Người khai sáng thành Thăng Long cổ

Thảo luận trong 'Phát ngôn - Tiên tri - Dự báo - Cảm ứng' bắt đầu bởi Tử Vi, 5 Tháng tám 2006.

  1. Tử Vi

    Tử Vi New Member

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    427
    Điểm thành tích:
    0
    Người khai sáng Thăng Long xưa

    --- Chu Quang Trứ ---


    Xây dựng kinh đô Thăng Long là một trong những công việc đầu tiên của vua Lý Thái Tổ. Vị hoàng đế này và vương triều Lý đã mở đầu kỷ nguyên Đại Việt, lập nhiều kỳ tích trên cả hai lãnh vực dựng nước và giữ nước, đưa đất nước lên ngang hàng mọi quốc gia. Đã không ít sách báo đánh giá cao nhà Lý. Nhưng về con người này, và nhất là vùng quê của Người, do sự "dệt gấm thêu hoa" của người xưa mà nó lấp lánh đến huyền kỳ, chập chờn ẩn hiện.

    Bộ Thiên Nam ngữ lục diễn ca lịch sử để dễ truyền miệng trong dân gian, được viết từ thế kỷ XVII, nói khá nhiều về vua Lý Thái Tổ, nhất là về nguồn gốc và tuổi thơ của Người. Phải đọc trực tiếp và suy ngẫm mới thấy hết sự thâm thuý của trí tuệ dân gian gửi gắm ở câu chuyện.

    Từ nhiều năm nay những nơi thờ bà Tấm tức Hoàng thái hậu Ỷ Lan, cứ đến ngày mất của Bà (25 tháng Bảy ÂL) đều mở hội lễ tưng bừng . Bà Ỷ Lan là cháu dâu của vua Lý Thái Tổ vốn là một thôn nữ xứ Bắc. Nhưng mẹ vua Lý Thái Tổ là bà Phạm Thị Ngà (hay Tiêu) đoan trang, xinh đẹp của xứ Bắc mà cuộc đời là cả pho huyền thoại đã được sử ghi dân biết, thì ngày giỗ Bà mồng 7 tháng Giêng chưa được quan tâm đúng mức. Hôm ấy, ở quê Bà là làng Dương Lôi (còn gọi là Đình Sấm) gần Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh), dân mở hội chùa trọng thể, một số làng xã liên quan vẫn cử đại biểu đến dâng hương. Còn hội làng Dương Lôi mở muộn hơn một chút vào dịp kỷ niệm ngày sinh của vua Lý Thái Tổ (12 tháng Hai ÂL). ở đây cũng như Đình Bảng vẫn giữ giỗ đầu đủ các vua nhà Lý. Năm 1994 nhân kỷ niệm 1020 năm ngày sinh (974) và 985 năm ngày đăng quang (1009) của vua Lý Thái Tổ, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phối hợp với Bảo tàng Hà Bắc và UBND xã Tân Hồng tổ chức Hội thảo khoa học "Làng Dương Lôi với Vương triều Lý" được trên 30 vị giáo sư, tiến sĩ và các nhà nghiên cứu trình bày những tham luận về nhà Lý với quê hương và dân tộc. Mấy năm gần đây, đài Truyền hình Hà Nội đã từng phát sóng bộ phim Dương Lôi - quê mẹ vua Lý Thái Tổ với vở chèo Lý triều Thánh Mẫu giới thiệu một vùng quê với bà mẹ đã sinh ra người con khai sáng kinh thành Thăng Long.

    Thế kỷ X đất nước đã độc lập và thống nhất, song xu hướng tranh quyền và cát cứ còn rất mạnh. Năm 1005 vua Lê Đại Hành vừa mất, bốn hoàng tử đã tranh nhau ngôi báu, giằng co tới tám tháng thì Long Việt mới giành được ngai vàng, nhưng chỉ ba ngày sau đã bị em giết để cướp ngôi. Ngày Tân hợi (tức 29) tháng Mười thiếu năm Kỷ Dậu (1009) Lê Ngọa Triều - ông vua đã "giết anh để tự lập làm vua, bạo ngược với dân để thoả lòng hung ác" (Lê Văn Hưu) mất, triều thần nhận định "Hiện nay dân chúng ức triệu khác lòng, trên dưới lìa bỏ", nên hai hôm sau vào ngày Quý sửu (mồng 2) tháng Một, tức 21-11-1009 Lý Công Uẩn được quần thần "dìu lên chính điện, lập làm thiên tử, lên ngôi hoàng đế" (Đại Việt sử ký toàn thư). Lên ngôi hoàng đế tức Đăng quang, cũng là ngày thiết lập vương triều Lý. Đầu năm sau, vua về thăm quê Cổ Pháp và tháng Bảy dời đô ra thành Đại La đổi tên là Thăng Long, đến nay vừa được 990 năm. Nhân dịp này trở lại cội nguồn nhà Lý là cần thiết và thiết thực.

    Cổ Pháp là tên châu, tên hương và tên chùa.

    Đơn vị châu từ lâu chỉ còn thấy ở miền núi, nay là cấp hành chính dưới tỉnh có nghĩa là ngang với huyện, nhưng về đất rộng hơn nhiều. Châu Cổ Pháp là đơn vị hành chính ở thời Tiền Lê, vì là quê hương nên vua Lý Thái Tổ vừa lên ngôi đã nâng cấp đổi thành phủ Thiên Đức. Theo thiền sư Lý Vạn Hạnh (? - 1018 hay 1025 ?) thì châu Cổ Pháp phía nam có đất Phù Ninh (Nành, huyện Gia Lâm), phía bắc có đất Phù Cầm (Gầm, huyện Yên Phong) đều còn giữ tên gọi này đến nay; phía đông có dãy núi Vạn Tường và Quế Phong (dãy núi Bát Vạn huyện Tiên Du chạy sang núi Dạm huyện Quế Võ ?), phía tây nhìn xa thấy cột chống trời (núi Sóc Sơn nơi Thánh Gióng về trời chạy dài lên núi Tam Đảỏ). Từ lâu vùng đất phủ Thiên Đức đã đổi thành phủ Từ Sơn, trong đó hạt nhân mang tên huyện Đông Ngàn, cho đến thời chúng ta bỏ cấp phủ thì huyện Đông Ngàn lại mang tên huyện Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh.

    Trong châu Cổ Pháp, hạt nhân là hương Cổ Pháp, được nói đến sớm nhất trong thơ vua Lý Nhân Tông xác định quê thiền sư Lý Vạn Hạnh "hương quan danh Cổ Pháp" đến thời Trần đựoc giải thích trong sách Thiền uyển tập anh: Hương này vốn tên là Diên Uẩn, thiền sư Định Không (? - 818) đào đất dựng chùa tìm được mười cái khánh và một lư hương, khi đem ra sông rửa thì một cái rơi xuống đáy sông. Sư tán rằng: Thập khẩu (mười cái) là chữ Cổ, thuỷ khứ (rơi xuống nước) là chữ Pháp, đất đây là hương của ta, nhân đấy đổi tên là hương Cổ Pháp. Tuy nhiên, theo chính sử thì cho đến cuối thời Tiền Lê, địa phương có cây gạo bị sét đánh để lại vết là bài sấm thi "Thụ văn diểu diểụ.." vẫn được gọi là "hương Diên Uẩn châu Cổ Pháp". Lâu nay quen dịch hương là làng, nhưng thực ra hương xưa rất lớn, có thể bằng một huyện hay ít ra một tổng trước Cách mạng, tương đương với đất vài xã ngày nay. Trong hương có nhiều thôn xóm, về sau mỗi thôn thành một xã và mỗi xóm thành một làng. Trong hương này có thôn hạt nhân vẫn giữ tên chung từ xưa là Diên Uẩn, do có cây gạo bị sét đánh mà dổi tên là Dương Lôi, còn gọi là Đình Sấm. Vua Lý Thái Tổ lúc nhỏ được cha nuôi là Lý Khánh Văn tu ở chùa Cổ Pháp đặt tên là Lý Công Uẩn nghĩa là người con họ Lý làng Diên Uẩn.

    Châu và hương Cổ Pháp từ lâu không còn dùng trong giấy tờ hành chính nữa, song dân trong vùng vẫn tin đây là "địa linh" và do đó sẽ sinh "nhân kiệt". Sách Thiền uyển tập anh ghi lời trưởng lão La Quý An dặn đệ tử: "Trước kia Cao Biền biết đất Cổ Pháp ta có khí tượng vương giả bèn đào sông Điềm Giang, đầm Phù Chẩn để cắt yểm long mạch, tất cả 19 nơi. Ta đã cho đắp lại như cũ, lại trồng một cây gạo ở chùa Minh Châu để trấn chỗ đất bị cắt long mạch, đời sau tất có bậc đế vương xuất hiện". Khi trồng cây gạo này (năm 936), thiền sư đọc bài kệ:

    Đại Sơn long đầu khởi,
    Cù vĩ ẩn Minh Châu.
    Thập - bát - tử định thành,
    Miên thụ hiện long hình.
    Thố - kê - thử nguyệt nội,
    Định kiến nhật xuất thạnh

    Bài kệ là sấm thi có tính tiên tri, ý tứ kín đáo, nên ngày nay dù sự việc xảy ra rồi mà nhiều người vẫn dịch chung chung. Song nghiên cứu kỹ lịch sử và địa lý địa phương, có thể dịch đúng ý tác giả:

    Đầu rồng hiện lên ở núi Đại Sơn,
    Đuôi rồng giấu ở chùa Minh Châu.
    Nhà Lý nhất định thành sự nghiệp,
    Vào thời gian cây gạo hiện hình rồng.
    Đến ngày thỏ/ mèo tháng chuột năm gà,
    Chắc chắn sẽ thấy vua anh minh.

    Theo cách đếm cổ truyền: "Tý - sửu// - dần - mão - thìn..." là 11 - 12// - 1-2-3... thì việc vua Lý Thái Tổ lên ngôi ngày 2 (mão = con thỏ / mèo) tháng Một tức 11 (tý = con chuột) năm Kỷ Dậu (kê = con gà) đã được báo trước những 73 năm (936 - 1009).

    Xuất xứ tên Cổ Pháp, là chuyện tìm được mười chiếc khánh kể trên, song nếu chiết tự Cổ Pháp = Thập + khẩu và Thuỷ + khứ thì sao không phải cả mười chiếc cùng rơi xuống nước? Từ câu chuyện về mảnh đất địa linh, đây là vùng đất sông ngòi chằng chịt, về mùa mưa cứ như đàn rồng rắn trườn lượn giữa đồng ruộng, do đó có người đã nghĩ cái tên Cổ Pháp nhằm ám chỉ việc giao thông ở đây phải đi lại bằng thuyền qua rất nhiều cửa nước. Trong những sông hồ ấy vẫn còn dấu tích sông Điềm Giang, đầm Phù Chẩn và nhất là các nhánh sông Tiêu Tương từ đầm Phù Lưu toả đi nhiều phía. Sông ngòi cũng là hệ thống thuỷ nông của kinh tế trồng cây lúa nước mà vùng này nổi tiếng là đất "bờ xôi ruộng mật", cho nên Cổ Pháp cũng có thể hiểu là cách đánh trống để gọi mưa trong các lễ cầu đảo.

    Núi Đại Sơn vẫn giữ tên đến nay, thuộc xã Hoàn Sơn phía đông thôn Dương Lôi. Chùa Minh Châu và cây gạo gắn với bài sấm thì nay vẫn còn nền ở làng Dương Lôi, cây gạo mới chết già, cạnh đấy trồng cây đa sinh 9 cành bị bão đánh gẫy một, hiện còn 8 cành như ứng với các đời vua nhà Lý. Từ chùa Minh Châu phát triển thành chùa Gia Châu nơi sinh Lý Thái Tổ (theo Thiên Nam ngữ lục), rồi thành chùa Cha Lư ngày nay vẫn còn ở Dương Lôi. Đây là chuyện ngữ âm lịch sử chuyển dịch và song tồn của Gi / Tr- Ch. Cha Lư là tên chùa, nghe rất lạ, song lại hàm chứa nội dung sâu sắc có nghĩa Hán - Việt là nơi sinh a thánh nhân, và nghĩa Chàm - Việt là Thần Sấm = Thiên Lôi = Dương Lôi = Đình Sấm. Chùa Cha Lư bên cạnh thờ Phật còn thờ Thánh Mẫu Phạm Thị đã sinh ra vua Lý Thái Tổ - một biểu hiện của giao tiếp văn hoá giữa tín ngưỡng Việt cổ với văn hoá Phật giáo qua truyền thuyết bà nằm ngủ, nhà sư bước qua mà bà tụ khí mang thai. Dương Lôi chẳng những thờ Trương Hống, Trương Hát là thần Sông Nước - bà đỡ của nông nghiệp - ở nghè, còn đình thờ "Tuyên Bảo Thánh Mẫu đương cảnh thành hoàng" là bà Phạm Thị, lại cũng là đến Lý Bát Đế thờ tám vị vua nhà Lý vẫn còn đầy đủ bài vị với ngai thờ cổ, cả chín đạo sắc xưa, còn toà nghi môn đồ sộ với nhiều đại tự và câu đối xác định đây là nơi ngự triều của các vua nhà Lý. Dương Lôi cũng còn phần mộ và đền thờ ông bà ngoại của vua Lý Thái Tổ, còn những địa danh gắn với việc sinh nở của bà Phạm Thị.

    Thôn Đại Đình nay cùng xã Tân Hồng với Dương Lôi, xưa vẫn được hưởng một phần ruộng thang mộc của Dương Lôi chia cho, nay vẫn còn nền chùa Cổ Pháp với những cây cổ thụ và bia đá chuông đồng ghi rõ tên chùa cùng quy mô của một danh lam lớn. Gần đây chùa mới dựng lại. Nơi đây Lý Khánh Văn đã trụ trì, đặt tên cho vua Lý Thái Tổ là Lý Công Uẩn và nuôi dạy những năm ấu thơ. Vua Lý Thái Tổ sau khi lên ngôi đã về thăm quê hương Cổ Pháp, trở lại chùa Cổ Pháp thăm và phong Lý Khánh Văn làm á Thượng hoàng.

    Thôn Đại Đình rất gần rừng Báng thuộc xã Đình Bảng, nơi đó có Thọ lăng là lăng mộ chung các vua nhà Lý, cũng rất gần đền Báng còn gọi là đền Đô hay đền Lý Bát Đế là tẩm thờ chung tám vua nhà Lý. Đại Đình vốn là đất vườn hoa, trước kia chuyên trồng hoa và làm dầu ta để đảm nhận hương hoa và đèn dầu phục vụ việc thờ cúng ở các lăng tẩm nhà Lý. Thôn Đại Đình rất nhỏ, song trước 1945, trong nhiều thế kỷ vẫn được xếp là một xã.

    Đình Bảng cho đến đầu thế kỷ XX vẫn còn khu rừng Báng là "sơn lăng cấm địa" của nhà Lý, vốn là khi rừng của hương Cổ Pháp xưa. Làng xưa thường có xóm ngõ cho người sống sinh hoạt, ở phía đông; còn phía tây là rừng làm nơi yên nghỉ của tổ tiên. Trong khu rừng Báng, trước hết có lăng mộ bà Phạm Thị với truyền thuyết được ghi lại trong Thiên Nam ngữ lục: Sau khi gửi con ở chùa Cổ Pháp làm con nuôi thiền sư Lý Khánh Văn, bà đi hành khất, đến đồi Mả Báng có huyệt đế vương, thì bị bạo bệnh, mối đùn thành mộ. Vua Lý Thái Tổ khi về thăm quê đã ra mộ mẹ khóc than, cho cắm mốc bảo vệ song vẫn giữ cảnh tự nhiên "một trời hương nức khí hoà, đồng lòng cầm điểu đứng ca đầu cành". ở đây còn có lăng mộ chung của các vua nhà Lý được gọi là Thọ lăng. Di chúc của vua Lý Nhân Tông cho biết: "Việc tang chỉ ba ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc, Việc chôn cất cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên chôn bên cạnh tiên đế". Đầu thế kỷ XIX sau khi nghe tỉnh thần Bắc Ninh báo cáo, Mạng đã chỉ đạo việc tôn tạo: "Tên lăng các vua triều Lý đã không xét vào đâu được, lại cùng một chỗ cấm địa. Nên chiếu chỗ lăng, thuê dân sửa đắp cho chỉnh đốn, rồi chọn chỗ đất cao ráo lập một tấm bia đá, trong bia khắc mấy chữ Lý triều chư đế lăng".

    Bên cạnh lăng mộ, Đình Bảng có đền Lý Bát Đế là tẩm thờ chung tám vua nhà Lý. Tấm bia Cổ Pháp điện tạo bi do Phùng Khắc Khoan soạn, dựng năm Hoằng Định 5 (1604) cho biết đền xưa đến thời Mạc bị bỏ hoang, nay một số người dân xã Đình Bảng đến bản phủ kể lại việc bia đền thất lạc và khu đền bị xâm phạm, nay xin trùng tu bia cũ và khôi phục lại cổ tích. Chúa Bình An Vương Trịnh Tùng cho dựng lại đền thờ Lý Bát Đế để dân nước Nam đời đời ghi nhớ công đức nhà Lý, bốn mùa tôn kính báo đền. Sách Đại Nam nhất thống chí gọi đây là "Miếu Lý Bát Đế", cho biết thêm năm Gia Long thứ 2 (1803) đặt miếu phu lấy dân sở tại sung vào, năm Minh Mạng thứ 4 (1823) đem vị hiệu Thái Tổ, Thánh Tông và Nhân Tông liệt thờ ở miếu Lịch đại đế vương. Ngôi đền này khá lớn, cây cối um tùm, hướng tây, nhìn xuống một nhánh sông Tiêu Tương xưa, nhưng trong kháng chiến chống pháp đã bị phá huỷ hoàn toàn. Những năm cuối thế kỷ XX, nhân dân địa phương bằng tấm lòng và tiền của quyên góp đã xây dựng lại khá khang trang, còn làm cả tượng các vua Lý để thờ. Và hội xuân cổ truyền của Đình Bảng đã được nâng cấp thành hội đền Lý Bát Đế tổ chức trọng thể vào rằm tháng Ba (âm lịch) hàng năm (dù chẳng trùng với ngày sinh 2 tháng Hai, ngày mất 3 tháng Ba và ngày đăng quang 2 tháng Một - tức tháng 11 của vua Lý Thái Tổ, hay của bất cứ vua Lý nào).

    Từ trung tâm của hương Cổ Pháp xưa là Dương Lôi - Đại Đình - Đình Bảng, mở rộng về phía đông bắc lên khu chùa Tiêu thuộc hương Dịch Bảng xưa là nơi tu hành của thiền sư Lý Khánh Văn, nơi Lý Công Uẩn đã được thai nghén rồi sau lại được Vạn Hạnh trực tiếp rèn cặp thành tài. ở đây còn tấm bia Lý gia linh thạch dựng năm đầu Cảnh Thịnh (1793) nói về việc linh dị bà Phạm Thị ngủ với thần nhân trong hang đá mà thai nghén được Lý Công Uẩn . Linh thạch - hòn đá thiêng còn vang vọng tục thờ đá của người Việt, mà ở đầu Công nguyên là tinh khí của Tứ Pháp cầu mong mưa thuận gió hoà trong huyền thoại Man Nương - Khâu Đà La. Chùa Tiêu vì thế thờ cả Vạn Hạnh và Lý Thánh Mẫu (tức bà Phạm Thị). Tại đây, Vạn Hạnh đã gây dư luận về bản mệnh thiên tử của Lý Công Uẩn. Bia còn nói đến sự đóng góp cho chùa của nhân dân Dương Lôi, Đình Bảng và Tiêu, là bằng chứng sự gắn bó trong quá khứ làm cơ sở cho sự gắn bó chặt chẽ hơn ở hiện tại và tương lai. Trên đỉnh núi Tiêu vào cuối thế kỷ XX được dân địa phương dựng tượng thiền sư Vạn Hạnh cao to làm điểm quy tụ cho cả vùng gợi lại một trung tâm Phật giáo của thời xa xưa.

    Cạnh Tiêu là làng Tam Tảo có đền Hộ Quốc và đình to đẹp đều thờ ông bà Trần Quý - Phương Dung đã che chở cho Lý Công Uẩn thoát sự truy đuổi của quan quân nhà Tiền Lê. Vì lòng bàn chân Lý Công Uẩn có chữ Vương đi đâu cũng để lại dấu vết, nhà Tiền Lê muốn tránh hậu hoạ đã truy tìm, ông chạy đến vùng trũng này được ông bà cải trang cho làm người cày ruộng, rồi lại che giấu dưới hầm để vại nước lên trên. Bị mất dấu, quan quân bói độn được quẻ Trầm trầm tại thuỷ, tưởng Lý Công Uẩn đã chết đuối bèn quay trở về. Nơi đó được gọi là Hồi Quan, bây giờ vẫn giữ tên này. Huyền thoại xưa đã tạo mối giao hữu kết chạ Dương Lôi - Tam Tảo, hai bên coi nhau như anh em ruột thịt. Đền Hộ Quốc xưa từng được liệt vào hàng "Quốc tế từ" ở bình diện quốc gia mà vào ngày lễ có đại diện của Nhà nước đến tế, nay vẫn còn nhiều hiện vật quý như bài vị, ngai, tượng, bia, hoành phi, câu đối. Hội đền được mở vào dịp kỷ niệm ngày sinh vua Lý Thái Tổ (mồng 10-12 tháng Hai) và dịp giỗ ông bà Trần Quý (mồng 10 tháng Tư).

    Có một dòng chảy tự nhiên và cũng là dòng chảy văn hoá nối các di tích với nhau, là sông Tiêu Tương - không gian của truyện tình Trương Chi - Mị Nương nổi tiếng - được khởi nguyên ở đầm Phù Lưu thuộc xã Tân Hồng, mà quanh đấy là Dương Lôi, Đình Bảng và Đại Đình, đã hội nhập nước đồng làm nguồn rồi lan toả theo mấy nhánh vào các đồng làng, trong đó nhánh chính chảy qua chân núi Tiêu sang Tam Tảo, nên ngày nay ở đấy tên sông đã trở thành tên xã. Mở rộng không gian này một chút, chúng ta có chùa Kiến Sơ (Phù Đổng - Hà Nội) vốn là nơi khai sáng dòng thiền Vô Ngôn Thông ở thế kỷ IX và khi vua Lý Thái Tổ về thăm quê có ngự chơi chùa và được thần nhân mách bảo kín đáo rằng nhà Lý sẽ truyền được tám đời, khi nào người có tên với ý mặt trời gác núi lên làm vua vua thì sẽ kết thúc. Vạn Hạnh cũng trụ trì cả chùa này, nơi đây còn thờ và có tượng mẹ con Lý Thái Tổ. Cạnh chùa là đền Gióng, nhân vật Gióng từ anh hùng địa phương được nhà Lý nâng thành anh hùng dân tộc cứu nước đầu tiên và tạo được lễ hội mà người dân nào "không đi hội Gióng sẽ hư một đời". Rồi chùa Phật Tích và chùa Vĩnh Phúc (Tiên Du), chùa Dạm (Quế Võ) được xây dựng từ thời Lý, nổi tiếng là chùa to nơi cảnh đẹp, nay còn thành bậc nền móng và một số điêu khắc với vẻ đẹp cổ điển mẫu mực. Lại chùa Vọng Nguyệt (Yên Phong) trên bờ Nam sông Cầu - nơi Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến chống Tống và đọc thơ "Nam quốc sơn hà Nam đế cự.." được xem là Bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc, nơi đó vẫn còn bia từ thời Trần được khắc lại ở thời Tây Sơn.

    Như vậy, vùng quê nhà Lý từ hạt nhân là hương Diên Uẩn - Cổ Pháp/ Dương Lôi mở rộng ra xung quanh đã tạo thành một vùng văn hoá Đại Việt - văn hoá Phật giáo thời Lý. ở trước thềm 1000 năm nhà Lý - 1000 năm Thăng Long, Đình Bảng đã dựng lại tẩm thờ Lý Bát Đế, Tiêu đã dựng tượng thiền sư Vạn Hạnh... nhưng nhiều di tích khác bằng nguồn kinh phí rất eo hẹp của dân làng, mới chỉ sửa chữa nhỏ hoặc dựng lại tạm bợ, không xứng với vị trí đã có trong lịch sử và những di vật gốc rất quý còn giữ được. Bộ Văn hoá Thông tin, Thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh cần coi tất cả những di tích ở nơi đây là di sản quý của cha ông trao lại, là tài sản vô giá mà mình đang quản lý và thực hiện quyền sở hữu để làm nội lực cho sự phát triển văn hoá mới tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Muốn thế, cần tạo sự liên kết các địa phương này lại thành tổng thể di tích lịch sử - văn hoá nhà Lý, nâng cấp tôn tạo di tích, dựng tượng, làm đường nối mạng để có gương mặt của một vùng văn hoá sáng, xứng với một thời đại sáng. Và những người con dân nước Việt dù ở phương trời nào, nhân dịp 990 năm Thăng Long - Hà Nội, nhớ về nguồn, tìm lại sự thực lịch sử, dâng một nén hương, thêm một giọt dầu cho di tích cũng là thắp sáng hồn mình và truyền ý thức đạo lý cho con cháu.

    (1999)

    ( suutap.com)
     

Chia sẻ trang này