Ngậm ngải tìm trầm

Thảo luận trong 'Phát ngôn - Tiên tri - Dự báo - Cảm ứng' bắt đầu bởi cabachlong, 10 Tháng tám 2006.

  1. cabachlong

    cabachlong New Member

    Tham gia ngày:
    20 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    1,152
    Điểm thành tích:
    0
    "Ngậm ngải tìm trầm" là gì?

    648. ÔNG cha ta thường nói "ngậm ngải tìm trầm", vậy ngải là cái gì, trầm là cái gì? Tại sao phải ngậm ngải tìm trầm? Nguyễn Trung Phước (Ba Đình, Hà Nội).

    l Tôi có may mắn làm nghề khảo sát rừng, gần 40 năm lặn lội khắp núi cao rừng sâu từ Bắc, Trung, Nam, có nhiều dịp ngủ cùng lán, ăn cùng nồi với dân tìm trầm, còn có tên gọi là "dân đi cội". Họ thường hình thành từng nhóm từ 3 đến 6, 7 người, với hành trang trên lưng từ 45-60kg gồm: gạo, mì tôm, bột canh, mắm khô, mì chính, thịt hộp, chè, thuốc lào, vải che mưa, bật lửa, dao, rìu búa, khoan thăm dò lõi cây, thuốc cấp cứu, mà chẳng có tí gì là bùa ngải, bắt thợ tìm trầm há mồm cả ngày cũng không thấy có gì lạ để làm bùa phép.

    Trong rừng rậm, cây gió trầm chỉ chiếm một tỷ lệ rất ít, để xác định được đúng cây trầm, họ cũng là bậc thầy, chỉ dựa vào kinh nghiệm xem thân, cành, tán, lá, và gió thổi lật mặt dưới tán lá có màu sắc đặc trưng của gió trầm, mà chẳng phải ngậm bùa ngải gì, họ có thể xác định đúng cây trầm từ xa 3 - 4km ở thung lũng hoặc các sườn núi đối diện. Câu ngậm ngải tìm trầm, họ đều cho rằng đó là câu nói lên nỗi khổ cực, cay đắng của nghề nghiệp, chẳng có gì là thần bí.

    Do sống trong rừng sâu, bị sốt rét phải ăn ngải cứu để chữa bệnh, mà ngải cứu thì đắng. Câu "ngậm ngải tìm trầm" thực chất là như vậy. Về công dụng chữa bệnh và phục hồi sức khỏe của cây ngải cứu từng được ca ngợi trong câu: "Nhân trần ngải cứu đi đâu, để cho gái đẻ đớn đau thế này".

    Không chỉ là một vị thuốc dân gian của nước ta, trong khoa học, ngải cứu có tên là Artemisia Vulgaris L. Trong đó Artemis là tên của một nữ thần Hy Lạp, con của thần Zeus và thần Leto, thần Artemis cai quản các chu kỳ sinh lý và bảo trợ phụ nữ trong sinh đẻ, qua đó cũng thấy rằng y học phương Tây đánh giá rất cao cây ngải cứu. Cùng chi với cây ngải cứu là cây Artemisia Annua L., mà Trung Quốc gọi là cây Huanghuahaosu, ta gọi là cây Thanh hao hoa vàng, đang được trồng nhiều để chiết xuất ra Artemisin, một loại thuốc chống sốt rét hàng đầu ngày nay.

    Khoảng 15 - 20 năm qua, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa đã thành công trong việc trồng cây gió trầm (Aquilaria Crassna Pierre) trong vườn và dưới tán rừng, đồng thời tác động cơ học, hóa học và cấy bào tử nấm để từ thân gỗ của cây sinh ra trầm. Người đi cội chặt rừng chuyển sang trồng gió trầm gần nhà hơn, có thu nhập mà không phải chịu cay đắng "ngậm ngải tìm trầm".

    Nguyễn Ngọc Chính (Hà Nội)

    l Ngải là một loại thảo dược, hầu hết đều thuộc họ gừng (Zingibecaceae), dân gian truyền tụng ngải dùng làm "bùa yêu, thuốc lú", làm thuốc mê tín... có câu: "Không sơn mà gắn với hèo, không bùa, không ngải mà theo mới tình".

    Ngải mà dân đi rừng ở miền Trung nước ta thường dùng, có tên gọi nôm na là ngải mọi (hoặc ngải rừng), tên khoa học là Curuma Aromatica Salisb, loại thân thảo, cao khoảng một mét, có mùi thơm như long não. Người ta mài lấy tinh bột ngâm rượu xoa, trị đau nhức, tê thấp, nhất là sốt rét rừng...

    Trầm, hay trầm hương là loại dược liệu quý. Chúng thuộc loại cây gió, họ trầm (Thymealeacea) với khoảng 50 chi và 650 loài khác nhau. Trầm hương có tên khoa học là Lignum Aquilariar, loại gỗ có nhiều nhựa của cây trầm Aquilaria Agallocha Roxb (hoặc A. Crassna Pierre), nó có mùi thơm nồng, chìm trong nước, nên có tên gọi là trầm hương, tên tiếng Pháp là Bois d’ Aloès, vì nó đắng như cây Nha đam (Lô hội - Aloès). Tinh dầu chủ yếu trong trầm hương là Benzylacetone, Metoxybenzy - lacetone và tecpen alcool cùng acid cinamique.

    Từ xa xưa, người Arab, người Ấn Độ đã biết dùng trầm hương làm thuốc trợ tim, thuốc kích thích thần kinh, khử trùng, tẩy uế, ướp xác...

    Ở nước ta trầm hương ngoài dùng làm thuốc: "Trầm hương cay ấm mà thơm/ Giáng khí nạp thận, tráng dương kiện toàn/ Ngực, bụng, đau nhức đa đoan/ Hen suyễn, thông tiểu, lại còn bình can".

    Những người thợ rừng đi tìm trầm, hợp lại từng nhóm gọi là "đi điệu". Trước khi khởi hành, họ phải chọn ngày giờ kỹ lưỡng, trước khi nhập rừng phải lập bàn thờ với 3 lần tế lễ, khấn vái bà Thánh Mẫu (Thiên y Ana) phù hộ, vật tế thường là: hương, hoa, trà rượu, chè, xôi và trầu cau. Vì phải tìm trầm nơi sơn cùng thủy tận, sương lam chướng khí trong thời gian dài, thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, nên người đi điệu thường ngậm ngải để phòng ngừa các bệnh hiểm nghèo: chói nước, sốt rét, v.v... Thành ngữ "ngậm ngải tìm trầm" để chỉ một công việc vất vả "ăn của rừng rưng rưng nước mắt", lại đầy rẫy rủi ro.

    Trương Nguyễn (Hóc Môn, Tp.HCM)




    ( Quốc tế điện tử )
     

Chia sẻ trang này