Một đời trai giới, gieo trồng các căn lành...

Thảo luận trong 'CẢI MỆNH NHIỆM MẦU: Tu là sửa chính Mình - Không yêu cầu người khác sửa đổi theo mình' bắt đầu bởi ammay_ngu, 6 Tháng ba 2010.

  1. ammay_ngu

    ammay_ngu Guest

    Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Phật: Có người trai lành gái tín một đời trai giới, gieo trồng các căn lành, đến già sa ngã bỏ ăn chay phạm giới cấm, sau bị quả báo chi?

    Thế Tôn nói: Những chúng sanh như vậy tuy có căn lành mà không có nguyện lực lớn, không có chánh tri kiến, xa lìa thầy bạn, quên hết các công lao khi trước tu hành, trở lại bị lục tặc lôi kéo, cướp đoạt công đức của mình, tâm sanh điên đão không thành Phật đạo.

    Trong đó hoặc có người phạm về việc ăn thịt thời phải đọa lạc về thần đạo, như bực trên thì làm quỷ vương, bực giữa thì làm dạ xoa, bực dưới thì làm la sát, chịu hưởng của người cúng tế. Đến chừng phước khí tiêu hết, theo nghiệp luân hồi trả quả, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng.

    Trong đó hoặc có người phạm dâm dục thời làm ma đạo, bực trên thời làm ma vương, bực giữa thời làm ma dân, bực dưới thời làm ma nữ. Đến chừng phước khí tiêu hết, theo nghiệp luân hồi trả quả, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng.

    Trong đó hoặc có người phạm tội uống rượu, thời đọa lạc về quỷ đạo, bực trên làm hữu tài quỷ, bực giữa thời làm phong nguyệt quỷ, bực dưới thời làm tiêu tán quỷ. Đến chừng phước khí tiêu hết, theo nghiệp luân hồi trả quả, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng.

    Hoặc phạm tội trộm cắp, phải đọa lạc tà đạo, bực trên thời làm tinh linh, bực giữa thời làm yêu quái, bực dưới thì làm người ta. Phước khí tiêu hết, theo nghiệp luân hồi trả quả, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng.

    Hoặc phạm tội vọng ngữ, chưa đặng nói là đặng, chưa chứng nói là chứng, cái lòng tự cao nên phải đọa làm loài yêu, bực trên thời làm ly mị, bực giữa thời làm vọng lượng, bực dưới thời dựa gá cỏ cây. Phước khí tiêu hết, theo nghiệp luân hồi trả quả, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng.

    Lại có người hay oán giận, tuy có phước đức cũng đọa Tu la ác đạo, bực trên là A tu la vương, bực giữa là A tu la chúng, bực dưới là A tu la nữ, thường ham tranh đấu, chịu những lao khổ mãi mãi. Phước khí tiêu hết, theo nghiệp luân hồi trả quả, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng.

    Nếu tu hành còn uống rượu mà muốn thành đạo, thì cũng như người uống thuốc độc mà muốn được an vui, không có thể được. Cớ sao vậy?

    Nếu tu hành mà còn ăn thịt, muốn được thành đạo, cũng như nhận kẻ oán thù cho là con mình, muốn được thân yêu không có thể được.

    Nếu tu hành phạm tội trộm cắp, muốn đặng thành đạo, cũng như lấy cái lu thủng đựng nước, muốn nước đầy mãi không có thể được.

    Nếu tu hành còn phạm dâm dục, muốn cầu thành đạo thì như nấu cát đá muốn cho thành cơm, không có thể được.

    Nếu tu hành chẳng dứt bỏ nói dối, lấy cái dối làm thiệt, muốn cho thành đạo cũng như người thường dân xưng là vị quốc vương, muốn cầu giàu sang không có thể được.

    Nếu tu hành mà tâm thường hay giận hờn, tánh thường hay tranh hơn thua, thiếu lòng từ bi bình đẳng mà muốn thành đạo, cũng như mình đi chiếc ghe lủng, muốn qua biển lớn thì phải bị chìm, tại nơi người muốn nên phải bị đọa, chẳng phải đức Phật chẳng cứu.

    Nếu như muốn đoạt kết quả tốt đẹp của đạo Bồ đề thì phải giữ gìn trai giới của đức Như lai cho được thanh tịnh, thà là bỏ thân mạng, nhứt định không hủy phạm; đức Phật nhìn nhận người này chắc được thành Phật.

    http://thegioitamlinh.ace.st/forum-f3/topic-t491.htm
     
  2. ammay_ngu

    ammay_ngu Guest

    Ðề: Một đời trai giới, gieo trồng các căn lành...

    Gấp muốn được nhất tâm bất loạn, tâm ấy chính là cái gốc cho ma dựa

    512. Thư trả lời cư sĩ Ôn Quang Hy (thư thứ bảy)



    Tánh tình ông đúng là hệt như trẻ nít. Lần trước tôi đã gởi cho ông một bức thư dài vì sợ ông ham danh sẽ gia nhập quân đội hay tham dự chánh trường. [Trong lá thư ấy] đã cực lực bày tỏ lẽ lợi - hại, sao không lấy những lời bàn luận ấy để định hướng cho tương lai? Ông lại hận vì [do tôi] bế quan nên chẳng thể chỉ dạy trọn khắp, lại than “mờ mịt không chỗ nương theo!” Nếu ông nghe lời tôi, sao lại “mờ mịt không chỗ nương theo” cho được? Ông không nghe lời tôi thì sẽ mờ mịt không chỗ nương theo cho đến tận sau khi đã nhắm mắt. Gia cảnh ông may mắn không thiếu hụt, lẽ ra hãy nên trong lúc này càng thêm gắng sức tu trì nhằm mong khỏi bị mắc họa, lại cứ muốn đâm đầu vào hang họa để được cái hư danh chẳng đáng một tiếng than ư? Chẳng tính tới cái họa cùng cực là “đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn đọa trong ác đạo”; bệnh cuồng của ông có thể nói là cực cuồng!

    Gia Ngôn Lục, Văn Sao chẳng phải là khai thị ư? Những sách trước kia và những cuốn sách rút gọn v.v… chẳng phải là khai thị ư? Nếu như ý ông, dẫu có bao nhiêu sách vở đến nỗi phải dùng lừa, lạc đà để chở tới chắc cũng chẳng vừa ý ông. Ông thật đúng là kẻ đáng thương! Xin hãy nhất tâm trì chú Đại Bi và danh hiệu Quán Âm để khỏi mắc phải các họa hoạn. Gần đây, ở đất Tô có mấy vị thiện nhân dạy người khác niệm Ma Lợi Chi Thiên Chú để bảo vệ chính mình lẫn gia đình, cầu thái bình. Họ đã in mười vạn tờ, tặng cho mỗi gia đình ở nơi đây một tờ, tặng cho mỗi cơ quan từ thiện các nơi khác mỗi nơi chừng đó tờ, mong [những nơi ấy] sẽ phân phát giùm, lại còn in thêm nữa. Lời Bạt [trong tờ chú ấy] do Quang sửa chữa giùm cho họ. Họ muốn Quang ký tên cho người khác trông thấy sẽ tin tưởng; vì thế, tôi thuận theo ý họ mà ký vào. Họ lại mời hai mươi người lành nhưng nghèo khổ thiếu cơm ăn đến hội từ thiện của họ để niệm chú ấy trong một trăm ngày, mỗi ngày cung cấp thức ăn và trả tiền tụng chú để họ có cái nuôi nấng gia đình. [Việc này] đáng gọi là một hành động trọn đủ nhiều điều tốt đẹp. Đang trong cơn đại kiếp mênh mông này, chẳng phát tâm lợi người lợi vật một phen thì khi ngọc lẫn đá đều cháy, há chẳng đành than xuông khi xưa đã lỡ làng ư? Nay gởi cho ông ba tờ, xin hãy niệm kèm thêm, ắt sẽ có cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn.

    Trong thư, ông thường than bận rộn, bận rộn vì lẽ gì vậy? Thật sự là bận rộn bởi những chuyện vô vị! Từ xa mấy ngàn dặm đến đây gặp Quang chỉ vì nghe danh, để rồi gặp xong một bữa bèn chẳng chịu ở lại nữa. Những điều cực chánh yếu trong suốt một đời Quang và đời ông, Quang đã đều chỉ hết cho ông rồi. Ngoài những điều ông xin hỏi ra, [tôi còn giải đáp thêm bằng] một bức thư dài, nhưng ông vẫn như chưa hề thấy một chữ nào mà cũng chẳng buồn nhắc tới. Lại cứ thường than thở thiếu duyên, đúng là nực cười đến cùng cực! Nếu có thể chết sạch lòng [mong ngóng, khiêm hư] sát đất, y theo lời tôi thì từ đây sẽ được vui sướng vô cùng. Nếu không, sẽ giống như gã câm nuốt phải Hoàng Liên[5], chịu đắng nhưng chẳng thể nói được! Xin hãy sáng suốt suy xét, đây là lời dặn dò cuối cùng của Quang!



    513. Thư trả lời cư sĩ Ôn Quang Hy (thư thứ tám)



    Ông vọng tưởng tơi bời mà vẫn gấp muốn được nhất tâm bất loạn, tâm ấy chính là cái gốc cho ma dựa. Vì thế, Quang nói: “Pháp môn Tịnh Độ trọng tại tín - nguyện”. Nếu tín - nguyện chân thật, thiết tha, dẫu chưa đắc nhất tâm vẫn có thể vãng sanh. Nếu không có tín - nguyện, dẫu đắc nhất tâm, vẫn chẳng thể cậy vào tự lực để liễu sanh thoát tử! Vì thế, chẳng khuyên ông miệt mài cầu nhất tâm. Do ông vọng tưởng tơi bời, hễ cầu nhất tâm, nhất định sẽ bị ma dựa! Ông chẳng xét hiểu ý Quang, bèn nghĩ là “mặc kệ, miễn sao thuận tiện thì thôi”. Những kẻ tùy tiện chuyện trước mắt chắc chắn chẳng phải là người tín - nguyện chân thiết! Nếu tín - nguyện chân thiết, quyết chẳng đến nỗi hờ hững tùy tiện để rồi đều chẳng được vãng sanh. Lý vốn chẳng chướng, do ông coi vô lý là hợp lý nên tự sanh chướng ngại thì còn oán trách ai?

    Quán Âm Đại Sĩ chính là quá khứ cổ Phật. Nhà khảo chứng tầm mắt nhỏ tí như hạt đậu nhưng cứ nói bừa đạo lý! Há ông chẳng từng đọc phẩm Phổ Môn trong quyển bảy kinh Pháp Hoa, chương Quán Âm Viên Thông trong quyển sáu kinh Lăng Nghiêm? Đọc hai kinh ấy sẽ bật cười trước những lời lẽ của bọn khảo chứng. Sách [Quán Thế Âm Bồ Tát] Bổn Tích [Cảm Ứng] Tụng không gì chẳng nói rõ. Chỉ vì ông tâm khí thô phù, trọn chưa hề hiểu rõ ngữ khí, ý nghĩa của đoạn văn trước lẫn đoạn văn sau, nên mới mờ mịt, không biết theo hướng nào! Ba cô con gái của vua Diệu Trang[6] là ngoa truyền. Cao Vương Kinh là ngụy kinh. Tụng kinh ấy thì vẫn có công đức chẳng ít, do [trong ấy] có thật nhiều danh hiệu Phật. Kinh này đã lưu truyền từ thời Lục Triều[7]. Người thật sự thông hiểu Phật pháp chẳng đề xướng, nhưng muốn cho tục nhân gieo thiện căn nên cũng chẳng ra sức ngăn trở.

    Ông thật đáng gọi là kẻ cuồng bậc nhất! Tâm vinh hoa trong cõi đời như sóng biển vỗ đập ào ào mà muốn ngay lập tức gió yên sóng lặng, lắng trong, bất động. Tâm gấp muốn cầu được bất động chính là cái gốc của mọi sự đua nhau dấy động đấy! Lại như nồi đã sôi trào, cứ tận lực tăng thêm lửa mà mong cho nó chẳng trào sùng sục, há có được chăng? Quang nói với ông toàn là những chuyện “lặng gió, rút bớt củi”, nhưng ông chẳng xét kỹ, vẫn cho là khuấy sóng, sôi trào thêm, há chẳng đáng buồn quá đỗi ư? Ông hãy đọc kỹ Văn Sao, Gia Ngôn Lục, ắt sẽ chẳng đến nỗi tự phụ bạc ông. Nếu không, đừng coi tôi là thầy, hãy bái vị cao minh [nào khác làm thầy], Quang cũng chẳng hỏi đến ông nữa!

    http://www.niemphat.net/Luan/aqvstambien/aqvstambien14.htm
     

Chia sẻ trang này