Do tâm cầu lành bệnh thiết tha, chắc chắn chẳng có chuyện vãng sanh

Thảo luận trong 'CẢI MỆNH NHIỆM MẦU: Tu là sửa chính Mình - Không yêu cầu người khác sửa đổi theo mình' bắt đầu bởi ammay_ngu, 6 Tháng ba 2010.

  1. ammay_ngu

    ammay_ngu Guest

    502. Thư trả lời cư sĩ Ôn Quang Hy (thư thứ tư)



    Hôm mồng Hai tôi gởi sang Trùng Khánh một lá thư, chắc ông đã nhận được rồi. Phàm là người tu hành chỉ nên lắng lòng tịnh niệm, chớ nên dấy lên những mong mỏi vượt phận. Ngay như chuyện nhắm mắt thấy ánh sáng trắng, tâm chẳng nghĩ là có sở đắc, cố nhiên sẽ là dấu hiệu tốt lành. Nếu cho là đã đắc, thì nhẹ là lui sụt, lười nhác, mà nặng là phát cuồng! Người bệnh nhất tâm niệm Phật đợi chết, nếu tuổi thọ chưa hết sẽ mau được lành bệnh. Nếu tuổi thọ đã hết, chắc chắn được vãng sanh. Nếu lúc đang bệnh tật, mong chóng được lành, trọn chẳng có ý niệm cầu vãng sanh thì nếu tuổi thọ chưa hết, do cầu gấp được lành bệnh, sẽ chẳng chịu nhất tâm niệm Phật. Tuy niệm Phật, nhưng vọng niệm “cầu được lành bệnh” quá nặng, đâm ra chẳng tương ứng với Phật, quyết khó thể mau chóng lành bệnh được! Nếu tuổi thọ đã hết, do tâm cầu lành bệnh thiết tha, chắc chắn chẳng có chuyện vãng sanh, sẽ trở thành cầu đọa trong tam đồ lục đạo, vĩnh viễn chẳng thoát lìa vậy!

    Người đời nay đa số khởi vọng tưởng vượt phận, mong được thần thông bèn học Mật Tông (những người tu Mật tông chân thật không thuộc trong số này), như gã ma Phó X…. chết ở Bắc Bình, các đệ tử của gã Y… có kẻ muốn phát tài lớn đâm ra bị hao hụt một hai trăm vạn. Có kẻ muốn được quyền lợi đâm ra mấy chục người bị nhốt trong lao ngục. Có kẻ muốn được thành Phật ngay tức khắc, đâm ra bị ma dựa phát cuồng. Gã A… nọ tôn lạt-ma B… làm thầy; vị thầy ấy có thần thông biết được quá khứ, vị lai. Gạn hỏi đến chuyện độc lập, thì liền mất mạng ngay trong hôm độc lập. Lạt ma B… và thần thông của ông C…. khiến cho nhiều đệ tử hết sức sùng phụng họ bị liên lụy, đủ biết thầy lẫn đệ tử đều chẳng giữ yên bổn phận. Không có thần thông, há nên mạo xưng thần thông! Học Phật pháp, há nên mù quáng quấy rối, mưu toan phát tài lớn lao, được quyền hành lớn lao ư? Nhân địa chẳng thật, sẽ chuốc lấy cái quả cong vẹo. Ông hãy nên giữ phận, mặc kệ cho người ta đều thành Phật, dẫu cho ông chẳng đạt được điều gì lớn lao, nhưng đã có nhiều vị Phật như thế đấy thì họ sẽ chẳng thể nào không độ được ông!



    503. Thư trả lời cư sĩ Ôn Quang Hy (thư thứ năm)



    Nhận được cuốn sách Trúc Hư của lệnh nội[32] ở Thành Đô, biết rõ bà ta mang tâm lợi sanh sâu đậm, khôn ngăn cảm kích, khâm phục. Nhưng nói “Ấn Quang quả thật có thể lấy tri kiến của Phật làm tri kiến [của chính mình]” thì Quang là hạng người nào mà dám nhận sự khen ngợi quá lố như thế? Chẳng qua lòng dạ thẳng băng, ăn nói thẳng tuột, nói ra những điều tôi thấy được mà thôi! Dẫu thích đáng hay không thích đáng, cứ mặc cho người đọc phán đoán mà thôi, Quang quyết chẳng suy tính đến điều ấy.

    Từ xưa chư Tổ hoằng pháp đều dựa theo thời tiết, căn cơ để hướng dẫn cho hàng hậu học đạt được lợi ích, chẳng được bảo là [các Ngài] thiên chấp! Phải thấu hiểu nỗi khổ tâm của các ngài trong thời buổi ấy. “Duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”, lời ấy vốn không có khuyết điểm gì! Khuyết điểm là do người học chẳng hiểu ý nghĩa trọn vẹn, cứ chấp chết cứng vào một bên, bèn giống như gã thấy biết hẹp hòi, lệch lạc, chấp trước. Kẻ chưa chứng đắc trong nhà Thiền chỉ chấp vào “duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”, nói Tịnh Độ lẫn Di Đà đều chẳng phải là thật có. Hạng người ấy vốn chẳng hiểu Thiền, huống hồ Tịnh Độ? “Duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà” như các vị cổ đức Tịnh Độ đã nói, chính là nói: “Tây Phương Tịnh Độ chẳng ra ngoài duy tâm, A Di Đà Phật chẳng rời ngoài tự tánh”. Tánh - tướng, lý - sự, nhân - quả đều được phô bày trọn vẹn trong ấy. Các hạ mắc bệnh thiên chấp, chẳng thể nhiếp trọn khắp được! Nếu bảo là người học do độn căn nên khó thể lãnh hội thì được, chứ nếu bảo lời ấy của cổ đức có khuyết điểm thì không được!

    “Sanh thì quyết định sanh, đi thì thật sự chẳng đi” và “sanh thì thật sự chẳng sanh, đi thì quyết định đi”, đều là những lời khuôn phép nêu tỏ cả Sự lẫn Lý; cần gì phải suy lường quá lố? Chẳng qua là vì con người hiện thời phần nhiều đối với Sự lẫn Lý đều chưa hiểu trọn, chẳng thà cứ dựa theo Sự mà nói, chứ chẳng nên dựa theo Lý để nói ngõ hầu họ khỏi bị hiểu lầm đến nỗi trở thành rộng rãi, khoáng đạt xuông! Quang hổ thẹn đến cùng cực, đối với Lý Tánh tôi cũng chưa hiểu rõ lắm. Nếu bắt chước con két học nói tiếng người thì cũng chẳng phải là hoàn toàn không thể nói được! Chỉ có điều chẳng dám nhận mình là bậc thông gia! Nếu ai chẳng chê Quang chưa thông suốt thì chẳng ngại gì đem sự không thông suốt [của mình] thưa với họ. Do vậy, tôi chẳng chủ trương nói tới Lý Tánh và những điều huyền diệu.

    Các hạ tuổi trẻ nhập đạo, học thức uyên bác, tâm lợi sanh tha thiết, nhưng do chưa thấu hiểu sâu xa đạo “tùy theo căn cơ mà ban bố giáo pháp, do thời mà chế định những điều nên làm” đến nỗi chê “cổ đức sai lầm”. Đấy cũng là dấu hiệu chỉ rõ ông hàm dưỡng chưa đến nơi đến chốn! Đối với hạnh nguyện của Phật, Bồ Tát thì “một nhiếp hết thảy”. Người đời sau khi nêu tỏ ai nấy đều tùy theo sự thấy biết của chính mình, lẽ đâu dựa vào đó để chê cổ đức kém cỏi! Nếu chấp vào nghĩa ấy để hành, dẫu cho đức Bổn Sư Thích Ca, Di Đà Thế Tôn cũng khó thoát nạn được!

    Quang bế quan trước, quả thật là vì sợ gây lầm lẫn cho người khác, chứ chẳng phải là muốn tự lợi. Xin hãy tâm bình, khí hòa, chân thật thực hành thì sẽ có thể làm bậc đạo sư cho cõi đời lúc này. Nếu không, sợ rằng Ôn Quang Hy đúng hay sai tuy khác với Vương Canh Tâm, nhưng Ôn Quang Hy tự phụ chẳng khác gì Vương Canh Tâm vậy! Do các hạ là người tu đạo, Quang cũng là người tu đạo nên nói thẳng thừng chẳng úp mở gì!



    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên

    Quyển 3

    Phần 1 hết

    http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien13.htm
     

Chia sẻ trang này