Trai Đinh Nhâm Quý thì tài

Thảo luận trong 'Kiến thức Nhân Tướng Học-Âm Dương, Ngũ Hành' bắt đầu bởi cabachlong, 26 Tháng mười hai 2006.

  1. cabachlong

    cabachlong New Member

    Tham gia ngày:
    20 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    1,152
    Điểm thành tích:
    0
    Khát vọng đẻ con trai Đinh Hợi
    [​IMG]

    Nhiều ông bố bà mẹ lên kế hoạch để sinh được cậu con trai Đinh Hợi.
    Cưới xong, do kinh tế chưa ổn định, Thắng và Nhi dự định 2 năm sau mới sinh. Nhưng mới được 3 tháng, Thắng bắt vợ đẻ với lý do: "60 năm mới có một lần, mình phải sinh thằng cu Đinh Hợi cho con sướng cả đời, hai vợ chồng vất vả tí cũng được".

    Nhi phân tích đủ điều, nào là vợ chồng tự nuôi thân còn chưa đủ, Nhi lại chưa được ký hợp đồng chính thức ở công ty, rồi bố mẹ ở xa, không ai giúp đỡ, sinh con ra không chăm sóc tốt được. Nhưng Thắng bỏ ngoài tai tất cả. Anh vẫn khăng khăng cái lý: Khó bề nào ta xoay bề ấy, thiếu tiền thì có thể vay mượn, mất việc này tìm việc khác, chứ cơ hội có "trai Đinh" thì không đến lần thứ hai. Cả bố mẹ anh ở quê cũng một mực ủng hộ con trai, động viên con dâu sinh quý tử để "số" cháu được tài, được sang cả đời, còn hai vợ chồng có thiếu thốn khó khăn gì thì bố mẹ giúp thêm. Đến nước ấy thì Nhi chỉ có giơ hai tay đầu hàng.

    "Trai Đinh nhâm quý thì tài...", vì câu ca ấy mà rất nhiều cặp vợ chồng mong muốn sinh quý tử năm 2007 (Đinh Hợi). Theo họ, sinh con trai cầm tinh con lợn đóng chữ đinh, lại đứng đầu "tứ quý" (đinh, nhâm, mậu, quý) thì nhất. Thậm chí, nhiều đôi còn "cưới gấp" để chộp lấy cơ hội này. Trung, 21 tuổi, quê Hoài Đức, Hà Tây là một ví dụ.

    Trung ra Hà Nội làm tiếp thị cho một công ty nước mắm. Mới quen cô bạn gái được hơn hai tháng, anh đưa về ra mắt bố mẹ. Không ngờ, ông bà chấm luôn và giục "hai đứa cưới mau rồi đẻ thằng cu cho đúng vào năm đẹp". Chưa tính đến chuyện xa xôi thế, nhưng Trung tặc lưỡi: "Ừ thì lấy. Ở quê bằng tuổi mình cũng đầy thằng có con".

    Đám cưới được tổ chức gấp rút vào cuối tháng 8 âm lịch năm nay, thì tháng 9 vợ Trung đã mang bầu, đúng như mong ước của các bậc sinh thành. Thế nhưng, vợ chồng Trung phần vì chưa thực sự yêu, hiểu nhau, phần vì tính còn trẻ con nên chẳng mấy bữa được cơm lành, canh ngọt. Có lần, Trung còn bỏ ra Hà Nội chơi cả tuần không về nhà với vợ và đứa con đang được cả nhà mong đợi.

    Nhiều cặp vợ chồng đã có con cũng nhất định không bỏ qua cơ hội sinh vào năm đẹp. Chị Trang ở Từ Liêm, Hà Nội đã có hai cô con gái và đang lên kế hoạch để cho ra đời "thằng ngẩu" vào năm 2007. Anh chị vận dụng đủ thứ, kinh nghiệm truyền miệng, sách báo, các món ăn... để có quý tử. Bà mẹ chồng mỗi lần ra thăm con dâu lại không quên dặn: "Tất cả trông hết vào bận này đấy. Chị có sinh được thằng cu Đinh Hợi thì sau này không chỉ sướng nó mà cả nhà được nhờ".

    Cả nhà mong mỏi thế, nhưng Hoàng, cậu em chồng chị Trang lại than thở: "Đinh thì ăn thua gì đâu mà phải cố. Đinh Tỵ như em đây này, lận đận từ khi đi học đến lúc đi làm, công việc, duyên tình, đường nào cũng dở dang.". Tuy nhiên, cả nhà đã quyết rồi, phải là năm sau, tháng ấy, ngày ấy. Với lại, "có khi chú ấy sướng về sau", chị Trang lý giải.

    Theo một nghiên cứu ở Việt Nam về việc chọn năm sinh cho con và ảnh hưởng của nó đến sự phát triển con người, những năm được cho là tốt, số trẻ sinh ra cao hơn mức sinh trung bình 7%. Trẻ sinh năm tốt cũng có số năm đi học cao hơn khoảng 10% so với những trẻ khác.

    Theo lý giải của các tác giả Thạc sĩ Phùng Đức Tùng thuộc Vụ Xã hội môi trường, Tổng cục thống kê và tiến sĩ Đỗ Quý Toàn thuộc Ngân hàng thế giới, những cặp vợ chồng chọn năm tốt để sinh con thường có khả năng đầu tư nhiều hơn về y tế và giáo dục hoặc sinh ít hơn nên điều kiện chăm lo cho trẻ cũng tốt hơn.

    Ngoài ra, vì cha mẹ tin rằng trẻ sinh năm đẹp sẽ có khả năng bẩm sinh tốt hơn nên đã đầu tư nhiều hơn. Họ chuẩn bị kỹ kế hoạch sinh con, tài chính, kiến thức chăm sóc và cả yếu tố về tâm lí để sẵn sàng nuôi đứa trẻ. Bên cạnh đó, trẻ sinh năm tốt được khích lệ, có thể tự tin hơn nên phát triển thuận lợi hơn.

    Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã so sánh những trẻ sinh năm tốt nhưng không hợp với giới tính của mình và nhận thấy chúng vẫn phát triển tốt hơn trẻ sinh năm thường. Sau đó, họ lại so sánh những trẻ gái sinh vào năm tốt cho gái và những trẻ gái sinh vào năm chỉ tốt cho trai. Kết quả, những em sinh vào năm chỉ tốt cho trai vẫn có sự phát triển cao hơn so với trẻ sinh vào năm tốt cho gái (có thể vì bố mẹ thường chỉ chọn năm tốt cho con trai).

    Vì thế, theo các nhà nghiên cứu, sự khác biệt về phát triển giữa trẻ sinh năm tốt và trẻ sinh năm khác chủ yếu là do nuôi dưỡng chứ không phải là do tử vi tạo ra.

    (Theo VnExpress)
     
  2. Admin

    Admin Administrator

    Tham gia ngày:
    20 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    86
    Điểm thành tích:
    18
    Ðề: Trai Đinh Nhâm Quý thì tài

    Chẳng là đinh gì nhưng là Đinh Hợi
    Cổ của Trần Tiến rõ to. Cánh bạn nhậu của Trần Tiến bảo, to thế vì nó chứa chình ình một cái bịch... nhạc. Chả vậy, chỉ cần một ly "dzô" với bất cứ ai, lập tức từ đó phóng ra lời hát đại loại: "Rau răm ở lại, rau cải về trời, ứ ư...".
    Chưa có ai ngẫu hứng nhạc lanh lẹ như Trần Tiến. Ngay như Trịnh Công Sơn, một sáng xuân lâu lắm rồi ở quán "Không thời gian" - cách mà Trịnh Công Sơn gọi quán cà phê ở Hội Âm nhạc TP HCM - tôi bảo Trịnh Công Sơn ngẫu hứng tức thì lời hát nào đó nói về tâm trạng của mình. Trịnh Công Sơn phải đắn đo một lát rồi mới hát: "Mùa xuân ơi, mùa xuân ơi hãy đi qua cuộc đời tôi, cuộc đời tôi, nhưng xin đừng để lại vết nào".
    Còn Trần Tiến ấy à? Một chiếc đũa gõ, tức thì có ngay những: "... Biết bao người mang tên loài hoa, đã đi qua, đi qua đời ta để lại hương thầm nhớ...", "Đừng tin những người không còn tình yêu...".
    Trịnh Công Sơn hứng xong rồi bỏ đó, thậm chí quên bẵng đi. Trần Tiến kềnh càng thân, tưởng tồ tồ ấy vậy mà chả bao giờ để rớt dù là chút hứng nào. Găm ngay! Về nhà ngồi bên đàn triển khai ngay. Biết bao bài hát của Trần Tiến ra đời theo kiểu như thế.
    [​IMG]
    Nhạc sĩ Trần Tiến.Ai hỏi tuổi, Trần Tiến thường ha hả cười: "Tuổi ư? Chả là cái đinh gì nhưng là Đinh Hợi". Đinh Hợi trước, khi cậu bé Trần Tiến oe oe cái giọng khóc rõ to chào đời, với Đinh Hợi này vừa tròn 5 vòng quay 12 con Giáp, "khớp con ngựa, ngựa ô"... 60 năm.
    Rõ khó tin Trần Tiến đã bước vào cái tuổi được các cụ gọi là... "hưởng thọ". Trần Tiến bảo: "Hà Nội mà còn tàu điện leng keng, tớ lên tàu ối cô gái đứng dậy nhường chỗ: "Mời ông ngồi ạ", Bố tiên sư! Ha ha ha...", Trần Tiến cười sảng khoái.
    Ai lẩu lâu chơi với Trần Tiến đều biết tiếng chửi và tiếng cười ấy đồng nghĩa với những lời loạn xạ sau đây: "Ông hả? Cứ thử xem, ông còn yêu được các em đấy!". Nhưng 60 tuổi, chả ai, dù vô tư lắm, không giật mình dù là len lén bước vào cái tuổi ấy.
    Trần Hiếu vỗ vai cậu em: "Nhất định chú phải làm một show hoành tráng kỷ niệm tuổi 60!". Cô cháu Trần Thu Hà lấy ngón tay quệt hàng ria của Trần Tiến: "Phải!".
    Còn cô giáo Bích Ngà, người hơn 30 năm vui buồn cùng gã "chả là cái đinh gì nhưng là Đinh Hợi", thì sao? Nhớ lần Trần Tiến bị các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM vạch bụng ra cắt ruột, anh nằm bệt trên giường vẫn cười toét, chuyện tếu với cô bác sĩ xinh đẹp. Trong khi đó, cô giáo Bích Ngà rơm rớm nước mắt.
    Chả biết ai trên cõi đời này có thể chịu đựng và thương yêu Trần Tiến như cô giáo Bích Ngà ấy. "Chịu đựng" với đúng nghĩa của nó. Và lúc này, bên ly rượu cùng Trần Tiến, thay vì gõ đũa, anh sẽ gõ ngón tay luôn vàng xỉn vì thuốc lá mà hát rằng: "Bao nhiêu nhẫn chịu em đựng ở đâu? Ở đâu? Ở đâu? Í a, mà em í a...".
    Và với đúng bản tính của người nhẫn nhịn và yêu thương Trần Tiến nhất, chắc chắn cô giáo Bích Ngà sẽ bảo: "Anh Tiến nhà em cứ làm gì mà anh Tiến nhà em thích, có điều là phải cấm tiệt uống rượu".
    Có lần Trần Tiến đến với những công nhân Việt Nam lao động kiếm sống ở Moscow. Cả hội thợ trai, gái ấy mê Trần Tiến, đòi cụng với Trần Tiến cho đến lúc anh bảo: "Em nào muốn anh hát một bài phải chụt một cái vào má anh".
    Có thợ gái vì si mê những ca khúc của Trần Tiến mà để cặp môi hơi lấn chỗ hàng ria mép. Trần Tiến ré lên: "Riêng em được nghe hai bài". Đùa vậy thôi chứ đâu phải vì những cái hôn mà Trần Tiến hát. Sau đêm hát đến 20 bài rã cả cổ, giữa trời tuyết xứ Nga lạnh cong, co ro về chỗ nghỉ, Trần Tiến rơm rớm nước mắt: "Thương bọn trẻ dân mình quá, vì miếng ăn phải tha phương".
    Trần Tiến có thể so đo, khó tính, khó chịu ở cửa "lụa là" chứ ở cửa "đồng hoang dân dã", Trần Tiến hát bất vụ lợi, chơi hết mình. Có lần đi chơi Tam Động, Ninh Bình. Thuyền vừa chui qua Hang Luồn, cái mặt Trần Tiến chình ình trước dân chúng, có những tiếng reo: "Ối Trần Tiến". Một cô chèo thuyền áo gụ bảo: "Anh Trần Tiến đẹp giai ơi, hát đi!". Thế là Trần Tiến hát, các thuyền tấp lại để được nghe Trần Tiến hát. Tay gõ mạn thuyền làm nhịp, có lúc hứng lên Trần Tiến vục tay xuống nước tinh nghịch búng những giọt nước vào mấy em có vẻ si mê ngắm nhìn điều bộ gã nhạc sĩ hát chứ không để ý lắm đến tiếng hát.
    Có nhiều ca sĩ lừng danh hát nhạc của Trần Tiến, nhưng theo tôi, không ai hát nhạc Trần Tiến hay bằng chính... Trần Tiến. Ngay Trần Hiếu yêu và hiểu Trần Tiến thế mà hát nhạc của anh cũng chỉ lột tả được cái phần dí dỏm, tinh nghịch và chiều sâu thân phận. Ngay Trần Thu Hà ngưỡng mộ và hết mình với Trần Tiến thế cũng chỉ thành công ở chất dữ dội đam mê nhân thế trong nhạc Trần Tiến.
    Chỉ Trần Tiến mới dám đẩy mình và đứa con tinh thần của mình đến đáy của đời, của sự ỡm ờ nội cảnh, của cả những gì tếu táo được vắt ra từ muôn cửa tò vò chua cay. Và chính Trần Tiến hát nhạc của mình mới có thể đưa nhạc của mình đến cõi riêng cá tính - một thứ cực hiếm trong làng âm nhạc Việt Nam hiện nay.
    Các ca khúc của Trần Tiến hầu như đều sinh ra để chia sẻ với mảnh đời bần hàn, bất hạnh nào đó. Nghe Trần Tiến hát "lũ sói con của tôi bơ vơ không cửa không nhà", nghe Trần Tiến hát về những dấu chân tròn trên cát, về người đồng đội nhắm mắt chưa một lần yêu... ai mà không thấy nao nao cõi lòng.
    Ở khía cạnh âm nhạc thức tỉnh sự vô cảm, có lẽ Trần Tiến là nhạc sĩ luôn ở hàng tiên phong, 60 năm cuộc đời, Trần Tiến không có nhã ý ngồi rung đùi tổng kết, nhưng những gì hiển hiện thì cứ hiển hiện. Gặp nhau, Trần Tiến vẫn luôn ấp ủ một chuyến du ca xuyên Việt mới. Nhưng lần lữa thời gian trôi vèo, cái Đinh Hợi tới rồi, Trần Tiến vẫn chưa làm được chuyến du ca xuyên Việt đã ước hẹn trước.
    Gần đây, Trần Tiến rêu rao: "Tôi như con ve sầu đã hát ca hết mùa hè của mình rồi, thời này là của bọn trẻ, họ có cách làm hợp với thời của họ". Vế sau thì đúng, nhưng vế trước thì... xạo. Nếu ai lúc này gặp Trần Tiến thì khó mà tin rằng Trần Tiến đang thu cái thân cồ cộ của mình chỉ để rung những tiếng ò e cuối mùa được.
    Và khi Trần Tiến ngẫu hứng gõ ngón tay xuống bàn và hát thì... giời ạ, xạo hết chỗ nói cái chuyện con vẻ con ve kia. Chả thế mà Bài hát Việt 2005 cần ai đó vào cuộc làm "mồi", Trần Tiến có ngay Mưa bay tháp cổ, Tùng Dương quặn hết cả mình mới hát được cái thần thái của thần linh.
    Im ỉm vậy đấy, nhưng Trần Tiến đang "âm mưu" một cái gì đó cho ra trò ở chính cái tuổi 60 này "cho các cậu biết mặt". Để như kiểu nói xưa nay của Trần Tiến "tớ chơi ấy mà".
    (Theo Thế Giới Văn Hóa)
    ( Ngoisao.net)​
     
  3. cabachlong

    cabachlong New Member

    Tham gia ngày:
    20 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    1,152
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Trai Đinh Nhâm Quý thì tài

    Nhạc sĩ Trần Tiến chuyện phiếm về năm Đinh Hợi

    "Đi với bụt mặc áo cà sa, như anh bạn Trư Bát Giới, rồi cũng tìm được kinh ở Tây Trúc. Đi với ma thì mặc áo… tù như gã Năm Cam đồng niên với tôi kia thôi. Tôi chẳng là cái 'đinh' gì, nhưng cũng là Đinh Hợi, là heo nhưng là heo rừng", nhạc sĩ hồn nhiên nói về mình.

    - Tuổi Hợi như anh chiêm nghiệm may nhiều hay rủi nhiều?

    - Nói chung "tuổi Hợi nằm đợi mà ăn" và nằm đợi bị… làm thịt. Có thể tôi là một trong những người may mắn của tuổi Hợi. Chẳng hạn, tôi được sinh ra dọc đường chạy loạn, trong làn súng bắn đuổi của lính Pháp. Bố tôi, một nhà giáo Tây học, mắng thằng lính da đen đã tát tôi vì tôi khóc nhiều quá, sau đó viên sĩ quan chỉ huy người Pháp phải xin lỗi. Rồi bố đặt luôn tên tôi là Trần Việt Tiến. Lớn lên, tôi ăn nhờ vào chữ "Việt" là vượt và suốt đời chưa bị mang tên Trần… lùi. Vậy, sinh ra thời loạn thì rủi nhưng té ra lại may vì từ bé đã được Tây xin lỗi.

    Nhưng mà, ừ nhỉ, tóm lại, chẳng có tuổi nào là may mắn cả. May nhiều thì rủi cũng nhiều.


    Nhạc sĩ Trần Tiến. Ảnh: Tiền Phong.

    - Những năm tuổi, anh phải kiêng khem thứ gì?

    - Không chỉ năm tuổi mà trước và sau đó một năm tôi đều kiêng. Năm tuổi như cái mốc báo hiệu thời kỳ chuyển hóa cơ thể, tế bào, ảnh hưởng lớn đến thói quen, sức khoẻ, tâm tính, như lúc chuyển mùa, chuyển dạ, chuyển nhà hoặc chuyển đổi cơ chế gì đó… ta phải kiêng khem. Phải kiêng cái gì làm ta yếu đi, không đủ sức đối phó với nhiều thứ hiểm hoạ phát sinh khi chuyển đổi, trừ… uống bia và yêu.

    - Anh có lời khuyên nào cho những người tuổi Hợi, hoặc người nào muốn lấy người tuổi Hợi?

    - Lấy tuổi Hợi thì sướng, vì nó lành. Nhưng lắm kẻ dữ như hổ, lươn lẹo như rắn. Chẳng biết được. Người tuổi Hợi âm tính, nên làm những công việc dịu dàng, hướng nội, sâu sắc thì phát huy được bản tính nhiều hơn. Ví dụ viết sách, sáng tạo, việc xã hội, ngôn ngữ, nhân văn… Bớt được bao nhiêu hay bấy nhiêu những dục tính, thất tinh, tham-sân-si-hỉ-nộ-ái-ố. Đàn ông hãy yên tâm khi lấy tuổi Hợi. Còn phụ nữ thì lại càng nên. Nếu không lấy thì cũng nên cho… thơm (hôn) một cái.

    - Giả sử một ngày đẹp trời, ca sĩ Mỹ Tâm xuất hiện trước cửa nhà anh và nói: "Anh, (không xưng chú) em yêu anh từ lâu, anh có biết không?". Anh sẽ xử sự ra sao?

    - Ngu gì từ chối và ngu hơn nữa là… tưởng thật.

    - Có lần độc giả nói với anh: "Trông Trần Tiến dạo này hơi yếu". Anh đáp lại: "Không, tôi rất khoẻ. Khỏe quá không biết để làm gì?". Chẳng lẽ anh đã không còn dùng sức khoẻ vào việc gì nữa?

    - Tôi nói đùa thôi và đã bị trời phạt cho mấy cú đau ốm vì vạ miệng rồi. Bây giờ ai hỏi: anh khoẻ không? Tôi thường chắc ăn: Cảm ơn, trời cho vẫn khoẻ từ sáng đến giờ.

    - Anh sẽ điền gì vào chỗ trống: "Tính (tật) xấu nhất của Trần Tiến là…"?

    - Yếu lòng trước thuốc lá, bia hơi và… phụ nữ.

    - Giả sử 12h đêm, NSND Trần Hiếu điện đến: "Này chú, anh bảo thật, anh em mình có tuổi rồi, đừng yêu nhiều nữa để giữ gìn sức". Khi ấy, anh "đáp tử" ra sao?

    - Anh ấy chẳng bao giờ nói thế.

    - "Thực ra Trần Tiến chỉ là một…", anh sẽ hoàn thiện câu này như thế nào?

    - Người bình thường, tếu táo và tốt bụng.

    - Nếu phải tìm ra một số "đức tính" của Trư Bát Giới thì Trần Tiến sẽ tìm ra "đức tính" nào?

    - Mê gái đến độ mụ Bạch Cốt Tinh cũng không tha. Thương sư phụ và trọng ông bạn khỉ lạnh lùng như… thạch sùng.

    - Anh đã sáng tác về nhiều con vật như bướm vàng, chim én, chim sáo… Vậy sao con heo dễ thương và phúc hậu lại không đủ trở thành nguồn cảm hứng trong nhạc của anh?

    - Vì tôi còn đang trả nợ bài hát cho con gián bé con ở xó nhà.

    - Anh sẽ trả lời: "Tôi già rồi!", "Vợ tôi ghen lắm" hay là "Em rất tuyệt"… khi có một người con gái tỏ tình với anh?

    - Tất nhiên là cháu rất tuyệt nhưng theo tôi, cháu nên đi khám nhãn khoa trước đã.

    - Có lần anh nói: "Những thằng đẹp trai thường ngu". Anh nói thế vì ghen tỵ hay vì điều gì?

    - Tôi cũng đẹp trai đấy chứ.

    - Anh trung thành với bộ râu rậm rạp như để chứng tỏ nam tính. Anh nghĩ sao nếu cạo râu đi trông anh sẽ đẹp trai và trẻ hơn?

    - Với tôi, để râu đỡ vạ miệng. Nhiều người không râu nam tính hơn kẻ râu ria xồm xoàm. Tôi có câu hát trong bài Ra ngõ mà chơi: "Ai không đi chơi với không có tiền. Thì đi nuôi chim và nuôi cây cảnh. Tôi không đi đâu, tôi nuôi râu mình… dài chơi".

    (Theo Gia Đình Xã Hội)
    ( Vnexpress)
     

Chia sẻ trang này