Kinh dịch là sản phẩm trí tuệ của Phương Đông

Thảo luận trong 'Phát ngôn - Tiên tri - Dự báo - Cảm ứng' bắt đầu bởi dcba, 17 Tháng ba 2007.

  1. dcba

    dcba New Member

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    449
    Điểm thành tích:
    0
    Hiện nay, Kinh Dịch đang được nghiên cứu rộng rãi ở nước ta. Bởi vì, Kinh Dịch là một trong ba bộ kinh cổ nhất Trung Hoa, sau Kinh Thi và Kinh Thư nhưng rất kỳ lạ: Từ chỗ là sách bói toán, Kinh Dịch phát triển thành sách triết học và vũ trụ học, được vận dụng vào rất nhiều lĩnh vực như thiên văn, địa lý, quân sự, nhân mệnh...

    Thạc sĩ, Luật gia Trần Mạnh Linh, Chủ nhiệm CLB Dịch học Hà Nội, một nhà nghiên cứu Kinh Dịch lâu năm sẽ nói rõ với chúng ta về mối quan hệ giữa Kinh Dịch với cuộc sống.
    Kinh dịch không phải là tâm linh

    PV: Thưa luật gia Trần Mạnh Linh, vì sao vài chục năm trước đây, Kinh Dịch không phổ biến ở nước ta?

    Luật gia Trần Mạnh Linh: Thực ra có một giai đoạn, do đất nước còn phải làm nhiều nhiệm vụ quan trọng nên Kinh Dịch không được đề cập đến mà thôi, chứ chẳng có ai cấm đoán. Kinh Dịch cũng từng được dịch ra ở Việt Nam với 3 bản dịch quan trọng nhất của cụ Ngô Tất Tố, Phan Bội Châu và Nguyễn Hiến Lê. Từ năm 1990, khi cuốn Chu dịch và dự đoán học của Thiệu Vỹ Hoa-bộ sách từng được bán rất chạy ở Trung Quốc-được dịch sang tiếng Việt đã tạo nên phong trào học Kinh Dịch ở nước ta.

    - Vậy, Kinh Dịch là gì?

    - Nói về thuật ngữ, dịch là sự thay đổi, kinh là nguyên tắc, ổn định. Vậy, Kinh Dịch là những nguyên tắc, quy luật nói về sự vận động, biến đổi phù hợp với tự nhiên.

    - Tôi đọc cuốn “Tìm về cội nguồn Kinh Dịch” của Nguyễn Vũ Tuấn Anh, thấy học giả này cho rằng Kinh Dịch là do người Việt cổ sáng tạo nên?

    - Đó chỉ là một quan điểm thôi. Còn xưa nay chỉ có hai quan điểm cơ bản: Quan điểm chính thống khẳng định Chu Hy và Phụng Hy thời nhà Chu dựa trên Hà Đồ và Lạc Thư mà xây dựng nên Kinh Dịch; Quan điểm thứ 2 cho là do tập thể sáng tạo, thời sau bổ sung thời trước. Ở Trung Quốc hiện nay họ không bàn đến ai là tác giả, mà chỉ kết luận rằng: Kinh Dịch là sản phẩm trí tuệ của phương Đông, mà trực tiếp là của người Trung Hoa cổ đại.

    - Không những khuyên mọi người đọc sách, mà với Hội Dịch học Hà Nội, một Hội nghề nghiệp như bao hội khác, các anh còn có nhiệm vụ phổ biến kiến thức về Kinh Dịch đến mọi người…

    - Chúng tôi cũng có chức năng tuyên truyền những vấn đề thuộc góc độ khoa học và đúng với pháp luật. Tuy nhiên chúng tôi mới dừng lại ở tổ chức hội thảo, mạn đàm… trong nội bộ Hội, còn với công chúng thì chưa làm được bao nhiêu. Tôi nghĩ, cũng nên đẩy mạnh về vấn đề này, bởi cách nhìn nhận của dân chúng về Kinh Dịch còn rất hạn chế. Ví dụ như dân ta đã có tục lệ tính tuổi để làm nhà, nhưng mỗi nơi lại có cách tính rất khác nhau…

    - Nhưng cũng có thể sách vở in lậu tràn lan nên nhân dân mất niềm tin về sách xem tuổi, xem phong thủy?

    - Sách về chọn ngày tháng, Nhà nước ta đã cho in cuốn Hiệp kỷ biện phương thư của Mai Cốc Thành. Đây là cuốn sách thuộc bộ Tứ khố toàn thư nổi tiếng Trung Quốc. Bộ này ngày xưa vua Càn Long giao cho các nhà khoa học biên soạn, sau đó đưa ra gọi là lịch dùng thống nhất trong toàn dân. Nhân dân ta đã có phong tục chọn ngày làm nhà hoặc dựng vở gả chồng nên thiết nghĩ Nhà nước ta cũng nên thống nhất một lịch. Còn với Hội chúng tôi may lắm cũng phổ biến trên phạm vi Hà Nội thôi. Ví dụ như sắp tới, Hội sẽ sinh hoạt thường kỳ để trao đổi với nhau về Tết Đinh Hợi này nên chọn ngày nào là ngày xuất hành đầu năm, đi về phương nào cho tốt lành, rồi chọn tuổi xông đất. Đó một phần là khoa học, triết học phương Đông, một phần là phong tục, tập quán ngàn đời của nhân dân ta.

    - Điều đó phải chăng là tâm linh?

    - Thực ra, giữa Kinh Dịch và tâm linh có một khoảng cách. Trong văn hóa cổ phương Đông hiện nay đang tồn tại 3 nhánh nghiên cứu khác nhau: Những người nghiên cứu về Kinh Dịch; Những nhà ngoại cảm; Hội cảm xạ như anh Dư Quang Châu ở thành phố Hồ Chí Minh dùng con lắc để làm nhiều việc, như xác định vị trí nhà tốt hay xấu…

    Cái mà người ta gọi tâm linh chính là ngoại cảm và cảm xạ. Báo chí đã đăng vấn đề này rất nhiều, kể chuyện tìm mộ bằng ngoại cảm mà chính xác một cách kỳ lạ. Mặc dù Nhà nước đã từng lập ra Hội khoa học để nghiên cứu về ngoại cảm và có hẳn cuốn sách Khoa học về tiềm năng phát triển con người thừa nhận có những hiện tượng như vậy, nhưng chưa có kết luận một cách khoa học.

    - Vậy Kinh Dịch có chung với hoàn cảnh đó?

    - Kinh Dịch khác hoàn toàn. Phải nói thẳng rằng, bản chất của Kinh Dịch có nguồn gốc từ thuật số. Nghĩa là Kinh Dịch vốn dùng cho bói toán…
    Ba ứng dụng cơ bản của Kinh Dịch

    PV: Chính vì chữ “bói toán” mà có thời, một số người xem Kinh Dịch là “mê tín dị đoan”. Vậy đâu là yếu tố khoa học của Kinh Dịch và đâu là mặt hạn chế của nó?

    Luật gia Trần Mạnh Linh: Bộ Kinh Dịch chứa đựng hai yếu tố: điều chính yếu của nó là bói toán và dựa vào đó, nó chiếm lĩnh các môn khoa học khác như tâm lý học, xã hội học, y học, triết học, đạo đức học…

    Bản thân của bói toán không xấu và không gây tác hại gì. Bói toán là do cách gọi thôi, chúng ta phê phán lâu ngày rồi trở thành ác cảm, chứ thực ra đó là một nghệ thuật dùng các ngôn ngữ hệ nhị phân để tạo nên một hàm xác suất, và dựa trên hàm xác suất để dự đoán quá khứ và tương lai.

    Còn điều hạn chế của nó là: bởi vì đây là môn toán xác suất nên không phải là ai nắm được nguyên lý của nó là giải đáp đúng ngay. Nắm được nguyên lý, nhưng đòi hỏi người sử dụng nó phải có chút nghệ thuật mới giải đáp được. Nghĩa là Kinh Dịch vừa khoa học vừa nghệ thuật. Giống như anh chơi đàn. Cùng một thời gian, giáo trình, cùng một thầy dạy nhưng người chơi dở, người chơi giỏi. Chính điều đó làm nên tính hai mặt: có người học Kinh Dịch dự đoán rất tài tình, nhưng cũng có người dùng nó để làm bậy, như lợi dụng bói toán để kiếm lợi kinh tế. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, cũng đừng nên đề cao quá vai trò của Kinh Dịch, bởi Kinh Dịch phụ thuộc vào vai trò cá nhân quá nhiều. Hơn nữa, khi dân trí còn thấp, đề cao Kinh Dịch sẽ dẫn đến mê muội…

    Nhưng cuộc sống là vậy, bất kỳ cái gì cũng buộc phải chấp nhận tính hai mặt, và nghề nào cũng có người tốt, kẻ xấu… Tôi nghĩ rằng: Nhà nước nên thành lập Viện nghiên cứu Kinh Dịch giống như Liên hợp quốc đã có, nghiên cứu nó dưới góc độ khoa học để ứng dụng trong cuộc sống, chẳng hạn như nghiên cứu về động đất, sóng thần, dự báo thời tiết…

    - Nhiều nhà Dịch học khuyên rằng, bộ Kinh Dịch là quá sâu xa, nếu học mà không ứng dụng thì không bao giờ hiểu đúng nghĩa được. Vậy Kinh Dịch có tác dụng như thế nào đối với cuộc sống?

    - Kinh Dịch như một bảng mã mà dựa vào đó người ta có 3 nhánh ứng dụng cơ bản: Ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày như dùng Bát tự hà lạc, Tứ trụ tử bình để xem xét sự kiện, đời sống một con người; Ứng dụng thứ hai là trong quân sự, ví dụ như Khổng Minh từng dùng Kỳ môn độn giáp để đánh trận…

    - Phải chăng anh muốn nói đến trận Xích Bích phá Tào Tháo nổi tiếng trong “Tam quốc diễn nghĩa”?

    - Đúng rồi! Ở trận đó, chẳng phải vị quân sư này có tài lên đài gọi gió đâu, mà kỳ thực ông bấm độn và biết được thời tiết nó sẽ như thế, như thế. Một số hội viên chúng tôi cũng ứng dụng rất tốt việc này và có khi dự báo thời tiết được cả tháng.

    - Nghe có vẻ vô lý vì khoa học hiện đại cũng chỉ dự báo thời tiết trước ba, bốn ngày…

    - Anh nên xem cuốn Chu dịch và dự đoán học và cuốn Dự đoán theo Tứ trụ của Thiệu Vỹ Hoa. Ông này rất nổi tiếng về dự đoán. Thời còn làm ở Đài khí tượng thủy văn Thiểm Tây (Trung Quốc), ông dùng Kinh Dịch và Bát quái dự báo thời tiết trước cả tháng và độ chính xác là khoảng 78%...

    Nhưng ứng dụng nổi tiếng nhất của Kinh Dịch và nó trở thành văn hóa phương Đông là Phong thủy. Dựa trên Kinh Dịch, Phong thủy được chia thành hai phần: Phần dương cơ và phần âm. Phần dương cơ tức là phong thủy cho nhà cửa đã được Nhà nước thừa nhận là khoa học và cho in nhiều sách, như cuốn Xây dựng nhà ở theo địa lý thiên văn dịch lý của Trần Văn Tam… Nhưng phần âm chưa được thừa nhận, mặc dù ta đã in cuốn sách rất nổi tiếng Địa lý toàn thư của Lưu Bá Ôn toàn nói về mồ mả, đất cát. Các nhà khoa học Việt Nam hiện nay vẫn “kính nhi viễn chi” mà chưa có kết luận về vấn đề này…

    - Nhân nói chuyện Phong thủy, tôi từng chứng kiến có vị cán bộ mời thầy Kinh Dịch đến kê lại chỗ ngồi của mình ở phòng làm việc…

    - Nếu vị đó có ý thức bảo vệ sức khỏe để phục vụ cho công việc thì rất tốt. Ví dụ, luật phong thủy khuyến cáo nếu ngồi làm việc mà quay lưng ra cửa ra vào là không có lợi vì mỗi lần có người ra vào là anh phải ngoái đầu lại, tạo nên sự phân tâm và gây ức chế về thần kinh; Hoặc ngồi mà tựa lưng vào cửa sổ sẽ gây cảm giác bất ổn. Người giỏi Kinh Dịch sẽ tư vấn giúp anh khắc phục điểm đó. Nhưng kê lại bàn mà để cạnh tranh chức vụ hoặc để loại đối thủ nào đó thì không ai có thể làm được!
    Sự biện chứng của triết học phương Đông

    PV: Thưa anh! Là một luật gia lại từng giảng dạy triết học Mác - Lê nin, vậy dưới góc độ triết học, anh thấy triết học Mác - Lê-nin và Kinh Dịch có cái gì phù hợp và trái ngược nhau?

    -Trong triết học Mác, anh em mình nghiên cứu mới dừng lại ở 3 quy luật và 6 cặp phạm trù. Vậy chúng ta xem những vấn đề đó phù hợp với Kinh Dịch chỗ nào.

    Nếu như quy luật cơ bản nhất của triết học Mác là Sự thống nhất của các mặt đối lập, nghĩa là tất cả các sự vật trên thế gian này đều có hai mặt đối lập nhau nhưng đều thống nhất trong một thể, thì trong Kinh Dịch có Quy luật âm dương: Âm dương là hai mặt đối ngược nhau nhưng lại thống nhất thành một thể. Phần bụng cơ thể anh gọi là âm, phần lưng gọi là dương nhưng vẫn thống nhất trong một cơ thể con người. Tương tự, trong triết học Mác có quy luật Lượng đổi chất đổi thì nó cũng phù hợp với luật Ngũ hành tương sinh trong Kinh Dịch, còn quy luật Phủ định của phủ định tương tự quy luật Tương khắc của Ngũ hành trong Kinh Dịch. Như vậy, 3 quy luật của chủ nghĩa Mác đều không có gì mâu thuẫn với quy luật âm dương và ngũ hành của triết học phương Đông. Nếu có điều kiện nghiên cứu các cặp phạm trù của triết học Mác thì chúng ta thấy trùng khít với các cặp phạm trù của triết học phương Đông, rất thú vị.

    - Có một thời, chúng ta quan niệm rằng triết học phương Đông là duy tâm hoặc duy vật siêu hình…

    - Không hẳn như vậy! Bản thân tư duy của chúng ta hiện nay là tư duy phương Đông và nó biện chứng. Triết học phương Đông cho đến ngày hôm nay vẫn tồn tại và nó sẽ tồn tại mãi mãi như triết học Mác.

    Anh hãy nhìn thái cực mà dân ta gọi nôm na là con cá trên hình bát quái mới thấy lý thú vô cùng. Mặt dương và âm cùng nằm trong một hình tròn và cùng thống nhất với nhau. Khi dương phát triển đến cực độ thì trong lòng nó nảy ra cái nhỏ gọi là thiếu âm. Thiếu âm cứ lớn lên dần theo thời gian và đến một ngày nào đó nó biến dương thành âm. Ngược lại bên âm xuất hiện thiếu dương và tương tự, nó biến âm thành dương. Như vậy, âm dương chuyển hóa cho nhau. Đó là thuyết Nhất trụ của Kinh Dịch và nó trùng với thuyết lượng tử và thuyết tương đối của Anh-xtanh.

    Giờ đây không ai có thể phủ nhận được tính khoa học của Kinh Dịch. Nhà bác học Lepnit, người Đức thừa nhận rằng ông đã dựa trên bộ Kinh Dịch để sáng tạo hệ đếm nhị phân, cha đẻ của máy vi tính. Ứng dụng Kinh Dịch, hai nhà bác học người Mỹ gốc Hoa là Dương Chấn Ninh và Lý Chính Đạo đã được giải thưởng Nô-ben về vật lý năm 1957.

    - Kinh Dịch quan trọng như thế, vậy theo anh nên chăng chúng ta cần đưa nó vào giảng dạy ở các trường đại học, theo một mức độ nào đó?

    - Theo tôi được biết, hiện nay chỉ có Trường đại học Kinh tế quốc dân có dạy hẳn một phương pháp của Kinh Dịch, mà ta gọi thẳng là bói toán (Mai Hoa dịch số) vào chương trình tìm nguồn nhân lực. Còn Đại học Kiến trúc có ứng dụng phần Phong thủy. Tôi hy vọng rằng, sau này hệ thống các trường đại học nước ta sẽ đưa Kinh Dịch và triết học phương Đông vào chương trình giảng dạy, bên cạnh triết học Mác - Lê-nin là cơ bản và chủ đạo.

    - Xin cảm ơn anh!
    Hồng Sơn (Thực hiện)

    (nguồn: http://www.qdnd.vn/qdnd/qdndcuoituan.tulieuphongsu.10731.qdnd)
     
  2. uyenuyen

    uyenuyen Guest

    Ðề: Kinh dịch là sản phẩm trí tuệ của Phương Đông

    Kính gửi bác Trần mạnh Linh

    Chu Hy và Phục Hy dựa vào Hà đồ và Lạc thư để xây dựng nên Kinh dịch, Bác có thể cho biết tài liệu nào viết không ?
     
  3. uyenuyen

    uyenuyen Guest

    Ðề: Kinh dịch là sản phẩm trí tuệ của Phương Đông

    Thuyết "hàm tam vi nhất" và thuyết "nhất phân vi nhị" có phải của Kinh dịch không Bác ? hay của Chu dịch ?

    Sách Đại học bàn: " cái gọi là hiểu biết sự vật, là ở chỗ cách vật, muốn nói ra sự hiểu biết cặn kẽ, thì cốt phải hiểu rõ Lý của sự vật, sửa lòng mình ngay thẳng, để hiểu rõ cái biết của mình, mà đi tới cùng của nhận thức". Cháu có thói quen ứng dụng, mà không tự tìm hiểu nguyên nhân, cũng tự nó, biến thành phương tiện để nghiên cứu.

    Kính thư
     

Chia sẻ trang này