Kinh Lăng Nghiêm Bốn Điều Răn Dạy Minh Bạch Về Tánh Thanh Tịnh

Thảo luận trong 'CẢI MỆNH NHIỆM MẦU: Tu là sửa chính Mình - Không yêu cầu người khác sửa đổi theo mình' bắt đầu bởi ammay_ngu, 20 Tháng hai 2009.

  1. ammay_ngu

    ammay_ngu Guest

    Kinh Lăng Nghiêm
    Bốn Điều Răn Dạy Minh Bạch Về Tánh Thanh Tịnh

    (Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối - Four Clear Instructions on Purity)
    Hòa Thượng Tuyên Hóa lược giảng





    Kinh Văn: (trang 7, tape 1A)

    Hán: A-Nan chỉnh y phục, ư đại chúng trung, hợp chưởng đảnh lễ, tâm tích viên minh, bi hân giao tập, dục ích vị lai chư chúng sanh cố, khể thủ bạch Phật: “Đại bi Thế Tôn! Ngã kim dĩ ngộ Thành Phật Pháp-môn, thị trung tu hành, đắc vô nghi hoặc.”



    Việt: Ngài A-Nan sửa y phục cho chỉnh tề, rồi từ chỗ đại chúng chắp tay đảnh lễ. Tâm địa sáng suốt, vừa buồn vừa vui, và vì muốn lợi ích cho chúng sanh đời sau, nên Ngài cúi lạy và thưa với Phật: “Bạch Đức Thế Tôn đại từ bi! Con nay đã tỏ ngộ Pháp-môn Thành Phật, trong sự tu hành được không còn nghi hoặc.”



    Giảng nghĩa:

    Ngài A-Nan sửa y phục cho chỉnh tề. Sau khi nghe Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi nói xong bài kệ, ngài A-Nan đứng dậy và sửa y phục cho chỉnh tề - vuốt vạt áo lại cho thẳng nếp, kéo cổ áo lại cho ngay ngắn, chứ không để cho có vẻ xốc xếch, lôi thôi.



    Rồi từ chỗ đại chúng chắp tay đảnh lễ. Chỉnh đốn y phục xong, ngài A-Nan từ trong chỗ đại chúng chắp tay tay lại và hướng về Đức Phật mà lạy. Tâm địa sáng suốt. Lúc này, tâm trí ngài A-Nan rất “viên minh,” sáng suốt, chứ không hồ đồ như trước nữa; và Ngài lại cảm thấy vừa buồn vừa vui, vừa muốn khóc mà lại muốn cười. “Buồn”, tức là muốn khóc. Ngài A-nan rất dễ khóc; ngài đã khóc rất nhiều lần kể từ phần đầu của bộ kinh. Bây giờ Ngài vẫn muốn khóc nữa, nhưng đồng thời lại cũng muốn cười – hai trạng thái buồn và vui xen lẫn với nhau. “Buồn” (bi), ngài A-Nan buồn chuyện gì? Trường hợp này gọi là “lạc cực sanh bi” (vui quá hoá buồn) – ngài vui mừng quá đỗi: “Vậy là mình có được Phật Pháp! Mình đã hiểu được Phật Pháp chân chánh rồi!” Vui đến cực điểm thì sanh ra buồn. “Vui” (hân), ngài A-Nan vô cùng vui mừng, từ trước đến nay ngài chưa bao giờ cảm thấy vui mừng đến thế. Bởi được chân chánh hiểu rõ Phật Pháp là một điều đáng vui mừng nhất, cho nên ngài A-Nan mới “vừa buồn vừa vui” như vậy.



    Và vì muốn lợi ích cho các chúng sanh đời sau, nên Ngài cúi lạy và thưa với Phật... Song, nếu chỉ có riêng mình hiểu được mà thôi thì ngài A-Nan thấy vẫn còn chưa đủ; Ngài còn muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sanh trong đời vị lai nữa. Do đó, Ngài sụp lạy Đức Phật rồi nói rằng: “Bạch Đức Thế Tôn đại từ bi! Con nay đã tỏ ngộ Pháp môn Thành Phật. Bây giờ con đã thấu hiểu được Pháp-môn để thành Phật này rồi.” “Tỏ ngộ” có nghĩa là hiểu rõ, thông suốt.



    “Trong sự tu hành được không còn nghi hoặc. Con tuyệt đối không bao giờ còn nghi chấp gì về phương pháp tu hành này nữa.”



    Kinh Văn:

    Hán: “Thường văn Như Lai thuyết như thị ngôn: ‘Tự vị đắc độ, tiên độ nhân giả, Bồ-tát phát tâm. Tự giác dĩ viên, năng giác tha giả, Như-Lai ứng thế.’ Ngã tuy vị độ, nguyện độ Mạt-kiếp nhất thiết chúng sanh.”



    Việt: “Con thường nghe Như-Lai dạy như vầy: ‘Chính mình chưa được độ mà độ cho người khác trước, ấy là Bồ-tát phát tâm. Phần tự-giác đã viên mãn, lại có thể thức tỉnh kẻ khác, đó là Như-Lai ứng thế.’ Con tuy chưa tự độ được, nhưng con nguyện sẽ độ tất cả chúng sanh trong thời Mạt-kiếp.”



    Giảng nghĩa:

    “Con thường nghe Như-Lai dạy như vậy....” Ngài A-Nan thường lấy lời của Phật để dẫn chứng cho những điều mà Ngài muốn đề cập tới. Ở đây, ngài A-Nan nói ngài có được nghe Đức Phật dạy rằng: “Chính mình chưa được độ mà độ cho người khác trước, ấy là Bồ-Tát phát tâm. Phần tự giác đã viên mãn, lại có thể thức tỉnh kẻ khác, đó là Như-Lai ứng thế.” Bản thân mình tuy chưa được độ thoát, chưa đắc Đạo, nhưng lại biết hóa độ cho kẻ khác trước – đó chính là sự phát tâm của bậc Bồ-tát vậy. Và, khi sự giác ngộ của chính mình đã được trọn vẹn, bèn vận dụng các đạo lý mà mình tự giác ngộ được để thức tỉnh những người khác, khiến cho họ cũng trở nên giác ngộ - đó chính là công việc của Phật, là những gì Phật làm khi ứng thân ở thế giới này vậy.



    Ngài A-Nan thưa tiếp: “Con tuy chưa tự độ được, nhưng con nguyện sẽ độ tất cả chúng sanh trong thời Mạt kiếp. Bản thân con vẫn chưa được độ, chưa đắc Đạo, tuy nhiên, con mong rằng hết thảy chúng sanh thời Mạt-kiếp đều được độ thoát, đều được hưởng những lợi ích của Phật Pháp.”



    Kinh Văn: (trang 10)

    Hán: “Thế Tôn! Thử chư chúng sanh, khứ Phật tiệm viễn; tà sư thuyết pháp, như Hằng-hà sa. Dục nhiếp kỳ tâm, nhập Tam-ma-địa, vân hà linh kỳ an lập đaọ tràng, viễn chư ma sự, ư Bồ-đề tâm đắc vô thối khuất?”



    Việt: “Bạch Đức Thế Tôn! Các chúng sanh ấy cách Phật xa dần, mà tà-sư thuyết pháp thì nhiều như cát sông Hằng. Con muốn cho các chúng sanh ấy biết nhiếp tâm và nhập Tam-ma-địa. Vậy, làm thế nào để khiến họ được an lập nơi đạo tràng, lánh xa mọi ma sự và tâm Bồ-đề được không thối khuất?”



    Giảng nghĩa:

    “Bạch Đức Thế Tôn! Các chúng sanh ấy cách Phật xa dần. Tất cả chúng sanh trong thời Mạt Pháp ấy dần dần cách xa Đức Phật, thậm chí cũng cách xa cả Phật Pháp nữa, mà tà-sư thuyết pháp thì nhiều như cát sông Hằng.” Hiện tại chính là thời đại “tà-sư thuyết pháp.” Thế nào gọi là “tà sư”? Họ là hạng người không hiểu mà nói hiểu, chưa khai ngộ mà tự xưng là đã khai ngộ, chưa chứng quả vị mà tự xưng là đã chứng quả vị.

    Có lần tôi hỏi một người cũng huênh hoang như thế rằng: “Ông đã chứng Sơ-quả, Nhị-quả, Tam-quả, hay là Tứ-quả? Ông đã chứng được quả vị nào vậy? Ông khai ngộ rồi ư? Ông khai ngộ cái gì vậy? Ông đã chứng quả, chẳng hay là chứng cái ‘quả’ chi?” thì ông ta chỉ lặng thinh!

    Tôi lại hỏi: “Ông đã là Phật rồi thì tại sao ngay cả quả vị mà ông còn chưa chứng đắc? Ông làm cách nào mà chạy đến chỗ Phật được thế?”

    Ông ta chẳng những tự phong cho mình là Phật, mà còn tuyên bố rằng “everybody is a Buddha,” mọi người đều là Phật cả rồi! Những người như thế được gọi là “tà sư” - họ đã phạm phải tội “đại vọng ngữ,” một tội nói dối rất nghiêm trọng ! Người Trung-Hoa gọi hạng người chuyên môn khoe khoang, khoác lác là “đại pháo” (súng đại bác), nói theo tiếng Quảng-đông là “xa đại pháo.”

    Vì để hộ trì Phật Pháp, cho nên bất luận quý vị có hiểu Phật Pháp hay không, hãy nhớ là đừng bao giờ làm tà-sư! Có một nữ cư sĩ họ Lý nọ, khi có người hỏi về Phật Pháp thì bà đáp: “Tôi già cả rồi, tôi quên hết rồi!” Bà ta hoàn toàn không hề học tới, thế thì làm sao mà “quên” được? “Quên” cái gì? Có biết gì đâu để mà “quên”!? Bà ta hiển nhiên là chẳng hiểu gì cả, nhưng vì không muốn thú nhận là mình không hiểu nên mới nói tránh là “quên rồi.” Đó chẳng qua là luận điệu dối gạt thiên hạ mà thôi! “Tri chi vi tri chi” – biết tức là biết, không biết tức là không biết. Chớ nên hoàn toàn không hiểu gì cả mà lại nói tránh là “quên”, bởi vì như thế thì cũng gần như là “tà-sư” rồi!

    Tà-sư khi nói chuyện thì chuyên môn có tâm phan-duyên và giảng giải toàn những điều sai trái, không đúng đắn. Chẳng hạn như dâm dục là không đúng, thì họ lại tán dương: “Đúng! Đó là pháp môn kỳ diệu nhất,” khiến cho người ta bị rối trí, mê muội, không thể tìm thấy chân lý. Lấy phải làm trái, đúng nói không đúng, không đúng nói đúng - những kẻ như thế gọi là tà sư. Đầu óc họ đầy dẫy những tà tri tà kiến, cái biết và cái thấy của họ đều không chánh đáng – cái gì “chánh” thì họ nói là không đúng, còn cái gì “tà” thì họ lại bảo là hay nhất!

    Ngài A-Nan bạch với Đức Phật rằng: “Vào thời Mạt Pháp, số tà-sư thuyết pháp sẽ nhiều như cát sông Hằng. Thế nhưng, vào thời điểm đó, con muốn cho các chúng sanh ấy biết nhiếp tâm, sanh khởi chánh tri chánh kiến, và nhập Tam-ma-địa, đắc được Chánh-định. Vậy, làm thế nào để khiến họ được an lập nơi đạo-tràng, lánh xa mọi ma-sự? Làm thế nào mới có thể khiến cho các chúng sinh ấy được sống yên ổn ở chốn đạo tràng và tránh được mọi ma sự?” Có nhiều kẻ thuộc tà ma ngoại đạo chuyên nói những lời gạt gẫm, lừa đảo người khác. Họ nói về vấn đề sắc dục giữa nam nữ và còn bảo rằng hễ dục vọng càng nặng bao nhiêu thì thành Phật càng nhanh bấy nhiêu! Điều đó hoàn toàn sai lầm, và đó chính là một thứ tà tri tà kiến! Vì vậy, mọi người phải đặc biệt chú ý đến điểm này, đừng để bị mắc lừa! Đối với Phật Pháp chân chánh thì nói chuyện dâm dục là sai, là không phải Phật Pháp. Lối nói ấy chính là “ma sự” vậy!

    “Và tâm Bồ-đề được không thối khuất?” Làm thế nào để tâm Bồ-đề của các chúng sanh trong thời Mạt-kiếp khỏi bị thối thất nữa? Có nhiều người học Phật nhưng học chưa được bao lâu thì tâm Bồ-đề của họ đã thối chuyển; họ than vãn: “Chịu thôi! Tôi không muốn học Phật Pháp nữa! Học Phật Pháp sao mà khó thế, cứ toàn là phải trừ bỏ khuyết điểm. Tôi không dứt bỏ được khuyết điểm thì biết phải làm sao bây giờ?” Thế là họ bỏ cuộc, không học Phật Pháp nữa. Đó gọi là bị “thối thất Bồ-đề tâm” – cái tâm Bồ-đề đã thối chuyển, đã rút lui rồi.

    “Khuất” tức là khuất phục, nghĩa là không còn lòng tinh tấn, hăng hái nữa, và cũng có nghĩa là bại trận, thua cuộc. Như khi Nhật-Bản đầu hàng (trong Đệ Nhị Thế Chiến) tức là họ đã chịu khuất phục vậy. Không có chí khí, để cho ma quỷ chiến thắng – đó cũng gọi là chịu khuất phục. Vậy thì làm thế nào mới có thể khiến cho các chúng sanh trong thời Mạt-kiếp không còn bị thối thất tâm Bồ-đề nữa?



    Kinh Văn: (trang 14)

    Hán: Nhĩ thời Thế Tôn, ư đại chúng trung, xưng tán A Nan : “Thiện tai! Thiện tai! Như nhữ sở vấn an lập đạo tràng, cứu hộ chúng sanh Mạt-kiếp trầm nịch; nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết.”

    A Nan , đại chúng, duy nhiên phụng giáo.

    Việt: Bấy giờ Đức Thế-Tôn khen ngợi ngài A-Nan ngay giữa Đại-chúng: “Lành thay! Lành thay! Như ông vừa hỏi về sự an lập Đạo Tràng và cứu giúp những chúng sanh bị chìm đắm trong thời Mạt-kiếp; nay ông hãy lắng nghe, Ta sẽ vì ông mà nói.”

    Ngài A-Nan và Đại-chúng đồng vâng theo lời dạy.



    Giảng nghĩa:

    Bấy giờ Đức Thế Tôn khen ngợi ngài A-Nan ngay giữa Đại-chúng. “Bấy giờ” tức là ngay sau khi Đức Thế-Tôn nghe ngài A-Nan thỉnh vấn về việc làm thế nào để chúng sanh thời Mạt-kiếp có thể lánh xa các tà-sư thuyết pháp, tránh được mọi ma-sự, và không bị thối thất tâm Bồ đề nữa. Học Phật Pháp, quan trọng nhất là không được mới học có vài ba hôm là nghỉ, không học nữa, mà cần phải luôn luôn, mãi mãi, có lòng tinh tấn: “Tôi muốn học Phật Pháp. Đời đời kiếp kiếp, tôi lúc nào cũng muốn học Phật Pháp.” Ngoài ra, cần phải lập nguyện nhất định hộ trì Phật giáo, nhất định tu hành và học tập Phật Pháp – cái tâm Bồ-đề này phải vĩnh viễn không bao giờ thối chuyển. Song, làm thế nào để được như thế?

    Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tỏ ra vui mừng khi nghe ngài A-Nan hỏi như thế. Vì sao Đức Phật vui mừng? Tuy nói rằng Phật thì “như như bất động,” nhưng khi có người phát tâm muốn ủng hộ Phật Pháp và giúp cho kẻ khác thành Phật, thì Ngài cũng thấy vui mừng, cũng thấy hoan hỷ! Do đó, Đức Phật khen ngài A-Nan ngay trước toàn thể Đại chúng rằng: “Lành thay! Lành thay! A-Nan khá lắm! A-Nan khá lắm!” Đức Phật nói “lành thay, lành thay” như thế tức là tấm tắc khen ngợi ngài A-Nan hai lần: “Ông khá lắm! Ông quả thật là một đệ tử tốt!”

    “Như ông vừa hỏi về sự an lập Đạo-tràng và cứu giúp những chúng sanh bị chìm đắm trong thời Mạt-kiếp. Vào thời Mạt-kiếp - Mạt-Pháp - nếu ông muốn cứu vớt những chúng sanh bị chìm đắm trong cảnh “nước sôi lửa bỏng,” thì nay ông hãy lắng nghe, Ta sẽ vì ông mà nói. Bây gìờ ông hãy chú ý nghe cho kỹ, Ta sẽ giảng cho ông rõ.”

    Ngài A-Nan và Đại-chúng đồng vâng theo lời dạy. Ngài A-Nan nghe Phật sắp thuyết Pháp thì càng vui mừng hơn nữa, cho nên Ngài và Đại-chúng đều đồng lòng vâng lời Phật dạy. Ắt hẳn là lúc bấy giờ Phật hỏi: “Các ông có muốn nghe chăng?” Mọi người đồng thanh đáp: “Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con đều muốn nghe!” và ai nấy cùng nhau “y giáo phụng hành.”

    Tà-sư khi nói pháp thì chuyên môn nói về những chuyện dâm dục, và những điều họ nói đều không đúng với đạo lý - về điểm này, mọi người cần phải biết phân biệt cho rõ ràng. Ở cảnh giới của bậc Bồ-tát, lắm lúc các ngài cũng dùng cái tâm “từ bi ái hộ chúng sanh.” Vì biết rằng tất cả chúng sanh đều có dục niệm rất là nặng nề, cho nên ngay từ lúc mới bắt đầu giáo hoá họ, các ngài không đòi hỏi họ phải đoạn tuyệt lòng ái-dục (hay tâm dâm dục) liền, mà chỉ dùng vô số pháp môn phương tiện để làm cho họ tự có cái nhìn thấu đáo về dâm dục, rồi tự ý đình chỉ cái tâm ấy. Đó là cảnh giới của bậc Bồ-tát, hoàn toàn khác hẳn với cảnh giới của hàng tà-sư ngoại đạo; vì vậy, mọi người cần phải hiểu cho tường tận điểm này.

    Có lần Quán-Thế-Âm Bồ-tát thị hiện làm một người con gái cực kỳ xinh đẹp đến nỗi tất cả đàn ông vừa gặp mặt cô là sanh lòng yêu thích ngay. Nhân đó, cô bảo họ niệm Phật, tu hành, và rốt cuộc đã khiến cho những chúng sanh ấy đều được thành Phật. Trước kia, lúc giảng Phẩm Phổ-Môn (trong Kinh Pháp Hoa), tôi cũng có nhắc đến chuyện “Quán Ám Bán Cá.” “Quán-Âm Bán Cá” là một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, thường mang giỏ cá đi bán trong một ngôi làng mà cư dân vốn hoàn toàn không theo đạo Phật. Khi gặp một cô gái đẹp đẽ như thế thì trai tráng trong làng đều nổi lòng tham, người nào cũng ao ước được cưới cô làm vợ. Tuy rằng dân trong làng ấy không đông lắm nhưng cũng có tới trên một trăm thanh niên, vì thế “Quán-Âm Bán Cá” nói với họ: “Phận tôi thân gái không thể nào kết hôn cùng cả trăm người được, vậy giờ tôi xin dùng cách này để kén chồng: Trong hơn một trăm quý ông đây, hễ người nào thuộc được Phẩm Phổ-Môn trước nhất thì tôi sẽ kết duyên với người ấy. Bây giờ quý ông hãy về nhà mà học đi, tôi cho quý ông thời hạn là ba ngày.”

    Thế là hơn một trăm thanh niên, người nào cũng lấy một bản Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Quán-Thế-Âm Bồ-Tát Phổ-Môn Phẩm, tức là phẩm thứ hai mươi lăm của bộ Kinh Pháp Hoa, để về học dự thi. Hết kỳ hạn ba hôm thì có khoảng bốn, năm chục người đã thuộc được; như vậy là hơn một trăm người dự thi lúc ban đầu thì bây giờ còn lại khoảng một nửa. Người này nói đã thuộc rồi, người kia cũng bảo đã học xong; tất cả có hơn năm mươi người học thuộc được Phẩm Phổ-Môn. “Quán-Âm Bán Cá” bèn nói: “Bây giờ vẫn còn quá nhiều. Mặc dù hơn năm mươi quý ông đây đều thuộc Phẩm Phổ-Môn cả, song tôi không thể kết hôn với cả năm mươi người được! Tôi chỉ có thể kết hôn với một người mà thôi. Thôi được, bây giờ quý ông hãy trở về đi, tôi lại cho thời hạn năm ngày để học Kinh Kim-Cang, ai thuộc được thì tôi sẽ cùng người ấy kết duyên.”

    Hơn năm mươi “thí sinh” ấy quay về và miệt mài học Kinh Kim Cang. Sau năm ngày thì có hơn hai mươi người đã thuộc làu. Thiếu nữ bán cá nói: “Thế này vẫn còn đông quá, tôi cũng không thể kết hôn với nhiều người như thế được. Bây giờ tôi lại có một điều kiện: Tôi kỳ hạn cho bảy ngày, hễ ai học thuộc được bộ Kinh Pháp Hoa thì tôi sẽ kết hôn với người ấy. Lần này, tôi tin rằng người học thuộc sẽ được toại nguyện.”

    Như thế là hơn hai mươi người này và cả những người dự thi khi trước lại cùng nhau cặm cụi học Kinh Pháp Hoa. Nói trong bảy ngày thì có một người có thể tụng nhuần nhuyễn và thuộc nằm lòng được. Người này họ Mã, xuất thân từ một gia đình giàu có. Anh ta nói là mình đã “trúng tuyển,” chắc chắn sẽ cưới được cô gái bán cá, nên gởi thiệp mời thân thuộc đến dự lễ thành hôn. Không ngờ sau lễ gia tiên, vừa vào phòng tân hôn thì cô gái xinh đẹp ấy lại bị lên cơn đau tim mà chết. Chàng thanh niên họ Mã đã hao tổn biết bao tinh thần - học thuộc Phẩm Phổ Môn, Kinh Kim Cang, Kinh Pháp Hoa - mới cưới được vợ, thế mà vừa vào phòng tân hôn thì cô dâu lại đột ngột ngã ra chết!

    Khi đưa đám tang cô gái ấy thì có một vị Sư mặc áo dài màu tía xuất hiện và hỏi: “Chẳng hay quý vị đang làm gì vậy?” Tang gia đáp: “Cô dâu mới cưới về bỗng dưng mắc bệnh mà chết đột ngột, bây giờ chúng tôi đang đưa đám cô ta đây!”

    Vị Sư nói: “Không đúng! Cỗ quan tài kia hoàn toàn trống không, sao lại bảo là có người chết? Quý vị không tin thì hãy mở ra xem đi!” Mở nắp quan tài ra thì bên trong quả nhiên trống không – thi hài của cô gái bán cá được nằm trong áo quan bây giờ chẳng thấy đâu nữa! Thấy thế, ai nấy đều kinh ngạc: Vậy thì cô ấy đi đâu? Hãy mau mau đuổi theo! Phải tìm cho ra cô ấy và đưa về đây, nhanh lên!”

    Bấy giờ, vị Sư giải thích: “Thật ra cô gái ấy chính là Quán-Thế-Âm Bồ-tát thị hiện. Bởi dân chúng ở địa phương này không tin Phật nên Ngài mới thị hiện làm một thiếu nữ xinh đẹp, khiến cho những kẻ háo sắc như các ông say mê mà chịu học Phật Pháp. Nay các ông đã chịu học rồi thì Ngài ra đi thôi!” Nghe xong, “chú rể” họ Mã chợt tỉnh ngộ: “Ồ, Thì ra là vậy!” Thế rồi, khi đã nhìn thấu suốt được mọi chuyện ở thế gian, anh ta quyết định xuất gia, tinh tấn tu hành và sau đó chứng được Thánh-quả.



    Kinh Văn: (trang 21)

    Hán: Phật cáo A-Nan: “Nhữ thường văn ngã Tỳ-nại-da trung, tuyên thuyết tu hành tam quyết định nghĩa. Sở vị nhiếp tâm vi Giới, nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Huệ; thị tắc danh vi Tam Vô-Lậu Học.”

    Việt: Đức Phật bảo ngài A-Nan: “Ông thường nghe Ta tuyên thuyết ba nghĩa quyết định của sự tu hành trong Tỳ-nại-da. Đó là: Nhiếp tâm là giới, do Giới sanh Định, do Định phát Huệ. Đó gọi là Tam Vô-Lậu Học.”



    Giảng nghĩa:

    Khi toàn thể Đại-chúng trong Pháp-hội đều đồng lòng vâng theo lời dạy, Đức Phật bảo ngài A-Nan: “Ông thường nghe ta tuyên thuyết ba nghĩa quyết định của sự tu hành trong Tỳ-nại-da.” “Tỳ-nại-da” (Vinaya) tức là Luật-tạng của Đại-thừa và Tiểu-thừa, trong đó chuyên giảng về Giới-luật của Đại-thừa và Giới-luật của Tiểu-thừa.

    Đức Phật nói với ngài A-Nan rằng: Ông luôn luôn được nghe những gì Ta nói. Vậy khi Ta giảng về các đạo lý trong Giới-luật, hẳn ông đã từng nghe Ta nêu ra những đạo lý tu hành này. Tu hành thì cần phải căn cứ theo tam quyết định nghĩa – ba điều đó có ý nghĩa quyết định đối với sự tu hành này thì là cố định, bất biến, dứt khoát không thể sửa đổi.” Vậy, ba nghĩa quyết định là gồm những gì? Đó là: Nhiếp tâm là Giới, do Giới sanh Định, do Định phát Huệ.” Ba nghĩa quyết định ấy là về Giới, Định và Huệ. “Nhiếp” tức là nhiếp thủ, nhiếp trì, có nghĩa là thâu giữ, thu hút, giống như đá nam-châu thu hút sắt vậy.

    Thế nào gọi là “nhiếp tâm”? Tâm của chúng ta, đặc biệt là cái tâm phan-duyên, suốt ngày chỉ toàn âm mưu, toan tính chuyện lợi dụng người khác, hoặc nghĩ cách kết thân với những người giàu có hoặc có thế lực để dựa dẫm, trục lợi. Lúc nào cũng nghĩ ngợi những chuyện như thế gọi là có tâm phan-duyên, và tức là không “nhiếp tâm”. “Nhiếp tâm” có nghĩa là thâu hồi cái tâm phan-duyên trở lại, không cho nó đi “phan duyên,” không để cho nó chạy rông nữa. Thế nhưng, cái tâm này, quý vị không muốn nó chạy, nó cũng tự động chạy; quý vị bảo nó đừng khởi vọng tưởng, song chưa tới một phút là vọng tưởng lại ùn ùn dấy lên rồi! Vọng tưởng này ngừng lại thì vọng tưởng kia dấy khởi, niệm trước vừa diệt thì niệm sau liền sanh; niệm sau vừa diệt thì niệm sau nữa lại sanh – đó chính là cái tâm phan-duyên “niệm niệm chẳng ngừng” vậy.

    Thế thì bây giờ phải làm sao? Phải nhiếp trì tâm phan-duyên - phải thâu nhiếp cái tâm ấy trở lại và giữ nó yên một chỗ! Chúng ta sỡ dĩ không thể thành Phật, không thể khai ngộ, không thể liễu Đạo, chính là vì chúng ta chưa khống chế được cái tâm này. Nếu khống chế được cái tâm này, giữ được nó ở yên một chỗ, thì chẳng có chuyện gì mà chúng ta không làm được - mọi việc đều thành công, mọi sự đều thành tựu. Cho nên, trước hết, chúng ta cần phải thâu nhiếp và chế ngự tâm phan-duyên; và đó chính là Giới, tức là biện pháp để “chỉ ác phòng phi,” chấm dứt điều ác và ngăn ngừa sự sai trái.

    Trước hết, quý vị cần có được Giới. Có được Giới thì cũng giống như chậu nước đục được để yên, không bị khuấy động. Khi không còn chao động nữa thì đất cát từ từ lắng xuống đáy chậu, nước trở nên trong trẻo. Đó là “do Giới sanh Định” vậy. “Định” tức là không dao động, không chao đảo. Do không dao động mà sanh ra “Định.” Khi không còn bị dao động, lay chuyển nữa, tức là có được Định rồi, thì sẽ “do Định phát Huệ,” như lời Bồ-tát Văn-Thù Sư-Lợi:

    “Tịnh cực, quang thông đạt.”

    (Sạch tột, sáng thông suốt.)

    Hễ trong sạch tới cực điểm thì tự nhiên ánh sáng sẽ soi tỏ, xuyên suốt tất cả; “quang thông đạt” tức là được khai ngộ. “Do Định phát Huệ” nghĩa là từ trong Định sẽ nảy sanh trí huệ chân chánh.

    “Đó gọi là Tam Vô-Lậu Học.” Giới, Định và Huệ được gọi chung là ba môn học vô-lậu. Nếu quý vị giữ Giới thì sẽ có được Định, và từ Định sẽ nảy sanh Trí-huệ.



    Kinh Văn: (trang 24, tape 1B)

    Hán: “A-Nan! Vân hà nhiếp tâm ngã danh vi Giới?”

    Việt: “A-Nan! Vì sao Ta gọi nhiếp tâm là Giới?”



    Giảng nghĩa:

    “A-Nan! Vì sao Ta gọi nhiếp tâm là Giới? Nhiếp tâm gọi là gì? Ta đặt cho sự ‘nhiếp tâm’cái tên Giới là có ý nghĩa gì? Bây giờ Ta sẽ nói cho ông rõ.”



    Kinh Văn: (trang 24)

    Hán: “Nhược chư thế giới Lục-đạo chúng sanh, kỳ tâm bất dâm, tắc bất tùy kỳ sanh tử tương tục.”

    Việt: “Nếu chúng sanh trong Lục-đạo ở các thế giới mà tâm không dâm dục thì sẽ không bị cuốn theo dòng sanh tử tương tục.”



    Giảng nghĩa:

    “Nếu chúng sanh trong Lục-đạo ở các thế giới mà tâm không dâm dục thì sẽ không bị cuốn theo dòng sanh tử tương tục.” Giả sử tại mọi thế giới, những chúng sanh trong sáu cõi là cõi trời, cõi A-tu-la, cõi người, cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ, và cõi súc sanh, đều không còn lòng dâm dục, hết sạch dục niệm, thì dòng sanh tử của họ sẽ dứt hẳn, họ sẽ không còn bị tuỳ thuộc vào dòng sanh tử cứ tiếp diễn liên tục, không hề gián đoạn ấy nữa - sự sanh tử của họ được chấm dứt.”



    Kinh Văn: (trang 25)

    Hán: “Nhữ tu Tam-muội, bổn xuất trần lao, dâm tâm bất trừ, trần bất khả xuất.”

    Việt: “Ông tu pháp Tam-muội vốn để thoát trần-lao, nhưng nếu không dứt trừ tâm dâm-dục thì chẳng thể ra khỏi trần-lao.”



    Giảng nghĩa:

    “Ông tu pháp Tam-muội vốn để thoát trần-lao.” “Ông” là chỉ ngài A-Nan. Đức Phật nói: “Này A-Nan! Ông tu Định-lực cốt yếu là để vượt thoát trần-lao, ra khỏi sanh tử; nhưng nếu không dứt trừ tâm dâm dục thì chẳng thể ra khỏi trần lao. Tuy nhiên, nếu ông không đoạn trừ cái tâm dâm dục thì việc thoát khỏi trần-lao là chuyện chẳng thể có được, không thể nào thực hiện được! Vì sao? Vì tâm dâm dục chính là ‘trần’ (bụi bặm), tức là một thứ ‘trần lao’ kia mà! Do đó, đừng nói là vi phạm bằng hành động, chỉ cần trong lòng ông dấy khởi một ý tưởng dâm dục, có cái dâm-tâm tồn tại, thì đó cũng chính là trần-lao rồi, và như thế là ông cũng vẫn chưa thoát ra khỏi nó được. Cho nên, nếu muốn tu Đạo, muốn được khai ngộ thành Phật, mà lại không chịu dứt bỏ dâm-tâm, thì là chuyện chẳng thể nào xảy ra được.”



    Do vậy, chỉ có những kẻ vô cùng si mê mới vừa muốn giữ cái tâm dâm dục lại vừa muốn được khai ngộ. Tư tưởng này thuộc loại ngu si tột đỉnh, và những người mang tư tưỏng này là những kẻ khó có thể giáo hoá nhất; cho dù bây giờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có giáng thế đi chăng nữa thì Ngài cũng không có cách nào làm cho họ đắc Đạo hay chứng quả vị được cả! Cho nên, hạng người này là ngu dốt nhất, si mê nhất!



    Kinh Văn: (trang 26)

    Hán: “Túng hữu đa trí, Thiền-định hiện tiền, như bất đoạn dâm, tất lạc Ma-đạo - thượng phẩm Ma-vương, trung phẩm ma-dân, hạ phẩm ma-nữ.”

    Việt: “Dầu có đa trí, Thiền-định hiện tiền, mà nếu chẳng đoạn dâm tất sẽ đọa lạc vào Ma-đạo. Thượng phẩm thì làm Ma-vương, trung phẩm thì làm ma-dân, hạ phẩm thì làm ma-nữ.”



    Giảng nghĩa:

    “Dẫu có đa trí, Thiền định hiện tiền, mà chẳng đoạn dâm tất sẽ đọa lạc vào Ma-đạo. Cho dù ông có trí huệ và hễ ngồi Thiền là đạt được cảnh giới khinh an, cảm thấy tốt đẹp vô cùng, nhưng nếu ông không đoạn trừ tâm dâm dục thì ông sẽ bị trở thành Ma-vương.” “Thiền định hiện tiền” tức là đã có khả năng nhập Định, công phu đã có chỗ thành tựu.

    “Thượng phẩm thì làm Ma-vương.” Bậc cao nhất làm ma là làm gì? Làm Ma-vương ở cõi trời Lục Dục Thiên. “Trung phẩm thì làm ma-dân, hạ phẩm thì làm ma nữ.” Bậc trung bình là làm gì? Làm ma dân, tức là dân chúng bình thường của loài ma. Còn bậc thấp kém nhất thì sao? Thì làm ma nữ, tuy là xinh đẹp nhưng vô cùng hèn hạ. Về điểm này, người có trí huệ cần phải thận trọng và người thông minh cần phải chú ý! Đừng để cho mình bị hại bởi sự thông minh của chính mình, đừng tự cho mình là tài giỏi, phi thường: “Các người không hiểu được đâu, chỉ có tôi mới hiểu nổi! Các người không biết gì cả, chỉ có tôi mới biết rành mà thôi!” Đó chẳng qua chỉ là thứ “tiểu trí tiểu huệ,” cái hiểu biết hạn hẹp, nông cạn. Cái “tiểu trí tiểu huệ” ấy của quý vị có thể huỷ hoại tiền đồ của chính quý vị đấy!



    Kinh Văn: (trang 28)

    Hán: “Bỉ đẳng chư ma, diệc hữu đồ chúng, các các tự vị thành Vô-thượng Đạo.”

    Việt: “Những loại ma ấy cũng có đồ chúng, tất cả đều tự xưng đã thành tựu Đạo Vô-thượng.”



    Giảng nghĩa:

    Quý vị xem, hạng người có chút “tiểu trí tiểu huệ” ấy vì không đoạn trừ dâm-tâm nên nói toàn những chuyện ái dục – anh yêu em, em yêu anh - cứ yêu qua yêu lại như thế rồi cuối cùng họ thành ma luôn! Thành ma rồi thì sao nữa?

    “Những loại ma ấy cũng có đồ chúng.” Chúng ma ấy cũng có đồ đệ, cũng có kẻ ủng hộ chúng. “Tất cả đều tự xưng đã thành tựu Đạo Vô-thượng.” Bản thân loài ma không biết xấu hổ, kẻ nào cũng tự xưng rằng: “Tôi chính là Phật! Chúng tôi đây đều là những đấng tối cao, vô thượng!” Hễ cái gì là to lớn, thì chúng xưng chúng là cái đó. Chúng vốn là ma nhưng lại không chịu thừa nhận mình là ma, mà cứ xưng là Phật. Phật thì cũng có Phật giả mạo vậy. Trên thế gian này cái gì cũng có giả được cả, cho nên loài ma cũng có thể làm ông Phật giả. Song le, chúng không chịu nhận chúng là thứ giả. Chúng cho rằng chúng là thứ thiệt, và cũng là “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (trên trời, dưới đất, chỉ mình ta là tôn quý) nữa!



    Kinh Văn: (trang 29)

    Hán: “Ngã diệt độ hậu, Mạt Pháp chi trung, đa thử Ma-dân xí thạnh thế gian, quảng hành tham dâm, vi Thiện-tri-thức, linh chư chúng sanh lạc ái kiến khanh, thất Bồ-đề lộ.”

    Việt: “Sau khi Ta diệt độ, trong thời Mạt Pháp sẽ có nhiều loại ma dân ấy hiện ra đông đảo ở thế gian, mở rộng sự tham dâm, lại tự xưng là Thiện-tri-thức, khiến cho chúng sanh bị sa vào hầm ái-kiến, lạc mất con đường Bồ-đề.”



    Giảng nghĩa:

    Trước khi nhập diệt, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rằng: “Hiện nay Ta còn ở tại thế gian thì bè lũ Ma-vương không dám xuất hiện. Song le, sau khi Ta diệt độ, trong thời Mạt Pháp, khi Phật Pháp đang ở vào giai đoạn tàn lụn, thì sẽ có nhiều loại ma dân ấy hiện ra đông đảo ở thế gian, mở rộng sự tham dâm.” “Thời Mạt Pháp” tức là thời đại của chúng ta hiện nay. Vào thời điểm này, loại ma-dân ấy rất đông đúc và chúng đi khắp nơi nói chuyện dâm dục. Bất luận nam hay nữ, kẻ nào cũng ưa thích dâm dục và đồng thời cũng muốn thành Phật, muốn được khai ngộ.

    Làm sao tôi nhận biết được “con ma” loại này ư? Trước kia, có lần tôi gặp một người nọ - không cần đề cập đến tên của người ấy - tự xưng mình là Phật. Khi tôi nói rằng y là ma, y hỏi tôi: “Ai là ma?” Tôi đáp: “Ông chính là ma!” Vì sao tôi biết được ư? Vì y cứ giở những trò của ma! Y chuyên môn nói chuyện tình cảm, yêu đương ; lúc nào cũng: “I love everybody!” Y lấy tư cách gì mà thương yêu tất cả mọi người? Thật là không biết xấu, không biết hổ thẹn!

    Thời Mạt Pháp, ma-dân nhan nhản khắp nơi khiến cho thế gian này như trong cơn hỏa hoạn, đâu đâu cũng rừng rực ngọn lửa dâm dục. Những người không biết đều hùa theo chúng: “Họ nói nghe được lắm! Những điều họ nói đều rất có lý!” Đặc biệt là những thanh niên trẻ tuổi đều thấy những điều chúng nói rất “tâm đầu ý hợp.” Có câu:

    Xú vị tương đầu.

    (Cùng mùi thối thì hợp nhau.)

    Người này thì hôi hám, người kia cũng thối tha, bởi “cá mè một lứa” cho nên người này bảo người kia giỏi, người nọ khen người kia hay. Nếu không cùng “mùi,” chẳng cùng sở thích, thì sẽ không khen ngợi lẫn nhau:

    Đạo bất đồng tắc bất tương vi mưu.

    (Khác chí hướng ắt không cùng nhau mưu sự được.)

    Tuy nhiên, nếu chí hướng giống nhau, lối suy nghĩ giống nhau, thì sẽ có trường hợp “người mù dắt người đui” xảy ra. “Người mù dắt người đui” nghĩa là kẻ đui mù mà lại dẫn đường cho người cũng không sáng mắt. Quý vị thấy như thế có đáng thương hay không chứ? Tôi nói vậy không phải là muốn trách mắng người nào cả, nhưng quý vị phải biết rằng:

    Hồ đồ dạy hồ đồ,

    Dạy rồi chẳng ai hiểu,

    Sư-phụ đọa địa ngục,

    Đệ tử cũng xuống theo!

    (Mông đổng truyền mông đổng,

    Nhất truyền lưỡng bất đổng,

    Sư phụ hạ địa ngục,

    Đồ đệ vãng lý củng!)

    Gặp nhau ở địa ngục, sư-phụ ngỡ ngàng hỏi đệ-tử. “Ủa, sao con cũng ở đây?” Đệ-tử đáp: “Thì thầy tới trước kia mà. Lẽ dĩ nhiên là con đi theo thầy thôi!” Thì ra đôi bên đều không biết làm thế nào mình lại lọt vào đó được! Quý vị thấy có đáng thương hay không chứ?

    “Lại tự xưng là Thiện-tri-thức.” Bọn chúng còn khoe khoang không ngượng miệng. “Tôi đến chỗ nọ để giảng Kinh. Tôi tới chỗ kia để give lecture. I give lecture to everybody.” Thật là buồn cười hết sức!

    “Khiến cho chúng sanh bị sa vào hầm ái-kiến, lạc mất con đường Bồ-đề.” Chúng làm cho tất cả chúng sanh đều bị rơi vào hầm hố dâm dục, đi lạc ra khỏi con đường Bồ-đề. Con đường Bồ-đề đã mất, không còn nữa, thì chạy đi đâu? Chạy vô địa ngục! Bấy giờ, sư phụ trông thấy đệ-tử lù lù bước vô thì kinh ngạc hỏi: “Sao con cũng tới đây vậy? Đây chẳng phải là chỗ tốt đâu!” Đệ-tử đáp: “Thầy mới là người tới trước kìa! Con thì đương nhiên là phải theo thầy rồi, thầy là sư phụ của con mà!” Thầy thở dài: “Ui chao! Lẽ ra con không nên theo thầy, bởi đây là một nơi đầy thống khổ!”



    Kinh văn: (trang 32)

    Hán: “Nhữ giáo thế nhân tu Tam-ma-địa, tiên đoạn tâm dâm, thị danh Như Lai, tiên Phật Thế Tôn, đệ nhất quyết định thanh tịnh minh hối.”

    Việt: “Vậy ông hãy dạy người đời tu pháp Tam-ma-địa, trước hết phải đoạn trừ tâm dâm dục. Đó là lời minh huấn quyết định thứ nhất của Như-Lai và chư Phật Thế Tôn thuở trước.”



    Giảng nghĩa:

    Sự khác biệt giữa “phản” (trái) và “chánh” (phải) – Ma-vương và Bồ-tát - vốn rất vi tế; khác biệt như thế nào? Bồ-tát thương xót và che chở tất cả chúng sanh với lòng từ-bi, chứ tuyệt đối không có tâm dâm dục. Trong khi đó, Ma-vương đối với chúng sanh thì cứ đề xướng “ái”, chuyên môn nói chuyện dâm dục, chú trọng dâm dục; thậm chí chúng còn nói rằng hễ tâm dâm dục càng nặng bao nhiêu thì khai ngộ được quả vị càng cao bấy nhiêu, và dùng tà thuyết ấy để hại người.

    Bồ-tát thì không có tâm dâm dục, các ngài đối với tất cả chúng sanh hoàn toàn không có sự phân biệt. Có tâm dâm dục tức là ma. Không có tâm dâm dục, chỉ đơn thuần xót thương và cứu giúp tất cả chúng sanh – đó mới chính là cảnh giới của chư Phật và chư Bồ-tát. Ma thương người là có mưu đồ, có tham dục. Bồ-tát thương người thì không có tham dục. Không có tham dục tức là không có tâm dâm dục. Cho nên, trong Phật giáo có giảng về Thập Nhị Nhân Duyên, đó là:

    Vô minh duyên Hành;

    Hành duyên Thức;

    Thức duyên Danh, Sắc;

    Danh, Sắc duyên Lục Nhập;

    Lục Nhập duyên Xúc,

    Xúc duyên Thọ;

    Thọ duyên Ái;

    Ái duyên Thủ;

    Thủ duyên Hữu,

    Hữu duyên Sanh;

    Sanh duyên Lão, Tử.

    Đó là điểm bất đồng giữa Phật-giáo và các giáo phái của Ma-vương ở thế gian.

    “Vậy ông hãy dạy người đời tu pháp Tam-ma-địa, trước hết phải đoạn trừ tâm dâm dục. Ông phải dạy cho tất cả mọi người ở thế gian muốn tu pháp-môn Định-lực này biết rằng: Việc đầu tiên họ cần phải làm là dứt bỏ dâm-tâm, quét sạch dục-niệm. Đó là lời minh huấn quyết định thứ nhất về tánh thanh-tịnh của Như-Lai và chư Phật, Thế-Tôn thuở trước.” Đạo lý này vốn do chính Đức Như-Lai và tất cả chư Phật, Thế-Tôn thuở trước dạy bảo. Các ngài đã minh bạch giáo huấn mọi người: Nhất định phải cắt đứt, loại trừ tâm dâm dục! Đây là điều kiện tất yếu thứ nhất, dứt khoát không được sửa đổi một mảy may. Đạo lý này là “quyết định nghĩa,” chứ không phải là “bất định nghĩa”; cũng chẳng phải là “không nhất định” - chẳng phải là có cũng được, mà không có cũng được. Cái tâm dâm dục dứt khoát phải không còn tồn tại. Có tâm dâm dục tất sẽ bị lạc vào đường ma. Nếu vẫn giữ tâm dâm dục mà mong khai ngộ, thì chắc chắn sẽ trở thành quyến thuộc của Ma-vương!



    Kinh Văn: (trang 34)

    Hán: “Thị cố A-Nan, nhược bất đoạn dâm, tu Thiền-định giả, như chưng sa thạch dục kỳ thành phạn, kinh bách thiên kiếp, chỉ danh nhiệt sa. Hà dĩ cố? Thử phi phạn bổn, sa thạch thành cố.”

    Việt: “Cho nên, A-Nan, nếu tu pháp Thiền-định mà không đoạn dâm, thì cũng như nấu cát sạn mà muốn thành cơm, dầu có trải tới trăm ngàn kiếp cũng chỉ gọi là sạn nóng. Vì sao? Vì đó không phải là gốc của cơm, mà chỉ là cát sạn!”



    Giảng nghĩa:

    Quý vị xem, ở đây Phật lại nêu ra một tỷ dụ nữa. Đức Phật bảo ngài A-Nan: “Ông không tin ư? Ông không tin thì Ta sẽ giảng nghĩa cho ông rõ.” Và Ngài dạy tiếp: “Cho nên, A-Nan, nếu tu pháp Thiền-định mà không đoạn dâm, thì cũng như nấu cát sạn mà muốn thành cơm. Vì lẽ ấy cho nên, A-Nan à, giả sử ông không đoạn trừ tâm dâm dục mà ngày ngày cũng ngồi Thiền, cũng tu hành, tất ông sẽ vừa tu hành vừa bị lậu thoát. Ông tu được một phần thì lậu mười phần, tu được mười phần thì lậu mất một trăm phần. Ông muốn ngồi Thiền mà lại không chịu dứt bỏ dâm-tâm ư? Ông vừa muốn ngồi Thiền để được khai ngộ, lại vừa muốn tìm cầu thứ lạc thú điên đảo ấy, thì chẳng khác nào muốn nấu cát và sạn cho thành cơm vậy.

    Ông đem cát sạn đi nấu, dầu có trải tới trăm ngàn kiếp cũng chỉ gọi là sạn nóng. Dù ông cứ nấu như thế trong suốt cả trăm ngàn kiếp đi chăng nữa, thì cũng chỉ có thể gọi đó là ‘sạn nóng’ mà thôi, chẳng có công dụng gì cả. Vì sao? Do duyên cớ nào? Vì đó không phải là gốc của cơm, mà chỉ là cát sạn! Thứ mà ông đem nấu chính là cát sạn, chứ không phải là gạo, không có chất liệu của cơm! Nếu ông muốn khỏi đoạn dâm tâm mà vẫn được khai ngộ thì cũng tương tự như nấu cát sạn mà mong thành cơm, ao ước cát sạn biến thành lúa gạo vậy.”

    Khi không còn dâm-tâm thì sẽ không thấy có tướng nam tướng nữ, không còn phân biệt mình với người, và cũng không thấy có tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả nữa. Có những người không biết hổ thẹn dám nói rằng: “Tôi là người như thế đấy!” Chỉ nói suông như vậy thì không đáng tin. Không có gì làm bằng chứng thì làm sao quý vị biết được mình là người như thế? Nếu quả thật quý vị là người như thế thì quý vị phải là người hoàn toàn không biết mình là người như thế mới đúng; và quý vị cũng sẽ không nói: “Chứ sao! Tôi không có tâm dâm dục!” Người đã hết sạch dục niệm thì không có thứ kiến giả ấy. Không có, tức là không có. Họ chẳng làm rùm beng, chẳng quảng cáo, chẳng đăng báo, và cũng chẳng khoe khoang. “Tôi là người như thế đấy!” Chỉ một việc tự rêu rao, tự quảng cáo cho mình là đã không phải rồi; cho nên mọi người cần phải chú ý đến điểm này!

    Nếu quý vị quả thật không có tâm dâm dục, thì sẽ:

    Mắt nhìn hình sắc, trong chẳng có [lòng không động]

    Tai nghe trần sự, tâm chẳng hay.

    Tai vẳng chuyện đời, dạ chẳng hay!

    (Nhãn quán hình sắc, nội vô hữu

    Nhĩ thính trần sự, tâm bất tri.)

    Khi mắt nhìn biết bao hình sắc mà bên trong chẳng thấy có gì hiện hữu và tai nghe những âm thanh êm dịu mà tâm trí lại không hay không biết gì cả, tức là đã có được chút “hỏa hầu.” Tâm phải không dao động, không một ý nghĩ dấy khởi, dục-niệm phải hoàn toàn không còn nữa, thì mới là đúng thật. Nếu có những lúc quý vị vẫn còn nghĩ đến phái nữ, thì vẫn chưa được.

    Có một người nọ sau khi khai ngộ rồi thì tới báo cho Sư-phụ của mình biết và thỉnh ngài khai thị ấn chứng. Vị Sư-phụ hỏi: “Ông khai ngộ cái gì thế?” Anh ta thưa: “Ồ! Trước kia con hoàn toàn không hiểu, nhưng nay thì con biết được rằng Sư-cô là đàn bà!” Thì ra bây giờ anh ta mới biết rằng Sư-cô, tức là Tỳ-khưu-ni, là đàn bà! Vị Sư-phụ bèn dùng Phật-nhãn để quán xét: “Ờ! Người này quả thật đã khai ngộ rồi,” và liền ấn chứng cho anh ta: “Ông được rồi đó!”

    Hẳn quý vị sẽ nghĩ: “Ai mà không biết điều đó?” Thế nhưng, người chưa khai ngộ thì sẽ không nói được câu ấy. Nhờ được khai ngộ rồi, cho nên y mới thốt ra một câu như thế! Vả lại, y không thể nào dối gạt người khác được, vì Sư-phụ y có Phật-nhãn, ngài đã dùng Phật-nhãn quán sát và biết được y đã đắc Đạo, đã chứng được Sơ-quả A-la-hán, nên ngài mới ấn chứng cho y, nói rằng: “Đúng vậy!”



    Kinh Văn: (trang 37)

    Hán: “Nhữ dĩ dâm thân, cầu Phật diệu quả, túng đắc diệu ngộ, giai thị dâm căn, căn bản thành dâm, luân chuyển Tam-đồ, tất bất năng xuất. Như Lai Niết-bàn, hà lộ tu chứng?”

    Việt: “Ông lấy dâm-thân mà cầu diệu-quả của Phật, cho dẫu có đắc diệu-ngộ thì cũng đều là dâm-căn. Căn bổn đã thành dâm, tất phải luân chuyển trong Tam-đồ, không thoát ra được. Thế thì Niết-bàn của Như-Lai do đường nào mà tu chứng?”



    Giảng nghĩa:

    Đức Phật dạy ngài A-Nan: “Ông có thích cô gái Ma-Đăng-Già ấy, như thế có nghĩa là không những tâm dâm dục mà ngay cả cái thân dâm dục cũng vẫn còn tồn tại. Ông lấy dâm-thân mà cầu diệu quả của Phật, cho dẫu có đắc diệu-ngộ thì cũng đều là dâm-căn. Nếu ông dùng cái thân dâm dục để cầu mong chứng đắc quả vị nhiệm mầu của Phật, dù ông có đạt được đạo lý vi diệu thì cũng còn vướng cái gốc rễ dâm dục mà ông chưa chặt bỏ. Căn bổn đã thành dâm, tất phải luân chuyển trong Tam-đồ, không thoát ra được. Với cái gốc là dâm dục, thì tương lai ông nhất định sẽ bị đọa vào Tam-đồ. Tam-đồ, hay Tam ác đạo, tức là ba con đường xấu ác: Địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Như thế, ông dứt khoát không thể nào ra khỏi ba đường ác ấy được, mà chắc chắn sẽ bị chuyển thân sanh làm súc sanh hay ngạ quỷ, hoặc đọa địa ngục. Thế thì Niết-bàn của Như-Lai do đường nào mà tu chứng? Vậy ông căn cứ vào cái gì, nương theo con đường nào để có thể chứng được quả vị Niết-bàn của Phật?”



    Kinh Văn: (trang 39)

    Hán: “Tất sử dâm cơ thân tâm câu đoạn, đoạn tánh diệc vô, ư Phật Bồ-đề tư khả hy ký.”

    Việt: “Phải làm cho dâm-cơ của thân và tâm đều dứt, và tánh ‘dứt’ ấy cũng không còn, thì mới mong đạt được quả Bồ-đề của Phật.”



    Giảng nghĩa:

    “Phải làm cho dâm-cơ của thân và tâm đều dứt. Ông nhất định phải đoạn dứt dâm-cơ của thân và dâm-cơ của tâm.” “Dâm cơ” tức là một niệm dâm dục nhỏ nhất, vi tế nhất. “Dâm cơ” cũng có nghĩa là vô minh; do đó cũng cần phải dứt trừ vô minh.

    “Và tánh ‘dứt’ ấy cũng không còn, ngay cả cái biết về tánh ‘dứt’ ấy ông cũng phải không được có nữa, như thế thì mới mong đạt được quả Bồ-đề của Phật, mới có thể nuôi hy vọng trên con đường giác ngộ của Phật vậy.”



    Kinh Văn: (trang 39)

    Hán: “Như ngã thử thuyết, danh vi Phật thuyết; bất như thử thuyết, tức Ba-Tuần thuyết.”

    Việt: “Như lời Ta nói đây mới gọi là lời Phật nói; bằng chẳng nói như vậy, tức là lời của Ma Ba-Tuần.”



    Giảng nghĩa:

    “Như lời Ta nói đây mới gọi là lời Phật nói; bằng chẳng nói như vậy, tức là lời của Ma Ba-Tuần. Những lời như Ta giảng đây mới đích thực là Pháp do Phật nói ra. Nếu lời nói không phù hợp với đạo lý của Ta thì đó là lời của Ma-vương vậy.” “Ba-Tuần” là tiếng Phạn, có nghĩa là “ác giả,” kẻ ác. Ma Ba-Tuần tức là Ma-vương, vua của loài ma.



    Người đến nghe Kinh nhất định là đều sáng mắt. Người mù thì không thể đến nghe Kinh, cả người điếc và người câm cũng đều không thể đến để nghe Kinh được. Những kẻ đến đây nghe Kinh thì đều càng nghe càng thông minh, chứ không phải càng nghe càng ngu si. Do đó, bây giờ mọi người nên mở con mắt trí huệ chân chánh của mình ra và hướng nhĩ-căn chân chánh của mình vào trong để lắng nghe tự tánh, chứ đừng lăng xăng tìm kiếm ở bên ngoài nữa. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói với quý vị trong ngày hôm nay!

     

Chia sẻ trang này