DÒNG KHÍ CÔNG TRƯỜNG SINH Trường sinh bất lão là một ao ước, một phấn đấu liên tục của loài người. Từ thời xưa, phấn đấu cho mục tiêu đó thường là các vị chân tu, đời sống thanh bạch, cao thượng. Thuyết trường sinh bất lão đã được Hoàng đế, Kỳ Bá và môn đệ trình bày trong sách Nội kinh. Vì sao người thượng cổ sống dư trăm tuổi mà hình hài sức khỏe không thay đổi? Vì họ biết giữ trọn vẹn chân khí và biết điều hòa chân khí theo đạo âm dương. Hai tư tưởng (bảo tồn và điều hòa chân khí) về sau được các tổ sư Đạo giáo (bắt đầu từ đời Hán) nghiên cứu phát triển thành công pháp của khí công trường sinh: luyện tính và luyện mệnh. Luyện tính để bảo tồn chân khí. Luyện mệnh để điều hòa chân khí. Y học cổ truyền cho rằng chân khí sẽ tiêu hao nếu con người ham muốn quá độ, ăn ở vô thường, tâm thần kích động. Luyện tính là rèn luyện để có một cách sống không hoặc ít tiêu hao chân khí. Đạo giáo gọi là sống theo đạo hư vô: Mọi cái thuận lợi theo tự nhiên, trong lòng điềm đạm, không ham muốn (vô dục), ăn ở làm việc vừa đủ, nên chí nhàn, tâm yên, tinh thần bền vững. Luyện tính có thể hiểu là tạo ra một trạng thái tâm lý tốt nhất cho sức khỏe. Đây là mặt tâm lý của khí công trường sinh. Luyện mệnh tức là luyện 3 đại dược, cũng là tam bảo của cơ thể: tinh, khí, thần: luyện sinh tinh dồi dào, luyện tinh hóa chân khí, luyện khí hóa thần. Đạo giáo gọi là luyện nội đan (thuốc quý trong cơ thể). Luyện mệnh có thể hiểu là tạo ra trạng thái sinh lý tốt nhất cho các quá trình cơ bản của sự sống: trao đổi chất (sinh tinh là đồng hóa, tinh hóa khí là dị hóa) tự điều chỉnh (khí hóa thần). Đây là mặt sinh lý của khí công trường sinh. Nhờ kết hợp hài hòa luyện tính và luyện mệnh mà mọi quá trình sống trong người gần như luôn giữ được trạng thái tối ưu, quá trình già nua lão hóa giảm xuống thấp nhất. Công pháp luyện tính chú trọng tu luyện nhân sinh quan đúng đắn, đặc biệt nhấn mạnh tiết dục tức giảm đi mọi ham muốn đến không còn ham muốn gì cả. Đời người đã ít dục (danh, tài, sắc, lợi) thì mọi cái khác đều có thể giữ mức vừa đủ mà không thái quá. Các công pháp luyện mệnh rất phong phú, bao gồm hai loại: đạo dẫn (vận động để điềi khí) và tĩnh công (giữ yên bên ngoài, điều khí bên trong). Có thể cho rằng tất cả các phương pháp của khí công dưỡng sinh nếu luyện lâu dài hoặc nâng cao lên đều đạt được kết quả luyện mệnh. Nói cách khác, khí công dưỡng sinh cộng với tu luyện cách sống có đạo sẽ đạt trường sinh bất lão. Vì vậy, trong lịch sử, không riêng Đạo giáo mới có công pháp trường sinh bất lão mà các môn phái khí công nổi tiếng khác cũng sáng tạo nhiều công pháp riêng. Tuy nhiên, trong dòng khí công này, môn phái Đạo gia đã giữ vai trò đi đầu, tìm được nhiều phương pháp đặc luyện có hiệu quả cao. Do vậy số người sống lâu nổi tiếng trong Đạo giáo khá nhiều: Lão Tử trên 200 tuổi, Trương Tử Dương, Tôn Tử Mạc trên 100 tuổi; số sống trên 80 - 90 tuổi như Cát Hồng (tác giả bộ sách luyện đan nổi tiếng Bao Phác Tư) thì rất nhiều. Trong điều kiện trình độ văn minh còn thấp thời xưa, sống đến 70 tuổi đã hiếm (nhân sinh thất thập cổ lai hi) nói chi đến 80 - 90 tuổi. Ở nước ta, Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình) sống trên 90 tuổi nhờ tu luyện khí công Đạo gia. Các công pháp khí công này đã được Hải Thượng Lãn Ông đánh giá rất cao và đã dành hẳn một quyển - Vệ sinh yếu quyết - trong bộ toàn thư Hải Thượng Y Tông tâm lĩnh để trình bày nhiều công pháp của Lão Tử, Tôn Tư Mạc, Đào Hoằng Cảnh, Tuân Sinh v.v... Đóng góp to lớn của Đạo giáo về khí công , ngoài thuyết "Nhị luyện tinh mệnh" còn là phát hiện và sáng tạo công pháp "vận khí theo vòng mạch nhâm đốc" hay vòng tiểu chu thiên. Về sau, các môn phái khí công đã kế thừa công pháp này, sáng tạo nhiều công pháp mới, nhằm làm cho chân khí vận hành thông suốt trong vòng nhâm đốc, coi đó là cái mốc quan trọng, cửa ải đầu tiên mà người luyện khí công muốn đi xa phải vượt qua. Trong thuật trường sinh, rất coi trọng bảo tồn chân khí. Tuy nhiên, phương pháp bảo tồn nhờ tu luyện cách sống thanh tâm, tiết dục rất khó đối với nhiều đối tượng con người. Có một lớp người rất ham muốn trường sinh bất lão, đó là vua chúa, vương hầu, nhưng dục vọng cũng ghê gớm. Từ đó đã nảy sinh nhu cầu tìm cách phục hồi chân khí, bồi bổ chân khí. Trong khí công, đã sáng tạo nhiều công pháp để thu khí bên ngoài bồi bổ cho khí trong người, như thụ khí của cây (thái thụ khí), thu khí của mặt trời, mặt trăng. Những công pháp khí công dưỡng sinh có hiệu quả cao bao giờ cũng có nội dung thu khí từ ngoài trút vào người, đi đôi với thải khí bệnh ra ngoài. Sự khác nhau của các công pháp là thu khí vào chỗ nào, nhiều hay ít (như thu vào huyệt ấn ở trán giữa trên hai chân mày, vào huyệt lao cung ở giữa bàn tay, vào huyệt dũng tuyền ở gan bàn chân v.v...) Điều cần nhấn mạnh là thu đưa khí vào người phải làm sao giữ cân bằng khí âm khí dương trong người, nếu thu lệch sẽ gây bệnh. Cho nên công pháp thu khí coi trọng giữ cân bằng như thu khí mặt trời thì phải có thu khí mặt trăng, lượng thu cũng phải bằng nhau (tính theo thời gian và thời điểm phải đối xứng). Khí của cây cũng có âm dương, khi thu khí cây phải có sự lựa chọn. Đặc biệt khí công Tây Sơn về thái thụ khí có công pháp để người luyện tự động (không theo ý muốn mà do cơ chế tự điều chỉnh) chọn cây thích hợp, nên đạt yêu cầu cân bằng âm dương rất cao. Trong việc bồi bổ chân khí, còn kết hợp sử dụng các loại thuốc. Y học cổ truyền có nhiều phương thuốc rất tốt, sử dụng nhiều dược liệu bổ khí, sinh khí (hoàng kỳ, nhân sâm, bạch truật, đỗ trọng v.v..) phối hợp với dược liệu bổ huyết (thục địa, đương quy, kỷ tử v.v...). Ngày nay y học hiện đại cũng đã tìm được nhiều biệt dược có tác dụng tăng tuổi thọ. Kết hợp khí công với dùng thuốc hợp lý là một phương pháp đúng đắn để kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh. DÒNG KHÍ CÔNG SIÊU THỂ LỰC Khí công ra đời trong hoàn cảnh sức người còn là nguồn lực chủ yếu của nhiều hoạt động sản xuất, chiến đấu. Vì vậy cả nhà nước và nhiều tập đoàn xã hội đều nghiên cứu sáng chế các phương pháp nâng cao thể lực. Công việc này là nhiệm vụ trung tâm của các cơ sở huấn luyện quân đội, các môn phái võ thuật. Ở đấy, dần dần hình thành 2 nội dung rèn luyện: nội lực và chiêu thức. Nội lực là nền tảng để phát huy chiêu thức. Chiêu thức càng ảo diệu cao siêu, càng đòi hỏi nội lực cao. Giới võ học có nói quyền cước điêu luyện phải đạt nội ngoại tam hợp: Nội tam hợp là tâm ý khí hợp và ngoại tam hợp là thủ túc (tay chân), chỏ gối, vai háng phải hợp, cương nhu phải hợp. Nói đến nội tam hợp tức nói đến nội lực có nghĩa là tốc độ và cường độ phản ứng của cơ thể. Sự nhanh mạnh, chính xác của phản ứng phải đạt tới tự động cho nên rèn luyện nội lực trước hết là rèn luyện tự động phản ứng, nó liên quan chặt chẽ đến cơ chế tự điều chỉnh thứ hai tức khí trong cơ thể. Chính bằng kinh nghiệm , giới võ học đã tìm thấy khí công là phương tiện có hiệu quả nhất để rèn luyện nội lực. Rất nhiều công pháp khí công rèn luyện nội lực đã được sáng tạo ra, nổi tiếng nhất là Thái cực quyền (phái Võ Đang) Bát đoạn cẩm, Thiếu lâm nhu quyền (phái Thiếu lâm). Từ khí công rèn luyện nội lực, dần dần đã tìm ra công pháp để rèn luyện các năng lực khác của cơ thể như chạy cực nhanh (khinh công), chịu được va chạm cơ học áp suất lớn (đao. Kiếm đâm chém) theo hướng này về khinh công có khí công Nga Mi, nổi tiếng lai vô ảnh, khứ vô hình. Về chịu va chạm cơ học có khí công thiết bố sam phái Thiếu lâm, tạo ra cương khí bao bọc thân thể. Ví dụ ở Trung quốc có Phạm ứng Liên hiện nay ngoài 40 tuổi, luyện khí công có thển vận khí làn cho thân thể như bọc một áo giáp bằng thép, đao kiếm chém không thương tổn. Ở Hồng Công, Tôn sư Lương Chính Long đang truyền dạy môn "nhiệt ứng công ", một công pháp khí công luyện thân thể chịu nhiệt độ cao. Bản thân ông có thể nhúng tay vào vạc dầu sôi và có thể chịu được nhiệt độ trên 1000oC. Một hướng quan trọng khác là luyện sử dụng ngoại khí, tức luyện vận chân khí phóng ra ngoài cơ thể qua một số huyệt ở ngón tay, bàn tay, ở đầu trán v.v.. Ngoại khí là có thật, và ngày nay nhiều trung tâm khoa học đã đo và ghi được ảnh của ngoại khí, cũng như hiệu ứng xảy ra ở đối tượng chịu tác động. Đối với cơ thể người, cường độ ngoại khí thích hợp có tác dụng kích hoạt chân khí trong người hoạt động, đưa đến kết quả chữa khỏi bệnh, tăng cường sức khỏe. Đó là thiện ngoại khí. Nếu luồng ngoại khí cường độ lớn tác động tập trung và trúng vào các huyệt quan trọng thì có thể làm cho đối tượng bị thương hay chết. Đó là sát khí. Ngoại khí còn có tác dụng cơ học, gây di chuyển đồ vật, gây cháy. Ở Trung quốc, tại một cơ sở khoa học, Trương Bảo Thắng đã biểu diễn gây cháy: dùng tay chỉ một cái, áo của một vị giáo sư liền bị cháy một lỗ to tướng. Ngày nay, người ta hy vọng dòng khí công siêu thể lực có thể giúp tạo cho cơ thể có những khả năng thích hợp với những loại công việc mà thể lực người thường rất khó thích ứng (như làm việc trong điều kiện chịu áp lực cao ở đáy biển hoặc điều kiện phi trọng lượng). DÒNG KHÍ CÔNG SIÊU TRÍ TUỆ Thực tiễn khí công đã có nhiều trường hợp phát sinh trong người luyện công, năng lực trí tuệ khác thường, Ví dụ Nghiêm Tân (người tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) luyện khí công Đạt Ma, khi công phu đã cao, nhắm mắt phát công (ngoại khí) có thể nhìn thấu suốt thân thể con người, từ hình dáng bên ngoài đến xương cốt, mạch máu, thần kinh bên trong. Vì vậy, từ xa xưa đã có nhiều môn phái nghiên cứu các công pháp tu luyện để khai mở trí tuệ, nhất là trong Phật giáo, Đạo giáo. Cơ sở của các công pháp khí công này là thuyết "khí hóa thần, thần hoàn hư". Thần dược hiểu là biểu hiện của trí tuệ, bao gồm các hoạt động của hệ thần kinh cao cấp: sự vận động của con người, cảm giác, tư duy, tiềm thức... Thần do chân khí hóa ra. Luyện khí công có thể làm cho chân khí sung mãn và hóa thần, tức phát triển trí tuệ. Ở Trung Quốc, tại tỉnh Lan Huy và thành phố Lan Châu (tỉnh Cam Túc) đã thực nghiệm cho học sinh luyện khí công, đem lại kết quả học sinh học thông minh hơn. Thực nghiệm đó một lần nữa xác nhận luận điểm luyện khí hóa thần có thể phát triển trí tuệ. Trong Phật giáo, từ xưa đã có thuyết luyện công "định năng sinh tuệ". Định là nhập định, là phương pháp tu luyện cơ bản của người tu hành với tư thế ngồi thiền. Tuệ là khả năng nhận thức đạt đến cảnh giới siêu phàm. Luyện "thiền định sinh tuệ" cũng là luyện thần hoàn hư. Vì vậy luyện khí hóa thần, luyện thần hoàn hư có thể đưa đến trí tuệ siêu phàm.Trong khí công đã có nhiều công pháp luyện trí tuệ, nổi bật nhất là các công pháp khí công Thiền Mật của Phật giáo. Trong đó công pháp Thiền định giữ vai trò chủ yếu. Thiền định là tĩnh công, trong tư thế bên ngoài bất động, thả lỏng tất cả từ đầu óc đến mọi cơ bắp. Trái lại bên trong người là động (ngoại tĩnh, nội động) một kiểu động đặc biệt gồm nội hô hấp và nội thị. Nội hô hấp là thở theo kiểu của bào thai: hơi thở không dùng một chút sức nào, thở rất nhẹ, mịn không nghe tiếng, rất sâu và dài, kèm theo ngừng thở xen kẽ. Nội thị là toàn bộ trí óc và giác quan tập trung quay vào bên trong cơ thể, gạt bỏ hết tạp niệm, chỉ chăm chú theo dõi các cảm giác sinh lý trong cơ thể. Cảm giác này chỉ sản sinh khi chân khí trong người được kích phát, bắt đầu vận hành mạnh hơn khi không luyện công, nên còn gọi là cảm giác đắc khí. Nội hô hấp hay thở khí công là phương pháp để kích phát chân khí hoạt động mạnh hơn, tức kích phát cơ chế tự động hoạt động, tự động điều chỉnh của các bộ phận trong cơ thể. Cơ chế này vốn không chịu chi phối của ý thức, nên không thể dùng tư duy để hiểu. Nhưng khi được kích phát thì tư duy có thể quan sát cơ chế ấy bằng nội thị cảm giác đắc khí. Luyện tập công phu, chân khí hay cơ chế tự động sẽ hoạt động mạnh, cảm giác đắc khí từ lờ mờ sẽ hiện rõ rệt và liên tục, nhờ đó tư duy dần dần hiểu được. Bằng cách ấy, khi kinh nghiệm tích lũy đã đủ lượng, thì sẽ xảy ra đột biến về chất, trí tuệ bỗng nhiên có sự nhảy vọt, hiểu được các bí mật con người, vũ trụ, xã hội mà bình thường con người không thể nào hiểu được. Hiện tượng đột biến đó, người xưa gọi là "hồi quang phản chiếu"và Phật giáo gọi là "đốn ngộ". Giáo sư Dương bửu Đường ở Trung Quốc gọi phương pháp tĩnh công nội thị là "nội học tập" của bộ não. Ta có thể hiểu đó là con đường thúc đẩy tiến hóa tự nhiên của bộ não, đạt đến cảnh giới siêu phàm. Trong lịch sử Phật giáo, nhà sư một lòng tu luyện "ngoài không nhiễm cảnh, trong không rối loạn" (lời của sư tổ Huệ Năng) nên nhiều thiền sư rèn luyện "thiền định hồi quang phản chiếu" lâu dài đã đắc đạo, đạt được huệ là trí tuệ siêu phàm. Ngày nay các công pháp khí công siêu trí tuệ đã dần dần được công khai truyền dạy ở Trung Quốc như Thiền Mật Huệ công (ở Việt Nam đã có sách bán). Chắc chắn rằng trong các thiền viện ở nước ta, còn những công pháp khác, còn có những đại sư tu luyện khí công sinh tuệ đạt công phu cao, có khả năng trí tuệ khác thường, ta cần tìm cách kế thừa phát huy. Những dòng khí công nêu trên là có thực, hầu như ở nước phương đông nào ít nhiều đều có lưu truyền. Nó giúp ta nhận ra khí công là hệ thống phương pháp thực tế để rèn luyện, củng cố, nâng cao chất lượng toàn diện chính bản thân con người, cả về sức khỏe, thể lực, đạo đức, trí tuệ. Cả về lý luận, phương pháp thực hành đến kết quả đem lại của khí công đều là cổ truyền và kỳ lạ, nhiều vấn đề chưa thể lý giải bằng khoa học hiện đại, nhưng khí công có thể đóng góp vào sự tiến bộ của loài người trên đa phương diện: 1. Cung cấp một hệ thống thực hành có hiệu quả và kinh tế nhất cho công cuộc nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, phát triển thể lực, trí tuệ của con người. 2. Khí công hàm chứa những phương pháp để đi sâu vào bí mật thuộc loại cơ bản sâu xa của con người, xã hội và vũ trụ. Khám phá được những bí mật này "sẽ đưa đến một cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật mới làm thay đổi toàn thế giới" (ý kiến của Giáo sư Tiền Học Sẩm ở Trung Quốc). Việt Nam là một trong những cái nôi của khí công. Triệt để khai thác khí công chắc chắn sẽ giúp dân tộc ta tiến nhanh, mạnh trên con đường phát triển trong tương lai. HUỲNH THỐNG Nguồn: Thông tin khoa học - công nghệ Lâm Đồng, số 2.1996
Ðề: Các dòng khí công Tiến thêm một bước nữa, "Hương công" đã được công nhận là Quốc pháp tại Trung quốc. Sách hướng dẫn và băng hình đã có tại Việt nam (nguồn từ Viện nghiên cứu Thể thao)