Thăng Long Tứ trấn và An Nam Tứ đại khí

Thảo luận trong 'Phát ngôn - Tiên tri - Dự báo - Cảm ứng' bắt đầu bởi Tử Vi, 18 Tháng tư 2007.

  1. Tử Vi

    Tử Vi New Member

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    427
    Điểm thành tích:
    0
    Thăng Long tứ trấn gồm bốn ngôi đền ở bốn phía trên vòng thành xác định địa giới Thăng Long, mỗi ngôi đền thờ một vị thần có nguồn gốc riêng và ý nghĩa khác nhau nhưng cùng chức năng bảo vệ kinh thành và hợp lại cho thấy ý thức của nhà Lý về việc xây dựng một nền văn hoá Đại Việt tiên tiến trên cơ sở Phát huy vốn cổ truyền thống kết hợp với việc tiếp thu tinh hoa nhân loại. Đó là các đền Voi Phục, đền Kim Liên, đền Bạch Mã và đền Quán Thánh.


    Đền Voi Phục ở công viên Thủ Lệ cạnh cửa Ô Cầu Giấy phía tây kinh thành, xây trên bờ hồ. Nơi đây ngay trước khi được mở rộng thành vườn bách thú, vốn đã là một vườn hoa tự nhiên, cây cối um tùm cũng soi bóng mặt hồ, cảnh vật có phần hoang sơ hàm chứa một vẻ huyền bí, như kết tụ linh khí đất trời, là thắng cảnh truyền đời. Đền xưa quy mô ra sao không rõ, hai lần thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội vào các năm 1873 và 1882, chúng chiếm được thành nhưng đều bị quân dân Hà Nội dụ về quanh khu đền Voi Phục căng ra đánh, giết chết tướng giặc là Garnier và Riviere. Sau đó chúng đốt phá trả thù đã làm ảnh hưởng di tích, rồi năm 1947 khi chúng tái chiếm Hà Nội và mở rộng ra vùng ngoại vi đã phá trụi đền Voi Phục. Năm 1953 dân làng dựng lại, và cả một số lần tu sửa ở nửa sau thế kỷ XX cho tới nay ngôi đền vẫn còn khiêm tốn, nó bình dị dưới những tán cây cổ thụ, ngoại thất gắn với cả công viên lại trải ra như vô tận. Đầu lối vào đều có tượng hai con voi quỳ gợi lại một giai đoạn huy hoàng của vị thần được thờ, và do đó thành tên đền. Vị thần ở đây là Linh Lang đại vương, con của một cung tần nhà Lý đi tắm hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) gặp rồng mà hoài thai 14 tháng sinh ra, được vua Lý Thánh Tông cho về sống ở trại Thủ Lệ. Khi quân Tống sang xâm lược nước ta, Linh Lang xin vua cho thớt voi rồi cưỡi đi đánh giặc. Thắng giặc rồi chàng xin về lại Thủ Lệ, không bao lâu mắc bệnh rồi hoá thành con giao long bò xuống hồ biến mất. Vua phong là thượng đẳng thần và sai lập đền thờ trên khu nhà cũ. Thực chất đây là nơi thờ thần sông nước, sau được nâng lên thành thờ rồng, rồi lịch sử hoá thành thờ anh hùng giữ nước, gắn với phương tây mang tính âm. Thần Linh Lang ở đây là cùng mô thức với việc thờ ông Cộc ông Dài tức thờ rắn của cư dân sông nước xứ Bắc mà sau lịch sử hoá thành thờ Trương Hống Trương Hát.


    Đền Kim Liên thuộc làng Kim Liên phường Phương Liên ở phía Nam thành phố. Đền xưa đã bị phá chỉ còn toà miếu nhỏ với tấm bia rất lớn được khắc và dựng từ năm Hồng Thuận 3 (1510) ghi lại bài văn dài Cao Sơn đại vương thần bi minh trích tự. Mặt sau ghi thêm ít dòng nữa vào năm Cảnh Hưng 33 (1772) cho biết bia này vốn ở Phụng Hoá, sau trôi nổi về bến Bồ Đề, vào đời Hoằng Định dân bản phường vớt lên đưa về chùa, sau thấy thiêng lại rước ra đặt ở bên trái đình, đúng như ngày nay còn thấy, có cây đa cổ thụ trùm lên càng tạo vẻ cổ kính và thiêng liêng, đúng là nơi cư trú của thần linh. Văn bia cho biết vị thần ở đây là Cao Sơn đại vương, một trong số trăm con của Lạc Long quân và Âu Cơ, là thần núi xa xưa đã giúp Sơn Tinh đánh thắng Thuỷ Tinh, đầu thế kỷ XVI lại giúp vua Lê dẹp loạn giữ yên ngai vàng. Thực chất đây là việc thờ thần Núi, vốn rất phổ biến ở xứ Đoài - nơi có núi chủ Tản Viên/Ba Vì, được khái quát là Tản Viên sơn thánh, một biểu hiện của việc thờ các thần tự nhiên.

    Đưa hai thần Linh lang và Cao Sơn về trấn giữ các cửa tây và cửa nam của kinh thành chính là đã kéo các thần của cư dân phía bắc trũng thấp và của cư dân phía tây cao ráo là những vùng ngày nay đưọc xem là đất tổ, gắn kết sông với núi, đất với nước để trở thành Tổ quốc là một khái niệm thiêng liêng nhất, đồng thời cũng là sự khẳng định văn hoá truyền thống, lấy vốn cũ làm cơ sở để xây dựng bản sắc dân tộc.


    Đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm , xưa thuộc phường Hà Khẩu trên bờ sông Hồng cạnh cửa sông Tô Lịch, thuộc phía đông kinh thành là nơi thờ thần Long Đỗ với hiệu Quảng Lợi Bạch Mã đại vương.


    Long Đỗ vốn là thần núi Nùng, trong thời bắc thuộc khi Cao Biền chôn đồng và sắt ở thành Đại La để yểm, thì thần đã gây mưa gió, sấm chớp đánh bật lên và nát vụn cả đồng và sắt. Cao Biền bèn lập đền thờ để mong được bình yên. Rồi khi vua Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long, cứ xây xong lại đổ. Vua cho người đến đền Bạch Mã cầu thần thì có một con ngựa trắng từ trong đền đi ra chạy một vòng trong khép kín ngược chiều kim đồng hồ rồi vào đền rồi biến mất. Vua cứ theo vết chân ngựa xây thành, cho sửa lại đền và phong thần là Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần. Ngày ấy quanh đền Bạch Mã dân mở phố chợ rất đông.

    Với nhà Lý, phật giáo được xem là quốc giáo, mà Thăng Long đã thành một trung tâm, nó tiếp nhận một số thành tựu của văn hoá Ấn Độ từ nhiều thế kỷ trước mà trực tiếp là theo đường thuỷ có nghía là từ phía đông. Với văn hoá ấn Độ, ngựa trắng là biểu trưng của mặt trời, ngày nay nhiều chùa và đền vẫn còn tượng ngựa trắng, và trong nhân dân vẫn gắn ngựa với thời gian: "bóng câu qua cửa sổ". Lớp văn hoá ấy sau được lồng vào văn hoá mới, coi Long Đỗ là sự kết tụ khí thiêng sông núi làm chỗ dựa tinh thần của kinh thành. Thần Bạch Mã được thờ ở phía đông, nơi cửa ngõ đón nhận văn hoá ấn Độ đã ở một trình độ cao. Nền văn hoá phật giáo trong suốt thời bắc thuộc đã giao thoa với tín ngưỡng bản địa để tạo ra những gía trị mới cao hơn cho dân tộc, trong đó có gắn với nguồn gốc của Lý Công Uẩn và sự thành lập vương triều Lý.

    Với những biến thiên của lịch sử, đền Bạch Mã đã qua nhiều tu sửa - nhất là ở thế kỷ XVII - XVIII, trong đó kiểu cách hiện thấy là thuộc thời Nguyễn. Do sự phát triển phố xá, khuôn viên đều thu hẹp nhưng còn khá rộng, các lớp kiến trúc gối nhau chạy sâu vào khang trang, nhiều bia đá và đồ thờ trọng thể.

    Đền Quán Thánh ở góc đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, bên sườn hồ Trúc Bạch nhìn ra Hồ Tây, ở phía bắc kinh thành. Đền thờ thần Huyền Thiên Chấn Vũ có nguồn gốc phương bắc đã hiển linh ở nước nam từng giúp các vua Hùng đánh giặc, lại theo sát lịch sử buổi đầu độc lập giúp dân trừ tà ma và chống hạn. Đây là biểu hiện của việc tiếp nhận đạo giáo, đưa thêm những phù phép vào sức mạnh dựng nước và giữ nước, tạo cuộc sống tâm linh sâu lắng ở mọi người.

    Đền Quán Thánh đã qua nhiều lần sửa chữa, kiểu thức kiến trúc hiện nay là thuộc thời Nguyễn, khuôn viên khá rộng, kết hợp nhà cửa với cây muỗm cổ thụ, tất cả cứ ẩn hiện trong ánh sáng chập chờn lọc qua vòm lá. Trong đền phần chạm gỗ trang trí kiến trúc tinh xảo do gắn với bộ khung của nhà khá muộn, nhưng chuông và khánh đồng đều khá to được đúc sớm hơn, đặc biệt có pho tượng Huyền Thiên Chấn Vũ bằng đồng hun cao hơn 3m đúc từ nửa sau thế kỷ XVII, đến thế kỷ XIX được gia công trau chuốt lần nữa. Người nghệ sĩ đúc tượng trên là ông trùm Trọng được dân ngưỡng mộ cho tạc tượng bằng đá để phối thờ ngay trong cung thánh. Ngoài ra còn nhiều đồ thờ rất trang trọng.


    Việc thờ Bạch Mã và Quán Thánh rõ ràng là biển hiệu tiếp nhận văn hoá ấn Độ và văn hoá Trung Hoa để làm giàu văn hoá dân tộc. Đây là bài học xuyên các thời kỳ lịch sử về tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.

    (còn tiếp)




    (Theo Sieuquay_Teppy- ttvnol.com)
     
  2. Tử Vi

    Tử Vi New Member

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    427
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Thăng Long Tứ trấn và An Nam Tứ đại khí

    An Nam tứ đại khí là bốn khí vật bằng đồng cực lớn tương truyền được đúc ở thời Lý, là tháp Báo Thiên và chuông Quy Điền ở kinh đô Thăng Long, là vạc chùa Phổ Minh ở Nam Định (hay chùa Phả Lại ở Bắc Ninh?) và tượng phật chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh, Do bằng đồng nên quân Minh trong thời gian thống trị nước ta ở đầu thế kỷ XV đã phá huỷ lấy đồng. Dân gian còn nhớ vạc Phổ Minh còn có thể chạy được trên miệng, còn bia chùa Quỳnh Lâm kể rằng pho tượng Phật ở đây cao những 6 trượng (3,1m) đầu tượng chạm nóc điện cao 7 trượng, đứng ở bến đò Triều Đông xa mươi dặm ( chừng 5Km) còn trông thấy rõ.

    Riêng hai công trình lớn ở kinh đô được ghi khá đầy đủ trong thư tịch, theo đó nó có thể xem như là huyền thoại, kỳ vĩ cả về ý tưởng chứ không phải chỉ ở hình thức.

    Tháp Báo Thiên gọi theo tên chùa ở phía tây hồ Lục Thuỷ ( hồ Hoàn Kiếm). Nhẽ ra là tháp Phật như một số tháp đương thời ở các chùa Phật Tích, Tường Long, Chương Sơn... nhưng tháp Báo Thiên xây ngay trên đất bằng ở giữa kinh thành, có số tầng chẵn (12 hoặc 30?) và nhất là ở cái tên Đại Thắng Tư Thiên khẳng định ý nghĩa báo cáo trời chiến công lớn lao của dân tộc, cao những vài mươi trượng...tất cả biểu thị đây là công trình kiến trúc của nhà nước mang tính chất đài kỷ niệm chiến thắng như một thứ Khải hoàn môn.

    Tháp có số tầng chẵn biểu thị sự cân bằng, ổn định, tĩnh tại , bền vững như triều đình nhà Lý đầy khí thế, sẽ tồn tại dài lâu. Ngọn tháp đúc bằng đồng khắc ba chữ Đao Ly Thiên tỏ ý tưởng của đấng tối cao xông lên tận trời thẳm. Đỉnh tháp có tượng người tiên bưng mâm ngọc hứng móc ngọt làm thuốc cho vua. Trong xã hội nông nghiệp xanh- sạch- đẹp, ở trên cao dường như không có bụi, hơi nước gặp lạnh đọng lại có thể xem như nước cất tinh khiết, là tinh tuý của tự nhiên, là lộc của trời ban. Có nhẽ vì thế, những tháp xây các thời sau không cao lắm, trên đỉnh thường kết thúc bằng một quả hồ lô như bầu rượu, cũng là mang ý nghĩa bình nước thiêng. Cây tháp báo Thiên đến thời Trần được Nho thần Phạm Sư Mạnh tả lại với hình tượng thật hoành tráng:

    Trấn áp đông tây cũng đế kỳ
    Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy
    Sơn hà bất động kình thiên trụ
    Kim cổ nan nan lập địa chùng

    Dịch:

    Trấn giữ đông tây vững đế kỳ
    Tháp cao sừng sững thật uy nghi
    Là cột chống trời yên đất nước
    Vượt mọi thời gian chẳng sợ gì.

    Cái hình ảnh "cây cột trụ chống trời, cao sừng sững vượt trội hẳn lên trong cả không gian và thời gian để giữ vững kinh kỳ" hẳn phải nhoà trong mây, là cây thánh nối Trời với Đất, là sự giao hoà trời cha - đất mẹ để dân tộc phát triển, dân đông vật thịnh. Đến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, các tác giả sách Tang thương ngẫu lục đã chứng kiến cuộc đào nền tháp (sau khi tháp bị quân Minh phá ở đầu thế kỷ XV) còn thấy nền tháp hình vuông, hai bên mỗi cửa có hai pho tượng kim cương đứng trấn giữ, bên trong lòng tháp còn có các tượng người tiên, chim muông đến cả giường, ghế, chén, bát không sao kể hết, tất cả đều bằng đá. Cho đến cuối thế kỷ XIX, các tác giả sách Đại nam nhất thống chí còn thấy tháp cao một trăm thước (chừng 40m), nhưng sau đó Pháp chiếm Hà Nội đã chuyển khu đất này cho bên đạo thiên chúa xây nhà thờ lớn Hà Nội.

    Chùa Một Cột tên chữ là Diên Hựu tự, nay đã làm lại thu nhỏ nhưng vẫn trên khu đất cũ vốn xưa thuộc vườn cấm phía tây của hoàng thành nhà Lý, là ngôi chùa của hoàng gia có quả chuông Quy điền khổng lồ, do vua Lý Thái Tông cho xây để giải giấc mơ thấy quan Âm dắt lên đài sen. Chùa mang hình tượng bông sen thanh cao, tinh khiết biểu trưng của đạo phật và đất phật. Thư tịch xưa cho hay chùa được dựng trên đỉnh cây cột đá cao mươi trượng, vọt lên từ giữa ao thơm Linh Chiểu hình vuông ở trong một cái hồ Bích Trì hình tròn, xung quanh hồ có hành lang được vẽ nhiều hình về thế giới nhà Phật, các phía bắc cầu cong để đi vào, hai bên cầu đằng trước được xây tháp bằng sứ men trắng như lưu ly. Trong lòng tháp có tượng Quan Âm. Hàng tháng vào ngày mồng một và rằm Hoàng gia làm lễ đi vòng quanh chùa để cầu cho nhà vua sống lâu, vương triều bền thịnh. Hàng năm ở đây còn tổ chức lễ phóng sinh. Thời Trần, thiền sư Huyền Quang đã ghi nhận hình ảnh ngôi chùa này:

    Thượng phương thu dạ nhất chung lan
    Nguyệt sắc như ba, phong thụ đan
    Xi vẫn đảo niên phương kính lành
    Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàn...

    Dịch:

    Chùa xưa một tiếng chuông ngân
    Trăng thu tãi sóng, lá bàng nhuộm son
    Hồ vuông chim ngủ soi gương
    Tháp cao sừng sững, búp tròn đôi tay...

    Đặc biệt năm 1080 chùa được triều đình đúc quả chuông rất lớn, đúc xong chuông nặng không thể khiêng được mà tự di chuyển đến chùa. Tại chùa đã xây toà phương đình bằng đá cao 8 trượng (chừng 25m) vẫn không treo nổi, do đó phải để chuông dưới ruộng ẩm, rùa vào ở trong chuông, do đó chuông được mang tên là chuông Quy Điều. Chuông tồn tại đến đầu thế kỷ XV thì bị quân Minh phá huỷ lấy đồng. Chuông Quy Điều gắn với rùa là con vật thiêng từng giúp An Dương Vương làm nỏ thần và giúp Lê Lợi gươm báu để giữ nước và khôi phục nước, chuông cũng là sự thông đạt của dân chúng bị oan khuất đến nhà vua, là sự giác ngộ của đức Phật đối với các phật tử. Vì chuông thiêng nên tự di chuyển đến chùa (chính là việc lăn chuông từ nơi đúc đến chùa, dùng sức đẩy thay sức khiêng giảm nhẹ rất nhiều), cũng vì thiêng nên chuông phải luôn gắn với đất và rùa.

    Trở lại ngôi chùa Một Cột, hình ảnh cây cột đá kỳ vĩ đội toà chùa, vọt lên ở giữa hồ nước còn có thể xem là cặp tượng Linga-Yoni hoành tráng, biểu thị sự trường tồn, sinh khí rộn bừng sức sống. Rất tiếc là cuối thời Nguyễn làm lại thu nhỏ nhiều lần, rồi tháng 9-1954 thực dân Pháp lại lén phá, sau khi tiếp quản thủ đô đã cho làm lại. Cột chùa ngày nay bằng xi măng cốt thép chỉ cao chừng 4m với đường kính 1,2m và ngôi chùa trên đầu cột mỗi cạnh cũng chỉ chừng 3m. Chùa nhỏ nhưng hình tượng bông sen vẫn giữ được và hoà hợp với cảnh trí cây xanh mang một vẻ đẹp duyên dáng. Sau chùa Một Cột từ năm 1958 còn được trồng cây bồ đề chiết từ cây mẹ mà đức Thích Ca đã tu thành Phật, do Tổng thống Ấn Độ Praxat tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Diện mạo Thăng Long thời Lý còn phải kể đến đền Đồng Cổ ở phố Thuỵ Khê thờ thần Trống Đồng. Trống Đồng là vật thiêng của dân tộc từ thời các Vua Hùng dựng nước đầu tiên, sau sự tìm huỷ của phong kiến phương Bắc trong thời gian chúng thống trị hơn ngàn năm, ngày nay chỉ còn giữ được rất ít. Năm 1996, Nhà nước ta đã đúc phục chế tặng Liên Hiệp Quốc nhân kỷ niệm 50 năm thành lập. Đền Đồng Cổ vốn ở Thanh Hoá, nhà Lý đã cho rước Thần về Thăng Long để thờ làm thần bản mệnh của triều đình, hàng năm tổ chức lễ tuyên thệ của các quan:"Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung thì thần minh tru diệt". Lời thề đề cao chữ hiếu trên cả chữ trung, có hiếu trong nhà mới trung giữ nước, tề gia tốt mới mong trị quốc giỏi. Trong đền lễ trọng thể, tất cả các quan văn võ phải thề hiếu trung trước thần vị Trống Đồng với sự chứng kiến của nhà vua. Ngoài đền thì trai thanh gái lịch mở hội tưng bừng. Lễ ở đây là hạt nhân của hội, lễ càng trọng thì hội càng vui, tất cả mới tạo sức sống mãnh liệt để tồn tại mãi về sau.

    Đền Đồng Cổ qua những biến thiên, dấu tích hiện còn cũng cơ bản thuộc lần làm lại ở thời Nguyễn, quy mô nhỏ nhưng hoà với phong cảnh cây xanh, có sông Tô đằng sau và Hồ Tây phía trước, là chứng tích của sự rèn luyện đạo đức gia đình và đạo đức xã hội, cùng xây dựng một nền văn hoá Việt Nam, nó thật truyền thống nhưng cũng rất hiện đại.

    Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng từ năm 1070, sau ít năm, đến 1076 đã tổ chức cuộc thi cấp cao đầu tiên của dân tộc. Lâu nay vẫn coi đây là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, song thực ra nơi đây đào tạo và thi tuyển tiến sĩ vượt trội lên cấp cử nhân rất nhiều. Dấu tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời Lý không còn, nhưng các thời sau tu bổ vẫn khẳng định vị trí của trong không gian và trong lòng người, trong xã hội. Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày nay là thuộc những lần tu bổ ở thời Lê và thời Nguyễn, là cả một tổng thể có hồ Văn phía trước, có vườn hoa và nhà bia ở trong, có điện Đại Thành để bình văn và thờ Khổng Tử cùng Tứ Phối, có các dãy tả - hữu... vốn xưa thờ 72 học trò ngoan và giỏi của Khổng Tử. Phía sau Văn Miếu còn có khu vốn xa xưa là nhà Thái học đào tạo nhân tài cho cả nước, thời Nguyễn chuyển thành nhà Khải Thánh thờ bố mẹ Khổng Tử. Đầu kháng chiến bị thực dân Pháp phá tan, nay chúng ta đang dựng lại khang trang, xứng tàm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội để thờ các danh nhân dân tộc, các vị vua hiền đã có công mở mang Văn Miếu - Quốc Tử Giám và việc học hành của dân tộc. Từ đây, ngọn đuốc văn hoá - giáo dục ngày càng thắp sáng và là ngọn đuốc truyền thống trí tuệ dân tộc truyền đời

    Diện mạo Thăng Long ban đầu qua thư tịch rất phong phú, xứng tầm một thành phố lớn thời trung cổ thế giới, thực sự là khí thế rồng bay của dân tộc, của vương triều, của hoàng đế. Gần nghìn năm biến đổi, dấu tích xưa còn lại quá ít ỏi, chỉ có thể hình dung với bức tranh phác hoạ, song thật rất quí. Hy vọng ngành khảo cổ sẽ dần từ lòng đất lấy ra những chứng cứ để bổ sung cho nó thêm đậm hơn, rõ hơn.

    Phương Anh (theo suutam)


    (Theo Sieuquay_Teppy- ttvnol.com)
     

Chia sẻ trang này