Bánh Trung Thu - Moon Cake

Thảo luận trong 'Ẩm thực' bắt đầu bởi Ỷ Lan, 2 Tháng mười 2009.

  1. Ỷ Lan

    Ỷ Lan Guest

    Sự Tích Bánh Trung Thu

    [​IMG]

    Người Trung Hoa có những món ăn lưu truyền trong dân gian, và có những sử tích kèm theo nó chẳng hạn như bánh trung thu, bánh chưng vào ngày tết Đoan Ngọ (loại bánh chưng này gói có trứng trong đó khác với bánh chưng ngày tết của VN ), bột vò viên (giống như trôi nước của VN) vào rằm tháng giêng …

    Đều có những câu chuyện lý thú tương truyền trong dân chúng. bánh trung thu được coi là biểu tượng của sự phúc lành, đoàn tụ. Mỗi năm vào ngày rằm tháng tám, người Trung Hoa đoàn tụ với gia đình, ăn bánh, trái cây, uống trà và thưởng ngoạn trăng rằm.

    Bánh trung thu người Tàu gọi là bánh Trăng (Nguyệt), ngày xưa còn gọi là bánh Hồ (bánh của người Hồ), bánh nhỏ, bánh đoàn (đoàn tụ), bánh đoàn viên. Những loại bánh trên người Tàu ngày xưa dùng để cúng tế, dần dần trở thành bánh dùng để cúng và ăn vào ngày trung thu.

    Bánh Nguyệt có lịch sử lâu dài ở Trung Quốc, sử sách ghi chép từ thời Ân, Chu ở vùng Triết Giang đã có loại bánh kỷ niệm Thái Sư Văn Trọng gọi là bánh Thái Sư. Bánh này có thể coi như là thuỷ tổ của bánh trung thu. Vào thời Tây Hán, Trương Thiên đi Tây Vực mang về Trung Quốc hạt Mè, hạt Hồ đào (walnut), dưa hấu làm nguyên liệu cho bánh Nguyệt thêm dồi dào. Thời đó hồ đào là nguyên liệu chính của bánh Nguyệt nên còn gọi là bánh Hồ Đào.

    Đến thời Đường trong dân gian có những người hành nghề làm bánh, ở thành phố Trường An có những tiệm bánh trứ danh. Tương truyền có một đêm trung thu, Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi ăn bánh Hồ Đào, thuởng ngoạn trăng rằm, Đường Huyền Tông chê tên bánh Hồ nghe không hay nên đặt tên là bánh Nguyệt cho thơ mộng hơn, nên từ đó về sau Bánh trung thu có tên là Bánh Nguyệt mà người Tàu dùng cho đến bây giờ.

    Đến thời nhà Tống, tập tục ăn bánh trung thu rất thịnh hành trong giới quý tộc. Thơ Tống có nhiều bài viết về việc ăn bánh trung thu, thưởng ngoạn Trăng vào ngày này. Tuy nhiên, trong dân gian việc ăn bánh trung thu mới trở thành phổ cập. Các nhà kinh doanh nghề bánh dùng câu chuyện Hằng Nga trên cung trăng để làm tăng thị hiếu.

    Ngày nay, Bánh trung thu là quà tặng cần thiết trong ngày trung thu. Lượng bánh trung thu sản xuất hàng năm vào mùa trung thu ở Đông Nam Á, Đông Á và Trung Quốc là một con số khổng lồ. Nhiều tiệm bánh ở vùng này nhờ lợi tức mùa bánh trung thu mà đủ chi tiêu cho cả năm trời.

    Bánh Trung Thu Singapore :

    [​IMG]


    Starbucks Mooncake :


    [​IMG]

    Bánh trung thu Trung Quốc :

    [​IMG]

    Bánh trung thu Việt Nam :

    [​IMG]


    [​IMG]

    Bánh trung thu Nhật Bản :

    [​IMG]

    Bánh Trung Thu Hồng Kông :

    [​IMG]
     
    Last edited by a moderator: 2 Tháng mười 2009
  2. Ỷ Lan

    Ỷ Lan Guest

    Ðề: Bánh Trung Thu - Moon Cake

    Bánh Trung Thu có từ bao giờ ??


    Bánh Trung Thu truyền thống có hình tròn, tượng trưng cho sự đoàn viên, sum họp, nhân bánh có 4 lòng đỏ trứng thể hiện 4 giai đoạn phát triển của Mặt Trăng.

    Trung Thu là lễ thức nông nghiệp bắt nguồn từ Trung Quốc và lan truyền sang nhiều nước châu Á khác. Tuy nghi lễ tổ chức mỗi nước khác nhau nhưng bánh Trung Thu là thứ không thể thiếu trong dịp lễ tiết quan trọng này. Bánh Trung Thu truyền thống thường có hình tròn tượng trưng cho sự đoàn viên, sum họp.

    Có rất nhiều cách giải thích về nguồn gốc và thời điểm ra đời bánh Trung Thu và dường như cách nào cũng có lý.

    Trong dân gian Trung Quốc lưu truyền rằng tập tục ăn bánh Trung Thu có từ thời Nguyên (1271 - 1368). Chuyện kể rằng khi đó Chu Nguyên Chương lãnh đạo người Hán chống lại triều đình nhà Nguyên và thống nhất ngày 15/8 âm lịch tiến hành khởi nghĩa. Trước ngày này, mọi người đã mượn cớ tặng bánh cho nhau để giấu trong đó những mẩu tin thống nhất ngày khởi nghĩa. Sau đó, Chu Nguyên Chương lật đổ triều đình nhà Nguyên, lập lên triều Minh (1368 - 1644) và trở thành vị vua đầu tiên của triều nhà Minh cai quản Trung Quốc. Từ đó, thần dân triều Minh lấy ngày 15/8 âm lịch là tượng trưng của ngày lật đổ triều đại không phải của người Hán thống trị Trung Quốc và cũng không quên vai trò liên lạc của những chiếc bánh hình tròn giống như Mặt Trăng.

    Thế nhưng, bên cạnh đó cũng có cách giải thích khác. Tương truyền thời Trung Quốc cổ đại, Hoàng Đế có nghi lễ cúng Mặt Trời vào mùa Xuân và cúng Mặt Trăng vào mùa Thu để cầu cho mưa thuận gió hoà, thần dân yên lành, đất nước bình yên. Vì thế, trong dân gian coi ngày 15/8 âm lịch là ngày cúng thần Trăng. Dịp này mọi người làm bánh hình tròn giống như Mặt Trăng gọi là “Nguyệt bính” (bánh Trăng) để cúng thần Trăng, cúng xong mọi người cùng vừa thưởng thức bánh vừa ngắm Trăng.

    Lại có tích rằng, vua Đường Minh Hoàng (713-741 Tây Lịch) dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng Tám âm lịch. Trong đêm Trung Thu, trăng rất tròn và trong sáng. Trời thật đẹp và không khí mát mẻ. Nhà vua đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp đạo sĩ La Công Viễn còn được gọi là Diệp Pháp Thiện. Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng. Ở đấy, cảnh trí lại càng đẹp hơn. Nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên và du dương với âm thanh ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt trong những xiêm y đủ màu xinh tươi múa hát. Trong giờ phút tuyệt vời ấy nhà vua quên cả trời gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn bàng hoàng luyến tiếc.

    Về tới hoàng cung, nhà vua còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng trong khi nhà vua cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình. Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày rằm tháng tám đã trở thành phong tục của dân gian.

    Cũng có người cho rằng tục treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng Tám âm lịch là do ở điển tích ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng. Vì ngày rằm tháng Tám là ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng nên triều đình nhà Đường đã ra lệnh cho dân chúng khắp nơi trong nước treo đèn và bày tiệc ăn mừng. Từ đó, việc treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng Tám trở thành tục lệ.

    Mặc dù không biết cách giải thích nào đúng nhưng thực tế thói quen Tết Trung Thu thưởng thức bánh Trung Thu đã tồn tại và phát triển đến ngày nay. Theo truyền thống Trung Hoa, nhân bánh Trung Thu có 4 lòng đỏ trứng, tượng trưng cho 4 giai đoạn phát triển của Mặt trăng. Tuy nhiên, giờ đây, hương vị bánh đang thay đổi theo sở thích và cách sống hiện đại, bánh cũng không chỉ hình tròn và vị ngọt như trước nữa.

    Thêm nữa, mỗi nước châu Á lại có những loại bánh Trung Thu đặc trưng của dân tộc mình. Người Nhật Bản có một loại bánh tên gọi là “geppei”. Bánh này không có nhân là trứng muối bên trong và thường được bán quanh năm. Ở Philippines, có một kiểu bánh Trung Thu được biết đến là "hopia" và thông thường nó có chứa đậu xanh, khoai môn, hoặc sầu riêng. Người Hàn Quốc thường ăn bánh Songpyun vào dịp Trung Thu. Hương vị đặc biệt của bánh Songpyun là được hấp với lá thông tươi và màu sắc sinh động của bánh được tạo nên bởi màu của các loại nước trái cây, rau củ…

    Ở Việt Nam, bánh trung thu thường có nhân khá phong phú, được làm từ các nguyên liệu như jambon, lạp xường, đậu xanh. Bánh Trung Thu được xem như một thứ quà trang trọng trong dịp tết Trung Thu. Người Việt Nam coi rằm tháng Tám là dịp để bố mẹ thể hiện tình cảm, sự quan tâm dành cho con trẻ. Ăn bánh Trung Thu trong ngày rằm tháng Tám với‎ mong muốn gia đình được đoàn viên, sum vầy./.
     
  3. Ỷ Lan

    Ỷ Lan Guest

    Ðề: Bánh Trung Thu - Moon Cake

    Tết Trung Thu ở nhiều quốc gia


    Chẳng biết Tết Trung thu có tự bao giờ nhưng dường như nó đã đi sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của mọi người dân ở rất nhiều quốc gia khác nhau.


    Người phương Đông quan niệm mặt trăng tượng trưng cho vẻ đẹp, sự duyên dáng và đức hạnh của người phụ nữ. Tuy nhiên, điều kiện sống, đặc điểm văn hóa… của mỗi quốc gia khác nhau sẽ tạo nên những điểm thú vị đặc trưng trong ngày lễ trông trăng này.

    Nhật Bản

    Nếu như ở các nước khác ở châu Á chỉ tổ chức đón trăng một lần duy nhất vào Rằm tháng Tám Âm lịch thì người dân của đất nước mặt trời mọc lại được tham dự lễ hội thưởng trăng đến hai lần. Lần thứ nhất vào ngày trăng tròn giữa mùa thu tính theo Âm lịch, lần thứ hai vào ngày 13 tháng 10. Người Nhật có tục lệ nếu ai đã tham dự lần thứ nhất thì phải tham dự cả lần thứ hai nếu không sẽ không gặp may mắn.


    Nghệ thuật ẩm thực xứ anh đào là sự hoà trộn khéo léo và tinh tế của màu sắc, hương vị cũng như tôn giáo truyền thống. Do đó mà mâm cỗ trông trăng của người Nhật luôn là một bức tranh phong phú về những sắc màu tươi tắn của các loại bánh truyền thống Wagash, bánh bao, bánh nhân táo…ngoài ra còn có sự góp mặt của rất nhiều loại hoa quả khác. Trong đêm thưởng trăng, trẻ em Nhật Bản rước đèn cá chép vì người Nhật quan niệm cá chép tượng trưng cho lòng can đảm, sự mạnh mẽ.

    Hàn Quốc

    Nếu như nước ta có ngày Lễ Vu Lan là ngày lễ tạ ơn, báo hiếu đối với tổ tiên, bậc sinh thành thì ở Hàn Quốc ngày Rằm Trung thu - Chuseok lại được coi là ngày lễ tạ ơn đối với người đã khuất. Món ăn truyền thống không thế thiếu vào ngày này chính là bánh Songpyeon, một loại bánh được làm bằng bột gạo có hình nửa mặt trăng với có nhiều hương vị khác nhau như đậu đỏ, đậu nành, vừng…. và hấp với lá thông tươi. Đặc biệt nhất là màu sắc sinh động của bánh đều được tạo nên từ màu của các loại rau, củ, quả tươi nên trông rất đẹp. Hiện, có nhiều loại bánh Songpyeon và được phân biệt bởi các nguyên liệu chính như Oryeo Songpyeon làm bằng bột gạo, Nobi Songpyeon được làm từ lá gai, Songpyeon từ lá sồi và còn cả Songpyeon từ hoa...


    Chính vì người Hàn Quốc coi đây là ngày lễ tạ ơn nên mâm cỗ được bày biện rất công phu, trang trọng không khác gì mâm cỗ ngày Tết Âm lịch của người Việt với rất nhiều món ăn truyền thống.


    Trung Quốc

    Ở Trung Quốc có rất nhiều truyền thuyết về chị Hằng. Người Trung Quốc quan niệm nếu nhìn lên mặt trăng đúng ngày Rằm Trung thu thì trẻ con sẽ nhìn thấy được chị Hằng, lúc đó nếu em nào có điều ước với chị Hằng trên cung trăng thì sẽ được toại nguyện. Người Trung Hoa tổ chức lễ mừng trăng vào đêm rằm tháng Tám. Đêm ấy, họ bày mâm cúng ông bà, cha mẹ và quây quần ăn bánh Trung thu. Sau đó, trẻ em và người lớn dự những cuộc vui chơi như múa lân, rước đèn cá chép hay đèn kéo quân… Ngày rằm tháng Tám mang một ý nghĩa thật đặc biệt cho tất cả những ai tin vào sức mạnh siêu nhiên của mặt trăng.


    Cũng như Việt Nam, mâm cỗ thưởng trăng của người Trung Quốc không thể thiếu được hai loại bánh truyền thống là bánh nướng và bánh dẻo. Tuy nhiên, tùy theo từng vùng miền mà người ta có các loại bánh mang hương vị đặc trưng riêng. Có chủ yếu bốn loại khác nhau được phân biệt dựa trên sự khác nhau về nguyên liệu làm nhân bánh: bánh nhân sen nhuyễn, bánh nhân đậu đỏ, bánh nhân mứt hoa quả và bánh nhân ngũ cốc.

    Việt Nam


    Người Việt xưa không chỉ có thói quen thưởng trăng mà còn coi đó là sự báo hiệu thời tiết để dự báo cho vụ mùa sắp tới. Cũng vì lẽ đó mà người ta thường sửa soạn một mâm cỗ cúng trăng trong đêm rằm rất cẩn thận và đầy đủ để cầu lấy sự may mắn và thịnh vượng cho mùa sau. Mâm cỗ bao giờ cũng phải có đủ các loại hoa quả: bưởi, hồng đỏ, hồng ngâm, na, ổi,cam, mía tím, chuối tiêu và bánh nướng, bánh dẻo.

    Trong đêm Rằm, có rất nhiều trò chơi cổ truyền dành cho trẻ em như múa lân, rước đèn ông sao, đèn kéo quân… Đặc biệt, Tết trung thu ở thủ đô Hà Nội có rất nhiều hương vị truyền thống đặc trưng với hương hoa bưởi - hương vị bánh trung thu chỉ riêng có ở miền Bắc Việt Nam.

    Mới điểm qua đã thấy mỗi quốc gia có tục thưởng trăng đêm Rằm khác nhau thể hiện trong cách chuẩn bị mâm cỗ cúng Trăng, các loại bánh cổ truyền… nhưng đều có điểm chung đó là nét đẹp văn hoá thưởng trăng, ước nguyện một cuộc sống chan hoà, tốt đẹp trong tương lai…
     
  4. Ỷ Lan

    Ỷ Lan Guest

    Ðề: Bánh Trung Thu - Moon Cake

    Phong tục trong Tết Trung Thu

    Tết Trung Thu theo Âm lịch là ngày rằm tháng 8 hằng năm. Đây là ngày tết của trẻ em, còn được gọi là "Tết trông Trăng". Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước... rồi bánh nướng, bánh dẻo.

    [​IMG]

    Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi, người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử để các em vui chơi thoả thích.

    Ở Việt Nam, ngày tết Trung Thu được diễn tả trong tục: "Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng Nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sắc sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm con cá coi cũng đẹp".

    Múa lân

    Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.

    Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung Thu, theo học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) thì từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời, coi như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới.

    Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng Tám, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng. Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa Thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa Thu là mùa của thành hôn.

    Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi”, người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung Thu.

    Ý nghĩa tết Trung Thu

    Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, cha mẹ bày cỗ cho các con để mừng Trung Thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng Trung Thu gồm bánh Trung Thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để cha mẹ tùy theo khả năng kinh tế gia đình thể hiện tình thương yêu con cái một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khăng khít thêm.

    Cũng trong dịp này người ta mua bánh Trung Thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác.

    Người Trung Hoa thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung Thu, còn người Việt múa sư tử hay múa lân. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà... Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba "thình, thùng, thình".

    Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

    Ngắm trăng (Thưởng nguyệt)

    Tết Trung Thu là tết của trẻ em. Ngay từ đầu tháng, Tết đã được sửa soạn với những cỗ đèn muôn mầu sắc, muôn hình thù, với những bánh dẻo, bánh nướng mà ta gọi gồm là bánh Trung Thu, với những đồ chơi của trẻ em muôn hình vạn trạng, trong số đó đáng kể nhất của thời xưa là ông Tiến sĩ giấy.

    Trẻ em đón tết có đèn xếp, đèn lồng, đèn ông sao, đèn con giống... sặc sỡ thắp sáng kéo nhau đi từng đoàn ca hát vui vẻ, tối tối cùng nhau đi nhởn nhơ ngoài đường, ngoài ngõ. Và khi rằm tới, có những đám múa sư tử với tiếng trống, tiếng thanh la thật náo nhiệt. Trong dịp này, để thưởng trăng có rất nhiều cuộc vui được bày ra. Người lớn có cuộc vui của người lớn, trẻ em có cuộc vui của trẻ em.

    Bày cỗ

    Mâm cỗ Trung Thu thông thường có trọng tâm là con chó[được làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con bép múp míp, hoặc hình cá chép là những hình phổ biến. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm rằm, và đến đêm Trung Thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng.

    Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh, vài quả na dai...và bưởi là thứ quả không thể thiếu được. Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu.

    Phong tục trông trăng cũng liên quan đến sự tích Chú Cuội trên cung trăng, do một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng với cả cây của mình. Nhìn lên mặt trăng, có thể thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, và trẻ em tin rằng, đó là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa.

    Hát trống quân

    Tết Trung Thu ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Ðôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận (hát theo vần, theo ý) hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra.

    Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc. Trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát. Tục hát trống quân, theo truyền thuyết, có từ thời vua Lạc Long Quân đời Hồng Bàng. Tết Trung Thu của người Hoa không có phong tục này.

    Múa sư tử (múa lân)

    [​IMG]

    Vào dịp Tết Trung Thu có tục múa Sư tử còn gọi là múa Lân. Người Hoa hay tổ chức múa lân trong dịp Tết Nguyên Đán. Người Việt lại đặc biệt tổ chức múa Sư Tử hay Múa Lân trong dịp Tết Trung Thu. Con Lân tượng trưng cho điềm lành. Người Trung Hoa không có những phong tục này. Người ta thường múa Lân vào hai đêm 14 và 15.

    Ðám múa Lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Ðầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân... Ðám múa Lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau. Trong những ngày này, tại các tư gia thường có treo giải thưởng bằng tiền ở trên cao cho con lân leo lên lấy.

    Trẻ em thì thường rủ nhau múa Lân sớm hơn, ngay từ mùng 7 mùng 8 và để mua vui chứ không có mục đích lĩnh giải. Tuy nhiên có người yêu mến vẫn gọi các em thưởng cho tiền. Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị v.v.
     
  5. Ỷ Lan

    Ỷ Lan Guest

    Ðề: Bánh Trung Thu - Moon Cake

    Trung Thu thời bao cấp

    Sắp đến một Trung thu mới. Có gì khác không, so với thời bao cấp – khi tất cả mọi nhà đều nghèo khó, nhưng yên ấm? (Thế Vinh)

    Lạc hậu và nghèo đói trong thời bao cấp là những ám ảnh khó quên. Có dạo, nhà tôi được chia gạo nếp trong 6 tháng. Mẹ tôi hết thổi, nấu lại đồ, nhưng không thể nuốt nổi. Gạo nếp là thứ chỉ có thể ăn chơi chơi, chứ không thể ăn ròng rã trong nhiều ngày được. Lại có dạo nhà tôi được chia loại gạo vớt lên từ tầu chìm trên sông Mã. Thứ gạo ngâm nước lâu ngày, ôi chao nấu lên mùi không tài nào ngửi nổi. Mẹ tôi phải dùng quạt để xua bớt cho cái mùi ấy bay đi. Những năm ấy, tôi chỉ có một mơ ước duy nhất là giữ được học bổng hàng tháng để dồn tiền mua cho mẹ một mảnh vải satin “quả táo” của nhà máy dệt Nam Định. Chỉ thế thôi.

    Bao cấp là một thời lạ lùng. Có sự lạc hậu khó tránh khỏi về luật pháp trong quãng thời gian gian khó ấy. Nhưng suốt một thời kỳ dài lâu ấy, xã hội ổn định, trật tự một cách đáng ngạc nhiên. Hệ thống, cơ chế quản lý kinh tế bị ràng buộc rất chặt chẽ, xuống tận cơ sở thông qua các chỉ tiêu kế hoạch. Qui định về phân phối sản phẩm, tem phiếu; hệ thống sổ sách về ngân sách, tài chính cụ thể, giám sát và chế ước lẫn nhau...

    Chính trong thời đó, trẻ em là mục tiêu chăm lo của cả xã hội. Chúng tôi chỉ việc “học mê say, hát cho hay, em lớn lên từng ngày”, mọi việc khác đã có người lớn. Mà người lớn ra người lớn, bởi các bậc cha mẹ thường dạy con cái rằng, “phải nghe lời người lớn”. Và mỗi độ trung thu chuẩn bị về là cả một mùa được đợi chờ trong nhiều tháng. Chúng tôi đi kiếm những cây nứa dẻo nhất để tự làm đèn. Đứa nào cũng ham làm những cây đèn ngoại cỡ, to hơn chúng bạn một chút. Chuốt nứa, kiếm những tờ giấy pơ – luya dán thật phẳng, rồi cắt giấy mầu làm hình nhân, làm sợi xúc xích trang trí xung quanh. Làm cái chạc để nến thì phải cẩn thận, thông thường là phải dè xẻn một cái nắp chai bia không làm xèng nữa để kê, không khéo đổ nghiêng một chút là cháy mất cái đèn kỳ công cả tháng trời. Cháy đèn thì khối đứa chỉ còn có nước khóc nhè thôi.

    Chiều ngày Rằm, các lớp học đều được nghỉ sớm. Đêm Rằm, các cơ quan đều mở cửa cho trẻ em vào. Thông thường có một mâm cỗ chơi Trăng để giữa sân, cơ quan nào “sang” hơn thì có bộ đầu video chiếu phim hoạt hình hoặc “Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”, “Viên sỏi kỳ diệu”... Con nhà cán bộ hay con nhà kéo xe ba gác, chạy bè gỗ, canh đê cũng chẳng hề có sự phân biệt đối xử gì. Đã là con trẻ, chúng hoàn toàn bình đẳng. Tiếng trống làm từ da ếch căng trên vỏ hộp sữa đặc vang lên khắp chốn. Mặt nạ đêm Rằm của bọn trẻ là những tờ bìa cứng, tự vẽ mũi vẽ râu, chằng ra sau gáy bằng một sợi dây chun. Có khu phố người lớn còn bảo nhau tắt hết điện đi, để ánh sáng từ những đèn ông sao, đèn kéo quân của lũ trẻ tỏa ra, lung linh ngời rạng. Chúng hò hét rước đèn qua hết nhà nọ đến nhà kia, cho đến tận khi hết nến, nửa đêm mới chịu về. Không khí Trung thu len lỏi tới mọi hang cùng ngõ hẻm. Và có những đứa trẻ cho đến khi đã say ngủ, tay vẫn không chịu rời chiếc đèn lồng.

    Có lẽ sang năm tôi sẽ tự tay làm cho các con một chiếc đèn, bằng nứa, giấy mỏng và dùng nến, chứ không phải thứ đèn ngày nay chạy bằng pin.
     
  6. Ỷ Lan

    Ỷ Lan Guest

    Ðề: Bánh Trung Thu - Moon Cake

    Đọc bài Trung Thu thời bao cấp chợt thấy "buồn buồn" ... Buồn là bởi, ngày xưa thiếu thốn trẻ em còn biết tự mày mò vật nọ vật kia mà chơi ... Dần dần thiếu vắng cảnh con nít cầm đèn đón trăng, cảnh gia đình quây quần ăn bánh thưởng trăng ...

    Mình già thật rồi ... Tự nhiên hôm nay thèm nhìn thấy đèn lồng giấy bóng kiếng :-D Mấy năm nay hàng Trung Quốc đổ vào Việt Nam, dần dần toàn thấy lồng đèn điện, lồng đèn nhựa ...

    Ba mẹ bảo con, đèn giấy kiếng "nguy hiểm" lắm.. Ừ, thời này mà còn đốt đèn cầy (nến) thì "quê" chết .. Đêm nay đi tậu cái lồng đèn điện hình Tôn Ngộ Không có tiếng nhạc Tây Du Ký mới được ..

    Buồn :-D
     
  7. phamthi1404

    phamthi1404 New Member

    Tham gia ngày:
    7 Tháng một 2010
    Bài viết:
    5
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Bánh Trung Thu - Moon Cake

    Cách làm bánh Trưng Tết thơm ngon,mà không hề tốn thời gian. Click vào đây để cùng chia sẻ
     

Chia sẻ trang này