Chồng tây vợ Việt- Chồng Việt vợ Tây

Thảo luận trong 'Tâm sinh lý' bắt đầu bởi Nguyệt, 4 Tháng mười hai 2007.

  1. Nguyệt

    Nguyệt New Member

    Tham gia ngày:
    12 Tháng ba 2007
    Bài viết:
    336
    Điểm thành tích:
    0
    "Hồi mới cưới nhau có lúc tưởng phải ly hôn vì nhiều bất đồng quá. Anh ấy cứ bắt mình phải sống theo nếp tây. Còn mình thì nói anh sống ở Việt Nam sao anh không thích nghi với văn hóa của nước chúng tôi?"





    Nguy cơ tan vỡ vì những chuyện không đâu...
    Mặc dù đã làm việc cùng nhau hơn một năm trong cùng một công ty Quản lý Tài chính - Ngân hàng, nhưng ngay từ lúc mới cưới xong Hương đã phải phát cáu vì Vic - anh chồng người Thụy Sỹ của cô chỉ đồng ý ăn những thực phẩm được mua trong siêu thị. Cứ cuối tuần là hai vợ chồng lại cùng nhau đi mua đồ ăn cho 7 ngày tới. Thực phẩm để lâu trong tủ lạnh ăn nhiều quá Hương không thể chịu nổi nhưng vẫn phải chấp nhận. Khi Hương có thai, thèm những món ăn dân dã như bún riêu, cháo trai... nhưng anh chồng người châu Âu rất ngại đến quán ăn vỉa hè của người Hà Nội nên cấm tiệt.
    Chuyện mua sắm chuẩn bị đón đứa con ra đời cũng là vấn đề. Anh Vic chỉ đồng ý mua những thứ hàng đạt tiêu chuẩn châu Âu. Mặc dù mang bầu 8 tháng nhưng Hương vẫn phải cùng chồng sang Hồng Kông mua những thứ cần thiết cho việc đón đứa con sắp chào đời. Kể lại câu chuyện này, Hương rút ra một kinh nghiệm các ông chồng Tây quen sống với những thứ hàng hóa có tiêu chuẩn châu Âu nên họ từ chối những hàng hóa của nước mình. Mặc dù nhiều hàng VN sản xuất rất đẹp, chất lượng cao nhưng chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng thì họ vẫn ngần ngại lắm. "Hồi mới cưới nhau có lúc tưởng phải ly hôn vì nhiều bất đồng quá. Anh ấy cứ bắt mình phải sống theo nếp Tây. Còn mình thì nói anh sống ở Việt Nam sao anh không thích nghi với văn hóa của nước mình."
    Mọi chuyện lại có vẻ khác hẳn với cặp vợ chồng Tom và Thanh. Tom, chàng trai người Hà Lan, làm việc ở VN đã hơn 3 năm và lấy vợ Việt nhưng không "Việt hóa" được bao nhiêu. Đứa con đầu lòng của Tom - Thanh mới ra đời 5 tháng, nhưng nhiều lần xung đột vợ chồng xảy ra vì bất đồng trong việc chăm sóc con cái. Đến bây giờ câu chuyện mà hai vợ chồng họ nhớ nhất là vụ tắm nước chè cho con. Khi mới sinh được hơn 1 tháng, cậu bé Alek bị xước măng - rô, ông bố sợ quá bắt vợ đưa con đến bệnh viện "Tây" mua thuốc bôi hàng tuần liền mà vẫn không đỡ. Sau đó Alek lại bị mẩn ngứa. Đúng vào lúc đó, mẹ của Thanh ở quê mang lên một ít chè tươi, cụ bảo tắm cho cháu sẽ hết ngứa và nhanh khỏi hơn. Ông con rể châu Âu vẫn kiên quyết: “No, no” (!). Thanh đành phải lựa lời nói với chồng. Mất rất nhiều thời gian để giải thích Tom mới chịu buông ra chữ: “OK!”
    Sau hai lần tắm nước chè tươi, các vết xước trên đầu ngón tay cũng các nốt mẩn đỏ trên người Alek biến mất. Thấy hiệu quả, từ đó Tom không còn kiểm soát việc tắm nước chè tươi cho con nữa.
    Còn nhiều chuyện mà những phụ nữ lấy chồng nước ngoài phải thích ứng hoặc chịu đựng. Có ông chồng Tây vợ mới sinh, con chưa đầy tháng mà đã cho vợ ăn nào mỳ ống xào thịt bò, bánh mỳ xúc xích, bún chả, bún ốc... Tất cả đều được đặt gọi từ các nhà hàng mà theo tiêu chuẩn của ông chồng này là đảm bảo vệ sinh. Khi được hỏi vì sao là gái đẻ mà lại ăn như vậy, chị vợ cho biết: “Chồng mình chưa quen ăn nhiều món ăn Việt Nam, chả nhẽ lại nấu cho mỗi người vài món nên vợ ăn theo chồng cho tiện (!)”. Chuyện người thân, họ hàng, bạn bè đến thăm cháu bé còn khó xử hơn. Các bà, các bác ở quê mang trứng, gà, chim... đến biếu, Chàng rể Tây sợ hãi (lo nhiễm bệnh cúm) nên đành phải cho chị giúp việc mang về hết. Thấy em bé trắng trẻo xinh xắn, các bà các chị cứ thi nhau sờ má và thơm cháu, không ít ông bố Tây không quen với kiểu âu yếm này, nên cứ “No, No” rồi ôm con chạy.

    Ngôn ngữ nào cho con?
    Tôi tình cờ chứng kiến một cuộc giao tiếp trong một gia đình Nhật – Việt của anh Kansai – Giám đốc liên doanh Kotobuki Foods và chị Trịnh Thanh Hoa: Bố mẹ nói chuyện với nhau và với khách bằng tiếng Anh, con nói chuyện với mẹ bằng tiếng Việt, nói chuyện với bố bằng tiếng Nhật, khi cần thiết để nói cho cả bố và mẹ cùng hiểu thì con nói bằng tiếng Anh.
    Tại một gia đình có bố người Mỹ, mẹ người Việt lại có hiện tượng sau:
    - Mẹ gọi: Anna ơi, con quay sang: “Dạ!”. Nếu bố gọi, một câu tương tự sẽ là: “What?”
    Tôi có hỏi anh Tom, chồng của Thanh lớn lên anh sẽ dạy cho Alek ngôn ngữ nào. Tom khẳng định: "Tiếng Hà Lan! Vì cha mẹ tôi đều nói tiếng Hà Lan.”
    “- Như vậy, tương lai anh sẽ cho bé về Hà Lan sinh sống và học tập?”
    “- Điều đó phụ thuộc vào công việc của tôi ở Việt Nam...”
    Có lẽ vài nét nhìn phác qua không thể nói hết được những chuyện dở khóc dở cười trong đời sống của những cặp vợ chồng không có chung ngôn ngữ và văn hóa. Nhưng có một điểm chung là trong khi những ông chồng vẫn còn rất nhiều “lăn tăn” về cách sống của người Việt và môi trường xung quanh thì hầu hết những người phụ nữ có chồng là người nước ngoài đều có xu hướng cố gắng để thích nghi với thói quen và văn hóa của quê hương chồng.
    (Tuan Minh- Suctrevietnam)
     

Chia sẻ trang này