Nhọc nhằn nghề bốc mộ

Thảo luận trong 'Phát ngôn - Tiên tri - Dự báo - Cảm ứng' bắt đầu bởi Tử Vi, 26 Tháng năm 2007.

  1. Tử Vi

    Tử Vi New Member

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    427
    Điểm thành tích:
    0
    Nhọc nhằn nghề bốc mộ thuêĐêm tháng Năm trời mưa rả rích, từng cơn gió thổi hun hút trên đồi, tiếng khóc văng vẳng bên tai, mùi hương ngai ngái tỏa nghi ngút bên miệng huyệt càng làm cho cảnh tượng thêm u tịch.
    Dưới ánh sáng le lói của những ngọn đèn pin, ông Long cùng hai người bạn đang cố gắng tìm nốt trong đám đất những mẩu hài cốt cuối cùng để sang một chiếc thau.

    Tiếp đó, bằng động tác nhẹ nhàng nhưng cũng rất thận trọng, ông lần lượt xếp những mẩu hài cốt theo đúng thứ tự vào chiếc tiểu nhỏ và cắm một bó hương to giữa lòng đáy huyệt, từ dưới đáy, một làn khói trắng đậm đặc bay thẳng lên trời. Vậy là mọi công việc đã hoàn tất.

    Ông Long là một trong số những người làm nghề bốc mộ thuê tại nghĩa trang Đà Lạt cũ (người dân vẫn gọi là khu Mả Thánh).

    Đây là một trong những nghĩa trang lớn và lâu đời nhất của TP. Đà Lạt, nằm trên một quả đồi rộng 34 ha.

    Từ năm 1990, theo quy hoạch của tỉnh Lâm Đồng, khu vực nghĩa trang này sẽ bị giải tỏa để xây dựng trung tâm thể thao văn hóa tỉnh.

    Theo chủ trương trên, người chết không còn được chôn tại nghĩa trang này và những ngôi mộ tại đây phải di dời tới các địa điểm khác.

    Do đó thời gian gần đây, nhu cầu di dời mộ tại nghĩa trang ngày càng lớn.

    Tiếp tôi trong căn nhà nhỏ ngay cạnh nghĩa trang, ông Long vừa cho xem những “dụng cụ hành nghề” vừa kể về công việc, nhiều người mới nghe đã sởn gai ốc.

    Ngày trước, người chú của ông làm nghề bốc mộ thuê và ông đã theo làm công việc này từ hồi trai trẻ.

    Bây giờ ông chú đã mất và ông vẫn tiếp tục công việc “gia truyền” này. Tại nghĩa trang, những người trong đội di dời mộ như ông Long, anh Hòa, anh Tuấn... có thể làm mọi việc theo yêu cầu của gia chủ từ tìm mộ, bốc mộ, xây mộ mới đến việc cung cấp một số vật dụng liên quan như tiểu, hương, hoa, hàng mã...

    Phần lớn việc bốc mộ diễn ra vào lúc nửa đêm, tuy nhiên tốp thợ thường phải thức trọn đêm cùng gia chủ làm công việc chuẩn bị như cúng bái và chuyển hài cốt sang mộ mới.

    Trung bình để bốc xong một ngôi mộ, mỗi tốp thợ phải làm việc quần quật suốt hơn một tiếng đồng hồ.

    Trước khi đào, họ phải xác định vị trí huyệt thật chính xác, nhiều ngôi mộ do chôn thời gian lâu, quá trình tu sửa bị sai lệch vị trí so với ban đầu, nếu không biết cách sẽ phải đào rất vất vả, có khi đào nhầm sang mộ bên cạnh.

    Trung bình với một ngôi mộ cần phải đào bóc khoảng hai khối đất đá.

    Tuy nhiên cũng có những ngôi mộ được xây rất to và kiên cố, khối lượng đất đá phải đào có thể lớn gấp 2 - 3 lần.

    Ngán nhất là gặp những ngôi mộ chưa tiêu hết, vẫn còn da thịt. Nhiều mộ lính chế độ cũ được khâm liệm bằng loại quan tài kẽm, bên trong lại có quan tài gỗ và thi hài được bọc nilông nên dù trải qua hàng chục năm nhưng tất cả vẫn còn nguyên vẹn, lúc đó họ phải dùng tay róc thịt, rửa xương.

    Có khi đang bốc gặp trời mưa, lòng huyệt ngập đầy nước, xương cốt hòa lẫn với bùn nước nhão nhoét, lõng bõng, người rét run cầm cập vẫn phải nhảy xuống huyệt vừa tát nước vừa lọc bùn tìm xương, cực không kể xiết.

    Khi được hỏi có cách nào nhặt hết hài cốt trong đám đất đá và biết chắc chắn không còn hài cốt nữa?

    Ông cho biết: lớp đất lấp xuống huyệt bao giờ cũng khác so với lớp đất xung quanh.

    Dù có trải qua hàng chục năm nhưng không bao giờ bị kết cứng và rất tơi xốp.

    Mặt khác, khi bốc cần phải ước lượng chính xác khuôn khổ quan tài để quá trình “đãi cốt” được thuận tiện.

    Anh Hòa cũng cho biết có một cách mà dân gian thường sử dụng để kiểm tra đó là: sau khi “đãi cốt” xong, người ta thường cắm một bó hương to giữa lòng đáy huyệt, nếu làn khói quyện lại, bay thẳng lên có nghĩa đã hết cốt, nếu làn khói tỏa xuống, lởn vởn trong lòng huyệt có nghĩa là xương cốt của người chết chưa hết, cần phải kiểm tra lại.

    Điều này chưa có căn cứ khoa học nên không biết có chính xác hay không?

    Mặc dù công việc khá vất vả nhưng mỗi tốp thợ chỉ được trả công từ 300.000 - 500.000 đồng cho một ngôi mộ.

    Cũng có khi gặp được gia đình tốt, thấy họ làm việc chu đáo, tận tâm có thể bồi dưỡng thêm nhưng cũng có người hoàn cảnh khó khăn, ông còn cho cả tiểu để đựng hài cốt.

    Những ngày được coi là ngày tốt, mỗi tốp có thể bốc được 2- 3 ngôi mộ nhưng cũng có khi cả tuần không bốc được cái nào, nhất là những tháng mùa mưa.

    Công việc chân tay nặng nhọc và thường xuyên tiếp xúc môi trường độc hại là mối đe dọa trực tiếp đối với sức khỏe con người.

    Có lẽ vì thế số người làm công việc này tại nghĩa trang ngày một ít. Ông Long nói: có vài cậu thanh niên tưởng công việc này ngon ăn đến xin tui cho theo nhưng chỉ qua một đêm thức trắng đã mệt bã người, có người mới mở nắp quan tài ra đã bủn rủn chân tay, mặt mày xám ngoét, thế là bỏ cuộc.

    Cho đến bây giờ ông Long không thể nhớ hết mình đã bốc được bao nhiêu ngôi mộ nhưng chắc chắn con số phải lên tới hàng ngàn.

    Tuy nhiên, cũng như những người bạn của mình, công việc đó chưa bao giờ khiến cho ông có thể khá lên, hiện nay nguồn thu nhập chính của gia đình vẫn nhờ vào mấy sào càphê và những cuốc xe ôm ban ngày của ông.

    Câu chuyện giữa chúng tôi sắp kết thúc cũng là lúc ông có khách. Dù trời mưa nhưng đêm nay ông Long và những người bạn của mình vẫn phải tiến hành theo yêu cầu của gia chủ.

    Nếu vì tiền có lẽ tôi đã bỏ cuộc từ lâu. Làm công việc này trước hết là vì cái tâm, vì ước nguyện của những gia đình tìm đến mình, vì thế mà tôi gắn bó với nó như một định mệnh.

    Mặc dù chính quyền đã có quyết định giải tỏa hơn 10 năm nay, nhưng tại khu vực nghĩa trang này vẫn còn 2/3 số mộ vẫn chưa được di dời.

    Và như thế những người bốc mộ thuê tại nghĩa trang Đà Lạt như ông Long, anh Hòa, anh Tuấn... vẫn sẽ tiếp tục công việc của mình, một cái nghề thật ít người dám làm, thậm chí cảm thấy ghê sợ khi nói đến nhưng lại mang một ý nghĩa hết sức tốt đẹp và cần thiết.


    Theo CA TP.HCM
    ( Thời báo Việt)
     

Chia sẻ trang này