1. cabachlong

    cabachlong New Member

    Tham gia ngày:
    20 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    1,152
    Điểm thành tích:
    0
    Có hay không giấc mộng 'tiên tri'?

    Đôi khi sự "lý giải" các giấc mơ chỉ đơn thuần bắt nguồn từ những trùng hợp bề ngoài: Thấy con sói xâu xé đàn súc vật của nông dân có nghĩa là có chuyện rủi ro; rụng răng trong mơ thì hãy đợi sự mất mát.

    Trước kia, người ta rất hâm mộ những cuốn sách giải mộng - đó là loại sách trong đó giải thích hầu như bất kỳ giấc mộng như thế nào. Mơ thấy cừu, thể nào cũng được trọng vọng, thấy cái chong chóng chỉ hướng gió tất sẽ có chuyện ly dị, thấy rắn rết nhất định có sự chẳng lành. Mơ thấy ổ bánh mì tất nhiên sẽ giàu sang. Thấy có bán mua mỡ lợn là sẽ gặp may mắn trong tình duyên…

    Đôi khi sự "lý giải" các giấc mơ chỉ đơn thuần bắt nguồn từ những trùng hợp bề ngoài: Thấy con sói xâu xé đàn súc vật của nông dân có nghĩa là có chuyện rủi ro; rụng răng trong mơ thì hãy đợi sự mất mát. Thậm chí còn đơn giản hơn nữa: mối liên hệ giữa giấc mơ với thực tế được xem xét trong sự trùng hợp đơn thuần của âm tiết các từ - thấy bếp lò trong mơ có nghĩa là sẽ phải buồn chán (Trong tiếng Nga, hai từ "bếp lò" và "buồn chán" đọc na ná như nhau).

    Tuy nhiên, những cuốn sách giải mộng đã được bán rất chạy mà không cần quảng cáo gì đặc biệt. Niềm tin vào những giấc mộng "tiên tri" thật chắc chắn. Vì sao vậy? Sự thể là do người ta đã biết nhiều bằng chứng không thể chối cãi rằng điều thấy trong mơ sau đó đã trở thành hiện thực.

    Nhà tự nhiên học và bác sĩ người Đức Ghexner một lần mơ thấy mình bị rắn cắn. Sau đó một thời gian, ở chỗ "rắn cắn" xuất hiện vết loét. "Chà, giấc mơ tiên tri thực sự nhé! - những ai tin vào giấc mơ liền vội nói. - Bởi khi Ghexner nằm mơ, đâu đã có vết loét". Đúng, thực tế lúc đó chưa có vết loét. Nhưng quá trình sinh bệnh đã diễn ra. Bệnh phát những tín hiệu đau đớn tới não người cả vào lúc ban ngày, nhưng những tín hiệu đó bị chìm lấp đi trước những ấn tượng, những sự kiện, cảm giác khác mạnh mẽ hơn mà não người tiếp nhận lúc ban ngày. Vì vậy người đó không nhận ta, không cảm thấy được những tín hiệu đó.

    Khi giấc ngủ đã tới và kích thích mạnh đã hết, những kích thích yếu bắt đầu bộc lộ rõ. Chúng được con người "nhận ra" dưới dạng giấc mơ bị rắn cắn. Điều đó có nghĩa là giấc mơ không báo trước mà chỉ phản ánh cái trên thực tế. Những giấc mơ "tiên tri" như thế hoàn toàn không hiếm gì.

    Tất nhiên, không phải giấc mơ khó chịu nào cũng nói về bệnh tật cả. Thường hơn cả, nguyên nhân của các giấc mơ nặng nề chính là những điều như sự ngột ngạt trong phòng, dạ dày quá no đủ, vị trí kém thoải mái của người nằm ngủ.

    Sau đây là một biến thái khác của giấc mộng "tiên tri".

    Một người phụ nữ trẻ đi khỏi nhà, chị chào tạm biệt mẹ. Buổi tối ấy trong xe lửa chị mơ thấy một giấc mơ ghê gớm: bà mẹ ốm nặng và gọi con gái trở về nhà. Đêm hôm sau giấc mơ lại lặp lại như đêm trước. Lần này chị thấy những sự kiện tiếp theo - người ta đưa tang bà mẹ. Vô cùng lo lắng, người con gái đánh điện ngay về nhà. Người em trai trả lời chị: "Mẹ ốm". Người phụ nữ quay trở về và thấy mẹ ốm rất nặng, một tuần sau bà mẹ mất.

    Ở đây không có gì là huyền bí. Khi tạm biệt mẹ, người con gái nhận thấy khuôn mặt nhợt nhạt ốm yếu của bà. Chị nhìn thấy nhưng không coi điều đó là hệ trọng. Những ý nghĩ lúc ấy còn bận với chuyến đi sắp tới. Nhưng óc chị đã gác hình ảnh bà mẹ đau ốm sang một trong những tầng nhỏ trong trí nhớ. Trên tàu hoả, người con gái nghĩ không biết có còn được gặp mẹ hay không, bởi bà cụ đã già lắm rồi. Một lần nữa, trong trí nhớ lại hiện lên cảnh tiễn biệt, cái nhìn buồn rầu của người mẹ. Và trong đêm đầu trên tàu, chị mơ thấy giấc mơ trong đó não đưa ra hồi ức về gia đình dưới dạng một hình ảnh rõ ràng. Rồi sau đấy lại giấc mơ - hình ảnh đám tang - điều chị nghĩ tới lúc ban ngày.

    Và tất nhiên thường hơn cả những giấc mơ trở thành hiện thực là những trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc đơn giản hơn nữa, những người tin vào các giấc mơ "tiên tri" thường hay "lùa" sự kiện nào đó trong đời mình vào giấc mơ để biện hộ cho sự kiện đó và thuyết phục chính mình và những người khác rằng giấc mơ đích thực là tiên tri.

    Tất cả mọi người đều biết rằng không phải bất cứ giấc mơ nào cũng thành hiện thực. Vì vậy những kẻ đoán mộng phải viện đến những xảo thuật khác nhau. Họ bảo rằng chỉ có một phần các giấc mộng là tiên tri, còn những giấc mộng khác thì không. Rốt cuộc nếu người ta thấy sự việc trong đời mình khớp với giấc mơ thì đó là giấc mơ "tiên tri"; không khớp thì đó chỉ là giấc mơ bình thường. Cách giải thích ấy thật là tiện lợi!

    Những người đoán mộng khác nói rằng chỉ có thể thấy giấc mơ "tiên tri" vào những ngày nhất định trong tuần, chẳng hạn như vào thứ sáu, hoặc thậm chí vào ngày đầu tiên sau khi bắt đầu tuần trăng là giấc mơ "xác thực", vào ngày thứ hai "sẽ nhanh chóng được thực hiện", vào ngày thứ hai mốt là "dứt khoát sẽ được thực hiện", vào ngày thứ hai mươi sáu là "yên lành", vào ngày thứ hai mươi chín, sẽ "không thành hiện thực", v. v…

    Bạn thấy đấy, có biết bao khả năng được cung cấp cho những người mê tín khiến cho sau khi một điều trong mơ và sau đó thấy điều đó thành hiện thực, cho đến tận cuối đời họ vẫn tin chắc vào sự tồn tại của những giấc mộng "tiên tri".

    Song nếu con người bắt đầu tỉnh táo suy nghĩ về vấn đề này, nhất định người đó sẽ đi đến kết luận rằng trên thực tế không hề có những giấc mộng tiên tri nào hết.

    Và đôi khi, lòng tin mù quáng vào các giấc mơ tiên tri đem lại không ít những giờ phút nặng nề. Trước mắt tôi là một bức thư tôi nhận được từ một phụ nữ ở Ukraina sáu năm trước. "Trước kia tôi không tin vào các giấc mộng. Nhưng một trường hợp dường như đã đảo lộn cả cuộc đời tôi toàn bộ niềm vui của tôi". Và sau đó chị kể rằng ba ngày trước khi chồng chị phải mổ (anh ta bị viêm mủ ruột thừa), chị mơ thấy bị gẫy một cái răng. Chị kể chuyện đó cho cô bạn gái nghe và cô bạn cho biết là đã từng mơ thấy một giấc mơ hệt như thế một ngày trước khi chồng cô qua đời. "Tôi không cho rằng chuyện ấy có một ý nghĩa gì, như khi bác sĩ bảo tôi rằng bệnh trạng của chồng tôi hầu như là vô vọng thì lập tức tôi nhớ lại giấc mơ vừa rồi. Tôi cũng nhớ lại những trường hợp người nào đó quen biết đã chết sau những giấc mộng như thế…"

    Trái với lo sợ của người phụ nữ mê tín đó, cuộc phẫu thuật cho chồng cô ta đã diễn ra tốt đẹp, chẳng bao lâu sau, người chồng ra viện. Song điều đó không làm cho người vợ yên lòng. "Từ khi ấy đã bảy tháng trôi qua, và đến giờ tôi vẫn nghĩ về giấc mơ đó. Tôi gầy đi trông thấy, ăn hoàn toàn mất ngon, người luôn luôn yếu mệt. Tôi cho hạnh phúc của mình là ngắn ngủi (vì giấc mộng đó), còn bản thân mình là bất hạnh".

    (Theo sách Bên cạnh điều bí ẩn)

    ( Vnexpress)
     

Chia sẻ trang này