1. tutru

    tutru Ban Quản Trị

    Tham gia ngày:
    14 Tháng mười một 2009
    Bài viết:
    514
    Điểm thành tích:
    18
    Giới tính:
    Nam
    PHẬT DẠY VỀ BỐN VIỆC ÁC VÀ SÁU NGHIỆP LÀM HAO TỔN TÀI SẢN CẦN TRÁNH

    Bốn việc ác và sáu việc làm hao tổn tài sản:

    Sống trên đời có những việc khiến cho chúng ta có cuộc sống đầy đủ và an lạc, nhưng cũng có những việc khiến chúng ta tạo ra ác nghiệp và hao tổn tài sản. Điều này đã được đức Phật dạy khi Ngài còn tại thế.
    Khi Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, dẫn đầu đoàn khất thực với đại chúng 1250 vị Tỳ-Kheo đi vào thành, đức Thế Tôn thấy một gia chủ tên Thiện Sanh đang lễ bái sáu phương, Ngài hỏi:

    - Vì cớ sao, nhà ngươi vào buổi sáng sớm mỗi ngày đến đây, để lễ lạy sáu phương như thế?

    Thiện Sanh bạch Phật:

    - Cha con khi còn sống có dặn rằng: “Con mỗi ngày hãy cung kính lễ lạy sáu phương Đông,Tây, Nam, Bắc, trên và dưới”. Con nghe theo lời cha dạy không dám chống trái.

    Phật bảo Thiện Sanh:

    - Này chàng thanh niên hiếu thảo! Con lễ lạy sáu phương đó rất là tốt, nhưng trong pháp hiền Thánh của ta, lễ sáu phương như vậy chưa phải là thật sự cung kính.

    Thiện Sanh thưa:

    - Cúi xin đức Thế Tôn thương tưởng mà chỉ dạy cho con cách lễ lạy sáu phương theo pháp hiền Thánh.

    Phật bảo Thiện Sanh:

    - Nếu tất cả mọi người biết tránh bốn nghiệp xấu ác làm tổn hại người khác, và biết rõ sáu nghiệp làm hao tổn tài sản. Như thế, này Thiện Sanh, nếu ai biết tránh được bốn việc ác là chân thật lễ kính sáu phương.

    Phật dạy về bốn đường ác và sáu việc làm hao tổn tài sản

    Bốn nghiệp xấu ác đó là: Sát sinh hại vật, trộm cướp lường gạt của người khác, tà dâm, nói dối hại người, đây là bốn điều xấu ác mà người Phật tử chân chính phải nên tránh xa.

    Do chúng ta gieo tạo bốn ác nghiệp đó, nên ta tham muốn, sân hận, ngu si và lo lắng sợ hãi. Có hai loại muốn mà ai cũng có thể bị nó chi phối là tham muốn và mong muốn. Tham muốn là sao? Là nhất quyết muốn cho bằng được, nếu không được thì bất mãn, tức tối khó chịu, phiền muộn giận dỗi phát sinh tìm cách chiếm đoạt.

    Do đó tham muốn càng nhiều thì càng phát sinh các thứ phiền não, vì tham muốn mà không được như ý, nếu được thì tham càng thêm tham, nếu tham không được thì sinh ra giận hờn khó chịu, tìm cách trả thù.

    Như chúng ta đã biết, ít ai trong cuộc đời này mà không tham muốn. Có sự sống là có tham muốn, nhưng tham muốn nhiều hay ít là tùy theo sở thích của mỗi người mà thôi.

    Tham có nghĩa là tham lam ích kỷ, nhỏ mọn, làm cái gì cũng muốn đem về cho riêng mình, dù có của dư thà để đó mục nát, chứ không dám đem ra giúp đỡ cho người khác.

    Mong muốn có nghĩa là mong cầu, ước mơ, nếu có cũng được, không có cũng không sao.

    Tham muốn và mong muốn khác nhau ở chỗ đó, một đàng muốn cho bằng được, nếu không được thì nỗi giận oán hờn tìm cách trả đũa và quyết tâm chiếm đoạt về cho mình, nên bất chấp luân thường đạo lý có khi cũng phải giết người để thỏa mãn lòng tham muốn của mình.

    Trong cuộc sống này chúng ta có quyền ước mơ mong muốn, chớ đừng nên tham muốn quá đáng mà làm tổn hại người khác, gây khổ đau cho nhau.

    Sáu nghiệp làm hao tổn tài sản:

    1- Đam mê rượu chè.

    2- Đam mê cờ bạc.

    3- Phóng túng sa đọa.

    4- Đam mê ca hát múa.

    5- Kết thân với bạn ác.

    6- Ỷ lại và lười biếng.

    Phật bảo Thiện Sanh:

    Này Thiện Sanh, nếu ai không làm theo bốn nghiệp ác trên, lại biết tránh xa sáu điều hao tốn tài sản là chân thật cung kính sáu phương, thì hiện tại và mai sau đều an vui, hạnh phúc .

    Hiện đời được mọi người thương mến và khen ngợi, sau khi chết được tái sinh vào cõi lành.

    Qua những điều đức Phật cho chúng ta thấy, nếu cứ chấp vào một điều gì để rồi làm mà không hiểu thì cũng không thể đạt được giá trị mà mình muốn thực hiện.

    Chúng ta cần phải nắm rõ điều gì sẽ làm và mong muốn thực hiện nó, tránh 4 điều ác, cung kính sáu phương thì cuộc sống sẽ được an vui và hạnh phúc .

    Vô Thường (trích tài liệu Phật giáo)

    Xen bản gốc https://www.facebook.com/photo.php?...290.1073741829.100010746662685&type=3&theater
     

Chia sẻ trang này