy thoát ra được, liền lội đến cắn cổ áo người chủ lôi vào bờ cứu thoát anh ta. Sự việc nói lên lòng trung thành của con chó.
    Những con chó phản chủ :
    - Theo tin báo France Soir ngày 19-7-2005, một con chó Nhật giống Akita-Inu, bản chất rất hiền, nhưng không biết tại sao lại cắn chết một em bé gái 2 tuổi, ở Finistère.
    - Cách đó 10 ngày sau, tại Strasbourg một em bé trai cũng 2 tuổi bị con chó Rotweiller cắn trọng thương. Lẽ tất nhiên người chủ nuôi phải bị vạ lây.
    Chó sói cắn cổ cừu :
    Những bầy cừu của nông dân vùng Vosges và Alpes thường bị chó sói cắn cổ chết. Nhiều nông dân nổi giận và kiến nghị với chính quyền để xin triệt hạ loài lang sói ấy, nhưng vì giống thú rừng này còn quá ít, vả lại là loại thú cần được bảo vệ, nên chính phủ đang trù liệu biện pháp thích ứng để giải quyết vấn đề.
    Đâm heo thuốc chó :
    - Báo ‘‘20 Minutes’’ số ra ngày 8-2-2005, có đăng tin ông Roland Bondonny 72 tuổi can tội thuốc chết 140 con chó. Trong khi chờ đợi ra tòa, đương sự đã tự vận chết tại nhà giam.
    - Báo ‘‘Le Journal du Dimanche’’ ngày 16-1-2005 loan tin về bà Simone Veil, một nhân vật lỗi lạc về chính trị và cũng là cựu tù nhân của Đức Quốc Xã thời đệ nhị thế chiến, khi đến dự lễ tưởng niệm những người đã bỏ mình trước đây tại trại tập trung Auschwitz (Áo), đã lên án những hành vi tàn bạo của SS (Schutz Staffel)và lập luận rằng : Tệ nhất là sự ô nhục mà người bị giam không được đối sử như con người. Bầy chó của bọn chúng còn được đối xử tử tế hơn chúng tôi.
    - Báo ‘‘Libération’’ ngày 23-2-2005, đã tường thuật lại lời ta thán của chồng bà Ingrid Betancourt đã có lần dự tính ra tranh cử chức vụ tổng thống tại Columbia, nhưng sau đó bà bị phiến loạn bắt cóc. Tính đến nay đã hơn ba năm bà vẫn chưa được trả tự do. Chồng bà nghĩ rằng nhà cầm quyền Columbia không làm hết sức mình để giải thoát cho vợ ông, nên ông đã tuyên bố như sau : ‘‘Chính quyền coi như ông đã mất một con chó’’ (Pour le pouvoir c’est comme si j’avais perdu une chienne).
    Đội quân khuyển :
    Kể chuyện chó mà quên không nhắc đến Đội Quân Khuyển của Pháp là một điều thiếu sót. Nhân kỷ niệm ngày lễ 14-7-2005, tại Pháp, các lực lượng võ trang Hải Lục Không Quân, Cảnh Sát, Chữa lửa... đi diễn hành trên đại lộ Champs Elysée, nhìn lên khán đài chính có sự chủ tọa của Tổng Thống J. Chirac cùng qúi vị bô trưởng trong chính phủ và một số đông quan khách. Tất cả đều hoan hô vang dậy. ‘‘Đoàn Quân Khuyển’’ đoàn chó trận với những chiến công hiển hách, cổ đeo đầy huy chương, người xem không ngớt nồng nhiệt vỗ tay hoan nghênh.
    Tiếng chó tru :
    Ở thôn quê mà nghe tiếng chó tru dài hãy cẩn thận coi chừng nó mắc bệnh chó dại.
    Bị chó cắn :
    Ở thôn quê chẳng may bị chó cắn, người ta lấy dao liếc lên chỗ vết thương, hoặc nhai trái ‘‘bã đậu’’ đắp lên đó, băng bó trước khi chở đi bệnh viện cứu cấp.
    Chó kỵ cây đòn gánh :
    Không như chó các nước văn minh, chó ở quê ta thường được thả luông tuồng. Do đó, về quê mà đi đâu có cầm trên tay một chiếc đòn gánh có mấu là chắc ăn nhất, vì loài chó rất kỵ cây đòn gánh.
    Thận trọng khi dùng tăm xỉa răng :
    Theo truyền khẩu dân gian, sau khi ăn thịt chó xong mà lấy cọng lá dừa nước (palmier) làm tăm xỉa răng rất có thể nguy đến tính mạng.
    Tài liệu lịch sử :
    Cố luật sư Hoàng Cơ Thụy trong ‘‘Việt Nam Khảo Luận’’ có thuật lại bài viết của ông Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược như sau : Khi ông Lê Lợi lên làm vua vì tính đa nghi nên đã giết những người có công như Trần Nguyên Hãn và Phan Văn Xảo. Nghĩ mà buồn thay cho các bậc công thần ngày xưa vì hai chữ công danh mà đem lòng son sắt đi phò quân vương lúc nguy nan, mong được hai chữ hiển vinh để thỏa chí trượng phu ở đời, ngờ đâu chim bay đã hết cung tốt cất đi, thỏ nhanh đã chết chó săn phải giết.
    Phần trình bày về tài liệu liên quan đến năm Tuất xin được kết thúc nơi đây. Nhân mùa Xuân mới, mùa Xuân dân tộc, kính gửi đến qúi độc giả thân mến lời chúc lành ‘‘Tân Niên Vạn Phúc’’, luôn được nhiều sức khỏe, an khang thịnh vượng hạnh phúc.


    Hoàng Anh Tài
    (Vietnet.com.au)
     

Chia sẻ trang này