Đất nước Singapore

Thảo luận trong 'Phát ngôn - Tiên tri - Dự báo - Cảm ứng' bắt đầu bởi cabachlong, 14 Tháng mười một 2006.

  1. cabachlong

    cabachlong New Member

    Tham gia ngày:
    20 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    1,152
    Điểm thành tích:
    0
    Ấn tượng từ ''đất nước lọng ô''
    [​IMG]
    14:39' 12/08/2004 (GMT+7)
    (VietNamNet) - Tôi đặc biệt ấn tượng với những hàng cây tembusu như dãy lọng ô khổng lồ tỏa bóng, những đại lộ hoa ngoằn ngoèo xuyên suốt thành Sing nhỏ bé. Nơi đây còn mê hoặc du khách bởi những công trình mang đậm nét phong thủy của người Á đông. Tường trình những lắng đọng sau 4 ngày đến và đi vội vã ở "đất nước lọng ô"...

    Chuyện ''nhà vệ sinh... điển hình'' và rừng giữa... biển!


    Toàn cảnh Singapore- Ảnh: LT Vinh

    Ai đã từng đặt chân đến Singapore chắc hẳn sẽ không ngạc nhiên khi nghe người ta gọi nơi đây là đất nước giữa rừng hay thủ đô trong rừng. Ngồi từ trên máy bay nhìn xuống, thủ đô, đất nước Singapore như một khu rừng nguyên sinh ở miền xa lắc nào đó của châu Phi, châu Mỹ. Trên bản đồ thế giới, Sing như một chấm nhỏ, màu xanh đậm đặt giữa mênh mông biển. Người ta nói về Sing bao nhiêu thì nhắc đến môi trường, đến rừng trong thành phố bấy nhiêu, như một niềm tự hào của người Đông Nam Á, châu Á. Singapore không có rừng tự nhiên nhưng xứ sư tử biển đã có bàn tay và khối óc con người tạo nên những cánh rừng non tơ.

    Từ sân bay Changi về trung tâm thành phố, ''cửa rừng'' Sing đã hiện ra. Ven sườn các đại lộ nối liền sân bay chỉ có rừng, hoa và ô tô. Tất cả mọi người trước khi đặt chân đến Sing đều ít nhiều được biết về một thủ đô, một đất nước đẹp diệu kỳ, mơ màng giữa những cánh rừng xen kẽ trong các khối nhà chọc trời. Nhưng dường như, chỉ có đi mới biết, có đến mới thấy. Singapore đã làm được nhiều hơn những gì người châu Á và thế giới nghĩ. Nhất là về thiên nhiên mà họ tạo ra. Người ta gọi Singapore là một thành phố hoa, có môi trường vệ sinh sạch sẽ vào loại bậc nhất thế giới. Trong tất cả những biện pháp cứng rắn quản lý công cộng của mình, Singapore đặc biệt nghiêm khắc trong việc bảo vệ cây xanh. Mấy năm gần đây Bộ Môi trường Singapore thường triển khai những khoá học liên quan đến môi trường để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.


    Nhạc nước, một đặc sản tại Singapore đối với khách du lịch- Ảnh: LTVinh

    Ở đây, ngay từ khi tính chuyện phát triển đất nước, người Sing đã chú trọng vấn đề trồng cây. Cây được trồng bất cứ chỗ nào có đất trống để điều hoà không khí và giữ gìn môi trường. Cây cũng là cảnh quan, là văn hoá. Đặc biệt, với đất nước không có khoáng sản này, người ta xem cây xanh như một thứ tài nguyên hiếm hoi giữa bốn bề biển cả. 4 ngày ở Sing, đi đến đâu chúng tôi cũng ngỡ như mình đang đi giữa rừng. Đó là cảm giác, đó cũng là thực tế với mỗi ai từng ngao du trên đường phố đầy lọng ô và lạc lối vào những cánh rừng mini của xứ sư tử biển nhỏ bé. Có 3 loại cây được trồng chủ yếu ở Sing đều là cây nhập khẩu. Cây ''lọng ô'', tembusu trồng ở hầu hết các đại lộ Sing được nhập khẩu từ châu Phi. Tembusu nhiều cành, tán rộng, lá ít rụng, không sâu và đặc biệt tuổi thọ dài.

    Với tembusu, người Sing thường có những vườn ươm nuôi dưỡng, cây đến tuổi sẽ được biến thành lọng ô và ''găm'' khắp đường phố. Loại cây thứ 2 được trồng nhiều ở Sing là cây hoa giấy. Loại này nhập khẩu từ Braxin. Khác với tembusu ''cắm lọng'' ngay mặt đất, hoa giấy được trồng chủ yếu trên những ''con đường tầng 2'', cầu vượt... tạo thành các đại lộ hoa ngoằn ngoèo, xuyên suốt thành Sing bé nhỏ. Loại cây thứ 3 là cây hoa đại. Loại này người Sing nhập từ Mexico xa xôi. Loại hoa đại to, cánh dày, mùi thơm nồng này được trồng ít hơn tembusu và hoa giấy, chủ yếu ở trong khuôn viên công sở, chung cư, khu biệt thự cao cấp hoặc ở những danh thắng nổi tiếng.

    Với việc giữ gìn vệ sinh môi trường, hàng năm, Bộ Môi trường Singapore thường tổ chức phong trào giữ gìn vệ sinh công cộng. Những cuộc thi quảng cáo, thiết kế nhà vệ sinh công cộng luôn sôi động. Hơn thế, nước Sing còn có các cuộc bình chọn khu vệ sinh công cộng sạch sẽ nhất, có đường dây nóng để đón nhận ý kiến phản ánh của nhân dân về vệ sinh công cộng 24/24. Tuy nhiên, người Sing làm được điều này bởi vì việc giữ gìn vệ sinh môi trường công cộng đã trở thành phản ứng ăn sâu vào tiềm thức, hành động của mỗi người dân. Các cuộc thi về vệ sinh, môi trường thường thu hút được đông đảo quần chúng tham gia.

    Một người đi cùng đoàn chúng tôi tới Singapore vừa qua đã nói, vào nhà vệ sinh công cộng tại Sing không còn cảm giác khó chịu nữa, mà là sự... ''thưởng thức''. Anh đưa ra dẫn chứng, hầu hết các nhà vệ sinh ở các siêu thị, trung tâm thương mại, khu giải trí của Sing đều thấy tràn ngập... ''văn hoá''. Đó là không chỉ nơi người ta ''giải quyết nỗi buồn'' mà còn là nơi để trang trí, giới thiệu những tranh ảnh, tác phẩm hội hoạ, những nét văn hoá. Nhiều khi, vào nhà vệ sinh như lạc vào... bảo tàng, phòng trưng bày...

    Ở Sing 4 ngày, khi ra sân bay Changi, nhiều người trong đoàn chúng tôi không ngắm nhìn tạm biệt ''thành phố lọng ô'', ''khu rừng giữa biển'' mà nhấc giày lên, nhìn xuống đế và sẽ sàng nói với nhau: ''4 ngày lang thang khắp Sing mà đế giày... vẫn sạch!''.

    Niềm tự hào... phong thuỷ!


    Một ''quả sầu riêng'' bên vịnh Marina- Ảnh: Phạm Tuấn

    Sing là đất nước có gần 80% người Hoa nên vấn đề phong thuỷ luôn được chú trọng. Từ công trình xây dựng nhỏ nhất như nhà cửa đến các công trình văn hoá, xã hội họ đều mang phong thuỷ ra chọn hướng, chọn kiểu dáng. Và mấy năm gần đây, xen lẫn niềm tự hào về một đảo quốc sư tử biển nhỏ bé với những phát triển lớn thì người Sing còn có sự tự hào về những công trình kỳ vĩ từ những ý tưởng... phong thuỷ.

    Một trong những công trình mang đậm nét phong thuỷ, biểu tượng mới của người Sing là nhà hát Opera có hình ''hai quả sầu riêng'' Esplanade nằm gợi mở bên vịnh Marina. ''Hai quả sầu riêng'' được khánh thành vào năm 2002. Người Sing tự hào xem Esplanade như biểu tượng sánh vai với nhà hát vỏ sò Sydney (Australia). Bên cạnh dáng vẻ hoành tráng và đặc sắc, bao trùm lên ''hai quả sầu riêng'' là dấu ấn của các chuyên gia phong thuỷ hàng đầu của Sing. Nhìn xa hay gần, nhìn thoáng qua hay ngắm kỹ, Esplanade vẫn là ''hai quả sầu riêng'' với trên 7.000 ''mắt'' lấp lánh cả đêm lẫn ngày. Bên trong Esplanade là một nhà hát kịch có thể chứa 2.000 người và một nhà hát ca nhạc chứa 1.600 người.

    Thuỳ Dương, một hướng dẫn viên người Việt tại Sing tiết lộ, ''hai quả sầu riêng'' được xây dựng trong 12 năm ròng rã, kinh phí lên đến 600 triệu USD Sing. Trước khi Esplanade khởi công, người dân Sing đã phản đối rất nhiều nhưng rồi khi xây xong, họ thấy ''hai quả sầu riêng'' đúng là sản phẩm tuyệt hảo của ý tưởng phong thuỷ trên chính phần đất họ đã dày công ''khai hoang lấn biển''. Con cháu ông Lý Quang Diệu tự hào vì Esplanade. Hơn nữa, ''hai quả sầu riêng'' cũng nằm cạnh vịnh Marina luôn đầy ăm ắp nước. Theo quan niệm của người Sing, có nước là có tiền. Những ngày chúng tôi ở Sing, hầu như mưa liên tục. Nếu theo người Sing, có nước là có tiền thì đúng thật! Khách du lịch đặt chân đến Sing, tiêu đô la Sing, mua sắm, tham quan với giá ''cắt cổ'' mà vẫn vui và vẫn sẵn lòng vì... Sing đẹp. Có lẽ người dân Singapore chỉ mong trời mưa!

    Không chỉ tự hào với biểu tượng mới ''hai quả sầu riêng'', người Sing còn có một nơi cũng mang đậm nét phong thuỷ Á đông mà mấy ngày ở Sing, ngày nào chúng tôi cũng đi qua. Đó là ''Suntec City'', một khu tổ hợp văn phòng, mua sắm lớn nhất "quốc đảo". Người ta còn gọi nơi đây là ''thành phố giữa thành phố''. Theo phong thuỷ, Suntec City là ''một bàn tay'' mạnh mẽ, được xây dựng theo thuyết ngũ hành. Nó được thiết kế và chọn hướng theo chùm 5 toà nhà chọc trời xếp vòng cung cạnh nhau. Mỗi ''ngón tay'' sẽ mang một sức mạnh riêng để tạo nên một "bàn tay có tiền, cất tiền" của người Singapore. 4 toà nhà từ 1 đến 4 đều cao 42 tầng, toà số 5 ở giữa được bố trí thấp hơn, vững chãi hơn và có hình dạng như ngón tay cái. Ở giữa 5 ''ngón tay'' khổng lồ này, các thầy phong thuỷ đặt một nét chấm phá. Đó là một tháp nước biểu trưng niềm thịnh vượng và người Sing thường xem đây là tháp nước lớn nhất thế giới.

    Người dân Sing có niềm tin vào phong thuỷ. Đó là một phần lý do của những vườn hoa, khu rừng được xếp đặt hài hoà bên cạnh những ngôi nhà chọc trời mang những hình dáng phong phú. Và làm bất cứ điều gì người Sing cũng cần đến phong thuỷ.

    Sau "tiếng gầm của sư tử biển"?


    Cáp treo ở Singapore- Ảnh: Phạm Tuấn

    Chỉ với diện tích khiêm nhường 639,1km2 và dân số chưa đến 4,5 triệu người, Singapore được đánh giá là nước phát triển mạnh mẽ về kinh tế và giữ vững về môi trường. Người ta ví sự phát triển của Singapore như một tiếng gầm vang dội của sư tử giữa đại dương mênh mông. Tiếp nhận chức Thủ tướng từ tay người tiền nhiệm Lý Quang Diệu, ông Goh Chok Tong đã làm được khá nhiều điều cho quốc đảo Singapore. Sau 14 năm cầm quyền, ông Goh Chok Tong được ví như người thuyền trưởng tài ba chèo lái con thuyền Sing đứng vững về tài chính và phát triển tăng trưởng, đem lại sự thịnh vượng như ngày nay cho Singapore. Năm 1990, thu nhập bình quân đầu người của Singapore mới chỉ gần 22 ngàn đô la Sing, tới năm 2003 đã lên đến gần 39 ngàn.

    Trong ''tiếng gầm của sư tử biển'', ngoài sự phát triển về kinh tế, đời sống nhân dân, Singapore còn được nhắc đến nhiều về môi trường như một tấm gương cho nhiều nước trên thế giới noi theo. Đó là một nỗ lực, một ước mơ. Một nỗ lực được thể chế hoá bằng mọi hình thức phạt nghiêm khắc. Một ước mơ được vun đắp từ thực tế, từ sự mong muốn phát triển hài hoà.

    4 ngày ở Sing, chúng tôi được biết đến nhiều chuyện thú vị liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Đầu tiên là chuyện Chính phủ Sing khuyến khích các hướng dẫn viên du lịch tham gia bảo vệ môi trường. Khi du khách vừa đặt chân đến Sing sẽ được hướng dẫn viên với bộ mặt lo lắng nói về các mức phạt rất nặng dành cho người vứt rác, hút thuốc bừa bãi nơi công cộng. Người vi phạm có thể phải trả tới 500 đô la cho một lần hút thuốc nơi không có gạt tàn hoặc vứt rác không đúng quy định. Nếu khách chỉ... cười trừ vì không có tiền? Cơ quan chức năng vẫn... OK. Nhưng theo đó là 2 tuần vị khách này phải khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ lao động và miệt mài xúc đất, nhổ cỏ, dọn vệ sinh dọc bờ biển để... trừ nợ. Đó là đối với khách du lịch, còn người dân Singapore cố tình vi phạm luật bảo vệ môi trường ngoài hình thức bị phạt tiền sẽ bị bắt mặc chiếc áo in hàng chữ ''con sâu rác rưởi'' sau lưng, kèm theo là lao động. Ai vi phạm nhiều lần sẽ ''được'' đưa hình ảnh lên báo như một... tấm gương xấu!

    Quả thực, khi mới đến Sing, nghe những điều này chúng tôi không khỏi... rợn tóc gáy. Nhưng Sing là vậy, tất cả đều quy ra... phạt. Cả đoàn bảo nhau sẽ cố gắng để không ''dính đòn''. Thế rồi những cơn thèm thuốc lá trong 4 ngày ở Sing cũng làm lũ đàn ông chúng tôi quên phắt mình đang ở đâu. Cứ tiện là chúng tôi mang thuốc ra hút, không có gạt tàn thì bỏ mấy đồng xu lẻ ra mua một bình nước đóng sẵn, đổ vào thùng rác và lấy vỏ làm gạt tàn. Tuy nhiên, vừa hút cả đám vừa mắt la mày lét để ý xung quanh vì hướng dẫn viên ''dọa'' rằng cảnh sát Singapore hay mặc quần áo dân thường đi phạt. Thật may, rất nhiều địa điểm ở Sing không có gạt tàn vẫn có người đứng hút thuốc và nỗi sợ hãi mơ hồ của chúng tôi cũng phần nào vơi vai. Trở về Việt Nam, trong lúc vô tư hút thuốc... ở mọi nơi, mọi lúc chúng tôi chợt nghĩ lại và thấy, có thể những chuyện cấm, chuyện phạt không đến nỗi ''gắt'' như thế, nhưng hướng dẫn viên có nhiệm vụ phải ''doạ'' khách! Đó cũng là điều mà nước Sing làm được, làm hay?


    Trên đường phố Singapore luôn rợp bóng cây tembusu- Ảnh: LTVinh

    Sau ''tiếng gầm sư tử biển'' là gì? Bên cạnh sự phát triển của Sing, người ta đã đặt quá nhiều câu hỏi về một xã hội nhiều thay đổi trong giới trẻ, đặc biệt là các thiếu nữ Sing lấy tiêu chuẩn 5C ra chọn lựa đấng phu quân. 5C được hiểu theo tiếng Anh là Car (ô tô), Cash (tiền mặt), Credit Card (thẻ tín dụng), Career (nghề nghiệp) và Condominium (chung cư cao cấp). Thực tế cho thấy, ở Sing đang tồn tại một xã hội phát triển, một mức thu nhập cao nhưng cách quản lý của gia đình lại dần xuống. Giới trẻ Sing đang tự thay đổi với những nhu cầu lớn về cuộc sống hiện đại. Đây cũng được coi là sự sành điệu, nhưng trong nỗi lo lắng khôn nguôi!

    Dù phát triển đến đâu, Singapore vẫn là một nước đậm giá trị văn hoá Á Đông. Ở đó, giá trị tình cảm thực sự được coi trọng trong cuộc sống xã hội và gia đình. Một thông báo gần đây cho thấy, sau khi những tiêu chuẩn "C" được hiện thực hoá trong cuộc sống thì tỷ lệ ly hôn ở Sing gia tăng. Một điều dễ hiểu, ở đâu cũng vậy, hôn nhân bền vững bao giờ cũng bắt nguồn từ tình yêu đích thực. Nhưng thật khó, giá trị truyền thống và sự phát triển liệu có đồng hành trên cùng một con đường...?

    Thế Lê Vinh

    ( Vietnamnet)
     

Chia sẻ trang này