Xuân La- Làng tò he

Thảo luận trong 'Phát ngôn - Tiên tri - Dự báo - Cảm ứng' bắt đầu bởi Nguyệt, 14 Tháng một 2008.

  1. Nguyệt

    Nguyệt New Member

    Tham gia ngày:
    12 Tháng ba 2007
    Bài viết:
    336
    Điểm thành tích:
    0
    “Mừng lắm… Tự hào lắm các chú ạ! Những con giống tò he ở làng Xuân La (Phượng Dực – Phú Xuyên – Hà Tây) của chúng tôi sắp được “đi tây” rồi đấy. Mà là được đi mãi sang Mỹ cơ đấy…Thế mới oách chứ…!” - Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận nghẹn ngào xúc động khi khoe với chúng tôi tin vui đó.
    Một trong những sự kiện đánh dấu sự hồi sinh của làng tò he Xuân La là trong tháng 7/2007 vừa qua, nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận sẽ “mang” tò he “đi tây” - sang nước Mỹ giới thiệu với bạn bè quốc tế nhân kỉ niệm 10 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường Việt - Mỹ.
    [​IMG]Nặn tò he là cả một nghệ thuậtThổi hồn vào những con giống tò he
    Nằm cách Hà Nội chừng 30 km về phía Đông Bắc, làng Xuân La lặng lẽ lưu giữ một nghề truyền thống có một không hai của dân tộc – nghề nặn tò he. Đã có một thời gian dài nghề nặn tò he tưởng như đã bị mai một. Nhưng trong những tháng năm thăng trầm, khó khăn đó, người dân Xuân La vẫn âm thầm lặng lẽ “thổi hồn” vào những con giống tò he, để lưu giữ và phục hồi một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
    Chúng tôi đến nhà ông Học (một trong số rất ít nghệ nhân ở Xuân La vẫn còn đi theo nghề nặn tò he) cũng đúng lúc ông đang truyền nghề nặn con giống cho mấy đứa cháu nội, ngoại ở khoảng sân trước nhà. Cả hai ông bà và các cháu say sưa với những màu sắc nhuộm tươi rói của phẩm được hoà quyện cùng thứ bột gạo nếp dẻo quánh. Đôi tay ông già nua, gân guốc nhưng uyển chuyển khéo léo đến lạ kỳ. Chỉ trong một lúc, các con giống lần lượt hiện ra dưới đôi bàn tay chai sạn của người nghệ nhân này. Bộ con giống 12 con giáp với đủ màu sắc chân thật mà sinh động được cắm gọn gàng trên chiếc kệ nhỏ. Đám cháu của ông cứ xúm xít quây xung quanh. Bọn chúng chăm chú theo dõi từng động tác, từng cử chỉ từ đôi bàn tay của ông mình.
    “Nghệ nhân gì đâu anh. Cỡ nghệ nhân như tôi, ở làng này có nhiều lắm”. Ông ngừng tay, cười hóm hỉnh. Ông Học năm nay đã xấp xỉ vào cái tuổi xưa nay hiếm. Ở cái tuổi của ông, vui thú với con cháu là một niềm hạnh phúc. Nhưng với ông, có một niềm vui nữa là được nặn tò he. Chẳng phải để bán mà chỉ để cho đỡ nhớ nghề và dạy cho con cháu.
    Ông kể về nghề nặn con giống và cái nghiệp tò he của mình: “Trước kia dân làng tôi làm nhiều nghề phụ lắm. Nhưng chỉ có một nghề duy nhất cho đến bây giờ vẫn còn tồn tại và gắn bó với người dân Xuân La, đó là “nghề” nặn tò he này. Tò he có từ bao giờ ư…? Nó có từ lâu lắm rồi. Cả ông tôi và cha tôi cũng không biết nó có từ bao giờ. Chỉ biết từ khi còn bé, ông tôi, cha tôi và tôi đều theo chân những người đi trước, lang thang “tứ chiếng giang hồ” mưu sinh cùng với nghề nặn tò he này…”.
    Nghề nặn Tò he xuất hiện và tồn tại lâu đến độ, cái tên Tò he cho đến nay không ai trong làng có thể giải thích hết được đầy đủ ý nghĩa của nó. Chỉ biết rằng chữ ấy, đơn giản là Tò he, đơn giản như chính những sản phẩm của nghề được làm ra bởi đôi bàn tay tài hoa của những người trong làng. Đó là những con giống, con vật gần gũi, gắn bó với người dân: 12 con Giáp: chó, mèo, lợn, gà,.. các loài hoa: hoa hồng, hoa cúc, hướng dương… cho đến những hình mẫu là sản phẩm của trí tưởng tượng dân gian: Long, Ly, Quy, Phượng…
    Những con giống đơn giản đó được tạo, tác qua một quá trình phức tạp, kết hợp nhiều công đoạn cùng với bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo của người thợ. Tò he được làm từ bột gạo nếp. Bột phải được nghiền từ thứ gạo nếp dẻo mà trắng, tròn mà thơm. Gạo được nhặt sạch sạn, thóc… sau đó đem nghiền mịn đến độ vê trên tay mà tay không có cảm giác. Thứ bột ấy sau đó được cho vào nồi luộc chín. Luộc bột cũng đòi hỏi kĩ thuật và kinh nghiệm. Phải “canh” thời gian, sức lửa cho bột vừa chín tới. Nếu bột chín quá thì thành ra ướt, nhão. Sống quá thì khô, nặn sẽ nứt. Bột sau khi luộc chín sẽ được trộn đều với phẩm màu. Mầu được chế từ thực vật nhằm tránh độc hại cho trẻ những khi chúng đem ăn.
    Lên năm tuổi, lần đầu tiên ông Học trực tiếp nặn những con giống tò he. Không phải nặn chơi mà nặn để kiếm sống. Cuộc mưu sinh đã đưa cậu bé Chu Văn Học và đám bạn cùng trang lứa đến với nghề. “Lúc đó hầu như cả làng Xuân La biết nặn Tò he, và mọi người còn kiếm sống được nhờ vào chính cái nghề này.
    “Người dân trọn niềm vui”
    Đã có những năm hầu như cả làng Xuân La đi ra các nơi để nặn tò he bán, nhiều người dân sống được nhờ vào nghề. Ông Học cũng vậy, nhưng đó không phải là lí do mà ông Học thấy yêu cái nghề này, yêu những con giống tò he mộc mạc giản dị quá. Từ một cậu bé “tứ chiếng giang hồ” mưu sinh thuở nào, cho đến khi thành nghệ nhân gạo cội của làng, ông Học nhận thấy rằng, nghề nặn tò he của làng ông có những nét văn hoá đặc sắc, có một không hai. Qua những con giống rất đỗi bình dị được làm ra từ nguyên liệu cũng bình dị, nhưng nó lưu giữ trong bản thân những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần truyền thống đặc sắc.
    Nặn tò he là cả một nghệ thuật. Nghệ thuật tò he có tác dụng giáo dục trẻ em sâu sắc, hướng thiện con người, hướng con người tìm về với những giá trị văn hoá, nhân văn cao cả.
    [​IMG]Nghệ nhân của làng quả không ít. Ông Học giới thiệu chúng tôi tìm đến nhà ông Thuận, ông Tố, ông Hợp, ông Nghệ, ông Thanh… họ đều thuộc tầng lớp gạo cội của làng. Tất cả họ cũng đã từng vào Nam ra Bắc mưu sinh cùng nghề. Cả cuộc đời gắn bó với nghề của cha ông, với họ vui cũng đã từng mà buồn cũng đã trải.
    Đã có thời gian nghề nặn tò he lao đao trước cơn lốc của nền kinh tế thị trường. Tưởng những con giống tò he đã bị mai một, mất đi vĩnh viễn. Nhưng cũng nhờ vào các nghệ nhân trong làng tâm huyết, yêu nghề, họ đã thổi hồn cho tò he, thổi cho tò he sức sống để lưu giữ được đến ngày nay. Một sự kiện được coi là trọng đại và vui nhất của người dân làng Xuân La nói riêng và của cả nước nói chung là tháng 7 vừa qua, nhân dịp kỉ niệm 10 năm tái thiết lập quan hệ bình thường ngoại giao Việt – Mỹ. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận sẽ chính thức đại diện cho làng, nước đưa tò he “xuất ngoại”, mang theo cả cái hồn của tò he ở Việt Nam, để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Đó là niềm vui và vinh dự lớn cho người dân Xuân La nói riêng và cho cả dân tộc.
    Ngày nay tò he cũng đã có những hợp đồng làm ăn lớn từ các nơi đến đặt hàng. Những người thợ của làng chuyên cần chăm chỉ như những con ong, ngày ngày toả đi khắp nơi để nặn bán, giới thiệu Tò he đến với mọi người khắp từ Nam chí Bắc. Và chúng tôi tin rằng những thế hệ nối tiếp sau đó ở Xuân La đã, sẽ và mãi mãi lưu giữ, phát triển được nghề với tất cả lòng nhiệt huyết yêu nghề.
    Theo Người Viễn Xứ
    ( Thoibaoviet)
     

Chia sẻ trang này