Lời lẽ lớn lao phải phát xuất từ thật hành thì mới có ích

Thảo luận trong 'CẢI MỆNH NHIỆM MẦU: Tu là sửa chính Mình - Không yêu cầu người khác sửa đổi theo mình' bắt đầu bởi ammay_ngu, 6 Tháng ba 2010.

  1. ammay_ngu

    ammay_ngu Guest

    500. Thư trả lời cư sĩ Ôn Quang Hy (thư thứ hai)



    Nhận được thư ông đầy đủ. Ông vọng tưởng đến cùng cực, làm chuyện rất rạng rỡ, lớn lao, rộng lớn, nhưng chẳng biết đấy đều là những chuyện đi xuống, chứ không phải là hướng thượng! Đang trong thời thế này, ông có thần thông, đạo lực gì mà muốn làm chuyện kinh thiên động địa? Dẫu để làm việc trong chánh trường đi nữa, có ai không phải vận động bẩn thỉu để lọt vào. Đã do vận động bẩn thỉu mà đạt được địa vị ấy thì có thể hiên ngang, thẳng thắn, chẳng phải bợ đỡ cấp trên hay chăng? Quan văn chẳng mê tiền, nếu chẳng bóc lột mỡ màng của dân chúng thì tiền vốn vận động còn chưa thể có được, huống là [có tiền để] dâng cúng cấp trên ư? Dâng cúng cấp trên vẫn chưa phải là chánh yếu, đối với những thuộc hạ của cấp trên đều phải dựa theo thời, theo dịp để tặng quà, để mong họ nói tốt trước mặt cấp trên, chẳng buông lời gièm xiểm. Nếu là người thật sự vì trăm họ, chẳng những không có tiền mà sợ còn khó giữ được tánh mạng!

    Ông mơ giấc mộng to quá, đúng là chí lớn, ăn nói lớn lối, chẳng biết tài năng của chính mình ra sao cũng như đang ở trong thời nào. Hãy nên nói với họ về lợi - hại của chuyện tiết dục và buông lung lòng dục thì về lý lẫn về tình đều được ổn thỏa. Ông chỉ biết ăn nói đao to búa lớn, chẳng biết lời lẽ lớn lao phải phát xuất từ thật hành thì mới có ích. Học vấn cần phải phát xuất từ thực tiễn thì mới có thể tự lợi, lợi người. Nếu không, học vấn càng cao, càng dễ làm hỏng việc. Vì thế nói: “Hữu đức giả tất hữu ngôn; hữu ngôn giả bất tất hữu đức” (Người có đức ắt thốt lời, kẻ thốt lời chưa chắc đã có đức). Nếu chính mình chánh kiến chưa mở mang, lầm lạc học theo cái học ma quỷ của ngoại đạo, hiếm có ai chẳng bị biến đổi theo chúng. Ông còn chưa biết đến sự xấu xa của gã X…. Gã X… xấu xa không phải vì thiếu học vấn mà vì chẳng biết tự lượng, dối xưng là đại thông gia! Phận sự chánh yếu ông còn lo chưa rồi, há nên phát ra cái tâm ấy? Muốn vào hang hùm thì thân sẽ táng trong bụng hùm là điều đoán chắc!

    Trước kia, khi ông chưa có tiền tài, thế lực, bèn hâm mộ sự vinh hiển, giàu có của những kẻ có thế lực, toan dùng đó để khoe khoang trong làng xóm, cho là đã làm rạng mày nở mặt tổ tiên. Nếu tổ tiên có thiêng, ắt sẽ khóc cạn nước mắt! Sợ ông hễ được đắc ý sẽ hoàn toàn chôn vùi cái chí ban đầu, chắc sẽ đến nỗi càng tệ hại hơn bọn họ! Vì sao vậy? Do nhiệt thành hâm mộ sự phú quý bất nghĩa, nên hễ được phú quý sẽ bị phú quý xoay chuyển. Chẳng đáng buồn ư? Ông hoàn toàn là một kẻ không có chánh tri kiến, đã niệm Phật lâu ngày lại ngờ niệm Phật sẽ lôi kéo quỷ tới rồi sanh lòng sợ hãi. Có tri kiến như vậy há có thể nào chẳng ngả theo thế lực quan quyền phú quý, chẳng tạo nghiệp ác ư? Anh chàng X… và ông Y… đều là kẻ hiểu Duy Thức, nếu dùng Duy Thức để kiếm tiền, sao dám bảo “noi theo dấu ngài Huyền Trang?” (Do trước đó ông đã nói đến việc dõi theo dấu chân của Huyền Trang Tam Tạng). Ông muốn thấy người khác liền nói nhân quả để hết thảy mọi người đều tin nhận vâng làm, mà lại còn kiếm tiền được, bất luận vị đại lão quan hay gã trai khổ não nào, trai trai, gái gái, đều cùng họ bàn luận kỹ càng, khiến họ đều sanh lòng vui thích thì chỉ có cách xem tướng là hữu ích nhất. Nếu nghề nghiệp thật sự tinh thông thì bất luận kẻ ương ngạnh khó giáo hóa đến đâu, hễ được ông chỉ bày tiền nhân hậu quả ắt sẽ nghe theo. Đấy là chuyện dễ làm nhất trong chốn giang hồ.

    Nếu lại còn biết xem Bát Tự thì càng thu hút rộng rãi. Trong thời Hàm Phong - Đồng Trị nhà Thanh, có một người học xem tướng nhưng học không thành, xin học thuật Đạt Ma tướng pháp[28] cũng không hiểu được lẽ ảo diệu của nó. Sau đấy bèn dốc hết lòng Thành lễ bái, lâu ngày liền sáng suốt, những chuyện trong nhà và đời trước của người ta đều biết rõ hết. Một buổi sáng gặp mấy tên lính, cầm lệnh phù sang kho đạn lãnh thuốc súng, bèn hỏi họ sẽ lãnh mấy thùng. Họ đáp sáu thùng; ông ta nói: “Sáu thùng không đủ đâu, nên lãnh bảy thùng!” Bọn họ nói: “Quân lệnh nào dám trái!” Ông ta chỉ nói: “Tôi bảo các anh lấy, sáng mai sẽ biết. Nếu không, tôi sẽ chịu phạt”. Họ liền lấy bảy thùng. Đêm ấy khéo sao bọn giặc tới cướp doanh trại, dùng hết sáu thùng thuốc súng, giặc vẫn không lui, bèn khui thùng thứ bảy thì bọn giặc liền rút lui. Vị thầy xem tướng ấy do nhất tâm cầu Tam Bảo gia bị chuyển hóa mà biết được chuyện đời trước, đời sau.

    Ông nên lưu tâm học xem tướng, lại còn chuyên chí lễ bái đức Đại Bi Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát. Tuy chưa thể cao minh như người ấy, nhưng đã có thể vượt trỗi những thầy tướng hiện thời, lại còn dùng sự lý nhân quả tội phước để bình luận thì tiền tài, danh dự, công đức đều có thể đạt được. Đấy là chuyện ổn thỏa nhất trong hiện tại, mượn thuật ấy để hành thì không đâu chẳng thông. Những câu giải đáp được liệt kê như sau:

    1) [Vương] Dương Minh là nhà Nho. Dựa theo nghĩa lý của nhà Nho để giảng giải thì khá gần với đạo lý Phật pháp; nhưng nếu như lời ông nói thì có thể khiến cho nhà Nho đều hành theo hay chăng? Cổ nhân nêu tỏ đạo mầu phần nhiều mượn thí dụ “tấm lòng của con đỏ, hồn nhiên không phân biệt”; do [tấm lòng của con đỏ] gần giống như sự không phân biệt bởi đã hết sạch nhân dục, thiên lý lưu hành. Ông bèn chấp trước, đem so sánh “cái tâm của con đỏ” với Chân Như bổn tánh, há có đáng gọi là “kẻ khéo dạy người khác nhập đạo” ư? [Người ta] nêu cái quạt để ví mặt trăng, mượn sự lay động của cây cối để giải thích về gió, ông liền tìm ánh sáng nơi quạt, tìm sự phất phơ nơi cây, tức là hoàn toàn chẳng biết pháp phương tiện để dạy người! Dẫu nói cho thật hữu lý thì vẫn chẳng phải là pháp để làm lợi kẻ sơ tâm. Huống chi nhà Nho trọn chẳng biết đến Chân Như Phật tánh! Chẳng nêu bày ở chỗ ấy thì chẳng có cách nào nhập đạo được!

    2) Nhà Nho ăn nói phải dựa theo những điều vốn được [Nho giáo] đề cao. Nếu nói đến Phật tâm chính là xiển dương Phật pháp. Cố nhiên những kẻ ấy do học Phật mà có sở đắc, nhưng lời lẽ vẫn y theo khuôn mẫu của Nho gia. Chẳng qua là ý nghĩa gần gũi với nhà Phật, ông có biết hay chăng?

    3) Sách của Vương Dương Minh, thoạt đầu tôi chưa xem qua. Bốn năm trước, do thỉnh một bộ Dương Minh Toàn Tập, giở xem đại lược, rảnh đâu để học theo ông ta! Năm trước, do tôi muốn ẩn dật tại Hương Cảng nên bèn gởi [bộ sách ấy] về [tặng] thư viện huyện Cáp Dương.

    4) Trong thời buổi này, ông luôn niệm niệm mong thành danh để lập từ đường, coi đó là chuyện để rạng mặt nở mày cha mẹ. Chí ấy ô trược, hèn tệ, đã gây nhục cho bà nội kế là Sài lão thái quân nơi chín suối. Huống chi nếu thật sự có thể thỏa mãn mục đích của Sài lão thái phu nhân thì sợ rằng sẽ khiến cho ông bà nội và cha mẹ ông đều cùng đọa xuống tầng chót trong địa ngục A Tỳ! Buồn thay!

    5) Viên Tử Tài là gã cuồng! Thoạt đầu chẳng hề tin Phật, nếu tin Phật sao lại báng Phật? Đến tuổi già do từng trải sâu hơn, biết Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn, nên các chuyện cảm ứng đều ghi chép lại, nhưng trọn chưa từng thân cận tri thức và đọc nhiều kinh luận Đại Thừa nên những gì ông ta nói phần nhiều đều chẳng đúng pháp. [Chẳng hạn như ông ta biện bác] “giới luật chẳng cho tổn thương đến một cọng cỏ nên chẳng thể ăn chay bởi lẽ ăn rau là sát sanh”. Lời lẽ ấy đều là những lời lẽ cong vạy, hư vọng, nhằm ngăn cản người khác ăn chay, khuyên người ta ăn thịt! Sao không nói: “Ta cũng có thịt, xin hãy ăn thịt ta trước”. Dẫu có giết ông ta, ông ta cũng chẳng chịu thốt lời ấy! Coi ăn rau là sát sanh cũng là tà thuyết giống như “khuyên ăn thịt” vậy, chẳng cần công kích mà tự bị phá!

    Con người sống trong thế gian ai có thể chẳng hít thở? Coi hít thở gây tổn hại cho những loài trùng tí xíu là ăn thịt, sát sanh, nhưng lại khuyên người ta hằng ngày giết những con vật lớn để ăn thịt! Loại tà thuyết ấy giống như kẻ ngu thấy người khác dùng phân để bón cho đất màu mỡ thì các loại hạt ngũ cốc mập chắc, rau cỏ tươi non, mập mạp, sởn sơ, thơm ngon, bèn bảo: “Phân là vật tốt nhất. Hãy nên chuyên ăn thứ này thì càng được tốt đẹp chẳng khác gì!” Người đời phần nhiều cậy vào thứ tà thuyết chẳng dựa theo đạo lý ấy để cản người khác ăn chay, khen ngợi kẻ sát sanh. Năm xưa có người đem chuyện này hỏi, tôi liền dùng một thí dụ để đáp lời. Chúng ta sống trong vòng trời đất, ai có thể không hít thở? Do hít thở gây tổn thương những sanh vật nhỏ bé liền nói “ăn chay không hợp lý”, ấy chính là cái tâm xấu hèn của gã tiểu nhân ngăn trở người khác làm lành vậy!

    Ví như có kẻ sanh trưởng trong nhà xí, thường nghĩ thức ăn trong nhà xí quả thật là cao sang nhất, ngon lành nhất. Nhưng ở chỗ ấy có vị trưởng giả giàu có lớn; hắn ta sợ vị trưởng giả đó chưa từng được hưởng qua những vị ngon lành ấy, do vậy đưa thư mời trưởng giả vào nhà xí dự tiệc. Vị trưởng giả kinh ngạc, mắng: “Ngươi đúng là kẻ chẳng biết hổ thẹn! Toàn thân ngươi nằm trong hầm phân, hằng ngày lấy phân làm cơm áo, sao dám mời ta đến chỗ ngươi ở?” Kẻ ở trong hầm phân nghe vậy, nổi giận đùng đùng, chửi bới: “Đồ hầm cầu nhà ngươi sao dám chửi ta hằng ngày ăn phân nhơ? Trong bụng ngươi đầy ắp phân tiểu. Kè kè cái thùng đựng phân ấy mà còn muốn nói thanh tịnh! Muỗi, ve, chấy, rận xả phân vãi tiểu trên đầu ngươi, thân ngươi. Ngươi hoàn toàn là một cái hầm phân, sao dám chửi người khác? Hơn nữa, gạo nước ngươi ăn vào đó đều đã có trùng thải phân vãi tiểu lẫn trong ấy, chẳng phải ngươi đã ăn phân, uống nước tiểu ư? Sao dám chửi ta là ăn phân, uống nước tiểu?”

    Vị trưởng giả ấy tuy khiết tịnh, nhưng những lời trách mắng của kẻ trong hầm phân đều chẳng tránh khỏi, vậy thì cứ theo đúng những gì mình có thể làm được mà nói đến chuyện khiết tịnh, hay là sẽ vâng theo lời kẻ sống trong hầm phân đến chỗ hắn dự tiệc ư? Đã chỉ nên dựa theo những gì mình có thể làm được để làm, sao lại đem chuyện không làm được để trách móc người khác ư? Cứ muốn buộc người khác ăn thịt, sao chẳng mời người khác ăn thịt mình? Lời nói này cũng có thể làm tấm gương sáng cho những kẻ tà kiến vậy! Ông đã soạn cuốn sách Khuyến Tu Hành Giới Sát Ngật Tố Văn (văn khuyên tu hành kiêng giết ăn chay); trong tương lai khi tái bản sách ấy, hãy nên đem ý này thêm vào để chỉ bày cho kẻ thiếu tri kiến trong thiên hạ đời sau.

    6) Ông lập ra thuyết ấy khá hữu lý, nhưng ông đả phá Dương Minh, mà ở chỗ ấy ý ông và Dương Minh đâu có khác gì? “Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi” (lòng người nguy hiểm khó lường, đạo tâm nhỏ nhiệm[29]), nói xuông thì dễ, thực hành khó lắm! Ông Ôn Quang Hy đừng mơ phát tài làm quan. Nếu Ôn Quang Hy phát tài làm quan, quyết chẳng thể vượt trỗi hạng tầm thường, lập công nghiệp lớn lao được! Do ông còn chưa được phú quý, ở đậu tạm thời trong nhà họ Kê, mà trước hết đã không giữ được nổi [cái tâm không ham muốn sự giàu sang của người ta] thì sau này làm sao giữ được?

    7) Coi lời thành thật từ kim khẩu của đức Phật là ngụ ngôn, đấy chính là tà kiến, báng Phật, báng Pháp; làm sao nói nhân quả để cảm hóa người khác cho được? Phụ nữ nhà giàu có ở Trùng Khánh muốn làm gái làng chơi, cũng là do đã coi mối quan hệ vợ chồng do thánh nhân chế định như sự đặt bày trống rỗng. Trong ý họ há cũng có lý “vợ chồng nhất định chẳng được hỗn tạp” ư?

    8) Các nhà khoa học nói như thế cũng phải là không có lý do, nhưng họ chẳng biết tới nghĩa “duy tâm sở cảm, duy tâm sở hiện”. Vì thế trở thành tà thuyết dối dân, hủy báng Phật pháp, ngăn trở người khác tấn tu.

    9) Ông nói như vậy thì tâm can của ông đã hoàn toàn lộ rõ hết ra, như vậy thì ông nói học đạo nhưng đâu phải là học đạo, mà chính là học nghề đấy chứ!

    10) Cảm Ứng Thiên vốn xuất phát từ sách Bão Phác Tử, nhưng lời lẽ trong sách ấy (tức Cảm Ứng Thiên) có ích cho cõi đời, nên được tôn là “Thái Thượng quân tử” (bậc quân tử cao quý nhất), chứ không coi là lời lẽ vớ vẩn của con người. Có mấy ai biết được năm ngàn chữ? Người tầm thường hiểu biết năm ngàn chữ ấy sẽ không bằng một người tầm thường biết tới Cảm Ứng Thiên, do đã đạt được lợi ích thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia rất nhiều. Ông bàn luận “có nên đưa [Cảm Ứng Thiên] vào chánh sử hay không nên đưa vào”, còn tôi chỉ quan tâm ở chỗ sách ấy có ích cho thân ta lẫn nước ta mà thôi!

    11) Hai pháp Định - Huệ được bao quát trong việc học Phật đạo. Nếu chỉ hiểu là một chữ Tĩnh sẽ nhỏ nhoi lắm! Trần Bạch Sa, Châu Hối Am[30] cho là “rớt vào chỗ trống rỗng, mờ mịt” là vì họ tưởng “ngoan không” (trống không rỗng tuếch) chính là Tĩnh của nhà Phật. Nếu không phải là ma mãnh cố ý hủy báng thì họ chẳng biết gì về ý nghĩa Chân Tĩnh trong nhà Phật cả! Chuyện “kính” chính là cửa ngõ để nhập đạo. Nếu lý luận một cách trái lẽ sẽ thành trái nghịch đạo trời, là đại bất kính. Những vị tiên sinh bên Lý Học chú trọng vào “tiểu kính” (sự cung kính nhỏ nhặt, vụn vặt) nhưng đều phạm đại bất kính! Do những lời lẽ họ bàn luận về lý tột cùng của tâm tánh đều là trái trời nghịch lý, cho nên gọi họ là “họ phạm đại bất kính”. Ông nên biết như vậy.

    12) Châu Tử (Châu Hy) dạy người khác đừng tụng kinh tức là báng Phật pháp, còn tôi dạy người khác đừng tụng kinh là vì thận trọng nơi chuyện ấy. Do ân cha mẹ sâu nặng, hãy nên nghiêm túc thỉnh tăng sĩ có đạo tâm niệm Phật; chớ nên thỉnh những ông tăng chuyên làm kinh sám đến tụng kinh, bái sám, làm đàn Thủy Lục chỉ nhằm phô trương, hoa mỹ trống rỗng. Sao ông chẳng đọc những đoạn văn trên và dưới câu ấy, lại cắt lấy một câu ở chính giữa rồi luận đúng - sai xằng bậy! Do vậy tôi biết ông tâm bộp chộp, tánh tình hời hợt, mọi chuyện đều cẩu thả. Từ nay ông đừng gởi thư đến nữa, gởi đến sẽ không trả lời. Nếu trả lời thì không có tinh thần ấy, ông có biết hay chăng? Nguyện vợ chồng con cái ông siêng năng niệm Phật, xin hãy sáng suốt soi xét.

    http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien13.htm
     

Chia sẻ trang này