Mười hai con giáp

Thảo luận trong 'Trao đổi kiến thức về Tử Vi' bắt đầu bởi Mickey, 8 Tháng hai 2008.

  1. Mickey

    Mickey New Member

    Tham gia ngày:
    25 Tháng mười hai 2007
    Bài viết:
    172
    Điểm thành tích:
    0
    Ông thầy bói hấp hem đôi mắt nửa mù nửa sáng, mấy ngón tay co lại, đếm ngay trên bàn tay mình, lẩm bẩm, rồi xuýt xoa mấy chữ: “Giáp Ất Bính Đinh Mậu Kỷ Canh Tân” hay “Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ...” Ông thầy bói đang nói tới mười hai địa chi và mười thiên can để tính tuổi khách xem bói. Mười hai địa chi mà dân gian gọi là mười hai con giáp gồm: Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (cọp), Mão hay Mẹo (mèo) Thìn (rồng), Tỵ (rắn), Ngọ (ngựa)ï, Mùi (dê hay cừu), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (heo). Theo lịch Trung Hoa, chúng ta ai cũng phải mang một con Giáp, nghĩa là sinh vào một năm nào, mang theo một con vật biểu tượng cho năm sinh, xoay một vòng là mười hai năm. 12 con Giáp phải đi theo 10 thiên can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Những năm cùng tên sẽ trở lại tên cũ sau một vòng xoay 60 năm. Tên năm Âm Lịch năm nay Đinh Hợi 2007, đã có năm 1947, sẽ trở lại vào năm 2007+60= 2067.

    Ngày xưa dân quê ta thường không nhớ tới năm sinh theo những con số của dương lịch của mình mà chỉ nhớ sinh vào tuổi con gì của âm lịch, cũng không cần nhớ tới “can” đi theo nữa, cứ tính theo Tý lớn hay Tý nhỏ, Sửu lớn, Sửu nhỏ mà biết tuổi. Tên của 12 chi và 10 can cũng thường đem đặt tên cho con để dễ nhớ tuổi, những tên Tý, Sửu hay Giáp, Ất rất thông dụng ở thôn quê.

    Hình ảnh những con vật trong 12 con giáp có con trông oai phong lẫm liệt như cọp, rồng... nhưng cũng có con trông bẩn thỉu như chuột, heo, chó. Để mỉa mai và mô tả một nhân vật nào kỳ quái ngoài đời, người ta hay dùng thành ngữ “chẳng giống con Giáp nào”. Và cũng không mấy ai vui khi được giới thiệu là tuổi con heo mang tiếng bẩn lại lười như tuổi năm này, hay con rắn có vẻ luồn lách, hiểm độc. Vì vậy hiện nay ở Trung Quốc, người ta đang thảo luận để tìm cách đổi tên lại cho 12 con giáp, loại trừ các con “chuột, rắn, gà, heo” ra và đem thay vào đó các con vật tốt đẹp hơn là các con “sư tử, cá, chim hạc và phượng hoàng”. Con gà không xấu nết như heo, rắn hay chuột nhưng khi phát âm lại nghe tiếng “ji”(kê) là đói, nên cứ tới năm gà lại lo nạn đói sẽ xẩy ra, trong khi con cá (ngư) thì phát âm như từ “dư ” (yu) là dư dả, no ấm. Người ta chọn con chim hạc là biểu tượng cho sự trường thọ (tuổi hạc), chim phượng hoàng là giống chim cao sang (phượng múa rồng bay), còn sư tử là giống oai vệ (Hà Đông sư tử hống).

    Người Việt vẫn còn những điều tin tưởng về mười hai con Giáp một cách đơn giản và vô căn cứ, cứ tuổi Sửu là phải đi... cày mới có ăn, tuổi Hợi là ... “nằm đợi mà ăn”, trai thuộc can “Nhâm- Đinh”, gái thuộc “Giáp – Quý” là sang, “Quý Mùi không chùi cũng sáng”, tuổi Dậu như con gà là phải... bươi móc. Vợ chồng cùng tuổi thì “nằm duỗi mà ăn”. Trong khi dân Trung Hoa chọn năm Thìn để sinh con trai cho nó sang vì Rồng tượng trưng cho Vương quyền , thì người Nhật, con gái tuổi Ngọ là tuổi cao số, không ai dám rước về Dinh, nên nhiều cô phải tự tử. Nam mạng nào có tới ba... Tý thì số được làm lớn, không Vua thì cũng Tổng Thống, vì vậy nên nhiều nhân vật đã sửa lại ngày tháng năm sinh, đánh bóng lại tử vi để tạo huyền thoại, gây lòng tin cho dân chúng.

    Vì sao tuổi Đinh Hợi là tuổi của năm nay (2007), cũng như tuổi Bính Tuất là tuổi tốt, mà người Trung Hoa muốn chọn để đẻ con? Sách vở nói hai tuổi này là tuổi “ốc thượng thổ” (ngói lợp nhà), rất tốt, nó hợp với tất cả tuổi khác. Ngói lợp nhà trước hết là đất (thổ), phải dùng cuốc (kim) để đào xới lên, đem nhào nặn với nước (thuỷ), xong đem vào lò đốt (hoả), lên mái nhà có rui, mè (mộc) đỡ, nghĩa là đầy đủ ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ.

    Hai năm Thân Dậu (1944-1945) ở Việt Nam được coi như hai năm đói kém, nên ca dao dân gian đã nhắc nhở:

    “Được mùa chớ phụ môn khoai,
    Đến năm Thân, Dậu lấy ai bạn cùng.”

    Có những năm, người ta không còn nhớ đến những con số mà chỉ gọi đến tên của con giáp, như cơn bão năm Thìn ở Huế, trận đói năm Thân, Dậu. Cũng như dân Huế, mỗi khi nói đến Mậu Thân (1968), người ta không nghĩ đến thứ tự của một con giáp mà người ta nghĩ đến một vụ thảm sát man rợ nhất của Việt Cộng trong lịch sử của cuộc chiến Việt Nam.

    Sấm Trạng Trình có một bài thơ thất ngôn, nói đến các biến chuyển của những niên biểu mà cho mãi đến bây giờ, người ta vẫn chưa đoán ra được là đích xác năm nào:

    “Long vĩ (cuối năm Thìn), xà đầu (đầu năm Tỵ), khởi chiến tranh

    Can can xứ xứ khởi đao binh

    Mã đề (trán ngựa- đầu năm Ngọ), dương cước (chân dê- cuối năm dê) anh hùng tận, (1)

    Thân, Dậu niên lai kiến thái bình.”

    Về vấn đề xung khắc của các con giáp, ngày xưa, đã biết bao nhiêu đôi trai gái thương yêu nhau nhưng phải chịu cảnh chia lìa vì cha mẹ mê tín đị đoan, không cho lấy nhau vì kỵ tuổi, tuổi xung khắc. Theo sách tử vi, Dần Thân Tỵ Hợi là bốn tuổi xung khắc:

    “Dần Thân Tỵ Hợi tứ hành xung
    Dặn anh hãy xét lại cho cùng,
    Đính hôn mai mối,em sợ trùng không nên.”

    hoặc:

    “Biết con đặng hữu phước hay phải chịu vô phần
    Gặp mặt nhau đây, nguyện ước Châu Trần,
    Nhưng mà em e tuổi Hợi, tuổi Dần khắc xung”.

    Riêng tuổi Thân không nghe nói kỵ, xung với ai, tuổi Thân cũng không được coi như là một tuổi xấu, nhưng vì chữ “tuổi” đọc âm lên nghe tựa như “tủi”, nói “tuổi thân” nghe như “tủi thân”:

    “Người ta tuổi Sửu tuổi Mùi
    Tôi nay phải chịu ngậm ngùi tủi... Thân.”

    Do vậy ai là tuổi Thân thì cũng cảm thấy chút buồn buồn. Mặc dầu đây là một lối chơi chữ hiếm thấy trong văn chương bình dân.

    Là người Việt Nam, ảnh hưởng văn hoá của người Tàu tự nghìn xưa, chúng ta sinh ra dưới tên gọi của một năm với một con vật tượng trưng, thì dù là Tý Sửu hay Dần Mão, dù suy ra nó cũng vô nghĩa nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận nó và mang bên mình, nghĩ cũng vô hại. Nhưng nếu sống không ra con người, để cho bàng dân thiên hạ gọi chúng ta là con người “không giống con giáp nào”, thì đó không phải là con người có cá tính nữa, mà là một khuôn mặt kỳ quái, và chắc chắn đó không thể nào là một con người tử tế được.

    (1) Đề còn có nghĩa là móng chân thú. Móng chân thì không thể giải nghĩa là cuối năm được. Chữ đề trong câu này theo nghĩa là cái trán (đầu năm) có lẽ đúng hơn.

    (Huy Phương)
     

Chia sẻ trang này