Ai dám bảo phụ nữ là phái yếu?

Thảo luận trong 'Nghệ thuật sống là Lợi mình = Lợi người: Luôn đúng' bắt đầu bởi Capuccino, 29 Tháng bảy 2006.

  1. Capuccino

    Capuccino Hội Viên Kim Cương

    Tham gia ngày:
    21 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    73
    Điểm thành tích:
    0
    Ai dám bảo phụ nữ là phái yếu?
    (Nguyễn Ðình Khánh)


    Dẫn nhập: Không biết từ lúc nào, một người đàn ông can đảm nào đó đã liều lĩnh gọi đàn bà là phái yếu.

    Họ có yếu thật hay không?

    Quí độc giả hâm mộ thể thao, nhất là bộ môn quyền thuật, không thể không biết tới trận đấu giữa hai nữ võ sĩ Laila Ali, con gái của Muhammad Ali, người ba lần đoạt chức vô địch quyền Anh hạng nặng thế giới, và Jacqui Frazier-Lyde, con gái Joe Frazier, người từng đánh ngã Ali tại Manila để giựt chiếc đai vô địch thế giới của ông này.

    Coi hai cô phạng nhau như quân thù quân hằn trước hàng ngàn khán giả hò hét om sòm, chắc chắn chúng ta phải đồng ý một điều là hai cô không thể là phái yếu. Nếu có độc giả nào thuộc phái “mạnh” không đồng ý với chúng tôi, ông có dám đứng ra cho một trong hai cô phạng cho một “búa” hay không? Dĩ nhiên không ai ngu đi chơi cái trò đụng đầu xe lửa như vậy. Ngoài ra, dân võ thuật của Sài Gòn trước 75 cũng không thể không biết Lý Huỳnh Yến, một nữ võ sĩ từng thách đấu với nam võ sĩ. Một nam võ sĩ rất can đảm đã nổi máu anh... khùng, nhận lời thách đấu, lên đài làm... bao cát cho nữ võ sĩ họ Lý. Kết cuộc? Một cú đá như trời giáng của Lý Huỳnh Yến đã khiến ông võ sĩ ngã quay cu đơ ra giữa võ đài, báo hại bác sĩ phải mất gần mười phút mới hồi sinh được cho ông.

    Khôn ngoan thì từ nay đừng gọi họ là phái yếu nữa nhé!

    Ít người biết rõ bệnh viện nhi đồng Sydney hơn Ciara và Paul Kelly. Kể từ khi hai đứa con trai sinh đôi của họ, Liam và Connor, ra đời cách nay sáu năm, họ đã tới lui bệnh viện nhi đồng như đi chợ.

    Ciara Kelly cho biết:

    - Chúng tôi tập làm valise mỗi khi đi. Đôi khi chúng tôi tới phòng nhận bệnh, rồi ở lại bệnh viện luôn năm ngày. Đặc biệt là năm đầu tiên, không tuần nào các con tôi không bệnh hoạn.

    Việc hai bé trai sinh non một tháng là nguồn gốc đầu tiên của tất cả những sự lôi thôi rắc rối về sức khỏe, nhưng đó không phải nguyên nhân duy nhất, mà thực ra, chính phái tính của hai em đã khiến các em dễ trở thành miếng mồi ngon của bệnh tật.

    Nếu thiên hạ thường nghĩ rằng con trai khỏe hơn con gái, và con gái “chúa là hay bệnh”, bấm cái lè là bé cái lầm. Sự thực hoàn toàn trái ngược. Con trai dễ bị bệnh hơn, nhất là những chứng bệnh chết người. Con trai có khuynh hướng đẻ non nhiều hơn con gái, và tuổi thọ của phái nam cũng ngắn hơn phái nữ.

    Phái nam cũng dễ bị tật nguyền hơn và dễ bị chứng phát triển loạn xà ngầu hơn. Họ dễ bị - và chết vì - ung thư hơn và họ cũng dễ bị đau tim và đứt mạch máu não bộ hơn.

    Theo tâm lý gia Anh quốc Sebastian Kraemer, tác giả quyển “The Fragile Male” vừa xuất bản, sự mong manh yếu kém đó đã khởi sự ngay từ khi người mẹ thụ thai. Ông viết:

    ”Ngay từ điểm này trở đi, đã là một sự xuống dốc liên tục. Nam thai nhi dễ bị chết hoặc bị hư hại vì bất cứ biến chuyển nào có thể xẩy ra trước khi ra đời.

    Chứng hư óc trước khi ra đời, tê liệt não bộ, chân tay hoặc bộ phận sinh dục bất bình thường, đẻ non, chết trong bụng mẹ là tất cả những gì thường xẩy ra cho nam thai nhi, và nếu mọi sự đều tốt đẹp, khi ra đời, một bé trai bị coi là phát triển chậm hơn một bé gái khoảng vài tuần”. Giáo sư David Henderson-Smart thuộc viện đại học Sydney cho biết những con số thống kê ghi nhận khoảng 55 phần trăm em bé được đưa vào nơi chăm sóc hài nhi là các bé trai.

    Trong số rất ít hài nhi đẻ non, ra đời khi mới từ 22 tới 27 tuần, 60 phần trăm là con trai. Các em này ít hi vọng sống sót nếu so sánh với một bé gái ra đời cùng thời gian. Các em cũng dễ bị các biến chứng hơn các bé gái.

    Giáo sư Henderson-Smart nói:

    ”Đây chỉ là một sự kiện đã được biết nhiều. Là những người làm công việc điều dưỡng, chúng ta sẽ thấy nhiều bé trai hơn và các em sẽ gặp nhiều trở ngại hơn trong giai đoạn sắp chào đời và khi vừa ra chào đời. Dĩ nhiên trường hợp này không quá nhiều tới độ khu chăm sóc đầy những bé trai, nhưng những bé gái dường như có lợi thế hơn”. Trong trường hợp gia đình Kelly, cả hai em Liam và Connor đều bị nhiều biến chứng trầm trọng về sức khỏe trong năm đầu. Sau khi ra đời, Liam gặp trở ngại ở đường hô hấp và phải có sự trợ giúp em mới thở được. Em sống ba tháng đầu trong đời tại bệnh viện. Rồi đến lượt Connor. Khi mới được năm tháng em đã phải mổ tim vì em không có một phần thành tim. Khi được mười hai tháng, em lại trở lên giường mổ. Lần này là việc giải phẫu thần kinh.

    Bây giờ đã lên sáu, hai em khỏe mạnh hơn, tuy Connor vẫn nhỏ hơn so với số tuổi và Liam bị bệnh suyễn.

    Ông Paul Kelly, cha hai em, cho biết:

    ”Trong mười hai tháng đầu, những gì chúng tôi trải qua là một sự thử thách. Qua giai đoạn đó, bây giờ chúng tôi cảm thấy có khả năng đối phó với bất kỳ vấn đề nào liên quan đến sức khỏe của các con tôi”. Khi bước vào tuổi ấu nhi, các em trai có khả năng hơn trong việc chống lại những chứng bệnh nguy hiểm, tuy nhiên các em lại dễ lâm vào tình trạng phát triển bất bình thường như bị chứng tự kỷ hoặc hoạt động quá độ. Những con số của Văn phòng Thống kê Úc Đại Lợi cho biết một trong năm bé trai khuyết tật bị chứng hoạt động thái quá so với một trong mười bốn bé gái. Nói chung, số các bé trai có khuynh hướng bị khuyết tật nhiều gấp đôi các bé gái.

    Từ mười tuổi trở lên, sự khác biệt giữa hai phái tính càng nhiều hơn. Từ tuổi này, phái nam có tử xuất cao hơn phái nữ.

    Theo ông Richard Fletcher, người phụ trách chương trình Men and Boy tại viện đại học Newcastle, khi các em đến lứa tuổi từ 15 tới 24, tử xuất giữa nam và nữ là 3/1.

    Hầu hết những cái chết là do tai nạn xe cộ, những tai nạn khác và tự tử. Thanh niên từ 25 tuổi trở xuống có tỉ số tự tử cao nhất. Nói chung, nam giới chiếm tới 80 phần trăm con số những người tự tử hàng năm. Khi lớn lên, cả nam lẫn nữ đều gặp nhiều trở ngại về sức khỏe, nhưng nam giới vẫn có khuynh hướng gập khó khăn hơn trong một số những chứng bệnh trầm trọng.

    Đàn ông trung niên có 50 phần trăm nguy cơ bị bệnh tim trước khi từ trần, trong khi đó chỉ có một trong ba phụ nữ gặp mối đe dọa này. Ở tuổi 45, 25 phần trăm đàn ông có nguy cơ bị đứt mạnh máu não bộ trước tuổi 85. Đối với phụ nữ cùng lứa tuổi, mối nguy này đối với họ chỉ có 20 phần trăm.

    Nam giới cũng thường bị huyết áp cao, lượng cholesterol trong máu cao và họ cũng mập hơn.

    Chưa hết, họ còn dễ trở thành nạn nhân của tất cả các loại ung thư. Tuy bệnh ung thư nhiếp hộ tuyến xẩy ra nhiều nhất, chứng ung thư phổi có con số tử vong cao nhất. Mỗi năm, trong số những người từ trần, chứng ung thư chịu trách nhiệm đối với 28 phần trăm nam và 24 phần trăm nữ. Số đàn ông sống tới tuổi 70 và cao hơn ít hơn nữ giới. Những người sống qua tuổi này, lần đầu tiên thấy họ đứng ngang hàng với phụ nữ trên phương diện sức khỏe.

    Giáo sư Tony Broe, Giám đốc Y tế cộng đồng và chăm sóc những người cao niên thuộc bệnh viện Prince of Wales, Sydney, cho biết cuộc nghiên cứu những người cao niên tại Sydney trong mười năm trời đã cho thấy phụ nữ dễ bị chứng mất trí nhớ và gặp khó khăn trong việc đi đứng nhiều hơn đàn ông. Đàn ông lớn tuổi thường bị bệnh tim và bệnh phổi nhiều hơn, trong khi các chứng tê thấp và mục xương gây ảnh hưởng đồng đều giữa nam và nữ. Không có lời giải thích đơn giản nào trước câu hỏi tại sao nam giới lại hay gặp nhiều trở ngại về sức khỏe hơn nữ giới.

    Bác sĩ Sebastian Kraemer cho rằng nguyên nhân một phần là do sự khác biệt về phái tính. Theo ông, nhiễm thể Y nam gây ảnh hưởng tới sức khỏe, trong khi những người khác nói rằng phụ nữ chiếm lợi thế vì họ có tới hai nhiễm sắc thể X.

    Những người khác nữa tranh luận rằng kích thích tố nam testosterone không có lợi cho sức khỏe vì liên hệ tới nhiều thái độ có tính cách nguy hiểm của nam giới.

    Về vấn đề này, Giáo sư Fletcher nói: “Có một mối liên hệ về sinh vật học.

    Testosterone hiện hữu và gây ảnh hưởng tới cơ thể chúng ta”. Giáo sư Broe đồng ý: “Việc mà đàn ông làm suốt đời họ là có thái độ bất chấp hiểm nguy.

    Vì họ có thái độ thách đố hiểm nguy ở bất cứ tuổi nào nên họ chết vì tai nạn nhiều hơn phụ nữ”.

    Sự thách đố hiểm nguy đó được thấy trong cả lối sống của họ. Đàn ông hút thuốc và uống rượu nhiều hơn đàn bà. Những món ăn của họ thường có hại hơn và họ thường tập thể dục ít hơn phụ nữ khi về già.

    Nói tóm lại, đàn ông không tự chăm sóc cho họ như đàn bà và đàn ông cũng không đặt sức khỏe lên hàng ưu tiên.

    Giáo sư Fletcher tin rằng thái độ này có thể một phần vì quan niệm cho rằng vai trò chính của đàn ông là cung cấp, giúp đỡ và chăm sóc cho người khác, như gia đình họ chẳng hạn.

    Họ không được dậy phải đánh giá sức khỏe của họ như đàn bà. Ngay cả trong trường hợp nhận thấy có thể bị bệnh, họ cũng ngần ngại không muốn đi khám bác sĩ hoặc có những biện pháp phòng ngừa. John MacDonald, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên và Thông tin về sức khỏe cho nam giới thuộc viện đại học Sydney, nghĩ rằng sự ngần ngại đó có thể trở thành tệ hại hơn vì hệ thống y tế của Úc.

    Ông nói:

    ”Tôi nghĩ rằng chúng ta đã tranh luận đúng rằng dịch vụ y tế không đáp ứng được các nhu cầu của phụ nữ. Sự ước đoán lầm lẫn là dịch vụ này đáp ứng được những nhu cầu của phái nam”.

    Ông cho rằng dịch vụ y tế nên được thi hành một cách thân thiện hơn đối với nam giới.

    Tuy trên phương diện sức khỏe, phụ nữ được coi là ở một mức độ cao hơn nam giới, nhưng vì phái tính của họ, họ cũng bị nhiều chứng bệnh, được gọi là “bệnh đàn bà” như bệnh sưng màng tử cung, ung thư tử cung, buồng trứng, cổ tử cung và những triệu chứng tiền kinh kỳ.

    Phụ nữ quyết định có con lại phải đương đầu với những mối nguy khác như xảo thai, cáu kỉnh hoặc chán nản trong lúc mang thai và huyết áp cao trong giai đoạn 2 và 3 của thời kỳ thai nghén. Ngoài ra, họ còn có thể gặp nhiều nguy hiểm khác trong lúc sinh con.

    Cũng vì phái tính, có những chứng bệnh mà phụ nữ dễ bị ảnh hưởng hơn nam giới, chẳng hạn như bệnh ung thư nhũ hoa, tuy nam giới cũng có thể bị bệnh này. Phụ nữ cũng dễ bị bệnh mục xương hơn nam giới vì việc thai nghén tạo những ảnh hưởng bất lợi cho xương cốt của họ. Việc mang thai cũng có thể khiến họ không kiểm soát được bàng quan (bọng đái).

    Tuy phụ nữ ít tự tử hơn nam giới, họ lại dễ bị những chứng bệnh về tâm lý hơn. Họ dễ bị mất tinh thần và dễ chán nản hơn đàn ông. Nhiều cuộc nghiên cứu đã đi tới kết luận rằng phụ nữ dễ bị chứng buồn phiền hơn đàn ông. Phụ nữ cũng dễ bị những chứng bệnh có liên hệ tới hệ thống thần kinh trung ương hơn đàn ông.

    Phụ nữ lớn tuổi có tỉ lệ bị bệnh mất trí nhớ cao hơn đàn ông cùng tuổi, thường gặp khó khăn hơn trong việc đi đứng, và có những hành vi chậm chạp hơn đàn ông cùng lứa tuổi.

    Thực ra phần cuối của bài này chỉ muốn chứng minh rằng phụ nữ có những chứng bệnh “độc quyền” mà nam giới không thể có (dù muốn có cũng không được) như bệnh đau dây chằng hoặc ung thư cổ tử cung chẳng hạn, nhưng nói chung, phụ nữ vẫn ít bệnh hoạn hơn nam giới, và về phương diện sức khỏe, được coi là khỏe hơn nam giới.

    Như vậy thì từ nay, liệu chúng ta có nên dùng chữ “phái yếu” để chỉ những người không thuộc giới mày râu hay không?

    Ngay cả việc quí ông tự xưng là giới mày râu cũng cần phải xét lại. Bộ các ông tưởng phụ nữ không có “mày” và không có “râu” hay sao?

    :D
     

Chia sẻ trang này