Hương cốm gọi thu Hà Nội

Thảo luận trong 'Ẩm thực' bắt đầu bởi annamai, 26 Tháng tám 2011.

  1. annamai

    annamai Hội viên mới

    Tham gia ngày:
    4 Tháng mười 2010
    Bài viết:
    397
    Điểm thành tích:
    16
    Những viên ngọc màu xanh, thanh mảnh ấy như muốn giữ mùa thu ở lại lâu hơn, bởi thu rất vội vàng, đến ban phát cho người ta chút nồng nàn rồi lại đi và để lại bao vấn vương nuối tiếc…

    [​IMG]

    Cốm là món quà đặc biệt mà mùa thu đã ưu ái cho riêng Hà Nội. Một điều chắc chắn nữa, nơi chôn rau cắt rốn của nó cũng chính là mảnh đất này. Người mẹ đích thực đã sinh thành, nâng niu hương cốm chính là đôi tay mềm mại của người phụ nữ Kinh Kỳ đảm đang, đầy sáng tạo, khéo léo và tài hoa.

    Mùa thu Hà Nội đã trở nên quen thuộc, nhưng hồn thu thì bao giờ cũng rất mới bởi nó được thổi vào chút mộng mơ, thần kỳ của hương cốm. Những viên ngọc màu xanh, thanh mảnh ấy như muốn giữ mùa thu ở lại lâu hơn, bởi thu rất vội vàng, đến ban phát cho người ta chút nồng nàn rồi lại đi và để lại bao vấn vương nuối tiếc.

    Một người phụ nữ làng Yên Ninh ven hồ Tây băn khoăn, luyến tiếc khi nhúm mấy hạt cốm xanh rờn đặt vào lòng bàn tay mà hít hà lấy hương lúa mới, cái tình thoang thoảng của chút lá sen già... Đó là bà Trưởng Ái, người con của Hà Nội, cứ sau mỗi mùa lại tiễn cốm ra đi trong nhớ nhung.

    Hết mùa, bà lại đem thứ cốm đã sấy khô đựng trong chum lớn ra mà hấp tươi trở lại, gọi mùa thu trở về giữa mùa đông. Sau nhiều mùa như thế, bà nghĩ ra cách chế biến cốm tươi thành thứ bánh cốm và đã để lại cho Hà Nội một món ăn được lưu truyền rộng rãi.

    Cũng là gạo nếp với đậu xanh nhưng hương vị bánh cốm Hà Nội lại khác với bất kỳ loại bánh nào. Những hạt đỗ nhỏ, đều hạt được dùng để làm nhân bánh bằng cách đem đồ lên, nghiền nhỏ mịn với đường, trộn với chút nước hoa bưởi, mứt sen cùng dừa tươi để tạo nên thứ nhân bánh thơm ngon và dẻo mịn.

    Vỏ bánh cốm cũng không kém phần công phu. Những hạt cốm xanh, tươi ngon được trộn lẫn với đường thật đều tay trên bếp lửa, thêm chút nước hoa bưởi để dậy lên mùi thơm thoang thoảng. Người Hà Nội thích gói bánh bằng những vật liệu mang hơi thở của hương đồng gió bãi, đó là lá chuối tươi xanh mướt, to bản, được xếp vuông vắn, thứ lá mang hương sắc quê nhà ấy đã góp nên hương vị đặc biệt của bánh cốm.

    [​IMG]

    Chiếc bánh cốm ánh lên sắc xanh, xen lẫn chút vàng ẩn hiện từ trong lòng bánh, thêm màu cánh sen vào sợi lạt thật tài tình, gợi màu sắc tràn đầy của sự sống mơn mởn. Cầm trong tay chiếc bánh cốm, ta như vừa thấy lại một mùa thu, chút hương quê, tình đất nước, và sự tài hoa của người Hà Nội. Chạm vào cái lá tươi còn mát lịm, chiếc lạt buộc mềm mại, cái nhẹ nhàng, thoáng đãng của mùa thu như vẫn còn nguyên vẹn.

    Thưởng thức bánh cốm, cảm giác đầu tiên đến trên đầu môi là vị mát, ngọt vừa, dẻo dai của vỏ bánh ấy đích thực là của thứ cốm non, sau cùng là vị bùi và ngọt đậm của nhân bánh, chính thứ nhân bánh này tạo nên dư vị khó quên của chiếc bánh cốm.

    Hà Nội nổi tiếng với cốm Làng Vòng, cốm Mễ Trì và đặc biệt là bánh cốm Hàng Than ở phố cổ Hà Nội, với những bí quyết riêng, nơi đây đạ tạo nên món quà mùa thu thật đặc biệt làm say lòng du khách.

    Chạm vào cái mát lịm của lá tươi còn vương vấn sợi lạt mềm muốt mà nhớ đến màu tươi vui hôn lễ. Bánh cốm cho ngày cưới bây giờ đã hiện đại hơn xưa, người ta không còn dùng lá chuối và lạt mềm nữa, thay vào đó là những tấm ni lông trắng muốt có thể nhìn xuyên thấu chiếc bánh, đựng bên trong chiếc hộp giấy màu xanh đầy trang trọng, sự hào nhoáng của hôn lễ hiện đại cũng đã thay thế cho sự mộc mạc, giản dị trước kia.

    Bánh cốm vẫn luôn là món truyền thống không thể thiếu trong lễ hỏi, cưới của người Việt Nam. Những con phố đã trở thành địa chỉ quen thuộc vẫn nhộn nhịp khách đến đặt bánh cốm cho ngày vu quy.

    Từ lâu, bánh cốm và bánh phu thê là hai thứ hương vị truyền thống không thể thiếu trong mâm “sính lễ” ngày cưới. Cũng bởi người xưa quan niệm, bánh cốm có hình vuông, tượng trưng cho đất, còn bánh phu thê hình tròn tượng trưng cho bầu trời. Ngày cưới có âm, có dương sẽ tạo nên sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc cho cuộc sống lứa đôi. Bởi vậy, hai thứ bánh truyền thống ấy bao giờ cũng đi cùng nhau bên cạnh những thứ bánh cưới hiện đại và đắt tiền.

    [​IMG]

    Trong không khí hiện đại, người ta vẫn lưu giữ hương vị truyền thống cho ngày vui nhất của đời mình, cũng đủ để cảm nhận sức sống bền bỉ của nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hà Nội.


    Nguồn: Tapchimonngon
     

Chia sẻ trang này