Nuôi con một mình

Thảo luận trong 'Nuôi con' bắt đầu bởi Nguyệt, 5 Tháng một 2009.

  1. Nguyệt

    Nguyệt New Member

    Tham gia ngày:
    12 Tháng ba 2007
    Bài viết:
    336
    Điểm thành tích:
    0
    Cô độc nuôi con: "Chặng đường" gian nanChủ nhật, 30/11/2008, 10:10 GMT+7 Với những gia đình có đầy đủ cả cha lẫn mẹ thì việc giáo dục con cái nên người đã là một “hàng rào” khá cao cần phải vượt qua. Thế nhưng với những người cha hay người mẹ nuôi con một mình thì tình hình xem ra còn căng thẳng đến cực điểm.
    Thực tế cuộc sống xã hội cho thấy điều này dù chưa hẳn là phổ biến nhưng cũng bắt đầu đáng để quan tâm trong xã hội ngày nay…
    Câu hỏi nuôi con một mình đó là thách thức hay cơ hội xem ra đã thể hiện khá rõ hình dáng của câu trả lời dù rằng vẫn có thể có độ chênh trong quan niệm của mỗi người.
    Sự lựa chọn nuôi con một mình
    Chuyện của Trọng Hậu là một câu chuyện khá điển hình về hình ảnh “gà trống nuôi con”. Cuộc hôn nhân giữa anh và vợ kéo dài được bốn năm với hai cô cậu cũng rất kháu khỉnh. Cuộc sống vợ chồng với nhiều lần “đá thúng đụng nia” đẩy mối quan hệ của hai người đến mức không thể dung hòa.
    [​IMG]"Gà trống nuôi con": Đối mặt với muôn vàn khó khăn và thách thức
    Hôn nhân không hôn thú được giải quyết bằng cách mỗi người sẽ tự trả tự do cho nhau. Hai đứa con xinh xắn cũng được phân chia theo sự thỏa thuận của hai người. Dắt đứa con trai 3 tuổi theo mình, Hậu kiên quyết sẽ trở thành một người cha tuyệt vời và thậm chí hơn thế nữa. Thế nhưng mọi chuyện cứ như trêu ngươi. Dù công việc đang làm không mất quá nhiều thời gian nhưng những điều cần làm thì anh cứ “bó tay” thậm chí là “bó cả chân”. Việc vệ sinh thì còn cố gắng tàm tạm, việc ăn uống thì cố gắng nhờ hàng xóm phụ cũng có thể xong… tuy nhiên khoản ru ngủ và hát múa thì Hậu tình nguyện xin chừa vì cố mãi vẫn không xong.
    Ngay cả bà nội nghỉ việc qua để trò chuyện và tâm tình thì cu cậu vẫn không thỏa mãn. Việc một cũng đòi cha, việc hai cũng đòi cha.. Hậu trở nên mệt mỏi và căng thẳng vì đầu óc lúc nào cũng bị quấn lấy với những áp lực của việc thỏa mãn nhu cầu của con. Cái tát rất nhẹ của Hậu dành cho con khi bé cứ khóc nhè làm Hậu đau điếng. Hậu vừa tức, vừa hối hận, vừa đau xem chừng rất lạ…
    Khác với việc chọn lựa một cách bị động thì trường hợp của Mỹ Dung lại là một câu chuyện khác. Bước vào tuổi 38 với một cơ sở vững chắc về nghề nghiệp và vài lần thất bại khi yêu. Mỹ Dung cảm thấy tình yêu là phù phiếm. Với mức lương rất ổn định ở một công ty bề thế và nhờ tài buôn bán bất động sản kha khá của mình Dung tự tin tìm cho mình một đứa con. Mặc lời ra tiếng vào, mặc người đời chế giễu hay bêu rếu, bỏ qua cả những lời cạnh khóe của người thân và bạn bè… Dung vững tin trở thành người mẹ nuôi con một mình.
    Dung quan niệm rằng đi biển một mình hay có đôi không quan trọng miễn sao mình có niềm vui. Dung còn khẳng định với mấy người bạn thân nếu không ai đám cưới vì mình đã già, chẳng lẽ mình chết trong sự cô độc hay sao?
    Người đàn ông giấu mặt, giấu tên của Dung không xuất hiện nhưng đứa trẻ thì cứ dần dần lớn lên. Không chỉ buồn bã vì biết mình chỉ có mẹ mà khi đi học và chơi chung bạn bè, không ít lời vô tình hay cố ý cứ xỉa xói và suy nghĩ non nớt và trái tim đầy nhạy cảm của trẻ. Khóc lóc, buồn bã, cô đơn, lạc lõng và cả mặc cảm… cậu bé lớn lên trong sự mệt mỏi và có phần mất cân bằng…
    Nuôi con một mình cho thấy việc chăm sóc con cái không chỉ đòi hỏi cha mẹ có sức lực hay điều kiện kinh tế mà còn rất nhiều những việc có liên quan khác. Đó là những áp lực mà đôi lúc cha – mẹ vẫn chưa thể ước lượng hay hiểu được ở con mình. Nào là áp lực từ phía bạn bè, nào là áp lực từ phía những người xung quanh, nào là những xúc cảm tiêu cực có thể lớn dần dần trong cuộc sống của bản thân đứa trẻ.
    Thách thức hay cơ hội?
    Nuôi con một mình không hẳn chỉ là vấn đề số người chăm sóc – giáo dục trẻ mà vấn đề quan trọng ở đây đó là nhu cầu cần được chăm sóc của trẻ. Những nghiên cứu tâm lý – giáo dục đã chứng minh rằng bầu không khí tâm lý gia đình đầm ấm là một trong những yêu cầu tối quan trọng để nhân cách trẻ phát triển hài hòa. Sao có thể đảm bảo được điều này nếu như trẻ chỉ lớn lên trong hướng “giáo dục độc quyền”?.
    Trẻ con cần có sự tác động song song từ cha và mẹ. Nếu như trẻ cần cái nhẹ nhàng, mềm mỏng và sự ngọt ngào, tinh tế của mẹ thì trẻ lại rất cần sự mạnh mẽ, quyết đoán hay khả năng làm chủ từ phía người cha. Không ít trẻ em có sự ảnh hưởng nhất định của cách thức giáo dục đơn từ một phía để những dấu ấn ấy sẽ trở thành vết sâu khó phai trong nhân cách, hành vi của trẻ.
    Những nghiên cứu chuyên biệt về các trường hợp mặc cảm “Ơ đip” hoặc một số trường hợp trẻ quá yếu đuối gần như tương đồng với giới tính thứ ba cho thấy ảnh hưởng từ phía người mẹ là khá lớn. Vấn đề có thể là trẻ đã bẩm sinh nhưng chính cách sống ủy mị và quá lãng mạn của trẻ có thể dẫn đến những hành vi thiếu tính tích cực trong cuộc sống.
    Thách thức quá rõ so với cơ hội để chăm chút con mình một cách tận tâm tận lực khi phải cô độc nuôi con. Thực tế cho thấy có quá nhiều khó khăn trước mắt mà những người nuôi con một mình phải đối mặt. Nếu cha chăm sóc con hết lòng và tận tụy nhưng những đòi hỏi của trẻ về mặt tình cảm thật sự khó có thể đáp ứng. Từ những lời ru ngọt ngào cho đến việc chăm sóc trẻ từng chút từng chút một trong giấc ngủ, cho đến việc tâm sự và trò chuyện cùng trẻ cũng là những thách thức quá lớn. Không những thế, không ít người mẹ cứ quấn lấy con mình một cách quá mức làm cho trẻ cảm thấy mất hẳn sự tự do – thoải mái. Sự chăm sóc quá đà của mẹ làm cho trẻ mất hẳn sự tự lập, sự mạnh mẽ và dứt khoát cần có, từ đó trẻ sẽ có những thái độ và hành vi mất hẳn sự tự tin.
    [​IMG]Vừa phải là cha, vừa phải là mẹ, thách thức còn thể hiện rõ ở việc giáo dục con cái
    Những lo lắng dài lâu cũng là vấn đề khá quan trọng mà người cha, mẹ nuôi con một mình cần chú ý. Những thời điểm nhạy cảm khi cả con trai và con gái gặp phải nếu chỉ một người thật khó có thể đồng cảm và chia sẻ. Sẽ là bất hợp lý khi đến những giai đoạn trẻ dậy thì thì những biến cố trong cuộc sống của trẻ làm sao hoặc cha hoặc mẹ có thể chia sẻ hay quan tâm. Không dừng lại ở đó, những nhu cầu rất đặc trưng của giới chưa chắc cha hay mẹ có thể hiểu một cách đầy đủ nếu không có sự tương hợp hay sự tương phản giới tính được vận dụng một cách thích hợp.
    Vừa phải là cha, vừa phải là mẹ, thách thức còn thể hiện rõ ở việc giáo dục con cái. Dù có những tác động “thiết quân lệnh” hay những tác động nhẹ nhàng, sâu sắc thì cả cha lẫn mẹ phải chú ý một điều rất quan trọng – đó là tác động đồng bộ và song hành. Điều này sẽ rất khó có thể thực hiện một cách khả thi nếu như cơ chế đóng vai buộc cha hay mẹ phải thay đổi liên tục. Sự tác động thiếu tinh tế và thiếu cân bằng sẽ để lại những dấu ấn khó có thể sâu sắc theo hướng tích cực lên tâm trí và nhân cách của trẻ.
    Lẽ đương nhiên, mỗi người có một lựa chọn khác nhau và điều quan trọng là hãy cố gắng giải quyết một cách tương đối những điều đang là thách thức. Không những cố gắng để chính mình trở thành gương sáng trong suy nghĩ trẻ mà điều quan trọng nữa là cố gắng bù đắp những thiếu hụt hoặc những mất mát mà trẻ đang gặp phải trong đời sống. Không thể không có sự hy sinh vì khi quyết định nuôi con một mình đã là hy sinh rất đáng kể, nhưng sẽ không thể không có một sự hy sinh mới tốt hơn, đẹp hơn để trẻ con phát triển toàn diện. Nói như thế nghĩa là nuôi con một mình không phải là sự lựa chọn có lý nếu như cảm thấy có quá nhiều khó khăn và bất cập đang xảy ra với chính mình và con của mình trong cuộc sống.
    Sự lựa chọn của mỗi người đều dựa trên khá nhiều suy nghĩ của cá nhân nhưng chắc chắn rằng hạnh phúc là tiêu chí cao nhất mà nhiều người hướng đến khi đưa ra một quyết định. Điều căn cơ là hãy cho con mình một cơ hội thật tốt để phát triển, cho nên nếu thuận vợ thuận chồng để chung sống và nuôi con thì mỗi người cố hơn một chút vẫn là tuyệt vời. Hãy cho con em của chúng ta những gì tốt đẹp nhất có thể có và sự tác động song hành và đồng bộ quả thật là điều mà mỗi chúng ta cần làm khi hướng đến tương lai của con cái.
    Theo TS TLH Huỳnh Văn Sơn
    [​IMG]


    ( Tintuconline)
     
  2. Nguyệt

    Nguyệt New Member

    Tham gia ngày:
    12 Tháng ba 2007
    Bài viết:
    336
    Điểm thành tích:
    0
    Ðề: Nuôi con một mình

    "Gà mái" nuôi conThứ bảy, 29/11/2008, 11:44 GMT+7 Thế giới này rõ ràng rất bất công với phụ nữ có cả ngàn ví dụ để chứng minh. Chẳng hạn, một cô gái cởi trần ra đường chắc chắn bị coi là đồi trụy, trong khi một chàng trai làm thế có khi được khen rằng "khỏe mạnh". Đặc biệt là lĩnh vực con cái. Dân gian có câu "gà trống nuôi con" chỉ người đàn ông chăm em bé một cách đầy thương cảm. Nhưng phụ nữ làm thế chẳng có ai xót ruột bao nhiêu.
    Thực ra, nuôi con là một việc nặng nhọc. Nặng nhọc hơn cả khi vừa nuôi con lại vừa phải... đẻ con.
    Ngày nay, tỷ lệ ly dị quá nhiều (theo thống kê, cứ mười lăm phút lại có một vụ ly dị) còn nhiều hơn tai nạn giao thông. Phần lớn bà vợ ly dị để thoát khỏi một lão chồng vũ phu, nếu không vũ phu thì lười biếng hoặc bồ bịch. Chưa kể những ông chồng có một lúc cả ba phẩm chất này.
    [​IMG]Việc nuôi con một mình sẽ vô cùng khó khăn và vất vả
    Ly dị nghĩa là chia của (than ôi, rất nhiều khi chả còn của cải gì), nhưng có một thứ không thể chia, đó là đứa bé. Trên lý thuyết, đứa trẻ có thể ở với cha hoặc mẹ, tùy theo quyết định của tòa. Nhưng trên thực tế, do tình cảm, do yêu cầu, do thói quen và do... lười, các quan tòa thường tuyên bố cho bà mẹ nuôi. Một số ông chồng nghe phán quyết vậy thì la lối. Một số tỏ vẻ cam chịu. Đa số thì âm thầm, bí hiểm và có vẻ... nhẹ nhõm ngầm.
    Ai mà chả biết, nuôi một đứa trẻ là nhiệm vụ nặng nhọc nhất của đời người (nhiều khi còn nuôi hai, nuôi ba). Nó nhỏ thì khổ kiểu nhỏ, nó lớn thì khổ kiểu lớn, còn nó chậm lớn thì khổ toàn diện. Khi nuôi con một mình, người phụ nữ phải đối đầu với rất nhiều khó khăn thuộc về kinh tế, về tình cảm và về sức khỏe.
    Trẻ con Việt Nam được giáo dục tính tự lập rất kém. Chúng rất ít khi ngủ riêng, chúng hay quấy khóc, hay lèo nhèo và hay đòi bế. Xã hội Việt Nam lại quá thiếu tiêu chuẩn hóa. Nếu như nước ngoài, đứa bé đi học từ rất nhỏ có thể tự lên xe buýt tới trường, thì trẻ con ta cứ phải có người lớn chở đi bằng xe máy trên những con đường vừa ngập nước, vừa kẹt xe. Tất cả những điều ấy dẫn tới việc người mẹ suốt ngày phải lo ăn, lo tắm rửa, lo đưa đón với lại lo kèm cặp cho trẻ học buổi tối. Một chuỗi những hành động nặng nhọc, lặp đi lặp lại, rút hết cả sức lực.
    Thỉnh thoảng, trên vài tờ báo nào đó lại đăng tấm gương của một cô nào đó, ca ngợi rằng cô ấy cảm thấy hạnh phúc khi nhìn đứa con khôn lớn trong khi mình gần như mất hết tất cả sự giải trí, sự hưởng thụ. Tôi khâm phục những phụ nữ như thế, nhưng tôi tin rằng nếu đất nước ta có nhiều phụ nữ như thế thì thật là bất hạnh biết bao.
    Đó là chưa kể một đứa trẻ thiếu cha sẽ mất đi sự cân bằng tâm lý, vô cùng khó bù đắp. Rất ít cặp vợ chồng cư xử văn minh, nghĩa là ly dị rồi vẫn giáo dục cho trẻ sự tôn trọng cha hay mẹ mình. Trên thực tế, họ thường nói xấu nhau trước mặt con cái, muốn con cái có cùng lòng ghét bỏ với mình, dẫn đến những nhân cách rất tai hại.
    "Đàn bà đi biển mồ côi một mình", câu tục ngữ đó có từ ngàn đời. Nhưng nuôi một đứa con thì kém gì đi biển? Đã thế, biển còn xanh màu nước biển chứ đứa bé lớn lên trong một đại dương những khó khăn và hiểm họa rình rập.
    Vậy mục đích của bài viết là gì? Là bảo các ông bố, bà mẹ dù cãi lộn đến đâu cũng đừng ly dị ư? Hay là muốn các ông bố nuôi con? Tôi không có tham vọng, và nếu có cũng chả thực hiện nổi. Tôi chỉ muốn lưu ý: việc nuôi con một mình vất vả lắm, chớ có nên thơ hóa chuyện này!
    Theo Lê Hoàng
    [​IMG]


    ( Tintuconline)
     

Chia sẻ trang này