Tìm Hiểu Người Nhật

Thảo luận trong 'Phát ngôn - Tiên tri - Dự báo - Cảm ứng' bắt đầu bởi phanthaianh, 7 Tháng tám 2006.

  1. phanthaianh

    phanthaianh Hội Viên Kim Cương

    Tham gia ngày:
    22 Tháng bảy 2006
    Bài viết:
    121
    Điểm thành tích:
    0
    Trích từ BBC
    Độc giả Nguyễn Nam Di hiện là giáo viên dạy tiếng Việt cho các học sinh ở bậc đại học của Thái Lan. Trước đó chị đã có ba năm sống và làm việc ở Nhật Bản. Chị gửi BBC bài viết về một số cảm nhận trong thời gian ở Nhật.
    [​IMG]
    Người Nhật có niềm tự hào dân tộc rất cao
    Với tôi nước Nhật giống như một cô gái nhan sắc trung bình nhưng có ý thức chăm chút bản thân và khéo che đậy khuyết điểm. Còn Việt Nam thì như một cô gái đẹp nhưng hơi cẩu thả và thiếu tự tin.

    Ba năm sống ở Nhật cho tôi sự tự tin rằng nhận xét của mình không đến nỗi nông nổi.

    Người Nhật hay nước Nhật thoạt nhìn thì rất dễ mê hoặc lòng người vì vẻ đẹp thanh lịch mà họ rất có ý thức tạo ra. Cách họ vận kimono, cách họ ăn mặc, đi đứng, chào hỏi, đối đãi với nhau, tất cả đều tuân theo những nghi thức nhất định.

    Tiếng Nhật phản ánh điều này rất rõ.

    Ví dụ, đi ra khỏi nhà thì người đi nhất định phải nói : Itte kimasu, người ở nhà đáp trả: Itte rassai.

    Rời khỏi công ty sớm hơn bạn đồng nghiệp thì phải nói: Osakini (xin phép tôi về trước); người còn ở lại làm việc sẽ đáp trả: Otsukaresama (Anh/Chị đã vất vả nhiều.)

    Vào nhà ai thì phải nói : Ojyamashimasu (Xin lỗi vì quấy rầy);
    Bắt đầu ăn cơm thì nói: Itadakimasu (Cám ơn đã được nhận thức ăn như thế này), v.v…

    Tốt khoe ra xấu xa đậy lại

    Ðiểm chung dễ nhận thấy là người Nhật ít khi nói về những điểm không tốt ở Nhật cho người nước ngòai nghe.
    " Với phần đông người Nhật, cách sống tốt nhất là tuân thủ theo những nguyên tắc mà xã hội đề ra"
    Có lẽ vạch áo cho người xem lưng là điều tối kỵ với người Nhật. (Dĩ nhiên trừ những tác phẩm văn học, nơi người dẫn chuyện có thể ẩn náu vào không gian hư hư thực thực.)

    Vì thế đối với khách du lịch nước ngòai, mọi thứ ở Nhật đều trông có vẻ rỡ ràng, đẹp đẽ.

    Năm đầu tiên khi mới đến Nhật tôi cũng những tưởng như vậy nhưng khi hiểu tiếng Nhật tốt hơn, có cơ hội thâm nhập sâu hơn thì mới biết cuộc sống ở Nhật căng thẳng và nặng nề.

    Sự căng thẳng và nặng nề này phần lớn là do tính cách Nhật tạo ra.

    Với phần đông người Nhật, cách sống tốt nhất là tuân thủ theo những nguyên tắc mà xã hội đề ra.

    Lọai nhân viên mà các công ty mong muốn được gọi là Inu-ningen, dịch một cách thô tháp là lọai người trung thành như chó (Inu: chó, ningen: người). Còn những ai mà “bị” gọi là Neko-ningen (người có tính cách khó bảo như mèo) thì hoặc phải là người thực sự độc đáo, có tài năng xuất sắc bằng không thì sẽ bị xã hội ruồng bỏ, và có thể đưa đến tự sát. (Nhật là một trong những nước có tỷ lệ tự sát cao nhất trên thế giới.)

    Có lẽ cũng vì thế mà nhà cửa ở Nhật được xây theo một kiểu na ná như nhau. Một trệt, một lẩu với mái ngói giả nâu.

    Nhớ dai

    Quan hệ giữa người với người ở xã hội Nhật thì lại càng phức tạp.

    Ở VN, người ta có thể giận nhau, cãi nhau, thậm chí đánh nhau nhưng ngày hôm sau lại đâu vào đấy, trong khi ở Nhật, một lần thất thố trong quan hệ thì xem như mối quan hệ đó vĩnh viễn bị chôn vùi, người trong cuộc sẽ không muốn nhìn mặt nhau lần thứ hai nữa.

    Một anh bạn đồng nghiệp người Nhật nói với tôi: “Người Nhật thì không quên cái gì cả.”

    Vì thế họ rất cẩn trọng trong ăn nói, đối đãi với người khác. Luôn luôn lịch sư có thể nói là nguyên tắc số một trong giao tiếp mang tính xã hội ở Nhật.

    Thế nhưng đằng sau sự lịch sụ đó là bao ẩn ức bị đè nén.

    Tôi thật sự bị sốc khi lần đầu hiểu được tin trên ti vi là vì thù ghét nhau mà người ta đã nhẫn tâm đốt cháy cả chung cư có người mà mình thù ghét đang ở; rồi thì tình trạng Ijime, nghĩa là đứa trẻ nào không may có ngoại hình xấu hoặc ốm yếu hoặc không hòan tòan là người Nhật (cha hoặc mẹ là người nước ngoài, đặc biệt là người châu Á) sẽ bị bạn cùng lớp thay nhau đánh đập; rồi thì mẹ giết con vì thấy mệt mỏi khi phải chăm sóc con, rồi thì con dùng búa giết chết cả nhà vì bị người cha la mắng, …

    Những tin lọai này được phát hàng đêm trên ti vi Nhật nhưng trong câu chuyện hàng ngày, ngay cả giữa ngừơi Nhật với nhau, hầu như không đả động đến.

    Tự hào dân tộc

    Một điểm đáng học tập ở người Nhật là lòng tự hào dân tộc của họ.

    Hầu như người Nhật nào cũng chỉ ưa chuộng những sản phẩm thuộc về nước Nhật.

    Tôi có một anh bạn, tự xem mình là lọai chống lại xã hội, bên lề xã hội Nhật nhưng hễ nói về món ăn thì nhất định wasyoku- món ăn kiểu Nhật là ngon hơn cả; washitsu -phòng theo kiểu Nhật là đẹp hơn cả, wafuku-quần áo kiểu Nhật là thanh lịch hơn cả.

    Cái sự yêu nước thấm vào tận tim óc như anh này là điều phổ biến hầu như đối với từng người Nhật.

    Ngay cả đối với nét mặt, anh nào mà mắt ti hí, mũi tẹt trông rất Nhật, được gọi là mặt nước tương, syoyu-gao, (syoyu: lọai nuớc chấm được chế biến kỳ công, có hàng trăm lọai khác nhau, được dùng phổ biến ở Nhật) thì được các bà mẹ Nhật khen ngợi hơn anh có khuôn mặt sausu-gao, lọai nước sốt dùng cho tây – nghĩa là người có mắt sâu, mũi cao như tây.

    Một biệt tài của người Nhật theo tôi là biến những cái hầu như không có thành có thể và còn hơn có thể, trở thành biểu tượng.

    Đó là những ấn tượng chính của tôi về Nhật Bản.

    Xin hẹn sẽ trao đổi thêm vào lần sau.

    Minh Duc, Montreal, Canada
    Đọc bài của bạn VDT nói rằng tại Nhật các lễ phép đã được chuẩn hóa. Theo tôi thì tại Việt Nam thời xưa các điều lễ phép cũng đã được chuẩn hóa như vậy. Nhưng với thời gian, nhiều nét văn hóa từ bên ngoài ảnh hưởng vào cho nên những lễ phép được chuẩn hóa đó đã bị phôi pha đi ít nhiều. Thí dụ, tại miền Bắc trước 1945, người dân tại nông thôn lễ phép hơn dân thành thị, các cách thức chào hỏi, mời ăn cơm đều đúng chuẩn mực, còn dân thành thị thì có lẽ vì ảnh hưởng của Tây học nên bớt lễ phép đi. Việc người Nhật tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc xã hội, theo tôi, là do hai yếu tố ảnh hưởng.

    Thứ nhất xã hội Nhật chịu ảnh hưởng Nho giáo, vì thế mọi người đều phải cư xử theo những điều gọi là Lễ và các giá trị của xã hội qui định. Xã hội Nho giáo không dùng luật pháp, chính quyền để bắt mọi người phải làm thế này hay thế kia nhưng mọi người đều tự ý phải tôn trọng các giá trị của xã hội nếu không muốn bị chê bai, khinh rẻ.

    Thứ hai là Nhật là một đảo quốc, cách biệt với thế giới bên ngoài nên một dân tộc sống cách ly với thế giới bên ngoài thường có văn hóa đồng nhất, mọi người tin tướng theo một số điều nhất định giống nhau. Khác với Việt Nam vì nằm trên "ngã ba quốc tế" của Đông Nam Á, chịu ảnh hưởng của đủ mọi loại văn hóa, từ Tàu đến Tây, rồi đến Mỹ, Nga, nay lại đến Hàn Quốc, Nhật ... thế thì người dân biết lấy gì làm chuẩn? Chuẩn theo Tàu hay theo Tây hay theo Hàn quốc? Vì thế dân Việt tương đối có tính cởi mở, dễ dãi, dễ chấp nhận sự khác biệt hơn dân Nhật.

    VDT, Tokyo
    Tôi hiện nay cũng đang học tập ở Nhật. Đọc bài viết của chị Nam Di thấy đúng quá. Xã hội Nhật đúng là có nhiều quy tắc và chuẩn mực, đặc biệt là trong giao tiếp. Tất cả mọi người đều phải tuân theo những quy tắc đó, nếu không sẽ không thể hoà nhập được với xã hội Nhật. Mỗi buổi sáng trước khi ra ngoài, người ta thường nói ittekimasu, cái đó cũng tương tự như là người Việt mình nói "Tôi đi nhé", hay chuẩn bị ăn cơm thì nói "itadakimasu", cũng như người Việt mình nói "Mời mọi người ăn cơm" vậy. Nhưng cái khác ở Nhật so với VN là, ở Nhật những nghi lễ đó đã được chuẩn hoá như những công thức, còn ở VN thì không như vậy. Người Nhật chuẩn hoá tất cả mọi thứ thành công thức, trong hầu hết các công việc họ làm. Tất cả đều có phương pháp hướng dẫn chi tiết từng li từng tí.

    Cuộc sống ở Nhật căng như sợi dây đàn. Mọi người làm việc và làm việc. 8h, 9h tối, trên các tàu điện chật ních người đi làm về. Không được thoải mái như ở VN. Chính vì thế người Nhật rất dễ stress, và sinh ra các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Điều ấn tượng nhất đối với tôi khi ở Nhật là ở thái độ cực kỳ chu đáo và nhẫn nại của người Nhật trong công việc. Ở bất kỳ nơi công cộng nào, người dân cũng nhận được sự tiếp đón cởi mở và được phục vụ một cách tận tình nhất. Điều này ở VN hầu như không có. Không chỉ người bình thường, người tàn tật cũng được hỗ trợ một cách tốt nhất. Ở khắp nơi đều có đường lên xuống cho xe lăn có thể đi được. Tại các điểm qua đường có nút bấm báo hiệu bằng âm thanh để người mù có thể qua đường, trên vỉa hè có đường kẻ nổi cho người mù đi, tại các điểm công cộng đều có chữ nổi Braille để người mù có thể đọc. Có lẽ không có nơi nào người dân được nhà nước chăm lo chu đáo như ở đất nước này.

    Nguyen Nam Di
    Xin trao đổi thêm với chị Kyu Roan, Kobe. Ðồng ý là ở đâu, nước nào cũng có các vụ án mạng xảy ra, và Nhật là một trong những nước có cách đưa tin vừa nhanh vừa chi tiết, cặn kẽ. Tuy nhiên điều làm tôi băn khoăn là mức độ nhẫn tâm trong các vụ án ở Nhật. Chúng tôi thường nói vui với nhau rằng: ở VN cũng có cướp bóc, giết người, cướp của nhưng thường có lý do có thể giải thích được: chẳng hạn cần tiền, chẳng hạn như thất tình, v.v… Còn phần lớn các vụ án mạng ở Nhật đều xuất phát từ vấn đề tâm lý cá nhân.

    Tôi được một người bạn Nhật cho biết đôi khi người ta muốn giết một ai đó chỉ để giải tỏa sự căng thẳng trong tinh thần mà thôi. Cá nhân tôi cũng là người rất khâm phục nước Nhật, và đặc biệt là bị tính cách Nhật thu hút. Tôi hòan tòan không có ý chê bai mà chỉ muốn tìm hiểu xem tại sao lại có những hiện tượng như vậy xảy ra ở một đất nước mà trình độ dân trí phát triển rất cao. Một cô bạn người Ðài Loan cũng đã từng sống ở Nhật cho rằng đó là kết quả của việc bị thống trị từ trên xuống (cô dùng từ be authorized).

    Xã hội Nhật về mặt triết lý có thể nói là xã hội ngưỡng mộ thành tích, kỳ công, xã hội trọng vọng anh hùng. Nếu bạn là một người có tài hoặc có chức vụ cao, có sức mạnh thể chất thì lẽ phải thuộc về bạn (điều này có lẽ sẽ gây ra tranh luận); còn những người bình thường, yếu đuối thì bị Ijime (bị chèn ép) liên tục.

    Những người này hoặc là bị Jimesyo (chứng bệnh sợ xã hội, không múôn giao tiếp với ai), trẻ con thì bị Toukokyohi (cự tuyệt đến trường). Ðể xả stress thì hoặc thực hiện những hành vi quái gở một cách âm thầm hoặc gây ra những án mạng có tính cách bệnh hoạn. Một số khác thì thăng hoa trong những họat động sáng tạo có tính cách đơn độc và đạt được những thành công rực rỡ.

    Manga, văn chương Nhật theo tôi là những minh chứng khá thuyết phục. Một anh bạn người Nhật thì cho rằng vấn đề của xã hội Nhật hiện nay là vấn đề Jiko (tự kỷ), là kết quả của rất nhiều nguyên nhân: sự ích kỷ của con người trong xã hội hiện đại, kết hợp với cách đánh giá của xã hội thiên về cổ vũ cho những người hùng (tính Samurai) và chứng bệnh của một đất nước đã từng nghèo khổ (anh gọi là mazushii) rất không muốn chia phần cho người khác, những người có vẻ như không có tiềm lực sản sinh.

    Và người Nhật là người thường suy nghĩ rất sâu trong mọi vấn đề, lại không nói ra, làm cho cái bình thường trở nên phức tạp (ảnh hưởng của Zen- Thiền) nên sự căng thẳng và nặng nề trong xã hội Nhật có tính chất khá đặc trưng. Dĩ nhiên, vì muốn tìm hiểu một phần trong những vấn đề của xã hội Nhật nên bức tranh mà tôi đưa ra có thể u ám hơn thực tại. Vẫn có những người sống hồn nhiên, vui vẻ trên đất Nhật và cuộc sống vẫn tiếp diễn phong phú hơn những gì mà một vài người có thể nhìn thấy ở vài góc độ. Cám ơn chị đã đọc và có ý kiến cho bài viết của tôi. Rất mong được nhận những ý kiến đóng góp khác. Nguyễn Nam Di.
     

Chia sẻ trang này