1. dcba

    dcba New Member

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    449
    Điểm thành tích:
    0
    Toàn cảnh khuôn viên mộ cụ bà Nguyễn Thị Đức, mộ tổ của dòng họ Vũ ở Chí Linh, Hải Dương.
    [​IMG]
    Ngôi mộ tổ dòng họ Vũ ở Chí Linh, Hải Dương được xây toàn đá xanh, đá trắng nguyên khối. Các đại gia họ Vũ đặt mua những loại đá này tận trong Thanh Hóa, rồi thuê 37 thợ chạm Ninh Bình ngày đêm đục đẽo để biến những khối đá thành các hình khắc, hoặc vuông vức, xếp khít với nhau.

    Một dòng họ cũng rất nổi tiếng trong việc xây mộ, đó là họ Vũ, mà thủy tổ ở đất Hải Dương. Người trong họ này xây dựng mộ không khoa trương, không tầng nọ, tầng kia, không lòe loẹt xanh đỏ, song nói về mức độ tốn kém thì cũng thuộc "tốp" những ngôi mộ tiền tỉ.

    Nhắc đến cái tên Trần Văn Khá thì người dân khắp huyện Chí Linh, Hải Dương đều biết. Anh Khá nổi tiếng không phải giàu có, tài năng đặc biệt gì, mà vì đã phát hiện ra ngôi mộ tổ họ Vũ, rồi bị “ma” hành làm cho khốn khổ một thời gian dài. Giờ đây, anh lại càng nổi tiếng hơn vì là người trông coi ngôi mộ đắt tiền nhất tỉnh Hải Dương.

    Người dân xung quanh thường tò mò tìm đến xem ngôi mộ, họ phải nhờ anh mở cổng, hỏi anh những câu chuyện xung quanh ngôi mộ này nên ai cũng biết đến anh.

    Ngôi làng Kiệt Thượng (Văn An, huyện Chí Linh, Hải Dương) nằm ngay chân đê, với những ngôi nhà mái ngói lúp xúp, mái bằng thấp lè tè lẫn trong những rặng tre. Ngôi mộ tổ họ Vũ nằm ngay đầu làng, cạnh cánh đồng, không cao to lừng lững, nhưng sáng choang màu đá, rất sang trọng.

    Anh Trần Văn Khá dáng người gầy còm, hay chuyện. Nhưng khi hỏi về chuyện đào thấy ngôi mộ tổ họ Vũ ra sao thì cứ chối đây đẩy, không muốn nhắc đến nữa. Theo anh, ngôi mộ là sự ám ảnh suốt đời anh và gia đình anh cũng như cả làng Kiệt Thượng. Nó làm anh nổi tiếng, song cũng làm anh khốn đốn suốt mấy năm trời.

    Cha mẹ mất đi, chỉ để lại cho anh Trần Văn Khá túp lều tranh xơ xác bên cánh đồng. Lấy vợ, anh Khá tự đóng gạch, ước nguyện xây cho mình một ngôi nhà bằng bạn bằng bè. Tuy nhiên, 7 năm trời hì hục nhào đất đóng gạch, 7 lần dựng lò đốt gạch trên mảnh vườn nhà mình thì 7 lần giông bão, sấm chớp nổi lên đùng đùng, mưa như trút nước, làm sập lò, nát hết gạch.

    Năm 1993, chán đốt gạch, anh Khá quyết tâm đào mảnh vườn đó làm ao thả cá. Bữa ấy, có 5 người nữa là anh em trong nhà tập trung đào hộ. Đang đào đất thì chạm phải vật cứng, màu trắng như phiến đá lớn. Thế nhưng, bổ ra thì thấy không phải đá mà là một loại hợp chất vôi và mật.

    Nghĩ vớ được mộ cổ của người Trung Quốc, bên trong sẽ có nhiều vàng bạc nên mấy người bàn tính lấp lại, để đêm ra bới sau, chứ bới ngay lên, thấy nhiều vàng quá dân xúm lại đòi chia thì chẳng ăn thua gì.

    12h đêm hôm đó, 6 người hì hục đào bới, phá lớp hợp chất vôi và mật, bẩy tung nắp hầm mộ. Tuy nhiên, một sự kiện lạ diễn ra, 6 người hì hục dùng xà beng bẩy, dùng dây thừng và đòn ráng sức khiêng, song chiếc quách vẫn không nhúc nhích, nặng như khối bêtông, chân tay ai cũng có cảm giác bủn rủn.

    Sợ quá, anh Khá liền thắp hương khấn: “Cụ cho con đưa cụ về mả của làng để cụ được siêu thoát”. Không ngờ, khấn xong, mọi người xúm vào khiêng thấy không nặng như trước nữa. Bật nắp áo quan, thấy nước trong vắt, thi thể cụ bà vẫn nguyên vẹn, mùi hương lan tỏa, nhưng mò mẫm mãi chỉ thấy mấy đồng trinh bằng đồng, chiếc bát con và vài món đồ tùy táng không mấy giá trị. Sáng ra, anh Khá báo cáo chính quyền.

    Từ bấy, nhà anh Khá lúc nào cũng đông như hội, người dân khắp nơi kéo đến xem ngôi mộ hợp chất. Các nhà khoa học từ các cơ quan chuyên môn trên Hà Nội cũng về tìm hiểu cặn kẽ ngôi mộ 1.200 năm tuổi này.

    Anh Khá khẳng định, anh là người bạo dạn nhất làng, từ bé đã không biết sợ tối, sợ ma. Anh kể: Hồi thanh niên, đêm nào anh cũng úp cá, soi ếch ngoài đồng, trong nghĩa địa làng. Có lần, nửa đêm ngồi trên nóc ngôi mộ mới chôn xem mặt mũi con ma thế nào, nhưng tuyệt nhiên không gặp. Anh không tin trên đời lại có ma.

    Thế nhưng, sau ngày đào phải ngôi mộ hợp chất, suốt 3 tháng 10 ngày, đêm nào cũng vậy, cứ rùng mình một cái, tỉnh dậy, lại thấy hình người mặc áo trắng đứng ở đầu giường. Tay chân nhìn rõ mồn một, nhưng khuôn mặt không nhìn thấy đâu. Từ rất xa văng vẳng vọng đến câu nói: “Mày phá nhà tao, mày trả lại nhà tao...”.

    Lần nào anh Khá cũng kêu vợ cứu, nhưng chị vợ sợ "vãi linh hồn", cứ trùm chăn kín mít. Cô con gái và người chị gái cũng mấy lần sợ chết khiếp khi mơ thấy hình người mặc áo trắng lướt đi ngoài sân.

    Câu chuyện này là anh Khá kể, tôi thì chẳng tin chuyện có ma, vì tôi chưa gặp ma bao giờ, chỉ biết rằng, sau đó anh Khá trở nên lơ nga lơ ngơ, không biết gì suốt mấy tháng trời. Cả ngày anh chỉ ngồi như một khúc gỗ, hiền như củ khoai, đôi mắt vô hồn, không tự ăn uống, không tự vệ sinh được. Chị vợ phải chăm sóc cho anh như một đứa trẻ.

    Có thời gian anh Khá tỉnh táo, sợ quá bỏ vào Bình Dương sinh sống. Tuy nhiên, đêm nào anh cũng dựng tóc gáy vì... thấy "ma" (?!). Không trốn được “ma”, anh lại trở về, rồi nghe thầy cúng, thầy bói hướng dẫn, anh vay nóng 5 triệu đồng với lãi suất 5%/tháng để xây lại mộ, xây miếu cho bà cụ. Thế nhưng, xây xong rồi mà đêm vẫn gặp “ma”, thầy bói lại bảo phải đập ra xây lại, anh Khá tiếp tục làm theo.

    Anh Khá kể, suốt 2 năm trời sau đó, ngày đêm anh thắp hương, cúng khấn ngoài mộ nên mới được yên thân. Tất cả tài sản của bà cụ, từ những tấm quách (mà có người trả 5 triệu anh Khá chưa bán vì chê rẻ, sau khi gặp “ma” thì không dám bán nữa), đến những đồng trinh, mẩu gỗ nhỏ xíu bằng ngón tay của bà cụ anh cũng đem ra mộ chôn tất.

    Năm 2003, hai đại gia là Vũ H. và Võ Văn H. tìm về nhà anh Khá và bảo người dưới mộ là bà Nguyễn Thị Đức, thân mẫu của cụ Vũ Hồn, tổ nhà các anh, hiện đang thờ ở làng Mộ Trạch (Tân Hồng, Bình Giang, Hải Dương). Hai đại gia cũng đề nghị anh Khá ra giá mảnh đất 306m2, nơi có ngôi mộ của cụ Đức.

    Anh Khá bảo, lúc đó đòi cả trăm triệu hai đại gia này cũng mua, nhưng nghĩ đến ngôi mộ anh đã lạnh sống lưng nên chỉ ra giá 25 triệu đồng. Tất nhiên, hai đại gia này đồng ý ngay, không một lời bớt xén.

    Sau ngày hôm đó, anh Khá trở thành người giám sát việc xây mộ giúp hai đại gia, nấu nướng, phục vụ 37 thợ xây, thợ chạm khắc đá từ mãi Ninh Bình ra ăn ở, làm việc suốt 1 năm trời. Thỉnh thoảng cũng có từng đoàn người với xe lớn, xe bé sang trọng kéo về chật làng, song anh cũng chỉ biết họ là con cháu họ Vũ.

    Ngôi mộ được xây bởi những chất liệu vĩnh cửu, gồm toàn đá xanh, đá trắng nguyên khối. Để có được loại đá đặc biệt này, các đại gia phải đặt mua tận trong Thanh Hóa, rồi từng đoàn xe trọng tải lớn rầm rập chở về Chí Linh. 37 thợ chạm khắc lành nghề ở Ninh Bình dựng lều, ngày đêm đục đẽo chan chát để biến những khối đá thành các hình khắc, hoặc vuông vức, xếp khít với nhau.

    Công trình này được xây dựng chắc chắn, cẩn thận đến nỗi tường bao xung quanh cũng được đổ toàn bằng bêtông cốt thép. Riêng 4 bức tường đã ngốn hơn 1.000 bao ximăng cùng với hàng chục tấn sắt phi 16. Tuy nhiên, chi phí xây cả 4 bức tường đó cũng chỉ bằng cái lư hương bằng đá, hoặc một cái cột đá nguyên khối chạm trổ tinh tế nặng vài tấn.

    Toàn bộ khu sinh phần là một khối đá khổng lồ, chôn xuống lòng đất 1,7m, bề mặt rộng 30m2. Để chống lún, người ta đã đào sâu xuống lòng đất, đầm nện chắc chắn, sau đó đổ một lớp bêtông rộng vài chục mét vuông, rất dày làm móng, sau đó mới xây khuôn đặt hài cốt và xếp các khối đá, mỗi khối nặng 1,3 tấn khít vào nhau.

    Các khối đá được mài giũa kỳ công đến nỗi khi xếp vào khít chặt với nhau. Những khối đá này được phết chất kết dính là liền luôn thành một khối đá lớn. Cả khu sinh phần đã biến thành một khối đá khổng lồ nặng cả trăm tấn.

    Phạm Ngọc Dương

    (nguồn http://www.cand.com.vn/vi-vn/thoisuxahoi/phongsughichep/2006/11/90785.cand)
     

Chia sẻ trang này