Quan sát nét mặt

Thảo luận trong 'Kiến thức Nhân Tướng Học-Âm Dương, Ngũ Hành' bắt đầu bởi cabachlong, 31 Tháng ba 2007.

  1. cabachlong

    cabachlong New Member

    Tham gia ngày:
    20 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    1,152
    Điểm thành tích:
    0
    Nét mặt - kẻ tố cáo đáng sợ nhất
    05:22' AM - Thứ ba, 02/05/2006

    Vẻ mặt sợ sệt, giận dữ hay vui tươi gượng ép còn tố cáo bạn mạnh hơn là chiếc máy dò nói dối. Trong 10 người chỉ có chừng 1 người là có thể điều khiển theo ý muốn các cơ quanh hốc mắt để tạo được hiệu quả chính xác như vậy.

    Bạn có thể nhếch khóe môi lên thành một nụ cười tươm tất - như khi người ta cười để chụp ảnh- và bạn cũng có thể căng mí mắt đôi chút để tăng thêm phần hiệu quả. Nhưng nếu bạn không thật khoái trá, phấn khích, biết ơn, cảm thấy nhẹ nhõm vì thoát nạn, hay đơn giản chỉ là thấy vui trong lòng, có thể bạn không tài nào kéo đôi má lên và đôi chân mày xuống để tạo thành một nụ cười đích thực là cười.

    Paul Ekman đã bỏ ra hơn 40 năm quan sát hàng nghìn người thử làm điều đó. Là giáo sư môn tâm lý học tại Đại học California ở San Francisco (Mỹ), Ekman là chuyên gia nổi tiếng thế giới về nét mặt, hay nói chính xác hơn, các cách biểu lộ của nét mặt. Ông cũng có biệt tài làm giả các nét mặt này giống như thật.

    Trong quá trình lập danh mục hơn 10.000 nét mặt của con người, ông đã tự học cách làm co giãn từng cơ trong số 43 cơ trên mặt mình. Thậm chí ông có thể còn vẫy từng bên tai một. Khi cuộc chiến chống khủng bố leo thang, ông và cộng sự đã dạy hàng trăm cảnh sát, thẩm phán, nhân viên an ninh sân bay, nhân viên FBI và CIA cách đánh giá các nghi can và đọc được các đầu mối từ nét mặt của những người này. Hiện nay ông là cố vấn của Bộ Quốc phòng Mỹ, nơi đang triển khai một kỹ thuật điện toán có thể rà soát và phân tích các chuyển động của khuôn mặt trên băng video.

    Charles Darwin tin rằng các nét mặt không khác nhau dù ở các nền văn hóa dị biệt, nhưng vào những năm 1950, hầu hết các nhà khoa học xã hội đều tin điều ngược lại. Để xem thử ai đúng ai sai, Ekman đã đến các cao nguyên thuộc Papua New Guinea vào năm 1967 và đến thăm dân tộc Fore, những người chưa hề biết đến điện ảnh, truyền hình, báo chí và người lạ mặt thuộc thế giới bên ngoài. Khi Ekman đưa cho người dân tộc Fore các bức ảnh chụp những nét mặt khác nhau, họ đều phân biệt chính xác giống như người phương Tây.

    Sự phức tạp của nét mặt

    Những nghiên cứu tương tự do các nhà khoa học khác tiến hành đã cho thấy các nét mặt trên khắp thế giới đều ít nhiều có thể chia thành 7 loại sau đây:

    Buồn: Hai mí mắt sụp xuống còn hai khóe trong của chân mày nhướng lên và nếu là cực kỳ buồn, chân mày sẽ châu lại với nhau. Các khóe môi sệ xuống, môi dưới có thể đẩy lên thành một cái bĩu môi.

    Kinh ngạc: Hai mí mắt trên và chân mày nhướng lên, cằm sệ xuống.

    Giận: Cả hai mí mắt dưới và trên đều đanh lại còn đôi chân mày hạ thấp và châu lại với nhau. Cơn giận ác liệt còn khiến hai mí mắt trên nhướng lên. Cằm nhô ra trước, đôi môi mím chặt, môi dưới có thể đẩy lên đôi chút.

    Khinh: Đây là nét mặt duy nhất chỉ xuất hiện ở một bên mặt; một nửa môi trên đanh lại và nhếch lên.

    Gớm (tởm): Mũi nheo lại, môi trên nhếch lên trong khi môi dưới trề ra.

    Sợ: Hai mắt mở to, hai mí trên nhướng lên như khi kinh ngạc, nhưng hai chân mày châu lại với nhau. Đôi môi nong ra theo chiều ngang.

    Vui: Các khóe miệng nhấc lên thành một nụ cười trong khi các mí mắt đanh lại, đôi má nhô lên và các khóe ngoài của chân mày kéo xuống.

    Khuôn mặt còn có thể biểu hiện nhiều hơn 7 nội dung tình cảm nêu trên hay không còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Có thể có những nét mặt đặc biệt diễn tả sự hài lòng, sự phấn khích, niềm tự hào, sự nhẹ nhõm, cảm giác phạm tội và sự xấu hổ nhưng chưa được xác nhận.

    Những yếu tố cá nhân của từng nét mặt có thể diễn ra trong nhiều cường độ khác nhau hoặc cũng có thể thiếu tất cả. Chẳng hạn, một vẻ kinh ngạc vừa phải có thể diễn tả chỉ bằng đôi mắt, nếu miệng không động đậy. Tình cảm thường dẫn đến một nét biểu hiện, nhưng các cuộc nghiên cứu cho thấy quy trình đó cũng có thể làm ngược lại: Nếu bạn bắt mặt phải lộ ra vẻ buồn hay giận, thì những cơ phận còn lại trên thân thể bạn cũng phản ứng và bạn có thể miễn cưỡng bắt đầu cảm nhận được các tình cảm đó. Một vẻ giận dữ sẽ khiến tim bạn đập nhanh và các mạch máu của bạn giãn ra cho đến khi da của bạn đỏ lên; một thoáng sợ hãi có thể khiến tay bạn lạnh ngắt và da rịn mồ hôi, tóc dựng đứng; một vẻ tởm lợm có thể khiến bạn nôn mửa.

    Những phản ứng từ bên trong cơ thể có thể kéo dài 1 phút hoặc lâu hơn, trong khi các nét mặt này kéo dài không quá 2 hoặc 3 giây. Khi con người cố che giấu tình cảm, nét mặt của họ có thể chỉ loé lên trong 1/15 hoặc 1/20 giây mà thôi - chỉ vừa đủ cho người khác kịp nhìn thấy. Sau đó người ta có thể quét sạch các "vi nét mặt" này. Nhưng quét sạch tất cả những dấu vết tình cảm ra khỏi giọng nói thì khó khăn hơn nhiều.

    Phát hiện nói dối qua nét mặt

    Các lớp học kéo dài một tuần lễ của Ekman dạy cho các viên chức chấp pháp và bảo vệ trật tự trị an biết phân tích các nét mặt, giải đoán giọng nói, cử chỉ và đặt câu hỏi tạo quan hệ với các nghi can. Ông chỉ cho các học viên cách nhận biết các tình cảm cơ bản và khám phá ra những nét thiếu cân đối. Một nụ cười méo xệch hay một con mắt khép hờ thường là dấu hiệu của sự nói dối cố ý. Các kỹ thuật đó thường công hiệu nhất khi một nghi can nói dối lần đầu: "Anh càng nói dối, anh càng đi đến chỗ tin đó là thật", Ekman lưu ý. Đó là lý do vì sao việc phát hiện một tên nói dối ngay lần tiếp xúc ban đầu lại là điều hết sức quan trọng đối với cảnh sát, vì đến lúc nội vụ được đưa ra tòa thì lời nói dối đã được tập luyện kỹ.

    Việc nhận ra một kẻ nói dối luôn dễ dàng hơn là khi hắn nói thật. Một số lời nói dối dễ phát hiện hơn những lời khác. Một lời nói dối lịch sự - khi một thực khách nói với chủ nhân rằng bữa tiệc tối thật ngon miệng hoặc những lời nhận xét đại để như rằng anh ta rất thích bộ đồ mới của một người bạn - khó phát hiện hơn một lời nói dối có tình cảm kèm theo. Chẳng hạn, khi người ta nói dối về điều họ có tin hay không tin nơi án tử hình, họ không thể nào che đậy thật kỹ tình cảm của mình. Những lời nói dối như một người có hay không dính líu đến một hành vi phi pháp, thường khó mà lấp liếm được.

    Hệ thống điện toán mà Ekman đang giúp Bộ Quốc phòng Mỹ triển khai sẽ có khả năng đọc được 10.000 chuyển động của khuôn mặt có liên quan đến tình cảm. Hệ thống này phải mất vài năm nữa mới hoàn tất, nhưng cho dù có thành công đi nữa, Ekman vẫn đặt tiền cược vào con người nếu ông có quyền được lựa chọn một trong hai. "Con người có sẵn một cỗ máy điện toán tinh vi ngay trong não. Nếu được huấn luyện đầy đủ, họ có thể tiến hành những thẩm định cục bộ phức tạp rất nhanh", ông nói. Họ cũng không phải chờ cho một nghi can được ghi hình rồi mới có thể phát hiện hắn nói dối vì như vậy là tạo cho hắn có thêm thời gian để luyện tập.

    Khi Ekman huấn luyện cảnh sát và các viên chức an ninh qua các bài giảng trực tiếp hay qua một chương trình do ông soạn trên CD, người học chỉ mất khoảng một tiếng đồng hồ để học nhận biết các "vi nét mặt". Nhưng có một số học viên thì trội hơn hẳn những người khác. Tính theo nhóm thì các nhân viên của Sở Mật vụ Mỹ giỏi hơn mức trung bình - một phần ba những người được Ekman trắc nghiệm có thể phân biệt được gương mặt của kẻ đang nói dối với gương mặt của người nói thật trong 80% trường hợp.

    Sắp tới, Ekman sẽ tìm hiểu thêm những nét giận dữ đặc thù như thái độ gây sự, hờn mát hoặc giả cơn giận xung thiên hay chỉ là bực bội chút đỉnh. Các cơ quan chấp pháp rất nôn nóng có câu trả lời - đặc biệt nếu như Ekman có thể nhận diện được bất cứ một nét mặt nào hay một thứ ngôn ngữ cơ thể nào (cử chỉ, hành vi...) báo hiệu một cuộc tấn công sắp đến. Ekman sẽ không công bố rộng rãi các khám phá của ông, vì như vậy bọn tội phạm cũng sẽ học cách che giấu các ý định của chúng mọt cách kỹ lưỡng hơn.

    Theo Thế giới mới
    ( www.dddn.com.vn)
     

Chia sẻ trang này