Những Kinh Nghiệm Kỳ Lạ Về Thoát Ly Thân Xác

Thảo luận trong 'CẢI MỆNH NHIỆM MẦU: Tu là sửa chính Mình - Không yêu cầu người khác sửa đổi theo mình' bắt đầu bởi dcba, 24 Tháng mười 2006.

  1. dcba

    dcba New Member

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    449
    Điểm thành tích:
    0
    Bí ẩn về cái chết luôn luôn là nỗi ám ảnh của con người. Từ rất xa xưa, người ta đã muốn khám phá thế giới của con người sau khi chết. Thế nhưng trước đây, đi vào lĩnh vực ấy, chủ yếu chỉ có hai con đường: triết học và tôn giáo. Từ thế kỷ XVI đến nay, vấn đề được xét dưới một khía cạnh mới mang sắc thái sinh lý, sinh vật và y học. Từ hơn 100 năm trước, những hiện tượng tâm linh được nhìn dưới góc độ khoa học. Loại nghiên cứu này được gọi là tâm linh học với nhiều tổ chức như Hội điều tra tâm linh của Đại học Cambride thành lập từ thập nhiên 1850. Gần đây, tên gọi tâm linh học được thay thế bằng siêu tâm lý học (Parapsychology). Một trong những vấn đề được ngành siêu tâm lý học quan tâm là những kinh nghiệm kỳ lạ thoát ly thân xác và thể nghiệm cận kề cái chết.

    Kinh nghiệm thoát xác (Out of the body experience - viết tắt OBE)

    Có thể được hiểu là kinh nghiệm linh hồn thoát ly thân xác, được tâm linh học giải thích: "Đó là kinh nghiệm của một cá nhân ở góc độ ngoài thân thể nhận biết thế giới". Hiện tượng thấu thị hay tri giác siêu cảm quan đều là những biểu hiện miêu tả tính chất của kinh nghiệm thoác xác. Một số thư tịch cổ đều có đề cập tới việc thần du, hồn du, nhập minh (vào cõi u minh), xuất thần, xuất hồn, cùng nhiều dạng thể nghiệm cảm nhận trực giác cái chết.

    Hiện tượng này được coi là đặc thù nhưng không phải hiếm thấy trong sử sách cổ của Trung Hoa và cả ở phương Tây. Vào thế kỷ XVII, một nhà khoa học trứ danh của Thụy Điển đã trải qua những kinh nghiệm kỳ lạ như vậy. Từ 55 đến 84 tuổi, mỗi ngày Swif liên tục nằm mộng giữa ban ngày. Trong giấc mơ - một hình thức thoát xác - ông đã thần du lên trời, xuống đất, gặp gỡ thiên sứ, hội ngộ với nhiều vua chuá xa xưa, tiếp xúc với vô số linh hồn, giao du với người cung trăng, người Hoả tinh, Thủy tinh. Ông đã tường thuật chi tiết những điều tai nghe mắt thấy... trong mơ.

    Từ đó, ông thiết lập lý luận mang tên Đối ứng u minh. Ở phương Tây, vấn đề nghiên cứu hiện tượng thoát xác - thần du đã trải qua lịch sử hơn 100 năm. Ra đời sớm nhất và phổ biến nhất về loại kinh nghiệm này là học thuyết "thần tri", được dùng làm cơ sở để xác lập lý luận Astral body, có nghĩa là một loại gần giống linh hồn, có thể tách rời thân xác để ngao du.

    Năm 1929, hai tác giả người Anh và Mỹ - Carynton và Merdeen - hợp tác để hoàn thành công trình Linh thể rời thần xác. Trong công trình này, họ đưa ra nhiều dẫn chứng về hiện tượng linh thể thần du. Về sau, để phân biệt với khái niệm Asstral body, tâm linh học gọi hiện tượng này là kinh nghiệm thoát xác.

    Theo điều tra của các chuyên gia, kinh nghiệm thoát xác là một loại thể nghiệm tương đối phổ biến với số người trải qua kinh nghiệm này khá đông. Điều tra tại Mỹ, Anh, Bangladesh, Hà Lan cho biết số người trải qua kinh nghiệm thoát thể chiếm từ 8 - 34%. Có người đã trải qua nhiều lần kinh nghiệm này, một số người khác còn cho biết họ có khả năng thoát xác một cách chủ động.

    Thực ra, kinh nghiệm thoát xác và tín niệm tôn giáo không hề liên quan nhau. Đại đa số những người có kinh nghiệm này đều kiên trì cho rằng kinh nghiệm của họ và hiện tượng mộng cảnh là hoàn toàn khác biệt, bởi trong kinh nghiệm thoát xác, người ta có thể nhớ lại rõ ràng. Theo điều tra của Green, một phụ nữ đã tự thuật: "Lúc đó, tôi bị bệnh trầm trọng, đang nằm trên giường trong bệnh viện và không thể nhìn thấy bên ngoài. Một buổi sáng sớm, tôi cảm thấy mình bay bổng lên, nhìn xuống các bệnh nhân khác, đồng thời thấy chính tôi đang tựa vào chiếc gối, mặt trắng bệch. Bác sĩ cùng em gái tôi mang bình dưỡng khí đến trên một góc giường - nơi có cô gái quấn băng trên đầu. Bỗng nhiên, tất cả đều biến thành một khoảng trống không. Khi mở mắt, tôi thấy em gái tôi đang đứng trước mặt". Khi bà kể lại sự việc, em gái bà kinh ngạc vì hoàn toàn đúng như sự thật đã diễn ra. Nhiều người trải qua kinh nghiệm này đều có thể kể lại một cách sống động. Họ nói rằng trong thời gian thoát xác, thị giác hoạt động tối ưu, có thể nhìn thấy xuyên qua tường vách, chân di chuyển nhẹ nhàng và không có gì có thể cản ngăn hành động của họ. Có điều, khi cố ý di chuyển một đồ vật, họ không thực hiện được cũng như không thể làm cho người khác nhận ra mình. Trong những thể nghiệm của những người sống lại sau khi được chẩn đoán là đã tử vong, họ thường ở thư thế thật thoải mái và có khả năng tri giác siêu cảm quan như kiểu "thiên lý nhãn".

    Trước hiện tượng này, nhiều chuyên gia phương Tây đã dùng nhiều phương pháp để nghiên cứu và khám phá. Đối với các trường hợp có thể chủ động thực hiện kinh nghiệm thoát xác, dùng thiết bị thăm dò, kết quả cho thấy khi thoát xác, chỉ số của tim, điện não đồ, hoạt động của nhãn cầu đều từ từ thay đổi. So với lúc ngủ và nằm mơ, các chỉ số sinh lý này có điểm khác biệt, chứng tỏ rằng kinh nghiệm thoát ly thân xác không phát sinh trong lúc ngủ và là một loại trạng thái tâm lý đặc thù không giống như giấc mơ. Khi kiểm tra bằng các thiết bị tia hồng ngoại và tử ngoại, các thiết bị điện trở biến nhiệt, rất ít khi nhận được phản ứng. Điều đó chứng tỏ rằng trong thời kỳ trải qua kinh nghiệm thoát xác, không xảy ra các hiện tượng vật lý bình thường. Nói cách khác, nếu có, thì hiện tượng vật lý này chưa thể nhận biết bằng các thiết bị hiện có, mà cần thiết một phương pháp thăm dò khác.

    Theo Phật giáo, khi đạt tình trang "xuất thần", con người có thể nhận biết "dương thần" và cả "âm thần" mà người khác không thể thấy được. Kinh Lăng Nghiêm của Phật giáo, quyển thứ 9 nói người tu theo lối thiền định, đạt trình độ "âm tận" (đệ tứ thiền" thì có thể "kỳ tâm ly thân, phản quan lỳ diện, khứ trú tự do" (tâm rời thân xác, nhìn thấy chính mình, đi ở tự do) và "tâm ly kỳ hình, như điều xuất lung" (tâm rời hình xác như chim sổ lồng). Mật giác Tây Tạng cũng nhắc tới trường hợp "ảo thân", tức thần thức có khả năng thoát ly thể xác.

    Thể nghiệm cận kề cái chết (Near Death Experience)

    Đây là một hiện tượng kỳ bí chỉ một loại kinh nghiệm chủ quan của người gần kề cái chết. Sách cổ từng ghi chép những tự thuật của người chết sống lại hoặc những người sắp chết nhưng bất ngờ phục sinh. Thể nghiệm ngày mặc dù không phải ai cũng có, nhưng xảy ra khá phổ biến. Vào thế kỷ XIX, một nhà địa lý học leo núi, gặp nạn suýt chết.

    Trải qua thể nghiệm cận kề cái chết, ông bắt đầu quan tâm vấn đề này và bỏ ra hơn 10 năm trời để thu thập các câu chuyện của những người từng đối diện với tử thần. Đối với các thông tin của những người đã chết sống lại tiết lộ, nên nghiên cứu của phương Tây hiện đại đã có nhiều tiến triển mới và trở thành nội dung trọng yếu của ngành tử vong học. Một nhà y học người Mỹ đã xuất bản Cuộc sống sau khi chết, phân tích 150 tự thuật của những người chết sống lại, ở Mỹ còn có Bí mật sự chết - trạng thái con người sau khi từ giã cõi đời.

    Năm 1985, Đại học Connecticut (Mỹ) thành lập Hiệp hội nghiên cứu quốc tế về kinh nghiệm lâm chung. Năm 1988, Trung tâm nghiên cứu trắc nghiệm New York mở cuộc điều tra rộng rãi về vấn đề này, kết quả làm mọi người kinh ngạc: 8.000.000 người Mỹ cho biết bản thân đã trải qua kinh nghiệm cận kề cái chết.

    Căn cứ vào tự thuật của những người từng trải qua kinh nghiệm trên, các nhà nghiên cứu phânt hành hai loại. Một - người sống lại sau khi được bác sĩ tuyên bố tử vong. Hai - trường hợp bị tổn thường nghiệm trọng, cơ thể tiếp cận với cái chết. Đối với trường hợp một, theo tiêu chuẩn y học, tim và hô hấp ngừng hoạt động, huyết áp là 0, thân nhiệt bắt đầu hạ thấp. Có quan điểm cho rằng theo tiêu chuẩn chẩn đoán thông thường của y học, tử vong sau 5 phút, não sẽ bị thương tổn do thiếu dưỡng khí, không thể sống lại được. Nhưng các chuyên gia cho biết đã có nhiều trường hợp ngoại lệ. Năm 1943, nhà tâm thần học Georges bị viêm phổi nặng, được chẩn đoán là đã chết, nhưng sau đó 9 phút, lại sống. Nhờ thế, nhà bệnh học này đã thể nghiệm trường hợp linh hồn rời khỏi thân xác. Theo điều tra của bác sĩ Remonde, có trường hợp được chẩn đoán tử vong sau 20 phút vẫn cải tử hoàn sinh!

    Thông qua phân tích nhiều câu chuyện, giới nghiên cứu về tử vong học (thanatology) tạm xác định quá trình thể nghiệm cái chết của những người trải qua kinh nghiệm đó như sau. Trước hết, họ nghe bác sĩ và người lân cận thông báo tin tức về cái chết của họ; họ muốn hét lên "Tôi chưa chết". Tiếp theo, trong đầu họ nghe đủ thứ ấm thanh mà cuối cùng là những giai điệu cực kỳ thanh thoát.

    Sau đó, họ cảm thấy bị một cơn gió xoáy cuốn vào một hang động đen ngòm. Trôi nổi trong động, họ cảm thấy rất thoải mái. Và rồi, họ có cảm giác rời bỏ thân xác, lên không trung. Trên cao, họ nhìn thấy bác sĩ và thân nhân đang bận rộn quanh thi thể, nghe cả tiếng khóc người thân. Cuối cùng, họ nhìn thấy một vùng ánh sáng, thấy thân bằng quyến thuộc nghênh tiếp họ bước vào thế giới cực lạc. Bỗng một sức mạnh kỳ lạ kéo họ trở về, nhập vào thân xác và sống lại. Đấy là một quá trình tiêu biểu về việc tái sinh (reincarnation).

    Phải chăng tất cả chỉ là ảo giác? Khoa học đang tìm cách trả lời câu hỏi đó.

    Thương Hạ (theo Thanatology)
     
  2. dcba

    dcba New Member

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    449
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Những Kinh Nghiệm Kỳ Lạ Về Thoát Ly Thân Xác

    Những Công Trình Nghiên Cứu Về "Hồn" Và "Xác"

    Về giả thuyết cho rằng, sau khi con người đã chết, "linh hồn" sẽ rời bỏ "thể xác" và tiếp tục tồn tại ở một thế giới khác. Giả thuyết đó đã có nhiều người tìm cách chứng minh. Thực ra, từ xưa, con người đã ghi chép rất tỉ mỉ các quan niệm về "hồn" và "xác"...

    Nhà triết học Planton, một trong những nhà tư tưởng vĩ đại, sống tại Aten từ năm 428 đến năm 343 trước Công nguyên cho rằng, thân thể vật lý của con người chỉ là cái vỏ bọc tạm thời của linh hồn. Tác phẩm của ông chứa đầy những điều mô tả cái chết. Platon địn nghĩa cái chết như là sự phân lập phần nội tâm của vật sống (tức là linh hồn) khỏi phần vật lý của nó (tức là thể xác). Ông cũng cho rằng, thời gian chỉ là một yếu tố của thế giới vật lý, còn các hiện tượng khác là vĩnh cửu.

    Trên nhiều trang sách, Platon bàn luận các vấn đề sau đây: linh hồn sau khi tách khỏi thể xác có thể gặp gỡ và trò chuyện với các linh hồn khác như thế nào; linh hồn chuyển từ cuộc sống vật lý sang giai đoạn tồn tại tiếp theo ra sao; cách "bảo trợ" của các linh hồn cũ đối với linh hồn mới. Platon còn cho rằng, thể xác là nhà tù của linh hồn và cái chết chính là cuộc giải phóng linh hồn khỏi nhà tù đó. Ông nhận xét: linh hồn sau khi tách khỏi thể xác có thể suy nghĩ và phân biệt các sự vật rõ ràng hơn trước đó; có một "toà án" sẽ xét xử linh hồn sau khi chết, chỉ rõ và bắt linh hồn xem lại các sự việc tốt cũng như xấu mà nó đã làm trong cả cuộc đời. Platon đã đưa ra một số huyền thoại mà qua đó, ông muốn mô tả cuộc sống của thế giới bên kia.

    Các quan niệm về "hồn" và "xác" cũng được thể hiện rõ trong cuốn Sách Tây Tạng dành cho người chết (gọi tắt là Sách Tây Tạng). Đó là một tài liệu nổi tiếng, được tạo thành nhờ công sức nghiên cứu của nhiều nhà hiền triết trong nhiều thế kỷ, được in vào thế kỷ VIII.

    Các nhà thông thái Tây Tạng xem xét sự hấp hối trước khi chết như là một nghệ thuật. Nếu con người được chuẩn bị để chết dễ chịu thì sự hấp hối sẽ nhận được trạng thái thoã mãn. Vì vậy, người ta đã đọc Sách Tây Tạng cho những người hấp hối ở các giây phút cuối cùng của cuộc đời. Những người làm nên Sách Tây Tạng mong muốn đạt được hai mục đích sau đây:

    - Giúp đỡ những người sắp chết vượt qua một cách nhẹ nhàng hiện tượng không bình thường vào thời điểm hấp hối.

    - Giúp đỡ những người thân suy nghĩ đúng về cái chết và không cản trở người sắp bước sang thế giới khác.

    Trong Sách Tây Tạng có nhiều điều mô tả các thời kỳ mà linh hồn trải qua sau khi chết, đầu tiên là khoảnh khắc khi linh hồn vừa rời khỏi xác. Nó rời vào trạng thái lãng quên và ở trong sự trống rỗng phi vật lý, cho dù ý thức vẫn còn. Linh hồn người hấp hối có thể nghe thấy các âm thanh náo động và kinh hãi, cảm thấy mình bị bao bọc bởi một bầu không khí xám xịt và vẩn đục. Nó kinh ngạc vì đang ở ngoài thân thể vật lý của mình và nhìn thấy những người thân, bạn bè đang nức nở, chuẩn bị chôn cất thể xác mình. Nhưng khi linh hồn thử đáp lại thì chẳng ai nghe và nhìn thấy nó cả. Linh hồn rất lo lắng khi ý thức được là thể xác mình đã chết. Khi đó, nó tự hỏi là cần đi đâu và làm gì. Nó nhận thấy rằng, mình có một thân thể hình thành từ các thực thể phi vật chất. Nó có thể bay lên cao, đi xuyên tường mà không gặp bất kỳ lực cản nhỏ bé nào. Chuyển động của linh hồn hoàn toàn tự do. Nó muốn tới đâu thì lập tức sẽ ở đó. Nó có thể gặp các sinh vật khác ở cùng trạng thái. Sách Tây Tạng đã mô tả một thế giới trong sạch, sáng sủa, n ơi chỉ có tình yêu thương và sự đồng cảm.

    Ngoài ra, trong Sách Tây Tạng cũng nói đến một cái gì đó tự hồ cái gương, có thể phản chiếu cuộc đời con người đã qua. Một toà án sẽ xét xử người chết, căn cứ vào các hành động mà người đó đã thực hiện. Gần đây hơn, có thể nói đến Emanuel Svedenborg (1688-1772), sinh ở Stockholm (Thụy Điển), nổi tiếng vì nhiều công trình nghiên cứu khoa học tự nhiên. Hiện nay, các tác phẩm của ông về giải phẩu, sinh lý và tâm lý con người vẫn được giới khoa học chú ý. Trong thời gian cuối đời, Svedenborg trải qua cơn khủng hoảng tinh thần và bắt đầu kể về sự tiếp xúc của ông với các hiện tượng linh hồn.

    Các tác phẩm cuối cùng của Svedenborg đã mô tả sinh động "cuộc sống" sau khi chết. Những điều ông viết trùng hợp kỳ lạ với những gì mà người trải qua cái chết lâm sàng kể lại. Ông cho rằng, con người không chết mà được giải phóng khỏi thân thể vật lý, cái vỏ bọc cần thiết khi ở thế giới trần gian. Cái chết chỉ là sự chuyển tiếp từ trạng thái này qua trạng thái khác. Svedenborg khẳng định, chính ông đã trải qua các thời kỳ đầu của cái chết và bản thân đã ở ngoài thể xác.

    Svedenborg viết: "Các linh hồn trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ vạn năng. Mỗi người sau khi chết lập tức có được khả năng trao đổi đó. Lời của linh hồn trao đổi với con người có âm thanh cũng rõ ràng như lời bình thường, nhưng chỉ người được trao đổi nghe thấy, còn những người khác thì không, cho dù họ ở cùng một nơi".

    Theo Svedenborg, người hấp hối có thể gặp linh hồn của những người khác mà người đó thân quen trong cả cuộc đời, các linh hồn có mặt để giúp đỡ người sắp chuyển sang thế giới bên kia. Ông cũng nói đến "một sinh vật ánh sáng", có khả năng soi rõ toàn bộ con người. Ông gọi đó là ánh sáng chân lý, ánh sáng của sự hiểu biết trọn vẹn.

    Nhiều sách, báo nước ngoài xuất hiện gần đây đã đề cập đến quan niệm về "hồn" và "xác" có phần cụ thể hơn. Các tác giả cũng cho rằng, con người vật lý (thể xác) là một cái vỏ bọc mà trong đó con người thực sự (linh hồn) hành động. Linh hồn bao gồm bảy lớp, với những chức năng xác định. Sau khi con người đã chết, linh hồn rời bỏ thể xác, tiếp tục sống trong một thế giới khác không nhìn thấy, tồn tại song song với thế giới chúng ta, ở đó có cuộc sống tư duy và các định luật riêng. Linh hồn cũng có trí nhớ và trí lực, có các cảm giác nhưng với chất lượng cao hơn. Khi sang thế giới khác, linh hồn vẫn có "duyên nợ" với những gì "gặt hái" được trong cuộc sống mà mình đã trải qua... Quan niệm về "hồn" và "xác" tuy đã xuất hiện từ thời cổ xưa, nhưng hiện nay vẫn được bàn luận sôi nổi. Có rất nhiều hiện tượng về sự sống và cái chết làm cho nhiều người tin vào khả năng tồn tại linh hồn và các thế giới khác không nhìn thấy. Tuy vậy, việc chứng mình sự tồn tại ấy có thể vượt quá khả năng của con người hiện tại. Chưa thể chứng minh, cũng chưa thể bác bỏ giả thuyết về "hồn" và "xác", nếu chỉ dựa vào các hiện tượng được nghe kể lại hoặc từ các công trình nghiên cứu lý thuyết. Một số nhà ngoại cảm nước ngoài đã đưa ra dự đoán rằng, trong tương lại không xa, bản thân con người sẽ trải qua một bước ngoặc tiến hoá kỳ diệu về chất, cho phép dễ dàng nhận thức được các hiện tượng xung quanh chúng ta mà hiện nay vẫn được coi là hoàn toàn bí ẩn.

    Trần Văn Đình (theo báo nước ngoài)
     
  3. dcba

    dcba New Member

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    449
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Những Kinh Nghiệm Kỳ Lạ Về Thoát Ly Thân Xác

    Bí Ẩn Của Giây Phút Hấp Hối

    Con người đã và đang tìm kiếm các dấu hiệu tin cậy về cái chết để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Bên cạnh đó, các nhà khoa học thực sự lúng túng khi một số người đã kể lại cái chết cho biết những gì mà họ cảm nhận được trong thời gian hoàn toàn bất tỉnh hoặc mất hết hy vọng được cứu sống.

    Vào năm 1957, tại một sân bay nhỏ của Anh đã xảy ra tai nạn khi máy bay hạ cánh. Một bác sĩ ngồi ghế phía sau bị văng khỏi báy bay, ngất đi và không có dấu hiệu sống. Từ nơi mà ông ngã gụi không thể nào nhìn được quang cảnh xungh quanh, nhưng thật lạ lùng là người đó thấy rõ tất cả những gì xảy ra ở sân bay. Nạn nhân thấy thân thể của ông ta nằm bất động ở phía dưới mình khoảng 60m, thấy cả người hoa tiêu và phi công dính máu đang chạy về phía mình. Việc những người đó biểu lộ sự chú ý đối với thân thể của ông đã làm bác sĩ ngạc nhiên và bực tức. Ông muốn được yên tĩnh. Sau đó, nạn nhân thấy một ôtô cứu thương từ nhà để xe đi ra và một bác sĩ nhảy vào. Xe chở nạn nhân dừng lại một trạm xá và lấy theo một thiết bị. Tiếp đó, nạn nhân theo dõi thấy xe chạy với vận tốc lớn, mang "thi thể" của ông tới bệnh viện thành phố. Thân thể nạn nhân được đặt lên một cái bàn trắng, mọi người cúi xuống làm việc. Ông ta cảm thấy mùi khó chịu của clorua amonium. Vào đúng thời điểm đó, ý thức rõ ràng và bình thản của nạn nhân đột nhiên mờ hẳn và lại quay vào "trong" thân thể bị thương, kèm theo cảm giác đau đớn.

    Sau này, do tò mò, người đó đã phục hồi tỉ mỉ các sự việc ấy và những điều mô tả hoàn toàn khớp với thực tế.

    Vào năm 1892, một nhà địa chất người Thụy Sĩ tên là Enbơ Hem bị trượt ngã xuống vực sâu, nhưng may mắn thoát chết. Quan tâm đến những cảm nhận của mình trong khoảnh khoắc hoàn toàn thất vọng, nhà địa chất đã thu thập được 32 trường hợp tương tự. Ông nhận thấy rằng, tất cả các "đồng sự" của mình đều trải qua một cái gì đó giống nhau ở ngưỡng cửa của cái chết khó tránh khỏi. Những quan sát đó của A. Hem đã được bổ sung đáng kể, đặc biệt là vào những năm gần đây, khi công việc hồi sinh đã có nhiều kết quả.

    Khi rơi từ độ cao lớn, ở thời điểm đầu tiên, con người trải qua sự sợ hãi mạnh mẽ, tìm kiếm một cách vô vọng các khả năng cứu thoát. Giai đoạn thứ hai xuất hiện sự nhận thức đầy đủ về cái chết không tránh khỏi và các ý định thoát thân đã rời khỏi não bộ. Cái chết không còn làm kinh hoàng và phiền muộn, nhưng những điều vụn vặt ngớ ngẩn lại làm lo lắng: xót xa vì rách bộ quần áo đang mặc, vỡ vụn cặp kính đang đeo hoặc hỏng mất cái máy ảnh... Nếu thời gian rơi đủ dài thì sẽ xuất hiện giai đoạn thứ ba - hồi tưởng quá khứ. Các thời điểm quan trọng nhất của cuộc đời hiện ra thành các mảng hình ảnh, giống như quan sát chúng từ tầng trên của rạp hát. Tuy nhiên, những hình ảnh ấy mãnh liệt đến mức nào còn tuỳ thuộc vào đặc điểm cá nhân của mỗi con người.

    Vào năm 1972, một người trượt tuyết 19 tuổi bị ngã từ độ cao hàng ngàn mét và thoát chết với cái mũi dập nát. Nạn nhân kể lại:

    "Khi bắt đầu rơi, tôi gào thét thảm thiết, nhưng sau đó, tôi hiểu rằng tôi đã chết. Cả cuộc đời hiện ra trước mắt tôi như một ánh chớp. Tôi thấy khuôn mặt mẹ tôi, thấy ngôi nhà mà trong đó tôi sống, thấy các bạn bè ...". Còn Hem lại mô tả bức tranh quá khứ như sau: "Tôi thấy mình là đứa bé bảy tuổi đi đến trường học, rồi thấy mình hồi lớp bốn cùng với thầy giáo yêu quí".

    Các cảm xúc hồi tưởng quá khứ kéo dài không lâu và chuyển qua một trạng thái thần bí. Khi một người rơi xuống vực thẳm thì người đó hiểu được rằng, thân thể của mình sẽ va vào đá và bị huỷ hoại, xương sẽ gãy vụn và dập nát. Nhưng sự hồi tưởng về bản thân hoàn toàn không liên quan tới cơ thể nữa. Bắt đầu từ một thời điểm nào đó, nạn nhân không hề lưu tâm đến "thân xác" của mình. Sự cảm nhận của nạn nhân bị xâm chiếm bởi các ý nghĩ tuyệt đẹp và xen lẫn những nốt nhạc du dương. Trong một trạng thái tinh thần thanh thản, nạn nhân bay qua các bầu trời mày hồng và màu lam lộng lẫy, ở trạng thái siêu việt đó, nạn nhân cảm thấy dễ chịu đến nỗi nảy sinh sự phản kháng rõ rệt chống lại những cố gắng đưa cơ thể về với sự sống.

    Tuy nhiên, đôi khi con người cũng có thể rời vào trạng thái đặc biệt do quá sợ hãi. Trường hợp như vậy đã xảy ra với nhà du lịch nổi tiếng Đevit Lêvingxtơn tại một vùng rừng Phi Châu. Một con sư tử nhảy đến sau lưng ông và bắt đầu cắn xé. Nạn nhân ngã sấp, cảm thấy rơi vào trạng thái thiêm thiếp, không hề thấy đau và hoảng hốt. Nạn nhân không thể và không muốn cử động, phản kháng. Con sư tử chấm dứt hành hạ cơ thể nạn nhân và ngồi cạnh ông. Khi đó sức lực của nhà du lịch đột nhiên trở lại. Ông bật dậy và phóng chạy thoát thân.

    Trong những năm gần đây, các cảm nhận của những người chết lâm sàng đã được phân tích tỉ mỉ trong cuốn sách của R.Mouđi: Cuộc sống sau cái chết. Những người như vậy trải qua một cái gì đó giống nhau, mặc dù độ rõ nét có thể khác nhau. Họ rời bỏ "thân xác" và dễ dàng bay bổng lên không trung, quan sát hành vi của mọi người khác từ phía trên. Sau đó một quần sáng xuất hiện, giúp họ nhớ lại các sự cố của cuộc đời. Quầng sáng có thể thúc giục họ trở lại với "thân xác" vì còn chưa tới lúc "chuyển tiếp"...

    Một câu hỏi hay được đặt ra là làm thế nào để phân biệt một người bất tỉnh nhân sự với một người vừa mới chết?

    Lịch sử y học đã chứng kiến nhiều trường hợp mà trong đó các bác sĩ giàu kinh nghiệm nhất cũng mắc phải sai lầm. Vào thế kỷ XI, Anđrei Vazali bị kết án tử hình vì đã giải phẫu thân thể một nhà quí tộc Tây Ban Nha. Người này đã tỉnh lại trên bàn mổ và bình phục trở lại. Tuy thế, bản án đối với ẠVazali vẫn được thi hành. Một điều trùng hợp kỳ lạ là chính viên quan toà đã dựng lên án đó, chẳng bao lâu cũng hồi tỉnh trên bàn mổ tử thi, nhưng sau đó ông ta không qua khỏi.

    Vào năm 1964, tại một trong các nhà xác ở New York có một "tử thi" sống lại, đã nắm chặt lấy cổ và tay nhà phẫu thuật bệnh lý khi ông ta vừa thao tác dao mổ. Một nhà thơ tên là Patrarka đã hồi tỉnh trước khi đưa đi mai táng 4 giờ và còn sống thêm được 30 năm nữa. Một người phục vụ ở Vatican được coi là đã chết do bệnh hen. Trong số các bác sĩ làm nhiệm vụ có một người rất cẩn thận, đã đưa ngọn nến đến gần mắt người chết. "Tử thi" co giật mạnh và sau đó còn sống được khá lâu, với một cái sẹo trên mũi do bỏng.

    Vào đầu thế kỷ XX, một hội đồng các bác sĩ có uy tín của Anh đã tiến hành nghiên cứu và kết luận rằng, mỗi năm ở nước này có khoảng 2.500 người bị chôn sống. Có thể điều vừa nêu bị phóng đại, nhưng quả thật có không ít trường hợp những người còn sống đã bị chôn vùi. Chính tại Anh và cuối những năm 60, đã xuất hiện một thiết bị đầu tiên cho phép ghi nhận được hoạt tính điện rất nhỏ của tim. Trong lần thử đầu tiên tại một nhà xác, người ta đã phát hiện được một cô gái còn sống nằm giữa các tử thi.

    Những điều nêu trên cho thấy rằng, giữa sự sống và cái chết không có một ranh giới rõ ràng như đôi khi chúng ta vẫn tưởng. Sự ngưng thở được coi là dấu hiệu đầu tiên của cái chết. Nhưng ngay từ thế kỷ trước, quan niệm đó đã bị phủ nhận hoàn toàn. Một số nhà Yoga có thể tự ngừng thở mà sau đó vẫn sống khoẻ mạnh. Dấu hiệu khác của cái chết là sự mất mạch và sự ngừng hoạt động của tim. Tuy nhiên, điều đó không phải bao giờ cùng đúng. Các nhà Yoga có thể điều khiển nhịp đập của tim sao cho các dụng cụ đo chính xác cũng chỉ báo là tim hoàn toàn ngừng đập.

    Số đo thân nhiệt cũng không thể là dấu hiệu đầy đủ của cái chết. Đã có những trường hợp người đứng tuổi sống qua ngày ở một khu nhà lạnh lẽo, nhiệt độ thân thể hạ xuống khoảng 24ºC mà họ vẫn không chết. Một cậu bé ở Thụy Điển được tìm thấy dưới lớp tuyết với nhiệt độ thân thể 18ºC, nhưng đã bình phục mà không có những biến chứng đáng kể. Một số chứng bệnh (như tả, đậu mùa, uốn váng) có thể làm cho thân thể tăng nhiệt độ sau khi chết.

    Sự thay đổi ở nhãn cầu hay sự cứng đờ của thân thể cũng không phải là dấu hiệu tin cậy của cái chết. Hơn nữa, một số cơ quan tiếp tục hoạt động sau thời điểm chết lâm sàng. Cái chết tiến đến không tức thời. Đó là một dạng tồn tại đặc biệt, một sự tiến hoá dần dần với một xác suất thuận nghịch nhất định. Tử thi không có trường sinh học và cái đó cũng không thể là dấu hiệu của cái chết, bở vì trường sinh học ở một số người sống cũng có thể tạm thời biến mất. Tử thì có thể lưu giữ một hoạt tính điện nào đó cho đến ngày thứ 39, khi mà xung não đáng kể cuối cùng được ghi nhận.

    Tuy vậy, việc hồi sinh được phép tiến hành sau khi nạn nhân bị chết lâm sàng chỉ mấy phút. Bởi vì nếu để lâu quá thì trong một số trường hợp, những người được cứu sống sẽ tiếp tục tồn tại mà không có tri giác, giống như những con búp bê sống. Giới hạn thời gian hồi sinh phụ thuộc vào các khả năng của nền y học hiện đại.

    Tất cả những điều nêu trên có tác dụng lưu ý chúng ta hãy thận trọng khi xem xét các quá trình xảy ra với con người trên ranh giới giữa sự sống và cái chết.

    Trần Văn Đình (theo Con Người Và Thiên Nhiên (Nga))
     
  4. dcba

    dcba New Member

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    449
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Những Kinh Nghiệm Kỳ Lạ Về Thoát Ly Thân Xác

    Chết lâm sàng: Linh hồn đi về đâu?
    “Tôi bỗng cảm thấy không còn đau đớn trong lồng ngực nữa. Người tôi nhẹ tênh, nổi phình lên trần nhà, phía sau các chụp đèn phủ đầy bụi. Tôi phát bực mình, sao phòng mổ lại bẩn thỉu thế! Phía dưới, các bác sĩ đang loay hoay quanh một xác chết. Phải mất một lúc tôi mới hiểu, đó chính là cái xác của tôi... ”, chị Marline, một bệnh nhân chết lâm sàng kể lại.

    Marline kể tiếp: “…Nhưng tôi không hề hoảng sợ mà lại thấy sung sướng và tự do. Một miệng ống sâu hút với ánh sáng chói loà ở cuối đường hầm như mời gọi. Tôi đã định lao vào đó, nhưng còn muốn nhìn xuống dưới lần cuối: toà nhà trong suốt như đúc bằng pha lê vậy. Có mấy người đang sụt sịt khóc. Đó là chồng và các con tôi. Tôi nói: Tạm biệt! Nhưng không ai nghe thấy. Bỗng tôi sực tỉnh: Mình không thể bỏ mặc các con, ai sẽ nuôi dạy chúng…”.

    Câu chuyện trên chỉ là một trong hàng nghìn trải nghiệm do những bệnh nhân chết lâm sàng kể lại. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, thì 6% số bệnh nhân cảm thấy vui sướng khi tim ngừng đập. 69% được xem lại toàn bộ cuộc đời trước đó của mình như trong một cuốn phim tua nhanh. 44 % thấy mình bay trong đường ống. 72 % thấy người thân đã mất hoặc các thiên thần nói với họ rằng chưa nên chết vội. 19% khẳng định đã nhìn thấy địa ngục, phần lớn trong số này là những người tự sát.

    Cho đến nay, các nhà khoa học phương Tây vẫn chưa thống nhất: Vì sao người ta có thể nhìn được sau khi đã chết? Một số ý kiến cho rằng, đó là vì não bộ vẫn còn sống sau khi tim ngừng đập. Nhưng vì không được cung cấp ôxy nên người bệnh bị rơi vào trạng thái mê sảng. Nhiều người khác lại khẳng định, đó là kết quả của hiệu ứng tràn hoóc môn, xảy ra khi cơ thể giải phóng tất cả các hoóc môn dự trữ vào thời điểm tim ngừng đập. Vài nhóm khoa học khác lại cho rằng ý thức vẫn tiếp tục sống, ngay cả khi cơ sở vật chất của nó là não bộ đã chết (điều này trùng với quan điểm của các tôn giáo lớn trên thế giới).

    Đâu là ranh giới giữa sự sống và cái chết?

    Chết lâm sàng là một trong những hiện tượng khó giải thích nhất trong y học hiện đại. Đó là sự “ra đi” nhưng lại bị níu kéo “trở về”, hay đơn giản là khoa học chưa xác định được đúng ranh giới giữa còn sống và đã chết? Giáo sư Rant Bagdasarov, Bệnh viện Thành phố Matxcơva, đã dành 29 năm để nghiên cứu hiện tượng này. Cuối cùng, ông rút ra những kết luận trái hẳn với các nhà khoa học khác.

    Bagdasarov nói: “Sai lầm của tất cả các nhà nghiên cứu là họ đã tra hỏi người bệnh ngay khi tỉnh lại sau cái chết lâm sàng. Anh ta phải trả lời những câu hỏi theo mẫu định trước, trong khi còn chưa kịp tỉnh táo để hiểu gì đã xảy ra". Kết quả là họ thu được một bản dịch những cảm giác của người bệnh trong quá trình tỉnh lại, được diễn đạt bằng ngôn ngữ thông thường với các đường ống, ánh sáng chói loà,… tức là y hệt như trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, những bệnh nhân vô thần lại không thấy gì cả, thậm chí không nhớ nổi điều gì đã xảy ra khi chết lâm sàng. Bagdasarovnhận xét: "Như thế là đã rõ: Khi hồi tỉnh, não bộ rà soát nhanh lại toàn bộ bộ nhớ, vì vậy những gì bệnh nhân kể cho các nhà khoa học chỉ là điều đã được ghi nhận trong não bộ của họ từ trước, không hơn không kém”.

    “Chúng tôi đã từng nghiên cứu hơn 20 bệnh nhân ngoan đạo tỉnh lại sau khi bị ngất. Họ cũng kể về những cảm giác nhẹ hẫng, về đường ống, ánh sáng chói lòa, thân nhân, thiên thần,… mặc dù rõ ràng người bị ngất chưa thể ở ranh giới của sự sống và cái chết, cũng như không thể thấy được thế giới bên kia. Điều đó khẳng định thêm quan điểm về sự rà soát nhanh bộ nhớ trong quá trình bệnh nhân tỉnh lại, dù bị ngất hay chết lâm sàng. Kết luận này khiến chúng tôi phải đặt lại câu hỏi: Vậy bản chất của chết lâm sàng là gì? Ranh giới giữa sự sống và cái chết như hiện nay chúng ta vẫn tin tưởng đã chuẩn xác chưa?…”, Bagdasarov nói.

    (Theo Người Lao Động, 6/7)
     
  5. dcba

    dcba New Member

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    449
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Những Kinh Nghiệm Kỳ Lạ Về Thoát Ly Thân Xác

    Trái tim ngừng đập: Còn sống hay đã chết?

    Trong phòng cấp cứu, xung điện làm người bệnh giật lên nhiều lần, nhưng tim không hoạt động lại. Bác sĩ nhìn đồng hồ: “Mười phút rồi! Não đã chết… Anh ta đang ở thế giới bên kia…”. Sai lầm này khiến hàng trăm nghìn người vĩnh viễn ra đi trong khi y học còn có thể cứu sống họ.

    "Không biết ở Hollywood thế nào, chứ ở bệnh viện chúng tôi, mọi chuyện không kết thúc nhanh như vậy", Giáo sư Rant Bagdasarov khẳng định. "Việc cấp cứu vẫn tiếp tục khoảng trên dưới một tiếng đồng hồ sau khi tim đã ngừng đập. Đạo đức nghề nghiệp buộc chúng tôi phải hồi sức cho bệnh nhân dẫu người đó chỉ có thể sống lại thêm vài giờ nữa".

    "Nếu người bệnh đã qua thời điểm đó trên một tiếng rưỡi đồng hồ hoặc bị chấn thương không thể cứu sống, hoặc bị bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối thì bệnh viện mới không tiến hành hồi sức cấp cứu. Trong trường hợp đó, bệnh viện phải thành lập một hội đồng y tế chuyên khoa để xác định việc cấp cứu là vô vọng. Nhưng thực tế, không thể kịp thời thành lập một hội đồng y tế theo đúng quy định được. Người bệnh được đưa đến trong tình trạng rất nguy kịch, mọi giây đồng hồ đều hết sức giá trị. Bởi thế nên chúng tôi phải bắt tay vào cấp cứu trước, rồi mới lập hội đồng xác định xem có nên cấp cứu sau hay không", Bagdasarov nói.

    Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mỏng manh, đến mức không một bác sĩ nào đủ thẩm quyền xác định xem người bệnh có thể còn cứu được hay không. Thực tế y học cho hay, khi người bệnh trút hơi thở cuối cùng, trái tim ngừng đập, điện não đồ chạy thành một vạch thẳng tắp, vẫn chưa thể khẳng định rằng họ đã chết. Nhiều bác sĩ không nhất trí với khái niệm “cái chết lâm sàng”. Theo họ, khi bệnh nhân bị coi là chết lâm sàng, thực tế anh ta vẫn còn sống, chỉ có điều y học chưa hiểu được trạng thái đặc biệt đó của sự sống mà thôi.

    Chết lâm sàng hay giấc ngủ lạ?

    Giáo sư Rant Bagdasarov đã dành 29 năm để nghiên cứu về "cái chết lâm sàng" và có thể khẳng định với đầy đủ luận cứ khoa học rằng chỉ khi các mô và tế bào của cơ thể bắt đầu tan rã, không phục hồi được mới có thể coi là người bệnh đã chết. Tim ngừng đập, não ngừng hoạt động chỉ là một sự cảnh báo về nguy cơ chết. Trong lúc đó, cơ thể vẫn sống trong trạng thái “chờ đợi” xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

    Nếu có những tác động y khoa đúng đắn, cơ thể có thể thoát ra khỏi trạng thái này và trở lại cuộc sống bình thường. Có lẽ chính trạng thái “chờ đợi” đó bị hiểu lầm là “cái chết lâm sàng”.

    Bagdasarov nói: "Tôi đã từng chứng kiến nhiều cuộc hồi sức cấp cứu như thế này. Tim bệnh nhân ngừng đập nhiều lần. Mỗi lần xung điện làm nó hoạt động trở lại, bệnh nhân đều gắt lên Để yên cho người ta ngủ nào!”.

    Có lẽ cái chết lâm sàng hay trạng thái chờ đợi chỉ là một giấc ngủ đặc biệt. Người bệnh có thể “thức dậy” hoặc “yên giấc ngàn thu”… Vấn đề chỉ còn ở trách nhiệm của các bác sĩ: đánh thức được anh ta dậy hay để anh ta ra đi vĩnh viễn.

    Người Lao Động, 7/7 (Ngọn lửa nhỏ, KH&ĐS -Nga)
     
  6. dcba

    dcba New Member

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    449
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Những Kinh Nghiệm Kỳ Lạ Về Thoát Ly Thân Xác

    Trường Hợp Ly Kỳ Của George Ritchie Ðã Chết Rồi Sống Lại, Hiện Nay Là Bác Sĩ, Ðã Thấy Những Gì Khi Hồn Lìa Khỏi Xác

    Tác Giả: Sylvia Cranston và Carey Williams

    Trường hợp lạ lùng của bệnh nhân George Ritchie đã chết rồi sống lại (hiện đang là Bác Sĩ Tâm Trí) đã khiến cho các Khoa Học Gia cũng như các nhà Tâm Lý Học đặc biệt chú ý. Bác Sĩ Raymond Moody đã bỏ ra 5 năm để nghiên cứu trường hợp đặc biệt này. Bác Sĩ Raymond Moody vừa là Bác Sĩ vừa là nhà Phân Tâm Học, là tác giả cuốn sách nổi tiéng "Life After Life"với số độc giả cả triệu người đã phổ biến trường hợp của George Ritchie đến thế giới Tây Phương. Cuốn sách do Bác Sĩ Raymond Moody viết để tặng Bác Sĩ George Ritchie, trước đây là một bệnh nhân trong Quân Ðội. Câu chuyện có thật này đã được đưa lên màn ảnh với tựa đề Beyond And Back. Cuốn phim này đã làm chấn động dư luận.

    Lúc 20 tuổi, George Ritchie, một sinh viên y khoa với hoài bão trở thành bác sĩ, đã phải gia nhập Quân Ðội. (Sau này George Ritchie đã trở thành vị bác sĩ trẻ tuổi nhất tốt nghiệp tại Ðại Học Ðường Virginia). Khi chiến tranh chấm dứt cũng là lúc George Ritchie tốt nghiệp y khoa. Bác Sĩ George Ritchie là Chủ Tịch Hàn Lâm Viện Nội Khoa và Ngoại Khoa Richmond, chuyên về tâm trí và đã trở thành Viện Trưởng Viện Tâm Trí của Bệnh Viện Towers ở Charlotsville. Bệnh Viện này đã sát nhập với Ðại Học Ðường Virginia. Hiện nay Bác Sĩ George Ritchie có một phòng mạch riêng tại Richmond và là Chủ Tịch Sáng Lập Viên Ðoàn Thanh Niên Quốc Tế.

    Tài liệu này được viết theo trong cuốn "Return From Tomorrow" của Bác Sĩ George Ritchie và trong băng ghi âm của Bác Sĩ có nhiều chi tiết chưa được tiết lộ.

    Là một người lính được huấn luyện tại trại Barkeley, Texas, George Ritchie nhận định rõ giá trị của một người lính bộ binh trong Quân Ðội Hiện Ðại với cơ khí hóa tối tân. Vì nhu cầu cần Bác Sĩ để phục vụ cho Quân Ðội nên George Ritchie được tuyển chọn gửi đi huấn luyện tại Ðại Học Ðường Y Khoa Virginia. Nhưng chẳng may trước hôm đi, George Ritchie bị bệnh nặng, hai lá phổi bị sưng, phải vào nhà thương điều trị. Thời đó thuốc Penicilline được coi là phát minh kỳ diệu nhưng cũng không chữa nổi căn bệnh xưng phổi, bệnh tình của George Ritchie rất trầm trọng.

    Người phụ trách trông nom khu George Ritchie điều trị đã thấy George Ritchie tắt thở. Ðược báo cáo Bác Sĩ trực đến khám nghiệm, xác nhận George Ritchie đã chết và ra lệnh làm thủ tục đem George Ritchie vào nhà xác. Chính trong khoảng thời gian 9 phút này việc lạ lùng đã xảy ra.

    Bác Sĩ Donald G. Francy, Y Sĩ Trưởng của Trại Barkeley gọi trường hợp của George Ritchie sống lại là một trong những sự lạ lùng và ly kỳ nhất chưa từng bao giờ có. Trong một bài đã được kiểm chứng, Bác Sĩ Francy viết như sau:

    "Bệnh nhân George Ritchie đã chết hẳn rồi lại sống lại rất mạnh khoẻ là một trường hợp chưa từng có. Ðiều đáng lưu ý là một người bị bệnh tim, khi tim ngưng đập có thể dùng cách này hay cách khác để làm tim đập lại. Nhưng trường hợp của George Ritchie với bệnh sưng phổi, cơ thể đã bị nhiễm độc, các cơ quan trong người đều bị phá hủy thì việc làm cho trái tim đập lại không thể thực hiện được. Hơn nữa, George Ritchie đã chết ít nhất là 9 phút, thì bộ não hư hỏng không thể toàn vẹn được."

    Bây giờ là khoảng thời gian sau khi George Ritchie đã được xác nhận là thực sự chết nhưng anh cảm thấy tinh thần tỉnh táo thấy mình như trong một thân xác vật vì khác lạ được chuyển đến một căn phòng nhỏ trong lúc tình trạng trở nên nguy kịch. Lúc này khoảng nửa đêm. Ý nghĩ đầu tiên của anh là phải đi chuyến xe buýt sáng sớm để tới Trường Y Khoa tại Richmond để kịp dự lễ khai giảng khóa mới. Nhưng lạ lùng thay! Quần áo của anh đâu rồi? Anh tìm khắp nơi trong phòng. À! có lẽ ở dưới giường chăng?

    "Tôi đi vòng quanh, rồi lạnh cứng. Có người nào đó đang nằm trên giường tôi kìa! Tôi lại gần, đó là một người đàn ông còn trẻ, tóc mầu nâu cắt ngắn, nằm ngay đơ. Nhưng... không thể như thế được! Chính tôi vừa ra khỏi cái giường này mà. Tôi thắc mắc, khó hiểu sự kỳ lạ này. Thật là quá lạ lùng nghĩ đến việc này - nhưng không còn thì giờ nữa!"

    Anh phải đi tìm người phụ trách nơi đây để lấy lại quần áo. Ritchie trông thấy một trung sĩ đang đi ngoài hành lang, anh chận lại và yêu cầu ông ta giúp đỡ. Nhưng người này không thấy anh và cũng không nghe thấy anh nói cứ tiếp tục đi thẳng khiến anh phải tránh ra nhường lối cho ông ta đi.

    Nóng lòng tới Trường Ðại Học, Ritchie ra khỏi bệnh viện rồi bay theo hướng bắc về Richmond với một tốc độ nhanh chóng. Anh phân vân không biết đi có đúng đường không.

    "Một con sông rộng ở dưới tôi. Tôi thấy có một cái cầu dài, cao và tít đằng xa bên kia sông có một hành phố lớn mà tôi chưa bao giờ đến cả. Tôi muốn đáp xuống kiếm người hỏi thăm. Tôi từ từ ngưng lại, ngay dưới tôi có hai con đường chập lại làm một và tôi bị cuốn hút bởi một luồng ánh sáng xanh chiếu ra từ một bảng hiệu gắn đèn nê-ông của một tòa nhà có mái ngói đỏ. Tấm bảng hiệu "Past Blue Ribbon Beer" treo ngay trên cửa sổ và trước nhà bảng hiệu "Cafe" lơ lửng trên cửa ra vào...

    Trên con đường nhỏ dẫn vào quán Cafe bán đêm này, có một người đang rảo bước. Tôi bèn xuống đi bên cạnh và hỏi:

    "Làm ơn cho tôi biết đây là thành phố nào?"

    Ông ta vẫn tiếp tục đi thẳng... Chúng tôi tới quán Cafe.Ông ta xay tay nắm cửa bước vào. Có lẽ Ông ta bị điếc hẳn? Tôi lấy tay trái đập lên vai của Ông ta. Không có gì cả mà hình như tay tôi vừa để vào khoảng không. Rõ ràng tôi thấy ông ta mà, tôi còn nhận ra ông ta có một chòm râu đen ở cầm cần phải cạo đi nữa."

    Mọi suy nghĩ Ritchie tựa hẳn vào một người đàn ông đang mắc dây điện thoại ở kế bên và đi xuyên qua.

    Trước khi đi đến phần kế tiếp, chúng tôi thấy cần phải báo cáo là, một năm sau đó, bất ngờ Ritchie đã khám phá ra tên của thành phố này. Trên đường trở về trại Barkeley trước khi đi công tác tại Âu Châu, Ritchie cùng những người bạn sinh viên y khoa đi xe hơi về trại. Ðến ngày thứ ba họ tới Tiểu Bang Missisipi, một Tiểu Bang mà chưa bao giờ Ritchie đặt chân tới cả. Khi đến vùng ngoại ô của Vicksburg, Ritchie đã tả lại như sau:

    "Thành phố này tuy xa lạ nhưng hình như rất quen thuộc. Tôi đã biết rõ từng nét cong của bờ biển, từng khúc rẽ đường. Nơi đó, tôi biết rõ đường phố như thế nào! Tôi biết chắc chỉ còn một con đường ngắn là tôi có thể đến ngôi nhà trắng có mái ngói đỏ, có chữ Cafe bằng nê-ông gắn trên cửa ra vào. Khi xe tới gần tôi nhận được ra con đường nhỏ mà tôi đã cùng một người không nhận ra tôi đi tới quán này. Cũng còn cả cột điện thoại mà tôi đã đứng ở đó rất lâu... bao lâu? Giờ nào, ngày nào với loại thân hình nào?"

    Trong cơn thoát xác, Ritchie cảm thấy đi Richmond thật phù phiếm không ai thấy và nghe được anh cả.

    "Nếu tôi có trở về gia đình thì cũng chẳng ai thấy tôi? Ý tưởng cô đơn xâm chiếm tôi, dù sao tôi cũng phải về ngay nơi mà mọi người thấy tôi và nghe được tôi chứ.'

    Rồi George Ritchie nghĩ đến cái xác hãy còn đang nằm tại bệnh viện. Ritchie đã vội vàng quay trở về bệnh viện tại Trại Barkeley. Tới nơi Ritchie đã phải xục xạo tìm lại cái xác nằm tại một trong hai trăm căn phòng của 5 ngàn binh sĩ đang ngủ. (Lúc đó Trại Barkeley có 250 ngàn khóa sinh)

    Ðèn không được sáng, thật khó khăn mới nhìn được mặt họ.Cả giờ rồi, đã toát cả mồ hôi, qua hết phòng này đến phòng khác mà vẫn không kết quả. Ðột nhiên anh nhớ ra! Tay trái anh có đeo một cái nhẫn hội viên Phi Gamma Delta. Và tiếp tục tìm kiếm, anh đã tìm được cái xác một người đàn ông trong một căn phòng nhỏ, phủ một tấm chăn và tay trái có đeo chiếc nhẫn.

    "Tôi tiến lại từ từ, mắt dán chật vào cái bàn tay đeo nhẫn. Tôi khiếp hãi. Dưới ánh đèn mờ ảo, tôi thấy bàn tay đó thật trắng và thật mềm. Trước đây, tôi đã nhìn thấy bàn tay này ở đâu rồi nhỉ? Tôi đã nhớ ra: Cha Dabney nằm trong phòng khách Moss Side. Tôi lùi lại gần cửa ra vào. Người nằm trên giường đã chết. Tôi cảm thấy khó chịu như trước đây tôi đã phải ở chung với người chết trong một phòng... Nhưng... cái nhẫn là của tôi mà, vậy chính là tôi mà - vậy thì một phần của tôi nằm trên cái giường này, phủ bởi tấm chăn. Vậy có nghĩa là tôi đã... Ðó là lần đầu tiên tôi đã trúc nhận đến chữ 'chết" liên quan đến những gì đang xảy ra cho tôi. Nhưng tôi chưa chết mà - sao tôi có thể chết trong khi tôi vẫn còn thức đây? Tôi bấu vào tấm chăn, cố gắng kéo xuống để mắt tôi nhìn được phía ngoài. Nhưng vô ích, tất cả các cố gắng của tôi cũng không đủ để tạo một cơn gió nhẹ thoáng qua căn phòng im lặng nhỏ bộ này. Sau cùng thất vọng tôi ngồi xuống giường. Tôi nghĩ: Tôi đã thoát ra khỏi xác nên không tiếp xúc lại được. Ðây là chính là lúc tôi cảm thấy da thịt tôi và tôi (hình hài và linh hồn) ở hai hành tinh riêng biệt."

    Chợt George Ritchie thấy trong phòng tự nhiên sáng hẳn lên. Anh nhìn vào cái bóng đèn 15 watts và chắc chắn cái bóng đèn này không thể sáng đến thế được!

    "Tôi ngạc nhiên thấy ánh sáng càng ngày càng rúc lên ở trong phòng, tất cả các bóng điện trong bệnh viện thắp lên cũng không thể sáng như thế, tất cả những ngọn đèn trên thế giới cũng không thể sáng như thế, sáng như cả triệu ngọn đèn dùng để bàn cùng cháy lên một lúc."

    Bây giờ George Ritchie nhận thấy không phải là ánh sáng mà là một người đang bước vào phòng, nói đúng hơn là một Người được làm bằng ánh sáng.

    "Con Người này đã tỏa ra sức thần thông của chính mình xưa hơn cả thời gian và hiện đại, hơn bất cứ ai mà tôi đã được gặp."

    Người này đã nhìn thấy suốt cuộc đời của anh." Người này đã biết đến cả những gì khó ưa trong tôi, Người đã chấp nhận và thương yêu tôi".

    Người này đã hỏi anh: "Anh đã làm được những gì trong đời?" Câu hỏi được nhắc đi nhắc lại nhưng anh lẩn tránh. Cuối cùng là anh cũng phải trả lời là chẳng làm được gì trong suốt cuộc đời.

    Không thể nào trong một vài chương mà có thể kể hết được. Con Người Thiên Thể này đã dẫn dắt Ritchie đi; sau này Ritchie gọi là "Một Cuộc Kinh Lý Giáo Dục". Ritchie đã được dẫn đến thế giới thiên thể ở tầng trời cao nhất. Ỏ thế giới thiên thể này Ritchie đã nhìn thấy cảnh các linh hồn đam mê nhục dục Những người nghiện rượu được kéo ra khỏi các quán rượu, các quán cà phê và đây là địa ngục của họ: Những người nghiện rượu trông thấy người khác đang uống mà không được động đến cái ly. Ritchie nhìn thấy những người khác vì say mê ái dục mà trở thành bất lực. Ðây là địa ngục của họ, Ritchie đã nhìn thấy những người tự tử vì thất vọng. Ritchie cũng được dẫn đến thăm một văn phòng mà người thoát xác đang la hét và bắt người làm phải thi hành công việc như thế nào nhưng các người làm này đâu còn tuân lệnh nữa. Ðây là ông chủ đã quá cố của Ritchie.

    Tuy đã được Southern Baptist (một tông phái Tin Lành) dậy dỗ nghiêm khắc Ritchie cũng vẫn thấy giật mình. Anh thấy Anh đang ở trong một Thư Viện Vĩ Ðại có nhiều cuốn sách nói về vũ trụ mà chưa ai viết - và cuốn Thánh Kinh chỉ là một mà thôi.

    Khi được đưa tới tầng trời thứ ba thì Ritchie bị ngất ngây bởi vô lượng ánh sáng của người Ðồng Hành Thiên Thể mà sau này Ritchie nghĩ là Ðấng Tối Thượng, Tối Cao hơn cả. Ðó là Ðức Chúa Christ với người Thiên Chúa Giáo - Ðức Phật với người Phật Giáo - Khrisna (Phạm Thiên) với người Ấn Ðộ Giáo - Messiah Giáo Chủ với người Do Thái Giáo - Có lẽ tất cả đều đúng.

    Ðã đến lúc phải trở về với nhiều nuối tiếc. "Những bức tường đã ngăn chận chúng tôi. Những bức tường rất hẹp như những cái hộp; rồi trong khoảnh khắc tôi nhận ra được cái phòng của bệnh viện mà tôi đã bỏ đi trong một thời gian". Anh cố gắng nhập vào cái xác đang nằm trên giường, Anh cố gắng mở mắt nhưng không sao mở mắt được vì bị tấm chăn phủ mất. Anh muốn dở hai tay nhưng không thể được và cảm thấy như đang nâng hai thanh sắt nặng. Anh chậm chạp xích hai bàn tay lại gần nhau và xoay cái nhẫn vài lần.

    Rồi đầu óc Ritchie lại mờ đi. Ritchie lại rơi vào tình trạng hôn mê và hình như lại chết một lần nữa. Chính sau này thân xác anh cử động được nhưng đầu óc anh vẫn mê man mất 3 ngày. Lần này khi mở mắt ra anh nhìn thấy cô y tá đang nhìn anh mỉm cười và nói: "Thật vui mừng ông đã trở lại với chúng tôi, đã có lúc chúng tôi tưởng không thành công".

    Sau này Ritchie được biết khi người trông nom bệnh viện trở lại để sửa soạn đưa Ritchie vào nhà xác thì đôi tay anh đã được đổi vị trí. Nguyên lúc Bác Sĩ khám nghiệm phủ mặt Ritchie, đặt hai cánh tay thẳng và để đôi bàn tay úp xuống. Nhờ vậy Ritchie đã nhìn thấy cái nhẫn của mình. Nhận thấy có sự thay đổi (đôi tay không ở vị trí có) người trông nom (binh nhì) vội cấp báo Bác Sĩ. Sau khi khám nghiệm lại cẩn thận, vị Bác Sĩ đã một lần nữa tuyên bố Ritchie đã chết hẳn.

    Tuy nhiên người trông nom bệnh viện này không thừa nhận lời tuyên bố của Bác Sĩ đề nghị: "Có thể chích một mủi Adrenalin vào thẳng tim cho Ritchie sống lại". Về việc này, George Ritchie đã nhận xét như sau: "Việc này không thể có được, thứ nhất là vì một người binh nhì đâu có thể tranh cãi với cấp sĩ quan chỉ huy của mình, hơn nữa lại là một bác sĩ chuyên môn có bằng cấp, thứ hai lời đề nghị của người trông nom trên phương diện y khoa chuyên môn thật là lố bịch và buồn cười. Bệnh sưng phổi đã làm tê liệt tất cả các bộ phận trong cơ thể việc tiêm thuốc kích thích tim không thể chấp nhận được. Về trường hợp của tôi, bất cứ một nhà y khoa nào cũng không thể làm gì hơn được. Ấy thế mà đề nghị cho một người đến canh chừng của người trông nom bệnh viện với Bác Sĩ cho rằng việc này không hữu lý đã được chấp thuận và đề nghị này lại thành công!

    Thời gian bình phục thật là khó khăn. Khi trở về Richmond, Ritchie chỉ như một bộ xương, không ai có thể tin được Ritchie có thể theo học lớp y khoa. Phải mất đúng một năm Ritchie mới hoàn toàn bình phục. Sau đó Ritchie được chuyển trở lại Trại Barkeley và được gửi sang phục vụ một đơn vị ở Âu Châu. Khi chiến tranh kết liễu, Ritchie đã tiếp tục học lại, đậu Bác Sĩ và đã trở thành một Bác Sì chuyên khoa về tâm trí.

    Bác Sĩ George Ritchie đã viết như sau:

    "Khi tôi xin vào nội trú tại Ðại Học Ðường Virginia, một người bạn đã khuyên tôi đừng nên cho Ban Tuyển Chọn biết chuyện tôi đã xuất hồn vì những người chấm điểm có thể nghi ngờ tôi. Người đầu tiên phỏng vấn tôi là Bác Sĩ Wilfred Abse, Giáo Sư Ngành Phân Tâm Học, Tâm Lý Học thuộc Viện Tâm Trí và là một trong những người đứng đầu trong Ngành Phân Tâm Học tại Virginia. Ngay khi bước vào phòng Bác Sĩ Abse đã nói với tôi:

    "Tốt, này Bác Sĩ Ritchie hình như Ông đã được gặp Chúa Christ. Tôi tưởng rằng cơ may của tôi đã bị ném qua cửa sổ. Bác Sĩ Abse là người Do Thái, một người nghiên cứu về triết học Freud. Ông ta đã trực tiếp phỏng vấn tôi. Tôi đã nói hết sự thực và không dấu diếm chút nào về việc xảy ra tại Trại Barkeley, Texas.

    Không thể ngờ được hai tuần lễ sau cuộc phỏng vấn tôi nhận được thư thông báo Ban Tuyển Chọn đã chấp nhận tôi vào nội trú và tôi đã trở thành một Bác Sĩ về tâm trí.

    Những năm sau này, Bác Sĩ Abse trở thành người bạn thân của tôi. Trong một câu chuyện giữa chúng tôi, Bác Sĩ Abse đã cho biết: "Mọi người nơi đây đều biết rõ câu chuyện xuất hồn của Anh; nếu trong cuộc phỏng vấn Anh dấu diếm thì tôi đã không chọn Anh vì cho Anh là một người không có tinh thần vững vàng, một người như vậy ắt hẳn không thể phân biệt đâu là sự thật, đâu là ảo tưởng."

    Cũng tại Bệnh Viện này, Bác Sĩ George Ritchie đã tiến tới chức vụ Viện Trưởng Viện Tâm Trí
     
  7. tom_xp

    tom_xp New Member

    Tham gia ngày:
    24 Tháng mười hai 2006
    Bài viết:
    8
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Những Kinh Nghiệm Kỳ Lạ Về Thoát Ly Thân Xác

    Cám ơn bạn dcba vì post loạt bài rất hay!
    Nhân tiện cho mình hỏi: Bạn có biết ở đâu hoặc ai dạy cách thoát xác như các tu sĩ Tây tạng không? Mình rất muốn được du lịch sang thế giới bên kia để học hỏi, nếu dcba - hoặc bạn nào biết thì chỉ giúp mình nhé!
    Xin cám ơn trước!
    Tối nay mình sẽ ngủ ngon vì đã giãi bày được một-cái-gì-đó
     

Chia sẻ trang này