Ma túy và sức khỏe

Thảo luận trong 'Cải mệnh = Hatha Yoga và Dưỡng Sinh Thuận Theo Tự Nhiên' bắt đầu bởi cabachlong, 29 Tháng sáu 2007.

  1. cabachlong

    cabachlong New Member

    Tham gia ngày:
    20 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    1,152
    Điểm thành tích:
    0
    Ma túy là tên gọi chung để chỉ các chất gây nghiện. Nghiện ma túy là hiện tượng các gây chất gây nghiện được đưa vào cơ thể qua các đường hút, hít, nhai, nuốt, tiêm tĩnh mạch... Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), nghiện ma túy là trạng thái ngộ độc kinh niên hay từng thời kỳ do sử dụng bừa bãi và lặp lại nhiều lần các chất gây nghiện, gây nguy hại cho sức khỏe của cá nhân và cộng đồng.
    Ma túy có những đặc tính: Gây cho người sử dụng nó có sự ham muốn không kiềm chế được và phải sử dụng nó bằng bất cứ giá nào; làm cho người nghiện có khuynh hướng tăng liều, tức là càng ngày liều dùng càng phải cao hơn mới có tác dụng; gây cho người sử dụng nó bị nô lệ về mặt tinh thần và vật chất, nếu ngừng sử dụng thì sẽ bị các hội chứng cai thuốc, người vật vã khó chịu, có thể đe dọa đến tính mạng con người.

    [​IMG]
    Tiêu hủy cây cần sa
    Ma túy được phân thành 4 nhóm:
    Những chất ma túy thực sự:
    - Thuốc phiện: (opium, còn gọi là nha phiến, á phiến) là nhựa và hỗn hợp nhiều chất (các alkaloid) được trích ra từ quả cây thuốc phiện.
    - Morphin: là một alkaloid và là một hoạt chất chính trích ra từ thuốc phiện.
    - Heroin (bạch phiến): là chất bán tổng hợp từ morphin.
    - Các chất tổng hợp tương tự morphin: dolargan, demerol, methadol...
    - Cocain: hoạt chất chính trích từ lá cây côca.
    Những chất gây ảo giác: Chất gây ảo giác là chất khi sử dụng sẽ bị rối loạn về mặt ý thức, nhận định sai lạc về không gian và thời gian, người nghiện cảm thấy mọi vật bập bềnh, lúc ẩn lúc hiện như những bóng ma. Đó là các chất:
    - Cần sa (bồ đà): là lá và cây của một loại cây gai cannabis sativa. Người hút cần sa như hút thuốc lá để tìm ảo giác và kích thích.
    - Mescalin: là hợp chất thiên nhiên triết từ một loại cây xương rồng Nam Mỹ cũng gây ảo giác.
    Những chất kích thích hệ thần kinh trung ương: gồm các chất gây kích thích thật sự; amphetamin, methylpenidat dùng lâu sinh ra nghiện. Các chất thuộc nhóm này có tác dụng gây sự khoái cảm và lệ thuộc.
    Những chất ức chế hệ thần kinh trung ương: gồm thuốc ngủ loại barbiturat như secobarbital, immenoctal, thuốc an thần loại benzodiazepin (seduxen).
    Một điều cần lưu ý là chất gây nghiện (VD: morphin, dolargan) nếu sử dụng đúng mục đích trị liệu, đúng liều, theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc có tác dụng giảm đau tốt (giảm đau trong ung thư). Nếu tự ý sử dụng, quá liều, sử dụng bừa bãi, dẫn đến lạm dụng ma túy, gây nên hậu quả rất nặng nề. Đặc tính của ma túy là gây cho người sử dụng nó sự ham muốn không kiềm chế được và phải sử dụng nó bằng bất cứ giá nào, càng ngày liều càng phải tăng thì mới có tác dụng.
    Tác hại của ma túy: Hậu quả của nghiện ma túy thì vô cùng tai hại, nó làm cho con nghiện thân tàn ma dại, ăn ngủ kém, sức khỏe suy sụp, nhiều người chỉ còn da bọc xương, mặt phù thũng, đi không vững phải có người dìu. Ma túy còn gây nên nhiều tệ nạn xã hội (trộm cắp, cướp của, giết người), nhiều gia đình mất hết cơ nghiệp vì con nghiện. Đặc biệt, những người nghiện ma túy dễ bị nhiễm HIV/AIDS, trong số những người bị nhiễm HIV/AIDS ở nước ta, những người tiêm chích ma túy chiếm trên 70%, điều đó cho thấy ma túy và AIDS là hai kẻ đồng hành. Những người nghiện ma túy cơ thể tiều tụy, sức đề kháng của cơ thể yếu, lại mắc căn bệnh thế kỷ, hệ thống miễn dịch bị suy sụp hoàn toàn nên chết rất nhanh. Ngày nay, ma túy đang trở thành hiểm họa của loài người, hủy hoại nhân loại, gây băng hoại đạo đức xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhiều gia đình tan nát, cha mất con, vợ mất chồng vì ma túy. Vì vậy, để ngăn chặn ma túy cần phải có các biện pháp mạnh (tử hình) để xử lý những người buôn bán, vận chuyển cái “chết trắng” trong xã hội.
    Phát hiện người nghiện ma túy: Vậy làm thế nào để phát hiện được ở giai đoạn sớm và liệu có cai được ma túy? Những biểu hiện sớm nhất của người nghiện ma túy là chậm chạp, lờ đờ, lười vận động, không ham thích thể thao, thích ngồi một mình, hay ngáp vặt, nhiều khi ngáp chảy cả nước mắt. Cai ma túy là giúp cho người nghiện chấm dứt vĩnh viễn việc sử dụng ma túy, chấm dứt nỗi đau đớn do cơ thể đói thuốc. Trên thực tế việc cắt cơn nghiện thì không khó, nhưng việc làm cho người nghiện không bị tái nghiện thì hết sức khó khăn, thậm chí bế tắc. Việc từ bỏ ma túy sẽ gây nên “hội chứng cai thuốc”. Nếu nghiện nhẹ thì cơ thể lờ đờ, hay ngáp vặt, mất ngủ, mệt mỏi. Nghiện nặng thì nôn mửa, đau đớn, cảm giác như có dòi bò ở trong xương, mất ngủ kéo dài, vật vã, sùi bọt mép, tức giận. Lúc đó bằng bất cứ giá nào con nghiện lại tìm đến ma túy, điều đó giải thích vì sao đa số con nghiện (80-90%) đều bị tái nghiện sau khi cai.
    Để giúp cho người nghiện từ bỏ ma túy, cần áp dụng các biện pháp sau:
    Cai ở các trung tâm cai nghiện: Ở các trung tâm cai nghiện thường áp dụng phương pháp kết hợp đông tây y như dùng các biện pháp vật lý trị liệu: châm cứu, xông hơi, thể dục trị liệu để cắt cơn, phục hồi bằng xoa bóp, chơi thể thao như bóng chuyền, bóng bàn... tạo niềm say mê thể thao để họ quên đi cảm giác thèm thuốc. Đồng thời cho uống thuốc giảm đau, an thần nhẹ, thuốc y học dân tộc làm êm dịu thần kinh và dễ ngủ. Về mặt sinh lý, các phương pháp cắt cơn đều có hiệu quả từ 7-15 ngày, người nghiện không còn lệ thuộc vào ma túy nữa. Tuy nhiên, việc duy trì để người nghiện từ bỏ hẳn ma túy và hội nhập vào cộng đồng là điều hết sức khó khăn. Dưới tác động của nhiều yếu tố khách quan (thất nghiệp, bạn bè xấu lôi kéo, xã hội và gia đình khinh rẻ...) nên đa số lại bị tái nghiện trở lại.
    Giáo dục, phục hồi niềm tin, phục hồi lao động: Giáo dục cho họ có lối sống lành mạnh, giáo dục đạo đức xã hội, tâm lý, phục hồi niềm tin, phục hồi lao động, dạy nghề, tạo công ăn việc làm ổn định để họ hòa nhập với cộng đồng. Giải thích cho họ rõ về tác hại của ma túy với sức khỏe, nòi giống và hướng dẫn các biện pháp cai nghiện để duy trì lối sống lành mạnh. Đồng thời tác động về mặt tâm lý để người nghiện có ý chí quyết tâm từ bỏ, “đoạn tuyệt” với ma túy. Ngoài biện pháp cai nghiện ở trung tâm, một số trường hợp cai nghiện tại nhà có tác dụng tốt. Những lúc vật vã thèm thuốc người nghiện rất cần có người thân ở bên cạnh để an ủi, động viên, giúp đỡ, cho ăn uống bồi dưỡng phục hồi sức khỏe. Gia đình cần quan tâm, chăm sóc, không cho tiếp xúc với những người nghiện khác để tránh bị lôi kéo trở lại con đường cũ. Điều quan trọng là không khinh ghét, không phân biệt đối xử, tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện để họ hội nhập vào xã hội. Có như vậy họ mới cai được nghiện.
    ( SKDS)
     

Chia sẻ trang này