Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
  1. alibaba8757

    alibaba8757 New Member

    Tham gia ngày:
    24 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    275
    Điểm thành tích:
    0
    Chào các bạn,

    Lang thang trên mạng, tôi đọc được cuốn sách này khá hay.Xin được chia sẻ với các bạn.

    "How to Win Friends and Influence People" của tác giả Dale Carnegie là một trong những cuốn sách hay, bán chạy nhất nước Mỹ trong nhiều thập kỷ, được xuất bản lần thứ nhất vào năm 1936 và tái bản không biết bao nhiêu lần, được không biết bao nhiêu người áp dụng và làm theo. Có hàng trăm hội thảo, nghiên cứu và áp dụng các phương pháp sống của ông. Ngày nay, thậm chí có cả trường Đại Học mang tên ông.

    Nếu các bạn ủng hộ, tôi sẽ post dần cuốn sách này lên đây (bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Hiến Lê) để các bạn tham khảo và bàn bạc, nghiên cứu, các bạn có thể bình luận.

    Chúc các bạn tìm thấy nhiều bài học bổ ích và niềm vui khiđọc cuốn sách này.
     
    Last edited by a moderator: 2 Tháng mười 2006
  2. alibaba8757

    alibaba8757 New Member

    Tham gia ngày:
    24 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    275
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Đắc Nhân Tâm

    Một bí quyết quan trọng trong phép xử thế


    Muốn dẫn dụ ai làm một việc gì theo ý ta, chỉ có cách là làm cho người ấy phát khởi cái ý muốn làm việc đó.

    Xin các bạn nhỡ kỹ điều ấy.

    Xin các bạn nhớ rằng không có một cách thứ hai nào nữa.

    Đã đành, bạn có thể chĩa súng vào bụng một người qua đường mà bắt người đó phải cởi đồng hồ ra đưa cho bạn. Bạn cũng có thể bắt một người làm công phải chăm chỉ làm việc cho tới khi bạn quay lưng đi, bằng cách dọa tống cổ hắn ra cửa.

    Cầm chiếc roi mây, bạn có thể bắt con nít vâng lời được. Nhưng những cách tàn bạo đó có những phản động tai hại lắm. Muốn cảm động ai và dẫn dụ người đó tới hành động, chỉ có một cách là người ta muốn gì, cho người ta cái đó.

    Mà chúng ta muốn những gì? ít lắm, nhưng khi chúng ta đã muốn thì chúng ta nằng nặc đòi cho kỳ được. Những cái chúng ta muốn là:

    1- Sức khỏe và sanh mạng
    2- Ăn
    3- Ngủ
    4- Tiền của
    5- Để tiếng lại đời sau
    6- Thỏa nhục dục
    7- Con cái chúng ta được mọi sự đầy đủ
    8- Được người khác coi ta là quan trọng.

    Freud, nhà bác học Đức trứ danh về bệnh thần kinh nói rằng hai thị dục căn bản của nhân loại là tình dục và thị dục huyễn ngã.

    Triết gia John Dewey nói: Thị hiếu mạnh nhất của nhân loại là thị dục huyễn ngã. Xin các bạn nhớ kỹ câu: ''Thị dục huyễn ngã''.

    Nghĩa nó vô cùng và bạn sẽ thường gặp nó trong cuốn sách này.

    Bảy thị dục khác đều dễ thỏa mãn, duy có thị dục đó ít khi được thỏa lắm, tuy nó cũng khẩn cấp như ăn và ngủ.

    Abraham Lincoln nói: ''Ai cũng muốn được người ta khen mình''. Chúng ta đều khát những lời khen chân thành mà than ôi! ít khi người ta cho ta cái đó.

    Những kẻ nào đã học được cái bí quyết làm thỏa mãn lòng đói khát lời khen đó, nó tuy kín đáo mà giày vò người ta, đâm rễ trong lòng người ta, thì kẻ ấy ''nắm được mọi người trong tay mình'' và được mọi người tôn trọng, sùng bái, nghe lời, ''khi chết đi, kẻ đào huyệt chôn người đó cũng phải khóc người đó nữa''.

    Loài vật không có dục vọng ấy. Nghiêm quân của tôi khéo nuôi heo và bò, kỳ đấu xảo canh nông nào ông cũng được giải thưởng.Ở nhà, ông ghim hết thảy những bằng cấp đó lên trên một tấm lụa trắng, khách khứa lại, ông mở ra khoe. Những con heo thản nhiên đối với những giải thưởng đó cho ông cái cảm tưởng rằng ông rất quan trọng.

    Nếu các bậc tiền nhân không có thị dục trở nên quan trọng đó, thì văn minh không có và chúng ta cũng chỉ như loài vật thôi.

    Nhờ nhu cầu đó mà một thầy ký quèn, trong một tiệm tạp hóa, học lực dở dang, mua những sách luật rách nát, về mải miết học để rồi trở nên một vĩ nhân: Lincoln. Các văn hào, thi hào viết được những cuốn sách bất hủ, các ông ''vua dầu lửa, xe hơi... trở nên triệu phú đều nhờ thị dục đó cả.

    Gia đình ít người mà cất ngôi nhà cực rộng lớn, mua chiếc xe hơi kiểu mới nhất, sắm bộ đồ cho hợp thời trang, khoe sự học hành tấn tới của con mình; cũng đều do thị dục đó hết. Cũng chỉ vì muốn thỏa lòng ao ước trở nên một danh nhân, mà biết bao thiếu niên Mỹ đã thành những tướng cướp lợi hại, những tay sát nhân không gớm máu, cho đến nỗi khi chúng bị bắt rồi thì đòi cho được đọc ngay những tờ báo để tiện trong đó người ta tả chúng như những vị anh hùng. Được coi hình chúng trên mặt báo, bên cạnh hình những danh nhân trên thế giới, chúng quên cái ghế điện nó đợi chúng.

    Muốn biết tình hình, tư cách một người ra sao, ta chỉ cần xét người đó dùng những phương tiện nào để thỏa mãn thị dục huyễn ngã.

    Rockefeller thỏa mãn nó bằng cách cất ở Bắc Kinh (Trung Hoa) một nhà thương tối tân để săn sóc hàng triệu người nghèo, mà ông chưa từng và sẽ chẳng bao giờ thấy mặt. Dillinger thỏa mãn nó bằng cách giết người, ăn cướp các ngân hàng. Bị lính công an săn bắt, nó trốn vào một trại ruộng mà tự xưng với người trong trại: ''Dillinger là ta đây!''. Nó tự đắc được cái danh là ''kẻ thù'' số một của quần chúng''.

    Nhiều vĩ nhân trong thế giới cũng mắc cái tật tự khoe mình là quan trọng. George Washington bắt mỗi người phải xưng tụng ông là: ''Huê Kỳ Tổng thống Đại nhân''. Kha Luân Bố đòi cho được cái danh là: ''Đề đốc Đại Tây Dương và Phó vương ấn Độ''. Catherine, Hoàng hậu nước Nga, không chịu đọc những thư mà ngoài không đề: ''Hoàng đế ngự lâm''. Bà Tổng thống Lincoln, một hôm, dữ như cọp cái, quay lại mắng bà Grant giữ dinh Bạch ốc: ''Sao? Tôi chưa mời mà bà dám cả gan đối tọa với tôi sao?''.

    Các nhà triệu phú của ta sở dĩ bỏ tiền ra cho Đề đốc Byrd thám hiểm Nam Cực vì Đề đốc hứa sẽ lấy tên của họ đặt tên cho những ngọn núi quanh năm tuyết phủ ở miền ấy. Thi hào Victor Hugo chỉ cầu sao cho người ta lấy tên ông đặt tên cho kinh đô nước Pháp. Và thi hào Anh Shakespeare tuy đã được cả nước Anh tôn sùng mà còn mua tước vị để thêm danh giá cho gia đình ông. Có kẻ làm bộ đau, bắt người săn sóc mình, chiều chuộng mình để được thấy mình là quan trọng. Như một cô nọ, hết hy vọng kiếm chồng được, đương khỏe mạnh, hóa ra tật nguyền, nằm hoài ở giường, bắt mẹ già săn sóc trong mười năm, lên thang xuống thang để hầu hạ cơm nước. Bà mẹ kiệt sức, chết. Trong vài tuần lễ, cô ả ủ rũ, bỗng một hôm đứng phắt ngay dậy, trang điểm, rồi... đi lại như hồi trước.
    Đem giải phẫu bộ óc, thì có một nửa số người điên cũng bình thường như óc chúng ta. Một vị bác học trứ danh nhận thấy rằng phần nhiều những người đó chỉ muốn tìm, trong tưởng tượng, sự thỏa mãn của lòng tự phụ mà hóa điên. Trong đời thực tế, họ tầm thường bao nhiêu, tự thấy mình hèn hạ bao nhiêu, thì trong thế giới tưởng tượng của họ, họ càng tự thấy oai quyền và danh vọng của họ lớn lao bấy nhiêu. Những kẻ đó sướng hơn chúng ta nhiều lắm. Họ đã kiêm được, trong thế giới thần tiên của họ, cách thỏa mãn lòng khát khao danh vọng của họ. Họ ký một tấm chi phiếu một triệu đồng, hoặc viết một bức thư tiến dẫn ta với Hoàng đế Ba Tư rồi vinh hạnh đưa cho ta.

    Đã có những người vì khát khao danh vọng mà hóa điên như vậy, thì sự biết khen tài năng của những người ở chung quanh ta tất phải là một phép mầu nhiệm vô cùng.
     
  3. alibaba8757

    alibaba8757 New Member

    Tham gia ngày:
    24 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    275
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Đắc Nhân Tâm

    SÁU CÁCH GÂY THIỆN CẢM:

    Một Cách Dễ Dàng Đễ Gây Mỹ Cảm Lúc Sơ Kiến

    Có nhiều bà muốn gây mỹ cảm tiêu cả 1 gia tài để đắp vào thân những nhung lụa, đeo vào người những vàng ngọc mà quên hẳn bộ mặt của mình đi, bắt nó mang những nét chua ngoa và ích kỉ. Họ quên rằng đối với đàn ông , nét mặt nụ cười quan trọng hơn cả tơ lụa trên mình.

    Charles Schwab nói rằng nụ cười ông ta đáng giá triệu đồng.Số đó còn dưới sự thật vì tất cả sự thành công lạ lùng của ông đều nhờ tâm đích ông, duyên kín của ông.Mà chính nụ cười quyến rũ của ông lại là khả năng khả ái nhất.

    Mỉm cười với ai tức như nói với người đó "tôi mên ông...được gặp ông tôi vui vẻ lắm...tôi sung sướng lắm.."

    Lẽ cố nhiên nụ cười đó phải chân thật tự đáy lòng phát ra mới quyến rủ, ủy lạo được người, còn thứ nụ cười nhếch mép nở ngoài môi như do 1 bộ máy phát ra không lừa được ai hết ,chỉ làm người ta ghét thôi.Ông chỉ huy nhân viên 1 cửa hàng lớn ở NYC nói rằng ông ưa mướn 1 cô bán hàng học lực sơ đảng mà nụ cười có duyên hơn là 1 cô cử nhân văn chương mà mặt lạnh như băng.

    Tại sao ta thương loài chó? Tại chúng tung tăng vui mừng đón rước ta ,làm ta vui lòng khi thấy chúng.

    Nếu không thấy hứng thú khi làm 1 việc gì thì không thể làm việc đó. Đã từng có người bắt tay vào làm việc với một lòng hoan hỉ vô biên vì vậy mà thành công. Nhưng lâu dần quen nghề , lòng hoan hỉ tiêu tan. Người đó chỉ làm đủ bổn phận thôi, rồi tới chán nản, rồi tới thất bại.

    Trong xã giao cũng vậy, phải hoan hỉ giao du với người thì người mới mong hứng thú giao du với mình. Ví dụ như câu chuyện của Steinhart : là người đàn ông càu nhàu khó chịu nhất NYC , có vợ được 18 năm nhưng trong thời gian đó ông ta rất hiếm khi mỉm cười với vợ. Ông ta quyết định thí nghiệm tuần lễ mỉm cười. Khi rửa mặt nhìn trong gương ông tự nhủ phải bỏ bộ mặt đưa đám đó đi và quyết chí mỉm cười. Khi ngồi vào bàn ăn sáng ông mỉm cười chào cả nhà.Vợ ông ngạc hiên vô cùng.Ông cứ giữ thái độ như thế trong 2 tháng và tìm thấy được rất nhiều hạnh phúc trong gia đình. Bây giờ gặp người coi thang máy, bồi bàn , giữ cữa.. gặp ai Steinhart cũng mỉm cười. Ông không chỉ trích hay chê ai hết mà khuyến khích,khen ngợi. Ông không kể chuyện của ông cho người khác nghe nữa mà ráng hiểu nỗi lòng của họ.Ông đã biến thành một con người mới, sung sướng có lòng từ thiện và được mọi người thương.

    Franklin Bettger, một biện sư khéo léo nhất trong nghề bảo hiểm nói: " Từ lâu tôi đã hiểu rằng với nụ cười đi đâu ta cũng được đón tiếp niềm nở. Cho nên trước khi vô nhà 1 thân chủ nào tôi dừng lại 1 chút, nghĩ tới tất cả những sung sướng mà trời đã ban cho tôi. Ý nghĩ đó tự nhiên làm nở nụ cười trên môi tôi..và tôi gõ cửa, tươi tỉnh như một đoá hoa. Một phần lớn nhờ có thuật đó mà tôi thành công".

    Hạnh phúc của chúng ta không do ngoại vật đem tới mà tự tâm ta phát ra. Hai người ở cùng 1 chổ ,cùng làm 1 nghề, tài sản ngang nhau, địa vị trong xã hỗi bằng nhau mà 1 người sướng 1 người khổ là vì đâu? Vì tâm trạng họ khác nhau.

    Abraham Lincoln nghiệm rằng phần nhiều người ta biết an phận mà được sung sướng. Ông nói có lí và tác giả đã có dịp nhận rõ sự thật đó : Một hôm tác giả đã gặp 30 đứa nhỏ tàn tật chống gậy lết bết leo lên những bậc thang của nhà ga ở NYC. Có đứa phải cõng mới lên nổi. Ông ngạc nhiên nghe chúng vui cười giòn giã. Người coi sóc chúng đã giải thích cho ông biết rằng : "Khi 1 em đó hiểu rằng mìng sẽ tàn tật suốt đời thì mới đầu như rụng rời ,rồi bình tĩnh lại, cam lòng với định mạng , rồi cảm thấy sung sướng hơn những đứa trẻ mạnh."

    Xin các bạn đọc và thi hành vì đọc suông không có hiệu qủa như những lời khuyên sau này của giáo sư Albert Hubbard:

    " Ở nhà bạn ngững đầu lên đưa cằm ra hít đầy phổi không khí và ánh sáng mặt trời , mỉm cười với mọi người và thân ái siết tay người quen biết. Đừng mất thời giờ nghĩ tới kẻ thù bạn. Ráng vạch rõ trong đầu mục đích bạn muốn dạt và thẳng tiến tới lí tưởng đó.Một khi bạn đã định kĩ những hành vi đẹp đẽ cao thượng bạn muốn làm thì tự nhiên ngày tháng sẽ đưa cơ hội thuận tiện lần lần cho bạn thực hiện ý muốn của bạn, cũng như cặn bụi trong nước biển lần lần tụ mà trở nên san hô".

    Mãnh lực của tư tưởng tối cao. Bạn hãy nuôi lấy 1 tâm trạng quân tử ,can đảm,chung tín và vui vẻ. Vì tư tưởng đẹp thì hành vi rất đẹp. Đã ham muốn tất phải thành công và lời cầu nguyện nào chân thành cũng được chuẩn hứa. Lí tưởng ấp ủ trong đầu sẽ cấu tạo nên những hành vi hợp với lí tưởng. Ngẩng đầu lên vì nếu trong mỗi cái kén có 1 con bướm chưa nở thì trong tâm mỗi người cũng có 1 điểm phật, chỉ đợi dịp phát huy.

    Giá Trị Của Nụ Cười:
    1- Nụ cười không mất vốn mà lợi rất nhiều
    2- Một nụ cười không làm nghèo người phát nó mà làm giàu người nhận nó.
    3- Kẻ phú quí tới bậc nào mà không có nụ cười thì vẫn còn nghèo, còn kẻ nghèo hèn tới đâu mà sẵn có nó thì vẫn còn cái vốn vô tận.
    4- Một nụ cười chỉ nở trong khoảnh khắc , nhưng có khi làm cho ta nhớ suốt đời.
    5- Nụ cười gây hạnh phúc trong gia đình,là nguồn gốc của những hảo ý trong thương nghiệp và là dấu hiệu của tình bè bạn.
    6- Nụ cười bồi dưỡng kẻ mệt nhọc, là hình ảnh bình minh cho kẻ ngã lòng, là nắng xuân cho kẻ buồn rầu và là thuốc mầu nhiệm nhất của tạo hoá để chữa lo âu.
    7- Nụ cười không thể mua được, không thể xin được, không mược được mà cũng không thể ăn cắp được. Ta giữ khư khư nó thì nó chẳng có giá trị gì nhưng nếu dùng 1 cách phung phí thì giá trị vô cùng.
    8- Cho nên khi gặp 1 người mệt nhọc không còn sức tười cười với bạn được thì hãy mỉm cười với người đó đi vì người nào không còn lấy nụ cười để tặng kẻ khác thì người đó cần nhận nụ cười hơn ai hết.

    Vậy nếu bạn muốn được thương mến xin nhớ qui tắc này: Giữ Nụ Cười Trên Môi.
     
  4. Nhac Nghi

    Nhac Nghi New Member

    Tham gia ngày:
    11 Tháng tám 2006
    Bài viết:
    43
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: đắc Nhân Tâm

    Hay lắm, cảm ơn anh Alibaba.
     
  5. alibaba8757

    alibaba8757 New Member

    Tham gia ngày:
    24 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    275
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: đắc Nhân Tâm

    Hãy khêu gợi ở người

    Hãy khêu gợi ở người cái ý tự muốn làm công việc mà chính ta đề nghị với họ

    Tôi thì tôi ưa trái cây lắm. Nhưng không hiểu vì một lẽ bí mật gì, loài cá không ưa trái cây như tôi mà lại ưa trùm. Vì vậy khi đi câu, tôi không nghĩ đến cái tôi thích mà chỉ nghĩ đến cái mà cá thích thôi. Tôi không móc trái cây vào lưỡi câu để nhử chúng, mà móc vào đó một con trùn hay một con cào cào, rồi đưa đi đưa lại trước miệng cá và hỏi nó: ''Cá có thèm không?''.

    Tại sao ta không dùng chiến thuật đó với người? Khi người ta hỏi ông Thủ tướng Lloyd George tại sao ông nắm được quyền hành lâu mà ông khác thì bị lật đổ, bị bỏ rơi, ông đáp: ''Tôi luôn luôn ráng kiếm mồi hợp với sở thích của cá''.

    Tại sao cứ luôn luôn nói tới cái mà chúng ta muốn? Thực là vô ích, ngây thơ và vô lý. Đã đành, cái gì ta thích thì ta để ý tới luôn, nhưng chỉ có một mình ta để ý tới nó. Vì những người khác họ cũng chỉ nghĩ tới cái họ thích thôi, không cần biết ta thích cái gì.

    Cho nên chỉ có mỗi cách dẫn dụ người khác theo mình là lựa cách nói sao lời yêu cầu của mình hạp với sở thích của họ và chỉ cho họ cách đạt được sở thích đó.

    Xin bạn nhớ kỹ điều đó. Nếu bạn muốn cấm con bạn hút thuốc chẳng hạn, đừng thuyết pháp với nó, đừng bảo nó: ''Ba muốn thế này, ba muốn thế khác''. Trái lại, nên chứng minh cho nó thấy rằng chất độc trong thuốc làm hại bộ thần kinh và nếu nó không bỏ thuốc đi, thì có lẽ tới kỳ thi thể thao sau, nó sẽ thua anh em mất. Phương pháp đó luôn luôn công hiệu, dù là áp dụng với con nít hay với bò con, với đười ươi. Một hôm, hai cha con triết gia R.W.Emerson muốn dụ một con bê vào chuồng. Nhưng họ mắc phải cái lỗi thông thường là chỉ nghĩ tới cái họ muốn. Cho nên cha kéo, con đẩy. Tai hại thay! Con bê cũng như họ, chỉ nghĩ tới cái nó muốn thôi; chân nó bám vào đất, cứng ngắt, không chịu rời đồng cỏ. Người ở gái thấy tình cảnh đó: chị không biết nghệ thuật viết sách và viết tùy bút, nhưng ít nhất trong trường hợp này, chị cũng có nhiều lưỡng tri hơn nhà triết học Emerson. Chị như bê con, đưa ngón tay vào mõm con vật như mẹ cho con bú, và con vật ngoan ngoãn đi theo ngón tay chị mà vào chuồng.

    Ngay từ hồi sơ sinh, bất kỳ một hành động gì của ta cũng vì lợi hết. Ta cho một hội thiện 500 quan ư? Có chắc là hoàn toàn không vị lợi không? Không. Bởi ta cho như vậy là để được tiếng hảo tâm, để thỏa lòng ưu làm việc nhân, đẹp và cao cả, và để phước về sau. Và Thánh kinh có nói rằng: ''Con bố thí tức là cho Cha vậy''. Hoặc vì không từ chối được vì sợ mắc cỡ... hay vì muốn làm vui lòng một bạn thân, một thân chủ. Dù sao đi nữa thì cũng có một điều chắc chắn là ta đã cho vì ta muốn thỏa mãn một thị dục - Trong cuốn ''Nghệ thuật dẫn dụ hành động của loài người''. Giáo sư Harry A.Overstreet viết: ''Hành động do những thị dục căn bản của ta mà phát sanh. Để tặng những ai muốn dẫn dụ người khác trong việc làm ăn, trong chính trị cũng như trong trường học hay gia đình chỉ có lời khuyên này là hơn cả: Trước hết, phải gợi trong lòng người một ý muốn nhiệt liệt nghe theo ta''. Làm được như vậy thì cả thế giới giúp ta thành công và suốt đời chẳng bao giờ ta bị thất bại vì cô độc.

    Andrew Carnegie, hồi nhỏ chỉ được học có 4 năm, nhưng vì sớm hiểu bí quyết đó, nên hồi bắt đầu kiếm ăn, mỗi giờ công được có 4 xu, mà tới sau này tính ra ông đã quyên vào những việc từ thiện tới ba trăm sáu mươi lăm triệu đồng.

    Ông có hai đứa cháu làm cho mẹ lo lắng nhiều lắm vì đi học xa mà không bao giờ viết thư về nhà. Ông có cách không buộc trả lời mà chúng cũng trả lời lập tức. Ông viết một bức thơ ngọt ngào lắm rồi tái bút: ''Gởi cho mỗi cháu 5đ''. Nhưng ông làm bộ quên không gởi tiền. Tức thì có thư hồi âm liền, trong đó hai cháu cám ơn ''Chú Andrew thân mến'' và... Và gì nữa, chắc các bạn đã đoán được.
    Vậy ngày mai, nếu ta muốn cho ai làm một việc gì, ta hãy thong thả suy nghĩ và tự hỏi: Làm sao dẫn dụ cho ông ấy muốn làm việc mình cầu ông ấy được?

    Như vậy khỏi phải chạy lại nhà người ta để rồi chỉ nói về dự định của mình, ý muốn của mình mà luống công vô ích.

    Mỗi năm một lần, tôi mướn một phòng khiêu vũ tại một khách sạn lớn ở Nữu Ước để diễn thuyết.

    Có lần tới kỳ diễn thuyết, người ta thình lình cho tôi hay rằng tiến mướn phòng tăng lên gấp ba giá cũ. Khi đó tôi đã quảng cáo, in vé, bán vé, xếp dọn đâu vào đó rồi. Tất nhiên là tôi không muốn trả giá đó. Làm sao bây giờ? Đi kêu ca với người quản lý khách sạn đó ư? Đem cái thắc mắc của mình tỏ với người ta ư?

    ích lợi gì đâu? Người đó cũng như tôi, chỉ quan tâm tới điều họ muốn thôi. Tôi suy nghĩ và hai ngày sau tôi lại tìm người đó, và nói:

    ''Nhận được thư ông, tôi hơi ngạc nhiên. Nhưng tôi không trách ông đâu. ở vào địa vị ông, có lẽ tôi cũng hành động như ông. Bổn phận của ông quản lý khách sạn này là thâu cho được nhiều lợi. Nếu ông không làm như vậy thì người ta sẽ mời ông ra và như vậy là đáng lắm... Nhưng nếu ông quyết giữ cái giá mới đó thì xin ông lấy một mảnh giấy và chúng ta cùng xét xem lợi và hại ra sao''.

    Rồi tôi gạch một gạch dọc chia tờ giấy ra làm hai, một bên đề ''Lợi'' một bên đề ''Hại''.

    Trong cột ''Lợi'', tôi biên mấy chữ này: ''Phòng khiêu vũ sẽ trống'' và tôi bàn miệng thêm: ''Như vậy ông có thể sẽ cho mướn để khiêu vũ hay hội họp. Lời lắm, vì khi đó giá mướn sẽ cao hơn nhiều, phải không ông? Nếu tôi chiếm phòng ấy trong ba tuần, chắc chắn là thiệt cho ông số lời ấy'' - Bây giờ chúng ta xét tới ''Hại''. Trước hết đáng lẽ tăng số lợi lên được. Ông sẽ không thu được một đồng nào hết, vì tôi không đủ sức trả giá ông định, sẽ đi mướn nơi khác để diễn thuyết.

    ''Vả lại, còn mất cái lợi này nữa. Tôi diễn thuyết, sẽ có nhiều thính giả thượng lưu, có học, giàu có và danh tiếng tới nghe. Thực là một sự quảng cáo cực tốt cho ông. Ông cứ bỏ 5.000đ quảng cáo trên báo, không chắc đã quyến rũ được một số thính giả như vậy tới khách sạn ông. Cái đó cũng đáng kể, phải không, ông?''.

    Vừa nói, tôi vừa viết hai điều hại đó trong cột ''Hại'', rồi đưa tờ giấy cho ông ta và nói: ''Xin ông cân nhắc kỹ lưỡng lợi và hại đi, rồi cho tôi biết ông quyết định ra sao''.

    Hôm sau, tôi nhận được một bức thư cho hay rằng tiền mướn đáng lẽ tăng lên 300 phần trăm thì chỉ tăng lên 50 phần trăm thôi.

    Xin các bạn để ý rằng tôi không hề xin giảm giá nhé. Trong suốt câu chuyện tôi chỉ nói tới điều mà ông ta quan tâm tới, tôi chỉ tìm kiếm và bày tỏ cho ông ta cách đạt được ý muốn đồ thôi.

    Nếu tôi theo sự xúc động tự nhiên trong lòng mà chạy tới kiếm ông ta, la lên: ''Cái gì lạ lùng vậy? Tự nhiên ông tăng tiền mướn lên 300 phần trăm khi ông biết chắc rằng tôi đã quảng cáo rồi, đã in vé rồi? Ba trăm phần trăm! Kỳ cục không? Điên rồi mà! Không khi nào tôi chịu giá đó đâu!''.

    Và chuyện sẽ xảy ra sao? Chắc chắn là chúng tôi sẽ cãi nhau và các bạn biết cãi nhau thường thường kết quả ra sao. Dù tôi có làm cho ông ta phải tự nhận rằng ông có lỗi đi nữa thì lòng tự ái của ông cũng không cho ông chịu thua và chuẩn lời tôi yêu cầu.

    Henry Ford nói: ''Bí quyết của thành công - nếu có - là biết tự đặt mình và địa vị người và suy xét vừa theo lập trường của người vừa theo lập trường của mình''.

    Trong nghệ thuật dùng người, chưa có lời khuyên nào chí lý bằng lời đó, cho nên tôi muốn nhắc lại: ''Bí quyết của thành công là biết tự đặt mình vào địa vị người và suy xét vừa theo lập trường của người vừa theo lập trường của mình''.

    Trong nghệ thuật dùng người, chưa có lời khuyên nào chí lý bằng lời đó, cho nên tôi muốn nhắc lại: ''Bí quyết của thành công là biết tự đặt mình vào địa vị người và suy xét vừa theo lập trường của người, vừa theo lập trường của mình''. Chân lý đó giản dị minh bạch làm sao! Đáng lẽ ai cũng phải biết ngay chứ. Thế mà trong một trăm người, thì có tới chín mươi người không biết đến, trong chín mươi chín trường hợp.

    Bạn muốn có một thí dụ ư? Thì ngày mai tới sở, bạn cứ xem xét những thư bạn nhận được, sẽ thấy sự thiếu lương tri đó. Đây là một bức thư chép nguyên văn, nói cho đúng hơn, là một tờ châu tri, của ông giám đốc một hãng quan trọng chuyên môn quảng cáo bằng vô tuyến điện, gởi cho mỗi ông quản lý những sở vô tuyến điện trong nước. (Những hàng chữ trong dấu ngoặc đơn là cảm tưởng của tôi trong khi đọc).

    Gởi ông John Blank ở Blandville (Indiana)

    Ông Blank thân mến,

    ''Công ty Megavox chúng tôi muốn giữ vững ưu thế vẫn có từ trước tới nay trong địa hạt quảng cáo bằng vô tuyến điện.

    (Tôi không cần biết điều ông muốn. Tôi đương lo lắng việc của tôi đây. Nhà Ngân hàng không chịu cho tôi cố nhà của tôi thêm một hạn nữa... Sâu ăn hết bông hồng của tôi... hôm qua chứng khoán xuống giá... tôi lỡ xe điện sáng nay... chiều qua người ta không mời tôi dự tiệc... lương y bảo tôi động mạch, bị bệnh thần kinh viêm. Tôi đường quạn đây thì đọc nhằm bức thư của một kẻ tự thị chỉ nói đến vinh dự của y, ý muốn của y thôi! Cha chả là ngu! Vậy mà làm nghề quảng cáo chứ (!)

    ''Sự quảng cáo của Quốc gia, nhờ công ty chúng tôi truyền thanh đã mở đường cho lối quảng cáo mới đó. Và những chương trình phát thanh của chúng tôi từ hồi đó tới nay đã cho chúng tôi một địa vị cao hơn những hãng khác.

    (à, phải! Hãng ông giàu nhất, mạnh nhất. Rồi sao? Cái đó có liên can gì tới tôi đâu? Ông không thông minh chút nào hết. Ông chỉ khoe sự thành công mênh mông của ông thôi, như vậy là làm cho tôi cảm thấy địa vị thấp kém của tôi, ông biết chưa?).

    ''Chúng tôi muốn cho khách hàng biết rõ tất cả tình hình những sở vô tuyến điện.

    (Ông muốn! Ông muốn! Đồ ngu! Tôi không cần biết ông muốn cái gì hết; hãy nói cho tôi nghe cái mà tôi muốn).

    ''Vậy xin ông gởi ngay cho chúng tôi những điều nên biết về chương trình và thời biểu. Những điều đó cần cho chúng tôi mỗi tuần để lựa kỹ những giờ phát thanh tiện hơn hết.

    (Gởi ngay cho ông! Cả gan thiệt! Cũng không thèm thêm câu: nếu không làm phiền ông nữa!)

    ''Ông trả lời gấp, tức là lợi chung cho chúng ta.

    (Thằng khùng! Nó dám biểu mình trả lời gấp cho nó, trong khi mình lo lắng hết việc này việc khác. Mà bức thư của nó có khác gì một tờ châu tri không? Tôi không ưa cái giọng đàn anh đó. Thôi đi... ủa! Ông nói gì tới cái ''lợi chung của chúng ta'' đó? à! Tới bây giờ ông mới bắt đầu đặt ông vào quan điểm của tôi!... nhưng ông nói cách mơ hồ làm sao! Không rõ ràng, không giảng giải chi hết).

    ''Chân thành chào ông.

    ký tên... Giám đốc

    Tái Bút: Có lẽ ông muốn biết đoạn trích sau này trong tờ báo Blankville và muốn truyền thanh nó trong đài của ông''.

    (Mãi tới cuối thư, trong chỗ tái bút ông mới chỉ cho tôi một điều có ích cho tôi. Tại sao không đem ra nói trước đi? Một người tự phụ là nhà quảng cáo chuyên môn, tất phải ngu độn lắm mới vụng về như vậy).

    Một người suốt đời làm nghề quảng cáo tự cho mình là thần thánh trong nghệ thuật dẫn dụ người khác mà còn viết một bức thư vô lý như vậy, thì những ông thợ may, làm nệm, làm vườn ra sao nhỉ?
    Đây, một bức thư nữa của ông chủ sự một nhà ga lớn gởi cho ông Edward Vermylen, theo lớp học của tôi. Người đọc nó có ấn tượng gì? Tôi sẽ cho bạn hay. Nhưng chúng ta hãy đọc đã.

    ''Xin ông Edward Vermylen chú ý.
    ''Thưa ông,

    ''Vì hàng hóa cứ chiều mới tới ga chúng tôi, cho nên sự khuân hàng lên xe có điều trở ngại: công việc nhiều quá, phải bắt người làm công làm thêm giờ, xe cam nhông phải trễ, gởi đồ cũng trễ. Ngày 10 tháng 11, chúng tôi nhận được của ông hồi 4 giờ 20 một lô là 510 cái thùng.

    Chúng tôi xin ông giúp chúng tôi để tránh những bất tiện đáng tiếc do tình thế đó mà ra. Vậy chúng tôi tự tiện xin phép ông - nếu có thể được - thu xếp sao cho hàng của ông tới ga chúng tôi vào buổi sáng, nhất là những khi ông gởi nhiều hàng.

    Được như vậy thì ông có lợi là hàng của ông ở trên xe cất xuống mau và gởi đi cũng mau.

    Trân trọng...
    Ký tên: J.B''

    Ông Vermylen đưa bức thư cho tôi coi và bình phẩm như vầy: ''Thư đó có kết quả ngược lại với ý muốn của người viết. Đầu thư, người ta kể những nỗi khó khăn của công ty hỏa xa, cái đó ích lợi gì cho mình đâu? Rồi người ta xin mình phụ lực với người ta, sau cùng mới hứa sẽ cất hàng và gởi hàng cho mình mau hơn trước.
     
  6. alibaba8757

    alibaba8757 New Member

    Tham gia ngày:
    24 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    275
    Điểm thành tích:
    0
    Tóm lại, cái quan hệ tới mình nhất thì họ để lại sau cùng và xét toàn thể thì thư đó khêu gợi sự phản đối hơn là sự hợp tác''.
    Nay ta thử tìm cách sửa chữa bức thư đó cho hợp hơn. Trước hết đừng nói đến những vấn đề riêng của mình, tốn công vô ích. Phải theo lời khuyên của Ford: ''Đặt ta vào địa vị người mà suy xét theo quan điểm của người''. Bức thư sửa chữa như sau này, tuy chưa được hoàn toàn, nhưng so với bức trên cũng tấn tới nhiều rồi.

    Ông Vermylen thân mến,

    Chúng tôi được hân hạnh ông chiếu cố tới trong 14 năm nay. Tất nhiên là chúng tôi mang ơn ông lắm và hết lòng tìm cách gởi hàng cho ông được mau chóng. Nhưng chúng tôi phải thú rằng điều đó khó thi hành lắm, khi xe cam nhông của ông tới vào cuối giờ làm việc buổi chiều, như ngày 10 tháng 11 vừa rồi. Tại sao? Vì một số đông khách hàng khác cũng giao hàng cho chúng tôi vào lúc đó. Thành thử nhiều quá, làm không xuể và xe của ông phải đợi, hàng của ông phải gởi trễ.

    Đó là một sự rất đáng tiếc. Tránh nó cách nào? Bằng cách ông giao hàng cho tôi vào đầu buổi chiều, như vậy xe của ông khỏi phải đợi, hàng của ông gởi được mau và những người làm công của ông về nhà được sớm để thưởng món ma-ca-rô-ni (macaroni) tuyệt khéo mà hãng ông chế tạo ra.

    Xin ông đừng cho rằng chúng tôi kêu nài ông đâu; cũng xin ông đừng nghi rằng chúng tôi dám tự tiện chỉ ông cách làm việc đâu. Tôi gởi hầu ông bức thư này với mục đích duy nhất là muốn làm vừa lòng ông hơn trước.

    Dù hàng của ông tới giờ nào đi nữa thì chúng tôi cũng rất vui lòng nhận và gởi đi mau chừng nào hay chừng đó.

    Chúng tôi biết rằng ông bận nhiều việc lắm; xin ông đừng mất công trả lời thư này.

    Trân trọng
    Ký tên: J.B.''

    Có cả hàng ngàn người bán dạo, lang thang khắp phố phường, mỏi mệt, thất vọng, lương ít. Tại sao? Tại họ nghĩ tới họ, tới cái mà họ đương tìm kiếm. Họ không hiểu rằng bạn cũng vậy mà tôi cũng vậy, chúng ta đều không muốn mua - nghĩa là tiêu tiền - mà chỉ muốn giải quyết những vấn đề riêng tây chúng ta thôi. Mà người bán hàng nào giúp chúng ta giải quyết được những cái đó, chỉ cho ta hiểu rằng mua hàng của họ, hoặc để cho họ giúp thì chúng ta sẽ đỡ tốn tiền, đỡ mệt nhọc, khỏi buồn bực, khỏi đau, có tương lai vững vàng, thì kẻ đó không ép uổng chúng ta mà sẽ làm cho chúng ta tin và như vậy chúng ta sẽ mua!

    Vậy mà biết bao người suốt cuộc đời bán hàng mà không hề nghĩ tới quan điểm của người mua.

    Một hôm, tôi gặp một người trước làm biện sự một hãng cho mướn nhà, tôi hỏi ông ta có thể cho tôi biết nhà tôi ở, tường xây bằng gạch đặc hay gạch rỗng. Ông nói rằng không biết và khuyên tôi hỏi ''Nghiệp đoàn kiến trúc sư''.

    Điều đó ai mà không biết, can chi phải nhờ tới ông.

    Rồi sáng hôm sau, tôi nhận được của ông một bức thư. Trả lời câu hỏi của tôi chăng? Không. Để khuyên tôi một lần nữa hỏi ''Nghiệp đoàn kiến trúc sư'' và cậy tôi làm đại lý bảo hiểm cho ông.

    Ông ấy mong tôi làm lợi lớn cho ông mà không giúp cho tôi được một việc nhỏ.

    Bất kỳ trong nghề nghiệp nào, trong giai cấp nào, người ta cũng thấy lỗi lầm quan trọng đó. Một lần đau cuống họng, tôi lại một nhà chuyên môn trị bệnh đó. Chưa coi họng tôi, ông đã hỏi tôi làm nghề gì... Bệnh của tôi, ông chưa muốn biết, mà cần biết cái ví tiền của tôi đã. Ông ấy tính cách giúp tôi mà tính cách ''bóp'' tôi. Rút cục là ông không nặn được của tôi đồng nào hết, vì tôi bỏ ra đi, tởm cho cái lòng tham của ông.

    Than ôi! Xã hội đầy những hạng như vậy, tham lam, hẹp hòi và ích kỷ. Cho nên nếu có siêu nhân nào tìm cách tận tâm giúp người mà không vụ lợi, thì trong công việc của ông chắc là ít ai cạnh tranh lắm.

    Ông O.D.Young, nhà kinh tế trứ danh nói: ''Người nào biết tự đặt mình vào địa vị của người khác, hiểu được tư tưởng và ý định của họ, người đó khỏi phải lo về tương lai của mình''.

    Nếu đọc cuốn này rồi, các bạn chỉ tập được một khả năng này là: bất cứ trong trường hợp nào cũng đứng vào địa vị của người khác mà xét, thì cuốn này cũng đã đánh dấu được một quãng đời mới trong đời làm ăn của bạn!

    Tại sao người ta nhãng bỏ khoa tâm lý thực hành như vậy mà nhồi biết bao những môn vô ích khác. Một người học trò của tôi muốn mời bạn chơi banh rổ (basket ball) với mình mà viết như vầy: ''Tôi muốn các anh lại sân của tôi chơi banh rổ. Tôi thích nó lắm, mà lần trước ít bạn quá, không đủ làm một kíp... Chơi như vậy mà còn thú gì nữa!... Cho nên tôi muốn rằng ngày mai các anh lại... Banh rổ là môn thể thao thích nhất của tôi mà tôi không có đủ bạn chơi...''
    Viết như vậy mà đòi làm cho người ta muốn lại chơi với mình! Người học trò đó chỉ nói tới mình thôi, không hề có một lời khuyến khích bạn. Vậy thì có lý gì mà bạn y sẽ tới chơi trên cái sân mà lần trước y mời, không ai thèm tới hết?

    Mà có biết bao nhiêu lý lẽ để dụ bạn được: nào là ích lợi của thể thao giữa trời, thân hình khỏe mạnh, cân đối, vui vẻ...

    Một người học trò của tôi, có đứa con làm biếng ăn. Vợ chồng người đó rầy nó suốt ngày, không cho nó yên: ''Má muốn con ăn cái này cái kia...''

    ''Ba muốn cho con mau lớn...''

    Đứa nhỏ có kể vào đâu những lời đó. Có gì vô lý bằng bắt một đứa nhỏ ba tuổi có quan niệm của người lớn ba chục tuổi? Sau người đó tự hỏi: ''Thử coi xem cái gì làm cho nó thích? Nó muốn gì? Nếu biết được nó muốn gì thì mình sẽ có thể khiến nó làm cái mình muốn được''. Và người đó kiếm ngay được cách giải quyết. Đứa nhỏ thích đạp xe máy ba bánh lắm - nhưng cùng dãy phố đó có một đứa nhỏ khác lớn hơn, hung hăng ăn hiếp nó, ngừng xe nó lại, bắt nó xuống rồi leo lên đạp. Đứa nhỏ khóc, la, chạy về mách má. Má nó đuổi đứa kia đi, lấy lại xe cho con. Ngày nào cũng như vậy.

    Vậy đứa nhỏ muốn gì? Chẳng cần phải là nhà trinh thám đại tài cũng đoán được. Nó bị ăn hiếp, nó tức, muốn trả thù, làm sao đánh cho đứa kia một ''cú'' nên thân để cho nó chừa tới già. Ba nó hiểu vậy, bảo nó: ''Nếu con chịu ăn những món này thì con mau mạnh lắm; một ngày kia đánh nó nhào văng liền''. Và vấn đề ăn của đứa bé giải quyết được tức thì. Cho nó cái gì nó cũng ăn, hy vọng một ngày nọ ''nốc ao'' thằng du côn kia đã làm cho nó tủi nhục mấy lần.
    Đứa nhỏ lại còn có tật đái dầm. Nó ngủ với bà nó. Sáng dậy, thấy tấm ''ra'' ướt, bà nó bảo: ''Ngó này, đêm qua lại đái dầm nữa''. Nó cãi: ''Không phải tôi đâu. Bà đó''.

    Người ta rầy nó, đánh nó, làm nhục nó. Người ta nhắc cho nó rằng: ''Má không muốn cho con như vậy nữa''. Vô ích - những lý lẽ đó không đủ. Lúc đó, cha mẹ mới tự hỏi: ''Làm sao cho nó muốn sửa đổi được''.

    Nó muốn gì, đứa nhỏ đó? Trước hết, nó muốn bận bi-gia-ma (pyjama) như cha nó. Bà nó hứa mua cho nó một bộ nếu nó hết đái dầm. Điều thứ nhì, nó muốn giường nó sạch.

    Má nó dắt nó tới tiệm lớn, đưa mắt làm hiệu với người bán hàng và nói: ''Đây, cậu này muốn mua đồ đây''. Người bán hàng làm bộ coi đứa bé như một người quan trọng, hỏi: ''Cậu muốn mua chi?''. Đứa nhỏ cao lên được vài phân, nở mũi, đáp: ''Tôi muốn mua một cái giường''.

    Giường chở về nhà rồi, đứa nhỏ chạy kiếm ba nó, khoe: ''Ba, ba, lên coi giường của con đi, chính con đã mua đó!''. Cha nó hết lời khen nó rồi kết: ''Con đừng làm dơ cái giường đó chứ!'' - ''Không! Không khi nào!''. Đứa nhỏ giữ lời hứa. Vì người ta khéo gợi lòng tự ái của nó. Cái giường đó là giường của nó. Rồi nó lại bận bi-gia-ma như người lớn. Nó muốn hành động cũng như người lớn và quả được như vậy.

    Một người cha khác có đứa con gái nhất định không ăn cháo buổi sáng. Mắng, giảng giải, dỗ ngọt, đều vô hiệu. Cha mẹ hỏi nhau: ''Làm sao cho nó thèm ăn sáng được?''.

    Đứa nhỏ thích bắt chước má nó lắm. Một hôm, người ta đặt nó lên một chiếc ghế cao, để cho nó nấu món cháo của nó... Rồi đúng lúc nó đang vinh hạnh, ba nó vào, như vô tình. Đứa nhỏ khoe, khua muỗng trong cái soong: ''Ba, ngó này! Hôm nay, chính con nấu cháo''.

    Rồi nó ăn hai đĩa cháo, không phải ai mời mọc hết: Chính nó đã nấu cháo đó, nó tự đắc lắm, nó tự thấy quan trọng lắm. Tự ý nó ăn.
    Một triết gia nói: ''Phát biểu cái bản ngã là một điều cần thiết nhất đối với ta'' thế thì tại sao không dùng cái thuật ở trên kia trong công việc của ta? Khi ta kiếm được ý nào mới lạ, cứ để cho khách hàng của ta hoặc người cộng tác của ta tưởng rằng chính họ có ý đó, như cha mẹ đứa nhỏ đã để cho nó tin rằng chính nó đã nấu lấy cháo. Như vậy người khác sẽ tự đắc lắm... và biết đâu chẳng như đứa nhỏ, đòi cho được hai đĩa cháo?

    Xin các bạn nhớ kỹ rằng:

    Muốn dẫn dụ ai, phải trước hết khêu gợi cho người đó có lòng ham muốn nhiệt liệt đã. Làm được như vậy, thì người trong bốn bể sẽ là bạn của ta. Làm không được, thì ta sẽ thui thủi trên đường đời.
     
  7. alibaba8757

    alibaba8757 New Member

    Tham gia ngày:
    24 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    275
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Đắc Nhân Tâm

    Chủ đề xin được khóa vì đã trùng với bài mà bạn Zodiac đã post rồi-Trong mục "Những bài hay nhất".Mời các bạn vào mục này xem tiếp

    Rất xin lỗi bạn Zodiac~_rose
     

Chia sẻ trang này

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.