Những điều ít biết về hoạn quan Trung Hoa

Thảo luận trong 'Phát ngôn - Tiên tri - Dự báo - Cảm ứng' bắt đầu bởi Phong -Thuỷ, 9 Tháng mười 2007.

  1. Dáng đi ưỡn ẹo, giọng nói the thé, khuôn mặt nhẵn nhụi, tính cách thất thường, họ không mang dấu ấn của giới tính và tuổi tác. Họ được coi là “sản phẩm” kỳ dị của phong kiến Trung Hoa, dùng để “trấn an” những cái đầu hay ghen.
    Hoạn quan là những người đàn ông không có khả năng tình dục do bẩm sinh hay đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ bộ phận sinh dục. G.Stant, nhà bác học Anh nổi tiếng chuyên nghiên cứu về cuộc sống của các hoạn quan Trung Hoa vào những năm 1870-1880, viết: “Hoạn quan thường đi uốn éo hoặc chạy lon ton với những bước ngắn. Nhờ dáng đi, người ta có thể nhận ra họ ngay từ xa. Nói chung, họ không mang dấu ấn của giới tính và tuổi tác. Tất cả bọn họ, sau khi bị hoạn, giọng nói đều thay đổi như giọng đàn bà, đặc biệt the thé là những người bị hoạn từ nhỏ. Tất nhiên hoạn quan không có râu...”.
    Căn cứ vào ký hiệu, hình vẽ trên các hiện vật cổ đã khai quật được, giới sử học Trung Hoa phỏng đoán rằng từ thời tiền sử đã có hiện tượng thiến hoạn đàn ông. Vì người ta thấy gia súc bị thiến bao giờ cũng dễ nuôi và khỏe mạnh hơn nên đã quyết định đem thiến nô lệ, tù binh đàn ông để dùng họ vào các công việc trong nhà, cung điện, dinh thất... và thường là để canh gác số thê thiếp đông đảo của chủ nhân.
    Sau này không còn tù binh, các ông hoàng bà chúa phong kiến đành phải dùng dân thường bị thiến. Sử sách Trung Hoa cuối đời Minh (1368-1644) chép rằng, trong cung lúc đó chứa gần 9.000 cung nữ nhưng có tới hơn 100.000 hoạn quan. Cho đến năm 1922, sau cách mạng Tân Hợi, khi Phổ Nghi còn giữ ngôi, số hoạn quan vẫn còn 1.137 người.
    Nhờ “không giới tính” mà họ được vào làm việc trong cung cấm, được vua đặc biệt tin cậy, giao nhiệm vụ chăm sóc các bà vợ của mình. Nhiều người trong số họ còn được giữ địa vị cao ở cả hàng quan văn lẫn quan võ.
    Giáo sư G.Stant cho rằng, có 2 nguyên nhân khiến một người trở thành hoạn quan. Một là cha mẹ ép buộc, mong nhận được tiền bán con vào cung hoặc muốn thu xếp cho chúng một cuộc sống no đủ trong cung. Hai là sự nghèo đói và lười biếng khiến nhiều người nảy sinh ý nghĩ: Nếu trở thành hoạn quan thì sẽ có chức tước bổng lộc, không phải lao động vất vả mà vẫn sống no đủ tới già.
    Từ thời nhà Đường, các tỉnh miền Nam Trung Hoa như Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây đã trở thành những trung tâm chính cung cấp người bị thiến hoạn cho triều đình. Các tỉnh này nằm trong một quy chế gần như là thuộc địa nên nghề buôn nô lệ rất phát đạt. Tìm đến đây có cả những lái buôn từ các nước Ả Rập – nơi nhu cầu về hoạn quan cũng chẳng kém gì Trung Quốc. Kết quả ở đây xuất hiện cả một “vương quốc” của những kẻ bị thiến hoạn.
    Cái giá để được làm quan
    Trong cuốn sách của mình, G.Stant miêu tả công việc thiến hoạn ở Trung Hoa cuối đời Mãn Thanh như sau: “Căn nhà, nơi người ta thiến hoạn cho những người đàn ông và những cậu bé, nằm ngay sau cổng nội điện Tây Hòa, trong khu vực Cấm Thành. Mỗi cuộc phẫu thuật loại này giá 6 nén bạc".
    "Khách hàng nằm trên chiếc ghế băng, chân và bụng được trói chặt vào ghế. Trước khi phẫu thuật, anh ta được cho uống một thứ thuốc tê chế từ các loại cây cỏ. Bộ phận sinh dục thì được chà xát bằng nước ngâm ớt. Thày lang dùng tay trái nắm lấy của quý của anh ta, xoắn ngược và hỏi đương sự (hoặc cha mẹ đương sự nếu người được thiến còn quá nhỏ) lần cuối cùng. Nhận được câu trả lời chắc chắn đồng ý, thày lang chỉ bằng một nhát dao cắt phăng “của quý” của đương sự. Vậy là xong".
    "Mọi chuyện còn lại đều trông chờ vào... ông trời. Nếu 3 ngày sau khi cắt, các chức năng của cơ thể không bị phá vỡ thì coi như cuộc phẫu thuật đã thành công. Nếu không may, người vừa bị thiến có thể chết vì nhiễm trùng. Còn muốn hoàn toàn bình phục thì phải đợi đến 4 tháng sau. Đó cũng là khi anh ta có thể được tuyển vào trong cung”.
    Một cái giá phải trả trong suốt cả cuộc đời hoạn quan là do bị thiến quá “triệt để và chu đáo”, ống tiểu tiện thường bị cắt gần sát với bàng quang nên nước tiểu rỉ ra liên tục. Vì thế, người ta thường nói khai thối như hoạn quan. Do cái mùi đặc trưng này mà có thể phát hiện ra hoạn quan từ cách xa 300 m. Để khắc phục hậu quả, hoạn quan thường phải dùng bông gòn để “chống thấm”.
    Thêm nữa, các hoạn quan không thể một sớm một chiều thích nghi với việc tiểu tiện trong tư thế ngồi nên phải tự trang bị thêm cho mình một... cái ống bạc. Mỗi khi muốn tiểu tiện, họ rút ống bạc rỗng ruột giấu trong người ra, đem đút vào lỗ hổng nơi đường tiết niệu.
    Đối với hoạn quan thì bộ phận đã bị cắt rời là một vật cực kỳ quan trọng. Nó được xử lý bằng những kỹ thuật riêng sau khi cuộc phẫu thuật kết thúc, thường là tẩm vôi bột để hút hết máu mủ còn trong đó cho khỏi thối và cho khô ráo. Sau đó, họ dùng vải hay giấy bản lau sạch rồi đem đặt vào trong một chiếc bình có hương liệu và niêm phong lại.
    Hoạn quan phải cất giữ nó rất cẩn thận, vì trên đường công danh, mỗi khi được thăng quan tiến chức, họ phải trình chiếc bình đó cho một ban kiểm tra cấp cao của triều đình. Cũng có khi vì một lý do nào đó, hoạn quan phải mua hoặc thuê “bảo vật” của người khác để trưng lên trong các dịp này. Tuy nhiên, dịch vụ này tốn khá nhiều tiền và nếu lộ ra thì có thể bị chém đầu.
    Có một nguyên nhân nữa khiến bộ phận bị cắt rời thật sự trở thành “của quý” của người bị thiến. Đó là khi họ chết, nó sẽ được đặt vào trong quan tài, bên cạnh chủ nhân. Họ tin rằng, Diêm vương sẽ biến những kẻ xuất hiện trước mặt ngài mà thiếu “của quý” thành... con lừa.
    ( Tre Today)
     

Chia sẻ trang này