Thân người khó được - Phật pháp khó nghe_Đức Phật

Thảo luận trong 'CẢI MỆNH NHIỆM MẦU: Tu là sửa chính Mình - Không yêu cầu người khác sửa đổi theo mình' bắt đầu bởi tutru, 16 Tháng mười một 2017.

  1. tutru

    tutru Ban Quản Trị

    Tham gia ngày:
    14 Tháng mười một 2009
    Bài viết:
    513
    Điểm thành tích:
    18
    Giới tính:
    Nam
    Trân trọng thân người khó được
    03/07/2016 - 09:03
    Lượt xem: 1319
    Quán niệm về thân người khó được

    Nay ta thoát khỏi vương tám nạn,
    Được thân người toàn vẹn ,phúc thay.
    Nếu không nắm lấy cơ may,
    Dịp nào còn được như vầy nữa sao?

    Theo quan kiến Phật giáo, có được “thân người” là vô cùng quý giá và hoàn hảo, bởi vì được sinh ra làm người giúp chúng ta thoát khỏi tám nạn lớn và có được mười điều may mắn vô cùng hy hữu sau:

    1. Thoát khỏi tám nạn lớn gồm:

    - Thoát cảnh Địa ngục

    - Thoát cảnh Ngã quỷ

    - Thoát cảnh Súc sinh

    - Thoát cảnh sinh lên cõi Trời Trường thọ

    - Thoát khỏi cảnh sáu căn khiếm thiếu

    - Thoát khỏi cảnh sinh nơi biên địa

    - Thoát khỏi cảnh sinh thời không có Phật

    - Thoát khỏi cảnh không có tín căn.

    Khi thực hành pháp quán này, chúng ta có thể dành thời gian mỗi ngày, ngồi tĩnh lặng và suy ngẫm, phân tích như sau:

    Thoát cảnh Địa ngục

    Thật may mắn vì bạn không bị sinh trong Địa ngục. Đó là nơi khổ não chồng chất, dù là địa ngục nóng hay lạnh, chúng sinh ở đó phải chịu đau đớn suốt đêm ngày, không có được một giây phút bình an. Ác nghiệp của những chúng sinh bị đọa vào Địa ngục ngăn cản họ không được biết đến Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng. Cho dù có nghe đến giáo pháp họ cũng không thể tư duy thực hành bởi nỗi đau đớn đã lấn át chiếm đoạt trọn vẹn thân tâm họ.

    upload_2017-11-16_15-26-27.jpeg

    Thoát cảnh Ngã quỷ

    Cảnh giới của Ngã quỷ theo như kinh pháp dạy là một cõi sống vất vưởng, sống bằng ảo tưởng và nhất là bị chi phối bởi đói khát dày vò. Thức ăn của các chúng sinh đó phải theo nghiệp, họ thèm khát vô cùng nhưng khi có được thức ăn thì không thể ăn được. Chúng sinh nơi đó không thể nghe được giáo pháp do ác nghiệp ngăn che. Một số loài quỷ có thể nghe được giáo pháp thì lại không đủ trí tuệ và sự an bình nội tâm để thực hành theo.

    upload_2017-11-16_15-26-27.jpeg

    Thoát cảnh Súc sinh

    Phần lớn súc sinh trên thế giới này hoặc luôn luôn trong cuộc chiến bảo toàn mạng sống, không biết lúc nào mình sẽ bị chết đói hay ăn thịt, hoặc phải sống kiếp nô lệ, bị con người bắt làm những công việc nặng nhọc hay bị phanh thây xẻ thịt, chặt đầu lột da để phục vụ ham muốn hưởng thụ của con người. Loài lớn ăn hiếp loài bé, như con muỗi bị con sâu ăn, con sâu lại bị con chim ăn, loài lớn hơn lại ăn con chim. Mạng sống của loài súc sinh vô cùng mong manh. Những con vật có phước hơn thì được hưởng cuộc sống sung sướng nhưng lại không có tri thức để ý thức về cuộc sống về bản thân.
    Hãy thiền định suy ngẫm về loài Súc sinh luôn đắm chìm trong si mê, ngu muội. Dù một con vật có thể nghe một bài Pháp, nó vẫn không đủ khả năng hiểu và thực hành, do đó, không thể đạt được giải thoát.

    upload_2017-11-16_15-26-27.jpeg

    Chúng ta có được thân người quý giá, thoát khỏi nỗi đói khát, si mê cùng cực của quỷ ác, địa ngục và súc sinh nhưng chúng ta vẫn dửng dung và quên lãng đi sự thật hiển nhiên đó. Vì vậy, bạn hãy suy niệm rằng phúc duyên may mắn thay bạn đã không phải sinh vào những cảnh khổ như thế mà lại được làm người với đầy đủ khả năng thực hành Phật Pháp! Do đó việc quán thân người khó được nhắc chúng ta rằng hãy luôn biết trân trọng những gì mình đang có, đừng vùi quên, đừng lãng phí nó.

    Thoát cảnh sinh lên cõi Trời Trường thọ

    Một số người cho rẳng sinh vào cõi Trời là tốt nhưng thực ra không phải như vậy. Có ba cõi trời là Sắc giới, Dục giới và Vô sắc giới. Riêng cõi trời Dục giới có gần 30 tầng, trong đó có cõi trời Trường thọ. Chúng sinh khi sinh lên cõi Trời này sẽ an trụ trong vô số đại kiếp trong trạng thái định, không tạo thêm ác nghiệp song cũng không thể đoạn trừ phiền não, khi Đức Phật ra đời thuyết Pháp họ cũng không biết tìm đến nghe, không tích lũy thêm được thành tựu tâm linh nào cho đến khi kiếp sống đó kết thúc. Khi hết phúc báo, vô số ác nghiệp được tích tụ từ vô thủy kiếp sẽ khơi dậy và khiến họ đoạ lạc. Được sinh lên cõi trời này còn được gọi là “tai nạn kiếp thứ ba”, nghĩa là kiếp này chúng ta làm phúc, kiếp sau lên trời nhưng kiếp sau nữa chắc chắn sẽ đọa lạc.

    Ngài Xá Lợi Phất có một người đệ tử Tì Bà là một thần y rất giỏi ở thời Phật chuyên chữa cho vua. Một lần, có một đệ tử của Ngài Xá Lợi mắc 1 căn bệnh nặng không chữa được, Ngài mới nhớ ra mình có một đệ tử là thầy thuốc hiện đang ở cõi trời. Do có phép thần thông nên Ngài đã lên cõi trời để tìm ông Tì Bà hỏi bài thuốc chữa cho đệ tử của mình. Khi lên cõi trời, Ngài gặp ông Tì Bà đang ngồi trên xe ngựa vẫy tay. Ngài ngạc nhiên vì ngày xưa ở dưới thế gian khi gặp chư tăng, bổn phận của một cư sĩ đệ tử là phải chắp tay cung kính cúi chào. Lúc này ông Tì Bà mới dừng xe lại và xin sám hối lạy thầy vì khi được được sinh lên đây, ông không còn thời gian để nghĩ gì đến Phật pháp ngoài nghĩ đến việc nhảy múa, vui chơi hết chỗ này đến chỗ khác. Lúc bấy giờ Ngài Xá Lợi mới thuyết cho ông một bài pháp và nhắc nhở ông tu tập.

    Quán niệm nỗi khổ sinh vào cõi Trời Trường thọ cho ta thấy sự may mắn được tái sinh trong cõi người vì đây là cõi trung gian, không quá khổ như ba cõi thấp, cũng không quá sướng như chư thiên đến nỗi quên mất Phật pháp. Vì vậy, chỉ có con người mới có đủ tuệ giác để thực hành Phật Pháp.

    upload_2017-11-16_15-26-27.jpeg

    Thoát khỏi cảnh sáu căn khiếm thiếu

    Bạn hãy tiếp tục suy ngẫm về những bất hạnh khiếm khuyết chức năng cơ thể mà mình đã tránh được. Nếu mắt bị mù, bạn sẽ không thể nhìn thấy bậc Thầy, chư Phật, chư Bồ tát, cũng không thể quán tưởng, đọc tụng hay nghiên cứu Kinh điển. Nếu bị khiếm thính, bạn sẽ không thể nghe giáo pháp giải thoát, những lời khẩu truyền quán đỉnh từ bậc Kim cương Thượng sư. Tương tự, nếu bị câm ngọng hay tay chân thiếu khuyết thì sự thực hành của bạn cũng sẽ bị cản trở rất nhiều. May mắn hơn cả là ý căn vẹn toàn giúp bạn có khả năng tư duy hiểu biết. Bạn có thể thấy quý giá biết nhường nào khi mình có đủ sáu căn, tức sáu giác quan nhận thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), có đầy đủ mọi điều kiện của thân người để thực hành Phật pháp.

    upload_2017-11-16_15-26-27.jpeg

    Thoát khỏi cảnh sinh nơi biên địa

    “Biên địa” chỉ nơi không có Phật pháp. Nếu sinh ra ở một nơi không có Phật pháp, dù có được thân người hoàn hảo thì cũng sẽ thành uổng phí bởi bạn không biết đường hướng để tu hành. Đời sống của bạn sẽ đắm chìm trong những mối ràng buộc và bận tâm thế tục mà không thể giải thoát. Trong vũ trụ quan Phật giáo, nơi biên địa đó giống như Bắc Câu Lô châu. Ngày nay, chúng ta có thể liên tưởng đến những quốc gia xa xôi trên trái đất này, nơi chưa từng được đón nhận ánh đạo vàng Phật pháp.

    upload_2017-11-16_15-26-27.jpeg

    Thoát khỏi cảnh sinh vào thời không có Phật

    Kinh điển dạy rằng, quãng thời gian kể từ khi một Đức Phật nhập Niết bàn đến khi một Đức Phật khác đản sinh là rất lâu. Giáo pháp của Đức Phật Thích Ca trải qua 500 năm Chính Pháp, tiếp đến là 1.000 năm Tượng Pháp và sau đó là 10.000 năm Mạt Pháp. Kết thúc thời Mạt Pháp, tất cả xá lợi của Đức Phật từ khắp nơi trên thế giới sẽ quy tụ về Bồ đề Đạo tràng và thị hiện lại hình ảnh Đức Phật Thích Ca một lần nữa trước khi tan biến hoàn toàn, sự kiện này gọi là Xá lợi Niết bàn. Sau đó, Phật pháp sẽ hoàn toàn biến mất trên thế gian và con người chìm trong vô minh u tối trong một thời gian dài. Sau khi xá lợi Niết bàn, con người đi vào thời kỳ Kiếp giảm, cứ 100 năm tuổi thọ lại giảm đi một tuổi, liên tục như vậy tới khi tuổi thọ còn 10 tuổi, sau đó bắt đầu thời kỳ Kiếp tăng, cứ 100 năm tuổi thọ tăng thêm một tuổi cho tới khi tăng đến 84.000 tuổi. Sau đó, tuổi thọ tiếp tục cứ 100 năm lại giảm một tuổi cho đến khi đạt mức 80.000 tuổi. Khi đó, Đức Phật kế tiếp là Đức Phật Di Lặc mới đản sinh. Khoảng thời gian như vậy tính ra thực sự là một con số khổng lồ. Suốt trong thời gian đó, chúng sinh không được thấy ánh sáng Phật pháp, không được nghe đến Tam Bảo dù chỉ một lần. Nếu được sinh làm người trong lúc ấy cũng chẳng được chút lợi ích. Không biết đến Phật pháp, chúng ta không thể thực hành tâm linh một cách đúng đắn, không thể tích lũy công đức và nhân giải thoát, mà sẽ chỉ tạo tác những nghiệp đưa đến khổ đau đọa lạc.

    Chúng ta sinh vào kiếp người nhưng vào thời có Phật là vô cùng may mắn. Có người nói đời này không tu, xin hẹn đời sau đủ duyên. Nhưng thực ra không có kiếp sau ấy. Nếu bị đọa địa ngục, ở đó chỉ 5 ngày được quay lại thế gian thì lúc đó Phật pháp diệt rồi, không có cơ hội được tu tập nữa. Kiếp người không biết đường lối tu tập, không biết có kiếp sau để được sinh thành người nữa không? Mà nếu có thành người cũng không biết có phúc duyên được hạnh ngộ Minh sư và có điều kiện tu tập không? Trong cuộc đời, chúng ta đã tạo vô số nghiệp ác, chỉ sảy một đường tơ kẽ tóc là có thể đọa địa ngục. Bởi vậy chúng ta phải tận dụng từng giây từng phút của kiếp người này để tu tập.

    upload_2017-11-16_15-26-27.jpeg

    Thoát khỏi cảnh không có tín căn

    Không có tín căn hay niềm tin vào Phật pháp là một bất hạnh rất lớn. Những người không có niềm tin Phật pháp, phủ nhận lý nhân quả, cho rằng chết là hết hoặc bám chấp mù quáng vào những tà kiến mê tín, thì cho dù có được thân người đầy đủ, gặp được Phật pháp cũng sẽ không biết thực hành gieo nhân giải thoát, họ sẽ chỉ lãng phí kiếp người của mình để tạo tác vô số nghiệp trôi lăn trong luân hồi.

    upload_2017-11-16_15-26-27.jpeg

    Trên đây gọi là tám nạn lớn mà bất cứ chúng sinh nào cũng có nhiều khả năng gặp phải trong luân hồi. Hãy nhận thức rằng việc thoát khỏi đồng thời tám nạn này thật sự là một điều kỳ diệu và hy hữu mà biết bao thiện nghiệp và phúc báo chín muồi mới có thể đem lại cho bạn!

    2. Mười điều may mắn gồm:

    Năm phúc báo về Thân:

    - Có được thân người quý giá.

    - Có đầy đủ chức năng thân tâm.

    - Có đức tin với giáo pháp.

    - Không phạm tội Ngũ nghịch.

    - Sinh nơi trung quốc.

    Năm phúc báo về Cảnh:

    - Sinh thời có Phật.

    - Sinh thời Chính Pháp được lưu truyền kết tập.

    - Sinh thời Phật pháp phát triển.

    - Được gặp Minh sư.

    - Có đầy đủ các điều kiện vật chất để tu tập.

    Khi thực hành quán chiếu những đề mục này, chúng ta dành thời gian mỗi ngày, ngồi tĩnh lặng và suy ngẫm, phân tích như sau:

    Năm phúc báo về Thân

    a. Được sinh làm người.thân người quý giá và khó được

    Thân người quý giá bởi vì cõi Người không quá khổ đau như Tam ác đạo (Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh), cũng không quá sung sướng đến nỗi chìm đắm và không nhận thức được sự cần thiết thực hành Phật pháp như cõi Trời. Cõi Người là nơi khổ đau và hạnh phúc xen kẽ một cách vừa phải, đủ để làm động lực cho chúng ta tinh tiến thực hành Phật pháp.

    Thân người được coi là quý giá hơn núi Kim cương, bởi vì việc sở hữu một núi Kim cương cũng không giúp bạn mua được cho mình một tái sinh tốt đẹp cho đời sau, cũng không mua được giác ngộ giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Chỉ trong thân người thì ta mới có điều kiện thuận lợi nhất để thực hành Phật pháp, đạt được giác ngộ. Do vậy, có thể nói rằng thân người là con thuyền thù thắng chở chúng ta vượt đại dương sinh tử đầy ắp hiểm nguy và đau khổ. Có thân người là có tất cả.

    Đức Phật đã dùng một hình ảnh ẩn dụ để minh họa về mức độ hy hữu này và bạn có thể suy ngẫm về câu chuyện đó khi thiền định. Hãy tư duy về hình ảnh con rùa mù sống dưới đáy biển,một ngàn năm mới được nổi lên một lần. Nếu không tóm được bọng cây,con rùa lại phải chìm xuống một ngàn năm nữa. Biển rộng mênh mông, bọng cây lại nhỏ bé và lênh đênh, con rùa bị mù,cứ ngoi lên rồi lại chìm xuống không biết bao nhiêu lần,biết đến khi nào con rùa mới gặp được bọng cây để ngoi lên mặt nước?

    Một lần khác, Đức Phật hỏi Ngài A Nan: “Đất dính trong móng tay ta nhiều hơn hay đất đại địa nhiều hơn?” Ngài A Nan trả lời rằng đất ở đại địa nhiều hơn đất dính trong móng tay Phật. Đức Phật liền dạy: “Chúng sinh chết đi được thân người chỉ như đất trong móng tay. Chúng sinh chết đi đọa lạc nhiều như đất trong đại địa.” Chúng ta có thể thấy điều này rất rõ ràng khi so sánh số lượng loài người với số lượng loài súc sinh như loài kiến, sâu, giun, ruồi, muỗi, chuột… Đó là chưa kể đến những loài mắt thường chúng ta không trông thấy được như ngã quỷ, phi nhân và chúng sinh trong địa ngục. Như vậy để thấy rằng số lượng chúng sinh được sinh làm người quả là ít ỏi!

    Thân người chúng ta có được đời này không hề dễ dàng mà phải do công phu tu tập tích lũy thiện căn phúc đức, đặc biệt là giữ đầy đủ toàn vẹn năm giới trong vô số kiếp trong quá khứ. Để có được thân người, chúng ta phải vượt qua vô vàn khó khăn, cạm bẫy trên hành trình sinh tử.

    upload_2017-11-16_15-26-27.jpeg

    Hãy tư duy về những giai đoạn Bardo trung gian khốc liệt trên hành trình đó, đặc biệt là giai đoạn trung ấm đầy hiểm nguy và khiếp sợ. Bên cạnh các cơ hội giải thoát là vô số ảo ảnh cuốn hút thần thức đến những đọa xứ: ánh sáng mờ mờ êm dịu của sáu cõi có sức thu hút hơn ánh Quang minh chói lọi của chư Phật trong Bardo Pháp tính; ảnh hiện của hầm hố, hang hốc, gốc cây, lâu đài cùng hồ nước, lò rèn của người đồ tể, thác nước cạn khô, sấm sét khủng khiếp và gió nghiệp lạnh thấu xương truy đuổi, dẫn dụ thần thức đang hoang mang và sợ hãi tột độ khao khát tìm đến một chỗ trú chân bất kỳ trong Bardo tái sinh. Do ác nghiệp gây ra, hầu hết phàm tình đều nhầm lẫn và dường như không tránh khỏi cạm bẫy này. Khi đến cánh cửa đầu thai, rất có thể do tác động của nghiệp lực và vô minh, chúng ta nhìn thấy cha mẹ bò lại lầm tưởng là người, hay ngược lại. Sự nhầm lẫn đó cuốn chúng ta vào bào thai và sinh ra thành một chú bê con với nỗi khổ ngu si và câm lặng suốt một đời. May mắn thay bạn đã vượt qua tất cả những cạm bẫy hiểm nguy ấy để được sinh làm người một cách toàn vẹn.

    Hãy nghĩ đến chúng sinh đã vào được làm thai người, nhưng do ác nghiệp bị trục ra và phải chết đau đớn không toàn thân trước khi kịp chào đời. Bạn thật may mắn đã được đến với cuộc đời mà không bị vứt bỏ một cách phũ phàng như vậy.

    Hãy nghĩ đến cả chúng sinh bị đoản mạng, phải chết trước khi kịp trưởng thành với đầy đủ nhận thức làm lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Ta thật may mắn vì đã khôn lớn thành người. Giờ đây chúng ta có đủ năng lực để tận dụng thân người một cách hiệu quả nhất.

    Sau khi tư duy về tất cả những điều này, bạn sẽ cảm thấy hoan hỷ vì có được một tái sinh vô cùng quý giá và thù thắng, tri ân cha mẹ đã sinh ra, cưu mang nuôi dưỡng mình cho tới ngày nay. Cuộc sống làm người chúng ta có được không phải đơn giản như ta hằng nhầm tưởng mà đó thật sự là một phép màu, là trân bảo vô giá mà chúng ta cần trân trọng và sử dụng sao cho hữu ích.

    b. Thân người đầy đủ sáu căn, hay đầy đủ chức năng thân tâm

    Như đã phân tích ở phần trên, dù chỉ khiếm khuyết một trong sáu căn, bạn sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong đời sống cũng như trong sự thực hành Pháp. Bạn hãy trải từ bi đến những người mới sinh ra đã bị hạn chế sáu căn, hoặc khi trưởng thành gặp tai nạn dẫn đến hư hỏng các căn, hoặc bị bệnh tật mà các bộ phận cơ thể hoạt động không bình thường, sức khỏe suy yếu kiệt quệ dẫn đến đời sống vô cùng khổ sở. Tư duy như vậy, chúng ta có thể thấy mình vô cùng may mắn vì được sáu căn đầy đủ, cơ thể khỏe mạnh, và ta được tự chủ một cách tương đối đối với thân của mình.

    c. Có tín tâm với Phật pháp

    Tín tâm là niềm tin, chính tín đối với Phật pháp tức giáo pháp giải thoát. Tín tâm ở đây khác với tín điều bởi tín tâm là niềm tin được trưởng dưỡng thông qua hiểu biết chân chính. Với hiểu biết chân chính, niềm tin được phát khởi một cách nhậm vận tự nhiên chứ không do mê mờ hay ép buộc bởi các thánh thần hay thế lực bên ngoài nào khác. Nói cách khác, tín tâm là niềm tin có trí tuệ.

    Nếu không có niềm tin, chúng ta không thể thực hành. Hoặc nếu niềm tin không chân chính, dù có thực hành chúng ta cũng đi sai đường và không thể tới đích.

    Hãy suy nghĩ đến những người xung quanh, gia đình, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp,… của chúng ta. Đặc biệt trong xã hội hiện đại này, có bao nhiêu người dành thời gian cho sự thực hành tâm linh, trưởng dưỡng niềm tin nơi Phật pháp? Ngược lại, có bao nhiêu người chỉ chạy theo cuộc sống vật chất tiện nghi, hưởng thụ, có bao nhiêu người mê tín, lạc lối theo tà thuyết hay đến chùa để cầu tài cầu lộc nhằm mưu lợi thế gian? Bởi vậy, chúng ta thật may mắn vì có tín tâm với giáo pháp. Điều này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà do những thiện căn, những hạt giống chính pháp thiện lành đã được chúng ta gieo trồng và vun bồi trong các kiếp quá khứ.

    upload_2017-11-16_15-26-27.jpeg

    d. Không phạm tội Ngũ nghịch

    Tội Ngũ nghịch là năm trọng tội bao gồm giết cha, giết mẹ, giết A la hán, làm thân Phật chảy máu và phá hủy sự hòa hợp của Tăng đoàn. Những người phạm tội ngũ nghịch không thể chứng đắc giác ngộ trong một đời, hơn nữa, ác nghiệp họ tạo ra quá lớn khiến sự thực hành gặp nhiều trở ngại và có thể chịu quả báo xấu ác ngay lập tức. Hãy nhận ra sự may mắn của mình vì đã không phạm một trong năm tội này.

    Thời Đức Phật tại thế, có một vị vua đã giết cha mình để cướp ngôi, mặc dù được chính Đức Phật khai thị pháp sám hối những vị vua đó cũng chỉ tiêu tội địa ngục, không thể chứng đạt Phật quả được.

    e. Sinh nơi trung quốc

    “Trung quốc” nghĩa gốc là nước ở trung tâm. Ở đây để chỉ sự may mắn được sinh ra nơi trung tâm của Phật pháp, có thắng duyên hạnh ngộ giáo pháp, hạnh ngộ Minh sư, được trợ duyên sách tấn bởi thiện hữu tri thức và một môi trường thực hành đúng đắn. Hãy nghĩ về những người phải sống xa trung tâm Phật pháp, dù có nhiệt tâm nhưng không có bậc Minh sư hướng đạo, không được tiếp xúc với giáo pháp chân chính, như thế rất khó để họ thực hành tâm linh đúng đắn và thành tựu.

    Năm phúc báo về Cảnh

    a. Sinh thời có Phật

    Như đã đề cập ở trên, sinh vào thời có Phật là một phúc duyên hy hữu không thể nghĩ bàn. Bởi vậy, được sinh vào thời này, khi Phật pháp vẫn được lưu truyền, chúng sinh vẫn biết đến Tam Bảo, vẫn có cơ hội hạnh ngộ Minh sư, bạn cần tự cảm thấy vô cùng may mắn tri ân vì có đủ phúc duyên và điều kiện thực hành giáo pháp chân chính.

    b. Sinh thời Chính Pháp được lưu truyền kết tập

    Kinh điển ghi lại. Ngài Xá Lợi Phất từng bạch Phật hỏi rằng thời Phật nào Chính pháp trụ lâu? Đức Phật trả lời:”Thời Phật Tỳ Bà Thi, Thức Khí, Câu Lưu Tôn, Ca Diếp. Bởi vì các Ngài rộng nói Kinh pháp, sau lại có người kết tập, như tràng hoa có chỉ xâu lại, dù gió thổi cũng không phân tán. Còn thời Phật Câu Na Hàm Mâu Ni và Tỳ Diệp La, Pháp chẳng trụ lâu. Phật và các Thanh văn diệt độ rồi, người sau không có kinh pháp thu nhiếp”. Như vậy, tuy chúng ta ra đời sau khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn đã trên hai ngàn năm những vẫn được hạnh ngộ Chính pháp, nhờ công phu lưu truyền kết tập của nhiều đời Tổ sư, đây quả là một điều may mắn hiếm có.


    c. Sinh thời Phật pháp phát triển

    Hiện nay đang là thời Phật pháp phát triển: tự do tín ngưỡng của nhân dân được tôn trọng, chúng ta có thể tự do lựa chọn con đường tâm linh cũng như phương pháp thực hành phù hợp với mỗi người. Hãy suy nghĩ về các thời Pháp nạn ở Việt Nam cũng như trên thế giới để thấy rõ điều này. Có những triều đại Phật pháp không những không được ủng hộ mà còn bị đàn áp câu thúc, chùa chiền bị dỡ bỏ, Kinh tượng bị thiêu hủy, Tăng Ni bị bức hại hoặc ép phải hoàn tục. Khi đó, người dân không có điều kiện tiếp xúc với giáo pháp, càng không có điều kiện để thực hành tu tập. Quán chiếu như vậy để thấy rằng chúng ta đang vô cùng may mắn khi được sống trong một thời đại Phật pháp được ủng hộ, phát triển. Hãy tận dụng cơ hội quý giá này để thực hành trưởng dưỡng tâm linh!

    d. Được hạnh ngộ Minh sư

    Trên thế giới có bao nhiêu người biết Phật? Trong đó có bao nhiêu người biết đến giáo pháp chân chính? Bao nhiêu người biết Pháp lại được hạnh ngộ Minh sư? Minh sư là Bậc Thầy dìu dắt chúng ta trên con đường tâm linh, trao truyền cho chúng ta giáo pháp chân chính đưa đến giải thoát giác ngộ. Hãy suy ngẫm để thấy rằng, dù cho hội đủ các điều kiện khác, nếu bạn không được kết nối với một bậc Minh sư, một Thượng sư giác ngộ thì con đường tâm linh của bạn vẫn sẽ mờ mịt, biết bao khó khăn thử thách rình rập đưa bạn đi sai đường.



    e. Được sự ủng hộ đầy đủ các điều kiện vật chất để tu tập

    Ngày nay chúng ta không thiếu thốn các điều kiện vật chất, hầu như mọi phương tiện đều được đầy đủ. Chẳng hạn như Kinh sách được phổ biến, mạng Internet cũng như các những phương tiện truyền thông khác giúp chúng ta dễ dàng tiếp cận giáo pháp, dễ dàng kết nối hơn với các Bậc Thầy. Môi trường thực hành như các tự viện, đạo tràng, trung tâm tâm linh cũng phát triển hơn, tiện lợi hơn để trợ duyên cho chúng ta. Hãy tri ân những điều kiện này đã tạo nên thắng duyên cho sự thực hành, và do đó chúng ta không được bỏ lỡ cơ hội.

    Từ tất cả những quán chiếu phân tích nói trên, bạn có thể suy ngẫm rằng, mặc dù được sinh làm người không lâm tám nạn, hưởng tám vô nạn và mười thiện sinh xứ là vô cùng khó khăn, nhưng nhờ những thiện nghiệp tích lũy từ nhiều đời trước, nay bạn có được thân người với đầy đủ khả năng và cơ duyên thành tựu giác ngộ. Kinh điển dạy, có đủ 18 điều này ví hơn kim cương vàng bạc trên thế giới tụ lại. Có 18 điều này tiền tài không mua được. Tiền vàng khi chúng ta chết không biết đem đi đâu, không muốn thành quỷ, súc sinh, chúng ta không thể dùng tiền mua được thân người, không thể mua được sự nghiệp một cách mãi mãi.

    Vì vậy, bạn cần nỗ lực tu tập để thành tựu giải thoát. Nếu cái chết xảy đến mà bạn vẫn chưa chuẩn bị cho mình hành trang tâm linh và tiếp tục ra đi tay trắng thì bạn đã hoàn toàn lãng phí sự may mắn và quý báu của kiếp sống này. Do nghiệp lực xoay vần, kiếp sau bạn sẽ khó có được thân tái sinh may mắn như đời này. Dù sinh lên những cõi cao hay phải đọa ba đường dữ thì bạn đều không có cơ hội tu tập giải thoát. Vì vậy, hãy coi đây là lời nhắc nhở bạn phải tận dụng từng giây phút quý báu của đời sống làm người để tu tập Phật Pháp một cách nhiệt tâm, tinh tấn.

    Trích ấn phẩm: "Bardo - Hành trình liễu sinh thoát tử"
    NXB Tôn giáo, 2014
     

Chia sẻ trang này