Mọi hiện tượng đều thôi thúc tu Tịnh Nghiệp

Thảo luận trong 'CẢI MỆNH NHIỆM MẦU: Tu là sửa chính Mình - Không yêu cầu người khác sửa đổi theo mình' bắt đầu bởi ammay_ngu, 12 Tháng ba 2010.

  1. ammay_ngu

    ammay_ngu Guest

    544. Thư trả lời cư sĩ Lâm Tán Hoa (thư thứ năm)



    Tà thuyết ngoại đạo đều chẳng đáng lo, cái đáng lo là Tăng phần nhiều chẳng biết pháp những gã cuồng Tăng xưng bừa là hoằng pháp nhưng thật ra là diệt pháp! Thế lực của họ rất lớn, nếu chẳng phải là bậc thánh nhân thần thông sẽ chẳng biết làm sao được! Quang là một tăng nhân tầm thường chỉ biết cơm cháo, đã không có đạo đức lại chẳng có tiếng tăm gì, làm sao có thể xoay chuyển lũ quyến thuộc trong ngoài của ma vương ấy, khiến cho bọn họ giữ lòng chánh niệm, chẳng bị những tà thuyết ấy mê hoặc ư? Đừng nói chẳng soạn luận, dẫu có soạn cũng chẳng ích gì! Nếu các Tăng - tục ấy đều nương theo lời Phật, hành theo hạnh Phật thì những kẻ có ý muốn diệt Phật pháp trông thấy đạo hạnh ấy cũng sẽ khâm phục, kính ngưỡng khôn cùng, lại còn muốn hộ trì. Huống là những vị có hành vi càng sâu xa hơn nữa ư? Hiện thời muốn hộ trì Phật pháp, không chi cấp bách hơn là tận tụy thực hành đạo “giữ vẹn luân thường, nhân nghĩa” và pháp tín nguyện niệm Phật! Sợ ông lầm lạc mong Quang soạn văn nên đặc biệt chỉ ra tình trạng không thuốc chữa, chỉ mong ông thấu hiểu sâu xa!



    545. Thư trả lời cư sĩ Lâm Tán Hoa (thư thứ sáu)



    Đại kiếp này vốn đã ươm mầm nhiều năm, nay mới phát hiện. Ví như nhọt chưa chín muồi, nếu kẻ ngu lúc bình thường chẳng chữa trị thì khi nhọt loét ra, sẽ khó thể chữa lành ngay được! Dẫu chẳng thể không tận hết sức người, vẫn khó thể chắc chắn vãn hồi được. Hiểu rõ điều này sẽ chẳng đến nỗi sanh lòng áo não xuông, oán trời, hận người. Ông Nhiếp Vân Đài[37] do dụng tâm quá độ, hiện thời đang phải dưỡng bệnh, chẳng thể giao thiệp với ai được.

    Nghe nói ông X… đã sang Hồ Bắc, người này đã được ông Y… hun đúc, nên trong tri kiến ông ta chỉ nghĩ Duy Thức là đúng, các hạnh môn khác đều coi thường. Mùa Hạ này bị bệnh nặng mới thống thiết hối hận sai lầm, chẳng biết rốt cuộc gần đây ra sao? Xin hãy đừng qua lại với hạng người như vậy để khỏi bị họ xoay chuyển. Tất cả những hiện tượng trong hiện thời đúng là nhằm thôi thúc con người chuyên tu Tịnh nghiệp để cầu vãng sanh. Đang trong lúc này mà vẫn cứ hờ hững, hời hợt muốn làm đại thông gia thì đã chẳng thể tự lợi mà còn chẳng thể lợi người, tính toán cũng sai lầm quá đỗi vậy!



    546. Thư trả lời cư sĩ Lâm Tán Hoa (thư thứ bảy)



    Giảng kinh thì việc gì cứ phải mỗi năm giảng một kinh, chẳng thể giảng trùng lặp ư? Đã phải ăn cơm hằng ngày sao lại ngại phải lập đi lập lại? Tâm Kinh nghĩa lý uyên thâm, làm sao kẻ sơ cơ được lợi ích? Dẫu có sở đắc cũng chỉ là hiểu nghĩa [trên mặt văn tự] mà thôi! Sao bằng pháp môn Tịnh Độ hễ nghe liền có thể thực hành được ngay! Kể cả phẩm [Phổ Hiền] Hạnh Nguyện cũng không nhất định phải giảng nhiều bữa. Đức Phật đem những nghĩa lý uẩn súc, uyên áo trong sáu trăm quyển Đại Bát Nhã nêu tỏ chẳng sót trong hai trăm sáu mươi chữ [của Tâm Kinh], cần gì cứ phải kéo dài lan man, chỉ cốt nói rộng nói nhiều để phô tài ăn nói vậy?

    Đạo Xước thiền sư là bậc cao tăng lỗi lạc, chuyên hoằng dương Tịnh Độ. Ngài thọ bảy mươi mấy tuổi, suốt đời giảng ba kinh Tịnh Độ gần hai trăm lượt. Nếu Ngài bắt đầu giảng từ năm hai mươi tuổi thì trong năm mươi mấy năm, mỗi năm phải giảng hai ba lượt mới được như thế!

    Qua lá thư gởi cho một vị cư sĩ trong Triệt Ngộ Ngữ Lục, [ngài Triệt Ngộ Mộng Đông] đã viết: “Trong một mùa Hạ hai lượt giảng xong Lăng Nghiêm; nào ngại Hạnh Nguyện văn dài chẳng thể giảng xong trong bảy ngày?” Bảy ngày là quá rút gọn, có lẽ nên giảng mười ngày. Giảng kinh đâu có quy củ nhất định buộc người giảng phải tận hết sức Đông kéo Tây lôi, chẳng chịu chỉ điểm ngay chỗ chánh yếu? Tri kiến của ông là tri kiến tràn lan, không biết giữ lấy chỗ giản ước, cứ muốn dùng sự rộng rãi để tạo lợi ích cho kẻ sơ cơ thì đấy là chuyện tạo dựng môn đình vậy! “Một đêm trò chuyện cùng anh, còn hơn đọc sách lanh quanh mười mùa. Để chữa lành bệnh đâu cần tới lượng thuốc nhiều đến nỗi phải dùng lừa, lạc đà để chở”. Đấy đều là những lời cổ nhân giáo huấn về cách giữ lấy sự giản ước vậy!

    Hiện nay chiến sự phát sanh, đối với chuyện sau này chớ nên lo liệu ngược ngạo, hãy nên khuyên hết thảy già - trẻ - trai - gái cùng niệm A Di Đà Phật và niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để cầu hễ còn sống sẽ tránh được tai họa này, chết rồi sẽ về Cực Lạc. Giảng kinh vẫn chưa phải là nhiệm vụ cấp bách hiện thời, điều cấp bách nên làm là thông cáo hết thảy già - trẻ - trai - gái cùng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để sau khi thái bình rồi hãy giảng kinh, nhất là phải lấy việc “tạo cho kẻ sơ cơ có lòng chánh tín nơi Tịnh Độ” làm đầu!

    Nghê Thương Cần, Thí Lập Khiêm đã biết quy y, đều đặt pháp danh cho mỗi người. Nghê Thương Cần pháp danh là Tông Cần. Niệm Phật cầu sanh Tây Phương, tự hành, dạy người, đều phải lấy Cần (siêng năng) làm gốc. Nếu lười nhác biếng trễ sẽ khó được thành công! Thí Lập Khiêm pháp danh là Tông Khiêm. “Khiêm” là chẳng tự thỏa mãn, chẳng cho là đủ, như biển dung nạp trăm sông, như hư không bao trùm muôn hình tượng. Mọi thứ tội nghiệp đều do Khiêm mà tiêu. Đủ mọi công đức đều do Khiêm mà thành tựu.

    Nay gởi cho ông và hai người ấy một gói Tịnh Độ Thập Yếu, xin hãy chia ra tặng. Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều không đủ, từ nay chớ nên thường gởi thư tới. Chỉ nên dựa theo những điều đã nói trong sách Thập Yếu để tu thì đâu có thiếu sót gì mà cần phải thường hỏi han! Nếu chẳng chú trọng chuyên tu Tịnh Độ, cứ muốn thông suốt khắp các giáo nghĩa thì một hai lá thư cũng chẳng thể đạt được mục đích ấy! Xin hãy sáng suốt suy xét. Sách Thập Yếu chính là sách trọng yếu trong tông Tịnh Độ. Đừng toan tính những chuyện ham cao chuộng xa thì sẽ đạt được lợi ích tối cao tối thắng! Một Lá Thư Trả Lời Khắp cũng nói những chuyện mọi người đều phải gấp nên chú trọng!

    http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien14.htm
     
  2. ammay_ngu

    ammay_ngu Guest

    Người đời đa số chuộng danh ghét thật

    547. Thư trả lời cư sĩ Lâm Tán Hoa (thư thứ tám)



    Đường lối để tạo vinh dự cho cha mẹ của kẻ làm con chính là siêng năng tu đức để hết thảy mọi người đều vì kính trọng ta mà tưởng nhớ đấng sanh ra ta. Đấy mới là phương pháp quan trọng nhất. Thường thấy người đời khi cha mẹ đã khuất bèn phân phát cáo phó rộng khắp, bịa đặt kể lể công trạng, đến các nơi xin những người có danh vọng, có địa vị ghi lời tán tụng, viết tiểu sử, đề bài minh, bài biểu, chứ không miệt mài chú trọng gắng sức tu đức, thể hiện lòng nhân để mong tạo thanh danh cho cha mẹ.

    Tôi thường nói: “Người đời đa số chuộng danh ghét thật, chỉ muốn phô trương trong một lúc, chứ chẳng nghĩ dùng sự tận tụy [tu đức] nơi thân mình để tưởng nhớ báo đền cha mẹ”. Cha mẹ ông đã tin nhận Phật pháp, ông cũng đã biết những nghĩa “tâm sẵn đủ, tâm tạo, tâm làm, tâm là”, trong tương lai, khi cha mẹ nằm xuống, phàm những chuyện ma chay, tế lễ, đãi khách v.v… đều tuân theo cấm chế của nhà Phật, đừng dùng rượu thịt, kiêng giết, làm lành để xướng suất cho cả làng. Những vị như Ngô Trí Hinh v.v… cũng đã sớm đem đạo lý này dặn dò con cháu. Hết sức khẩn yếu!

    Bài ký nêu duyên khởi của Tịnh Nghiệp Xã tôi đã soạn xong, nay đem gởi đi. Dựng bia chẳng có lợi ích lớn lao bằng treo bảng vì chữ khắc trên bia chẳng thể phóng to được, bởi lẽ đá lớn sẽ tốn tiền. Hơn nữa, có ai chịu đứng xem? Trong trăm người, chỉ được một hai kẻ chịu đứng xem. Bảng thì dùng gỗ cứng để làm, [còn bài ký ấy thì] hoặc khắc, hoặc [chép ra giấy] dán vào bảng, treo nơi chỗ ngồi, ắt sẽ có nhiều người xem. Lúc viết cần phải dùng kiểu chữ Khải theo lối Chánh Thể. Chữ viết đừng quá nhỏ, cũng đừng để sai ngoa, thiếu sót, hay thừa thãi.

    Quang bận rộn cùng cực, đã cự tuyệt hết thảy, chuyện này là ra ngoài thông lệ. Từ nay chớ nên đem chuyện bút mực sai phái nữa! Nếu vẫn gởi thư đến, quyết chẳng trả lời. Văn từ trong bài sớ mấy dòng đầu có chỗ từ lẫn ý chẳng được thông suốt cho lắm, phần văn sau tuy trôi chảy, nhưng chỉ chú trọng câu chữ bóng bảy, chứ không nêu rõ được sự thật. Văn nhân viết văn quá nửa là lời văn sắc sảo, nhưng không đạt được ý! Nói hoa mỹ, bóng bảy đến cùng cực, chứ về mặt nêu bày sự thực lại chỉ phảng phất lờ mờ, nhưng đã kể như là thiết thực lắm rồi!

    Nay gởi cho ông một gói Tịnh Độ Ngũ Kinh, ngoài những cuốn tự giữ ra, những cuốn khác hãy dùng để kết duyên. Quang do bốn bộ Sơn Chí Ngũ Đài, Nga Mi, Cửu Hoa, Linh Nham bức bách không thể trì hoãn được nên đã cự tuyệt hết thảy để mong sớm hoàn tất chuyện này. Hãy nên sao bài ký nêu duyên khởi thành một bản để gởi cho ông Mạnh Do.



    548. Thư trả lời cư sĩ Lâm Tán Hoa (thư thứ chín)



    Chuyện học nghề thuốc cần phải hết sức thận trọng. Chưa học kỹ Trung Y sao lại học Châm Cứu? (Chữ Cứu (灸) âm đọc [gần giống như chữ] Cửu (久), nhưng người đời thường viết sai thành Chích (炙)[38]. Các sách thuốc lưu hành hiện thời cũng [viết sai] như thế, sao chẳng biết chữ này?) Tôi không biết rõ ở Tô Châu có sở huấn luyện châm cứu hay không, nhưng dẫu có đi nữa, thì đấy cũng chẳng phải là nơi người nghèo theo học được. Thái Ất Thần Châm[39] chẳng phải là bí truyền, nhưng phải hết sức cẩn thận khi án huyệt (nhận định đúng vị trí của huyệt đạo) để cứu. Đồng Nhân Đường ở Bắc Kinh có bán thuốc để châm cứu đã chế sẵn. Toa thuốc cũng công bố, ai muốn tự chế thì làm. Trong toa thuốc có chất Xạ[40] và bọ cạp nguyên con, hai vị thuốc ấy cũng chớ nên dùng.

    Nếu người niệm Phật dùng Đại Bi Chú và thánh hiệu Quán Âm để gia trì [thuốc rồi mới châm cứu] ắt sẽ càng hữu hiệu. Có điều các pháp được liệt kê thêm ở cuối sách (đã quên mất tên sách) dường như chẳng hợp thời nghi. Những sách vở khác Quang đều không biết. Trước đây, Trần Cánh Phi đã nói: “Muốn ở trong núi tu hành”, Quang đã bảo là không nên. Ông muốn Quang hạ một lời bổng hát[41] thống thiết, bèn nói “luôn luôn nghĩ đến những chuyện sai trái”. Sao không nói rõ chuyện ấy? Sao chẳng biết sự vụ đến mức như thế? Mắt Quang đã thành lòa, tinh thần giảm sút đáng kể, chẳng thể thù tiếp được, từ nay đừng gởi thư tới; gởi đến quyết không trả lời!



    549. Thư trả lời cư sĩ Lâm Tán Hoa (thư thứ mười)



    Ông làm giáo viên kiêm hoằng dương Phật pháp, hãy nên tùy phận tùy sức, sao lại cưỡng cầu nhân sĩ các giới phải tin tưởng, ngưỡng mộ? Lấy thân làm gương, đấy là căn bản. Nếu trong những hành vi, lời lẽ có gì thiếu sót sẽ chẳng thể làm cho người khác sanh lòng tin tưởng được! Cái học bên ngoài dù cao, nhưng cái hạnh thật sự không có, ông muốn thông suốt thêm cũng chỉ là uổng công. Bởi lẽ “dùng lời để dạy sẽ bị tranh cãi; dùng thân để dạy, người khác thuận theo”. Đây là chương trình “tự lợi, lợi người, tự lập, lập người” [chắc chắn như] sắt thép vậy!

    Trang nghiêm tượng Phật thì với vàng [để thếp] hãy nên lấy màu sắc để định, há nên chấp chặt hẹp hòi phải là thứ này, thứ nọ? Nhà nào (tức tiệm bán vàng) thường tốt, nhà nào thường gian dối? Nếu chính mình có thể mua thì được, chứ nếu cậy người khác chắc sẽ có chuyện tệ hại, Quang chẳng thể hỏi giùm chuyện này được! Phàm mọi chuyện đều phải tuân theo chương trình: Tượng vẽ có người đương cơ quỳ ở trước thì có thể vẽ theo cách thức [đức Phật] xoa đầu [kẻ đương cơ]. Nếu không có người đương cơ quỳ ở trước thì chớ nên lầm lạc sửa đổi cách thức sẵn có. [Tạo tượng A Di Đà Phật] xòe tay tiếp dẫn rất nên!

    Người trong liên xã dám chửi kẻ khác trước tượng Phật, tội đáng chết muôn phần! Đêm mộng thấy thần [hộ pháp] trách phạt, đăng báo [chuyện ấy] sẽ có thể cảnh tỉnh người khác; nhưng trong xã quy (quy củ của liên xã) hãy nên vạch rõ lỗi miệt thị người khác. Hễ xã quy nghiêm túc thì sẽ tự chẳng có thái độ xấu hèn ấy nữa! Hút thuốc phiện cũng thế, nếu kẻ hèn kém thiếu chí hướng [đã nắm giữ chức vụ, trót nghiện ngập nhưng] chẳng chịu sửa đổi thì hãy buộc họ từ chức. Nay gởi cho ông một gói sách, trong ấy có hai bộ Ngũ Đài Sơn Chí, mười cuốn Hám Sơn Niên Phổ Sớ, một số trang toa thuốc trị chó dại cắn.

    http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien14.htm
     
  3. ammay_ngu

    ammay_ngu Guest

    Ðề: Mọi hiện tượng đều thôi thúc tu Tịnh Nghiệp

    Cầu cơ tức là chẳng hợp với tông chỉ tu Tịnh nghiệp

    550. Thư trả lời cư sĩ Mậu Trí Tu



    Sau khi tự quy y, bèn thật thà niệm Phật, chẳng lười nhác chút nào, tôi [cảm thấy] vui mừng, an ủi đến tột bậc! Cư sĩ Châu Dung Đường đăng lính thay cho cha, lòng hiếu đáng khen ngợi. Đã biết đời người lắm sự khổ, do vậy dốc sức tu Tịnh nghiệp. Con người như thế mới là đệ tử thật sự của đức Phật. Ông ta đã bảy mươi ba tuổi, sanh cùng năm với Quang. Nay muốn quy y, chẳng cần phải đi xa; chỉ nên nương theo lời dạy trong Gia Ngôn Lục và Sức Chung Tân Lương để tự mình tu trì và dạy dỗ con cháu trong nhà để mong khi lâm chung sẽ được họ trợ niệm, chẳng đến nỗi phá hoại Tịnh nghiệp, kẻo vẫn luân hồi trong lục đạo chịu nỗi khổ sanh tử luân hồi.

    Nay đặt pháp danh cho ông ta là Đức Ấm, nghĩa là có thể nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, ắt sẽ được đức Phật rủ lòng Từ che chở, tiếp dẫn vãng sanh. Trong hằng ngày, dùng những điều ấy để tự hành, lại còn đem dạy người thì hết thảy mọi người sẽ đều được che rợp bởi lòng Từ của đức Phật. Vì thế nên gọi là Đức Ấm. Xin hãy nói với ông ta, tùy [ông ta chọn] một ngày nào đó, đối trước tượng Phật đảnh lễ, tự thệ quy y là được!



    551. Thư trả lời cư sĩ Vương Nghiễn Sanh (thư thứ nhất)



    Thư nhận được đầy đủ. Quang là một tăng nhân chỉ biết cơm cháo, há nên khen ngợi quá lố như thế? Chuyện lập đàn cầu cơ Quang một mực chẳng xiển dương, bởi những lời giáng cơ phần nhiều đều là mạo danh, chứ không phải mỗi mỗi đều do chân tiên giáng lâm, huống là Phật ư? Bài văn do Quán Âm đã nói [trong buổi cầu cơ] lần này, cũng là mạo danh! Tôi đoán bài văn ấy chắc là do họ đã sao lục bài văn cũ để đưa ra. Nếu không, sao trong văn từ lại thường có những chỗ chẳng thể hiện được ý? Những điều được nói trong ấy cũng phần nhiều là tán loạn, lan man, chẳng chỉ ra rõ ràng, rộng rãi những điều quan trọng cho lắm! Cố nhiên Quang chẳng dám tự phụ là thông minh, nhưng nếu các vị coi đó chính là lời đức Quán Âm nói, chắc sẽ bị người khác chê cười! Do vậy tôi bèn sửa chữa đôi chút, so với bản trước đây trôi chảy hơn một tí, nhưng đừng nói rõ là Quang đã sửa chữa.

    Ông Khâu vãng sanh Tịnh Độ rồi trở lại cõi này cố nhiên chẳng đáng nghi, nhưng do [các ông] chấp kinh văn mà chẳng hiểu ý kinh nên trở thành mối nghi lớn! “Một đại kiếp trong cõi Sa Bà bằng một ngày đêm nơi Cực Lạc”, câu này giảng rõ thời gian ở Cực Lạc. Còn nói “một ngày, một đêm, bảy ngày, một kiếp, mười hai đại kiếp” v.v… là đều ước theo thời gian phương này (cõi Sa Bà) để nói! Vì sao biết? Vì người lợi căn hoặc độn căn ở phương này do thành khẩn đến cùng cực liền có thể trong mấy chục ngày hoặc mấy năm sẽ đại triệt đại ngộ và đích thân chứng được tam-muội, há lẽ nào người đã vãng sanh Tây Phương, trụ trong cảnh giới thù thắng, nhiệm mầu, thường được thần thông, oai đức chẳng thể nghĩ bàn của Phật, Bồ Tát gia bị, so với người trong cõi [Sa Bà] này lại hưởng lợi ích chậm trễ gấp mấy lần sự khác biệt giữa ngày và kiếp ư? Sự này, lý này, há đợi kẻ trí [giải thích] mới biết ư? Các vị chẳng khéo hiểu ý [kinh văn], ăn nói điên đảo, nên mới phạm sai lầm như thế!

    Huống chi thời kiếp bất định, thần thông đạo lực của Phật, Bồ Tát lại chẳng thể rút ngắn thời gian cả kiếp thành một niệm ư? Hoặc chẳng thể kéo dài một niệm thành cả kiếp dài lâu ư? [Các ông] chấp chặt [ông Khâu đã vãng sanh] năm năm lẽ ra không nên trở lại cõi này là vì chấp vào kinh văn [thành ra] trái nghịch ý nghĩa của kinh. Được Quang nói lời này, mọi mối nghi tự cởi gỡ. Huống chi người vừa mới vãng sanh liền trở lại báo [cho người cõi này biết] đều là do nương vào oai thần của A Di Đà Phật, muốn nhờ vào đó để khơi mở, chỉ dạy kẻ mê tối, chứ không phải do sức của chính mình mà có thể tự tiện làm chuyện ấy được! Còn như ông Kế tức thời sanh Tây, chẳng vượt thời hạn để quay trở lại báo tin, đều thuộc về nghĩa này.

    Như [các ông chấp nệ kinh] nói:“Tu Đà Hoàn bảy lần sanh lên trời, bảy lượt sanh trong nhân gian” chính là đã lầm lẫn đem chuyện của bậc Tu Đà Hoàn cõi này để luận bậc Tu Đà Hoàn cõi Cực Lạc! Sự lầm lẫn ấy khiến cho người khác bị lầm lạc chẳng nhỏ đâu nhé! Trong cõi kia tuy có loại danh tự Tiểu Thừa ấy, nhưng thật ra họ đều đã liễu sanh tử, dự vào Bồ Tát thừa. Chẳng qua là tạm dùng các địa vị đã chứng được mà đặt tên như thế. Nếu các vị dùng ngay địa vị Tu Đà Hoàn trong cõi [Sa Bà] này để luận thì hóa ra trong Tây Phương Cực Lạc thế giới vẫn chưa liễu sanh tử, vẫn luân hồi y như cũ ư? Sao chẳng thấu hiểu thật lý, thật sự nơi hai cõi, cứ lầm lạc sanh khởi những thứ nghị luận sai quấy này? Chẳng sợ trái kinh lầm người đến mức như thế đấy!

    Hiện thời ai nấy đều nên nghiêm túc tu Tịnh nghiệp thì mới đạt được lợi ích thật sự. Nếu học Thiền ngoài miệng thì tuy là nhân lành, nhưng nhất định sẽ chuốc lấy quả ác! Thế đạo hiện thời bại hoại đến cùng cực. Nếu muốn vãn hồi, cần phải đề xướng nhân quả, báo ứng, lại phải chú trọng dạy dỗ con gái! Bởi lẽ, nếu không dạy dỗ con gái thì chẳng những nó không thể giúp chồng dạy con thành tựu đức hạnh, mà trái lại còn giúp chồng dạy con làm ác. Đấy chính là cội rễ khiến cho nước ta tan hoang, loạn lạc vậy! Bỏ hai pháp này mà muốn thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui, dẫu Phật, Bồ Tát, thánh hiền cùng xuất hiện trong cõi đời đều không thể đạt được lợi ích thật sự! Huống chi con người hiện thời sẵn có chủ kiến cuồng ngạo, trái nghịch ư?

    Các vị đã cầu cơ tức là chẳng hợp với tông chỉ tu Tịnh nghiệp. Nhưng các vị còn hiểu rõ lý, so với những kẻ sùng phụng cầu cơ khác còn cao hơn một bực. Do vậy, tôi gởi sách cho các vị. Nếu chịu đọc kỹ, chắc sẽ biết đầy đủ nguyên do. Quang bận bịu đến cùng cực, từ nay chớ nên thường gởi thư tới hỏi dông dài như thế nữa! Chỉ nên đọc kỹ các sách như Văn Sao v.v… thì không mối nghi nào chẳng cởi gỡ! Những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao, không viết chi tiết ở đây!

    http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien14.htm
     

Chia sẻ trang này