1. tuyenhoa1985

    tuyenhoa1985 New Member

    Tham gia ngày:
    17 Tháng hai 2008
    Bài viết:
    40
    Điểm thành tích:
    0
    Hòa Thượng Tuyên Hóa

    Trên thế giới này có nhiều chuyện kỳ quái, nhiều đến độ không thể nói hết được. Vì sao mà có đủ sự việc kỳ quái như vậy? Bởi vì tâm lý con người hiếu kỳ, thích sự kỳ quái.
    Con người có lòng hiếu kỳ nên thế giới mới có những việc kỳ quái xuất hiện. Những thứ đó một khi xuất hiện thì mê hoặc tâm người, khiến mình không còn làm chủ chính mình nữa. Một khi đã không có chủ, gia đình và quốc gia cũng sẽ rối loạn. Đã loạn, thì những quỷ quái đó mặc tình hiện thần thông, làm cho con người điên đảo, chạy bên đông chạy bên tây, đi tìm chuyện kỳ diệu, thần thông, linh nghiệm. Đó đều là bị cảnh giới làm xoay chuyển rồi vậy.
    Tại sao mình bị cảnh giới xoay chuyển? Là bởi vì có tâm hiếu kỳ. Tâm hiếu kỳ này vốn là tâm tham. Nhưng chuyện kỳ quái phát sinh trên trần gian này, nếu mình nghiên cứu sâu xa tận gốc rễ của nó, thì cũng do lòng tham này tạo ra. Nếu không có lòng tham thì không cần thiết phải hiện ra những thứ kỳ quái, làm ra vẻ đặc biệt kỳ quái, để cho người ta nhìn mình là linh nghiệm như vậy, tốt đẹp như vậy, khác thường như vậy. Bởi vì con người có tâm tham nên bị những thứ kỳ quái đó hấp dẫn, lôi cuốn.
    Những điều kỳ quái khác thường đó đều là những việc không chánh đáng, đều thuộc về ma nghiệp. Những việc chánh đáng là nghiệp của Phật. Cho nên hiện tại có rất nhiều người mất đi chánh tri chánh kiến, cái biết cái nhìn đúng đắn. Bạn giảng pháp chân chánh thì họ nghe không lọt tai, giảng cách nào họ cũng không chấp nhận; thậm chí lời vào tai bên trái thì chạy ra tai bên phải. Song nếu bạn nói những điều kỳ quái, đặc biệt, thì họ vĩnh viễn nhớ không bao giờ quên; đó chứng minh là con người bị lòng tham tác quái!
    Vì sao mà họ không nhớ được điều chân chánh? Bởi vì họ cảm thấy không có gì lợi cho họ cả. Kỳ thật, điều chân chánh mới thật là lợi ích. Những người trên thế gian này đa số nhận cái giả mà không chịu nhận cái chân thật; nhận kẻ cưóp làm con của mình. Vì vậy khi mình nói điều ngay thẳng, chân thật, thì họ chẳng muốn nghe; nhưng khi nói những lời nịnh hót thì họ hết sức vui vẻ. Thật là:
    Trung ngôn nghịch nhĩ, lợi ư hành.
    Lương dược khổ khẩu, lợi ư bệnh.
    (Lời trung thật tuy khó nghe nhưng lợi cho việc làm,
    Thuốc tốt tuy đắng nhưng trị lành được bệnh.)
    Đa số người đời đều không muốn tiếp thọ lời trung ngôn, tức là lời nói ngay thẳng; cũng như không muốn uống thứ thuốc tốt nhưng rất là đắng. Nếu đưa cho họ thuốc đắng thì họ nhăn mặt ra vẻ khó chịu, nói rằng: “Ô! Thuốc này khó uống quá!” Nhưng thuốc khó uống như vậy thì bệnh mới lành được!
    Thời đại bây giờ người ta là vậy đó: giảng chuyện của Phật, của Bồ-tát, thì không ai muốn nghe cả, nhưng nếu kể chuyện yêu ma quỷ quái thì họ lại thích nghe. Thí dụ như nghe kể chuyện trai gái không giữ quy củ, sống hết sức phóng túng, thì người ta lại thích thú bởi vì chính họ cũng không muốn giữ quy củ. Đó là những ý tưởng hết sức hèn hạ, hết sức tệ hại.
    Cho nên, có những người tới Vạn Phật Thành rồi mà không ở lâu được là vì sao? Là vì họ không có tinh thần hy sinh, không có tư tưởng chân chánh “vì Pháp quên mình.” Người chân chánh “vì Pháp quên mình” thì dù đuổi họ, họ cũng không đi; đánh chưởi họ, họ cũng chẳng chạy. Họ cảm thấy rằng đây quả thật là chỗ Chánh Pháp trụ thế, họ muốn tiếp cận với Chánh Pháp!
    Chúng ta ở đây đang nghiên cứu Năm Mươi Thứ Ấm Ma, đối với thời đại này thì hết sức hữu dụng. Chúng ta muốn hoằng dương Phật Pháp thì phải có tinh thần đại hy sinh, đừng tham lợi ích, tiện nghi gì cả. Hễ có kẻ cúng dường phẩm vật mà mắt mình sáng rực, miệng cười toe toét, thì mình thật là chẳng ra gì!
     

Chia sẻ trang này