Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?

Thảo luận trong 'Phát ngôn - Tiên tri - Dự báo - Cảm ứng' bắt đầu bởi Phong -Thuỷ, 3 Tháng sáu 2007.

  1. Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?

    Cái chết của vua Quang Trung vốn đã chứa đựng quá nhiều điều bí mật, không những thế, tháng 11 năm 1801, vua Gia Long lại cho phá huỷ nơi chôn cất ông và san thành bình địa. Hơn 200 năm qua, vị trí lăng mộ Quang Trung chính xác ở nơi nào vẫn là dấu hỏi lớn?


    Và đã có quá nhiều giả thuyết gây nên những cuộc tranh cãi đến mức căng thẳng. Chúng tôi đã có cuộc hành hương về thành Phú Xuân (Huế) xưa, và ghi chép được rất nhiều điều lạ... Không rõ rằng, chuyện tìm mộ Quang Trung Hoàng đế và mộ Thành Cát Tư Hãn, câu chuyện nào chứa đựng nhiều bí ẩn hơn?

    Mộ thiêng trong hoang phế

    Người đầu tiên tung “quả bom tấn” ra dư luận về vấn đề lăng mộ Quang Trung là ông giáo Trần Viết Điền - Giảng viên môn Vật Lý trường ĐH Sư phạm Huế. Trước những tranh cãi cho rằng, lăng Ba Vành là lăng Đức ý hầu Lê Quang Đại, một vị quan dưới triều chúa Nguyễn Phúc Khoát đã chết vào đầu năm 1746, bằng phương pháp vật lý, ông Điền đưa ra 5 luận cứ nhằm vén bức màn bí mật và lật lại hoàn toàn vấn đề, khẳng định lăng Ba Vành chính là lăng mộ Quang Trung.


    Lăng Ba Vành đổ nát



    Phế tích lăng Ba Vành

    Lăng Ba Vành nằm ở ngọn đồi Thiên An, phía Tây thành phố Huế. Một người chăn bò ở gần đấy thấy chúng tôi lụp xụp áo mưa tìm lên lăng thì lắc đầu nửa tin nửa ngờ. Theo như ông biết, cách đây hàng vài chục năm đã có nhiều người đến đây đào bới nghiên cứu. Nhưng đấy là chuyện của thời ông mới lấy vợ. Còn giờ đây, khi con ông đã sắp lập gia đình, cái lăng mộ cổ này vẫn vậy và càng ngày, nó càng bị trâu bò ngứa sừng đào bới cho tung toé. Ông vạch cây, rẽ lối chỉ đường cho chúng tôi mò đến tận lăng.

    Theo ý ông Điền, lăng Ba Vành chính là lăng mộ Vua Quang Trung. Thế nhưng tại sao những người đời sau lại cho rằng đấy là lăng của Đức ý hầu Lê Quang Đại? Tìm tòi ròng rã nhiều năm, ông Điền phát hiện ra rằng đã có nhiều người tìm cách biến nơi này thành... một ngôi mộ giả!

    Phế tích lăng Ba Vành nằm giữa rừng thông bạt ngàn và chằng chịt bởi những lùm bụi mâm xôi. Cây rựa trong tay người chăn bò tốt bụng khua lên loang loáng. Một khoảng tường thành xây dựng bằng các phiến đá to chồng lên nhau thấp thoáng hiện ra sau đám cỏ cây rậm rạp. Những viên gạch sứt mẻ, nhưng với “người trần mắt thịt” như chúng tôi vẫn có thể hình dung ra đấy là một bức tường đã từng được xây rất kiên cố. Vừa phạt quang bụi rậm, người đàn ông có đôi bàn tay vàng khè của một người tứ mùa làm ruộng kể: Cách đây gần 20 năm, khu vực này còn có cả khỉ. Đường lên lăng gồ ghề, xóc nẩy. Thi thoảng có việc lên núi lấy củi, ông thấy một số viên đá to, dài cả sải tay bị đổ cạnh lăng đã bị cỏ mọc trùm lên. Ngoài ra, còn có một số bức phù điêu có khắc chữ đã mòn trắng bị trẻ chăn bò đập phá rồi ném cách lăng đến 5m. Một thời gian sau, có nhiều nhà khoa học đến đây. Họ phát quang cây cối cả một vùng, rồi đào bới nhặt nhạnh từng mảnh vỡ về ghép lại để nghiên cứu và mở ra nhiều chi tiết lạ kỳ của một ngôi lăng tưởng như đã chìm trong hoang phế.

    Tôi nhớ lại lời của ông Trần Viết Điền trước khi mình khăn gói lên tận Thiên An xem lăng: “Ba Vành trước đây là lăng của một vị quan dưới triều chúa Nguyễn Phúc Khoát tên là Lê Quang Đại đã chết vào đầu năm 1746. Sau đó, vua Gia Long cho san thành bình địa tất cả các địa điểm có liên quan đến vua Quang Trung. Lăng Ba Vành hoang phế từ đấy. Vì bị cỏ cây che lấp nên ai cũng tưởng ngôi lăng có qui mô vừa. Chúng tôi đã phát lộ và dùng thước đo đạc mới thấy qui mô của lăng, dẫu đã bị quật phá nặng vẫn có quy mô rất hoành tráng”.

    Ngôi lăng độc nhất vô nhị

    Điều đầu tiên đập vào mắt sau khi đoàn nghiên cứu của thầy trò Trần Viết Điền phát lộ cây cối là nhìn toàn cảnh, lăng Ba Vành có hình elip với các trục lớn 60m, trục nhỏ 40m. Quy mô của một ngôi lăng như thế này là quá hoành tráng, chưa kể tân nguyệt trì (hồ trăng non) bên cạnh. Lăng gồm 3 uynh thành ghép lại. Uynh ngoài hình móng ngựa, kết thúc bằng hai trụ cửa khá lớn. Uynh thứ hai có hình cong ngược với 4 phù điêu có hình voi đắp nổi. Uynh trong cùng là hình tượng hai con cù dậy, ôm nấm mộ xây có hình mai rùa, còn đầu rùa như ngậm cái bia thẻ. Các uynh thành có một trục đối xứng hình học và trục này theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, nghiêng Bắc góc 60o. Còn đường thần đạo của lăng, vuông góc với trục đối xứng vừa nêu, tọa hướng càn (Đông Nam- Tây Bắc, nghiêng Bắc 30o). Đây mới là hướng chính của ngôi lăng. Trục nhỏ này là trục đối xứng của nhà bia có đế chữ thập, từng có bia thờ, đã bị ai đó băm nát, cắt đầu bia, gọt tai bia...

    Nghiên cứu sâu thêm, ông Điền hốt hoảng nhận ra giữa uynh thành 2 và uynh thành 3 có một hầm hình hộp, nhận đường thần đạo làm trục đối xứng và hiện nay nắp hầm còn ở bờ tân nguyệt trì trước lăng. Nắp này là một phiến đá lớn được gọt đẽo mà thành. Theo các nhà khoa học, hầm này có khả năng chứa các đồ thờ và chủ yếu là các vật tùy thân của chủ nhân ngôi lăng. Khảo sát miệng hố, đục cái nấm xây và đoán hướng huyệt của ngôi mộ, ông nhận thấy về phương pháp vật lý và dịch lý Đông phương, thi thể của chủ nhân ngôi lăng nằm theo hướng thần đạo, đầu tọa tốn, chân hướng càn, bên trái chủ nhân là 3 cung liền, và bên phải chủ nhân là 3 cung đứt (đó là 3 cửa vào lăng). Người thiết kế lăng đã xử lý rất tuyệt diệu về phong thủy và dịch lý Đông phương. Theo đường thần đạo mà tính, 3 uynh thành tạo thành quẻ càn kép (bát thuận càn), theo hướng vuông góc với đường thần đạo mà tính thì đạt quẻ thái (quẻ khôn ghép với quẻ càn). Đây là lý do ngôi lăng này có đến 3 uynh thành đăng đối hình học và cả đăng đối dịch lý. Các lăng mộ ở Huế, trừ lăng các vua, không tìm thấy ngôi lăng thứ hai nào như vậy.

    Những hoa văn kỳ lạ

    Điều mà ông Điền khám phá ra là hai con cù dậy tìm thấy trong mộ là tiền thân của con rồng bởi chúng có cái sừng đắp nổi, hoàn toàn khác với giống cù như một số tài liệu trước đó đã có. Mô tip trang trí này cũng thuộc loại độc nhất vô nhị ở Huế. 4 phù điêu đắp nổi 4 con voi ở uynh thành thứ 2 đều được xác định không phải hình tượng voi chầu, cúp vòi phủ phục như vẫn thấy ở lăng mộ vua chúa triều Nguyễn, triều Lê. Voi ở lăng Ba Vành uốn vòi lên trên, cặp ngà cũng chĩa lên và đặc biệt trên đầu voi cũng... mọc sừng.

    Toàn bộ công trình kiến trúc lăng mộ được thiết kế nhất quán theo thuật phong thuỷ và dịch lý phương Đông. Hoa văn, sừng voi, ngà voi, sừng cá sấu, mí mắt cá sấu, các dải hồi văn luôn có một vạch liền nét (chỉ dương) và thành phần thứ hai là hai vạch đứt xếp lại, nhỏ hơn, khép nép, e ấp (chỉ âm). Đây cũng là một lối trang trí độc đáo nữa, chứng tỏ người thiết kế rất uyên thâm dịch lý và rất yêu kính chủ nhân ngôi lăng.

    Theo khám phá ban đầu của ông Điền, tân nguyệt trì bên phải ba uynh thành có chữ nguyệt, bửu thành có chữ nhật. Nhật nguyệt nghĩa là Minh, ý chỉ người nằm trong lăng là bậc minh quân: “Nghiên cứu các lăng tẩm của các vua và mẹ vua ở Huế, chúng tôi nhận thấy một qui luật là chỉ có nhà vua từng lên ngôi và hoàng thái hậu (mẹ vua) khi mất, xây lăng mộ mới có Tân nguyệt trì, cha của vua mà không làm vua thì trước lăng không được xây Tân nguyệt trì. Lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng Dục Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Thành Thái, lăng Khải Định và lăng mẹ của các vị vua này đều có Tân nguyệt trì và đương nhiên có nhà bia thánh đức thần công, với đế chữ thập. Như vậy, lăng Ba Vành có đủ các cấu kiện độc đáo: nhà bia có bệ chữ thập, trước bửu thành có Tân nguyệt trì mà chỉ có bậc đế vương mới được xây dựng trang trí như thế, bởi một ông quan thời phong kiến, dù có tiền nhiều cũng không dám xây lăng như thế này vì dễ mang tội khi quân”.

    Mười năm nghiên cứu một... loại gạch

    Để chứng minh lăng Ba Vành là lăng vua Quang Trung một cách khoa học và thuyết phục, ông Điền đã dốc toàn lực trong 10 năm chỉ nghiên cứu một loại gạch phát hiện được trong lăng mộ này. Và để chứng minh đây là loại gạch của Tây Sơn sản xuất và sử dụng trong các công trình kiến trúc văn hóa, ông Điền đã phải sưu tầm các loại gạch được sản xuất và sử dụng từ thế kỷ 14 đến nay trên đất Thuận Hóa.


    Ông Điền và viên gạch Tây Sơn được tìm thấy ở lăng Ba Vành



    Nơi đầu tiên ông khăn gói quả mướp đến tìm hiểu là đàn Viên Khâu của thời đại Tây Sơn ở Núi Bân. ở đàn Viên Khâu còn một số mảnh gạch thẻ nung non, dày 2cm, rộng 12cm, dài 14cm. Sau đó nhóm ông đã kiểm chứng kết quả ở những công trình kiến trúc mà Tây Sơn có tôn tạo, dựng thêm... Không ngại gian khổ, ông đã đến Khải Thánh Từ (nơi mà sau này trở thành Văn miếu của triều Tây Sơn) đã từng có mở thêm học cung, nghĩa là có xây dựng bằng gạch Tây Sơn. Thật thú vị và bất ngờ lớn nhất là ở đây còn rất nhiều loại gạch đã phát hiện ở Núi Bân. Ông lại tiếp tục lên chùa Thiền Lâm, nơi Thái sư Bùi Đắc Tuyên trưng dụng làm dinh thự của Thái sư và đã phát hiện rất nhiều loại gạch Tây Sơn như vậy... Ông lại khăn gói về tận Bãi Dâu, đến miếu Ông Mọi, nơi từng thờ một vị chỉ huy người Ba Na tử trận năm Bính Ngọ 1786, rồi lên chùa Linh Mụ... thật lạ, tất cả những nơi này đều có rất nhiều gạch của Tây sơn. Để khẳng định chắc chắn thời Tây Sơn có một loại gạch riêng, ông đã tiến hành kiểm chứng loại gạch này ở các công trình thuần thời Nguyễn như lăng các bà vợ của chúa Nguyễn... thì không phát hiện loại gạch nào như vậy.

    Ông Điền đã quay lại khảo sát cả vùng đồi Thiên An và tìm thấy trong lăng Ba Vành và xung quanh còn rất nhiều gạch Tây Sơn cùng loại. Như vậy, theo ông Điền, lăng Ba Vành là công trình kiến trúc do Tây Sơn xây dựng.

    (Đón đọc số tới: Hồ sơ một lăng mộ)

    Ghi chép của Lương Mỹ Hà


    ( Giadinh.net)
     
  2. Thái Dương

    Thái Dương New Member

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    184
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?

    tìm mộ Vua Quang Trung: Lăng mộ Vua Quang Trung ở núi Khuân Sơn?

    Mộ Vua Quang Trung nằm ở đâu trong những ngọn núi này?
    Giadinh.net - (Kỳ cuối) Sau loạt bài 4 kỳ viết về đi tìm mộ Vua Quang Trung, rất nhiều độc giả đã bày tỏ sự ủng hộ GĐ&XH cuối tuần cũng như tác giả. Cùng với các học giả, chúng tôi xin gửi đến độc giả giả thiết cuối cùng về nơi yên nghỉ của vị Vua tài ba này.

    Chân thành cảm ơn bạn đọc gần xa đã quan tâm, theo dõi và góp ý. Chúng tôi sẽ trở lại khi có những thông tin tiếp theo.

    Gần đây nhất, hai học giả Hồng Phi và Nương Nao tại Thanh Hoá đã có một phát hiện mới và công bố tư liệu liên quan đến lăng mộ Vua Quang Trung. Dựa vào bài thơ “Kiến Quang Trung linh cữu” (nhìn thấy linh cữu Quang Trung) của nhà nho Lê Triệu (1771- 1846), tư liệu mà hai tác giả công bố khiến nhiều người ngạc nhiên: Mộ Quang Trung có thể nằm tại núi Khuân Sơn.

    Có người thấy lăng mộ Quang Trung?

    >> Đi tìm mộ Vua Quang Trung: Những phiến đá bọc mộ và bí mật huyệt đạo (4)
    Bài thơ chữ Hán “Kiến Quang Trung linh cữu” nằm trong cuốn “Liên Khê Nam hành tạp vịnh” của nhà nho Lê Triệu (1771-1846). Ông vốn người làng Lệ Trung, Đại Trung, Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Trong chuyến Nam hành, Lê Triệu đã đến thăm phần mộ của Hoàng đế Quang Trung tại ngọn núi có tên là “Khuân Sơn”. Qua bài thơ có thể thấy, nhà nho Lê Triệu đã trực tiếp nhìn thấy thi hài của Hoàng đế Quang Trung lúc mới bị khai quật và rất đau xót, phẫn nộ khi lăng mộ Quang Trung bị Gia Long - Nguyễn Ánh phá hủy.


    Bài thơ của Lê Triệu

    Theo cứ liệu của hai học giả Hồng Phi và Nương Nao, Lê Triệu là một nhà nho không đỗ đạt nhưng tài hoa và phẩm cách rất được người đời ca tụng. Ông viết bài thơ này trong một chuyến vào Nam, vào khoảng năm 1807 - 1808, sau khi lăng mộ Vua Quang Trung đã bị Gia Long khai quật. Bài thơ được hai tác giả này phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ.

    “Trấp niên sất sá tẩu phong vân
    Như thử anh hùng cổ hãn văn
    Hàm Dã độc lưu thiên vạn cốt
    “Khuân Sơn” họa tại bách niên phần

    Không hàm chỉ chỉ thiên thu hận
    Cô phụ đường đường bách xích thân
    Quang cảnh nhất ban thành phấn mị
    Linh nhân chung cổ tiếu Doanh Tần”

    Qua “Kiến Quang Trung linh cữu”, Lê Triệu đã rất ngưỡng mộ, tôn kính vua Quang Trung, ca ngợi vua Quang Trung là bậc anh hùng và lên án Gia Long - Nguyễn Ánh tàn bạo như Tần Thủy Hoàng.

    Hai câu đầu “Trấp niên sấp sá tẩu phong vân/Như thử anh hùng cổ hãn văn”, được tác giả mượn ý từ đôi câu đối ở đền thờ Quang Trung ở Do Xuyên - Hải Thanh - Tĩnh Gia - Thanh Hóa. Đó là câu: “Anh hùng thanh sất Bân Sơn cổ/Miếu mạo quan lưu Bạng Hải kim” (Nghĩa là: Tiếng thét mắng (quân giặc) của người anh hùng ở núi Bân còn rực sáng, để lại ở bến Lạch Bạng ngày nay).

    Đôi câu đối trên nhắc lại sự kiện cuối năm 1788, Nguyễn Huệ lập đàn ở núi Bân (Huế), làm lễ cáo trời đất để lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Tại đây, trước khi hành quân thần tốc ra Bắc, nhà vua đã thét mắng (sất sá) quân xâm lược Mãn Thanh.

    Những câu thơ tiếp theo, tác giả ám chỉ sự trả thù của nhà Nguyễn đối với nhà Tây Sơn nói chung và Quang Trung nói riêng. Theo đó, năm 1802, sau khi lên ngôi, Gia Long - Nguyễn Ánh đã thực hiện cuộc “tắm máu” cực kỳ tàn khốc. Không chỉ “đào mồ, cuốc mả”, “tru di tam tộc” đối với dòng họ, con cháu vua Quang Trung, ngay cả những trung thần, tướng sĩ, quan lại của triều Tây Sơn cũng bị nhà Nguyễn trả thù.

    Câu cuối của bài thơ: “Linh nhân chung cổ tiếu Doanh Tần!”, cũng chính là lời tố cáo đanh thép đối với nhà Nguyễn, đồng thời cho thấy tình cảm sâu nặng của tác giả đối với Quang Trung.

    Khuân Sơn hay Ngụy Sơn?

    Để khẳng định cứ liệu mình tìm ra là đúng, hai tác giả đã mở một cuộc toạ đàm tại Huế và lấy ý kiến rộng rãi của nhiều nhà nghiên cứu.

    Điều gây nhiều tranh cãi ở đây là câu thơ thứ tư có chữ đầu do quá mờ, hai tác giả Hồng Phi và Nương Nao không xác định được rõ ràng nên chỉ phỏng đoán đó là chữ “Khuân”. Và từ phỏng đoán này, hai tác giả đã liên hệ với các nhà sử liệu khác để dẫn đến một giả thuyết là, nơi mai táng Vua Quang Trung thuộc Khuân Sơn (một ngọn núi ở đầu nguồn thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

    Điều quan trọng là tìm ra ngọn núi Khuân Sơn ở đâu? Theo như sách “Đại Nam nhất thống chí” có chép: “Núi Khuân Sơn ở phía nam huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), có tên nữa là Thượng Sơn, vì hình núi tròn như vựa thóc...”. Hai tác giả này còn cho rằng: “Trong nguyên bản “Khuôn” là một chữ Nôm, rất ít dùng, viết theo tên gọi của địa phương”.

    Nguồn tư liệu này lập tức thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu. Hy vọng tìm thấy lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung như đã đến gần đích, khi các nhà nghiên cứu tìm thấy ngọn Khuân Sơn trong nhiều thư tịch cổ.

    Tuy nhiên, niềm hi vọng này lại bị lật lại khi căn cứ trên bản gốc bài thơ, nhà nghiên cứu Trần Viết Điền - tác giả của dự án Lăng Ba Vành là lăng mộ Vua Quang Trung đã chứng minh chữ “Khuôn” trong bản dịch không phải là chữ Nôm mà là chữ “Ngụy”, viết theo Hán tự. Chữ “Ngụy” này đã được viết theo lối viết thảo.

    Như vậy, theo ông Điền không thể đọc chữ này là “Khuân Sơn” mà phải đọc là “Ngụy Sơn”. Tuy nhiên, đối chiếu với các tài liệu cổ có được đến thời điểm này, một số nhà nghiên cứu khẳng định, tại Thừa Thiên - Huế không có ngọn núi nào có tên là Ngụy Sơn cả.

    Việc phát hiện ra bài thơ cổ của nhà nho Lê Triệu của hai tác giả thêm một lần nữa khiến giới nghiên cứu sử học, khảo cổ học, nhất là đối với những người quan tâm đến triều đại Tây Sơn và Quang Trung - Nguyễn Huệ ngạc nhiên.

    Tuy nhiên, những ẩn ngữ trong bài thơ của Lê Triệu vẫn chưa được hé mở. Vì vậy, câu chuyện có phải Khuân Sơn là nơi mai táng lăng mộ Vua Quang Trung hay không, vẫn chưa được giải quyết.

    Vẫn phải tiếp tục tìm kiếm

    Khi những thông tin về lăng mộ Vua Quang Trung vẫn đang bí ẩn như đánh đố các nhà nghiên cứu, tôi nhớ lại lời của ông Lê Văn Huyên, Tổng Thư ký Hội Lịch sử Thừa Thiên - Huế cho rằng: Việc để các di tích đã phát hiện ra đang dần xoá sổ là rất đau xót và là trách nhiệm của ngành văn hoá chúng tôi. Điều đáng tiếc là nhà nghiên cứu thì cứ nghiên cứu, còn dân phá vẫn cứ phá và nhà lãnh đạo làm ngơ vẫn cứ làm ngơ. Vấn đề là địa phương cần có văn bản cụ thể, để chúng tôi còn biết các địa điểm cụ thể cần bảo vệ.

    Còn để đánh giá chất lượng của 3 công trình này, trước hết phải công nhận công lao của những nhà nghiên cứu bỏ ra hàng mấy chục năm để tìm kiếm lăng mộ Vua Quang Trung. Trong số 3 đề tài trên, một nhóm chỉ đang tập trung khảo sát vị trí trí thượng nguồn sông Hương, mà chưa chỉ ra được vị trí cụ thể của lăng mộ Quang Trung.

    Công trình thứ hai của ông Trần Viết Điền khẳng định Lăng Ba Vành là lăng mộ Vua Quang Trung, vẫn chưa có nhiều chứng cứ đủ sức nặng để có thể khẳng định.

    Và công trình của ông Nguyễn Đắc Xuân khẳng định: Khu vực quanh Chùa Thiền Lâm có lăng mộ Vua Quang Trung. Đây là công trình tương đối công phu và ngày càng được bổ sung thêm nhiều cứ liệu.

    Tuy nhiên, cả 3 đề tài này đều chưa có cơ sở tin cậy và thuyết phục để khẳng định một trong 3 nơi trên là lăng mộ Vua Quang Trung. Các giá trị tư liệu vẫn chưa có cơ sở và chưa thuyết phục để kết luận đó là nơi đã từng tồn tại lăng mộ Quang Trung. Điều chúng tôi cần là phải có một chứng cứ cụ thể, một vật gì đó gắn liền với con người hoặc triều đại đó như ấn triện hoặc một chiếc cốc chẳng hạn.

    Thậm chí có người cho rằng, một người sắc sảo như Vua Quang Trung, chắc gì ông đã chọn cách an táng ở Huế mà sẽ táng ở một nơi nào đó đảm bảo bí mật, vì ông biết chắc sau khi mình mất, triều Nguyễn sẽ trả thù đẫm máu.

    Vì vậy, tốt hơn hết các nhà nghiên cứu phải tiếp tục tìm kiếm để có các chứng cứ xác đáng. Có như vậy, chúng tôi mới có thể quyết định cho các nhà khảo cổ nghiên cứu và thám sát theo quy định. Còn hiện tại để thám sát cả 3 khu vực thì quá mơ hồ và tốn kém, không thể kham nổi.

    Ông Ngô Hoà, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, tỉnh đã đồng ý và có văn bản chỉ đạo 3 vấn đề liên quan đến Vua Quang Trung. Còn vấn đề lăng mộ, đây là việc lâu dài nên các nhà khoa học trước hết phải nghiên cứu chính xác, sau đó xây dựng lộ trình cần thám sát ở đâu, chúng tôi mới có đề xuất để thám sát, khảo cổ. Hiện, các đề án nghiên cứu đều đối chọi nhau và vẫn chưa có chứng cứ khoa học thuyết phục thì làm sao khảo cổ toàn diện được? Còn để bảo vệ các di tích này, trước hết Hội lịch sử phải có văn bản cụ thể chúng tôi mới biết để vận động nhân dân địa phương bảo vệ.

    Trong khi chờ những lộ trình kia hoàn thiện và các văn bản đến được tay các cơ quan chức năng, các nhà khoa học vẫn mỏi mòn nghiên cứu và dân thì vẫn tiếp tục phá hoại các di tích không mảy may thương tiếc. Thật đáng tiếc làm sao!!!

    Ghi chép của Lương Mỹ Hà
     
  3. Thái Dương

    Thái Dương New Member

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    184
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?

    Đi tìm mộ vua Quang Trung:
    Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang
    Trung? (2)

    Ông Điền (bên trái) và tấm bia có chữ La (ý nói là bắt được) và góc phải có khắc dòng chữ. Giadinh.net -
    Nếu trước đây, các nhà sử học cho rằng Lăng Ba Vành là của Đức ý hầu Lê Quang Đại thì càng khám phá lăng, ông Trần Viết Điền càng bàng hoàng nhận thấy nhiều chứng cứ giả đã được tạo ra trên các tấm bia bị quẳng lăn lóc ở quanh lăng. Việc làm có chủ đích của một người nào đó chăng?

    Mộ thật, mộ giả
    Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung? (1)
    Khởi nguồn chuyến hành trình đi tìm lăng mộ của ông giáo Điền được bắt đầu cách đây 20 năm. Đó là cuộc gặp gỡ với cụ Nguyễn Hữu Đính (nguyên Chủ tịch UBMTTQ TP Huế), người đã dựa vào các dữ kiện lịch sử, quan niệm phong thủy và quan niệm chọn sính phần của vua chúa Việt Nam để rồi nhận: Lăng Ba Vành chỉ có thể là lăng Quang Trung được triều Tây Sơn ngụy trang để phòng nguy cơ Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân rồi tàn phá. Tuy nhiên, nghiên cứu của ông Đính trước đó đã không có nhiều sức thuyết phục. Đến lượt mình, ông Điền quyết định tìm lăng mộ Quang Trung cùng hướng với cụ Đính nhưng theo cách riêng của mình.
    Đã hơn 20 năm ông Điền dầm dãi nắng mưa để thu thập hồ sơ về lăng mộ Quang Trung. Nhiều mồ hôi và cả nước mắt đã rơi trên từng phiến gạch mà ông đã tìm kiếm, nhưng điều đó không làm cho ông mất hết niềm tin và hi vọng về con đường mà mình đeo đuổi: "Tôi không còn nhớ mình đã tốn bao nhiêu công sức và vốn liếng để thực hiện nghiên cứu này mà kể. Khoảng những năm 1987, đồng lương giáo viên của hai vợ chồng làm gì đã đủ nuôi con. Ban đầu tôi nhờ bạn bè giúp đỡ, sau nhờ nhà tôi. Của nả trong nhà cứ thế cắp nón ra đi đến như khánh kiệt. Lương giáo viên còm cõi, vậy mà nhiều lần tôi phải dối vợ và giữ lại nửa lương để dành cho sưu tầm thư tịch, tổ chức khảo sát thực địa, giám sát cổ vật...”
    Khi được hỏi sau tất cả những thay đổi của cuộc đời mà phần lớn có liên quan đến việc tìm kiếm lăng mộ Quang Trung, ông có ân hận? Ông cười, tôi chỉ có thể buồn bởi dường như sự quan tâm cho đề tài của tôi từ phía các cơ quan chức năng vẫn chưa nhiều. Về phía mình, một khi đã chọn lựa, tôi khẳng định mình không hề ân hận.
    Thông tin đầu tiên ông đưa ra khiến giới nghiên cứu Huế choáng váng: Ông khẳng định lăng Ba Vành không phải lăng của ý Đức hầu Lê Quang Đại, một vị quan dưới triều chúa Nguyễn Phúc Khoát và chết vào đầu năm 1746, như công bố trước đây. Chứng cứ đầu tiên mà ông đưa ra là bài viết đăng trên báo Đại Chúng vào năm 1974. Trong bài viết đó, khi trả lời về sự tích lăng Ba Vành cho một vị linh mục người Pháp, một chức sắc làng Cư Chánh (nơi lăng Ba Vành ngự trị) cho biết, đó là ngôi mộ xưa, nguyên đắp ba lớp thành, thường xưng là Ba Vành, bỏ phế đã lâu, chỉ lưu lại tòa bia đá bị phá hủy. Đặc biệt, trong giấy tờ để lại vào năm 1901, lý trưởng làng lúc đó có tên Nguyễn Bút đã đồng ý cho Cơ mật viện có tên là Bá Khương đem thân nhân hình như là người cha chôn vào lăng ấy. Còn tại tờ phúc bẩm của Bộ Lễ thì Bá Khương khai rằng, mộ ở Lăng Ba Vành là của Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quý Công (tức Lê Quang Đại). Như vậy nếu nói rằng lăng Ba Vành chỉ là lăng của ông Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại thì quá đáng ngờ.
    Vậy mộ thật của Lê Quang Đại ở đâu? Ông Điền đã tìm đến họ Lê, một dòng họ thuộc hàng danh gia vọng tộc ở Huế và phát hiện ra một chi tiết quan trọng: Họ Lê của làng Xuân Hòa (gần chùa Thiên Mụ) có ông tổ từng giữ chức Hộ Bộ (thượng thư) kiêm Binh Bộ. Rà soát Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, chỉ có 4 vị từng giữ chức Hộ Bộ kiêm Binh Bộ thời chúa Nguyễn, đó là các ông Trần Đình Hy, Nguyễn Thừa Tự, Lê Quang Đại và Hoàng Ngọc Uẩn .
    Ông Điền cho biết: “Tôi lại tiếp cận gia phả họ Nguyễn ở làng An Hòa, có Nguyễn Cư Trinh là rể của ông Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại. Vợ Nguyễn Cư Trinh là bà Lê Thị Màn, có tên trong gia phả gốc của họ Lê Xuân Hòa. Ông Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại là chủ nhân ngôi mộ nằm trong khuôn viên miếu Khai canh của làng Xuân Hòa. Vậy tại sao người ta lại làm hồ sơ để ông nghiễm nhiên nằm ở lăng Ba Vành”? Bằng các lập luận và bằng chứng, ông Điền khẳng định Toà khâm sứ Pháp xứ Trung kì đã từng làm hồ sơ giả để hợp thức hoá chủ nhân lăng Ba Vành là của ông Lê Quang Đại. Theo ông Điền, tại Hội nghị về Quang Trung được Hội lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức trước đây, nhiều nhà khoa học đã công nhận lăng Ba Vành chưa có chủ nhân. Nghĩa là Ông Lê Quang Đại phải trở về Miếu khai canh ở làng Xuân Hòa và nhường lăng Ba Vành lại cho các nhà nghiên cứu.

    Ai đang nằm trong lăng?
    Ông Điền thuật lại, trong hai cái bia mình tìm được vào năm 1986 (gồm một cái cao lớn, kiểu bia thẻ và một cái bia hình chữ nhật nhỏ hơn) thì cả hai tấm bia đều đã bị đục nát chữ. Có người đã lấy xi măng trát vào mặt bia và khắc thêm các dòng chữ mới một cách vụng về để nguỵ trang. Có thể thấy, nhóm làm hồ sơ giả cho chủ nhân ngôi mộ trước đó và nhóm thao tác trên bia là một. Còn về thông tin người nằm dưới mộ là Bá Khương, ông Điền lý giải: Trong khi mộ của thân phụ của ông Bá Khương là ông Bá Bình đã được gia táng ở gần Đàn Nam Giao thời triều Nguyễn. Thế thì ông Võ Bà Khương đã đưa ai vào chôn tại lăng Ba Vành?

    5 luận chứng khoa học về lăng mộ vua Quang Trung của Trần Viết Điền:
    Lăng Ba Vành không phải của Hộ bộ thượng thư Lê Quang Đại, thời Nguyễn Phúc Khoát.
    Toà Khâm Sứ Pháp xứ Trung kì từng làm hồ sơ giả để hợp thức hoá chủ nhân Lăng Ba Vành là Lê Quang Đại.
    Các kiểu thức, mô típ trang trí, quy mô của Lăng Ba Vành hội đủ điều kiện của một lăng mộ vua.
    Vật liệu xây dựng hoàn toàn giống ở Giao đàn, Văn Miếu và một số công trình thời Tây Sơn.
    Gia Long không san thành bình địa lăng để lấy bằng chứng tố cáo với nhà Mãn Thanh tội khi quân của triều Tây Sơn.
    Ông Điền cho biết, sau năm 1975, GS Phan Huy Lê đã dùng búa gỡ lớp xi măng nói trên dòng chữ “Cảnh Hưng Thất Niên Tứ Nguyệt...”. GS tạm kết luận Lăng Ba Vành là lăng của Lê Quang Đại, không phải lăng của hoàng đế Quang Trung. Tuy nhiên, theo ông Điền trong những dòng chữ này có nhiều điều đáng ngờ. Thứ nhất văn khắc thì hay nhưng tai bia và đế bia đều đã bị gọt và phá đến mức quá cẩu thả. “Với góc nhìn phong thủy và đăng đối dịch lý, chúng tôi tin rằng bia này nguyên thủy là bia thờ, đại diện cho linh hồn chủ nhân ngôi mộ, và nó đăng đối trên đường thần đạo của lăng. Sau này bia bị phá nát, chỉ còn lại như một tảng đá và bị ai đó khắc chồng lên 4 chữ “Sơn nhạc chung linh” nhằm mục đích làm sai ý đồ thiết kế của ngôi lăng”.
    Điều kì lạ là trên vết hỏng những chữ đã bị đục, người ta tiếp tục dùng đục khắc vào vị trí chữ thứ 2 mà theo ông Điền, có thể là chữ NGUYÊN đã bị đục thành chữ THẤT. Chữ THẤT này nét đá quá cao như chữ thảo, trong khi bia được khắc theo lối chữ chân. “Chúng tôi đã đo độ sâu những nét chữ giống nhau thì thấy quá lệch nhau; chứng tỏ người ta đã sửa bia sao cho phù hợp với năm mất của ông Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại”.
    Ông Điền cùng các học trò đã tỉ mỉ cạo lớp rêu bám vào mặt bia thì thấy ở phía trên, góc trái có khắc một chữ “LA” (ý nói bắt được) và góc phải có khắc dòng chữ “NHÂM TUẤT MẠNH ĐÔNG”. Đầu bia phía này, lai đục hình một lưỡi mác nhỏ, rất sắc sảo, biểu tượng chủ nhân ngôi mộ bị trảm quyết.
    Bên dưới lại có dòng chữ được khắc vụng về: “TỰ TÔN VÕ BÁ ĐẠM PHỤNG LẬP”. Dòng này mới khắc thêm vào với ý đồ lái niên đại “Nhâm Tuất mạnh đông” nói trên sang một năm khác. Những năm NHÂM TUẤT trong lịch sử gồm: 1742, 1802, 1862, 1922, 1982. Dễ dàng loại năm 1742, 1862, 1982 vì không đúng thời điểm. Chỉ còn hai năm 1802 và 1922. Nếu ông Bá Khương lập bia, chí ít phải lập từ 1901 đến 1906, nhưng giai đoạn này không có năm Nhâm Tuất. Như vậy, có thể ai đó đã đưa người cháu Võ Bá Đạm vào, đóng vai trò lập bia cho ông nội với những dòng khắc vụng về trên lớp vữa mới được đắp lên mặt bia. Với cách xử lý này, việc ông Võ Bá Đạm lập bia vào năm 1922 là quá hợp lý. “Không may cho kẻ gian, chúng tôi rà soát trong gia phả của dòng họ Bá Khương, ở làng La Ỷ không có ông Bá Đạm dựng bia một cách “vô lễ” và “tồi tệ” với ông nội của mình đến như thế. Vậy hai người cháu LÊ XUÂN, Võ Bá Đạm chỉ là hai nhân vật “hư cấu” của bộ hồ sơ giả mà thôi”.
    Như vậy, theo nghiên cứu của ông Điền, chủ nhân Lăng Ba Vành chính là Vua Quang Trung nhưng đã có một bàn tay tạo “chứng cứ” giả để “hạ giá” ngôi lăng thành mộ của một vị quan.


    Kết cục bi thảm của triều Tây Sơn
    Theo sử sách để lại, tháng bảy năm Nhâm Tý (1792), sau một thời gian hôn mê sâu, triều đình Phú Xuân đã tìm hết cách chạy chữa, nhưng rồi Vua Quang Trung cũng băng hà ở tuổi 39.
    Tháng Năm năm Tân Dậu (1801), quân Tây Sơn bị vỡ trận và quân của Nguyễn Vương nhanh chóng cắt đường, đánh thẳng vào kinh thành Phú Xuân, đúng vào dịp Tết Đoan Ngọ. Nguyễn Quang Toản, người vừa nối ngôi quá bất ngờ, cùng đoàn tùy tùng chạy ra Bắc.
    Nguyễn Vương sau khi trở lại cựu đô đã trả thù Quang Trung bằng cách ra lệnh cho một toán binh tượng lên ngay Đan Dương lăng và lăng bà Tả cung họ Phạm để quật phá, sau đó đưa quan tài của hai vợ chồng vua Quang Trung về thành Phú Xuân. Nguyễn Vương ra lệnh bổ quan tài ra, mang thi thể của vua Quang Trung và bà Tả cung họ phạm ra để trị tội. Do Tây Sơn có kỹ thuật ướp xác, nên hai thi thể của hai vợ chồng còn nguyên vẹn, Nguyễn Vương ra lệnh đem hai thi thể treo cổ ở Chợ Được, gần cầu Gia Hội hiện nay, nhằm thị uy và đe nẹt những người còn luyến nhớ Tây Sơn. Sau vài ngày, hai thi thể được đặt trở lại quan tài và được quân lính mang theo đoàn quân Bắc tiến để tiêu diệt Quang Toản.
    Do mộ của vợ chồng Quang Trung đã bị quật, thi thể lại bị mang theo đoàn quân để phô trương thanh thế, quân Tây Sơn đã ngã lòng. Nhiều tướng tá thời Tây Sơn trở giáo theo Nguyễn Vương. Khi tướng sĩ Tây Sơn về hàng, ai vẫn được giữ chức ấy và cứ thế theo đoàn quân ra thẳng Thăng Long.
    Trong thế chẻ tre, vua Gia Long lại vào Thăng Long, còn Nguyễn Quang Toản cùng với Lê Thị Ngọc Bình trên một con voi, chạy trốn trong rừng huyện Phương Nhãn. Do có người mách bảo, Vua Gia Long đã lệnh cho một tay có biệt tài “rống to” để dọa voi. Gã này vào rừng Phượng Nhãn rống to, con voi chở Nguyễn Quang Toản và Lê Thị Ngọc Bình quỵ xuống và quân của vua Gia Long đã bắt sống hai người. Vua Gia Long đã “ tận pháp trừng trị” vua quan Tây Sơn trước “Từ đường các chúa Nguyễn”. Nguyễn Quang Toản bị hành hình theo phép phanh thây. Còn toàn bộ xương cốt của tử tội được cho vào giỏ mây, lệnh quân lính phóng uế vào,sau đó giã nát, nhồi vào súng, bắn xuống sông. Riêng ba cái sọ của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Quang Toản được cho vào ba cái vò, dán bùa yểm, treo lên ở nhà giam trong Vũ Khố, về sau đưa vào khám đường ở Tây Lộc.


    Ghi chép của Lương Mỹ Hà
    ( Vietlyso.com- Giadinh.net.vn)
     
  4. Thái Dương

    Thái Dương New Member

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    184
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?

    Cung điện Đan Dương và những bí mật chưa từng khám phá (3)

    Giếng cổ
    Giadinh.net - Cùng với nghiên cứu lăng mộ Vua Quang Trung của ông Trần Viết Điền, tại khu vực gò đồi Bình An, gần Chùa Thiền Lâm, Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân cũng đã khai quật ra nhiều bí ẩn chưa từng được công bố.

    Một đường huyền đạo chạy xuyên dưới nền nhà, nhiều gạch đá lạ có hoa văn đẹp và một số phiến đá như những tấm bao quanh quách quan tài. Những phát lộ này phần nào vén bức màn bí mật về một Phủ Dương Xuân tráng lệ và dưới đó có an táng Vua Quang Trung.

    Chuyện truyền kỳ về tìm mộ Vua Quang Trung

    Khám phá của ông Xuân đã được nhiều nhà sử học xem là đúng đắn và các di vật được công nhận là có giá trị lớn, xác thực. Tuy nhiên, một số ý kiến nghiên cứu cho rằng, không phải Phủ này đã bị Gia Long quật phá mà nó đã được ai đó chủ động di dời cải táng.

    Bí ẩn quanh chốn Thiền Lâm
    Chùa Thiền Lâm được khai sơn vào cuối thế kỷ 17, trên gò đồi Bình An thuộc làng Bình An - Huế. Tương truyền, đây là nơi dành cho gia đình các chúa tụng niệm mỗi lần họ lên trú đông tại Phủ Dương Xuân gần đấy. Trong sử sách, Chùa Thiền Lâm và Phủ Dương Xuân của thời Nguyễn là hai ngón tay trên một bàn tay. Cùng với sự biến mất một cách bí ẩn của Phủ, ngôi chùa cũng đã bị xoá sổ trong một thời gian dài trước đó. Điều kỳ lạ, khoảng năm 1987, khi Tì kheo Thích Chơn Trí đến đây khai hoang, dựng lại ngôi chùa, ông đã phát hiện nhiều kỷ vật bí ẩn dưới lòng đất, cùng nhiều lăng bia bị đục nát.
    Nơi đầu tiên chúng tôi tìm đến là ngôi chùa chất chứa toàn bộ bí mật về hành trình tìm mộ Quang Trung của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Chùa nằm trên đỉnh gò đồi Bình An, thuộc xã Dương Xuân và bị cắt ra làm hai bởi con đường Điện Biên Phủ. Hoà thượng Thích Chơn Trí giờ đã là trụ trì chùa Thiền Lâm kể: Khi ông cùng một số đệ tử đến đây, chùa chỉ có một chánh điện và một điện thờ mẫu mục nát, không có nơi ăn, ở. Xung quanh chùa toàn là mộ địa. Thầy trò ông phải đào đất trồng rau chống đói. Khi đặt những nhát cuốc đầu tiên, ông bàng hoàng thấy đầu cuốc nẩy lên toé lửa vì chạm phải gạch đá lạ. Đào bất cứ chỗ nào trong vườn chùa, ông cũng chạm phải các hố gạch vồ, đá cổ. Hàng ngàn viên gạch vồ, mấy chục viên đá tảng và hàng chục viên đá khối khác đã được khai quật. Điều lạ lùng là các viên gạch có màu đỏ như son. Thậm chí nhiều viên còn nguyên cả khuôn dấu cổ.
    Thầy trò ông mang những viên gạch son này rửa sạch, những viên còn lành ông để xây tường, những viên bị bể thì đem đập ra đúc bờ lô. Các viên đá tảng, đá khối được dùng xây hồ nước, làm đôn kê chậu cảnh.
    Điều đáng ngạc nhiên, tại ngã ba đường lên chùa Vạn Phước (cạnh chùa Thiền Lâm) cũng có hai phiến đá táng cột cỡ 45x45cm được chôn xuống mặt đường. Những viên đá này được nghi ngờ là có xuất xứ từ một cung điện lớn hiếm có. Gần đây, khi TP Huế kiên cố hoá lại đường sá, hai viên đá quý này bỗng dưng biến mất. Người dân xung quanh khu vực đất chùa Thiền Lâm cho biết, ở vùng này trước kia người ta đào được hàng trăm viên đá như thế và đã bán dần cho các thợ làm bia mộ. Những viên xấu không làm bia được, dân mới đem ra lát đường. Đi theo con đường này khoảng vài chục mét, người ta phát hiện ra nhiều đống gạch ngói, vôi vữa cũ được vun thành bờ rào phía sau chùa Vạn Phước. Đống phế liệu này chứng tỏ đã có những công trình kiến trúc cổ bị triệt hạ.

    “Giếng Loạn”
    Cách Chùa Thiền Lâm khoảng nửa cây số, ngay cạnh con suối Tiên và một hồ sen bán nguyệt (giờ đã trồng đầy rau răm) là chùa sư nữ Diệu Đức. Quanh khu vực chùa Diệu Đức, ông Xuân còn khám phá nhiều giếng cổ kỳ lạ. Giếng cổ được xây bằng những viên đá to xếp chồng lên nhau và là nguồn nước sinh hoạt chính của chùa. Nó vốn bị bỏ hoang và được ông Phó bảng Nguyễn Đình Hiến, nguyên Phủ doãn Thừa Thiên phát hiện vào năm 1930 khi ông đến chơi vùng này. Không ai đo được độ sâu của giếng là bao nhiêu, nhưng dân chúng thì khẳng định mùa hè nước mát lạnh như đá, mùa đông lại ấm áp kỳ lạ. Đặc biệt giếng chưa bao giờ cạn trong khi những giếng đào mới của dân xung quanh vẫn bị khô vào mùa hạn. Ném một viên đá xuống nước, tiếng động vọng lên nghe rất âm và thanh. Người địa phương cho biết giếng thường được gọi là “giếng loạn”.
    Trở lại bờ Bắc con suối Tiên và hồ bán nguyệt, ông Xuân lại khám phá thêm được một “giếng loạn” thứ hai. Giếng này đã bị chùa Thiền Lâm lấp vào năm 1992. Theo ông Xuân, cùng với các tấm bia và giếng cổ, chứng tỏ đây là một vùng từng có đông người ở, về sau bỏ hoang và phải chăng vì liên quan đến chuyện “binh loạn ” với Tây Sơn?

    Mả loạn
    Ở phía trái con đường đi qua Giếng Loạn, người dân phát hiện ra nhiều ngôi mộ tập thể. Mỗi ngôi vun cao và dài như những vồng khoai lớn. Một số mộ hoang này đã có ở đó từ xưa, một số mới dời vào đây khi người Pháp làm đường Nam Giao Tân Lộ và tất cả đều được đặt tên là “mả loạn”. Một điều lạ lùng nữa là khi gia đình ông Nguyễn Văn Minh (ở sát chùa Diệu Đức) phá nhà làm lại, đã vô tình phát hiện thấy dưới nền nhà có 27 bộ xương cốt chồng lên nhau. Ông Minh sợ quá, vội chuyển 27 bộ xương ấy ra táng ở vườn nhà của mình. Nhiều người dân ở đây cũng cho biết, chung quanh chùa Thiền Lâm cũng tìm thấy nhiều hố tro cốt của nhiều người từng bị dập xuống như ở nhà ông Minh.


    Tấm bia đá đã bị mài nhẵn hết chữ, đặt trên lưng rùa
    và được dựng tại sân sau chùa Thiền Lâm



    Theo ông Xuân hồ nghi, phải chăng những hài cốt vô danh này chính là hài cốt của quân Tây Sơn thua trận đã bị quân Nguyễn tàn sát và chôn tập thể khi Nguyễn Ánh trở lại Phú Xuân hồi đầu thế kỷ XIX? Cùng với những giếng cổ đã từng cấp nước uống cho các lực lượng của Tây Sơn trong cung điện Đan Dương bị miệt thị là “giếng loạn”, hàng trăm ngôi mộ hoang đã mấy thế kỷ nay cũng được gọi với cái tên dân gian “mả loạn” để chỉ những gì thuộc về quân Tây Sơn.

    Cung điện trong lòng đất
    Qua những hiện vật phát hiện ở chùa Thiền Lâm, ông Xuân khẳng định chùa đã bị dời đi và sau này được xây dựng lại trên một khu đất đã từng vùi lấp một kiến trúc hoành tráng nào đó từng bị triệt phá. Những gạch vồ, đá lát, đá táng cột, đá tảng, đá trang trí ở đầu cột trụ và nhiều loại đá có hình thù khác nhau không thể của dân chúng trong bất cứ thời đại nào mà là một vùng cung điện vua chúa. Ở đây chính là Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn. Như vậy, Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn và Cung điện Đan Dương của Vua Quang Trung là một. Nghĩa là Vua Quang Trung khi lên ngôi đã cải tạo Phủ Dương Xuân thành Cung điện Đan Dương. Vì thế sau này, khi Vua Quang Trung băng hà vào cuối 1801, quan quân nhà Nguyễn đã trả thù bằng cách quật phá và vùi Cung điện Đan Dương xuống đất.
    Khu vực Cung điện Đan Dương đã rõ khi xác định được nó toạ lạc trên vòng tròn: Chùa Thiền Lâm, chùa Vạn Phước (nơi có các đống vôi vữa cũ vun thành đống) và chùa Diệu Đức (nơi có các giếng loạn có chứa trong lòng những bức liễn và mả loạn). Chỉ còn câu hỏi: “Lăng mộ vua Quang Trung ở đâu trong Cung điện Đan Dương?”. Địa điểm huyệt mộ táng Vua Quang Trung đã bị quật phá cụ thể ở chỗ nào trong khu vực cung điện này?
    Để xác định chính xác nơi tồn tại huyệt mộ trong khu vực khả nghi có tồn tại Cung điện Đan Dương, Ông Xuân đã mời thầy địa lý Dương Văn Sinh xác định địa điểm và quyết định thám sát thử. Thật bất ngờ, hàng trăm câu chuyện huyền bí cũng được lật lên theo từng nhát cuốc.

    Đón đọc số tới: Những phiến đá bọc mộ và bí mật huyệt đạo
    Ghi chép của Lương Mỹ Hà
    (nguồn: như trên)
     
  5. Thái Dương

    Thái Dương New Member

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    184
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?

    Đi tìm mộ Vua Quang Trung:
    Những phiến đá bọc mộ và bí mật huyệt đạo (4)


    Giếng cổ ở khu vực chùa Thiền Lâm
    Giadinh.net - Theo cách tính toán của thầy địa lý Dương Văn Sinh, nếu có huyệt mộ chắc chắn chỉ có thể nằm trong khu vực nhà của chị em ông Nguyễn Hữu Oánh, ngay dưới chân chùa Vạn Phước. Thật ngỡ ngàng bởi chính từ ngôi nhà này, hàng trăm câu chuyện có thật được nhuốm một màu huyền bí đã dần dần được hé lộ.
    Ngôi nhà giấu trong lòng đất vô số những điều bí ẩn đó nằm dưới con dốc trước cổng chùa Vạn Phước. “Nhân chứng sống” Nguyễn Hữu Oánh, chủ nhân ngôi nhà vẫn còn bàng hoàng chưa quên được những điều bất thường mà gia đình ông đã trải qua trong thời gian gần đây.
    Chuyện truyền kỳ về tìm mộ Vua Quang Trung

    Theo lời ông Oánh, đời thứ nhất được tính từ ông nội ông Oánh là lý trưởng nhưng con đông, vợ mất sớm. Lúc ấy, có người con gái nói giọng Nghệ An văn hay chữ tốt đi buôn qua Phá Tam Giang bị mất sạch đồ đạc và nguyện đến xin làm vợ thứ của ông lý trưởng và trở thành bà nội ông Oánh từ đấy. Sau đó, bà đã lập một am thờ lớn hơn bất cứ am nào trong khu vực và giải thích với con cháu nôm na là am thờ người khuất nào đó. Khi bà qua đời, con cháu vẫn chưa biết quê quán bà ở đâu, có họ hàng gì với anh em nhà Tây Sơn không và liệu cái am bà lập có phải là để thờ vua Quang Trung hay không?
    Ông Oánh nhớ lại cụ thân sinh mình từng kể, khi họ tộc ông đến đây, xung quanh làng mạc trắng xoá nhưng kỳ lạ là dưới lòng đất có nhiều mả loạn và giếng loạn. Khi canh tác, cụ thân sinh ông Oánh bắt gặp nhiều dấu vết của những thành quách đã bị sập, những công trình xây dựng bị chôn vùi dưới lòng đất. Thậm chí, sau lưng nhà ông vẫn còn tồn tại một giếng loạn rất sâu.
    Đáng ngạc nhiên hơn là vào khoảng năm 1925, trong lúc đào đất làm vườn, đầu cuốc của cụ đã chạm phải 4 tấm đá lớn. Tấm đá có chiều dài hơn 2m, rộng chưa đầy 1m và dày 3,5cm. Tấm đá này thuộc loại đá granít, mặt trên được mài trơn nhẵn, mặt dưới thô ráp còn hằn rõ vết đẽo của một loại dụng cụ thô sơ.
    Khi đào được những phiến đá lạ, gia đình ông Oánh tự giải thích đây là những hiện vật của một ngôi “mộ Chàm” nào đó, nên đã bán cho dân Phủ Cam một tấm, cho một người thân ở Bến Ngự một tấm, một tấm bị bể và tặng chùa Vạn Phước một tấm.
    Đặc biệt, trong lúc canh tác đất đai, gia đình ông phát hiện rất nhiều vật liệu xây dựng ẩn tàng dưới đất. Thậm chí, gia đình ông còn đào được cả một hầm gạch nguyên trong lòng đất, đủ xây một ngôi nhà.
    Cũng trong thời gian này, cụ thân sinh ông Oánh cũng đào được nhiều tượng đá. Tuy nhiên, chúng tiếp tục bị chôn xuống vườn nhà vào năm 1947 và gia đình không thể nhớ nổi là góc nào. Còn 4 phiến đá lạ, giờ chỉ còn duy nhất một tấm đang được dùng làm mặt bàn nhà bếp chùa Vạn Phước. 3 tấm kia đã hoàn toàn thất lạc.
    Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khẳng định: “đây rất có thể là những phiến đá bọc quanh huyệt mộ để bảo vệ quan tài Vua Quang Trung. Còn những tượng này phải chăng đã từng được dùng để trang trí lăng Đan Dương?”.

    Bí mật đạo huyệt
    Theo lời ông Hữu Oánh, dòng họ của ông là dòng họ đầu tiên khai canh nên làng Bình An. Và nếu đúng như gia phả để lại, thì ông chính là hậu duệ thứ 13 của Vua Quang Trung. Khi phát hiện những dấu tích thành quách, gia đình cho rằng đây là thủ phủ của người Chăm Pa. Gia đình ông đã tận dụng toàn bộ vật liệu đào được để xây nhà to, lát sân, làm cổng to hoành tráng. Nhưng rồi đến năm 1982, ông phá tan cả cửa nhà, gánh toàn bộ gạch đá lên biếu nhà chùa.
    Ông Oánh nhớ lại, quả đúng gia đình ông đã từng gặp được một huyệt mộ bí ẩn. Trước năm 1945, người Nhật chiếm chùa Thiền Lâm làm doanh trại. Sợ máy bay Đồng Minh thả bom, dân Bình An quanh chùa Thiền Lâm đều phải đào hầm tránh bom. Khi đào hầm trú ẩn trong vườn nhà, gia đình ông gặp một đường hầm xây kiên cố đã bị lấp đầy đất. Vét hết đất trong hầm, cả nhà khoảng chục người dắt díu nhau xuống tránh bom. Lúc ấy, bà Nguyễn Thị Liên, chị gái ông Oánh mới 12 tuổi, hay bồng ông mới 6 tuổi xuống hầm. Vì quá nhỏ, nên sau này cả hai không nhớ đường hầm nằm vị trí nào trong vườn nhà.
    Để xác định lại vị trí huyệt mộ, năm 1988, bác sĩ Dương Văn Sinh, một thầy địa lý nổi tiếng ở Huế đã đến xem quanh khu vực chùa Thiền Lâm. Ông xác định, nếu có huyệt mộ Quang Trung thì nhất định phải ở trước vườn nhà ông Oánh, và ở phía Tây nhà bà Nguyễn Thị Liên hiện nay. Nghe “ông thầy địa” nói vậy, bà Liên không dám giấu điều bí mật mà bà đã cố tình giấu lâu nay và công nhận: “đường hầm ở khoảng ấy”.
    Ngày 17/12/1988, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và nhiều nhà sử học đầu ngành ở Huế đã tiến hành khai quật gần chục điểm quanh chùa Thiền Lâm để thám sát.
    Đến đầu hè phía tây ngôi nhà của bà Liên, khi đào xuống sâu nửa mét, cả nhóm thám sát bàng hoàng khi gặp một lớp thành dày chạy dọc theo hiên phía tây ngôi nhà. Mặt trong của thành nằm sâu dưới nền nhà. Đào sâu thêm 1,5m vẫn chưa đến chân thành. Đào dọc theo bức thành 3m vẫn chưa giáp với hai đầu bức thành. Bà Liên xác nhận: “cái đường hầm nằm dưới nền nhà tôi không thể đào sâu thêm được nữa, đào thêm nữa nhà sẽ sập”.
    Việc thám sát đành phải dừng lại. Lấy vôi vữa của bức thành xem xét thì thấy, vôi vữa này giống vôi vữa còn bám ở tấm đá đang dùng làm mặt bàn trong nhà bếp chùa Vạn Phước và cũng giống với những vôi vữa lộ thiên hay chôn dưới đất thỉnh thoảng còn tìm thấy chung quanh khu vực chùa Thiền Lâm.
    Đây là loại vôi vữa trộn bởi mật mía, vôi nung từ vỏ sò, vỏ hến và cát. Đặc biệt những vỏ sò, vỏ hến này được giã bằng chày nên còn nguyên “mày” lấm tấm trong vôi.
    Đem so sánh với một số công trình khác, ông Xuân thấy di tích được ẩn dưới lòng nhà bà Liên có trước nhà Nguyễn, khớp với giai đoạn lịch sử xuất hiện khu lăng mộ vua Quang Trung. Trong khi chờ các nhà khảo cổ vào cuộc, ông Xuân kết luận: “Tấm đá lớn đang giữ ở nhà bếp chùa Vạn Phước và bức thành bên ngoài đường hầm (được xem là kim tỉnh hay khuôn tỉnh), ở chái phía tây nhà bà Nguyễn Thị Liên, là dấu hiệu của huyệt lăng mộ Vua Quang Trung đã bị quật phá”.

    Các loại tượng trong một số lăng mộ vua
    Phần mộ của quý tộc - nhất là của vua chúa thường được xây cất khá công phu. Từ thời Trần mới hình thành dần kiến trúc lăng mộ, nhưng chỉ có thể nhận dạng qua dấu tích khảo cổ.
    Thời này mới chỉ có lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ và vài lăng mộ các vua Trần là có tượng - phổ biến là tượng rồng, lân với chức năng chính làm thành bậc cửa trong cấu trúc kiến trúc.
    Những tượng được biết là con hổ ở lăng Trần Thủ Độ.
    Tượng con trâu, con chó và viên quan hầu có thể thấy ở lăng vua Trần Hiến Tông.
    Trừ tượng quan hầu, ở tư thế đứng nghiêm theo quy cách tượng chầu trong các lăng mộ từ thời Lê về sau, còn tượng các con thú đều trong tư thế nằm nghỉ rất thoải mái, lớn như thú thật, song dường như để trang trí cho đẹp cảnh quan chứ không phải để chầu hầu.
    Ở thời Nguyễn, đây là giai đoạn mạt kỳ phong kiến, vương triều được thành lập do thắng thế trong cuộc nội chiến giữa các phe phái quý tộc với nhau, vì thế không gần dân, và để tạo uy thế thì các tượng thú đều thống nhất một dáng: đứng nghiêm túc, nhìn thẳng.


    Ghi chép của Lương Mỹ Hà
    Đón đọc số tới:
    Lăng mộ Vua Quang Trung ở núi Khâm Sơn
    ( Nguồn: nt)
     

Chia sẻ trang này