Thông minh chưa chắc đã giàu

Thảo luận trong 'Tâm sinh lý' bắt đầu bởi Phong -Thuỷ, 17 Tháng sáu 2007.

  1. Ấn bản Smart Money của Nga vừa giới thiệu một nghiên cứu tìm hiểu xem sự giàu có và năng lực trí tuệ của một con người có đi đôi với nhau không.

    Và câu trả lời là: thông minh chưa chắc đã giàu!

    Các nhà tổ chức đã chọn những doanh nhân thành đạt và có ảnh hưởng ở Nga tham gia thí nghiệm này. Mỗi người chơi được nửa giờ để trả lời 38 câu đố về logic và ngôn ngữ. Điểm tối đa của bài test là 140. Đa số câu hỏi thường thuộc loại “gạch bớt từ thừa” hay “ghi thêm con số bị thiếu”. Một mặt, để làm những bài tập này, người ta cần có những kiến thức nhất định, nhưng mặt khác, để điều khiển một doanh nghiệp lớn thì cái đòi hỏi lại là những khả năng hoàn toàn khác.Kết quả, tỉ phú Sergei Galitsky nắm kiểm soát chuỗi các cửa hàng bán lẻ thực phẩm giảm giá “Magnit” được chỉ 100 điểm. “Ông ta có hai khả năng - trực giác tuyệt vời và năng lực tổng hợp. Thông thường, nếu chỉ một mình ra quyết định, ông ta chỉ cần 15-20 giây, còn nếu phải suy nghĩ, sự cân nhắc cũng không quá nửa ngày” - giám đốc phụ trách liên hệ đầu tư của Magnit K. Pombukhchan nói như thế về sếp của mình. Rõ ràng, không phẩm chất nào trong hai tính cách rất cần cho làm ăn này có thể giúp doanh nhân này giải quyết các bài trắc nghiệm chỉ số thông minh.

    Còn chủ tịch hội đồng quản trị “Troika Dialog Group” Ruben Vardanyan ghi được 110 điểm. Theo ông, yếu tố then chốt trong sự nghiệp của ông cũng là sự nhạy cảm. Vardanyan hồi tưởng: “Năm 2002, khi tôi mua “Troika Dialog Group”, tôi đã dựa trên trực cảm rằng việc mua bán sẽ thắng, chỉ sau đó quyết định mua bán này mới được củng cố bằng những phân tích kinh tế”.
    Sergei Aleksashenko, tổng giám đốc “Merrill Lynch Securities”, thì tự tin: “Các quyết định kinh doanh thiết yếu, theo tôi, chẳng bao giờ liên quan trực tiếp tới khả năng trí tuệ cả. Cái chủ yếu khi đưa ra quyết định là tổng thông tin thị trường mà doanh nhân nắm được, khả năng anh ta phân tích nhanh các số liệu và đưa ra phán quyết. Còn các trắc nghiệm chỉ là vớ vẩn”. Aleksashenko đạt 115 điểm.

    Các chuyên gia nhân lực thì cho rằng để thành công trong kinh doanh không cần thông minh. Chưa kể những người có năng lực trí tuệ cao có khi còn gặp khó khăn, bởi anh ta khó thể tiếp cận với người khác vì rất buồn chán, chẳng ai quanh anh ta hiểu anh ta cả.

    Khoa học gia người Mỹ Jay Zagorsky từng tiến hành các nghiên cứu đặc biệt về sự tương quan giữa năng lực trí tuệ và sự giàu có, cho biết: “Có những người cực kỳ thông minh nhưng lại gặp khó khăn tài chính, bởi thông minh không có nghĩa anh ta biết tiết kiệm!”.

    Một điều thú vị là các doanh nhân chẳng quan tâm tới chỉ số thông minh của họ. Một doanh nhân trong khi tiến hành thử nghiệm đã chặc lưỡi: “Thôi, ghi tôi 70 điểm đi”. Còn cựu giám đốc Ngân hàng trung ương Aleksashenko chỉ chịu tham gia thử nghiệm sau khi ông đã làm xong công việc, nhấm một chút bia và thư giãn.

    NG.THANH
    ( Tuổi Trẻ)
     

Chia sẻ trang này