Phong thuỷ Hương Sơn

Thảo luận trong 'Kiến thức Phong Thủy: Sơn quản Nhân đinh, Thủy quản Tài' bắt đầu bởi cabachlong, 5 Tháng tám 2006.

  1. cabachlong

    cabachlong New Member

    Tham gia ngày:
    20 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    1,152
    Điểm thành tích:
    0
    Thứ Hương Sơn (kỳ 3)
    15:40', 24/3/ 2005 (GMT+7)
    Đại An
    Hòn Đại An tuy thấp, nhỏ, song không trơ trụi, vì núi bằng đất chớ không phải bằng sỏi, nên cây cối tươi sum.

    Ở phía Bắc núi Đại An, cũng trong khoảng chín mười cây số, có núi Tân Nghi. Giữa nổi cao, hai bên lài lài, trông phảng phất con chim sè cánh. Đó là con Phi Phụng.

    Theo các thầy địa lý thì các hòn thổ sơn này có liên hệ mật thiết với nhau, nhưng vì long mạch đi chìm dưới đất nên cặp "nhục nhãn" tức là "mắt thịt" của chúng ta không thể thấy rõ. Nhưng từ núi Tân Nghi trở đi, mạch rồng nổi lên trên mặt đất thành những dãy gò lúp xúp như những đợt sóng biển lúc im trời, chạy xuống Lục Phú, quành vô Gò Quánh, thẳng vô Thiết Tràng, đột khởi thành hòn Kỳ Đồng (có tên nữa là Bà Lam cao không đầy 100 thước).

    Cũng như núi Tân Nghi, hòn Kỳ Đồng đất sỏi, không có cây cao bóng cả, mà có những lùm những bụi um tùm. Hình núi dài và nếu kể cả những gò đống nối liền thì rõ là một con Khủng Long uốn khúc, trông thấy rõ ràng khi chúng ta đứng ngã Đại Bình, tức ở mặt phía Tây. Bởi vậy các thầy địa lý mới gọi là con Thanh Long.

    Dưới chân Kỳ Đồng ở phía Tây có một bàu nước rộng chừng ba mẫu rất sâu. Dù nắng hạn bao nhiêu nước cũng không bao giờ cạn. Đó là Bàu Sấu.

    Vì có Bàu Sấu ở dưới chân núi, nên Kỳ Đồng được danh hiệu là "Thanh Long Ẩm Thủy".

    Bốn hòn "Tứ Linh" đều triều Tây, tức là quay đầu chầu Trưng Sơn trong dãy Tây Lãnh.

    Và trong bốn hòn thổ sơn ấy, núi Kỳ Đồng còn ghi lại một sự kiện lịch sử vừa bi đát vừa oai hùng.

    Nguyên cuối năm Bính Tuất (1886), Nghĩa quân Cần Vương bị quân Trần Bá Lộc đánh phá dữ dội, nhiều đạo binh trấn thủ các nơi yếu địa bị tiêu diệt lần. Liệu thế không thể kéo dài cuộc kháng chiến, Mai Nguyên soái quyết cùng địch quần một trận một mất một còn. Bèn dồn đại binh đến núi Kỳ Đồng dùng Bàu Sấu lập trận Thủy Bối. Quân ta và quân địch kịch chiến suốt hai ngày đêm. Địch tổn thất rất nhiều. Nhưng cuối cùng quân ta đại bại. Vì tinh thần chiến đấu cao đến đâu, mà binh khí phần nhiều là binh mác đao cung thì địch sao nổi với súng trường trọng pháo. Cho nên sau mấy trận chống chọi anh dũng – lớp này chết lớp kia xông ra – nghĩa quân hao mòn lần, đuối sức lần bị quân địch tiêu diệt. Mai Nguyên Soái bị thương nặng, máu xối ướt cả chiến bào, chết ngất trên mình ngựa. Con Hồng chở chủ vượt qua Bàu Sấu, chạy thẳng về nhà ở Phú Lạc. Sau khi cứu tỉnh, Nguyên Soái vào mật khu Linh Đỗng quyết chỉnh tu binh mã để phản công. Nhưng rồi Trần Bá Lộc hạ độc thủ, lớp thảm sát lương dân; sanh cầm Mai mẫu, lớp truyền lệnh cho lý hương các thôn ở Bình Khê nếu trong vòng một tháng không tìm được Nguyên Soái thì sẽ bị chôn sống hết. Để cứu nạn cho nhân dân và mẹ già, Nguyên Soái phải ra chịu chết. Những chiến lũy ở Kỳ Đồng và Bàu Sấu bị giặc phá tan hiện nay không còn thấy dấu. Tuy nhiên, hành nhân qua lại, ai ai cũng biết rằng nơi đây đã đổ biết bao nhiệt huyết để tưới thắm non sông và trong những trận gió rung cây dường phảng phất tiếng ngâm của Mai Nguyên Soái:

    Không tính làm chi cuộc mất còn,

    Nợ trai trả đặng ấy là khôn.

    Gió đưa hồn nghĩa gươm ba thước,

    Đá tạc lòng trung núi mấy hòn.

    Tái ngắt mặt gian xương tợ giá,

    Đỏ lòa bìa sách máu là son.

    Rồi đây ngọc luật đưa xuân lại

    Một gốc mai già nảy rậm non.

    Núi Kỳ Đồng, ở phía Đông sát bên chân, có nhánh sông La Vỹ tức sông Quai Vạc. Núi dừng hẳn bên bờ sông phía Tây. Nhưng sơn mạch phục xuống đáy sông qua cánh đồng Thiết Trụ, rồi khởi lên thành dãy gò Thành Cũ (Thành Đồ Bàn), gò Vân Sơn và núi Long Cốt.

    Gò Thành Cũ rộng thênh thang và nối liền với gò Vân Sơn cùng núi Long Cốt. Cả ba đều có hai nhánh sông Côn bao quanh bốn mặt, như hai cánh tay ôm choàng những quả bí ngô.

    Trên gò Thành Cũ hiện còn dấu thành Đồ Bàn, có đền thờ Song Trung và Lăng Võ Tánh. Bên cạnh lăng có ngọn tháp Cánh Tiên. Ngoài ra chỉ có sỏi đỏ (mỏ đá ong), và cỏ áy, lau thưa.

    Gò Vân Sơn cũng không có gì lạ. Gò chạy lúp xúp, dáng tròn tròn, cỏ mọc hoe hoe trên đất sỏi càn táo.

    Chỉ có hòn Long Cốt là đáng để ý.

    Núi không cao (43 thước) cũng không rộng, nằm trong địa phận thôn Nhạn Tháp.

    Đó là một hòn núi đất sỏi trơ trụi. Trên đỉnh có ba ngọn núi đứng ngay hàng, hướng về Thành Cũ. Trên ba ngọn núi xưa kia có ba ngọn tháp Chàm và nhiều tượng đá. Do đó núi có tên nữa là Tam Tháp Cang. Dưới chân núi về phía Đông có chùa Nhạn Sơn ẩn hiện trong bóng xoài xanh, tươi mát.

    Núi này trước kia làm tiền án cho thành Đồ Bàn và chính nơi núi này Nguyễn Huệ đã đặt súng bắn vào thành Hoàng Đế để uy hiếp Nguyễn Nhạc. Người đến viếng cảnh nghĩ chuyện ngày xưa, lòng không khỏi ít nhiều cảm khái.

    Theo các nhà Phong Thủy, tức các thầy Địa, thì long mạch hòn Trưng Sơn chạy từ Tây xuống núi Kỳ Đồng, qua đồng bằng và các cụm núi nhỏ Hương Sơn, Trà Sơn…. rồi đến ba gò Thành Cũ, Vân Sơn, Long Cốt. Đến đây thì chìm xuống đất chạy đến núi Mò O thì hồi cố.

    Hòn Mò O không cao (345 thước) và nằm giữa quận An Nhơn (phía Nam) và Phù Cát (phía Bắc).

    Có nhiều thầy địa bảo rằng: Hòn Mò O tiếp cận đến hai sơn mạch. Một từ Kỳ Đồng xuống, một từ Chà Rang chạy xuống đến đầu thôn Phú Thành (Phù Cát) qua các gò Tân Nghi, Bỉnh Đức, Nghĩa Hòa… thì nhập với mạch Kỳ Đồng vào Mò O, thành "Lưỡng Long Nhập Thủ" nghĩa là hai con rồng vào một cái đầu. Và hòn Mò O là "Đình Tức Long" tức là con rồng dừng lại để thở, rồi chạy xuống bảy hòn núi đất ở Chánh Mẫn (Phù Cát) cách chừng ba cây số mới dừng lại.

    Hòn Mò O, nửa đất sỏi nửa đá dăm, đứng sừng sững giữa cánh đồng rộng. Hình thủ cổ quái. Trên đỉnh có một lỗ thủng, ngoài tròn trong vuông, rộng chừng hai thước, sâu trên một thước. Dưới đất toàn cát trắng. Người địa phương gọi là Giếng Tiên. Do đó núi mệnh danh là Tiên Tỉnh Sơn.

    Trên miệng giếng có hai tảng đá hình tam giác cao lớn đứng song song che miệng giếng ở mặt Đông và mặt Tây. Xa trông giống lỗ miệng hả toạc hoạc mà đôi môi nhọn hoắt như môi cô gái lăng loàn. Người Tây bảo "núi hả miệng mắng Trời". Vì vậy núi có tên nữa là Mạ Thiên Sơn.

    Hình núi, đứng nơi chùa Thập Tháp ngó xuống thì thấy giống một lá buồm. Chùa lấy núi làm Tiền án. Và đối với địa cuộc của chùa, núi chịu triều phục, nên dáng trông hiền lành, lễ độ. Nhưng nếu đứng ngoài vùng Phù Cát ngó vô thì thật ngạo nghễ, hung tợn. Lưng chơm chởm đá dăm như lưng nhím, miệng mồm há hốc như con gấu heo toan vồ mồi. Nếu đứng hướng Đông nhìn lên thì là một ông Phật ngồi, hai đùi giãn, hai chân thòng, bụng phơi ra, mặt ngó thẳng xuống bảy hòn thổ sơn ở Chánh Mẫn (Phù Cát). Còn đứng lối Đập Đá trông ra, thì không hiền cũng không dữ, có thể ví với một con mãnh hổ nằm ngó mông.

    Không ai hiểu vì sao núi lại mang tên là Mò O (Đại Nam Nhất Thống Chí chép là Mô ô (…) có lẽ phiên âm tiếng Mò O ra chữ Hán), vì trên núi và quanh vùng không hề có khóm mò o nào cả. Trái lại ở sườn phía Đông và phía Nam có một thứ chè gọi là chè Tóc Tiên, hương vị rất đượm. Và thứ đá dăm ở sườn phía Bắc là thứ đá hoa thạch anh, hình lục giác, bát giác… trông óng ánh nhiều màu. Người ta bảo rằng đá chịu gió Bấc lâu đời sẽ thành ngọc kim cương. Nên thỉnh thoảng có khách đeo chiếc cẩm nang không đáy, đi vào núi.

    Đó là những hòn Thổ Sơn có tiếng ở vùng Bình Khê, An Nhơn. Còn nhiều hòn nữa nhưng không có gì đặc biệt đáng nêu.

    . Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

    ( Báo Bình Định)
     

Chia sẻ trang này