Biết đọc sớm chưa chắc đã là thần đồng

Thảo luận trong 'Tâm sinh lý' bắt đầu bởi cabachlong, 27 Tháng mười một 2006.

  1. cabachlong

    cabachlong New Member

    Tham gia ngày:
    20 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    1,152
    Điểm thành tích:
    0
    Biết đọc sớm chưa phải là thần đồng
    [​IMG]

    Bé Việt đọc được hết những chữ được người lớn "đố". Ảnh: T.T.
    Dân gian thường coi những đứa trẻ biết đọc khi mới 2-3 tuổi là thần đồng và tin các cháu sẽ làm nên điều kỳ lạ khi lớn lên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các trường hợp như vậy không quá hiếm, và biết đọc sớm không có nghĩa sẽ phát triển tài năng.

    Nguyễn Bá Hoàng Việt là một trong những em bé biết đọc rất sớm, khi chưa đầy 2 tuổi. Cháu không chỉ phát âm những dòng chữ quen thuộc trên ti vi mà đọc được hầu hết những gì được người lớn đưa cho. Khi phóng viên VnExpress yêu cầu cháu đọc một tờ rơi quảng cáo loại thuốc Đông y khá lạ tai, cháu đọc vanh vách tên thuốc và tác dụng của nó như "chữa thần kinh tọa, thần kinh liên sườn, sưng khớp...". Ngoài khả năng này, Việt cũng nghịch ngợm, láu lỉnh, hồn nhiên như những em bé 33 tháng tuổi khác.

    Trần Như Tùng, sinh năm 1999 (nhà số 8 ngõ 123 ngách 75, hẻm 32, phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cũng biết đọc khi 2 tuổi rưỡi, sau 6 tháng biết nói. Mẹ cháu cho biết, cả nhà đều sốc khi thấy con đọc vanh vách những dòng chữ được chỉ trên TV, sách báo. Và phải đến 1 năm sau khi biết đọc, Tùng mới biết nhận mặt các chữ cái cụ thể. Hiện cháu học lớp 2, học giỏi, nhưng theo lời mẹ cháu thì không có khả năng gì đặc biệt so với các bạn.

    Tại buổi tọa đàm về trẻ đọc sớm do báo Khoa Học & Đời Sống tổ chức ngày 23/11, tiến sĩ Nguyễn Ánh Tuyết (khoa Tâm lý, Đại học sư phạm Hà Nội) cho biết, bà từng gặp nhiều trẻ biết đọc khi 2-3 tuổi. "Với những trường hợp như vậy, thường có hai quan điểm, một cho rằng em bé là thần đồng, là điều kỳ diệu, một cho rằng đó chỉ là những em bé thông minh".

    Theo bà Tuyết, thần đồng là những cháu còn rất nhỏ nhưng đã xuất hiện những khả năng đặc biệt xuất chúng nào đó, chẳng hạn như âm nhạc, tạo hình, toán học... Những trường hợp như vậy rất hiếm, thường mỗi thế hệ chỉ có cùng lắm là 1-2 người. Trong khi đó, những em bé biết đọc sớm tuy ít ỏi nhưng không phải quá hiếm gặp, và những em bé này cũng không thể hiện tài năng gì đặc biệt khi lớn lên.

    Tiến sĩ Ánh Tuyết từng tiếp xúc với khoảng vài chục cháu biết đọc sớm, trong đó trong đại gia đình bà đã có 4 người. Những người này lớn lên đều thông minh, học giỏi, làm việc tốt nhưng không bộc lộ năng khiếu xuất chúng nào, thậm chí người em họ của bà từng thi trượt cấp 3.

    Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, thì cho rằng, chuyện trẻ đọc sớm xét về mặt di truyền quần thể là bình thường. "Các tính trạng của cá nhân trong trong quần thể luôn đi từ cực tiểu đến cực đại, chẳng hạn về sắc da thì sẽ có những người da rất sẫm, có người da rất sáng. Về trí tuệ cũng vậy, có những người từ rất ngốc nghếch đến rất thông minh".

    Theo ông Hải, các em bé "thần đồng" được phát hiện nhiều gần đây không phải vì tần suất trẻ thông minh hiện nay cao hơn ngày vữa, mà vì các phương tiện thông tin đại chúng hoạt động hiệu quả hơn. Mặt khác, trẻ ngày nay có điều kiện cao hơn về vật chất, được tiếp xúc với máy tính, các thiết bị hiện đại, sách vở tốt nên sớm bộc lộ khả năng đọc, viết. Tuy nhiên, sự sáng tạo do hoàn cảnh bức thiết thúc đẩy (như chuyện Lương Thế Vinh lấy bưởi dưới hố sâu bằng cách đổ nước vào) thì chưa chắc đã bằng ngày xưa.

    Tại sao trẻ biết đọc sớm?

    Theo tiến sĩ Nguyễn Ánh Tuyết, trường hợp biết đọc sớm như cháu Tùng, cháu Việt thường do 3 yếu tố. Thứ nhất, trẻ có khả nặng tự tìm tòi, khám phá rất lớn, nên nhiều khi cha mẹ không dạy mấy mà trẻ vẫn đọc tốt. Thứ hai là khả năng trực giác toàn bộ, não trẻ "chụp" lấy hình ảnh rất nhanh và nhớ những hình ảnh đó trong đầu. Chữ trên TV, sách báo cũng được trẻ ghi nhận dưới dạng hình ảnh mà không có sự phân tích. Nghĩa là, khi thấy lại những chữ đó, trẻ sẽ đọc dù không có khả năng đánh vần. Bà Tuyết cho biết, mọi trẻ trên dưới 3 tuổi đều có khả năng trực giác toàn bộ, những trẻ đọc sớm là những trẻ có trí nhớ cực tốt.

    Yếu tố thứ ba là trẻ sinh ra trong một môi trường chữ. Chẳng hạn, nếu nhà hay mở karaoke, trẻ sẽ sớm nhận biết những chữ như thế trên màn hình thì đọc như thế nào. Nhà có hiệu sách, hay bố mẹ ông bà làm giáo viên... cũng là môi trường dễ tạo ra những trẻ biết đọc sớm hơn.

    Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải không đồng ý với quan điểm là trẻ chỉ tiếp nhận hình ảnh mà không phân tích. Theo ông, những trẻ đọc sớm qua những thuyết minh của TV hay người lớn, sẽ nhận dạng được một số nhóm từ nào đó, biết được những chữ có hình dạng như thế thì âm như thế. Lâu ngày, những tích lũy nhóm từ này nhiều lên, trong não trẻ có sự phân tích để nhận biết, và trẻ đọc được hầu hết những văn bản được đưa cho.

    Dù không cho trẻ đọc sớm là thần đồng nhưng các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng những em bé này đều rất thông minh, về trí nhớ, sự nhanh trí và khả năng tự tìm tòi đều vượt trội so với bạn cùng lứa. Vấn đề là nuôi dạy làm sao để nuôi dưỡng được những khả năng đó trong tương lai.

    Các chuyên gia đều cho rằng nên để trẻ phát triển tự nhiên và toàn diện để trẻ có mọi khả năng của một trẻ bình thường, trong khi bồi dưỡng năng khiếu riêng. Bà Tuyết khuyên không nên bắt trẻ đọc quá nhiều, nhất là những tài liệu có nội dung quá chuyên sâu không hợp tuổi, khiến trẻ không hiểu được. Nếu không, lâu ngày, trẻ sẽ hình thành thói quen đọc máy móc mà không hiểu những gì mình đọc, rất có hại cho sự phát triển trí tuệ và tâm thần. Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận nhiều trẻ mắc phải tình trạng này.

    Ngoài sách vở, nên tập trung dạy trẻ về thế giới bên ngoài, để trẻ phát triển các mối quan hệ ngoài xã hội. "Nuôi dạy tốt, trẻ sẽ lớn lên thành người thông minh, và ngược lại, trẻ có thể trở nên lệch lạc, méo mó. Ranh giới giữa thiên tài và bệnh tâm thần thực ra không xa" - tiến sĩ Nguyễn Ánh Tuyết khẳng định.

    ( vnexpress)
     

Chia sẻ trang này