TRANG TỬ NÓI VỀ : “SỐNG CHẾT”

Thảo luận trong 'Nghệ thuật sống là Lợi mình = Lợi người: Luôn đúng' bắt đầu bởi Hoaquynh, 23 Tháng tư 2009.

  1. Hoaquynh

    Hoaquynh Member

    Tham gia ngày:
    16 Tháng chín 2007
    Bài viết:
    103
    Điểm thành tích:
    16
    “Sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật tự nhiên không ai kháng cự được. Con người sống trăm năm hay ít hơn, nhiều hơn cuối cùng cũng không tránh được cái chết. Nhưng chết là hết hay chỉ là sự thay đổi hình thái sinh mệnh ?.

    Trang Tử nói : “Cổ chi chân nhân, bất tri thuyết sinh, bất tri ác tử”. Ý nói những người cổ đại thật sự biết được bí ẩn của sinh mệnh thì họ không cảm thấy qúa vui sướng khi được sống và cũng không qúa sợ sệt khi cận kề cái chết.

    Thái độ của người quân tử chân chính không lao tâm khổ trí suy nghĩ nhiều đến sống chết. Không truy vấn mình từ đâu đến, cũng không lo lắng mình sẽ về đâu. Bởi vì sống và chết đối với họ chẳng qua là sự thay đổi trạng thái sinh mệnh mà thôi. Chỉ có nhận biết thực sự cuộc sống thì mới có thể đối mặt một cách đúng đắn với cái chết.

    Một đời người, con người luôn bận rộn, căng thẳng. Khi đến cuối đời, người ta thường hối tiếc về những hoài bão, ước mơ thời trẻ trung không thực hiện được.

    Có một chuyện ngụ ngôn thời nay như sau :

    Có hai anh em sống trong một căn hộ ở tầng 80 của tòa cao ốc chọc trời. Một ngày kia, họ đi ra ngoài mãi đến khuya mới về. Khi ra đi, họ quên đọc thông báo hôm đó ngừng điện thang máy. Lúc trở về, hai anh em mang theo hai ba lô đồ đạc nặng trĩu. Làm thế nào để lên được tầng 80 ?. Họ quyết định đi theo cầu thang bộ về nhà.

    Cả hai quyết tâm, hăng hái, bước đi thoăn thoắt. Nhưng lên đến tầng 20 thì thấy mệt. Họ bàn nhau để ba lô lại, sẽ đến lấy sau. Sau khi để lại đồ đạc ở tầng 20, họ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mãi; vừa đi vừa cười nói vui vẻ. Nhưng đi thêm được mấy tầng lầu thì lại cảm thấy mệt, bắt đầu trách móc nhau. Người anh nói : Sao em không chú ý đọc thông báo ngừng điện cầu thang máy, người em thì trách lại : Sao anh không nhắc em một tiếng ?. Hai anh em vừa đi vừa lời qua tiếng lại om sòm. Nhưng đến tầng 40 thì họ chẳng trách nhau nữa, lẳng lặng đi lên. Rồi tầng lầu 60 cũng hiện ra trước mắt. Lúc này tuy mệt nhưng họ cảm thấy yên ổn và gắng sức đi tiếp hai chục tầng cuối cùng.

    Khi đến trước cửa căn hộ của mình, hai anh em lẳng lặng nhìn nhau, bởi vừa biết ra một việc hệ trọng : Chìa khóa cửa họ đã cất trong ba lô để lại ở tầng 20 !.

    Chuyện ngụ ngôn này nói về một đời người. Con người khi ở thời kỳ trẻ trung thì hăng hái, hăm hở, không ngại khó khăn. Hành Trang mang theo là những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ. Nhưng đến những năm đôi mươi, bắt đầu nhận thức và hoạt động theo quy tắc xã hội, họ phải ra sức phấn đấu để học tập, làm việc; do đó những hoài bão, ước mơ phải tạm thời để lại, chờ khi công việc ổn định, tự khẳng định được mình, sẽ biến ước mơ thành sự thực cũng chưa muộn.

    Nhưng tuổi càng cao, kinh nghiệm tích lũy càng nhiều, cạnh tranh càng quyết liệt, nội tâm chứa nhiều vương vấn, lo âu; con người bắt đầu suy tính, trách cứ nhau, so sánh mức hưởng thụ của mình với người này người nọ, cho rằng mình bỏ sức ra nhiều mà đãi ngộ ít.

    Đến tuổi 40, thời kỳ người ta gọi là “bất hoặc”, những hăm hở ban đầu dịu dần, những trách cứ, so đo cũng ít dần, con người cảm thấy cần phải dựa vào nhau để đi tiếp.

    Tuổi càng cao, cảm thấy thời gian trôi qua càng nhanh, chẳng bao lâu tuổi 60 ập đến. Đây là lúc con người cảm thấy cần được yên tĩnh, được tôn trọng để sống tiếp những năm cuối đời. Thời kỳ này như Khổng Tử nói là “nhĩ nhi thuận”, tức “tâm thuận ứng,tòng tâm”.

    Và rồi tuổi 80 cũng đến rất nhanh, con người cảm thấy hối tiếc như bỏ quên cái gì đó trên đường đời. Nghĩ lại những hoài bão, ước mơ trong hành trang vào đời đã để lại ở tuổi 20, chưa mang theo mình, chưa được mở ra để biến thành sự thực. Thật là uổng phí một đời. Nhưng đường đời như con đường một chiều, không thể trở lại tuổi 20 được nữa !.
     
    Last edited by a moderator: 23 Tháng tư 2009
  2. Hoaquynh

    Hoaquynh Member

    Tham gia ngày:
    16 Tháng chín 2007
    Bài viết:
    103
    Điểm thành tích:
    16
    Nhìn nhận tổng quát một đời người nhắc nhở chúng ta nên có thái độ như thế nào đối với sống chết.

    Thái độ của Trang Tử đối với sống chết là rất khoáng đạt, thoải mãi, bởi ông nhận ra chân đế của sinh mệnh, giữa sống và chết chẳng qua là sự chuyển hóa hình thái mà thôi. Ai cũng phải kinh qua sự ”chuyển hóa” đó, có gì đáng buồn. Trang Tử trong thiên “Đại Tông Sư” kể một chuyện cổ như sau :

    Tử Tang Hộ, Vu Tử Phản, Tử Cầm Trương là những người của thế giới bên kia. Họ sống với nhau tâm đầu ý hợp, không bao giờ nghĩ đến sống chết. Về sau Tử Tang Hộ chết, Khổng Tử biết được tin này, liền cử học trò của mình là Tử Cống đến giúp lo việc tang. Khi đến nơi, Tử Cống gặp Tử Cầm Trương và Vu Tử Phản, thấy một người đang viết bài ca tiễn đưa, người kia thì nhìn vào thi thể Tử Tang Hộ đánh đàn, ca hát. Họ hát : Tử Tang Hộ ơi, bạn đã về với cội nguồn rồi, còn chúng tôi vẫn gửi dấu tích tại nhân gian.

    Tử Cống hoàn toàn không hiểu được, liền hỏi :”Các anh là bạn bè thân thiết với nhau như tay với chân, nay một người đã chết, các anh lại ca hát vui vẻ như vậy thì có hợp với Lễ không ?”

    Tử Cầm Trương và Vu Tử Phản phì cười, trả lời :
    – ”Tử Tang Hộ đâu có biết được ý nghĩa thực của Lễ”.

    Tử Cống trở về hỏi thầy Khổng Tử, anh nói anh không hiểu được ba người kia là những người như thế nào, tâm tư của họ ra sao.

    Khổng Tử nói: Họ là những người lòng đang bay bổng ở thế giới bên kia, mà thầy lại là người câu nệ ở thế giới này. Thế mà thầy lại cử anh đến giúp họ lo việc tang, thật là thiếu hiểu biết. Đối với những người này, giữa sống và chết không còn ranh giới, việc họ cần hoàn thành là tâm thần của họ được giao du cùng trời đất, đối với họ thì có hay không có hình hài là điều không quan trọng. Do vậy, khi một người bạn chết, hai người kia vẫn thản nhiên vui vẻ tiễn bạn đi xa.

    Cốt truyện này nói lên một đạo lý :Trong sinh mệnh, mọi người có thể sống theo các hình thái khác nhau.

    Trong thiên “Đại Tông Sư”, Trang Tử còn kể một chuyện khác : Có một lần Tử Lai bị bệnh, xem ra sắp đi xa. Tử Lê đến thăm bạn, thấy vợ con Tử Lai đang khóc lóc thảm thiết. Tử Lê nói với họ : Mọi người hãy lùi ra xa, đừng quấy rầy một người sắp có sự thay đổi lớn.

    Tử Lê tựa lưng vào cửa, nhìn vào Tử Lai nói : Đấng tạo hóa vĩ đại sắp biến bạn thành cái gì đây ? Thành lá gan con chuột hay cánh tay của một con trùng ?

    Sau đó Tử Lai thở một hơi dài, tỉnh lại nói với Tử Lê :Đấng tạo hóa rèn ra sinh mệnh của tôi, cho tôi một hình hài, tôi bắt đầu có sinh mệnh trên thế gian này, phải đi qua cõi nhân sinh, do đó phải “lao ngã dĩ sinh”, phải qua rèn giũa gian khổ để sống. Cuối cùng cho tôi được yên ổn, “tức ngã dĩ tử”, dùng tử vong để tôi được hoàn toàn nghỉ ngơi. Đó là một đời của tôi. Tử Lai nói : Tôi tin tưởng, một đời sống tốt thì ra đi cũng yên vui. Tôi được sắp xếp đến thế gian này, đi một quãng đường rồi ra đi một cách yên ổn.

    Nói xong, Tử Lai nhắm mắt ngủ một giấc yên lành. Sau đó anh tỉnh dậy, bệnh tật tiêu tan, trở lại với cuộc sống thế gian. Đây là một chuyện ngụ ngôn, nói lên khi nội tâm của con người xem sinh mệnh là một lần đi qua thì trong lòng của họ xem cái chết chỉ là sự nối dài của sinh mệnh.

    Trong thiên “Dưỡng sinh chủ”, Trang Tử viết một câu : “Chỉ cùng ư vi tân, hỏa truyền dã, bất tri kỳ tận dã “. Ý nói đổ dầu vào củi và đốt lên, dầu và củi đều cháy hết, nhưng lửa thì được truyền mãi mãi, không bao giờ hết.

    Điều này nói lên, cơ thể của con người có thể bị tiêu tan, nhưng tư tưởng thì được truyền lại, được thừa kế. Theo Trang Tử thì tư tưởng được thừa kế quan trọng hơn cả sinh mệnh, tức ngọn lửa được truyền lại mãi mãi quan trọng hơn độ dài thanh củi.

    Trên là những cảm ngộ của Trang Tử về sống chết.

    Những truyển kể của Trang Tử hoàn toàn không phải chuyện hoang đường. Nếu đem liên hệ với thân phận con người, ta sẽ phát hiện được sự ưu thời mẫn thế của Trang Tử thông qua những chuyển kể rất gần gũi với nhân tâm.

    Trong mỗi thời điểm của cuộc đời khi ta xét tương quan giữa sống và chết và hy vọng sống tiếp những năm còn lại, ta sẽ cảm thấy lạc quan, thuận ứng. Khi cái chết thực sự đến, ta vẫn thản nhiên mỉm cười ra đi.

    (Theo KTNN số 666 của Nguyễn Thành Tuệ)
     
    Last edited by a moderator: 23 Tháng tư 2009

Chia sẻ trang này